Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Kiến Thức » Kỷ Niệm 125 Năm Phát Hành Phúc Âm Lu-ca Tiếng Việt (1890-2015)

Kỷ Niệm 125 Năm Phát Hành Phúc Âm Lu-ca Tiếng Việt (1890-2015)

Lời Ban Biên Tập:

Sau năm 1975, một số tài liệu liên hệ đến lịch sử Tin Lành tại Việt Nam trong giai đoạn đầu vì một số lý do đã bị thất lạc.  Trong nhiều năm qua, Thư Viện Tin Lành, cùng một số cộng tác viên, đã liên lạc với một số trường đại học, các thư khố, và những cá nhân, tìm cách sưu tập và lưu giữ những tài liệu nầy cho công việc nghiên cứu lịch sử.

Năm 2015 là năm kỷ niệm 125 năm phát hành Phúc Âm Lu-ca trong tiếng Việt (1890-2015). Nhân dịp này, Thư Viện Tin Lành xin gởi đến bạn đọc một ít tài liệu liên hệ đến bản dịch Kinh Thánh này.  Bản dịch Phúc Âm Lu-ca đầu tiên trong tiếng Việt do Thánh Kinh Hội Anh Quốc và Hải Ngoại thực hiện, được Jean Bonet, Giáo sư của l’Ecole des Langues Orientales dịch theo bản Kinh Thánh Pháp Văn Ostervald. Bản dịch này được xuất bản tại Paris và London vào năm 1890. 

Xin kính mời bạn đọc cùng theo dõi.

Ban Biên Tập.

Kỷ Niệm 125 Năm
Phát Hành Phúc Âm Lu-ca Tiếng Việt
(1890-2015)

I. Sơ Lược Bối Cảnh

Theo các tài liệu hiện có, Thánh Kinh Hội Anh Quốc và Hải Ngoại (British & Foreign Bible Society) đã phân phối Kinh Thánh tại Việt Nam từ thập niên 1830.  Trong một bức thư gởi cho Thánh Kinh Hội đề ngày 24/9/1832, Mục sư Charles Gutzlaff đã viết rằng: “Không bao lâu nữa, chúng ta sẽ cần khoảng 10.000 cuốn Thánh Kinh Tân Ước để phát cho Đàng Ngoài, Đàng Trong, Hải Nam, vùng duyên hải Trung Hoa, Mãn Thanh, Đại Hàn, …”[1].  Trong thời gian đầu, bản Kinh Thánh Hán Văn do Mục sư Robert Morrison (1782-1834) dịch tại Trung Hoa, in vào năm 1822, đã được giới thiệu cho người Việt.

Trong suốt 80 năm kế tiếp (1847-1926), bản dịch Kinh Thánh Văn Lý (Wen Li) là bản dịch Kinh Thánh được phổ biến nhiều nhất tại Việt Nam.  Bản Kinh Thánh này do John Robert Morrison (1814-1843) và các Mục sư Charles Gutzlaff (1803-1851), Walter Henry Medhurst (1796-1857), Elijah Coleman Bridgman (1801-1861) phiên dịch từ nguyên văn Hebrew và Greek sang chữ Hán.  Đây cũng là bản Kinh Thánh được Thánh Kinh Hội và Ủy Ban Phiên Dịch Kinh Thánh Việt Nam thuộc Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp (Christian and Missionary Alliance) đã tham khảo để dịch toàn bộ Kinh Thánh sang tiếng Việt vào đầu thế kỷ 20.

Hai thành viên trong ủy ban phiên dịch Kinh Thánh Văn Lý đã từng đến Việt Nam.

Vào năm 1833, dưới thời vua Minh Mạng, Đặc sứ Edmund Roberts, đại diện của chính phủ Hoa Kỳ, đã đến Việt Nam để xin bang giao.  John Robert Morrison – trưởng ban phiên dịch Kinh Thánh Văn Lý sau này – là thông dịch viên chính thức của phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ đến Việt Nam trong lần này. John Robert Morrison là người đã tiếp xúc với các quan Việt Nam là Nguyễn Tri Phương và Lý Văn Phức.  John Robert Morrison cũng là người đã phiên dịch các văn thư của chính phủ Hoa Kỳ gởi cho Nhà Nguyễn, trong đó có thư của Tổng thống Andrew Jackson gởi cho Hoàng đế Minh Mạng [2].

Người thứ hai trong ủy ban phiên dịch Kinh Thánh Văn Lý đã đến Việt Nam là Mục sư Charles Gutzlaff. Mục sư Charles Gutzlaff là nhà truyền giáo Tin Lành chịu trách nhiệm phổ biến Kinh Thánh cho cả vùng Đông Á.  Trong hai thập niên 1830-1840, Mục sư Charles Gutzlaff  đã dùng thuyền đi dọc theo bờ biển của các quốc gia từ Indonesia đến Đại Hàn để phân phối Kinh Thánh và các sách trình bày niềm tin Cơ Đốc trong chữ Hán và một số ngôn ngữ địa phương [3].

Mục sư Charles Gutzlaff đã nhiều lần đến Việt Nam và hiểu khá rõ Việt Nam.  Mục sư Charles Gutzlaff cho biết ông đã từng sống chung với người Việt [4].  Mục sư Charles Gutzlaff là người đã viết bài nghiên cứu về Địa Dư Của Vương Quốc Đại Nam được đăng trong Tạp Chí Của Hội Địa Dư Hoàng Gia London (The Journal of the Royal Geographical Society of London).  Bài viết phát hành vào năm 1849. Mục sư Charles Gutzlaff biết chữ Quốc Ngữ; trong bài nghiên cứu nói trên, Mục sư Charles Gutzlaff đã ghi lại nhiều địa danh tại Việt Nam theo cách viết của chữ Quốc Ngữ vào thời đó.  Cũng trong bài nghiên cứu này, Mục sư Charles Gutzlaff đã xác định các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam [5].

Trước đó hai năm, vào năm 1847, Nữ Hoàng Victoria đã cử Thống Đốc Anh tại Hong Kong là John Francis Davis mang quốc thư đến xin gặp vua Thiệu Trị để thương thuyết về việc thiết lập bang giao giữa Anh Quốc và Việt Nam.  Mục sư Charles Gutzlaff được mời làm thông dịch viên chính cho phái đoàn ngoại giao Anh. Trong chuyến đi này, Mục sư Charles Gutzlaff đã hai lần đến gặp các quan Việt Nam, trong đó có Tham tri bộ Hộ Tôn Thọ Tường, là một trong những người đã được vua Minh Mạng cử sang Pháp và Anh để vận động ngoại giao vào năm 1840, để xin phép đi Huế yết kiến vua Thiệu Trị, nhưng bị từ chối.[6]  Vì không được tiếp kiến vua Thiệu Trị, phái đoàn Anh trở lại Hong Kong. Vài ngày sau, vua Thiệu Trị băng hà tại Huế.

Trong những năm đầu của thập kỷ 1830, Mục sư Charles Gutzlaff đã dịch một phần Kinh Thánh sang tiếng Thái, Lào, Campuchia và chữ Hán, ông cũng dự định dịch Kinh Thánh sang tiếng Việt. Trong tác phẩm Journal of Three Voyages along the Coast of China in 1831, 1832 and 1833, được xuất bản tại London vào năm 1834, Mục sư Charles Gutzlaff cho biết ông đã viết bản thảo từ điển tiếng Việt [7].  Những năm sau đó, có thể Mục sư Charles Gutzlaff đã dịch một phần Kinh Thánh sang tiếng Việt; tuy nhiên, kế hoạch dịch Kinh Thánh sang tiếng Việt của Mục sư Charles Gutzlaff đã bị gián đoạn vì ông về với Chúa vào năm 1851. Lúc đó, Thánh Kinh Hội không có người vừa hiểu biết Kinh Thánh sâu sắc, vừa biết tiếng Việt giỏi, để tiếp nối công việc.

Cuối thế kỷ 19, Thánh Kinh Hội Anh Quốc và Hải Ngoại xúc tiến chương trình dịch Kinh Thánh sang tiếng Việt trở lại. Lần này, Thánh Kinh Hội đã mời Jean Pierre Joseph Bonet (1844-1907), giáo sư của Trường Ngôn Ngữ Đông Phương tại Paris, phiên dịch Kinh Thánh.

Sách đầu tiên trong Kinh Thánh được dịch sang tiếng Việt là Phúc Âm Lu-ca.  Giáo sư Jean Pierre Joseph Bonet đã dịch Phúc Âm Lu-ca sang tiếng Việt cùng một lúc thành hai bản dịch khác nhau: một bản chữ Nôm và một bản Quốc Ngữ. Bản dịch Quốc Ngữ sau đó đã được in tại Paris với số lượng 10.000 cuốn và được phát hành vào năm 1890 tại Paris và London.

Luke_1890_TitlePage_s
Trang đầu của Phúc Âm Lu-ca – Ấn bản 1890

Năm 1891, Thánh Kinh Hội được phép chính thức vào hoạt động tại Đông Dương [8]. Bản dịch Phúc Âm Lu-ca Quốc Ngữ, và sau đó bản dịch Phúc Âm Lu-ca chữ Nôm, đã được phổ biến rộng rãi tại Sài Gòn và tại miền Nam trong những năm sau đó.

II. Dịch Giả Bản Dịch Kinh Thánh Pháp Văn Ostervald

Giáo sư Jean Pierre Joseph Bonet đã không dịch Phúc Âm Lu-ca sang tiếng Việt từ nguyên văn Hy Lạp, nhưng dựa theo bản dịch Kinh Thánh Pháp Văn Ostervald.  Bản dịch Kinh Thánh Pháp Văn này do Mục sư  Jean-Frédéric Ostervald, người Thụy Sĩ, dịch sang tiếng Pháp từ đầu thế kỷ 18.

Mục sư Jean-Frédéric Ostervald sinh ngày 25/11/1663 tại Neuchâtel, Thụy Sĩ, trong một gia đình tin kính Chúa.  Cha của ông là Mục sư Johann Rudolf Ostervald. Thuở nhỏ, Jean-Frédéric Ostervald theo học tại Zürich (1677-1678). Sau đó, trong tuổi thiếu niên, Jean-Frédéric Ostervald sang Pháp học tại Saumur (1678-1681), La Rochelle (1681).  Jean-Frédéric Ostervald đã học thần học tại Orléans, Pháp với Giáo sư Claude Pajon (1626-1685), tại Paris với nhà thần học Jean Claude (1619-1687), và tại Geneva, Thụy Sĩ với Giáo sư Louis Tronchin (1629-1705).

Sau khi được huấn luyện thần học, năm 1683, Jean-Frédéric Ostervald được thụ phong và bước vào chức vụ hầu việc Chúa lúc chưa được 20 tuổi.  Jean-Frédéric Ostervald hầu việc Chúa phần lớn thời gian tại thành phố quê hương của mình là Neuchâtel; ban đầu trong chức Truyền Đạo, đến năm 1699 được phong chức mục sư, và sau đó được mời làm giáo sư thần học, nhưng ông vẫn tiếp tục quản nhiệm Hội Thánh.  Qua các chức vụ là nhà truyền giảng, mục sư, giáo sư và tác giả, Mục sư Jean-Frédéric Ostervald đã tạo được những ảnh hưởng sâu rộng trên thế hệ của ông.

Trong thời gian hầu việc Chúa, Mục sư Jean-Frédéric Ostervald đã đề xướng những canh tân trong việc biên soạn giáo lý, phương pháp giải nghĩa Kinh Thánh, soạn những bài đọc trong giờ thờ phượng, nghiên cứu thánh ca, và phát triển ngành đạo đức thần học.

Là một học giả Kinh Thánh, Mục sư Jean-Frédéric Ostervald rất quan tâm đến việc phổ biến Lời Chúa cho mọi người.  Ông là thành viên của Hiệp Hội Hoàng Gia Anh Đặc Trách Phổ Biến Phúc Âm Tại Hải Ngoại (English Royal Society for the Propagation of the Gospel in Foreign Parts).  Đây là cơ quan tiền thân của Thánh Kinh Hội Anh Quốc & Hải Ngoại sau này. Một trong những cống hiến quan trọng của Mục sư Jean-Frédéric Ostervald trong lĩnh vực này là ông đã dịch Kinh Thánh sang tiếng Pháp. Bản dịch Kinh Thánh của Mục sư Jean-Frédéric Ostervald được xuất bản lần đầu vào năm 1724; sau đó được hiệu đính nhiều lần và được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng nói tiếng Pháp trong những thế kỷ sau đó.

Ostevald_Bible_1724
Kinh Thánh Pháp Văn Ostervald  – Ấn Bản 1724

Là một học giả am tường Kinh Thánh nên Mục sư Jean-Frédéric Ostervald giảng Kinh Thánh rất chi tiết.  Vào một Chúa Nhật giữa tháng 8 năm 1746, trong khi giảng bài giảng thứ 221 về Phúc Âm Giăng, dựa trên các câu Kinh Thánh Giăng 20:1-8, Mục sư Jean-Frédéric Ostervald đã bị đột quỵ.  Mục sư Jean-Frédéric Ostervald phải nằm dưỡng bệnh trong suốt tám tháng sau đó.  Ông về với Chúa vào ngày 14/4/1747 tại Neuchâtel, sau khi đã hầu việc Chúa 63 năm và hưởng thọ 83 tuổi.

Cơ quan English Royal Society for the Propagation of the Gospel in Foreign Parts đã giới thiệu các tác phẩm của Mục sư  Jean-Frédéric Ostervald sang Trung Đông, Ấn Độ, Tây Ấn, Canada và nhiều nước tại Âu châu.  Những tác phẩm của Mục sư Jean-Frédéric Ostervald đã để lại những ảnh hưởng sâu đậm trên các cộng đồng Tin Lành tại Waldensian, Hòa Lan, Đức, Hungary và Bắc Âu.  Bản dịch Kinh Thánh Pháp Văn của Mục sư Jean-Frédéric Ostervald về sau đã được dùng để dịch bảy sách đầu tiên khi Kinh Thánh được dịch sang tiếng Việt – đó là các sách Lu-ca, Mác, Giăng, Ma-thi-ơ, Công Vụ, Rô-ma, và Sáng Thế Ký.

III. Dịch Giả Kinh Thánh Tiếng Việt: Jean Pierre Joseph Bonet (1844-1907)

Jean Pierre Joseph Bonet, người dịch Phúc Âm Lu-ca tiếng Việt vào cuối thế kỷ 19, là ai?  Henri Cordier, giáo sư của Trường Ngôn Ngữ Đông Phương và là giáo sư của Trường Khoa Học Chính Trị tại Paris, cho biết Jean Bonet sinh ngày 21/11/1844 tại Bages, Pyrénées Orientales, một thị trấn nhỏ gần bờ biển miền nam nước Pháp. Đến tuổi thanh niên, Jean Bonet tham gia hải quân Pháp và được cử sang phục vụ tại Đông Dương.

Jean Bonet là người có khiếu về ngôn ngữ.  Ông rất giỏi chữ Hán, chữ Nôm lẫn chữ Quốc Ngữ. Tháng 1 năm 1867, Jean Bonet bắt đầu tham gia công tác phiên dịch cho chính phủ Pháp tại Nam Kỳ. Ngày 13/8/1867, Jean Bonet được phong chức Trợ Lý Phiên Dịch. Chỉ hai tuần sau, ngày 2/9/1867 ông được phong chức Thông Ngôn hạng hai. Jean Bonet trở thành Thông Ngôn hạng nhất vào ngày 24/9/1870.  Sau đó, ông trở thành Thông Ngôn Chính Ngạch hạng nhì vào ngày 1/9/1874, rồi Thông Ngôn Chính Ngạch hạng nhất vào ngày 5/5/1881 [9].

Jean Bonet rất giỏi tiếng Việt.   Năm 1872 – chỉ 5 năm sau khi đến Việt Nam – Jean Bonet đã thay Trương Vĩnh Ký nhận chức giám đốc tờ Gia Định Báo, là tờ báo bằng chữ Quốc Ngữ đầu tiên của Việt Nam. Trương Vĩnh Ký đã giữ chức vụ này từ năm 1869–1872. Jean Bonet là giám đốc thứ hai của Gia Định Báo [10].   Bên cạnh trách nhiệm làm báo, cũng như Trương Vĩnh Ký, Jean Bonet dạy tại Trường Thông Ngôn tại Sài Gòn. Một thời gian sau, Jean Bonet làm hiệu trưởng trường này.  Jean Bonet là người chịu trách nhiệm xuất bản các cuốn niên lịch tiếng Việt tại miền Nam vào thời đó [11].

GiaDinhBao_1890
Gia Định Báo – Số 22 – Phát hành ngày 3/6/1890

Jean Bonet đã sống và làm việc tại Việt Nam hơn 20 năm.  Sau đó, ông giải ngũ vào ngày 20/8/1887 rồi trở về Pháp làm việc thêm gần 20 năm nữa [12]. Ngày 19/6/1888, Jean Bonet được bổ nhiệm làm Trưởng Ban Phiên Dịch của Chính Phủ Pháp [13]  và chịu trách nhiệm dạy tiếng Việt [14] tại Trường Ngôn Ngữ Đông Phương ở Paris [15].Trong khoảng thời gian này, Jean Bonet nhận lời giúp Thánh Kinh Hội dịch Kinh Thánh sang tiếng Việt, dù ông không phải là tín hữu Tin Lành [16].  Là người thông thạo Anh, Pháp, Hán Văn, Latin, chữ Nôm và Quốc Ngữ, cùng một lúc Jean Bonet đã dịch Kinh Thánh sang chữ Nôm và Quốc Ngữ.  Bản dịch Phúc Âm Lu-ca được hoàn tất vào năm 1889.

Sau khi Phúc Âm Lu-ca được dịch xong, năm 1890, Chas Schefer, đại diện của Thánh Kinh Hội tại Paris, đã đề nghị in Phúc Âm Lu-ca bằng chữ Nôm trước, bởi vì lúc đó có nhiều người Việt biết đọc chữ Nôm hơn chữ Quốc Ngữ. Tuy nhiên, vì phương tiện kỹ thuật in chữ Nôm không có sẵn – mẫu in một số chữ Nôm chưa có – nên Thánh Kinh Hội quyết định in bản dịch Phúc Âm Lu-ca trong chữ Quốc Ngữ trước [17].

Sau khi đã hoàn tất phiên dịch Phúc Âm Lu-ca, Jean Bonet dịch Phúc Âm Mác.  Sau đó, Thánh Kinh Hội đề nghị Jean Bonet tiếp tục dịch Phúc Âm Giăng. Lúc đó, Jean Bonet, cũng như Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của – những học giả am tường chữ Quốc Ngữ vào cuối thế kỷ 19 – dành thì giờ biên soạn từ điển nhằm giúp những thế hệ sau sử dụng chữ Quốc Ngữ tốt hơn, cho nên ông không có đủ thời gian để tiếp tục dịch Kinh Thánh.  Dầu vậy, Jean Bonet đã hướng dẫn lại phương thức dịch Kinh Thánh mà ông đã thực hiện cho Thánh Kinh Hội. Phương pháp này, sau đó, đã được các nhân viên Thánh Kinh Hội áp dụng để dịch lại Phúc Âm Mác, và dịch thêm các sách Giăng, Ma-thi-ơ, Công Vụ, Rô-ma và Sáng Thế Ký.  Mục sư và bà William Cadman về sau đã áp dụng phương pháp này để hiệu đính những sách đã dịch và dịch những sách còn lại trong Kinh Thánh.

Bộ từ điển Việt Pháp do Giáo sư Jean Bonet biên soạn là Dictionnaire Annamite-Francais [18]. Từ điển này được Trường Ngôn Ngữ Đông Phương tại Paris phát hành. Tập I được xuất bản vào năm 1899 và tập II xuất bản vào năm 1900. Bên cạnh những từ ngữ trong Quốc Ngữ và ý nghĩa được giải thích trong tiếng Pháp, từ điển do Jean Bonet biên soạn ghi luôn ngữ căn của từ ngữ đó trong chữ Hán hoặc chữ Nôm.  Mục đích của cách biên soạn này giúp cho người có căn bản Hán Nôm và tiếng Pháp có thể học chữ Quốc Ngữ được dễ dàng, và biết được xuất xứ của chữ đó từ Hán Việt hay từ chữ Nôm.

BonetDictionFirstPageVol01
Trang bìa Từ Điển Việt – Pháp (Tập I) của Jean Bonet – Ấn bản 1889

Sau khi bộ từ điển của Việt–Pháp của Jean Bonet được phát hành, C.J. Purnell, tác giả của cuốn The Log-book of William Adams 1615-1619 with the Journal of Edward Saris and Other Documents Relating to Japan, Cochin China, đã dùng từ điển của Jean Bonet để so sánh một số chữ Quốc Ngữ mà William Adams, một tín hữu Tin Lành người Anh, đã viết trong nhật ký hải hành của ông trước đó gần 300 năm trong các chuyến đi đến Đàng Trong vào năm 1617, 1618, và đến Đàng Ngoài vào năm 1619 [19].

Năm 1901, Linh mục Léopold Cadière đã viết bài đăng trên tạp chí của Viện Viễn Đông Bác Cổ (Ecole franscaise d’Extrême-Orient) Hà Nội, nhận xét về cuốn từ điển Việt Pháp của Giáo sư Jean Bonet.  Linh mục Léopold Cadière cho biết cuốn từ điển của Giáo sư Jean Bonet đáp ứng sự mong đợi của giới nghiên cứu.  Đây là một tài liệu hữu ích cho những người làm công tác điều hành trong chính quyền, cho những người dân bình thường, và cho những người có trách nhiệm phiên dịch.  Từ điển của Giáo sư Jean Bonet là một tài liệu giá trị giúp phân biệt những từ ngữ bình dân và những từ ngữ Hán Việt [20].

Nhận định về từ điển Việt Pháp do Giáo sư Jean Bonet biên soạn, Giáo sư Nguyễn Khắc Kham trong bài viết Lược Sử Công Trình Biên Soạn Từ Điển Việt Ngữ Từ Thế Kỷ XVII đã ghi nhận như sau:

“Cuốn tự điển Việt Pháp này so với những cuốn tự điển của Taberd [21] và Génibrel [22] có rất nhiều ưu điểm.  Taberd đã tập trung một số danh từ Hán-Việt ở cuối cuốn tự điển Việt-La và đặt tản mản trong phần dành cho tiếng Nôm những danh từ Hán – Việt thông dụng; thành thử, độc giả muốn tra chữ phải mất công kiếm cả hai nơi.  Để tránh điều bất tiện đó, Génibrel đã đem sáp nhập phần phụ lục của Taberd vào thân cuốn tự điển của mình.   Tuy nhiên, vẫn khó phân biệt được hai loại danh từ trên.  Ưu điểm của tự điển Bonet là đọc một chữ biết ngay được chữ đó là danh từ Hán Việt hay là danh từ Nôm mượn ở chữ Hán với nghĩa chữ Hán, hay chỉ dùng làm hài thanh cho một chữ Nôm thôi.  Tự điển này lại chỉ ra một chữ Nôm do những chữ Nho nào chắp nên, cùng cắt nghĩa cấu thức những danh từ ghép”[23].

Jean Pierre Joseph Bonet, người phiên dịch Phúc Âm Lu-ca và Mác sang chữ Nôm và chữ Quốc Ngữ vào cuối thế kỷ 19, được ghi nhận là một trong những học giả lỗi lạc của Trường Ngôn Ngữ Đông Phương (Ecole des Langues Orientales) tại Paris.  Bốn năm sau khi Phúc Âm Lu-ca Việt Ngữ được phát hành, Jean Bonet được chính thức phong chức giáo sư vào ngày 6/1/1894 tại Paris. Ông cũng được chính phủ Pháp trao tặng huân chương về cống hiến trong lĩnh vực giáo dục công lập [24]. Cùng với Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của, Jean Bonet là những học giả am tường chữ Quốc Ngữ trong thế kỷ 19.  Công trình biên soạn từ điển của những học giả này đã đặt nền móng cho sự phát triển chữ Quốc Ngữ trong những năm về sau.

Jean Bonet về với Chúa vào ngày 20/7/1907.  Chiều hôm đó, Jean Bonet cùng người con trai băng qua đường tại Place de la Concorde tại Paris để đón xe điện về nhà của ông tại Neuilly. Jean Bonet đã bị tai nạn xe hơi và qua đời sau đó.

Mặc dù không tiếp tục trực tiếp dịch toàn bộ Kinh Thánh, Jean Bonet vẫn đóng góp trong việc dịch Kinh Thánh sang tiếng Việt. Mười lăm năm sau khi từ điển của Jean Bonet phát hành, Ủy Ban Phiên Dịch Kinh Thánh Tin Lành Việt Nam do Mục sư và bà William Cadman điều hành đã tham khảo từ điển của Jean Bonet khi dịch Kinh Thánh sang Quốc Ngữ và chữ Nôm.  Vào thập niên 1920, tại Pháp, các tín hữu Tin Lành Pháp và Việt đã cộng tác với Paris Mission Society cũng dùng từ điển này để dịch Kinh Thánh sang tiếng Việt.

IV. Ấn Bản Việt Ngữ Phúc Âm Lu Ca (1890)

1. Bối Cảnh Phát Hành

Theo một số nhà nghiên cứu, lịch sử phát triển chữ Quốc Ngữ tại Việt Nam có thể chia thành ba giai đoạn chính.  Giai đoạn thứ nhất khởi đầu khi chữ Quốc Ngữ được hình thành; giai đoạn thứ hai bắt đầu khi chữ Quốc Ngữ trở thành chữ viết chính thức tại miền Nam; và giai đoạn thứ ba bắt đầu khi công việc hoàn thiện văn Quốc Ngữ được xúc tiến.

Trong giai đoạn đầu tiên, chữ Quốc Ngữ được xử dụng phần lớn trong Giáo hội Công giáo.  Sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ, ngày 22/2/1869, Thống đốc Nam Kỳ Marie Gustave Hector Ohier (1814-1870) đã ký nghị định ra lệnh dùng chữ  Quốc Ngữ thay cho chữ Nho trong các công văn tại Nam Kỳ.   Có lẽ nghị định này đã không được thi hành đầy đủ; do đó gần mười năm sau, Thống đốc Nam Kỳ Louis Charles Georges Jules Lafont (1824-1908) đã ký nghị định số 82 ngày 6/4/1878 nhắc lại việc thi hành chỉ thị trên, và ấn định thêm bốn năm để chuẩn bị cho việc thực hiện:

“Kể từ mồng một Tháng Giêng năm 1882 tất cả văn kiện chánh thức, nghị định, quyết định, lịnh, án tòa, chỉ thị… sẽ viết, ký tên và công bố bằng chữ quốc ngữ; nhân viên nào không thể viết thơ từ bằng chữ quốc ngữ sẽ không được bổ nhậm và thăng thưởng trong ngạch phủ, huyện và tổng…” [25].

Bản dịch Quốc Ngữ Phúc Âm Lu-ca được phát hành vào năm 1890, tám năm sau khi chữ Quốc Ngữ được chính thức xử dụng tại miền Nam.

2. Tác Phẩm

Có một câu hỏi được đặt ra là toàn bộ Kinh Thánh có 66 sách, vì sao Thánh Kinh Hội lại chọn Phúc Âm Lu-ca là sách đầu tiên trong Kinh Thánh để dịch sang tiếng Việt?  Có vài yếu tố liên quan đến nội dung, chủ đích, và cách trình bày trong Phúc Âm Lu-ca đã dẫn đến sự chọn lựa này.

Mặc dầu tất cả các sách trong Kinh Thánh đều ghi lại sứ điệp của Đức Chúa Trời cho nhân loại, mỗi sách được ký thuật trong những bối cảnh khác nhau và trình bày sứ điệp của Chúa cho những nhóm độc giả khác nhau.  Khác với nhiều sách khác trong Kinh Thánh, mà đối tượng độc giả lúc ban đầu là những người Do Thái hoặc cộng đồng những người tin Chúa, là những người đã hiểu biết những khái niệm căn bản về niềm tin nơi Chúa, Phúc Âm Lu-ca là sách được viết cho các độc giả là những người chưa biết nhiều về Chúa.

Mục đích của sách là giới thiệu Đức Chúa Jesus một cách trung thực cho những người muốn tìm hiểu Ngài.  Với mục đích như vậy, tác giả Phúc Âm Lu-ca đã cố gắng sưu tầm những tài liệu về Đức Chúa Jesus, phỏng vấn những người đã từng gặp Ngài, sắp xếp, rồi biên soạn những tài liệu đã sưu tập một cách có hệ thống, với thật nhiều chi tiết, để những người mới tìm hiểu về Đức Chúa Jesus có thể có một cái nhìn đầy đủ hơn về Ngài.

Bằng nội dung súc tích, chủ đích rõ ràng, trình bày thật cô đọng, Phúc Âm Lu-ca là tác phẩm thích hợp để giới thiệu Đức Chúa Jesus cho những người không quen thuộc với văn hóa Do Thái, nói chung, và cho những độc giả ngoại quốc trong đó có người Việt, nói riêng.

Đây là những lý do khiến Thánh Kinh Hội đã chọn Phúc Âm Lu-ca là sách đầu tiên trong Kinh Thánh để dịch sang tiếng Việt. Cũng chính vì những lý do này mà 86 năm sau, vào năm 1976, Campus Crusade đã chọn Phúc Âm Lu-ca làm cốt chuyện để dựng phim cuộc đời Đức Chúa Jesus và dùng cuốn phim này giới thiệu Chúa cho hằng tỷ người trên thế giới trong suốt bốn mươi năm qua.

3. Ấn Hành

Kích thước: Ấn bản 1890 của Phúc Âm Lu-ca tiếng Việt được in với bìa cứng, màu nâu, khổ 13×18 cm.  Nội dung Phúc Âm Lu-ca được in trong 94 trang, không tính những trang tựa đề và những trang trống ở cuối sách.

Tựa đề: Tên chính thức của cuốn sách là Sách Tin Lành Theo Ông Thánh Luca

Nguyên tác: Bản Việt ngữ Phúc Âm Lu-ca (1890) được dịch dựa theo bản dịch Kinh Thánh tiếng Pháp của Mục sư Jean-Frédéric Ostervald.  Chi tiết này được ghi nhận bởi dòng chữ “Ông J.-F. Ostervald thuật lại” được in ngay dưới tựa đề trong bản in tiếng Việt.  Một tài liệu khác của Thánh Kinh Hội phát hành vào năm 1900 cho biết Phúc Âm Lu-ca tiếng Việt đã được dịch xong vào năm 1889 và được dịch theo Bản Hiệu Đính Ostervald chứ không phải bản dịch Ostervald nguyên thủy vào năm 1724 [26].  Vì đã có vài chục ấn bản Kinh Thánh Osterval được phát hành từ năm 1724 đến 1889, chúng ta không rõ Giáo sư Jean Bonet đã dùng ấn bản tiếng Pháp in vào năm nào để dịch sang tiếng Việt.  Hai ấn bản Kinh Thánh Osterval phát hành gần nhất trước năm 1889 là ấn bản năm 1882 được in và phát hành tại Cambridge, Anh [27], và ấn bản 1887 được in và phát hành tại Paris, Pháp [28].

Cơ quan xuất bản: Phúc Âm Lu-ca Quốc Ngữ được phát hành vào năm 1890 cùng một lúc tại hai nơi là London và Paris.  Khác với đa số sách phát hành vào thời đó và cũng như hiện nay, trang tựa đề không ghi tên cơ quan xuất bản là Thánh Kinh Hội Anh Quốc và Hải Ngoại, nhưng chỉ in hai địa chỉ “Londres E.C: 146, Queen Victoria Street” là trụ sở của Thánh Kinh Hội tại Anh, và “Paris: Rue de Clichy, 58” là địa chỉ trụ sở của Thánh Kinh Hội tại Pháp. Cuối trang có in năm sách được phát hành là năm 1890.

Nhà in: Trang đầu tiên trước khi nội dung Phúc Âm Lu-ca được in, và trang cuối, ngay sau câu Kinh Thánh cuối cùng trong sách Lu-ca, có ghi tên của nhà in tại Pháp là “Paris – Imprimerie Polyglotte A. Lanier et ses Fils, 14, rue Séguier.”

Số lượng: Theo tài liệu của Thánh Kinh Hội, ấn bản Phúc Âm Lu-ca tiếng Việt đầu tiên này đã được in với số lượng 10.000 cuốn.

4. Trình Bày

Bản dịch Phúc Âm Lu-ca tiếng Việt đầu tiên được trình bày theo cấu trúc của các bản in Kinh Thánh được phát hành riêng từng sách.  Trong trường hợp này, mỗi trang chỉ có một cột, không phải hai cột như trong các bản in Kinh Thánh thông thường.  Mỗi đoạn Kinh Thánh được bắt đầu với phần tóm tắt ghi các câu khởi đầu của các phân đoạn và nội dung của từng phân đoạn trong đoạn Kinh Thánh đó.  Điều này khác với cách trình bày trong các bản in Kinh Thánh hiện nay mà tiêu đề được in ngay phần đầu của mỗi phân đoạn.

Thêm vào đó, con số – được dùng để đánh dấu các câu trong Kinh Thánh – không được in chung trong câu văn, nhưng được in bên lề, và trên cùng một dòng, nơi câu Kinh Thánh được phân chia.  Cách trình bày này có một lợi điểm là độc giả chưa quen với Kinh Thánh có thể đọc Kinh Thánh như những bản văn bình thường mà không phải bối rối khi không hiểu con số được xen vào giữa các câu văn có nghĩa là gì; còn độc giả quen thuộc với Kinh Thánh thì vẫn có thể nhận biết chỗ nào là nơi bắt đầu một câu Kinh Thánh.

5. Đặc Điểm

Văn phong: Trước hết, cách hành văn trong bản dịch Phúc Âm Lu-ca (1890) mang những nét đặc trưng của văn học Quốc Ngữ trong giai đoạn phôi thai.

Vào cuối thế kỷ 19, các học giả Việt Nam là Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của đã giới thiệu một lối văn Quốc Ngữ bình dị mộc mạc, được viết cho đại chúng.  Câu văn không dùng những từ ngữ kinh điển bác học, nhưng dùng những từ ngữ bình dân; và do đó, đã bị một số nhà phê bình thuộc thế hệ sau cho là quê mùa và thô tục.  Bên cạnh bản chất phóng khoáng dễ dãi của người miền Nam, sở dĩ các học giả Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của phổ biến một văn phong bình dân như vậy vì lúc đó có rất ít người biết chữ Quốc Ngữ căn bản, cho nên việc cỗ vũ cho một văn phong mang tính bác học là chưa phù hợp trong hoàn cảnh đó.

Cách hành văn bình dị mộc mạc của văn Quốc Ngữ trong giai đoạn này đã thể hiện rõ trong bản dịch Quốc Ngữ Phúc Âm Lu-ca (1890).  Chúng ta có thể thấy một thí dụ tiêu biểu trong phần mở đầu của câu chuyện Người Con Trai Hoang Đàng do Đức Chúa Jesus kể. Các câu Kinh Thánh Lu-ca 15:11-13 đã được Jean Bonet dịch như sau: “Có một ông kia được hai đứa trai.  Đứa em thưa với cha rằng: Xin cha chia phần của tôi cho tôi.  Vậy ông ấy chia của mình cho hai đứa con.  Sau ít ngày thằng em thâu lấy phần của riêng, bỏ nhà mà đi phương xa, ăn uống chơi bời xài hết của mình. Phá của rồi …”[29]  Trong những câu Kinh Thánh này, Jean Bonet đã dùng chỉ một chữ “của” – là một tiếng bình dân của người miền Nam – để dịch khái niệm gia tài, của cải, và tài sản, được nhắc năm lần trong các câu Kinh Thánh trên. Jean Bonet cũng đã khéo léo dùng các thành ngữ bình dân là “chia của”, “thâu của” và “phá của” để dịch một cách sống động và trung thực nội dung các câu Kinh Thánh này.

Văn mạch và phương ngữ: Một đặc điểm khác của văn Quốc Ngữ trong giai đoạn này là văn viết như nói, và câu văn dùng rất nhiều phương ngữ miền Nam.  Những đặc điểm trên dễ dàng nhận thấy trong bản dịch Phúc Âm Lu-ca (1890) mà Jean Bonet đã dịch; lý do vì Jean Bonet đã sống và làm việc tại miền Nam 20 năm; ông học tiếng Việt tại miền Nam cho nên bản dịch Phúc Âm Lu-ca của Bonet được viết theo cách hành văn của người miền Nam, và dùng nhiều danh từ của miền Nam.

Chất giọng của người miền Nam được thấy rõ ngay trong chương đầu tiên của bản dịch Phúc Âm Lu-ca (1890).  Trong phần đầu của chương một, tác giả Phúc Âm Lu-ca đã giải thích cho Theophilus, một nhân vật quyền quý và là độc giả đầu tiên của Phúc Âm Lu-ca, về cách tác giả sưu tầm tài liệu và biên soạn sách.  Lời giải thích này đã được Jean Bonet dịch như sau: “Các truyện ấy thì tôi đã xem xét kỉ cang cả thảy, nên tưởng cũng theo thứ tự mà viết cho ông Theophile, là người rất tốt, cùng cho ông biết đặng những đều người ta đã dạy cho ông là đều thiệt không sai được.” [30] (Lu-ca 1:3-4).  Những từ ngữ miền Nam mà Bonet đã dùng trong câu này là đặng (được), đều (điều), và thiệt (thật). Lời văn được viết như là lời hai người nói chuyện với nhau.  Chữ “cang” trong các câu Kinh Thánh này là “càng”; có lẽ đây là lỗi chính tả của người sắp chữ.

Phiên dịch hay phiên âm: Khi dịch Kinh Thánh sang tiếng Việt, Jean Bonet đã gặp một khó khăn như các dịch giả Việt Nam vào thời đó và cũng như thời nay gặp phải, đó là có những khái niệm rất mới với người Việt; vì tiếng Việt không có từ ngữ tương đương để dịch, cho nên dịch giả phải dùng phiên âm.  Vài thí dụ tiêu biểu là xà-bông, xà phòng (savon), xì gà (cigare), ga (gare).  Khó khăn tương tự cũng xảy ra khi dịch tên và địa danh.  Trong trường hợp này, dịch giả có vài sự chọn lựa: dịch theo nghĩa sang tiếng Việt (Puritan: Thanh giáo), phiên âm theo nguyên văn (Khristos: Ki-tô), phiên âm theo cách mà người Trung Hoa đã phiên âm (Columbus: Kha Luân Bố), hoặc dùng chữ trong nguyên bản (Cesar).  Tùy theo bối cảnh, phong cách, văn mạch, quan điểm, chủ đích, …,  dịch giả có thể chọn một trong bốn cách dịch này.

Khi dịch tên người và địa danh, Jean Bonet thường dùng phiên âm. Jean Bonet là một tín hữu Công giáo cho nên đa số tên các nhân vật và địa danh trong Phúc Âm Lu-ca, Bonet đã phiên âm theo cách gọi quen thuộc của các tín hữu Công giáo tại Việt Nam vào lúc đó.   Vài danh từ riêng tiêu biểu được dùng trong chương hai của Phúc Âm Lu-ca là Juse (Joseph: Giô-sép), Maria (Marie: Ma-ry), Belem (Bethléhem:  Bết-lê-hem).  Bonet không dùng gạch nối khi phiên âm nên đã viết là Belem thay vì Bê-lem, và Maria thay vì Ma-ri-a. Trong vài trường hợp, Jean Bonet dùng nguyên văn tiếng Pháp như Cesar trong chương hai, Capernaum trong chương bảy.

Khi dịch một số danh từ chứa đựng nhiều ý nghĩa thần học, Jean Bonet đã chọn cách dịch sang tiếng Việt nếu danh từ đã có trong tiếng Việt; nếu không, ông phiên âm theo nguyên văn hoặc dùng chữ trong nguyên văn, nhưng hạn chế dùng từ Hán Việt hoặc phiên âm theo cách của người Trung Hoa.

Một trong những thí dụ tiêu biểu của cách dịch trên là khi dịch chữ evangile sang tiếng Việt, Jean Bonet đã không dịch evangilePhúc Âm, tương đối quen thuộc với những người có học vào lúc đó, nhưng đã dịch là Tin Lành, tức là Tin Mừng theo phương ngữ của người miền Nam.  Lý do của sự chọn lựa này là vì chữ Tin Lành là tiếng thuần Việt trong khi đó Phúc Âm là chữ Hán Việt.[31]   Nếu tiếng Việt đã có từ ngữ tương đương thì Jean Bonet không dùng chữ Hán Việt.  Do đó, tên sách Phúc Âm Theo Thánh Lu-ca đã được dịch là Tin Lành Theo Ông Thánh Luca.  Jean Bonet không ngờ rằng chữ Tin Lành mà ông đã dịch về sau đã được chọn làm tên gọi chính thức của đạo Tin Lành tại Việt Nam.

Jean Bonet đã áp dụng những nguyên tắc trên khi dịch các danh hiệu của Ba Ngôi Đức Chúa Trời.

Khi dịch danh hiệu Đức Chúa Jesus, Bonet đã dịch theo lối phiên âm trực tiếp là Đức Chúa Jêsu. Ông đã không phiên âm là Da Tô, theo Hán Việt, hay Giê-su, theo chữ Nôm;[32]  bởi vì cả hai danh hiệu này, trong chữ Hán hay chữ Nôm, đều không giúp độc giả hiểu thêm về ý nghĩa của danh hiệu Jesus trong tên của Chúa.

Tương tự, khi dịch danh hiệu Đấng Christ, Bonet không phiên âm theo chữ Hán nhưng phiên âm trực tiếp là Kirixitô, theo chữ Christum trong tiếng Latin, và Khristos trong tiếng Hy Lạp.  Lúc đó, người Trung Hoa đã ghi âm danh hiệu Christum là Kí-Lị-Xứ-Túc, phát âm theo giọng Hán Việt là Cơ-Lợi-Tư-Đốc (基利斯督), và người Việt đã gọi tắt là Cơ-Đốc (基督).  Nếu danh hiệu Đấng Christ được dịch theo Hán Văn là Kí-Lị-Xứ-Túc, hoặc Hán Việt là Cơ-Lợi-Tư-Đốc, hay Cơ-Đốc; những danh xưng này không giúp cho độc giả Việt Nam hiểu rõ hơn về ý nghĩa của danh hiệu Đấng Christ là một khái niệm thần học khó giải thích đầy đủ và chính xác trong một vài chữ, cho nên Jean Bonet đã quyết định chọn lối phiên âm trực tiếp mà không dùng cách phiên âm của người Trung Hoa.

Cũng vậy, Jean Bonet đã dùng lối phiên âm để dịch Đức Thánh Linh (l’Esprit) là Đức Chúa Phiritô, theo chữ Spiritus trong tiếng Latin.  Ông không dịch là Đức Thánh Linh hay Đức Thánh Thần vì không muốn dùng chữ Hán Việt.

Trong khi các danh hiệu Jesus, Christ, và Esprit tương đối xa lạ với người Việt, khái niệm về Dieu (Trời) rất quen thuộc với người Việt, do đó trong bản dịch Phúc Âm Lu-ca, Jean Bonet đã dịch Dieu là Đức Chúa Trời (thuần Việt).  Jean Bonet cố gắng tránh không dịch Dieu là Thiên Chúa vì đây là từ Hán Việt.  Trong cuốn từ điển của mình, Jean Bonet giải thích rằng Chúa Trời (seigneur du ceil) là Đức Chúa Trời của người tin Chúa (Dieu des Chrétiens).[33]

Khi dịch danh hiệu Ba Ngôi Đức Chúa Trời, Jean Bonet luôn thêm chữ “Đức Chúa” vào đầu mỗi danh hiệu.  Chữ “Đức Chúa” không có trong nguyên văn Kinh Thánh nhưng được thêm vào bản dịch tiếng Việt để bày tỏ lòng tôn kính, cho phù hợp với văn hóa Việt Nam, và để làm rõ nghĩa theo chủ đích của người dịch. Trong tiếng Việt, chữ “đức” được đặt trước danh hiệu của những bậc đáng kính trọng như Đức Khổng Tử, Đức Phật, Đức Trần Hưng Đạo; do đó, chữ  “đức” được đặt trước chữ Chúa là thích hợp với văn hóa Việt Nam. Linh mục Alexandre de Rhodes là người đầu tiên đã áp dụng cách viết này.  Trong cuốn Phép Giảng Tám Ngày xuất bản vào năm 1651, Linh mục Alexandre de Rhodes đã thêm chữ “đức” khi dịch chữ Domino (Chúa) trong tiếng Latin là “đức Chúa blời.” [34]  Danh hiệu “đức Chúa blời” chính là “Đức Chúa Trời” được viết theo cách phát âm của người Việt tại Đàng Trong vào thế kỷ 17.

Trong bản dịch Kinh Thánh của mình, Jean Bonet đã dịch chữ Dieu trong tiếng Pháp, hay Deum trong tiếng Latin, là “Đức Chúa Trời”; vì đây là danh xưng của Chúa nên tất cả mẫu tự đầu tiên đều được viết hoa; còn chữ Domino trong tiếng Latin – Seigneur trong tiếng Pháp – thì ông dịch là “Chúa.”  Jean Bonet đã thêm chữ “Đức Chúa” vào đầu mỗi danh hiệu của Ba Ngôi Đức Chúa Trời để xác định cả ba danh hiệu này đều là “Chúa” và thuộc về Ba Ngôi Đức Chúa Trời.  Đa số các dịch giả Kinh Thánh Tin Lành về sau đều giữ chữ “Đức Chúa” mà Jean Bonet đã dịch.

Thiếu nhất quán: Bản dịch của Jean Bonet có vài thiếu sót về sự nhất quán.  Một trong những thí dụ tiêu biểu là việc dịch chữ Dieu trong tiếng Pháp.  Như đã nói ở trên, hầu hết trong các chương của Phúc Âm Lu-ca, Jean Bonet đã dịch chữ Dieu là Đức Chúa Trời (thuần Việt); tuy nhiên đến chương 20, trong các câu 37-38, Jean Bonet đã dịch chữ Dieu là Thiên Chúa (Hán Việt).  Các nhà phiên dịch Kinh Thánh ngày nay có thể tránh sai sót này nhờ bản thảo được thẩm tra bởi những chương trình điện toán để tránh trường hợp cùng một chữ được dịch với những từ ngữ khác nhau, do đó mất tính đồng nhất.

Jean Bonet đã dịch Kinh Thánh cách đây hơn 125 năm, ông không có những phương tiện tân tiến hỗ trợ vào thời đó, do đó trong bản dịch của Bonet đã có vài chữ được dịch khác nhau. Vì những sơ xuất trên, một số độc giả đã phê bình dịch giả vì những danh hiệu này đã được dịch khác nhau.   Điều cần lưu ý là dầu có sự khác biệt trong cách dùng chữ, ý nghĩa trong các câu Kinh Thánh trên vẫn chính xác như nhau vì Thiên Chúa trong Hán Việt là Đức Chúa Trời trong tiếng Việt.

Bối cảnh phong tục văn hóa: Vào thập niên 1880, Pháp đã cai trị miền Nam nhưng miền Bắc và miền Trung lúc đó vẫn còn thuộc quyền cai trị của nhà Nguyễn. Tại miền Trung và miền Bắc, việc phổ biến Lời Chúa bị ngăn cấm; trong khi đó, tại miền Nam Thánh Kinh Hội có nhiều cơ hội hơn tiếp xúc với người dân để phổ biến Lời Chúa.  Bản dịch Phúc Âm Lu-ca (1890) được thực hiện trong giai đoạn này, dường như đã hướng vào nhóm độc giả chính là những người đang sống tại miền Nam; và do đó bản dịch phản ảnh văn hóa và tập quán của người miền Nam.

Tại miền Nam, khi một phụ nữ có thai, người miền Nam thường gọi là có bầu, hay có chữa.  Hai chữ này là tiếng tượng hình, vừa mang ý nghĩa mang thai vừa diễn tả hình ảnh người phụ nữ gia tăng về kích thước.  Jean Bonet đã dịch câu Kinh Thánh Lu-ca 1:36 Et voilà, Elisabeth ta cousine a aussi conçu un fils en sa vieillesse; et c’est ici le sixième mois de la grossesse de celle qui était appelée stérile [35]  là “Kìa, Isave là bà con với bà đã già rồi mà cũng có chịu thai một con trai; trước người ta kêu bà ấy là son, mà bây giờ có chữa được sáu tháng.” [36]  Jean Bonet đã dùng chữ “có chữa”, đặc trưng của miền Nam, để dịchde la grossesse de celle” trong tiếng Pháp vừa có ý nghĩa mang thai, vừa diễn tả sự gia tăng kích thước.  Cách dùng chữ này vừa thể hiện tinh thần hội nhập văn hóa địa phương, vừa diễn tả trung thực ý nghĩa và nội dung.

Phát âm:  Bản dịch của Jean Bonet cũng ghi lại những khác biệt do cách phát âm.  Giống như chữ “trời” do cách phát âm theo địa phương miền Trung vào thế kỷ thứ 17 đã được viết là “blời” trong Phép Giảng Tám Ngày, một vài chữ trong bản dịch Phúc Âm Lu-ca (1890) đã được viết theo cách phát âm của người miền Nam.  Một thí dụ về cách viết này là bà “góa” hay bà “giá” trong Lu-ca 21:3 đã được viết thành bà “vá” trong bản dịch Phúc Âm Lu-ca (1890).

V. Ảnh Hưởng

Theo tài liệu của Thánh Kinh Hội, đến năm 1897, bảy năm sau khi được phân phối tại miền Nam, bản dịch Phúc Âm Lu-ca (1890) đã được công chúng đón nhận, và là tài liệu hữu ích cho việc phổ biến Lời Chúa.[37]  Đến năm 1898, Thánh Kinh Hội tái bản Phúc Âm Lu-ca lần đầu tiên.

Phúc Âm Lu-ca là sách đầu tiên trong Kinh Thánh được dịch sang tiếng Việt và ấn bản 1890 là ấn bản của bản dịch đầu tiên; do đó bản dịch Phúc Âm Lu-ca (1890) không phải là một bản dịch Kinh Thánh hoàn hảo theo quan điểm hiện nay.  Giống như các tác phẩm văn xuôi Quốc Ngữ xuất bản vào cuối thế kỷ thứ 19, cách dùng chữ và cách hành văn trong bản dịch Phúc Âm Lu-ca (1890) có nhiều chỗ cần được cải tiến.   Trong những thập niên sau đó, các nhân viên Thánh Kinh Hội người Anh đã hiệu đính Phúc Âm Lu-ca và Mác, dịch thêm các sách Giăng, Ma-thi-ơ, Công Vụ, Rô-ma và Sáng Thế Ký.

Từ miền Nam, chữ Quốc Ngữ sau đó được loan truyền ra miền Bắc và miền Trung.  Sự phát triển của chữ Quốc Ngữ đòi hỏi những cải tiến thích ứng với nếp sống và văn hóa chung của cả ba miền.  Cũng trong thời gian đó, các nhà truyền giáo Tin Lành quyết tâm thực hiện công tác truyền giáo cho toàn cõi Việt Nam.  Rút tỉa những bài học kinh nghiệm từ việc phiên dịch Phúc Âm Lu-ca (1890), các nhà truyền giáo Tin Lành đã dịch những sách còn lại trong Kinh Thánh với ngôn ngữ của cả ba miền. Cách hành văn trong bản dịch Việt Ngữ được sửa đổi để câu văn có thể diễn đạt ý tứ thật chính xác, gọn gàng, và chặt chẽ.

Đến đầu thế kỷ 20, chữ Quốc Ngữ đã trở thành một di sản chung cho tất cả người Việt. Mặc dầu chữ Quốc Ngữ là một sản phẩm văn hóa, nhưng vào thời gian đó, xuất phát từ những động lực khác nhau, chữ Quốc Ngữ đã được cổ võ để dùng cho những mục đích khác nhau.  Chính quyền Đông Dương muốn dùng chữ Quốc Ngữ như là một công cụ phục vụ cho chính sách cai trị của người Pháp.  Các nhà cách mạng Việt Nam muốn dùng chữ Quốc Ngữ như là một phương tiện để gây dựng phong trào cách mạng. Giới trí thức Việt Nam muốn dùng chữ Quốc Ngữ để xây dựng một nền văn hóa mới mang bản sắc dân tộc.  Trong khi đó, các nhà truyền giáo, như mục tiêu từ ban đầu, muốn dùng chữ Quốc Ngữ để truyền bá niềm tin nơi Chúa.

Mặc dầu tất cả các tổ chức trên đều muốn phát triển chữ Quốc Ngữ, 35 năm sau khi được chính thức sử dụng bởi công chúng (1882-1917), và sau đó đã được phổ biến tại cả ba miền, văn Quốc Ngữ vẫn chưa đáp ứng hoài vọng của nhiều người.

Tháng 7/1917, Nam Phong Tạp Chí ra đời.  Một trong những mục tiêu của tờ Nam Phong là truyền bá, phổ biến và hoàn thiện chữ Quốc Ngữ. Về văn mạch, Nam Phong tạo diễn đàn trau dồi cách viết văn Quốc Ngữ để có thể diễn đạt được những lý thuyết và khái niệm triết học và khoa học. Về từ vựng, để bổ khuyết cho số từ ngữ bình dân của chữ Quốc Ngữ vào lúc đó, Nam Phong cố gắng du nhập thêm nhiều danh từ triết học, khoa học và tôn giáo.  Ngay trong số báo đầu tiên, trong mục tự vựng, Nam Phong đã đăng những định nghĩa về các danh từ như tôn giáo, tín ngưỡng, Phúc Âm, Do-thái, Hi-lạp [38].

Để có thể nhanh chóng xây đắp vốn từ vựng của chữ Quốc Ngữ, Nam Phong đã vay mượn nhiều chữ Hán, và dùng chữ Hán để tạo những chữ mới trong tiếng Việt.  Phương thức này đã dẫn đến việc dùng quá nhiều chữ Hán trong các bài viết của Nam Phong, khiến một độc giả là Nguyễn Hào Vĩnh viết bài góp ý với báo Nam Phong rằng cách làm đó chẳng khác nào đem tiếng Tàu thế vào tiếng Việt.  Nguyễn Hào Vĩnh nói rằng người Tàu đã làm công việc đó hàng ngàn năm rồi, Ban Biêp Tập báo Nam Phong không nên dùng quá nhiều chữ Hán, vì như vậy Ban Biên Tập báo Nam Phong đã Hán hóa nền quốc âm của người Việt.  Tác giả đề nghị một vài phương cách làm giàu tiếng Việt mà không cần dùng chữ Hán [39]. Mặc dầu không đồng quan điểm với tác giả bài viết, nhưng Ban Biên Tập báo Nam Phong nhìn nhận họ đã dùng nhiều chữ Hán và đã biện minh cho mục đích của mình.

Trong khoảng thời gian đó, Thánh Kinh Hội đã phối hợp với các nhà truyền giáo Tin Lành tại Việt Nam tiếp tục dịch Kinh Thánh với mục đích phổ biến Kinh Thánh cho toàn cõi Đông Dương.  Năm 1923, Thánh Kinh Tân Ước Quốc Ngữ được phát hành. Thánh Kinh Hội đã tặng cho Nam Phong Tạp Chí một Kinh Thánh Tân Ước Quốc Ngữ thuộc ấn bản đầu tiên này.

Ban Biên Tập Nam Phong trong số 76, phát hành vào tháng 10 năm 1923, đã nhận xét về bản dịch Kinh Thánh Tân Ước đầu tiên của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam như sau:

“Bản-chí lại tiếp được sách Tân-ước thánh-thư của “Hội Tin lành”, mới xuất bản lần thứ nhất, dày 430 trang, mà cách in rất là sáng-sủa đẹp-đẽ.  Lại khéo tìm được tiếng An-Nam để dịch cho rõ nghĩa.  Coi đó đủ biết văn chương quốc-âm nước ta muốn đem dịch sách nào cũng được, chớ có phải thiếu tiếng đâu.  Nếu dịch khéo ra mà góp đủ cả tiếng ba kỳ, thì sách nào mà chẳng thông dụng được”[40].

Bên cạnh lời khen về hình thức in ấn, Ban Biên Tập Nam Phong đã khen Ủy Ban Phiên Dịch Kinh Thánh Tân Ước đã khéo léo dùng tiếng Việt để dịch các khái niệm tôn giáo và thần học trong Kinh Thánh mà không phải vay mượn chữ Hán. Thêm vào đó, bản dịch Kinh Thánh Tân Ước đã dùng ngôn ngữ của cả ba miền chứ không phải chỉ dùng những phương ngữ miền Nam mà thôi. Khác với quan điểm phổ biến thời đó cho rằng từ ngữ trong chữ Quốc Ngữ quá nghèo nàn, Ban Biên Tập Nam Phong đã dùng Kinh Thánh Tân Ước Quốc Ngữ như là một minh chứng về sự phong phú của tiếng Việt nếu biết tra cứu và sử dụng đúng.  Các học giả Nam Phong biết rằng Kinh Thánh là nền tảng của văn hóa tây phương; từ suy nghĩ đó, họ kết luận rằng nếu Kinh Thánh đã dịch được sang tiếng Việt, thì sách nào lại không dịch được.

Nam Phong Tạp Chí đã có những nỗ lực đáng kể để phát triển chữ Quốc Ngữ, tuy nhiên cách hành văn, cách dùng chữ và văn phạm trong chữ Quốc Ngữ vẫn chưa được hoàn thiện.  Rất nhiều trí thức Việt Nam lúc đó đón nhận Quốc Ngữ.  Một số người, xuất thân từ cựu học, phê bình lối văn Quốc Ngữ bình dân trong thế kỷ 19, đã mang văn biền ngẫu vào Quốc Ngữ.  Với cách viết văn biền ngẫu, câu văn giàu hình ảnh và nhạc điệu nhưng ý tứ trùng lập.  Việc sáp nhập giữa cách hành văn cũ vào ngôn ngữ mới trong trường hợp này không đem lại những kết quả tích cực.  Thêm vào đó, rất nhiều người viết vào thời đó, do mới làm quen với Quốc Ngữ, đã mắc nhiều sai lầm trong cách dùng chữ. Nếu những sai lầm đó tiếp tục được phổ biến, khiến công chúng quen, rồi mặc nhiên công nhận, những sai lầm đó có thể mang lại những ảnh hưởng không tốt cho văn Quốc Ngữ về lâu dài.

Phan Khôi, một học giả Việt Nam, và cũng là một nhà phiên dịch Kinh Thánh, đã giữ vai trò một ngự sử văn đàn nhắc nhở các nhà văn Việt Nam về việc viết chuẩn xác để giữ gìn sự trong sáng trong tiếng Việt. Phan Khôi đã học một số nguyên tắc viết văn khi ông tham gia phiên dịch Kinh Thánh cho Giáo hội Tin Lành.   Bản Dịch Kinh Thánh 1925, mà Phan Khôi góp phần, có những ưu điểm nổi bật về văn phạm, cách hành văn, cách dùng chữ, so với các tác phẩm văn học được phát hành cùng thời, lẫn những bài viết mà Phan Khôi đã viết trong những năm về sau.  Kết quả này có được, một phần nhờ Ủy Ban Phiên Dịch Kinh Thánh rút kinh nghiệm từ bản dịch Phúc Âm Lu-ca (1890).

Những năm sau đó, Phan Khôi đã kêu gọi áp dụng một số nguyên tắc dịch Kinh Thánh trong cách viết văn Việt ngữ.  Nỗ lực đó của Phan Khôi đã được các nhà văn trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn (1932) hưởng ứng.  Phan Khôi và các nhà văn Tự Lực Văn Đoàn đã góp phần rất lớn trong việc hoàn thiện cách hành văn Việt ngữ trong những thập niên về sau.

Sau khi toàn bộ Kinh Thánh Việt Ngữ (1925) được phát hành, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam đã xuất bản tờ Thánh Kinh Báo (1931) nhằm giúp đọc giả tìm hiểu những khái niệm và ý nghĩa trong Kinh Thánh.   Phan Khôi đã viết bài giới thiệu và phê bình Thánh Kinh Báo.  Trong bài viết này, Phan Khôi khuyên độc giả người Việt, đặc biệt là các nhà văn, nên đọc Kinh Thánh [41].

Nhận Xét

Sách Tin Lành Theo Ông Thánh Luca được xuất bản vào năm 1890, chỉ vài năm sau khi chữ Quốc Ngữ được chính thức xử dụng tại Việt Nam (1882).  Bản dịch Quốc Ngữ của Phúc Âm Lu-ca được phát hành 27 năm trước khi Nam Phong Tạp Chí ra đời (1917), và 42 năm trước khi phong trào Tự Lực Văn Đoàn thực hiện những cải cách trong cách hành văn Quốc Ngữ (1932); do đó chúng ta không thể so sánh bản dịch này với những tác phẩm được xuất bản vài chục năm về sau.

Luke_1890_Chapter15

Câu Chuyện Người Con Trai Hoang Đàng
trong Phúc Âm Lu-ca – Ấn Bản 1890

Để có một nhận xét khách quan về bản dịch này, độc giả có thể so sánh một phân đoạn trong Chương 15 của Phúc Âm Lu-ca (1890), đã được thu âm vào năm 1900, với những bài viết đăng trên Gia Định Báo được phát hành vào năm 1890, là văn viết chính thức tiêu biểu vào thời đó. Khi so sánh những bản văn được phát hành cùng thời kỳ, độc giả có thể nhận thấy những ưu điểm rõ rệt của bản dịch Phúc Âm Lu-ca (1890).

Bản dịch Phúc Âm Lu-ca Quốc Ngữ (1890) có lẽ là một trong những tác phẩm Quốc Ngữ được phổ biến nhiều nhất trong thế kỷ 19.  Theo tài liệu của Thánh Kinh Hội, 20.000 Phúc Âm Lu-ca đã được in trong thế kỷ 19. Phần lớn bản in đã được phân phối cho công chúng vào thời đó. Bản dịch Phúc Âm Lu-ca (1890) đã góp phần trong việc phát triển chữ Quốc Ngữ vào cuối thế kỷ 19 và gián tiếp cống hiến cho việc hoàn thiện văn Quốc Ngữ trong những thập niên đầu của thế kỷ 20.

Bên cạnh Phúc Âm Lu-ca Quốc Ngữ, Phúc Âm Lu-ca chữ Nôm đã có những cống hiến thầm lặng.  Vào thập niên 1930, khi chữ Quốc Ngữ phát triển khắp cả nước, chữ Nôm dần dần mai một.   Số người học chữ Nôm tại Việt Nam ít dần. Các nhà in tại Việt Nam không in sách chữ Nôm nữa.  Trong khi đó, Phúc Âm Lu-ca chữ Nôm, cùng với sáu sách khác trong Kinh Thánh bằng chữ Nôm, đã được in hàng chục ngàn bản tại nhà in Tin Lành Hà Nội.  Những phần Kinh Thánh chữ Nôm là những sách chữ Nôm cuối cùng được phát hành với số lượng lớn, được thực hiện như là một cố gắng lưu giữ lại một tinh hoa quý giá của nền văn hóa Việt Nam đang bị đưa vào quên lãng.

Việc phân tích và đánh giá bản dịch Phúc Âm Lu-ca (1890) trong bối cảnh sách được phát hành chỉ vài năm sau khi chữ Quốc Ngữ được chính thức áp dụng tại Việt Nam cần những khảo cứu từ các học giả hiểu rõ văn Quốc Ngữ trong giai đoạn (1865-1890), quen thuộc với công tác phiên dịch và Kinh Thánh.  Hy vọng các công trình nghiên cứu này sẽ được thực hiện trong tương lai.

Phước Nguyên
Tháng Tư, 2015

Thư Viện Tin Lành (2015)
www.thuvientinlanh.org

Đọc Thêm:

Tham Khảo:


[1] Gutzlaff, C., Journal of TwoVoyages along the Coast of China in 1831 and 1832, London: John P. Haven (1833), vii.
[2] Roberts, E., Embassy to the Eastern Courts of Cochin-China, Siam and Muscat in the Ship-of-War Peacock, New York: Harper & Brothers (1837), 170-210.
[3] Gutzlaff, C., Journal of Three Voyages along the Coast of China in 1831, 1832 and 1833, London: Frederick Westley and A.H. Davis (1834).
[4] Gutzlaff, C., Geography of the Cochin-Chinese Empire, Journal of the Royal Geographical Society of London, Vol 19, London: John Murray (1849), 122.
[5] Gutzlaff, C., Geography of the Cochin-Chinese Empire, Journal of the Royal Geographical Society of London, Vol 19, London: John Murray (1849), 93.
[6] Journal of Occurrencies, China Repisitory, 16 (1847), 615.
[7] Nguyên văn: “Many tracks have been written, a Siamese and a Cochin Chinese dictionary framed, the Scriptures partially or wholly translated into five dialects” Gutzlaff, C., Journal of Three Voyages, London: Frederick Westley and A.H. Davis (1834), lxxxv.
[8] Canton, W., History of the British & Foreign Bible Society – Volume V, London: John Murray (1904), 152-153.
[9] Cordier, H., Revue Internationale de Sinologie, Leide: Librairie et Imprimerie (1907), 412.
[10] Nguyễn Vy Khanh, Miền Nam Khai Phóng – Văn Học Nam Kỳ, Tập I, Dòng Việt: Huttington Beach (2006), 31.
[11] Bonet, J., Lịch Annam Thông Dụng Trong Sáu Tỉnh Nam Kỳ Tuế Thứ Giáp Tuất (1874), Sài Gòn: Bản In Nhà Nước, 1874.  Bonet, J., Lịch Annam Thông Dụng Trong Sáu Tỉnh Nam Kỳ Tuế Thứ Ất Hợi (1875), Sài Gòn: Bản In Nhà Nước, 1875.  Bonet, J., Lịch Annam Thông Dụng Trong Sáu Tỉnh Nam Kỳ Tuế Thứ Mậu Dần (1878), Sài Gòn: Bản In Nhà Nước, 1878.
[12] King, G.A., In Our Tongues, London: The British and Foreign Bible Society (1900), 14.
[13] Bliss, E.M., The Encyclopedia of Missions: Descriptive, Historical, Biographical, Statistical (Vol.1), London: Funk & Wagnalls (1891), 88.
[14] Cordier, H., Revue Internationale de Sinologie, Leide: Librairie et Imprimerie (1907), 412.
[15] Ecole des Langues OrientalesParis School of Oriental Languages.
[16] Chinese Recorder, The Word of God for Annam, (September 1913), 581-582.
[17] King, G.A., In Our Tongues, London: The British and Foreign Bible Society (1900), 14.
[18] Bonet, J., Đại Nam Quốc Âm Tự Vựng Hợp Giải Đại Pháp Quốc Âm – Dictionnaire Annamite-Francais, Langue Officielle et Langue Vulgaire, Paris: Imprimerie Nationale (1900).
[19] Purnell, C.J., The Log-book of William Adams 1615-1619 with the Journal of Edward Saris and Other Documents Relating to Japan, Cochin China, London: The Eastern Press Ltd. (1916), 248.
[20] Cadière Léopold. Jean Bonet: Dictionnaire annamite-français (langue officielle et langue vulgaire), BEFEO Tome 1, Hanoi: EFEO (1901), 140-142.
[21] Pigneaux, P. and Tabert, J.L., Dictionnarium Annamitico-Latinum, Serampore : J.C. Marshman (1838).
[22] Génibrel, J.F.M., Dictionnaire Annamite-Francais, Saigon: Imprimirie de la Mission à Tân Định (1898).
[23] Nguyễn Khắc Kham, “Lược Sử Công Trình Biên Soạn Từ Điển Việt Ngữ Từ Thế Kỷ XVII,” Luận Đàm, Bộ I, số 11,tháng 12/1961 – Bộ II, số 1, tháng 1/1962 – Bộ II, số 2, tháng 2/1962.
[24] Cordier, H., Revue Internationale de Sinologie, Leide: Librairie et Imprimerie (1907), 413.



[25] Lê Ngọc Trụ, “Chữ Quốc Ngữ Từ Thế Kỷ XVII Đến Cuối Thế Kỷ XIX,” Việt Nam Khảo Cổ Tập San, Bộ Quốc Gia Giáo Dục Sài Gòn, 1961, 113-141.
[26] King, G.A., In Our Tongues, London: The British and Foreign Bible Society (1900), 14.
[27] Ostervald, J.F., Le Bible ou l’Ancien et le Nouveau Testament, Cambridge: Société Biblique Britannique et Etrangère (1882).
[28] Ostervald, J.F., Le Bible qui contient l’Ancien et le Nouveau Testament, Paris: Société Biblique Britannique et Etrangère (1887).
[29] Bonet, Jean “Phúc Âm Theo Ông Thánh Luca” London: British & Foreign Bible Society (1890), 60.
[30] Bonet, Jean “Phúc Âm Theo Ông Thánh Luca” London: British & Foreign Bible Society (1890), 1.
[31] Phan Khôi “Giới Thiệu và Phê Bình Thánh Kinh Báo” Sài Gòn: Phụ Nữ Tân Văn, số 74, ngày 16/10/1930.
[32] Lê Ngọc Trụ “Chánh Tả Với Tự Nguyên” Sài Gòn: Mới, số 25, ngày 9/5/1953.
[33] Bonet, J., Đại Nam Quốc Âm Tự Vựng Hợp Giải Đại Pháp Quốc Âm – Dictionnaire Annamite-Francais, Langue Officielle et Langue Vulgaire, Tome 2, Paris: Imprimerie Nationale (1900).
[34] Rhodes, A., Catechismus pro iis, qui volunt suscipere baptismum, in octo dies divisus, Rome: Typis Sacre Congregationis de Propaganda Fide (1651).
[35] Ostervald, J.F., Le Bible qui contient l’Ancien et le Nouveau Testament, Paris: Société Biblique Britannique et Etrangère (1887), NT 60.
[36] Bonet, Jean “Phúc Âm Theo Ông Thánh Luca” London: British & Foreign Bible Society (1890), 4.
[37] King, G.A., In Our Tongues, London: The British and Foreign Bible Society (1900), 14.
[38] Nam Phong (7/1911), Quyển 1, Số 1, Phụ Trương Từ Vựng, i-x.
[39] Nam Phong (10/1918), Quyển 3, Số 16, 198-209.
[40] Nam Phong (10/1923), Quyển 13, Số 76, 348.
[41] Phan Khôi, Giới Thiệu và Phê Bình Thánh Kinh Báo, Phụ Nữ Tân Văn, Số 74, 16/10/1930.

Comments (1)

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top