Phan Khôi (1887-1959): Cuộc Ðời và Sự Nghiệp – Phần 3
Phan Khôi (1887 – 1959)
Cuộc Ðời & Sự Nghiệp
III. Ảnh Hưởng Của Thánh Kinh Trên Sự Nghiệp Văn Học Của Phan Khôi
Vũ Ngọc Phan, tác giả tác phẩm Nhà Văn Hiện Ðại, đã xếp Phan Khôi vào hàng những nhà văn tiên phong của nền văn học Quốc Ngữ Việt Nam. Tuy nhiên, nếu hiểu “nhà văn” theo quan niệm phổ thông, có lẽ nhiều người cho rằng Phan Khôi không xứng đáng được nhận danh hiệu đó; bởi vì nếu chỉ dựa vào tựa sách đã xuất bản thì Phan Khôi không phải là một tác giả quan trọng. Ông chỉ xuất bản một tập thơ, một tiểu thuyết và một công trình dịch thuật.
Phan Khôi thực chất là một nhà báo. Ông chuyên viết những bài luận thuyết, phê bình trên nhiều tờ báo lớn khắp mọi miền đất nước. Là một nhà báo nổi tiếng, cộng tác với nhiều tờ báo lớn, Phan Khôi phải viết bài hằng tuần cho nên ông không còn nhiều thì giờ cho những sáng tác văn học lớn.
Sự nghiệp văn học Phan Khôi để lại cho hậu thế không phải chỉ là những tác phẩm nhưng là những tư tưởng cách mạng trong nghệ thuật hành văn và thi ca. Những bài phê bình và luận thuyết Phan Khôi được đánh giá rất cao. Rất tiếc cho đến nay (1996), chưa có một công trình sưu tầm nào nhằm thu thập những bài viết trên báo chí của Phan Khôi được thực hiện.
Một số tác phẩm của Phan Khôi trước năm 1930 và sau năm 1946 đã thất lạc. Những tác phẩm còn lại của ông mà văn giới thường nhắc đến có thể tóm tắt như sau:
- Thơ:
– Tập thơ: Chương Dân Thi Thoại
– Thơ Cũ: Viếng Mộ Ông Lê Chất, Vịnh Thủy Hử, Khai Bút, Chơi Thuyền Trên Sông Tân Bình.
– Thơ Mới: Tình Già, Hai Cảnh Trên Xe Hỏa, Hớt Tóc, Hồng Gai, Nắng Chiều. - Văn:
– Tiểu Thuyết: Trở Vỏ Lửa Ra
– Truyện Ngắn: Ðọc Lệch Giết Lầm, Ông Bình Vôi, Ông Năm Chuột. - Biên Khảo và Nghị Luận:
Rất nhiều bài phiếm luận, phê bình, khảo cứu đăng trên nhiều tờ báo lớn. - Dịch Thuật:
– Dịch sang tiếng Việt: Kinh Thánh, Chủ Nghĩa Mác-xít, một số bài viết của Lỗ Tấn,
– Dịch sang tiếng Pháp: Mười Bài Thơ Liên Hoàn của Thứ Phi của vua Thành Thái.
Với kiến văn sâu sắc và một ngòi bút sắc sảo, cuộc đời cầm bút của Phan Khôi đã có nhiều cống hiến quan trọng cho văn học Quốc Ngữ Việt Nam.
1. Nhà Báo:
Mặc dầu Phan Khôi được xem là người khai sinh ra phong trào thơ mới tại Việt Nam nhưng nghề chính của ông lại là nghề viết báo. Những bài báo của Phan Khôi đã viết nếu được tổng hợp lại thì có thể đóng thành vài pho sách giá trị. Trong suốt cuộc đời cầm bút, Phan Khôi cộng tác với rất nhiều tờ báo nổi tiếng khác nhau, cả Pháp lẫn Việt, cả quốc gia lẫn cộng sản. Có lẽ vào đầu thế kỷ 20 không có mấy nhà văn cộng tác với nhiều tờ báo uy tín như Phan Khôi.
Cuộc đời làm báo của Phan Khôi có thể chia ra làm hai giai đoạn: trước và sau khi ông dịch xong Kinh Thánh.
Trước khi dịch xong Kinh Thánh, Phan Khôi cộng tác với nhiều tờ báo lớn như Nam Phong Tạp Chí (1917), Lục Tỉnh Tân Văn (1919), Hữu Thanh, Thực Nghiệp Dân Báo (1920),… Chủ bút của những tờ báo này là những nhà văn, nhà thơ uy tín như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Tản Ðà, Ngô Ðức Kế. Những học giả này rất trọng tài năng của Phan Khôi, tuy nhiên, văn nghiệp của Phan Khôi trong giai đoạn này không mấy thành công. Những bài viết của Phan Khôi từ năm 1917-1927 không được độc giả lưu ý lắm.
Nhiều thập niên về sau, khi Phan Khôi đã nổi tiếng, những nhà nghiên cứu “lật lại chồng báo cũ” nhận thấy rằng ngay từ năm 1917, khi còn viết cho Nam Phong, Phan Khôi đã có một lối hành văn sắc sảo, độc đáo, khác hẳn những nho gia nổi tiếng cũng trong Ban Biên Tập của tờ Nam Phong như Nguyễn Bá Học, Nguyễn Bá Trác.
Nhưng đến năm 1928, sau khi dịch Kinh Thánh xong, Phan Khôi từ giã miền Bắc vào Sài Gòn cộng tác với tờ Thần Chung và Phụ Nữ Tân Văn. Khi ấy, Ðức Chúa Trời ban phước cho Phan Khôi. Sau 10 năm làm việc với các học giả Kinh Thánh, Phan Khôi được “tu nghiệp” về văn phạm, ngữ pháp, nghệ thuật tu từ trong văn chương Hy Lạp (Greek) và Hi-bá-lai (Hebrew). Ðây là một cơ hội mà ít nhà văn Việt Nam nào vào thời ấy có được. Sau khi dịch Kinh Thánh xong, Phan Khôi ứng dụng những kiến thức văn phạm đã học được khi dịch Kinh Thánh vào cách hành văn Quốc Ngữ. Kể từ đó bài viết của Phan Khôi trở nên sắc sảo lạ thường và trở nên đắc giá như vàng.
Thiếu Sơn, một nhà phê bình văn học, trong bài nhận định đăng trên nhật báo Thần Chung vào năm 1967 cho biết: Vào thời giá năm 1930, một bài báo xuất sắc được trả 5 đồng là đã quá hậu hĩnh; nhưng ông bà Nguyễn Ðức Nhuận, Chủ Bút tờ Phụ Nữ Tân Văn đã mời Phan Khôi cộng tác và bằng lòng trả cho Phan Khôi 25 đồng cho mỗi bài. Thiếu Sơn nhận xét: Nhiều người cho rằng “văn chương hạ giới rẻ như bèo” nhưng văn của Phan Khôi lúc đó “đắc như vàng.” Thiếu Sơn viết tiếp: “Trong một tháng, chỉ với bốn bài cho tờ Phụ Nữ Tân Văn, Phan Khôi đã có 100 đồng, hơn lương công chức ngạch cao cấp cỡ phủ, huyện.”
Sau khi được Phan Khôi cộng tác, tờ Phụ Nữ Tân Văn được bạn đọc khắp nước tìm đọc. Ðây là một trong vài tờ báo hiếm hoi phát hành khắp cả nước vào thời đó. Thiếu Sơn nhận xét: Ðộc giả khắp nơi vui lòng trả 15 xu mỗi tờ chỉ để đọc được bài báo của Phan Khôi. Bài của ông được nhận xét là “gãy gọn, sáng sủa, đanh thép với những đề tài mới mẻ, những lý luận thần tình làm cho người đọc say mê, thống khoái.”
Kể từ đó tên tuổi Phan Khôi trở nên nổi tiếng, không những chỉ được biết đến trong giới học giả, nhưng cả đến độc giả phổ thông. Ðặc biệt nhiều người bắt đầu bước vào nghề viết văn đã coi nghệ thuật viết của Phan Khôi là mẫu mực để noi theo.
Năm 1942, Vũ Ngọc Phan trong tác phẩm Nhà Văn Hiện Ðại, khi phê bình về cuộc đời làm báo của Phan Khôi đã viết: “Trong văn giới Việt Nam, dù thuộc về phái già hay phái trẻ, tuy có nhiều người không đồng ý với Phan Khôi, nhưng ai ai cũng phải công nhận rằng ông là một tay kiện tướng.” Nhận xét này tái khẳng định điều mà cụ E.F. Irwin đã viết về Phan Khôi trong With Christ in Indochina vào năm 1936 rằng: “Today, he is recognized by everyone as an outstanding authority in the Annamese language. The result is that our Bible is a standard of Annamese literature, by all who know their letters.”
2. Nhà Thơ:
Nhắc đến Phan Khôi, độc giả phổ thông biết đến ông như là cha đẻ của phong trào thơ mới Việt Nam. Thật ra, Phan Khôi không chỉ có làm thơ mới, ông cũng là một nhà thơ cũ kỳ tài.
a. Thơ Cũ:
Xuất thân từ Nho học, ngay từ thời còn trẻ Phan Khôi đã làm nhiều bài thơ theo lối cũ rất xuất sắc. Bằng kiến văn sâu sắc và tài làm thơ, ông đã đậu tú tài vào năm 18 tuổi (1905) – tuổi tương đối trẻ so với nhiều nhà khoa bảng cùng thời.
Tài làm thơ thời còn trẻ của Phan Khôi không chỉ thể hiện lúc thi cử nhưng còn được nhiều người biết đến qua câu chuyện cụ Huỳnh Thúc Kháng thuật lại trong Thi Tù Tùng Thoại.
Sau khi phong trào kháng thuế tại Quảng Nam thất bại, đầu năm 1908 cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Phan Chu Trinh và một số người tham gia, trong đó có cả Phan Khôi, bị giam tại Faifo (Hội An). Cụ Phan Chu Trinh và cụ Huỳnh Thúc Kháng bị kết án tử hình vì là lãnh tụ phong trào. Tuy nhiên, nhờ vào phong trào đòi ân xá cho hai cụ diễn ra khắp nơi nên án tử hình được giảm xuống còn lưu đày Côn Ðảo. Khi cụ Huỳnh sắp bị lưu đày, các bạn tù đã tổ chức một bữa tiệc tiễn đưa và cùng nhau làm thơ xướng họa. Cụ Huỳnh Thúc Kháng ghi lại trong Thi Tù Tùng Thoại: “Trong các bạn tiễn, có mấy bài tứ tuyệt của ông Tú Khôi là xuất sắc hơn cả.”
Trong phong trào kháng thuế năm 1907 có rất nhiều danh sĩ miền Trung cùng bị bắt. Hai nhân vật lãnh đạo phong trào này là cụ Phan Chu Trinh, đỗ Cử Nhân khoa Canh Tý (1900), đỗ Phó Bảng khoa Tân Sửu (1901). Cụ Huỳnh Thúc Kháng đoạt giải nguyên kỳ thi Hương, Hội Nguyên và Ðình Nguyên năm 1904. Xướng họa thơ với những ông nghè, ông cử cùng với rất nhiều danh sĩ vào lúc đó mà Phan Khôi được một ông nghè, đã đậu tiến sĩ, như cụ Huỳnh Thúc Kháng khen thì chúng ta biết tài làm thơ của Phan Khôi ngay từ trẻ đã xuất sắc là thế nào.
Không phải chỉ có những nhà cách mạng, nguồn gốc cựu học, như cụ Huỳnh, cụ Phan khen thơ Phan Khôi mà cả Phạm Quỳnh, một người thân Pháp theo tân học, và cũng là một học giả vào thời đó cũng nhận biết tài làm thơ của Phan Khôi. Ðầu thập niên 1930, khi thấy Phan Khôi dành quá nhiều thì giờ cho việc viết báo mà không làm thơ gì nữa Phạm Quỳnh khuyên Phan Khôi nên làm thơ trở lại.
Năm 1932 khi khai sinh thơ mới, chính Phan Khôi kể lại rằng: Trước đó khoảng mười năm, ông làm thơ không nhiều nhưng mỗi năm cũng được năm bảy bài bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm. Dầu không hay bằng thơ Tản Ðà hoặc Trần Tuấn Khải – hai thi sĩ bậc nhất vào lúc đó – nhưng thơ của ông bài nào cũng “nghe được”. Rất tiếc, nhiều bài thơ Hán Nôm của Phan Khôi không được xuất bản và bị thất truyền nên giới phê bình ngày nay không có dịp nghiên cứu, phê bình, đánh giá.
Một trong những bài hiếm hoi được lưu lại đến ngày nay là bài Viếng Mộ Ông Lê Chất, được đăng trên Thực Nghiệp Dân Báo năm 1921. Hai mươi năm sau, Vũ Ngọc Phan nhận xét về bài thơ như sau: “Thật là một bài thơ mà vận rất oái ăm và ý rất chặt chẽ. Ðọc lên nó có một giọng ai oán thê thảm như cái vang ngân của tiếng chuông chùa trên mặt nước Hồ Tây. Lời lại rất cứng cáp, có cái giọng cảm khái, bất bình trong hai câu tam, tứ. Cuối câu đầu bằng ba chữ “sử nghìn thu” và cuối câu kết hạ bằng ba chữ “tiếng chuông bu” gây nên một âm điệu rất buồn, làm cho bài thơ thêm giọng thê lương. Những chữ “thế thế”, “mô mô”, “chim gào”, “hùm thét” đưa lời thơ lên rất mạnh. Thơ Ðường luật gần đây ít bài được như thế.”
Sau khi khen ngợi một bài thơ khác của Phan Khôi là bài thơ trường thiên: Chơi Thuyền Trên Sông Tân Bình, Vũ Ngọc Phan viết tiếp: “Phan Khôi không phải là một tay thợ thơ, chỉ lúc có hứng ông mới làm, nên thơ ông không nhiều, nhưng bài nào tư tưởng đều thành thực, ý tứ dồi dào, dễ cảm người ta. Về thơ cũ, mấy bài trên này đủ chứng cho ông là một thi sĩ có tài năng vững chải, ngày nay đã trở nên rất hiếm trong làng ngâm vịnh.”
b. Dạy Làm Thơ:
Phan Khôi không những chỉ làm thơ nhưng ông còn dạy cách làm thơ. Vũ Ngọc Phan nhận xét Phan Khôi hướng dẫn cách làm thơ rất phân minh: nào từ pháp, cú pháp, chương pháp, thiên pháp. Về thiên pháp, một trong những điều tối kỵ là trùng điệp. Phan Khôi phê bình 10 bài thơ liên hoàn của mẹ vua Duy Tân rằng: “Mười bài ấy về cú pháp và chương pháp thì được nhưng về thiên pháp thì còn lộn xộn. Một bài trước đã có câu:
Mộng điệp khéo ai vì lẽo đẽo
bài khác lại có câu:
Chiêm bao lẽo đẽo theo hồn bướm.
Phan Khôi phê bình: “Cả ý lẫn chữ đều trùng điệp quá!”
c. Người sáng lập nền thơ mới của Việt Nam
Tuy nhiên, sự nghiệp quan trọng nhất của Phan Khôi đối với thi ca Việt Nam là đề xướng ra phong trào thơ mới.
Vào năm 1917, trên báo Nam Phong số 5, Phạm Quỳnh than phiền thơ cũ là phiền phức, gò bó. Ðến năm 1928, trên Ðông Pháp Thời Báo, Phan Khôi đã đả kích thơ cũ là trói buộc. Năm 1929, Trịnh Ðình Rư, trên tờ Phụ Nữ Tân Văn, cũng cảm thấy thơ Ðường gò bó nên đề nghị các thi sĩ Việt Nam dùng thể thơ Lục Bát, hoặc Song Thất Lục Bát tương đối uyển chuyển vào tự do hơn. Tuy nhiên những ý kiến trên chỉ là những lời phê bình, gợi ý mà không có một phát minh quan trọng nào.
Trên thực tế, năm 1913, Nguyễn Văn Vĩnh, khi dịch tập thơ ngụ ngôn của La Fontaine, đã không tìm ra thể thơ nào phù hợp để dịch bài Con Ve Sầu và Con Kiến nên đành dịch theo lối tự do. Bản thân Phan Khôi cũng ở trong một trường hợp tương tự như Nguyễn Văn Vĩnh. Khác với Nguyễn Văn Vĩnh chỉ gặp khó khăn khi dịch vài chục bài thơ của La Fontaine, từ năm 1916 khi dịch Kinh Thánh, Phan Khôi phải đối phó với hơn 200 bài thơ trong Gióp, Thi Thiên, Châm Ngôn, Nhã Ca, Ca Thương và rải rác trong một số sách khác trong Cựu Ước. Trước những bài thơ cổ điển theo vần điệu Do Thái, Phan Khôi không có cách nào giải quyết trôi chảy.
Ðiển hình là Thi Thiên 119 được viết theo một thể thơ cổ điển trong tiếng Hebrew. Thi Thiên 119 gồm 22 khổ thơ (stanza), mỗi khổ thơ có tám câu. Mỗi khổ thơ bắt đầu bằng một mẫu tự trong tiếng Hebrew – tất cả đều là phụ âm, và tất cả tám câu trong khổ thơ đó đều phải bắt đầu cùng một mẫu tự đó. Hai mươi hai khổ thơ phải bắt đầu bằng 22 mẫu tự khác nhau.
Trước những luật thơ khó khăn như vậy, những thể thơ cũ như đường luật, ngũ ngôn, tứ tuyệt hoặc thơ Việt Nam như lục bát lẫn song thất lục bát cũng không làm sao giúp Phan Khôi dịch trôi chảy những bài thơ trong Thánh Kinh được. Lý do của cái khó trong khi dịch thi ca trong Thánh Kinh là người dịch không được dịch tự do. Một trong những nguyên tắc quan trọng trong việc phiên dịch Kinh Thánh là bản dịch cần phải chuyển tải được ý nghĩa, ngôn từ, lẫn vần điệu, cú pháp của bài thơ.
Những bài thơ cổ trong Thánh Kinh khiến cả Phan Khôi lẫn Ủy Ban Phiên Dịch Kinh Thánh khi ấy cảm thấy bế tắc. Cuối cùng Ủy Ban Phiên Dịch Kinh Thánh phải chọn giải pháp dịch ý. Họ vẫn dịch Thi Thiên 119 thành 22 khổ thơ, mỗi khổ có 8 câu nhưng không sắp theo mẫu tự hoặc chuyển thành văn vần như trong nguyên bản được.
Không phải chỉ có Phan Khôi khi đó gặp khó khăn khi dịch thi ca trong Thánh Kinh nhưng suốt 70 năm qua, nhiều người đã cố gắng dịch những bài thơ trong Kinh Thánh sang tiếng Việt nhưng đều thất bại. Nhiều con cái Chúa, lẫn các mục sư dịch được vài bài rồi đều bỏ dở vì không thể nào kết hợp hài hòa giữa tứ thơ Việt Nam, thi ca Do Thái, và sự chuẩn xác trong nội dung của Thánh Kinh. Một trong những người đã kiên nhẫn dịch trọn 150 Thi Thiên sang thơ Lục Bát là Mai Dương Tuyết – Dương Thưởng, một tín hữu Cơ-đốc Phục Lâm. Tập thơ của ông được phổ biến trong vòng các tín hữu vào đầu thập niên 1980 tại Việt Nam. Tuy nhiên, tác giả nhìn nhận rằng 150 bài phóng tác của ông không lột tả được hết ý tưởng mà các tác giả Thi Thiên đã trình bày.
Có lẽ Phan Khôi ấm ức mãi những ràng buộc của thi ca Việt Nam từ những năm tháng dịch Kinh Thánh đó cho nên ngày 10/3/1932, Phan Khôi đem một mẫu thơ mới “trình ra giữa làng.” Bài Tình Già như một trái bom nổ tung giữa làng thi Việt Nam. Nhiều người khi đó cho bài thơ là quái thai của thời đại. Tuy nhiên cũng có rất nhiều thi sĩ đã bước theo con đường mới mà Phan Khôi đã mở ra, và nhiều người sau đó đã trở thành nổi tiếng trong làng thi ca Việt Nam.
Theo Việt Nam Văn Học Sử của Dương Quảng Hàm, đặc điểm của thơ mới là số câu trong bài hay trong khổ thơ không bị hạn định. Số chữ trong từng câu cũng có thể thay đổi khác nhau. Thơ không có niêm luật nhưng lại rất phong phú trong cách gieo vần. Nếu hiểu theo nghĩa như trên, thật ra trước cả Tình Già, hơn 200 bài thơ dịch trong Thánh Kinh Cựu Ước của Phan Khôi mới là những bài thơ mới đầu tiên trong thi ca Việt Nam.
Sau khi bài Tình Già của Phan Khôi ra đời, tư tưởng cách mạng thi ca của ông bị chống đối. Phan Khôi chua chát: “Thay đổi một xã hội còn dễ hơn thay đổi một khuynh hướng trong con người.” Một tháng sau khi bài Tình Già phổ biến, Vân Bằng viết bài Tôi Thất Vọng Vì Phan Khôi đăng trên An Nam Tạp Chí số 39, ngày 30-4-1932.
Tuy nhiên, ngay sau đó, tờ Phong Hóa của Tự Lực Văn Đoàn lên tiếng ủng hộ Phan Khôi. Phong Hóa viết: “… Bỏ luật, niêm, đối, bỏ điển tích, sáo ngữ, nghĩa là tóm tắt, đừng bắt chước cổ nhân một cách nô lệ. Thơ ta phải mới, mới văn thể, mới tư tưởng.” Năm 1932, Phong Hóa là tờ báo sáng giá nhất trên văn đàn Việt Nam, khi ấy tờ Nam Phong đã chết. Do đó, sự ủng hộ của Phong Hóa tạo được những ảnh hưởng tốt đẹp cho phong trào thơ mới trong giới độc giả phổ thông.
Phong Hóa Tuần Báo là một tờ báo đã có từ lâu nhưng không mấy nổi tiếng. Ðến năm 1932, tờ báo được giao cho nhóm Tự Lực Văn Ðoàn quản lý; từ đó, tờ báo trở thành cơ quan ngôn luận của Tự Lực Văn Ðoàn. Những thành viên trong nhóm là những “học trò” theo tư tưởng của Phan Khôi trong nghệ thuật viết văn, giờ đây Phong Hóa lại mạnh dạn lên tiếng ủng hộ Phan Khôi trong vấn đề thơ mới. Trong nhiều số liền, Phong Hóa cho đăng những bài thơ của Thế Lữ và Tú Mỡ. Những bài thơ theo thể thơ mới này rất độc đáo và xuất sắc, đã lôi cuốn sự chú ý của độc giả. Thạch Lam đem một tác phẩm của nhà thơ thanh niên là Hồ Văn Hảo giới thiệu trên tờ Phụ Nữ Tân Văn và phân tích những cái hay của bài thơ mới đó.
Sau đó, những người ủng hộ Phan Khôi lần lượt trình bày quan điểm của mình trên khắp cả nước. Hai người tích cực nhất là nữ sĩ Nguyễn Thị Khiêm và thi sĩ Lưu Trọng Lư. Nữ sĩ Nguyễn Thị Kiêm đã đến trình bày sự ủng hộ thơ mới tại Hội Khuyến Học Sài Gòn (7/1933), Lưu Trọng Lư diễn thuyết tại Học Hội Qui Nhơn (6/1934), Ðỗ Ðình Vượng tại Hội Trí Tri Hà Nội (1/1935), Vũ Ðình Liên tại Hội Trí Tri Nam Ðịnh (11/1935), rồi Trương Tửu tại Hội Khai Trí Tiến Ðức Hà Nội (2/1936). Ngược lại phe ủng hộ thơ cũ cũng cử người diễn thuyết chỉ trích thơ mới. Cuộc khẩu chiến và bút chiến kéo dài hơn ba năm giữa hai phe, cuối cùng thơ mới được chấp nhận.
Lê Tràng Kiều đã viết trên Hà Nội Báo số 14 ngày 8/4/1936 chúc mừng thơ mới như sau: “Từ bao giờ đến bây giờ, người ta đã có mấy lần thấy một tâm hồn hùng tráng như Huy Thông, dồi dào như Thế Lữ, huyền diệu như Thái Can, âm thầm như Ðông Hồ, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, mơ màng như Leiba, buồn não như Nguyễn Vỹ, và một tâm hồn đầy nhạc, đầy mộng ảnh như Lưu Trọng Lư.” Kể từ đó đến nay, thơ mới do Phan Khôi khởi xướng đã có một chỗ đứng vững vàng trong thi ca Việt Nam.
Phước Nguyên
San Diego, California (1996)
Nguyệt San Linh Lực (1997)
Đọc thêm:
– Phan Khôi – Cuộc Đời và Sự Nghiệp – Phần 1
– Phan Khôi – Cuộc Đời và Sự Nghiệp – Phần 2
– Phan Khôi – Cuộc Đời và Sự Nghiệp – Phần 4
– Phan Khôi Giới Thiệu và Phê Bình Thánh Kinh Báo
– Kỷ Niệm 125 Năm Phát Hành Phúc Âm Lu-ca Tiếng Việt (1890-2015)
Thư Viện Tin Lành (2011)
www.thuvientinlanh.org
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.
Comments (3)