Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Kiến Thức » Lịch Sử: Giao Tiếp Giữa Hoa Kỳ Và Việt Nam Trong Thế Kỷ 19

Lịch Sử: Giao Tiếp Giữa Hoa Kỳ Và Việt Nam Trong Thế Kỷ 19

Lời Ban Biên Tập:
Trong quá khứ đã có những cuộc tiếp xúc nhằm xây dựng bang giao giữa hai quốc gia Hoa Kỳ và Việt Nam.  Rất tiếc vì nhiều lý do khác nhau, những nỗ lực này đã không kết quả.  Nhân dịp Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đến thăm Việt Nam lần này, Thư Viện Tin Lành xin giới thiệu với bạn đọc một ít tài liệu lịch sử về những cuộc tiếp xúc giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong thế kỷ thứ 19. 

Bài viết sẽ được đăng làm hai kỳ. Nội dung được trích từ chương 11 trong sách Những Người Tin Lành Tại Việt Nam Trước Năm 1911 xuất bản tại San Diego vào năm 2011. Thư Viện Tin Lành trích đăng với sự cho phép của tác giả. Mời bạn đọc cùng theo dõi.

Ban Biên Tập

 

sailboat_20

I. Bối Cảnh

Hoa Kỳ tuyên bố trở thành một quốc gia độc lập vào năm 1776.  Một trong những nhà lãnh đạo Hoa Kỳ vào thời lập quốc đó đã biết đến Việt Nam.

Trước khi trở thành Tổng Thống Hoa Kỳ, Thomas Jefferson (1743-1826) là đại diện của chính phủ Hoa Kỳ tại Pháp. Trong thời gian làm việc tại Paris (1785-1789), Thomas Jefferson có dịp đọc bút ký của Pierre Poivre.[1]  Cuốn sách mô tả những đồng lúa bát ngát tại Cochinchina (Việt Nam) và chép rằng tại Cochinchina gạo nhiều như núi. Dựa trên những kiến thức đó, Thomas Jefferson dự tính sẽ chuyển những nông trại trồng thuốc lá tại miền Nam Hoa Kỳ trở thành những cánh đồng trồng lúa.  Trên thế giới có rất nhiều giống lúa nhưng Thomas Jefferson thích lúa giống từ Việt Nam vì “gạo Cochinchina rất trắng, hương vị thơm ngon và sản lượng cao.”[2]

Cơ hội cho Đại sứ Thomas Jefferson tìm được lúa giống từ Việt Nam xảy ra khi Linh mục Pigneau de Behaine mang Hoàng tử Cảnh sang Pháp cầu viện vào năm 1786. Qua sự giúp đỡ của một số nhà ngoại giao Pháp, Thomas Jefferson đã gặp Linh mục Pigneau de Behaine và Hoàng tử Cảnh, và được đại diện của Hoàng tử Cảnh hứa sẽ gởi lúa giống Cochinchina sang Pháp.  Đại sứ Thomas Jefferson rời nhiệm sở tại Paris vào năm 1789 nhưng vẫn chưa nhận được lúa giống từ Cochinchina.

II. Những Người Hoa Kỳ Đầu Tiên Đến Việt Nam

Theo những sử liệu hiện có, Thuyền trưởng Jeremiah Briggs có lẽ là người Mỹ đầu tiên đến Việt Nam.  Năm 1803, Thuyền trưởng Jeremiah Briggs chỉ huy tàu Fame của công ty Crowninshield & Sons tại Massachusetts, sang Việt Nam để mua đường. Tàu Fame rời Salem vào ngày 17/1/1803, đến Côn Đảo ngày 15/5/1803, và thả neo tại cảng Đà Nẵng vào ngày 21/5/1803.  Thuyền trưởng Jeremiah Briggs cho biết ông đến Cochinchina khi vua Gia Long vừa bình định đất nước chừng 6 tháng.  Bút ký của Jeremiah Briggs mô tả một ít về kinh đô Huế, triều đình, thành lũy; ghi lại ấn tượng về chiến lược phòng thủ bằng đại bác, tóm tắt tình hình chính trị tại Việt Nam, và mô tả khái quát về đất nước Việt Nam.[3]

Mười sáu năm sau, vào năm 1819, John White đã chỉ huy tàu Franklin đến Việt Nam.  Tháng 6 năm 1819, John White ghé Côn Đảo, Cần Giờ và cảng Đà Nẵng. Do không xin được giấy phép vào Sài Gòn – lúc đó vua Gia Long đang bị bệnh – nên sau đó John White đã lái thuyền đi Philippines. Tháng 9 năm 1819, từ Philippines, John White quay lại Việt Nam đến Sài Gòn, và chờ tại đó cho đến cuối tháng 1 năm 1820.  Ngày 30/1/1820, John White rời Sài Gòn. Vài ngày sau, vua Gia Long mất tại Huế.

Jeremiah Briggs và John White đã đến Việt Nam với tư cách là những nhà hàng hải và thương gia chứ không phải là đại diện của chính phủ Hoa Kỳ.  Việc bang giao chính thức đầu tiên giữa Hoa Kỳ và Việt Nam diễn ra dưới triều vua Minh Mạng.

Sau chuyến du hành sang Á Đông trở về, John White đã viết một bút ký tường thuật chuyến đi.  Bút ký của John White đã được xuất bản vào năm 1823 với tựa đề History of a Voyage to the China Sea thuật lại nhiều chi tiết lý thú về Việt Nam.  Cuốn sách là một trong những động lực khiến các thương gia Hoa Kỳ đang kinh doanh tại Trung Hoa vận động chính phủ Hoa Kỳ tìm cách bang giao với Việt Nam vào năm 1833.

III. Nổ Lực Bang Giao Của Hoa Kỳ Với Việt Nam Vào Năm 1833

Năm 1832, Tổng Thống Hoa Kỳ Andrew Jackson đã cử Đặc sứ Edmund Roberts đến Việt Nam để tìm cách thiết lập bang giao với Việt Nam.

Theo Bác sĩ W.S.W. Ruschenberger, là phụ tá của Đặc sứ Edmund Roberts và cũng là Phó Phái Đoàn Ngoại Giao Hoa Kỳ đến Việt Nam vào năm 1836, Đặc sứ Edmund Roberts quê quán tại Portsmount, New Hampshire. Edmund Roberts vốn là một nhà hàng hải và doanh nhân kinh nghiệm. Ông đã nhiều lần sang Viễn Đông. Qua kinh nghiệm giao tiếp tại Viễn Đông, Edmund Roberts tin rằng việc bang giao với một số quốc gia trong khu vực này sẽ mang lại lợi ích cho Hoa Kỳ.[4]

Edmund Roberts vốn là bạn của Bộ Trưởng Hải Quân Hoa Kỳ Levi Woodbury vào thời đó.  Edmund Roberts  trình bày những suy nghĩ trên với Levi Woodbury và vị bộ trưởng này đã trình lên Tổng Thống Hoa Kỳ. Năm 1832, Tổng Thống Hoa Kỳ Andrew Jackson cử Edmund Roberts làm đặc sứ đi thiết lập bang giao với Muscat,[5] Thái Lan và Việt Nam.

Sau chuyến đi, Đặc Sứ Edmund Roberts thuật lại cuộc hành trình trong cuốn hồi ký Embassy to the Eastern Courts of Cochin-China, Siam and Muscat in the Ship-of-War Peacock. Sách do nhà xuất bản Harper & Brothers tại New York phát hành vào năm 1837. Cuộc giao tiếp ngoại giao chính thức giữa Hoa Kỳ và Việt Nam vào đầu năm 1833 đã được Đặc Sứ Edmund Roberts ghi lại như sau.

Thuyền Peacock[6] rời Boston vào ngày 8/3/1832 xuống Nam Mỹ, vượt Rio de Janeiro, sang Sumatra, Java, đến Manila, Hong Kong rồi ghé Quảng Đông.  Tại Quảng Đông, Đặc Sứ Edmund Roberts đã yêu cầu con trai của Mục sư Robert Morrison, nhà truyền giáo Tin Lành đầu tiên tại Trung Hoa, là John Robert Morrison làm thông dịch viên chính thức cho phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ sang Việt Nam và Thái Lan.   Ngày 29/12/1832, sau khi dự lễ Giáng Sinh xong, thuyền Peacock rời đảo Lintin ngoài khơi Quảng Đông đi Việt Nam. Thuyền đến Đà Nẵng vào ngày 1/1/1833.

Khi thuyền đến Đà Nẵng, mưa bão liên tục.  Thủy thủ đoàn tìm cách đưa thuyền vào vịnh Đà Nẵng và sau đó định đi Huế. Tuy nhiên, gió mùa đông bắc thổi mạnh, sóng lớn nổi lên. Gió đổi hướng liên tục từ tây bắc sang đông bắc và ngược lại.  Vì thời tiết như vậy nên thủy thủ đoàn không dám đưa thuyền vào gần bờ.

Gió bấc thổi càng lúc càng mạnh và thủy lưu làm thuyền bức neo trôi về phương nam.  Lúc đầu, thủy thủ đoàn không thấy đất liền.  Sau đó họ cũng không còn thấy Cù Lao Chàm nữa.  Suốt năm ngày liên tục thời tiết cứ như vậy, gió tiếp tục thổi mạnh từ hướng đông bắc khiến thuyền tiếp tục trôi về phương nam.

Chiều ngày 5/1/1883, thủy thủ đoàn tính vị trí và biết rằng thuyền cách vịnh Xuân Đài, Phú Yên khoảng 125 dặm. Đây là một hải cảng nước sâu và an toàn, thuyền có thể đậu được. Do đó, thủy thủ đoàn của thuyền Peacock quyết định lái thuyền đến vịnh Xuân Đài.

Đêm hôm đó, gió thổi nhẹ, thuyền trôi thêm 50 dặm nữa.  Đến sáng thuyền vượt qua Cù Lao Xanh.[7] Đến trưa thì thuyền đến Vũng Lấm.[8]  Bút ký của Edmund Roberts cho rằng vịnh Xuân Đài là một trong những hải cảng tự nhiên tốt nhất trên thế giới.[9]

Chiều hôm đó, có một viên chức địa phương đến thăm thuyền.  Thủy thủ đoàn báo cho viên chức địa phương biết  thuyền chở phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ mang quốc thư đến xin tiếp kiến vua Minh Mạng. Thuyền sẽ bắn đại bác chúc thọ vua Việt Nam vào sáng hôm sau.

Trong những ngày kế tiếp phái đoàn Hoa Kỳ tiếp các viên chức địa phương gồm một quan có hàm cửu phẩm, hai quan địa phương, một linh mục Công giáo đại diện cho quan phủ tại tỉnh Phú Yên.

Ngày 7/1/1833, Đặc sứ Edmund Roberts đã viết một bức thư tự giới thiệu và nói rõ mục đích của phái đoàn Hoa Kỳ rồi nhờ các quan địa phương chuyển về triều đình Huế.  Nguyên văn bức thư như sau:

To His Majesty, the King of Cochin-China.

The undersigned, Edmund Roberts, has the honour to inform Your Majesty, that Andrew Jackson, President of the United States of America, being desirous of opening a friendly intercourse with the King of Cochin-China, has dispatched the United States’ ship-of-war Peacock, commanded by Captain David Geisinger, to Your Majesty’s dominions. The President of the United States of America has despatched the undersigned, his special envoy, to Your Majesty’s court, intrusting him with a letter to Your Majesty, and has clothed him will full power to treat with Your Majesty, for the important objects which the President of United States has in view. He therefore requests that Your Majesty will grant him an interview, with the least possible loss of time.

It was the intention of the commander of the said United States’ ship-of-war, to have entered the bay of Turan; but having been driven from thence, after repeated attempts, by adverse winds and currents, he has been compelled at length to enter this port. As contrary winds and currents now prevail, it is rendered impossible for the envoy to proceed to Turan bay. The undersigned must, there, await Your Majesty’s answer here.

Dated on board the United States’ ship Peacock, in Vung-lam roads, province of Fooyan, Cochin-China, the seventh day of January, A.D. 1833, the fifty-seventh year of Independence.

 (Signed)          Edmund Roberts

Quan Tuần phủ tỉnh Phú Yên đã báo tin phái đoàn Hoa Kỳ đến xin bang giao về triều đình Huế. Sử Việt Nam trong Minh Mạng Chính Yếu đã ghi lại việc này như sau:  “Quốc gia Nhã Di Lý sai sứ thần tới dâng thư yêu cầu thông hiếu với Việt Nam.  Thuyền của sứ bộ bị sóng dạt ghé vào duyên hải tỉnh Phú Yên.”[10]

Sau khi được báo cáo, triều đình Huế đã cử hai vị quan đến gặp phái đoàn Hoa Kỳ. Ngày 17/1/1833, các quan Việt Nam với 32 người lính hộ tống đã đến Vũng Lấm.  Cùng đi với phái đoàn Việt Nam có hai người thông ngôn.  Người thứ nhất là Miguel, một tín đồ Công giáo có thể nói tiếng Bồ Đào Nha và một ít tiếng Pháp.  Người thứ hai là Joseph, một người từng phục vụ vài năm trên thuyền của người Anh.  Joseph nói tiếng Anh khá giỏi.  Các quan Việt Nam đếp gặp phái đoàn Hoa Kỳ.  Hai bên tiếp xúc với nhau nhưng gần một tuần lễ sau phái đoàn Hoa Kỳ mới được biết tên hai vị quan từ Huế vào: đó là Nguyễn và Lý.[11]  Theo Đại Nam Thực Lục, hai vị quan Việt Nam được triều đình cử đến tiếp xúc với phái đoàn Hoa Kỳ là Nguyễn Tri Phương và Lý Văn Phức.[12]

Các quan Việt Nam cho biết họ là đại diện của quan Thương Bạc[13] tại Huế.  Họ được cử đến để tìm hiểu mục đích chuyến viếng thăm của phái đoàn Hoa Kỳ.  Các quan Việt Nam cho phái đoàn Hoa Kỳ biết họ đã nhận được bức thư của Đặc sứ Edmund Roberts gởi cho vua Minh Mạng, tuy nhiên bức thư có vài sai sót nên quan Thương Bạc không trình lên vua Minh Mạng.

Sai lầm thứ nhất trong bức thư mà Đặc sứ Edmund Roberts đã viết là tên quốc gia không phải là Annam nhưng là Việt Nam.[14]  Sai lầm thứ hai là tước vị của Minh Mạng không phải là vua nhưng là hoàng đế. Các quan Việt Nam cho biết họ được sai đến để giúp sửa những sai lầm có thể xảy ra, với mục đích để việc giao tiếp giữa hai quốc gia được xúc tiến nhanh chóng và thành công.[15]

Như chúng ta đọc ở trên, nguyên văn bức thư trong tiếng Anh của Đặc sứ Edmund Roberts dùng chữ Cochin-China để chỉ Việt Nam.  Có lẽ trong bản dịch bức thư sang chữ Hán, phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ đã dùng chữ Annam nên đã bị bắt lỗi.

Bức thư mà Đặc sứ Edmund Roberts gởi cho triều đình Huế ngày 7/1/1833 đã được các quan Việt Nam mang trả lại. Sau đó, các quan Việt Nam yêu cầu được xem bức thư Tổng Thống Jackson gởi cho vua Minh Mạng.  Phái đoàn Hoa Kỳ từ chối lời yêu cầu đó với lý do bức thư của Tổng Thống Andrew Jackson chỉ được trình cho vua Minh Mạng mà thôi.

Sau đó, hai vị quan Việt Nam yêu cầu Đặc sứ Edmund Roberts gởi một bức thư khác gởi cho quan Thương Bạc.  Nguyễn Tri Phương và Lý Văn Phức đã thảo giúp một bức thư với lời lẽ thật nhún nhường. Tuy nhiên phái đoàn Hoa Kỳ từ chối dùng bức thư này vì lời lẽ trong thư không thể hiện tinh thần tự trọng của người Hoa Kỳ. Phái đoàn Hoa Kỳ đồng ý viết một bức thư khác với lời lẽ nhã nhặn, bày tỏ sự kính trọng chính quyền Việt Nam nhưng không thể hiện tinh thần thấp kém về phía Hoa Kỳ.  Nguyên văn bức thư trong Anh ngữ như sau:

To the Minister of Foreign Affairs, Commerce and Navigation, Huế.[16]

Edmund Roberts, special envoy from the United States of America, desires to inform your excellency that Andrew Jackson, the President of the United States, wishing to open a friendly intercourse with the Emperor of Cochin-China, has sent the United States’ ship-of-war Peacock, commanded by Captain David Geisinger, to his majesty’s dominions.

And the President of the said United States of America has deputed me his special envoy to His Majesty’s court, intrusting me with a letter to His Majesty; and has clothed me with full powers to treat, on behalf of the President of the United States, for the important objects which he has in view. I therefore request your excellency to state this to His Majesty; and hope that an interview will be granted with the least possible loss of time.

It was the intention of the commander of the said United States’ ship-of-war to have entered the bay of Turan; but having been driven from thence, after repeated attempts, by adverse winds and currents, he has been compelled at length to enter this port of Vung-lam. As contrary winds and currents still prevail, it is rendered impossible for him to procees to Turan bay. The undersigned therefore awaits his majesty’s answer here.

Signed and sealed on board the United States’ ship Peacock, in Vung-lam roads, province of Fooyan, Cochin-China, the eighteenth day of January, A.D., 1833, and of the Independence of the United States, the fifty-seventh.

Edmund Roberts.

Bức thư đã được phái đoàn Hoa Kỳ dịch sang chữ Hán.  Hai vị quan Việt Nam xem lại và đồng ý với nội dung bức thư.  Nguyễn Tri Phương và Lý Văn Phức sửa lại một vài từ ngữ trong bức thư và sau đó bức thư được gởi về triều đình vào ngày 18/1/1833.  Các quan Việt Nam hứa rằng phái đoàn Hoa Kỳ sẽ nhận được sự trả lời trong vòng bảy đến tám ngày.

Trong lúc tiếp xúc với phái đoàn Hoa Kỳ, Nguyễn Tri Phương và Lý Văn Phức đã hỏi về tình hình chính trị tại Âu Châu. “Có phải Anh và Pháp đã hòa thuận lại với nhau hay không? Sau cuộc cách mạng, nước Pháp đã có hòa bình trở lại chưa? Sau Cách Mạng Pháp, vua nước Pháp sống ở đâu?” Sau khi đọc bức thư của Đặc sứ Edmund Roberts, các quan Việt Nam hỏi thêm:  “Những dòng chữ ‘Năm thứ 57 của nền độc lập’ nghĩa là gì? Hoa Kỳ có chiến tranh với quốc gia nào hay không?”  Các quan Việt Nam cũng hỏi vì sao phái đoàn Hoa Kỳ đến Trung Hoa trước khi đến Việt Nam.[17]  Các quan Việt Nam ngạc nhiên khi biết Tổng Thống Hoa Kỳ được dân chúng chọn mỗi bốn năm. Hai vị quan Việt Nam sau đó đã mời Đặc sứ Edmund Roberts và Thuyền trưởng David Geisinger lên bờ thăm viếng.

Trong thời gian giao tiếp, Nguyễn Tri Phương và Lý Văn Phức cho biết họ đã từng đến Calcutta và Manila.[18]  Các quan Việt Nam nói với phái đoàn Hoa Kỳ rằng có một người Mỹ, tên là Lindsay, làm hoa tiêu cho một chiếc thuyền của triều đình Huế. Phái đoàn Hoa Kỳ sau đó được biết Lindsay thật ra là một người Anh, nhưng lại tự nhận là người Hoa Kỳ.

Trong thời gian chờ tin tức từ Huế, phái đoàn Hoa Kỳ nhận được thư của Michel Vannier, con trai của Philippe Vannier, lúc đó làm hoa tiêu cho một thương thuyền tại Việt Nam. Philippe Vannier đã trở về Pháp từ năm 1825.  Phái đoàn Hoa Kỳ cũng được biết về tình hình cấm đạo vào lúc đó. Ngoại trừ Linh mục Jacard bị triệu hồi về Huế để quản thủ các sách vở, bản đồ và dụng cụ toán học, các linh mục Pháp, Tây Ban Nha và Ý đang truyền giáo tại Việt Nam phải lẩn trốn để khỏi bị bắt.[19]

Sau khi nhận được bức thư thứ hai của Đặc sứ Edmund Robers, ngày 26/1/1833 phái đoàn Hoa Kỳ được các quan Việt Nam tiếp đãi một bữa tiệc với 51 món.  Phái đoàn Hoa Kỳ được thông báo bữa tiệc này được tổ chức theo lệnh của vua Minh Mạng. Ngoài ra, phái đoàn Hoa Kỳ cũng nhận được quà của vua Minh Mạng gồm 2 con bò, 4 con chó, 5 bao gạo, 5 vò rượu, 30 gà, 30 vịt, rất nhiều trứng và trái cây.[20]

Theo thông lệ ngoại giao, phái đoàn Hoa Kỳ nhận quà và bắn súng đáp lễ để bày tỏ lòng tôn kính Hoàng đế Việt Nam.  Phái đoàn Hoa Kỳ cũng được thông báo rằng họ sẽ nhận được sự trả lời từ Huế trong vòng hai hoặc ba ngày.

Ngày 27/1/1833, có hai quan từ Huế đến Xuân Đài.  Theo nghi thức ngoại giao các quan Việt Nam sẽ lên thuyền để gặp phái đoàn Hoa Kỳ; tuy nhiên vì sóng lớn, các quan Việt Nam đã không đến.

Ngày hôm sau, đại diện của phái đoàn Hoa Kỳ đã lên bờ gặp hai viên chức từ Huế vào.  Hai vị quan này không chịu xưng danh tánh và chức vụ, nhưng qua cách cư xử, chức vụ của họ cao hơn chức vụ của Nguyễn Tri Phương và Lý Văn Phức.[21]

Hai vị quan mới đến cho biết, quan Thương Bạc cần một bản dịch bức thư của Tổng Thống Andrew Jackson.  Các quan Việt Nam cũng hỏi những vấn đề quan trọng mà Edmund Roberts nhắc đến trong bức thư là điều gì. Các quan Việt Nam cho biết nếu không có bản dịch bức thư của Tổng Thống Andrew Jackson và hiểu rõ vấn đề quan trọng mà Edmund Roberts nhắc đến là gì, quan Thương Bạc không thể đệ trình thư của phái đoàn Hoa Kỳ lên vua Minh Mạng.[22]

Phái đoàn Hoa Kỳ từ chối trình bức thư của Tổng Thống Jackson cho các quan Việt Nam với lý do thư của một nguyên thủ quốc gia gởi cho một nguyên thủ quốc gia; không thể trình cho cấp dưới xem trước.  Hơn nữa, bức thư đã được niêm phong, phái đoàn Hoa Kỳ không được phép mở thư. Phái đoàn Hoa Kỳ yêu cầu được phép đi Huế để trình thư cho vua Minh Mạng.[23]

Ngày hôm sau, các quan Việt Nam lên thuyền gặp Đặc sứ Edmund Roberts. Các quan Việt Nam nhắc lại yêu cầu và khẳng định rằng theo chỉ thị của quan Thương Bạc nếu không có bản dịch của bức thư thì thủ tục ngoại giao không thể xúc tiến.

Đặc sứ Edmund Roberts cho biết ngày hôm trước ông đã được báo cáo về những yêu cầu đó của phía Việt Nam nhưng ông không thể đáp ứng được.  Phái đoàn Hoa Kỳ giải thích rằng theo chỉ thị của vua Minh Mạng cho John Crawfurd, đại diện của phái đoàn Anh trong những năm trước, các nhà ngoại giao Anh không được phép trình quốc thư cho Tổng trấn Sài Gòn, nhưng phải trình cho vua Minh Mạng.[24] Do đó, nếu không có lệnh trực tiếp từ vua Minh Mạng, phái đoàn Hoa Kỳ không thể trình thư cho các quan cấp dưới.[25]

Cuộc thương thuyết đi đến chỗ bế tắc.  Hai bên đổ lỗi cho nhau về sự bế tắc này.  Hai vị quan Việt Nam chuẩn bị ra Huế để báo cáo về những việc đã xảy ra.

Ngày 29/1/1833, đại diện của phái đoàn Hoa Kỳ báo cho các quan Việt Nam biết là trong vòng sáu ngày nữa, nếu phái đoàn Hoa Kỳ không được phép đi Huế hoặc nhận trả lời từ Huế, phái đoàn Hoa Kỳ sẽ rời Việt Nam bởi vì Đặc sứ Edmund Roberts có những trách nhiệm khác cần phải được thực hiện.[26]

Ngày 30/1/1833, phái đoàn Hoa Kỳ chấp nhận nhượng bộ.  Đặc sứ Edmund Roberts viết một bức thư gởi cho quan Thương Bạc, đính kèm theo là bản sao bức thư của Tổng Thống Jackson gởi cho vua Minh Mạng và bản dịch của bức thư này sang chữ Hán. Đặc sứ Edmund Roberts cũng giải thích vấn đề quan trọng mà ông nhắc đến trong bức thư viết ngày 18/1/1833 là việc bang giao giữa hai quốc gia chứ không có một yêu cầu nào khác. Đặc sứ Edmund Roberts cho biết nếu quan Thương Bạc gởi thư trình bày yêu cầu được xem các bức thư thì vấn đề đã được giải quyết.  Do không có văn bản của những người có trách nhiệm nên Đặc sứ đã không thể trình thư cho các quan cấp dưới theo yêu cầu của các vị quan này. Đặc sứ Edmund Roberts cũng cho biết, ông đã chờ ở Phú Yên gần trọn một tháng. Nếu không được phép đi Huế hoặc không nhận được trả lời từ Huế, Đặc sứ phải rời Việt Nam.[27]

Bức thư của Tổng Thống Andrew Jackson, mà Đặc sứ Edmund Roberts có trách nhiệm trình cho vua Minh Mạng, nguyên văn như sau:

Andrew Jackson, President of the United States of America

To _________________

Great and Good Friend,

This will be delivered to your Majesty by Edmund Roberts, a respectable citizen of the United States, who has been appointed Special Agent on the part of this Government to transact important business with your Majesty.  I pray your Majesty to protect him in the exercise of the duties which are thus confined to him, and to treat him with kindness and confidence, placing entire reliance on what he shall say to you in our behalf, especially when he shall repeat the assurance of our perfect amity and goodwill toward your Majesty.

I pray God to have you always, Great and Good Friend, under his safe and holy keeping. 

In testimony whereof I have caused the Seal of the United States to be hereunto affixed.  Given under my hand, at the city of Washington, the thirty-first day of January A.D. 1832; and of the Independence of the United States of America, the fifty-sixth.

Andrew Jackson

By the President.

                                                             Edward Livingston, Secretary of State.

Tạm dịch:

Andrew Jackson, Tổng Thống Liên Bang Hoa Kỳ

Kính gởi: _______________________________

Đại Quý Hữu,

Bức thư này được đệ trình lên Hoàng Thượng bởi Edmund Robert, một công dân khả kính của Liên Bang Hoa Kỳ, người được cử làm Đặc sứ của chính quyền để trao đổi những vấn đề quan yếu với Hoàng Thượng.  Tôi xin Hoàng Thượng bảo vệ Đặc sứ khi ông thi hành nhiệm vụ được giao phó; xin tiếp đãi ông với lòng nhân hậu và tin cậy; hãy đặt tín nhiệm vào những điều ông nhân danh chúng tôi trình bày với Hoàng Thượng, đặc biệt khi ông nhắc lại sự bảo đảm về việc giao hảo và thiện chí hoàn toàn của chúng tôi đối với Hoàng Thượng.    

Tôi cầu xin Đức Chúa Trời luôn ở cùng Hoàng Thượng, gìn giữ Đại Quý Hữu trong sự bình an và thánh khiết của Ngài.

Để xác nhận những điều nói trên, tôi cho phép bức thư được đóng ấn của Liên Bang Hoa Kỳ.  Ủy nhiệm bởi tay tôi, tại thành phố Washington vào ngày 31 tháng 1 năm 1832 S.C., và năm thứ 56 của nền Độc Lập Liên Bang Hoa Kỳ.

Andrew Jackson

Bởi Tổng Thống

Edward Livingston, Bộ Trưởng Ngoại Giao.

Sau đó, bức thư của Đặc Sứ Edmund Roberts viết ngày 30/1/1833, bản sao bức thư của Tổng Thống Hoa Kỳ, cùng bản dịch của bức thư này được niêm phong và trao cho các quan Việt Nam.

Tuy nhiên, khó khăn mới lại xảy ra.  Các quan Việt Nam đòi xem nội dung những bức thư trước khi họ chuyển các bức thư đó ra Huế.

Phái đoàn Hoa Kỳ nhượng bộ, đồng ý cho xem bức thư của Đặc sứ Edmund Roberts gởi cho quan Thương Bạc. Các quan Việt Nam yêu cầu sửa những từ ngữ trong bức thư. Sau khi xem bức thư của  Đặc sứ Edmund Roberts, các quan Việt Nam đòi xem luôn bức thư của Tổng Thống Hoa Kỳ và muốn sửa bản dịch bức thư đó.  Đại diện phái đoàn Hoa Kỳ từ chối và trở lại thuyền xin ý kiến của Đặc sứ Edmund Roberts.

Ngày 31/1/1833, đại diện phái đoàn Hoa Kỳ mang một bản sao bản dịch bức thư của Tổng Thống Hoa Kỳ trao cho các quan Việt Nam.  Các quan Việt Nam yêu cầu phải cho sửa theo ý họ vì cho rằng một số từ ngữ không thích hợp, không đúng phong tục và khó hiểu.

Đại diện phái đoàn Hoa Kỳ chấp nhận cho sửa một số từ ngữ; tuy nhiên có hai điều phái đoàn Hoa Kỳ không chịu nhượng bộ. Thứ nhất, chữ Đức Chúa Trời trong câu Tổng Thống Jackson cầu chúc vua Minh Mạng: “Tôi cầu xin Đức Chúa Trời luôn ở cùng Hoàng Thượng, che chở Đại Hiền Hữu trong sự bình an và thánh khiết của Ngài”[28] được yêu cầu sửa thành “Tôi cầu xin các thần linh trên trời ban thánh thể bình an.”  Phái đoàn Hoa Kỳ từ chối sửa lời cầu chúc như vậy vì trái với niềm tin nơi Chúa của Tổng Thống Andrew Jackson.  Hơn nữa nếu lời cầu chúc được viết theo lối Việt Nam sẽ hàm ý rằng Tổng Thống Andrew Jackson là người thờ tà thần.

Điều thứ hai mà phái đoàn Hoa Kỳ không chịu nhượng bộ là các quan Việt Nam đòi dùng chữ cung kính, hoặc thành kính khiêm cung trong bức thư của Tổng Thống Jackson gởi cho vua Minh Mạng.  Đã vài lần trong cuộc giao tiếp giữa hai bên, các quan Việt Nam cho rằng Tổng Thống Hoa Kỳ do dân bầu lên nên không bằng vua; và nếu tổng thống có bằng vua thì cũng thấp hơn hoàng đế. Vì  lúc đó vua Minh Mạng là hoàng đế nên Tổng Thống Andrew Jackson phải cung kính với vua Minh Mạng mới đúng lễ nghi.  Đòi hỏi về hai sửa đổi trên đã bị phái đoàn Hoa Kỳ từ chối.[29]

Về phía Việt Nam, các quan cũng khẳng định rằng nếu không sửa đổi theo yêu cầu thì họ không thể chuyển thư về triều đình Huế.  Đại diện phái đoàn Hoa Kỳ cương quyết từ chối và quay lại thuyền.  Cuộc thương thảo bế tắc.

Phái đoàn Hoa Kỳ nhận xét rằng cách ứng xử của các quan Việt Nam cho thấy họ tuân theo một mệnh lệnh đã được sắp đặt trước.  Họ đòi hỏi mọi việc phải diễn ra theo ý của họ nên vấn đề khó lòng giải quyết.[30]

Cùng ngày hôm đó, không lâu sau khi đại diện Hoa Kỳ trở lại thuyền, một vị quan Việt Nam đến thăm thuyền. Vị quan này đã hỏi phái đoàn Hoa Kỳ hai điều.  Thứ nhất, phái đoàn có lễ vật gì cho hoàng đế hay không?  Thứ hai, Đặc sứ Hoa Kỳ có chấp thuận tuân theo nghi thức của triều đình hay không?

Về câu hỏi thứ nhất, Đặc sứ Edmund Roberts trả lời rằng trong bức thư của Tổng Thống Andrew Jackson không đề cập đến lễ vật nên không cần nhắc đến vấn đề này trước khi hiệp ước được ký kết.  Nếu hoàng đế có yêu cầu nào về lễ vật, điều đó sẽ được gởi đến cho hoàng đế.  Về nghi thức, Đặc sứ Edmund Roberts cho biết tại Hoa Kỳ khách chỉ nghiêng mình một lần để chào tổng thống.  Các quan Việt Nam cho biết, tại triều đình Huế người đến gặp vua Minh Mạng phải quỳ lạy năm lần.  Đặc sứ Edmund Roberts cho biết ông sẵn lòng nghiêng mình năm lần, hoặc mười lần cũng được, nhưng sẽ không quỳ lạy.  Việc quỳ lạy chỉ dành để thờ phượng Đấng Tạo Hóa mà thôi.[31]

Một lần nữa vị quan Việt Nam thuyết phục phái đoàn Hoa Kỳ nên chấp nhận dùng những từ ngữ bày tỏ sự khiêm cung với Hoàng đế Việt Nam.  Phái đoàn Hoa Kỳ từ chối vì cho rằng những từ đó sỉ nhục Tổng Thống Hoa Kỳ.  Vị quan Việt Nam trả lời rằng trừ khi những yêu cầu của ông được chấp nhận, ông và vị quan cùng đi sẽ không thể trình thư của Tổng Thống Hoa Kỳ lên Hoàng đế Minh Mạng, hoặc thư của Đặc sứ Edmund Roberts đến quan Thương Bạc.[32]

Nổ lực đàm phán cuối cùng thất bại.  Ngày hôm sau, hai quan Việt Nam quay lại Huế. Trong hai ngày kế tiếp, hai bên không giao tiếp.  Ngày 3/2/1833 một vị quan Việt Nam đến thăm xã giao.

Ngày 7/2/1833, một tuần lễ đã trôi qua từ lúc các quan Việt Nam trở về Huế. Phái đoàn Hoa Kỳ đã chờ đúng một tuần như đã hứa.  Đại điện phái đoàn Hoa Kỳ hỏi thăm Nguyễn Tri Phương và Lý Văn Phức về phúc đáp từ Huế và được thông báo không có tin tức gì mới từ Huế.  Phái đoàn Hoa Kỳ đề nghị trả tiền cho những chi phí tiếp đón phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam nhưng bị từ chối.  Phái đoàn Hoa Kỳ thông báo rằng ngày hôm sau họ sẽ rời Việt Nam.

Sáng ngày 8/2/1833, thuyền Peacock nhổ neo đi Thái Lan.  Tại đây, vua Thái Lan ký với Hoa Kỳ một hiệp ước thân hữu.  Hai quốc gia Thái Lan và Hoa Kỳ giữ tình thân hữu đó cho tới ngày hôm nay.

Về phía Việt Nam, Đại Nam Thực Lục ghi lại cuộc tiếp xúc chính thức lần đầu tiên giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, và cho biết lý do của việc bang giao thất bại như sau.

Quốc trưởng nước Nhã Di Lý (nước này ở Tây Dương, hoặc gọi Hoa Kỳ, hoặc gọi là Ma Ly Căn, hoặc gọi là Tân Anh Cát Lợi, đều biệt hiệu nước ấy) sai bọn bề tôi là Nghĩa Đức Môn La Bách Đại,[33] Úy Đức Giai Tâm Gia[34] (tên hai người) đem quốc thư xin thông thương, thuyền ở Vụng Lấm thuộc Phú Yên.  Vua sai Viên ngoại lang Nguyễn Tri Phương, Tư vụ Lý Văn Phức đi hội với quan tỉnh, lên trên thuyền thết tiệc và hỏi ý họ đến đây làm gì.  Họ nói: “Chỉ đến vì muốn giao hiếu và thông thương,”  nói năng rất cung kính.  Đến lúc dịch thư ra có nhiều chỗ không hợp thể thức.

Vua bảo không cần đệ trình thư ấy.  Rồi cho quan quyền Lĩnh chức Thương Bạc làm tờ trả lời.  Đại lược nói: “Nước ấy muốn xin thông thương, cố nhiên là ta không ngăn trở, nhưng phải tuân theo pháp luật đã định.  Từ nay nếu có đến buôn bán thì cho đỗ ở vụng Trà Sơn, tấn sở Đà Nẵng, không được lên bờ làm nhà, vượt quá kỷ luật, rồi giao thơ cho họ mà bảo họ đi.[35]

Học giả Thái Văn Kiểm cho rằng những điều không hợp thể thức mà Đại Nam Thực Lục ghi là bức thư của Đặc sứ Edmund Roberts đã để trống tên vua và tên quốc gia.[36]  Tuy nhiên, theo bút ký của Edmund Roberts, nhận định này dường như không được chính xác.  Có thể Học giả Thái Văn Kiểm đưa ra nhận định trên vì ông chỉ xem bản sao bức thư được lưu trữ tại thư khố của chính phủ Hoa Kỳ, nhưng không đọc bút ký của Đặc sứ Edmund Roberts.

Theo bút ký của Edmund Roberts, sai lầm về tên nước Việt Nam và chức vụ của vua Minh Mạng chỉ xảy ra trong bức thư đầu tiên của tác giả viết vào ngày 7/1/1833 gởi cho quan Thương Bạc mà thôi.  Sai lầm đó đã được Nguyễn Tri Phương và Lý Văn Phức sửa trong bức thư viết ngày 18/1/1833 và được hai vị quan từ Huế đến sau xác nhận là lời lẽ trong thư ngày 18/1/1833 rất tôn kính và phù hợp.[37]  Vấn đề tên nước Việt Nam và tước vị của vua Minh Mạng cũng đã được các quan Việt Nam duyệt qua và đồng ý trong bức thư viết ngày 30/1/1833, do đó chúng ta tin rằng đây không phải là những lý do khiến việc bang giao thất bại.

Theo Edmund Roberts, hai trở ngại chính trong các văn thư viết ngày 30/1/1833, đã dẫn đến sự bế tắc, đó là phái đoàn Hoa Kỳ không cho phép thay đổi chữ Đức Chúa Trời bằng chữ các thần ở trên trời;   và không chấp nhận dùng chữ cung kínhthành kính khiêm cung trong thư của Tổng Thống Jackson gởi cho vua Minh Mạng.  Vì không hiểu niềm tin của người Tin Lành và không hiểu chế độ dân chủ mới mẻ tại Hoa Kỳ, các quan Việt Nam đã có nhận định sai lầm về niềm tin và chức vụ của Tổng Thống Andrew Jackson, và đã đòi hỏi những điều mà phái đoàn Hoa Kỳ không thể nhượng bộ.

Có một điểm khác chúng ta cần lưu ý là sử liệu Việt Nam không hề nhắc đến và không cho biết tên hai vị quan đến gặp phái đoàn Hoa Kỳ tại Phú Yên sau Nguyễn Tri Phương và Lý Văn Phức là ai. Hai vị quan này không chịu xưng danh tánh và cấp bậc với phái đoàn Hoa Kỳ nhưng họ là những người có thẩm quyền cao hơn Nguyễn Tri Phương và Lý Văn Phức.[38] Dường như tại triều đình Huế có một nhóm quan lại không muốn Việt Nam mở cửa bang giao với Tây Phương vào lúc đó.  Các vị quan này đã khéo léo ngăn trở việc bang giao với Hoa Kỳ, không cho trình thư của Tổng Thống Andrew Jackson, bằng cách báo lên với vua Minh Mạng rằng bức thư của phái đoàn Hoa Kỳ không được viết đúng thể thức.

Theo các tài liệu chính thức của Hoa Kỳ và Việt Nam, Tổng Thống Andrew Jackson, vua Minh Mạng và nhân viên phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ đều muốn Hoa Kỳ và Việt Nam bang giao với nhau.  Rất tiếc việc đàm phán trực tiếp với triều đình Huế đã không diễn ra và thương ước không được ký kết.  Cuộc bang giao thất bại có thể vì sự thiếu hiểu biết của các quan Việt Nam về vấn đề tôn giáo và chính trị tại Hoa Kỳ, nỗi lo sợ về sự an nguy của bản thân trước uy quyền của vua Minh Mạng nếu họ vấp phải sơ suất, và cũng có thể xuất phát từ sự ngăn cản ngấm ngầm của một số người trong triều đình Huế.  Trong chuyến viếng thăm của phái đoàn Hoa Kỳ đến Việt Nam lần thứ hai, Bác sĩ Ruschenberger cho biết vị quan Việt Nam không chịu chuyển thư của phái đoàn Hoa Kỳ đã bị vua Minh Mạng kỷ luật.[39]

Ngoài ra, có một chi tiết khác mà bút ký của Edmund Robert đã chép khác với Đại Nam Thực Lục đã ghi là phái đoàn Hoa Kỳ không hề nhận thư phúc đáp từ triều đình Huế.  Ngày 7/2/1833, sau khi được Nguyễn Tri Phương và Lý Văn Phức báo tin không có trả lời từ Huế, ngày 8/2/1833 phái đoàn Hoa Kỳ rời Việt Nam đi Thái Lan.   Bức thư của triều đình Huế nếu có gởi đến, phái đoàn Hoa Kỳ đã không nhận được trước khi họ rời Việt Nam.

John Morrison, người phiên dịch cho phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ đến Việt Nam lần này, về sau là trưởng ban phiên dịch Kinh Thánh Văn Lý, là bản Kinh Thánh Hán Văn được dùng rộng rãi tại Trung Hoa và Việt Nam trong những thập kỷ về sau.

(Phần 2)

Chú Thích:

[1] Poivre, P., Voyages d’un philosophe, ou Observations sur les Moeurs et les Arts des Peuples de l’Afrique, de I’Asie. et de l’Amdrique, Paris:Yverdon (1768).

[2] Looney, J.J., The Papers of Thomas Jefferson, Princeton, N.J,: Princeton University Press (1958), Vol. 11, 646.

[3] Morison, S.E., The Maritime History of Massachusetts 1783-1860, Boston: Houghton Mifflin Company (1921), 100.

[4] Ruschenberger, W.S.W, A Voyage Round the World Including An Embassy to Muscat and Siam in 1835, 1836, and 1827, Philadelphia: Carey, Lea & Blanchard (1838), 10-11.

[5] Muscat là một tiểu quốc tại Ả-rập, là tiền thân của nước Oman ngày nay.

[6] Peacock là chiến hạm của hải quân Hoa Kỳ, được đóng tại New York Navy Yard vào năm 1813.  Tàu dài 36 m, rộng 9,6 m trang bị 22 súng đại bác.  Peacock kết thúc chuyến hải trình cuối cùng khi bị đắm tại cửa sông Columbia, Oregon vào năm 1841.

[7] Pulo Cambir.

[8] Một số tài liệu nghiên cứu ghi là Vũng Lâm nhưng Đại Nam Thực Lục gọi là “vụng Lấm.” Đại Nam Thực Lục, III, 412.

[9] Roberts, E., Embassy to the Eastern Courts of Cochin-China, Siam and Muscat in the Ship-of-War Peacock, New York: Harper & Brothers (1837), 171-172.

[10] Minh Mạng Chính Yếu, Quyển thứ 25, trang 27a và 27b.

[11] Nguyên văn trong tiếng Anh: “Yuen and Le.” Tiếng Việt: Nguyễn và Lý. Roberts, E., Embassy to the Eastern Courts of Cochin-China, Siam and Muscat in the Ship-of-War Peacock, 187.

[12] Quốc Sử Quán Nhà Nguyễn, Đại Nam Thực Lục, III, 412.

[13] Theo Huỳnh Tịnh Của trong  Đại Nam Quốc Âm Vị Tự, Thương Bạc là tàu buôn bán;  Quan Thương Bạc là quan đặc trách về ngoại quốc (ngoại giao và ngoại thương).  Đại Nam Quốc Âm Vị Tự, I, Sài Gòn: Imprimerie Rey Curiol & Cie (1895), 21.

[14] Nguyên văn trong Anh ngữ: “The country, they said, is not now called Annam, as formerly, but Wietman, (in Mandarin dialect, Yuènam;) and it is ruled, not by a king, (wang,) but by an emperor, (hwang-te).”

[15] Roberts, E., Embassy to the Eastern Courts of Cochin-China, Siam and Muscat in the Ship-of-War Peacock, 180-182.

[16] Phái đoàn Hoa Kỳ hiểu chức vụ quan Thương Bạc là quan đặc trách về ngoại giao và ngoại thương cho nên đã sửa lại danh hiệu của quan Thương Bạc là Bộ trưởng Ngoại giao, Thương Mãi và Hàng Hải.

[17] Roberts, E., Embassy to the Eastern Courts of Cochin-China, Siam and Muscat in the Ship-of-War Peacock, 185-187.

[18] Đại Nam Thực Lục, III, 95-96, 308.

[19] Roberts, E., Embassy to the Eastern Courts of Cochin-China, Siam and Muscat in the Ship-of-War Peacock, 186.

[20] Roberts, E., Embassy to the Eastern Courts of Cochin-China, Siam and Muscat in the Ship-of-War Peacock, 189-190.

[21] Roberts, E., Embassy to the Eastern Courts of Cochin-China, Siam and Muscat in the Ship-of-War Peacock, 191.

[22] Roberts, E., Embassy to the Eastern Courts of Cochin-China, Siam and Muscat in the Ship-of-War Peacock, 192.

[23] Roberts, E., Embassy to the Eastern Courts of Cochin-China, Siam and Muscat in the Ship-of-War Peacock,194.

[24] Crawfurd, J., Journal of an Embassy to the Courts of Siam and Cochin-China, Exhibiting a View of the Actual State of These Kingdoms, Vol. 1, (1830), 414.

[25] Roberts, E., Embassy to the Eastern Courts of Cochin-China, Siam and Muscat in the Ship-of-War Peacock, 198.

[26] Roberts, E., Embassy to the Eastern Courts of Cochin-China, Siam and Muscat in the Ship-of-War Peacock, 200.

[27] Roberts, E., Embassy to the Eastern Courts of Cochin-China, Siam and Muscat in the Ship-of-War Peacock, 203.

[28]I pray God to have you always, Great and Good Friend, under his safe and keeping.” 

[29] Roberts, E., Embassy to the Eastern Courts of Cochin-China, Siam and Muscat in the Ship-of-War Peacock, 207-211.

[30] Roberts, E., Embassy to the Eastern Courts of Cochin-China, Siam and Muscat in the Ship-of-War Peacock, 205.

[31] Roberts, E., Embassy to the Eastern Courts of Cochin-China, Siam and Muscat in the Ship-of-War Peacock, 210.

[32] Roberts, E., Embassy to the Eastern Courts of Cochin-China, Siam and Muscat in the Ship-of-War Peacock, 210-211.

[33] Edmund Roberts.

[34] David Geisinger.

[35] Đại Nam Thực Lục, III, 412-413.

[36] Thái Văn Kiểm, The Twain Did Meet – First Contact Between Vietnam and the United States of America, Bộ Giáo Dục, Việt Nam Cộng Hòa (1961), 23.

[37] Roberts, E., Embassy to the Eastern Courts of Cochin-China, Siam and Muscat in the Ship-of-War Peacock, 191.

[38] Roberts, E., Embassy to the Eastern Courts of Cochin-China, Siam and Muscat in the Ship-of-War Peacock, 191, 195.

[39] Ruschenberger, W.S.W, A Voyage Round the World Including An Embassy to Muscat and Siam in 1835, 1836, and 1827, 361.

Comments (1)

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top