Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Kiến Thức » Kỷ Niệm 125 Năm Phát Hành Phúc Âm Lu-ca Tiếng Việt (1890-2015) – Phần 1

Kỷ Niệm 125 Năm Phát Hành Phúc Âm Lu-ca Tiếng Việt (1890-2015) – Phần 1

Lời Ban Biên Tập:

Sau năm 1975, một số tài liệu liên hệ đến lịch sử Tin Lành tại Việt Nam trong giai đoạn đầu vì một số lý do đã bị thất lạc.  Trong nhiều năm qua, Thư Viện Tin Lành, cùng một số cộng tác viên, đã liên lạc với một số trường đại học, các thư khố, và những cá nhân, tìm cách sưu tập và lưu giữ những tài liệu nầy cho công việc nghiên cứu lịch sử. 

Năm 2015 là năm kỷ niệm 125 năm phát hành Phúc Âm Lu-ca trong tiếng Việt (1890-2015). Nhân dịp này, Thư Viện Tin Lành xin gởi đến bạn đọc một ít tài liệu liên hệ đến bản dịch Kinh Thánh này.  Bản dịch Phúc Âm Lu-ca đầu tiên trong tiếng Việt do Thánh Kinh Hội Anh Quốc và Hải Ngoại thực hiện, được Jean Bonet, Giáo sư của l’Ecole des Langues Orientales dịch theo bản Kinh Thánh Pháp Văn Ostervald. Bản dịch này được xuất bản tại Paris và London vào năm 1890. 

Xin kính mời bạn đọc cùng theo dõi.

Ban Biên Tập.

Kỷ Niệm 125 Năm
Phát Hành Phúc Âm Lu-ca Tiếng Việt
(1890-2015)

I. Sơ Lược Bối Cảnh

Theo các tài liệu hiện có, Thánh Kinh Hội Anh Quốc và Hải Ngoại (British & Foreign Bible Society) đã phân phối Kinh Thánh tại Việt Nam từ thập niên 1830.  Trong một bức thư gởi cho Thánh Kinh Hội đề ngày 24/9/1832, Mục sư Charles Gutzlaff đã viết rằng: “Không bao lâu nữa, chúng ta sẽ cần khoảng 10.000 cuốn Thánh Kinh Tân Ước để phát cho Đàng Ngoài, Đàng Trong, Hải Nam, vùng duyên hải Trung Hoa, Mãn Thanh, Đại Hàn, …”[1]  Trong thời gian đầu, bản Kinh Thánh Hán Văn do Mục sư Robert Morrison (1782-1834) dịch tại Trung Hoa, in vào năm 1822, đã được giới thiệu cho người Việt.

Trong suốt 80 năm kế tiếp (1847-1926), bản dịch Kinh Thánh Văn Lý (Wen Li) là bản dịch Kinh Thánh được phổ biến nhiều nhất tại Việt Nam.  Bản Kinh Thánh này do John Robert Morrison (1814-1843) và các Mục sư Charles Gutzlaff (1803-1851), Walter Henry Medhurst (1796-1857), Elijah Coleman Bridgman (1801-1861) phiên dịch từ nguyên văn Hebrew và Greek sang chữ Hán.  Đây cũng là bản Kinh Thánh được Thánh Kinh Hội và Ủy Ban Phiên Dịch Kinh Thánh Việt Nam thuộc Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp (Christian and Missionary Alliance) đã tham khảo để dịch toàn bộ Kinh Thánh sang tiếng Việt vào đầu thế kỷ 20.

Hai thành viên trong ủy ban phiên dịch Kinh Thánh Văn Lý đã từng đến Việt Nam.

Vào năm 1833, dưới thời vua Minh Mạng, Đặc sứ Edmund Roberts, đại diện của chính phủ Hoa Kỳ, đã đến Việt Nam để xin bang giao.  John Robert Morrison – trưởng ban phiên dịch Kinh Thánh Văn Lý sau này – là thông dịch viên chính thức của phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ đến Việt Nam trong lần này. John Robert Morrison là người đã tiếp xúc với các quan Việt Nam là Nguyễn Tri Phương và Lý Văn Phức.  John Robert Morrison cũng là người đã phiên dịch các văn thư của chính phủ Hoa Kỳ gởi cho Nhà Nguyễn, trong đó có thư của Tổng thống Andrew Jackson gởi cho Hoàng đế Minh Mạng.[2]

Người thứ hai trong ủy ban phiên dịch Kinh Thánh Văn Lý đã đến Việt Nam là Mục sư Charles Gutzlaff. Mục sư Charles Gutzlaff là nhà truyền giáo Tin Lành chịu trách nhiệm phổ biến Kinh Thánh cho cả vùng Đông Á.  Trong hai thập niên 1830-1840, Mục sư Charles Gutzlaff  đã dùng thuyền đi dọc theo bờ biển của các quốc gia từ Indonesia đến Đại Hàn để phân phối Kinh Thánh và các sách trình bày niềm tin Cơ Đốc trong chữ Hán và một số ngôn ngữ địa phương.[3]

Mục sư Charles Gutzlaff đã nhiều lần đến Việt Nam và hiểu khá rõ Việt Nam.  Mục sư Charles Gutzlaff cho biết ông đã từng sống chung với người Việt.[4]  Mục sư Charles Gutzlaff là người đã viết bài nghiên cứu về Địa Dư Của Vương Quốc Đại Nam được đăng trong Tạp Chí Của Hội Địa Dư Hoàng Gia London (The Journal of the Royal Geographical Society of London).  Bài viết phát hành vào năm 1849. Mục sư Charles Gutzlaff biết chữ Quốc Ngữ; trong bài nghiên cứu nói trên, Mục sư Charles Gutzlaff đã ghi lại nhiều địa danh tại Việt Nam theo cách viết của chữ Quốc Ngữ vào thời đó.  Cũng trong bài nghiên cứu này, Mục sư Charles Gutzlaff đã xác định các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.[5]

Trước đó hai năm, vào năm 1847, Nữ Hoàng Victoria đã cử Thống Đốc Anh tại Hong Kong là John Francis Davis mang quốc thư đến xin gặp vua Thiệu Trị để thương thuyết về việc thiết lập bang giao giữa Anh Quốc và Việt Nam.  Mục sư Charles Gutzlaff được mời làm thông dịch viên chính cho phái đoàn ngoại giao Anh. Trong chuyến đi này, Mục sư Charles Gutzlaff đã hai lần đến gặp các quan Việt Nam, trong đó có Tham tri bộ Hộ Tôn Thọ Tường, là một trong những người đã được vua Minh Mạng cử sang Pháp và Anh để vận động ngoại giao vào năm 1840, để xin phép đi Huế yết kiến vua Thiệu Trị, nhưng bị từ chối.[6]  Vì không được tiếp kiến vua Thiệu Trị, phái đoàn Anh trở lại Hong Kong. Vài ngày sau, vua Thiệu Trị băng hà tại Huế.

Trong những năm đầu của thập kỷ 1830, Mục sư Charles Gutzlaff đã dịch một phần Kinh Thánh sang tiếng Thái, Lào, Campuchia và chữ Hán, ông cũng dự định dịch Kinh Thánh sang tiếng Việt. Trong tác phẩm Journal of Three Voyages along the Coast of China in 1831, 1832 and 1833, được xuất bản tại London vào năm 1834, Mục sư Charles Gutzlaff cho biết ông đã viết bản thảo từ điển tiếng Việt.[7]  Những năm sau đó, có thể Mục sư Charles Gutzlaff đã dịch một phần Kinh Thánh sang tiếng Việt; tuy nhiên, kế hoạch dịch Kinh Thánh sang tiếng Việt của Mục sư Charles Gutzlaff đã bị gián đoạn vì ông về với Chúa vào năm 1851. Lúc đó, Thánh Kinh Hội không có người vừa hiểu biết Kinh Thánh sâu sắc, vừa biết tiếng Việt giỏi, để tiếp nối công việc.

Cuối thế kỷ 19, Thánh Kinh Hội Anh Quốc và Hải Ngoại xúc tiến chương trình dịch Kinh Thánh sang tiếng Việt trở lại. Lần này, Thánh Kinh Hội đã mời Jean Pierre Joseph Bonet (1844-1907), giáo sư của Trường Ngôn Ngữ Đông Phương tại Paris, phiên dịch Kinh Thánh.

Sách đầu tiên trong Kinh Thánh được dịch sang tiếng Việt là Phúc Âm Lu-ca.  Giáo sư Jean Pierre Joseph Bonet đã dịch Phúc Âm Lu-ca sang tiếng Việt cùng một lúc thành hai bản dịch khác nhau: một bản chữ Nôm và một bản Quốc Ngữ. Bản dịch Quốc Ngữ sau đó đã được in tại Paris với số lượng 10.000 cuốn và được phát hành vào năm 1890 tại Paris và London.

Luke_1890_TitlePage_sTrang đầu của Phúc Âm Lu-ca – Ấn bản 1890

Năm 1891, Thánh Kinh Hội được phép chính thức vào hoạt động tại Đông Dương.[8] Bản dịch Phúc Âm Lu-ca Quốc Ngữ, và sau đó bản dịch Phúc Âm Lu-ca chữ Nôm, đã được phổ biến rộng rãi tại Sài Gòn và tại miền Nam trong những năm sau đó.

II. Dịch Giả Bản Dịch Kinh Thánh Pháp Văn Ostervald

Giáo sư Jean Pierre Joseph Bonet đã không dịch Phúc Âm Lu-ca sang tiếng Việt từ nguyên văn Hy Lạp, nhưng dựa theo bản dịch Kinh Thánh Pháp Văn Ostervald.  Bản dịch Kinh Thánh Pháp Văn này do Mục sư  Jean-Frédéric Ostervald, người Thụy Sĩ, dịch sang tiếng Pháp từ đầu thế kỷ 18.

Mục sư Jean-Frédéric Ostervald sinh ngày 25/11/1663 tại Neuchâtel, Thụy Sĩ, trong một gia đình tin kính Chúa.  Cha của ông là Mục sư Johann Rudolf Ostervald. Thuở nhỏ, Jean-Frédéric Ostervald theo học tại Zürich (1677-1678). Sau đó, trong tuổi thiếu niên, Jean-Frédéric Ostervald sang Pháp học tại Saumur (1678-1681), La Rochelle (1681).  Jean-Frédéric Ostervald đã học thần học tại Orléans, Pháp với Giáo sư Claude Pajon (1626-1685), tại Paris với nhà thần học Jean Claude (1619-1687), và tại Geneva, Thụy Sĩ với Giáo sư Louis Tronchin (1629-1705).

Sau khi được huấn luyện thần học, năm 1683, Jean-Frédéric Ostervald được thụ phong và bước vào chức vụ hầu việc Chúa lúc chưa được 20 tuổi.  Jean-Frédéric Ostervald hầu việc Chúa phần lớn thời gian tại thành phố quê hương của mình là Neuchâtel; ban đầu trong chức Truyền Đạo, đến năm 1699 được phong chức mục sư, và sau đó được mời làm giáo sư thần học, nhưng ông vẫn tiếp tục quản nhiệm Hội Thánh.  Qua các chức vụ là nhà truyền giảng, mục sư, giáo sư và tác giả, Mục sư Jean-Frédéric Ostervald đã tạo được những ảnh hưởng sâu rộng trên thế hệ của ông.

Trong thời gian hầu việc Chúa, Mục sư Jean-Frédéric Ostervald đã đề xướng những canh tân trong việc biên soạn giáo lý, phương pháp giải nghĩa Kinh Thánh, soạn những bài đọc trong giờ thờ phượng, nghiên cứu thánh ca, và phát triển ngành đạo đức thần học.

Là một học giả Kinh Thánh, Mục sư Jean-Frédéric Ostervald rất quan tâm đến việc phổ biến Lời Chúa cho mọi người.  Ông là thành viên của Hiệp Hội Hoàng Gia Anh Đặc Trách Phổ Biến Phúc Âm Tại Hải Ngoại (English Royal Society for the Propagation of the Gospel in Foreign Parts).  Đây là cơ quan tiền thân của Thánh Kinh Hội Anh Quốc & Hải Ngoại sau này. Một trong những cống hiến quan trọng của Mục sư Jean-Frédéric Ostervald trong lĩnh vực này là ông đã dịch Kinh Thánh sang tiếng Pháp. Bản dịch Kinh Thánh của Mục sư Jean-Frédéric Ostervald được xuất bản lần đầu vào năm 1724; sau đó được hiệu đính nhiều lần và được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng nói tiếng Pháp trong những thế kỷ sau đó.

Ostevald_Bible_1724Kinh Thánh Pháp Văn Ostervald  – Ấn Bản 1724

Là một học giả am tường Kinh Thánh nên Mục sư Jean-Frédéric Ostervald giảng Kinh Thánh rất chi tiết.  Vào một Chúa Nhật giữa tháng 8 năm 1746, trong khi giảng bài giảng thứ 221 về Phúc Âm Giăng, dựa trên các câu Kinh Thánh Giăng 20:1-8, Mục sư Jean-Frédéric Ostervald đã bị đột quỵ.  Mục sư Jean-Frédéric Ostervald phải nằm dưỡng bệnh trong suốt tám tháng sau đó.  Ông về với Chúa vào ngày 14/4/1747 tại Neuchâtel, sau khi đã hầu việc Chúa 63 năm và hưởng thọ 83 tuổi.

Cơ quan English Royal Society for the Propagation of the Gospel in Foreign Parts đã giới thiệu các tác phẩm của Mục sư  Jean-Frédéric Ostervald sang Trung Đông, Ấn Độ, Tây Ấn, Canada và nhiều nước tại Âu châu.  Những tác phẩm của Mục sư Jean-Frédéric Ostervald đã để lại những ảnh hưởng sâu đậm trên các cộng đồng Tin Lành tại Waldensian, Hòa Lan, Đức, Hungary và Bắc Âu.  Bản dịch Kinh Thánh Pháp Văn của Mục sư Jean-Frédéric Ostervald về sau đã được dùng để dịch bảy sách đầu tiên khi Kinh Thánh được dịch sang tiếng Việt – đó là các sách Lu-ca, Mác, Giăng, Ma-thi-ơ, Công Vụ, Rô-ma, và Sáng Thế Ký.

III. Dịch Giả Kinh Thánh Tiếng Việt: Jean Pierre Joseph Bonet (1844-1907)

Jean Pierre Joseph Bonet, người dịch Phúc Âm Lu-ca tiếng Việt vào cuối thế kỷ 19, là ai?  Henri Cordier, giáo sư của Trường Ngôn Ngữ Đông Phương và là giáo sư của Trường Khoa Học Chính Trị tại Paris, cho biết Jean Bonet sinh ngày 21/11/1844 tại Bages, Pyrénées Orientales, một thị trấn nhỏ gần bờ biển miền nam nước Pháp. Đến tuổi thanh niên, Jean Bonet tham gia hải quân Pháp và được cử sang phục vụ tại Đông Dương.

Jean Bonet là người có khiếu về ngôn ngữ.  Ông rất giỏi chữ Hán, chữ Nôm lẫn chữ Quốc Ngữ. Tháng 1 năm 1867, Jean Bonet bắt đầu tham gia công tác phiên dịch cho chính phủ Pháp tại Nam Kỳ. Ngày 13/8/1867, Jean Bonet được phong chức Trợ Lý Phiên Dịch. Chỉ hai tuần sau, ngày 2/9/1867 ông được phong chức Thông Ngôn hạng hai. Jean Bonet trở thành Thông Ngôn hạng nhất vào ngày 24/9/1870.  Sau đó, ông trở thành Thông Ngôn Chính Ngạch hạng nhì vào ngày 1/9/1874, rồi Thông Ngôn Chính Ngạch hạng nhất vào ngày 5/5/1881. [9]

Jean Bonet rất giỏi tiếng Việt.   Năm 1872 – chỉ 5 năm sau khi đến Việt Nam – Jean Bonet đã thay Trương Vĩnh Ký nhận chức giám đốc tờ Gia Định Báo, là tờ báo bằng chữ Quốc Ngữ đầu tiên của Việt Nam. Trương Vĩnh Ký đã giữ chức vụ này từ năm 1869–1872. Jean Bonet là giám đốc thứ hai của Gia Định Báo.[10]   Bên cạnh trách nhiệm làm báo, cũng như Trương Vĩnh Ký, Jean Bonet dạy tại Trường Thông Ngôn tại Sài Gòn. Một thời gian sau, Jean Bonet làm hiệu trưởng trường này.  Jean Bonet là người chịu trách nhiệm xuất bản các cuốn niên lịch tiếng Việt tại miền Nam vào thời đó.[11]

 GiaDinhBao_1890
Gia Định Báo – Số 22 – Phát hành ngày 3/6/1890

Jean Bonet đã sống và làm việc tại Việt Nam hơn 20 năm.  Sau đó, ông giải ngũ vào ngày 20/8/1887 rồi trở về Pháp làm việc thêm gần 20 năm nữa.[12] Ngày 19/6/1888, Jean Bonet được bổ nhiệm làm Trưởng Ban Phiên Dịch của Chính Phủ[13] Pháp và chịu trách nhiệm dạy tiếng Việt[14] tại Trường Ngôn Ngữ Đông Phương ở Paris.[15] Trong khoảng thời gian này, Jean Bonet nhận lời giúp Thánh Kinh Hội dịch Kinh Thánh sang tiếng Việt, dù ông không phải là tín hữu Tin Lành.[16]  Là người thông thạo Anh, Pháp, Hán Văn, Latin, chữ Nôm và Quốc Ngữ, cùng một lúc Jean Bonet đã dịch Kinh Thánh sang chữ Nôm và Quốc Ngữ.  Bản dịch Phúc Âm Lu-ca được hoàn tất vào năm 1889.

Sau khi Phúc Âm Lu-ca được dịch xong, năm 1890, Chas Schefer, đại diện của Thánh Kinh Hội tại Paris, đã đề nghị in Phúc Âm Lu-ca bằng chữ Nôm trước, bởi vì lúc đó có nhiều người Việt biết đọc chữ Nôm hơn chữ Quốc Ngữ. Tuy nhiên, vì phương tiện kỹ thuật in chữ Nôm không có sẵn – mẫu in một số chữ Nôm chưa có – nên Thánh Kinh Hội quyết định in bản dịch Phúc Âm Lu-ca trong chữ Quốc Ngữ trước.[17]

Sau khi đã hoàn tất phiên dịch Phúc Âm Lu-ca, Jean Bonet dịch Phúc Âm Mác.  Sau đó, Thánh Kinh Hội đề nghị Jean Bonet tiếp tục dịch Phúc Âm Giăng. Lúc đó, Jean Bonet, cũng như Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của – những học giả am tường chữ Quốc Ngữ vào cuối thế kỷ 19 – dành thì giờ biên soạn từ điển nhằm giúp những thế hệ sau sử dụng chữ Quốc Ngữ tốt hơn, cho nên ông không có đủ thời gian để tiếp tục dịch Kinh Thánh.  Dầu vậy, Jean Bonet đã hướng dẫn lại phương thức dịch Kinh Thánh mà ông đã thực hiện cho Thánh Kinh Hội. Phương pháp này, sau đó, đã được các nhân viên Thánh Kinh Hội áp dụng để dịch lại Phúc Âm Mác, và dịch thêm các sách Giăng, Ma-thi-ơ, Công Vụ, Rô-ma và Sáng Thế Ký.  Mục sư và bà William Cadman về sau đã áp dụng phương pháp này để hiệu đính những sách đã dịch và dịch những sách còn lại trong Kinh Thánh.

Bộ từ điển Việt Pháp do Giáo sư Jean Bonet biên soạn là Dictionnaire Annamite-Francais.[18]  Từ điển này được Trường Ngôn Ngữ Đông Phương tại Paris phát hành. Tập I được xuất bản vào năm 1899 và tập II xuất bản vào năm 1900. Bên cạnh những từ ngữ trong Quốc Ngữ và ý nghĩa được giải thích trong tiếng Pháp, từ điển do Jean Bonet biên soạn ghi luôn ngữ căn của từ ngữ đó trong chữ Hán hoặc chữ Nôm.  Mục đích của cách biên soạn này giúp cho người có căn bản Hán Nôm và tiếng Pháp có thể học chữ Quốc Ngữ được dễ dàng, và biết được xuất xứ của chữ đó từ Hán Việt hay từ chữ Nôm.

 BonetDictionFirstPageVol01Trang bìa Từ Điển Việt – Pháp (Tập I) của Jean Bonet – Ấn bản 1889

Sau khi bộ từ điển của Việt–Pháp của Jean Bonet được phát hành, C.J. Purnell, tác giả của cuốn The Log-book of William Adams 1615-1619 with the Journal of Edward Saris and Other Documents Relating to Japan, Cochin China, đã dùng từ điển của Jean Bonet để so sánh một số chữ Quốc Ngữ mà William Adams, một tín hữu Tin Lành người Anh, đã viết trong nhật ký hải hành của ông trước đó gần 300 năm trong các chuyến đi đến Đàng Trong vào năm 1617, 1618, và đến Đàng Ngoài vào năm 1619.[19]

Năm 1901, Linh mục Léopold Cadière đã viết bài đăng trên tạp chí của Viện Viễn Đông Bác Cổ (Ecole franscaise d’Extrême-Orient) Hà Nội, nhận xét về cuốn từ điển Việt Pháp của Giáo sư Jean Bonet.  Linh mục Léopold Cadière cho biết cuốn từ điển của Giáo sư Jean Bonet đáp ứng sự mong đợi của giới nghiên cứu.  Đây là một tài liệu hữu ích cho những người làm công tác điều hành trong chính quyền, cho những người dân bình thường, và cho những người có trách nhiệm phiên dịch.  Từ điển của Giáo sư Jean Bonet là một tài liệu giá trị giúp phân biệt những từ ngữ bình dân và những từ ngữ Hán Việt. [20]

Nhận định về từ điển Việt Pháp do Giáo sư Jean Bonet biên soạn, Giáo sư Nguyễn Khắc Kham trong bài viết Lược Sử Công Trình Biên Soạn Từ Điển Việt Ngữ Từ Thế Kỷ XVII đã ghi nhận như sau:

“Cuốn tự điển Việt Pháp này so với những cuốn tự điển của Taberd [21] và Génibrel [22] có rất nhiều ưu điểm.  Taberd đã tập trung một số danh từ Hán-Việt ở cuối cuốn tự điển Việt-La và đặt tản mản trong phần dành cho tiếng Nôm những danh từ Hán – Việt thông dụng; thành thử, độc giả muốn tra chữ phải mất công kiếm cả hai nơi.  Để tránh điều bất tiện đó, Génibrel đã đem sáp nhập phần phụ lục của Taberd vào thân cuốn tự điển của mình.   Tuy nhiên, vẫn khó phân biệt được hai loại danh từ trên.  Ưu điểm của tự điển Bonet là đọc một chữ biết ngay được chữ đó là danh từ Hán Việt hay là danh từ Nôm mượn ở chữ Hán với nghĩa chữ Hán, hay chỉ dùng làm hài thanh cho một chữ Nôm thôi.  Tự điển này lại chỉ ra một chữ Nôm do những chữ Nho nào chắp nên, cùng cắt nghĩa cấu thức những danh từ ghép.”[23]

Jean Pierre Joseph Bonet, người phiên dịch Phúc Âm Lu-ca và Mác cho sang chữ Nôm và chữ Quốc Ngữ vào cuối thế kỷ 19, được ghi nhận là một trong những học giả lỗi lạc của Trường Ngôn Ngữ Đông Phương (Ecole des Langues Orientales) tại Paris.  Bốn năm sau khi Phúc Âm Lu-ca Việt Ngữ được phát hành, Jean Bonet được chính thức phong chức giáo sư vào ngày 6/1/1894 tại Paris. Ông cũng được chính phủ Pháp trao tặng huân chương về cống hiến trong lĩnh vực giáo dục công lập.[24] Cùng với Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của, Jean Bonet là những học giả am tường chữ Quốc Ngữ trong thế kỷ 19.  Công trình biên soạn từ điển của những học giả này đã đặt nền móng cho sự phát triển chữ Quốc Ngữ trong những năm về sau.

Jean Bonet về với Chúa vào ngày 20/7/1907.  Chiều hôm đó, Jean Bonet cùng người con trai băng qua đường tại Place de la Concorde tại Paris để đón xe điện về nhà của ông tại Neuilly. Jean Bonet đã bị tai nạn xe hơi và qua đời sau đó.

Mặc dù không tiếp tục trực tiếp dịch toàn bộ Kinh Thánh, Jean Bonet vẫn đóng góp trong việc dịch Kinh Thánh sang tiếng Việt. Mười lăm năm sau khi từ điển của Jean Bonet phát hành, Ủy Ban Phiên Dịch Kinh Thánh Tin Lành Việt Nam do Mục sư và bà William Cadman điều hành đã tham khảo từ điển của Jean Bonet khi dịch Kinh Thánh sang Quốc Ngữ và chữ Nôm.  Vào thập niên 1920, tại Pháp, các tín hữu Tin Lành Pháp và Việt đã cộng tác với Paris Mission Society cũng dùng từ điển này để dịch Kinh Thánh sang tiếng Việt.

(Còn tiếp – Phần 2 sẽ đăng vào ngày 8/10/2015)

Phước Nguyên
Tháng 4/2015
Thư Viện Tin Lành (2015)
www.thuvientinlanh.org

Đọc Thêm:

Tham Khảo:


[1] Gutzlaff, C., Journal of TwoVoyages along the Coast of China in 1831 and 1832, London: John P. Haven (1833), vii.
[2] Roberts, E., Embassy to the Eastern Courts of Cochin-China, Siam and Muscat in the Ship-of-War Peacock, New York: Harper & Brothers (1837), 170-210.
[3] Gutzlaff, C., Journal of Three Voyages along the Coast of China in 1831, 1832 and 1833, London: Frederick Westley and A.H. Davis (1834).
[4] Gutzlaff, C., Geography of the Cochin-Chinese Empire, Journal of the Royal Geographical Society of London, Vol 19, London: John Murray (1849), 122.
[5] Gutzlaff, C., Geography of the Cochin-Chinese Empire, Journal of the Royal Geographical Society of London, Vol 19, London: John Murray (1849), 93.
[6] Journal of Occurrencies, China Repisitory, 16 (1847), 615.
[7] Nguyên văn: “Many tracks have been written, a Siamese and a Cochin Chinese dictionary framed, the Scriptures partially or wholly translated into five dialects” Gutzlaff, C., Journal of Three Voyages, London: Frederick Westley and A.H. Davis (1834), lxxxv.
[8] Canton, W., History of the British & Foreign Bible Society – Volume V, London: John Murray (1904), 152-153.
[9] Cordier, H., Revue Internationale de Sinologie, Leide: Librairie et Imprimerie (1907), 412.
[10] Nguyễn Vy Khanh, Miền Nam Khai Phóng – Văn Học Nam Kỳ, Tập I, Dòng Việt: Huttington Beach (2006), 31.
[11] Bonet, J., Lịch Annam Thông Dụng Trong Sáu Tỉnh Nam Kỳ Tuế Thứ Giáp Tuất (1874), Sài Gòn: Bản In Nhà Nước, 1874.  Bonet, J., Lịch Annam Thông Dụng Trong Sáu Tỉnh Nam Kỳ Tuế Thứ Ất Hợi (1875), Sài Gòn: Bản In Nhà Nước, 1875.  Bonet, J., Lịch Annam Thông Dụng Trong Sáu Tỉnh Nam Kỳ Tuế Thứ Mậu Dần (1878), Sài Gòn: Bản In Nhà Nước, 1878.
[12] King, G.A., In Our Tongues, London: The British and Foreign Bible Society (1900), 14.
[13] Bliss, E.M., The Encyclopedia of Missions: Descriptive, Historical, Biographical, Statistical (Vol.1), London: Funk & Wagnalls (1891), 88.
[14] Cordier, H., Revue Internationale de Sinologie, Leide: Librairie et Imprimerie (1907), 412.
[15] Ecole des Langues OrientalesParis School of Oriental Languages.
[16] Chinese Recorder, The Word of God for Annam, (September 1913), 581-582.
[17] King, G.A., In Our Tongues, London: The British and Foreign Bible Society (1900), 14.
[18] Bonet, J., Đại Nam Quốc Âm Tự Vựng Hợp Giải Đại Pháp Quốc Âm – Dictionnaire Annamite-Francais, Langue Officielle et Langue Vulgaire, Paris: Imprimerie Nationale (1900).
[19] Purnell, C.J., The Log-book of William Adams 1615-1619 with the Journal of Edward Saris and Other Documents Relating to Japan, Cochin China, London: The Eastern Press Ltd. (1916), 248.
[20] Cadière Léopold. Jean Bonet: Dictionnaire annamite-français (langue officielle et langue vulgaire), BEFEO Tome 1, Hanoi: EFEO (1901), 140-142.
[21] Pigneaux, P. and Tabert, J.L., Dictionnarium Annamitico-Latinum, Serampore : J.C. Marshman (1838).
[22] Génibrel, J.F.M., Dictionnaire Annamite-Francais, Saigon: Imprimirie de la Mission à Tân Định (1898).
[23] Nguyễn Khắc Kham, “Lược Sử Công Trình Biên Soạn Từ Điển Việt Ngữ Từ Thế Kỷ XVII,” Luận Đàm, Bộ I, số 11,tháng 12/1961 – Bộ II, số 1, tháng 1/1962 – Bộ II, số 2, tháng 2/1962.
[24] Cordier, H., Revue Internationale de Sinologie, Leide: Librairie et Imprimerie (1907), 413.

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top