Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Âm Nhạc » Tiểu Sử Thánh Ca: Xin Chúa Ở Cùng Con – Abide With Me

Tiểu Sử Thánh Ca: Xin Chúa Ở Cùng Con – Abide With Me

Lời Ban Biên Tập:
Một trong những bài thánh ca thường được hát sau lễ Phục Sinh là bài thánh ca Xin Chúa Ở Cùng Con (Thánh Ca Hội Thánh Tin Lành Việt Nam – Bài số 32).  Tựa đề của bài thánh ca trong tiếng Anh là Abide With Me.   Tựa đề của bài hát được trích từ câu nói mà hai môn đệ tại làng Emmaus đã thưa với Chúa, sau khi họ gặp Ngài sống lại (Lu-ca 24:29).  Mời bạn đọc theo dõi vài nét về tiểu sử của bài thánh ca Xin Chúa Ở Cùng Con.

Tiểu Sử Thánh Ca
Xin Chúa Ở Cùng Con – Abide With Me

Abide With Me (Xin Chúa Ở Cùng Con) một thánh ca nổi tiếng.  Bài hát bày tỏ niềm ước ao được có Chúa bên cạnh. Vua George Đệ V của nước Anh và Mahatma Gandhi là vài người trong số những nhân vật nổi tiếng cho biết họ yêu thích bài thánh ca này. Thánh ca Abide With Me không chỉ phổ biến trong cộng đồng những người tin Chúa nhưng được dùng trong hơn chục cuốn phim.  Hàng năm, quân đội Anh, Canada, Úc, Tân Tây Lan và Ấn Độ đều cử hành bài thánh ca Abide With Me trong các cuộc diễn hành tại mỗi quốc gia.  Kể từ năm 1927, thánh ca Abide With Me được hát trước trận chung kết cúp bóng đá nước Anh (FA Cup Final). Bài thánh ca cũng được hát trong lễ khai mạc Thế Vận Hội London vào năm 2012.

Tác giả

Tác giả của bài thánh ca Abide With Me là Henry Francis Lyte (1793-1847), một mục sư tại Scotland.  Mục sư Henry Francis Lyte sinh ngày 1/6/1793 tại Ednam, Scotland. Ông là con trai thứ hai của Thomas và Anna Maria Lyte.

Thomas Lyte, thân phụ của Mục sư Henry Francis Lyte, là người rất thích săn bắn nhưng không quan tâm đến gia đình. Ông gởi hai con trai, trong đó có Henry Francis Lyte, vào trường nội trú Portora Royal School rồi bỏ cả gia đình đi theo thú tiêu khiển của mình. Trước hoàn cảnh đó, bà Anna Maria Lyte vợ ông đã đem đứa con út về London sống. Một thời gian sau, bà và người con trai út qua đời tại London.

Mẹ qua đời, cha bỏ đi, dầu mồ côi, tuổi còn nhỏ, gặp nhiều khó khăn nhưng Henry Francis Lyte vẫn chăm chỉ học.  Thấy tâm chí của cậu bé, Tiến sĩ Robert Burrows, hiệu trưởng của Portora Royal School, đã trả học phí để cậu bé có thể tiếp tục học.  Tiến sĩ Robert Burrows tiếp tục giúp Henry Francis Lyte trong những năm sau đó và đối xử với Henry Francis Lyte như là đứa con nuôi.

Sau khi học xong trung học, Henry Francis Lyte tiếp tục học đại học tại Trinity College ở Dublin.  Tốt nghiệp đại học xong, năm 1815 Henry Francis Lyte xin thụ huấn để trở thành mục sư cho Giáo hội Anh Quốc.

Năm 1816, Henry Francis Lyte kinh nghiệm được Chúa thăm viếng; sự kiện quan trọng này đã thay đổi cuộc đời của ông.  Trong một lần đến thăm một mục sư đang hấp hối, vị này nói với Henry Francis Lyte rằng ông đã phạm một sai lầm nghiêm trọng trong cuộc đời hầu việc Chúa là ông đã không nghiên cứu kỹ lưỡng các thư tín của Phao Lô.  Sau lần gặp mặt đó, sinh viên thần học tập sự Henry Francis Lyte quyết định dành thì giờ suy gẫm Kinh Thánh kỷ càng; và từ đó nhà truyền đạo trẻ đã giảng Lời Chúa với một năng lực mới mẻ.

Năm 1817, Henry Francis Lyte đến tập sự hầu việc Chúa tại Marazion, Cornwall.  Tại đây, ông gặp cô Anne Maxwell, một tín hữu Giám Lý; hai người yêu nhau và tiến đến hôn nhân.  Henry Francis Lyte được ghi nhận là một thanh niên cao lớn, đẹp trai, học rộng, nói năng lịch thiệp; còn cô Anne Maxwell thì không đẹp, thậm chí lớn hơn Henry Francis Lyte 7 tuổi; dầu vậy hai người rất yêu thương nhau và sống với nhau rất hạnh phúc.  Họ sinh được ba con trai và hai con gái.

Từ nhỏ Henry Francis Lyte mắc bệnh suyển trầm trọng.  Các bác sĩ khuyên ông phải sống gần bờ biển hoặc sông, nơi có khí hậu trong lành mát mẻ.  Vì lý do đó, Mục sư Henry Francis Lyte đã xin hầu việc Chúa tại vùng duyên hải với những ngư dân.  Các nhiệm sở của ông là Taghmon (1815), Marizion (1817), Sway (1820), Dittisham (1822), Charletton (1823), Lower Brixham (1824).  Tại Lower Brixham, Mục sư Henry Francis Lyte tổ chức chương trình Trường Chúa Nhật cho con của các ngư dân trong khu vực.  Mỗi năm, ông tổ chức một chương trình sinh hoạt cho khoảng 800-1000 học sinh Trường Chúa Nhật từ nhiều thị trấn đến tham dự.

Không bao lâu sau khi Mục sư Henry Francis Lyte đến Lower Brixham, rất nhiều người biết khả năng giảng dạy của ông nên đến nhà thờ để nghe ông giảng.  Hội thánh của Mục sư Henry Francis Lyte tăng trưởng rất nhanh nên phải nới rộng nhà thờ thật lớn mới đủ chỗ cho tín hữu tham dự. Có người thời đó mô tả ngôi nhà thờ mới tại Lower Brixham rộng như một kho chứa lúa thật lớn.

Mục sư Henry Francis Lyte là người có năng khiếu bẩm sinh về thi ca nên làm thơ rất hay. Bên cạnh đó, ông cũng là một nghệ sĩ và là một chuyên gia về flute.  Mục sư Henry Francis Lyte cũng là một học giả; ngoài tiếng Anh, ông nói lưu loát Latin, Greek và tiếng Pháp.  Ông rất giỏi về văn chương, có kiến thức sâu rộng về thực vật học, đặc biệt về các loại hoa.  Thư viện sách của Mục sư Henry Francis Lyte được xem là thư viện đầy đủ và có giá trị nhất miền tây nước Anh vào thời đó.  Tuy nhiên, nhiều người nhớ đến Mục sư Henry Francis Lyte không phải vì kiến thức của ông, nhưng vì thái độ khiêm tốn, khéo léo, ân cần, cảm thông. Cách ông đối xử với mọi người đã lưu lại những kỷ niệm đẹp trong ký ức của nhiều người mà ông tiếp xúc.

Đa số các tín hữu của Mục sư Henry Francis Lyte là những người nghèo.  Ông thường đến tận nhà, đến các ghe chài của họ để thăm viếng; điều này đã khích lệ các tín hữu rất nhiều.  Khi có tàu từ những nơi xa đến đậu tại cảng, Mục sư Henry Francis Lyte liền đến thăm và tặng Kinh Thánh cho từng chiếc tàu.  Khi các tàu địa phương phải thực hiện những chuyến đi xa, Mục sư Henry Francis Lyte thu thập những thánh ca và biên soạn những bài suy gẫm Kinh Thánh để tặng thủy thủ đoàn nhằm giúp họ có thể thờ phượng Chúa trong lúc xa nhà khi lênh đênh giữa biển khơi.

Mục sư Henry Francis Lyte là một thi sĩ có tài.  Năm 1826, ông xuất bản Tales in Verse Illustrative of Several of the Petitions in the Lord’s Prayer.  Tác phẩm này được John Wilson, Giáo sư Triết học tại Edinburgh University, viết lời phê bình.  Năm 1833, Mục sư Henry Francis Lyte phát hành tập thơ Poems, Chiefly Religious.  Năm 1834, ông phát hành tiếp tập thơ The Spirit of the Psalms. Trong tập thơ này, có rất nhiều bài được phổ nhạc; trong đó có ba bài nổi tiếng là: “Praise, My Soul, the King of Heaven” (Thi Thiên 103), “God of Mercy, God of Grace” (Thi Thiên 67), “Pleasant Are Thy Courts Above” (Thi Thiên 84).

Trong những năm cuối đời, bệnh suyển của Mục sư Henry Francis Lyte trở nên trầm trọng.  Bác sĩ khuyên ông phải sang Ý hoặc miền nam nước Pháp, nơi có khí hậu ấm áp để điều trị.   Mục sư Henry Francis Lyte về với Chúa vào ngày 20/11/1847.

Những tác phẩm Mục sư Henry Francis Lyte viết vào những năm cuối đời đã được xuất bản vào năm 1850 – ba năm sau khi ông về với Chúa – với tựa đề là Remains. Đến năm 1868, một số bài thơ chọn lọc của ông được tái bản.

Lời Thánh Ca Anh Ngữ

Bài thánh ca Abide With Me được sáng tác trên giường bệnh, chỉ ba tuần trước khi Mục sư Henry Francis Lyte về với Chúa.  Lời thánh ca Abide With Me được khai triển trên ý của câu Kinh Thánh Lu-ca 24:29.  Câu Kinh Thánh này ghi lại lời hai môn đệ, khi gặp Chúa trên đường về Em-ma-út, đã thưa với Chúa: “Xin ở lại với chúng con, vì trời sắp tối và ngày gần tàn.”  Dựa vào câu Kinh Thánh này, Mục sư Henry Francis Lyte đã sáng tác bài thơ Abide With Me với nội dung như sau:

Abide With Me

1. Abide with me; fast falls the eventide;
The darkness deepens; Lord with me abide.
When other helpers fail and comforts flee,
Help of the helpless, O abide with me.

2. Swift to its close ebbs out life’s little day;
Earth’s joys grow dim; its glories pass away;
Change and decay in all around I see;
O Thou who changest not, abide with me.

3. Not a brief glance I beg, a passing word,
But as Thou dwell’st with Thy disciples, Lord,
Familiar, condescending, patient, free.
Come not to sojourn, but abide with me.

4. Come not in terrors, as the King of kings,
But kind and good, with healing in Thy wings;
Tears for all woes, a heart for every plea.
Come, Friend of sinners, thus abide with me.

5. Thou on my head in early youth didst smile,
And though rebellious and perverse meanwhile,
Thou hast not left me, oft as I left Thee.
On to the close, O Lord, abide with me.

6. I need Thy presence every passing hour.
What but Thy grace can foil the tempter’s power?
Who, like Thyself, my guide and stay can be?
Through cloud and sunshine, Lord, abide with me.

7. I fear no foe, with Thee at hand to bless;
Ills have no weight, and tears no bitterness.
Where is death’s sting? Where, grave, thy victory?
I triumph still, if Thou abide with me.

8. Hold Thou Thy cross before my closing eyes;
Shine through the gloom and point me to the skies.
Heaven’s morning breaks, and earth’s vain shadows flee;
In life, in death, O Lord, abide with me.

Lược dịch ý thơ:

1. Xin ở cùng con khi màn đêm buông nhanh.
Xin Chúa ở cùng con lúc bóng đen dày đặc.
Khi những người giúp đỡ khác thất bại và những người an ủi lìa xa
Xin ở cùng con! Xin cứu giúp người đang vô vọng.

2. Ngày ngắn ngủi trong đời trôi nhanh như thủy triều
Thú vui trần gian mờ nhạt; vinh quang của nó tàn phai.
Con nhận thấy sự đổi thay và sói mòn diễn ra quanh con
Nhưng lạy Đấng Bất Biến, cầu xin Ngài ở với con.

3. Con không nài xin để được một cái nhìn ngắn ngủi hay một lời chóng qua
Nhưng Chúa ơi! Như Ngài đã sống với các môn đệ của Ngài
Thân mật, khiêm nhu, nhẫn nại, cởi mở
Xin đến, không phải ở lại vài ngày, nhưng ở luôn với con.

4. Xin đừng đến với uy nghi của Vua các vua
Nhưng bằng tình thương và nhân từ, với sự chữa lành trong cánh của Ngài
Cho tấm lòng đang cầu xin; và mang nước mắt cho tất cả kẻ thù.
Người Bạn Thân Thiết của các tội nhân,  xin hãy đến và ở bên con.

5. Dầu tâm trí con trong thời niên thiếu đã từng đùa cợt
Cùng với những lần nổi loạn, và những buông lung
Dầu vậy, Ngài đã chẳng hề lìa con, dù con thường lìa bỏ Ngài.
Lạy Chúa! Đến cuối cùng, xin Ngài ở với con!

6. Con cần sự hiện diện của Chúa từng giờ.
Ngoại trừ ân điển của Ngài, có gì có thể đánh bại quyền lực của kẻ cám dỗ?
Ngoài chính mình Ngài, ai có thể dẫn dắt con và ở bên cạnh con?
Dầu nắng ấm hay mây mờ, lạy Chúa, xin Ngài ở với con.

7. Khi có Chúa bên cạnh ban ơn, con không khiếp sợ một kẻ thù nào;
Bệnh tật không phải là gánh nặng; nước mắt không là nỗi đắng cay.
Nọc của sự chết, ngươi ở đâu? Phải chăng mộ phần là chiến thắng của ngươi?
Và nếu Ngài bên con, con vẫn đắc thắng.

8. Hãy đặt thập tự của Ngài trước đôi mắt nhắm lại của con
Hãy chiếu soi qua bóng mờ và chỉ cho con những bầu trời.
Bình minh của thiên cung tỏa rạng; bóng đen hư vô của trần thế lìa xa.
Lạy Chúa! Dù sống hay chết xin Ngài vẫn ở cùng con.

Nhạc

Người viết nhạc cho bài thánh ca Abide with Me là William Henry Monk (1823-1889).

William Henry Monk sinh ngày 16/3/1823 tại London.  Từ nhỏ, William Henry Monk đã bộc lộ năng khiếu về âm nhạc, đặc biệt về khả năng đánh đàn phong cầm (organ).  Năm 18 tuổi, William Henry Monk được mời làm người đánh đàn phong cầm cho nhà thờ St. Peter tại Eaton Square, Central London (1841).  Sau đó cứ hai năm, William Henry Monk lại đổi việc để tìm cách thăng tiến trên con đường âm nhạc.

Năm 1843, William Henry Monk nhận lời làm người đánh đàn phong cầm cho nhà thờ St. George tại Albemarle Street.  Năm 1845, William Henry Monk nhận chức vụ tương tự tại St. Paul Church, ở Portman Square.  Năm 1857, William Henry Monk trở thành nhạc trưởng cho ban hợp xướng King’s College, London;  đây là ban hợp xướng nổi tiếng thế giới, vẫn còn cho tới ngày hôm nay. Năm 1859, William Henry Monk kiêm luôn chức vụ đánh đàn phong cầm tại King’s College. Trong thời gian làm việc tại King’s College, William Henry Monk đã áp dụng kỹ thuật hát ngân từ thế kỷ thứ 3 vào một số Thi Thiên được ban hợp xướng King’s College trình bày.

Mặc dầu công việc tại King’s Collge rất tốt và được trọng vọng, William Henry Monk không dừng chân tại đó quá lâu.  Năm 1852, ông nhận lời làm nhạc trưởng kiêm người đàn phong cầm cho nhà thờ St. Matthias tại Stike Newington.  Trong thời gian làm việc tại St. Matthias Church, William Henry Monk bắt đầu viết hòa âm cho thánh ca.

Khả năng sáng tác, soạn hòa âm và hiệu đính các tác phẩm âm nhạc của William Henry Monk được công chúng London nhìn nhận.  Năm 1857, William Henry Monk được mời làm trưởng ban biên tập để biên soạn bộ thánh ca Hymns Ancient and Modern.  Cuốn đầu tiên trong bộ thánh ca này được xuất bản vào năm 1861 với vài trăm thánh ca. Sau đó, mỗi lần tái bản hoặc xuất bản, một số thánh ca mới được thêm vào.  Ấn bản thứ hai của Hymns Ancient and Modern được phát hành vào năm 1875.  Các ấn bản kế tiếp được phát hành vào những năm 1889, 1904 và 1916.

Hymns Ancient and Modern được ghi nhận là cuốn thánh ca được bán chạy nhất từ trước đến nay. Một số thánh ca trong cuốn  Hymns Ancient and Modern đã được in lại trong thánh ca của nhiều giáo hội, trong đó có thánh ca của Hội Thánh Tin Lành Giám Lý.

Theo Mục sư Nguyễn Văn Vạn, khi soạn thánh ca cho Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, Mục sư và bà William Cadman đã dịch rất nhiều thánh ca từ thánh ca của Hội Thánh Tin Lành Giám Lý Hoa Kỳ và Anh Quốc.  Nhiều bài thánh ca trong cuốn thánh ca của Hội Thánh Tin Lành Giám Lý xuất bản vào đầu thế kỷ 20 được trích từ cuốn Hymns Ancient and Modern do William Henry Monk biên soạn; và do đó, nhiều thánh ca trong cuốn Thánh Ca của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam có nguồn gốc từ cuốn thánh ca này.

Trong khi biên soạn Hymns Ancient and Modern, William Henry Monk đã cho xuất bản một số giai điệu cho thánh ca do chính ông sáng tác.  Vài tác phẩm nổi tiếng của ông là Gethsemane, Ascension, St. Deny Eventide.  Eventide là giai điệu được hát với bài Abide With Me.  Giai điệu này được in trong ấn bản đầu tiên của Hymns Ancient and Modern phát hành vào năm 1861.

William Henry Monk kể lại rằng ông đã sáng tác Eventide sau khi đứa con gái ba tuổi của ông qua đời. Cảm nhận được vẻ đẹp và tình cảm trong bài thơ Abide With Me của Mục sư Henry Francis Lyte, cộng thêm nỗi buồn đau khi đứa con vừa qua đời, William Henry Monk đã sáng tác một giai điệu sâu lắng, tuyệt đẹp, phù hợp với nội dung của bài Abide With Me.

Năm 1874, William Henry Monk được mời làm giáo sư thanh nhạc tại King’s College London.  Sau đó, ông làm giáo sư tại National Training School for Music (1876) và Bedford College (1878).   William Henry Monk tiếp tục sáng tác trong những năm về già.  Ông về với Chúa vào ngày 18/3/1889, hưởng thọ 66 tuổi,

Lời Việt

Nguyên văn bài Abide With Me gồm 8 phiên khúc. Khi dịch sang tiếng Việt, Ban Biên Soạn Thánh Ca của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam chỉ dịch năm phiên khúc 1, 2, 6, 7, và 8. Lời Việt của bài thánh ca như sau:

Xin Chúa Ở Cùng Con

1.  Cứu Chúa ở cùng con lúc kim ô lặn rồi,
Màn hoàng hôn bủa giăng, xin Ngài ngự bên con;
Lúc hết mong nhờ ai, con vô phương kêu nài,
Lòng đương bối rối, xin Ngài ở với con hoài!

2.  Cảnh ký sinh dường hoa nở ban mai chiều tàn,
Sự vinh hoa thế gian, giấc hoàng lương mau tan;
Cảnh bể dâu, tuồng hưng vong, xung quanh thân này,
Ngài đâu đổi thay, xin Ngài ở với con hoài!

6. Cứu Chúa!  Con cần Chúa ở bên con luôn luôn.
Ngoài ra ân điển Chúa lấy gì địch ma vương?
Chẳng có ai bằng Chúa – Đấng ban ơn mọi ngày.
Dầu mưa nắng, Chúa ơi!  Nguyện ở với con hoài.

7.  Có Chúa ở cùng con, quỷ ma không đương đầu
Lệ buồn cay đắng đâu?  Ác tật nặng nề đâu?
Hỡi chết!  Nọc mầy đâu? Sao mộ phần cô tịch?
Ngài luôn ở với con, hằng quét hết quân nghịch.

8. Chúa lấy thập tự đưa dẫn con khi qua đời,
Lòa soi trong tối, dắt con vào nơi nghỉ ngơi;
Ánh sáng thiên đàng soi, tan âm u đêm dài,
Dầu con sống, chết, xin Ngài ở với con hoài!

Ưu điểm chính của lời thánh ca trong tiếng Việt là giữ được nội dung và giai điệu gần với nguyên tác.  Lời dịch phiên khúc thứ nhất, sáu, bảy và tám trong tiếng Việt rất gần với lời thánh ca trong tiếng Anh. Trong phiên khúc thứ hai, nguyên tác dùng hình ảnh thủy triều để diễn tả cõi đời ngắn ngủi, mong manh.  Trong thánh ca tiếng Việt, khái niệm này được thay bằng hình ảnh những đóa hoa sáng nở tối tàn, được mô tả trong Thi Thiên 90:6. Như những thánh ca được dịch vào những thập niên đầu của thế kỷ 20, một số từ ngữ trong bản dịch Việt ngữ rất súc tích và cô đọng nhưng có lẽ hơi khó hiểu cho thế hệ hiện nay.

Châu Thanh

Thư Viện Tin Lành
Tháng 4/2012
www.thuvientinlanh.org

 

 

Abide With Me – Audrey Assad

Xin Chúa Ở Cùng Con – Abide With Me – Ban hát Hội Thánh Tin Lành Ấn Độ

Abide With Me – Hayley Westenra

 Abide With Me – Festival of Remembrance 2010

Abide With Me – Elton John

Abide With Me – Gentri (2018)

Abide With Me – Theoninous Monk – Jazz

Abide With Me –  Chr. Brassband Advendo Burum – Hòa Lan

Comments (6)

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top