Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Kiến Thức » Lịch Sử: Giao Tiếp Giữa Hoa Kỳ Và Việt Nam Trong Thế Kỷ 19

Lịch Sử: Giao Tiếp Giữa Hoa Kỳ Và Việt Nam Trong Thế Kỷ 19

Lịch Sử: Giao Tiếp Giữa Hoa Kỳ Và Việt Nam Trong Thế Kỷ 19

IV. Nổ Lực Bang Giao Của Hoa Kỳ Với Việt Nam Vào Năm 1836

Chuyến đi của Đặc sứ Edmund Roberts sang Á Châu vào năm 1832-1833 chỉ đạt kết quả một phần.  Đặc sứ Edmund Roberts được trao trách nhiệm thiết lập bang giao với ba quốc gia Muscat, Việt Nam và Thái Lan, tuy nhiên chỉ ký được hai hiệp ước với quốc vương Muscat và vua Thái Lan còn việc bang giao với Việt Nam thì không thành.  Đặc sứ Edmund Roberts mang hai hiệp ước đã ký trở lại Hoa Kỳ vào tháng 5 năm 1834.  Tổng Thống Andrew Jackson và quốc hội Hoa Kỳ đã phê chuẩn hai hiệp ước nói trên vào tháng 6 năm 1834.

Sau đó Edmund Roberts được Tổng Thống Andrew Jackson cử sang Á Đông một lần nữa.  Nhiệm vụ đầu tiên của Edmund Robert là trao hiệp ước đã được Tổng Thống Andrew Jackson và quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn cho quốc vương Muscat và vua Thái Lan.  Nhiệm vụ thứ hai là tìm cách thiết lập bang giao với các hoàng đế Việt Nam và Nhật Bản.

Ngày 23/4/1835, Đặc sứ Edmund Roberts rời Hoa Kỳ đi Á Đông.  Trong việc chuẩn bị bang giao với Việt Nam, lần này Edmund Robert mang theo bức thư của Tổng Thống Andrew Jackson ký ngày 20/3/1835. Qua lần tiếp xúc đầu tiên, phái đoàn Hoa Kỳ biết một số quan Việt Nam hiểu tiếng Pháp.  Bức thư ngoại giao của Tổng Thống Andrew Jackson được viết bằng tiếng Anh, kèm theo một bản dịch bằng tiếng Pháp.  Chỉ huy của  chiến thuyền Peacock trong chuyến hải trình này là E.P. Kennedy.  Phụ tá cho Edmund Roberts là Bác Sĩ W.S.W. Ruschenberger, người sẽ thay thế cho Edmund Roberts  làm trưởng đoàn nếu có chuyện bất trắc xảy ra. Tháp tùng với chiếc Peacock có chiến hạm Enterprise.[1]

Sau khi ghé vịnh Ba Tư và một vài nơi khác, phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ đến Thái Lan để thảo luận thêm một số thương ước với Thái Lan.  Sau khi các thương ước với Thái Lan được ký xong, ngày 20/4/1836 phái đoàn Hoa Kỳ chuẩn bị rời Thái Lan đi Việt Nam. Theo bút ký của Bác sĩ W.S.W. Ruschenberger, khi chuẩn bị rời Thái Lan Đặc sứ Edmund Roberts và nhiều thủy thủ trên tàu PeacockEnterprise bị đau nặng.[2]

Ngày 6/5/1836 thuyền Peacock đi ngang Côn Đảo, rồi từ đó thuyền đi dọc bờ biển miền Trung. Thuyền Enterprise vẫn còn ở lại Thái Lan vì nhiều người bị đau. Bác sĩ W.S.W. Ruschenberger kể lại rằng bờ biển miền Trung Việt Nam rất đẹp và thơ mộng.  Dọc theo duyên hải Việt Nam có nhiều vịnh tự nhiên. Việt Nam có nhiều rặng núi hùng vĩ cao hàng ngàn thước tráng lệ như rặng Sierra Nevada và Granada.

Phái đoàn Hoa Kỳ đến cảng Đà Nẵng vào ngày 13/5/1836.    Chiều hôm đó có ba vị quan Việt Nam đến thăm thuyền.  Lần đầu tiên tiếp xúc với người Việt, Bác sĩ Ruschenberger nhận xét rằng nghe người Việt nói ông có cảm nghĩ như đang nghe người Ý hát opera.  Cử chỉ của người Việt rất khoan thai. Nhân dáng của người Việt trội hơn hẳn người Thái Lan.[3]

Đặc sứ Edmund Roberts trao cho các quan Việt Nam một bức thư viết bằng tiếng Anh và tiếng Pháp trình bày mục đích chuyến viếng thăm của phái đoàn Hoa Kỳ.  Các quan Việt Nam cho biết phái đoàn Hoa Kỳ sẽ nhận được trả lời trong vòng ba ngày.[4]

Ngày 17/5/1836, các quan Việt Nam đến gặp phái đoàn Hoa Kỳ.  Phía Việt Nam mang theo một thông dịch viên nói tiếng Malaysia.  Phái đoàn Hoa Kỳ có một người Hòa Lan có thể nói tiếng Pháp và tiếng Malaysia.  Hai bên tiếp xúc và trao đổi với nhau nhưng các quan Việt Nam không tin Đặc sứ Edmund Roberts là người có thẩm quyền vì ông chỉ mặc thường phục trong khi đó các nhân viên cấp dưới của ông là các sĩ quan hải quân lại mặc lễ phục.  Bác sĩ Ruschenberger ghi chú rằng lần sau khi giao dịch với Việt Nam, đại diện phái đoàn Hoa Kỳ phải mặc lễ phục với nhiều huy chương thì người Việt mới kính trọng.

Ruschenberger nhận xét người Việt là dân tộc lịch thiệp và coi trọng nghi thức.  Trong lần tiếp xúc trước đó vào năm 1833, các viên chức Việt Nam đã tìm hiểu chức vụ của Đặc sứ Edmund Roberts ở cấp bậc nào để xem có xứng đáng với vị trí mà họ phải tiếp xúc hay không.  Thông thường tước hiệu tại Việt Nam có tên càng dài thì chức vụ càng lớn. Khi biết như vậy, Đặc sứ Edmund Roberts phải đọc một loạt danh hiệu từ Đặc sứ của Tổng Thống Hoa Kỳ đến danh hiệu là công dân của mỗi một trong số 24 tiểu bang tại Hoa Kỳ, để tước hiệu dài cho đủ để các nhà ngoại giao Việt Nam kính trọng.  Khi người thư ký viết các chức vụ đó đầy một tờ giấy và sắp sửa chuyển sang tờ giấy thứ hai thì vị quan Việt Nam yêu cầu dừng lại và nói rằng tước vị như vậy đã đủ vì chức vụ của Đặc sứ Edmund Roberts đã lớn hơn chức vụ của ông.[5]

Trong lần giao tiếp lần này tại Đà Nẵng, Bác sĩ Ruschenberger cho biết một số sách chứng đạo bằng chữ Hán viết về niềm tin Cơ Đốc được tặng cho các quan Việt Nam đến thăm thuyền.  Các quan Việt Nam đọc cách thích thú nhưng để lại trên thuyền mà không mang vào đất liền.[6]

Ngày 20/5/1836, các quan Việt Nam trở lại thăm thuyền và tặng phái đoàn Hoa Kỳ trái cây.  Các quan Việt Nam cho biết phái đoàn Hoa Kỳ phải chờ mười một ngày nữa mới nhận được trả lời từ Huế.

Ngày 21/5/1836, thuyền Enterprise đến Đà Nẵng.  Tình hình sức khỏe trên thuyền thật tệ hại.  Nhiều thủy thủ đau nặng.  Thuyền cần tìm một cảng có nơi thoáng mát để thủy thủ dưỡng bệnh.

Chiều ngày 21/5/1836, một vị quan Việt Nam đến thăm thuyền nói rằng tại Huế không còn ai có thể đọc được những bức thư mà Đặc sứ Edmund Roberts đã gởi.  Tuy nhiên, Hoàng đế Minh Mạng đã cử một vị quan đến Đà Nẵng để tìm hiểu mục đích của phái đoàn Hoa Kỳ.

Ngày 22/5/1836, các quan Việt Nam địa phương đến thăm thuyền nhưng vì Đặc sứ Edmund Roberts bị đau nặng, phái đoàn Hoa Kỳ từ chối không tiếp.  Các quan Việt Nam không hài lòng ra về.

Tình trạng sức khỏe của thủy thủ đoàn trên hai thuyền PeacockEnterprise càng lúc càng tệ hại.  Sức khỏe của Đặc sứ Edmund Roberts trong tình trạng nguy kịch. Là người có trách nhiệm xử lý thường vụ trong hoàn cảnh đó Bác sĩ Ruschenberger quyết định sẽ nhổ neo đi Macao tìm cách chữa trị cho những người đau trong phái đoàn Hoa Kỳ.  Nếu chần chờ tình trạng tình trạng tử vong có thể sẽ lên cao.

Một vấn đề khó xử cho Bác sĩ Ruschenberger vào lúc đó là việc ra đi đột ngột của phái đoàn Hoa Kỳ có thể dẫn đến hiểu lầm có thể gây khó khăn cho việc bang giao giữa hai quốc gia trong tương lai.  Với suy nghĩ đó, trưa ngày 22/5/1836 Bác sĩ Ruschenberger cùng với William R. Taylor và thông dịch viên người Hòa Lan là Jacobs vào Đà Nẵng.  Mục đích của chuyến đi là giải thích cho phía Việt Nam việc phái đoàn Hoa Kỳ phải rời Việt Nam, đồng thời cũng để thăm dò khả năng giao thương với Việt Nam trong tương lai.

Tại Đà Nẵng, phái đoàn Hoa Kỳ gặp các viên chức địa phương.  Các quan Việt Nam đã đặt vấn đề vì sao phái đoàn Hoa Kỳ không tiếp các quan địa phương Việt Nam vào sáng hôm đó. Bác sĩ Ruschenberger đáp ông sẽ trả lời câu hỏi này khi gặp các quan do triều đình Huế cử đến và yêu cầu được gặp các vị quan đó.  Bác sĩ Ruschenberger đề nghị nếu đại diện triều đình Huế muốn gặp Đặc sứ Edmund Roberts, ông sẵn lòng đưa các quan đó lên thuyền gặp đại diện của chính phủ Hoa Kỳ.[7]

Theo Đại Nam Thực Lục, hai vị đại diện triều đình Huế là Thị lang[8] bộ Hộ[9] Đào Trí Phú và Thị lang bộ Lại[10] Lê Bá Tú.[11]   Lời yêu cầu của phái đoàn Hoa Kỳ được chấp nhận.  Chiều hôm đó Bác sĩ Ruschenberger được gặp Thị lang Lê Bá Tú và Đào Tri Phú.  Hai vị quan nói trên hỏi vì sao phái đoàn Hoa Kỳ không tiếp các quan Việt Nam địa phương vào sáng hôm đó.   Bác sĩ Ruschenberger giải thích rằng Đặc sứ Edmund Roberts và nhiều nhân viên trên thuyền Peacock bị đau nặng nên không thể tiếp các quan Việt Nam được.

Khi tiếp xúc với các quan Việt Nam, Bác sĩ Ruschenberger mới nhận ra một khó khăn trong việc giao tiếp.  Phái đoàn Hoa Kỳ phải nói tiếng Pháp để Jacobs, thông dịch viên người Hòa Lan, dịch sang tiếng Malaysia.  Sau đó, thông dịch viên người Việt dịch từ tiếng Malaysia sang tiếng Việt.  Điều đáng tiếc là thông dịch viên người Việt không biết nhiều tiếng Malaysia nên việc phiên dịch rất khó. Các quan Việt Nam cũng gặp khó khăn tương tự khi trả lời do đó cuộc đàm thoại giữa hai bên vừa mất thì giờ vừa khó hiểu.  Bác sĩ Ruschenberger đi đến kết luận là việc thảo luận về giao thương không thể thực hiện vào lúc đó.[12]

Khi gặp Thị lang Đào Trí Phú, Bác sĩ Ruschenberger trình bày với đại diện của triều đình Huế mục đích của phái đoàn Hoa Kỳ đến Việt Nam là xin giao thương với Việt Nam.  Ông thay mặt Đặc sứ Edmund Roberts chân thành xin lỗi các quan Việt Nam vì tình trạng sức khỏe của đặc sứ và các nhân viên trên thuyền nên nên không thể tiếp phái đoàn Việt Nam vào buổi sáng hôm đó. Bác sĩ Ruschenberger thông báo phái đoàn Hoa Kỳ phải rời Việt Nam gấp để tìm cách cứu chữa cho những người bị bệnh.  Đặc sứ Edmund Roberts rất tiếc vì một lần nữa phái đoàn Hoa Kỳ phải ra đi khi chưa thiết lập giao thương với Việt Nam. Ba năm trước ông đã đến Vũng Lấm chờ hơn một tháng nhưng phải rời Việt Nam vì không được phép đi Huế.  Lần này phải vội vã rời Việt Nam vì bị đau, Đặc sứ Edmund Roberts hy vọng sẽ trở lại Việt Nam trong tương lai.

Thị lang Đào Trí Phú hỏi bức thư của phái đoàn Hoa Kỳ vào năm 1833 đã được trao cho ai.  Sau khi nghe trả lời, Bác sĩ Ruschenberger được cho biết vị quan liên hệ trong lần giao tiếp đó đã bị Hoàng đế Minh Mạng kỷ luật.[13]

Thị lang Đào Trí Phú hỏi Bác sĩ Ruschenberger có mang theo thư gởi cho hoàng đế hay không. Bác sĩ Ruschenberger trả lời quốc thư phải do đích thân Đặc sứ Edmund Roberts trình lên vua Minh Mạng, ông không có thẩm quyền đó.

Thị lang Đào Trí Phú hỏi tiếp ai là người sẽ dịch thư sang chữ Hán và người đó có trên thuyền hay không?  Bác sĩ Ruschenberger trả lời rằng rất tiếc người dịch thư sang chữ Hán không có mặt trên thuyền. Các quan Việt Nam hỏi lại: Làm thế nào phái đoàn Hoa Kỳ có thể đi giao thương mà không đem thông dịch viên theo?  Bác sĩ Ruschenberger trả lời lý do phái đoàn Hoa Kỳ không mang theo người thông dịch chữ Hán trong lần này vì phái đoàn Hoa Kỳ được biết tại triều đình Huế có người hiểu tiếng Pháp.  Bác sĩ Ruschenberger lịch sự nói rằng có lẽ thông tin này không chính xác.

Bác sĩ Ruschenberger hỏi lại chính quyền Việt Nam có sẵn sàng giao thương với Hoa Kỳ hay không. Thị lang Đào Trí Phú trả lời rằng cùng thời gian này năm trước phái đoàn Pháp và Hòa Lan đã đến xin giao thương, tuy nhiên ông không phải là người có thẩm quyền để trả lời việc hoàng đế có bằng lòng chấp thuận hay không.   Điều mà Thị lang Đào Trí Phú có thể khẳng định là nếu thương thuyền Hoa Kỳ đến Việt Nam mua bán thì tại Việt Nam có đủ hàng hóa để mua.

Bác sĩ Ruschenberger trình bày với các quan Việt Nam rằng do tình trạng sức khỏe nguy kịch của các nhân viên trên thuyền, phái đoàn Hoa Kỳ phải rời Việt Nam gấp và sẽ trở lại trong tương lai khi có thông dịch viên.

Khi biết phái đoàn Hoa Kỳ phải rời Việt Nam, Thị lang Đào Trí Phú cho biết việc thương thuyết cho vấn đề giao thương giữa hai quốc gia có thể giải quyết ngay lúc đó vì ông là người có thẩm quyền.  Phái đoàn Hoa Kỳ lúc đó mới biết Thị lang Đào Trí Phú là quan trong triều của vua Minh Mạng và là cấp trên của tất cả các vị quan mà họ đã tiếp xúc ở Vũng Lấm trước đó ba năm.

Bác sĩ Ruschenberger trả lời vì không có thông dịch viên thông thạo chữ Hán nên không thể thảo luận vào lúc này.  Thị lang Đào Trí Phú đề nghị ngay lúc đó hai bên nên thương thuyết và đồng ý với nhau bằng miệng, với điều kiện phái đoàn Hoa Kỳ phải trao cho ông bức thư gởi cho Hoàng đế Minh Mạng. Bác sĩ Ruschenberger trả lời sẽ trình đề nghị này lên Đặc sứ Edmund Roberts.[14]

Thị lang Đào Trí Phú hỏi tại sao Đặc sứ Edmund Roberts không đến gặp ông.  Bác sĩ Ruschenberger trả lời rằng theo nghi thức ngoại giao Thị lang Đào Trí Phú phải là người lên thuyền gặp Đặc sứ Edmund Roberts trước. Thị lang Đào Trí Phú cho biết nếu Đặc sứ Edmund Roberts lên bờ gặp ông thì hai bên có thể thảo luận và giải quyết vấn đề nhanh chóng. Bác sĩ Ruschenberger một lần nữa trả lời sẽ trình đề nghị này lên Đặc sứ Edmund Roberts.

Thị lang Đào Trí Phú hỏi ngày mai Bác sĩ Ruschenberger có quay lại để thảo luận hay không? Thị lang Đào Trí Phú  nói thêm nếu cuộc thương thảo được xúc tiến, chỉ trong vòng ba đến năm ngày, phái đoàn Hoa Kỳ sẽ nhận được câu trả lời từ chính Hoàng đế Minh Mạng. Thị lang Đào Trí Phú cũng đề nghị giúp thuốc men và điều trị cho những người đang mắc bệnh trên tàu.  Bác sĩ Ruschenberger cảm ơn lời đề nghị giúp đỡ và trả lời rằng phái đoàn Hoa Kỳ phải rời Việt Nam ngay tối hôm đó để tìm cách cứu chữa những người đang bị đau.[15]

Cuối buổi họp, Thị lang Đào Trí Phú nói vài lời bằng tiếng Pháp.  Ông nói với nhân viên phái đoàn Mỹ rằng nước mà các nhân viên phái đoàn Mỹ dùng trên thuyền có lẽ bị nhiễm độc. Nước từ trên núi chảy xuống không tốt nhưng nước dưới sông tốt hơn.  Bác sĩ Ruschenberger hỏi Thị lang Đào Trí Phú có đàm thoại được trong tiếng Pháp hay không. Thị lang Đào Trí Phú trả lời “Non, non.” Bác sĩ Ruschenberger nghĩ rằng Thị lang Đào Trí Phú không thể nói tiếng Pháp lưu loát nhưng có thể đọc và hiểu tiếng Pháp.[16]

Bác sĩ Ruschenberger quay lại tàu vào lúc 6 giờ tối ngày 22/5/1863.  Ngay đêm hôm đó PeacockEnterprise nhổ neo rời Việt Nam.  Thủy thủ đoàn trên hai chiếc tàu này hy vọng tại Macao họ sẽ tìm được chỗ điều trị những người đang đau nặng.  Biển êm, gió lặng, ngày 24/5/1836, tàu PeacockEnterprise vượt đảo Hải Nam. Ba giờ chiều ngày 26/5/1836, hai tàu thả neo tại Macao.

Khi biết tin thủy thủ và nhân viên phái đoàn ngoại gia Hoa Kỳ bị bệnh nặng, William Shepard Wetmore,[17] một thương gia Hoa Kỳ tại Trung Hoa, đã thuê một căn nhà làm bệnh viện cho những người đau trên hai chuyến tàu.  Ngày 28/5/1836, những người bị đau nặng được chuyển lên bờ.  Các thương nhân người Anh và các mục sư tại Macao đã hết lòng giúp phái đoàn Hoa Kỳ.

Trong thời gian phái đoàn Hoa Kỳ lưu trú tại Macao, mỗi Chúa nhật, Mục sư Charles Gutzlaff và Mục sư Peter Parker, vốn là những bác sĩ và là nhà truyền giáo tại Trung Hoa, đã tổ chức những giờ thờ phượng tại bệnh viện.

Ngày 3/6/1836, Thiếu úy Archibald S. Campbell, chỉ huy tàu Enterprise qua đời. Ngày 12/6/1836 Đặc sứ Edmund Roberts, Trưởng Phái Đoàn Ngoại Giao Hoa Kỳ, về với Chúa tại nhà riêng của William Shepard Wetmore.   Các thương gia Hoa Kỳ tại Trung Hoa đã dựng mộ bia cho Edmund Roberts với những dòng chữ sau:

Đây là nơi an táng của Edmund Roberts, Đặc sứ giao tiếp với các triều đình Á Châu, mất tại Macao ngày 12/6/1836.  Ông là người đã thiết lập và thi hành, theo chỉ thị của chính quyền nước ông, những hiệp ước về thương mại giữa Hoa Kỳ và các triều đình Muscat và Thái Lan. Dựng để tưởng nhớ Edmund Roberts, quê quán tại Portsmouth, New Hampshire, bởi những thương nhân Hoa Kỳ sinh sống tại Trung Hoa.[18]

Về nổ lực bang giao lần thứ hai của Hoa Kỳ, Đại Nam Thực Lục chép như sau:

Binh thuyền Ma-li-căn đậu ở vũng Trà Sơn thuộc Đà Nẵng, Quảng Nam, nói có quốc thư cầu thông đạt, xin vào chầu.  Quan tỉnh đem việc tâu lên.  Vua hỏi Thị lang bộ Hộ Đào Trí Phú rằng: ‘Xem tình ý lời lẽ của họ tỏ ra cung thuận có nên nhận hay không?’ [Tri Phú] thưa: ‘Họ là người nước ngoài, tình ý giả dối cũng chưa biết chừng.  Thần tưởng hãy cho họ vào Kinh, lưu ở công quán Thương Bạc, phái người đến khoản đãi để thăm dò cái ý họ đến.”  Thị lang Nội các Hoàng Quỳnh tâu nói: ‘Nước họ xảo quyệt muôn mặt, nên cự tuyệt đi.  Một khi dung nạp sợ để lo cho đời sau.  Người xưa đóng cửa ải Ngọc Quan, tạ tuyệt Tây Vực, thực là chước hay chống cự Nhung Địch.’ Vua nói: ‘Họ ở xa trùng dương hơn 40.000 dặm, nay ngưỡng mộ uy đức triều đình mà đến sao lại cự tuyệt, chẳng hóa tỏ ra cho người ta thấy mình không rộng rãi ư?’  Liền sai Đào Trí Phú nói cùng Thị lang bộ Lại Lê Bá Tú, làm thuộc viên Thương Bạc, đến tận nơi úy lạo thăm hỏi.  Khi đến nơi, viên thuyền trưởng nói là bị ốm, không tiếp kiến được.  Ta sai thông ngôn đến thăm; họ cũng sai người đáp lễ, rồi ngay ngày ấy, giương buồm kéo đi.  Bọn Trí Phú đem việc tâu lên và nói: ‘Chợt đến, chợt đi, thực không có lễ nghĩa!’  Vua phê bảo rằng: ‘Họ đến, ta không ngăn cản.  Họ đi, ta không đuổi theo. Lễ phép văn minh có trách gì man di cõi ngoài!’[19]  

Trong các văn bản tường thuật chính thức của hai quốc gia, trong lần gặp gỡ vào năm 1836 phía Việt Nam sẵn sàng tiếp xúc với phái đoàn Hoa Kỳ.  Điều đáng tiếc do tình trạng sức khỏe nguy kịch của các nhân viên nên phái đoàn Hoa Kỳ phải gấp rút rời Việt Nam.  Vì vấn đề đáng tiếc đó, một lần nữa việc bang giao Hoa Kỳ và Việt Nam bị thất bại.

Sai sót của phái đoàn Hoa Kỳ trong lần bang giao này là không mang theo thông dịch viên hiểu tiếng Việt hoặc chữ Hán.  Qua lần tiếp xúc vào năm 1833, triều đình Việt Nam biết phái đoàn Hoa Kỳ có người giỏi chữ Hán. Lần này, Thị lang Đào Trí Phú muốn gặp nhân vật này nhưng người đó đã không tháp tùng với phái đoàn Hoa Kỳ trong lần viếng thăm này.

Về phía Việt Nam, dầu triều đình nhà Nguyễn có nhiều thiện chí trong việc tiếp xúc với phái đoàn Hoa Kỳ nhưng các quan Việt Nam không thật lòng khi nói rằng cả triều đình Huế không ai biết tiếng Anh và tiếng Pháp.  Theo Đại Nam Thực Lục, hai bức thư bằng tiếng Anh và tiếng Pháp mà Đặc sứ Edmund Roberts gởi đến đã được đọc và hiểu tại triều đình.  Vua Minh Mạng khen lời lẽ trong thư cung thuận nên cho người đến tiếp phái đoàn Hoa Kỳ.  Bác sĩ Ruschenberger cũng cho biết Thị lang Đào Trí Phú có thể nghe và đọc được tiếng Pháp.  Thái độ không hoàn toàn thành thật của các quan Việt Nam thể hiện sự nghi ngờ.  Điều đó khiến Bác sĩ Ruschenberger, người đại diện của phái đoàn Hoa Kỳ, dè dặt trong việc đẩy mạnh thương thảo với Việt Nam vào lúc đó.[20]

Mặc dù mỗi bên đều nhận được báo cáo từ những người liên hệ về kết quả của chuyến bang giao, một số người có trách nhiệm của hai quốc gia muốn tìm hiểu còn có những lý do nào khác khiến việc bang giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam thất bại.

Vài tháng sau khi phái đoàn Hoa Kỳ rời Việt Nam, một chiến thuyền của Việt Nam đến Macao, trên thuyền có một vị quan Việt Nam. Một người Hoa Kỳ tại Macao, có lẽ là một thương gia, đã đến thăm thuyền.  Vị quan Việt Nam đã hỏi lý do vì sao phái đoàn Hoa Kỳ đến Việt Nam rồi đột ngột ra đi.  Người Mỹ này đã viết cho vị quan Việt Nam những dòng chữ sau.

Người Mỹ là một dân tộc đã du hành khắp bốn biển, tạo tình thân hữu với nhiều quốc gia. Do chưa có dịp giao thương với quý quốc nên đã hai lần cử đặc sứ để bàn thảo về vấn đề thương mãi giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.  Theo tài liệu được ghi nhận, việc giao thương đúng theo luật lệ của quý quốc sẽ mang lại sự thạnh vượng cho hai quốc gia. Vì thế, người Hoa Kỳ thật lấy làm tiếc vì những nỗ lực đó đã bất thành.  Chúng tôi xin hỏi ngài rằng có những lý do nào đã ngăn trở việc ký hòa ước, ấn định thuế khóa và luật thương mãi hay không?  Khi nhận được những câu trả lời của ngài, chúng tôi sẽ rất vui chuyển đến quốc gia của chúng tôi cùng với tất cả những tài liệu mà ngài muốn truyền đạt.  Và chúng tôi hy vọng rằng, trong tương lai, tất cả những trở ngại sẽ được cất bỏ, những điều ngăn trở việc thiết lập mối quan hệ hữu nghị giữa quý quốc và những thương gia của đất nước chúng tôi.”[21]

Vị quan Việt Nam đã trả lời như sau:

Năm trước, một thuyền của quý quốc đã đến cảng Vũng Lấm, thuộc Phú Yên, Việt Nam.  Lúc đó, là Giám đốc Nha Thương Bạc, tôi đã cử nhân viên đến chúc mừng phái đoàn vừa đến và chuẩn bị những điều cần thiết để đón tiếp.  Nhưng việc bút đàm giữa hai bên không tương xứng, sự trao đổi ý tưởng chậm chạp và khó khăn.  Trong vấn đề giao thương, cần phải có sự hiểu biết rõ ràng, vì là Giám đốc, tôi phải tiếp xúc và yêu cầu chuẩn bị những tín chỉ cần thiết; nhưng trước khi những điều đó sẵn sàng, thuyền của quý quốc đã ra đi.

Một lần nữa, vào tháng Ba năm nay, các thuyền từ quý quốc lại đến thả neo tại cảng Đà Nẵng, gần Quảng Nam; và cũng như lần trước, tôi sai các quan trực thuộc đến chúc mừng họ.  Tuy nhiên, các sứ giả dầu nhiều lần lập lại yêu cầu, họ không nhận được câu trả lời.  Thật bất ngờ, không báo trước, mấy thuyền này bỏ đi. Cả hai lần họ đến bất ngờ rồi thình lình ra đi, nên không được gì cả.  Chẳng phải họ bỏ công vô ích sao? 

Ngay sau khi tôi đến Macao vì việc công, ngài là một người tử tế đã đến thăm và hỏi về những vấn đề này.  Bởi vì việc đàm thoại của chúng ta không rõ ràng, tôi phải viết những điều này, để trình bày cho ngài, giúp ngài hiểu rõ, đây là chủ ý của tôi, như là Giám đốc Nha Thương Bạc, nhằm thể hiện và bày tỏ sự hoan nghênh của vương quốc chúng tôi đối với những người từ xa đến; và không có sự thiên kiến đối đãi họ cách thiếu văn minh.[22]  

Dựa trên câu trả lời của vị quan Việt Nam, các nhà truyền giáo Tin Lành tại Á Châu đã viết một bài phân tích nguyên nhân thất bại trong việc bang giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam vào năm 1833 và 1836.  Bài viết được đăng trên tờ Chinese Reposistory số tháng 9 năm 1837.

Nhìn nhận lời của vị quan Việt Nam là đúng – và chúng ta không có lý do gì để đặt nghi vấn về sự chính xác – những nguyên nhân sai lầm trong sứ mạng bang giao từ phía Hoa Kỳ thật rõ ràng.  Do đó, trong tương lai phải tránh những sai lầm như vậy, hoặc tương tự như vậy.  Việc xem thường ngôn ngữ, tập quán, phong tục, cách áp dụng luật lệ tại các triều đình Đông Phương là một trong những nguyên nhân chính tạo nên sự thất bại trong việc thương lượng mà những đại sứ và sứ thần Tây Phương được cử đi trong vòng hai thế kỷ rưỡi qua đã vấp phải.  Trong lần viếng thăm thứ hai của Đặc sứ, ông không có phương tiện để giao thiệp với sứ giả của triều đình.  Chúng ta biết rằng tiếng Pháp được sử dụng tại Việt Nam; và ba năm trước đây một người dân của nước này ở tại Quảng Đông, người đó đã từng đi Pháp, và được giáo dục để trở thành một linh mục dòng cho một trong những trung tâm truyền giáo của người Công giáo. Nhưng ngoại trừ những trường hợp đặc biệt như vậy, chúng ta giả định rằng tiếng Pháp được dùng ở Việt  Nam, cũng như tiếng Anh được dùng tại Quảng Đông, là những giả định khờ khạo thiếu khôn ngoan nhất, trừ khi trong những việc đổi chác đơn giản.  Trong chuyến viếng thăm đầu tiên, một thông dịch viên, tương xứng với công việc, đã được sắp đặt, nhưng với điều kiện không được nhắc tên.  Ngoài ra cũng có những điều khác nữa, như vấn đề tặng phẩm, phải được chuẩn bị tương xứng hơn.

Vị vua hiện tại của Việt Nam, Minh Mạng, nối ngôi cha từ năm 1820.  Vua thể hiện ý muốn giao tiếp với các quốc gia ngoại quốc hơn vua tiền nhiệm.  Được biết nhà vua đã giảm thuế cho các thương thuyền ngoại quốc thường đến mua bán.  Nhà vua có một lực lượng hải quân nhỏ và một số thuyền được đóng theo kiểu Âu Châu.  Gần đây, có một thuyền chiến đến Macao ước lượng khoảng 400 tấn dài 30 thước và rộng khoảng 7 thước.  Thủy thủ đoàn gồm 50 người lính và 63 thủy thủ, phần lớn lực lưỡng, dầu họ cao trung bình chỉ khoảng một thước rưỡi.  Sườn tàu được đóng bằng gỗ trắc, rất vững chắc.[23]     

Bài viết của tờ Chinese Reposistory xác định nguyên nhân chính gây ra thất bại trong nổ lực bang giao lần thứ hai về phía Hoa Kỳ là không có một thông dịch viên tương xứng với nhiệm vụ ngoại giao quan trọng đó. Phái đoàn Hoa Kỳ đã sai lầm trong việc giả định có người nói tiếng Pháp lưu loát tại triều đình Việt Nam nên đã không mang theo thông dịch viên biết tiếng Việt hoặc chữ Hán.  Sai lầm thứ hai là phái đoàn Hoa Kỳ thiếu hiểu biết về vấn đề giao tế tại Á Đông. Quà tặng cho các vua Á Đông thường là của ngon hoặc vật lạ. Khi đến thăm Việt Nam lần thứ hai, phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ mang tặng phẩm cho vua Minh Mạng là gạo và đường.  Đây là một sai lầm ấu trĩ. Bác sĩ Ruschenberger cho biết khi phái đoàn Hoa Kỳ trình những quà tặng này, các quan Việt Nam đã trả lời vua Minh Mạng đã có rất nhiều gạo và đường nên không nhận những quà tặng đó.[24]

Nhận định của các nhà truyền giáo Tin Lành về chủ trương vua Minh Mạng muốn giao tiếp với các quốc gia Tây Phương dựa trên một số sự kiện đã xảy ra vào lúc đó. Về vấn đề tôn giáo, vua Minh Mạng và nhà Nguyễn không muốn Cơ Đốc giáo phát triển tại Việt Nam nên đã áp dụng chính sách bách hại Cơ Đốc giáo.  Hoạt động của các nhà truyền giáo tại Việt Nam bị ngăn cấm.  Về phương diện kinh tế,  mặc dầu nhà Nguyễn dưới thời vua Minh Mạng vẫn áp dụng chính sách bế môn tỏa cảng nhưng vua Minh Mạng thường cử các quan theo tàu đến một số quốc gia trong vùng Đông Nam Á để mua bán, nghiên cứu và học hỏi.  Đại Nam Thực Lục chép rằng rất nhiều thương thuyền của nhà Nguyễn đã đi ngoại quốc, đặc biệt thường đến Giang Lưu Ba (Batavia)[25] và Hạ Châu (Singapore).[26]

Batavia, Singapore, và sau này Hong Kong, là nơi các giáo sĩ Tin Lành đặt các trung tâm truyền giáo. Các nhà truyền giáo Tin Lành biết thương thuyền của nhà Nguyễn chở các quan Việt Nam đến mua bán, nghiên cứu và học hỏi tại những nơi này.  Có một số vị quan nhà Nguyễn đã lén mang sách và tài liệu Cơ Đốc giáo về Việt Nam đã bị triều đình kỷ luật.[27]   Qua sự giao lưu thương mãi, các nhà truyền giáo Tin Lành hy vọng vua Minh Mạng sẽ hiểu rõ những ích lợi và dần dần sẽ thay đổi chính sách về kinh tế và tôn giáo tại Việt Nam.  Nếu chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam ký kết hiệp ước thương mại vào lúc đó, các thương nhân Tin Lành sẽ đến Việt Nam. Dầu không được chính thức truyền giáo, họ có thể làm công tác chuẩn bị truyền giáo cho Việt Nam như họ đã làm tại Trung Hoa.  Rất tiếc việc bang giao giữa hai quốc gia bất thành.

Căn cứ vào các tài liệu chính thức của Hoa Kỳ và Việt Nam, những trở ngại về ngôn ngữ và thiếu hiểu biết về văn hóa, phong tục tập quán của những người thừa hành là nguyên nhân khiến việc thương thuyết giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong hai lần gặp gỡ đầu tiên thất bại.  Những sai sót đó vô tình đã tạo nên những ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài. Nếu những việc đáng tiếc đó không xảy ra, Việt Nam và Hoa Kỳ có thể đã bang giao với nhau từ thế kỷ thứ 19 và hai quốc gia đã có mối quan hệ thân hữu. Qua mối bang giao với Hoa Kỳ và các quốc gia khác, Việt Nam, như Nhật và Thái Lan, có thể gìn giữ nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ cho tới ngày hôm nay mà không phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh với rất nhiều đau thương mất mát.

Lược trích từ sách Những Người Tin Lành Tại Việt Nam Trước Năm 1911
Thư Viện Tin Lành trích đăng với sự cho phép của tác giả.

(Phần 1)

Chú Thích:

[1] Enterprise là một chiến thuyền loại nhỏ của Hải Quân Hoa Kỳ.  Tàu được đóng tại New York Navy Yard vào năm 1831.  Tàu  dài 27 m, rộng 7,2 m, trang bị 10 súng đại bác và có thủy thủ đoàn 72 người.

[2] Ruschenberger, W.S.W, A Voyage Round the World Including An Embassy to Muscat and Siam in 1835, 1836, and 1827, 349-350.

[3] Ruschenberger, W.S.W, A Voyage Round the World Including An Embassy to Muscat and Siam in 1835, 1836, and 1827, 350-351.

[4] Ruschenberger, W.S.W, A Voyage Round the World Including An Embassy to Muscat and Siam in 1835, 1836, and 1827, 351.

[5] Ruschenberger, W.S.W, A Voyage Round the World Including An Embassy to Muscat and Siam in 1835, 1836, and 1827, 355.

[6] Ruschenberger, W.S.W, A Voyage Round the World Including An Embassy to Muscat and Siam in 1835, 1836, and 1827, 355.  Những sách chứng đạo này do các Mục sư Robert Morrison, William Milne, Walter Henry Medhurst, Charles Gutzlaff và Truyền đạo người Trung Hoa Leang Kung-Fa viết và xuất bản trước năm 1836 tại Malacca và Quảng Đông.

[7] Ruschenberger, W.S.W, A Voyage Round the World Including An Embassy to Muscat and Siam in 1835, 1836, and 1827, 358.

[8] Thị lang là chức vụ của một vị quan hàm tứ phẩm làm việc tại một trong lục bộ của triều đình (lại, hộ, lễ, binh, hình, công). Trong mỗi bộ, chức Thị lang chỉ thấp hơn chức Thượng thư. Quan Thị lang có thể xem tương đương với chức vụ Thứ trưởng ngày nay.

[9] Bộ Hộ là bộ lo việc thống kê, đinh điền, lương tiền và thuế vụ. Viên chức cao nhất của Bộ Hộ là Thượng thư bộ Hộ.

[10] Bộ Lại là bộ lo việc phân chức và bổ nhiệm các quan. Viên chức cao nhất của Bộ Lại là Thượng thư bộ Lại.

[11] Đại Nam Thực Lục, IV, 916-917.

[12] Ruschenberger, W.S.W, A Voyage Round the World Including An Embassy to Muscat and Siam in 1835, 1836, and 1827, 363.

[13] Ruschenberger, W.S.W, A Voyage Round the World Including An Embassy to Muscat and Siam in 1835, 1836, and 1827, 361.

[14] Ruschenberger, W.S.W, A Voyage Round the World Including An Embassy to Muscat and Siam in 1835, 1836, and 1827, 362.

[15] Ruschenberger, W.S.W, A Voyage Round the World Including An Embassy to Muscat and Siam in 1835, 1836, and 1827, 363.

[16] Ruschenberger, W.S.W, A Voyage Round the World Including An Embassy to Muscat and Siam in 1835, 1836, and 1827, 363-364.

[17] William Shepard Wetmore là cha của George Peabody Wetmore, Thống đốc tiểu bang Rhodes Island (1895-1913).

[18] Ruschenberger, W.S.W, A Voyage Round the World Including An Embassy to Muscat and Siam in 1835, 1836, and 1827, 372-373.

[19] Đại Nam Thực Lục, IV, 196-197.

[20] Ruschenberger, W.S.W, A Voyage Round the World Including An Embassy to Muscat and Siam in 1835, 1836, and 1827, 364.

[21] Chinese Reposistory, Volume V, No. 11, (March 1837), 544-545.

[22] Chinese Reposistory, Volume V, No. 11, (March 1837), 545.

[23] Chinese Reposistory, Volume V, No. 11, (March 1837), 545-546.

[24] Ruschenberger, W.S.W, A Voyage Round the World Including An Embassy to Muscat and Siam in 1835, 1836, and 1827, 156-157.

[25] Đại Nam Thực Lục, II, 390, 472, 804; III, 95, 249, 324, 423, 642; IV, 404.

[26] Đại Nam Thực Lục, II, 225, 261, 308, 327, 343, 390, 472, 804; III, 8, 104, 135, 191, 213, 249, 277, 308, 309, 712; IV, 12, 29, 402, 404, 770, 820, 959, 1058.

[27] Đại Nam Thực Lục cho biết năm 1836, Trưởng sử Trần Hưng Hòa, Viên ngoại lang Vũ Tề, Hiệu úy Nguyễn Lương Huy, và Phó vệ úy Nguyễn Văn Cẩn bị giáng chức làm lính vì liên hệ đến việc mang tài liệu Cơ Đốc giáo từ Singapore vào Việt Nam. Đại Nam Thực Lục, IV, 959-960.

Comments (1)

Leave a Comment

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top