Tiểu Sử Thánh Ca: Phước Cho Nhân Loại

Tiểu Sử Thánh Ca: Phước Cho Nhân Loại
Phước Cho Nhân Loại (Joy to the World) là một thánh ca thường được hát vào mùa Giáng Sinh; tuy nhiên tác giả của bài thánh ca, Isaac Watts, đã không viết thánh ca này cho lễ Giáng Sinh. Bài thánh ca được viết trong một nỗ lực kêu gọi các tín hữu Tin Lành tại Anh hãy sáng tác những thánh ca mới để tôn vinh Chúa. Tuy nhiên, vì nội dung của bài thánh ca lấy ý từ Thi Thiên 98 – là lời kêu gọi hãy tôn ngợi Chúa giáng lâm; do đó thánh ca Phước Cho Nhân Loại thường được hát vào dịp lễ Giáng Sinh.
Tác Giả
Isaac Watts (1674–1748) sinh ngày 17/7/1674 tại Southampton, Anh. Ông là một nhà thần học, một triết gia, và là một tác giả thánh ca người Anh nổi tiếng.
Isaac Watts được nuôi dưỡng trong một gia đình tin kính Chúa. Từ nhỏ, Isaac Watts có tài xuất khẩu thành thơ. Đến tuổi thiếu niên, khi đi nhà thờ, Isaac Watts ngạc nhiên không hiểu vì sao các tín hữu trong Hội Thánh chỉ hát Thánh Thi trong lúc thờ phượng, mà không sáng tác những thánh ca mới để tôn ngợi Chúa.
Vào thời đó, các cộng đồng tín hữu Tin Lành tại Anh chịu ảnh hưởng từ truyền thống của Giáo Hội Reformed do John Calvin khởi xướng: chỉ hát Thánh Thi trong giờ thờ phượng. Dựa trên Thi Thiên 96:1 và 98:1 có chép rằng: “Hãy hát một bài ca mới cho Đức Giê-hô-va”, Isaac Watts tin rằng Chúa muốn Hội Thánh có thêm những thánh ca mới để tôn ngợi Ngài.
Các tác giả Thi Thiên đã sáng tác Thi Thiên trong bối cảnh của Thánh Kinh Cựu Ước; Isaac Watts nghĩ rằng thánh ca mới cần phải đặt nền tảng trên đức tin nơi Đức Chúa Jesus, trong ánh sáng của Thánh Kinh Tân Ước, được viết trong ngôn ngữ hiện đại, và phản ảnh tấm lòng, cùng kinh nghiệm theo Chúa của những người tin Chúa trong thế hệ hiện nay. Isaac Watts nói rằng những bài Thánh Thi cần được dịch lại để người hát có thể cảm nhận giống như là Đa-vít đang sống và viết những Thánh Thi đó cho thế hệ hiện tại.
Isaac Watts đã thực hiện điều đó. Trong tác phẩm The Psalms of David: Imitated in the language of the New Testament, and applied to the Christian state and worship, xuất bản vào năm 1719, Isaac Watts cho in hàng trăm bài thơ mà ông đã phóng tác từ Thi Thiên.
Lời Ca
Lời bài thánh ca Joy to the World là những câu thơ mà Isaac Watts đã lược dịch trong phần thứ hai của Thi Thiên 98. Phần thứ hai của Thi Thiên 98 là các câu 4-9. Nguyên văn trong bản dịch King James (1611) chép như sau:
Make a joyful noise unto the LORD, all the earth:
Make a loud noise, and rejoice, and sing praise.
Sing unto the LORD with the harp; with the harp, and the voice of a psalm.
With trumpets and sound of cornet, make a joyful noise before the LORD, the King.
Let the sea roar, and the fullness thereof; the world, and they that dwell therein.
Let the floods clap their hands: let the hills be joyful together before the LORD;
for He cometh to judge the earth: with righteousness
shall He judge the world, and the people with equity.
Lược dịch ý nghĩa sang tiếng Việt:
Khắp đất hãy trỗi tiếng hoan ca chúc tụng CHÚA;
Hãy lớn tiếng mừng vui hát tôn ngợi Ngài.
Hãy hát tôn ngợi CHÚA với hạc cầm; với hạc cầm, hãy ca vang thánh khúc.
Hãy thổi kèn và tù và, và lớn tiếng hoan ca trước CHÚA, là Vua.
Nguyện biển và mọi loài sống trong đó, thế giới và mọi loài ở trong đó đều reo vang.
Nguyện các dòng nước vỗ tay, núi đồi cùng nhau vui hát trước CHÚA.
Vì Ngài sẽ đến phán xét thế gian bằng công lý;
Ngài sẽ xử đoán thế giới và các dân tộc cách công bình.
Isaac Watts đã diễn dịch ý nghĩa Thi Thiên 98:4-9 và viết thành những vần thơ sau:
1. Joy to the world! The Lord is come: Let earth receive her King;
let every heart prepare Him room, and heaven and nature sing.
2. Joy to the world! The Savior reigns: Let men their songs employ;
while fields and floods, rocks, hills, and plains repeat the sounding joy.
3. No more let sins and sorrows grow, nor thorns infest the ground;
He comes to make His blessings flow far as the curse is found.
4. He rules the world with truth and grace, and makes the nations prove
the glories of His righteousness, and wonders of His love.
Lược dịch
1. Phước cho thế giới vì Chúa đã đến: Trái đất hãy nghênh đón vị Vua của mình.
Mọi lòng hãy dọn chỗ cho Ngài; thiên đàng và thiên nhiên cùng ngợi ca.
2. Phước cho thế giới vì Chúa đang trị vì: Nhân loại hãy hát vang những bài ngợi ca,
trong khi các dòng nước, những ngọn đồi, những vầng đá, những cánh đồng, và những thảo nguyên lập lại âm thanh vang rền của niềm vui rộn rã.
3. Đừng để tội lỗi và buồn đau mọc lên nữa; cũng đừng cho gai góc tiêm nhiễm đất này.
Ngài đến đem phước hạnh tuôn tràn đến tận những nơi mà sự nguyền rủa vẫn còn tìm thấy.
4. Ngài tể trị thế giới bằng chân lý và ân điển; khiến các quốc gia minh chứng cho
vinh quang về sự công chính của Ngài; và kinh ngạc về tình yêu của Ngài.
Ý Nghĩa Thi Thiên 98
Thi Thiên 98 là Thi Thiên kêu gọi thế giới tôn ngợi Chúa.
Trong phần đầu, từ câu 1-3, tác giả trình bày lý do vì sao Chúa xứng đáng được tôn ngợi: Bởi vì Ngài đã thực hiện những việc diệu kỳ; Ngài là Đấng chiến thắng, là Đấng chinh phục, là Đấng giải cứu; Ngài thể hiện tình thương, sự thành tín và sự công chính cho loài người.
Trong phần thứ hai, từ câu 4-6, tác giả gợi ý cách loài người tôn ngợi Chúa: Khắp đất hãy rộn ràng, hãy hát những lời ngợi ca, những bài hát vui mừng. Những lời tôn ngợi Chúa hãy hát lên trong giai điệu du dương của đàn hạc cầm, trong sự giục giã của tiếng kèn, trong sự háo hức và náo nức của âm thanh rền vang rộn rã.
Trong phần thứ ba, từ câu 7-9, tác giả hình dung và diễn giải cách thiên nhiên tôn ngợi Chúa như sau: Biển háo hức sôi sục, các lượn sóng dập dìu vỗ vào nhau như những tiếng vỗ tay tạo thành nhịp điệu phụ họa với núi đồi, và cùng mọi sinh vật trong thế giới hát tôn ngợi Chúa về sự tể trị công minh của Ngài.
Ý Nghĩa Thánh Ca Phước Cho Nhân Loại
Isaac Watts đã ghi lại những cảm nhận của ông về các câu Kinh Thánh trên và viết thành một bài thơ gồm bốn phiên khúc.
Trong phiên khúc đầu tiên, Isaac Watts đã nêu rõ yếu tố căn bản khiến các tạo vật trên đất hãy tôn ngợi Chúa – đó là sự hiện đến của Chúa. Tác giả Thi Thiên 98 đã đặt chi tiết này trong phần kết thúc của Thi Thiên; Isaac Watts đã chuyển sự kiện này lên phần mở đầu trong bài thơ của mình để nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng cho độc giả của ông. Isaac Watts giải thích: Thế giới nên trỗi tiếng hoan ca bởi vì Chúa giáng lâm – và đó là cội nguồn của mọi phước hạnh.
Tuy nhiên, trong tác phẩm của mình, Isaac Watts không viết về sự giáng lâm của Chúa khi Ngài giáng sinh nhưng ông viết về sự quang lâm của Chúa lúc Ngài tái lâm trong vinh quang: Địa cầu hãy nghênh đón vị Vua của mình. Lúc Chúa giáng sinh, không mấy ai biết Chúa; nhưng khi Chúa trở lại lần thứ hai – Isaac Watts viết – đây là lúc mọi tấm lòng hãy nghênh đón Ngài. Và cũng giống như lúc Chúa giáng sinh, Isaac Watts đã mô tả: thiên đàng và thiên nhiên cùng nhau hòa ca.
Trong phiên khúc thứ hai, Isaac Watts viết: Phước cho thế giới có Chúa trị vì. Nhân loại hãy hát vang những bài ngợi ca, trong khi các dòng nước, những ngọn đồi, những vầng đá, những cánh đồng, và những thảo nguyên cùng reo vang phụ họa. Trong khi tác giả Thi Thiên 98 chỉ nhắc đến các dòng nước, những ngọn đồi, Isaac Watts đã viết thêm rằng đá, thảo nguyên và những cánh đồng cũng ca hát.
Khi viết rằng đá dâng lời ngợi ca, Isaac Watts muốn nhắc lại câu chuyện Đức Chúa Jesus vào thành Jerusalem, trước khi Ngài bị hành hình, dân chúng đã tung hô Ngài. Lúc đó, những người Pha-ri-si, là những người lãnh đạo tinh thần của Do Thái giáo, đã yêu cầu Đức Chúa Jesus đừng cho những người theo Chúa tung hô Ngài. Đức Chúa Jesus đã trả lời: “Nếu họ nín lặng, đá sẽ cất tiếng” (Lu-ca 19:29-44). Dựa vào câu chuyện này trong Thánh Kinh Tân Ước, Isaac Watts đã khéo léo lưu ý độc giả rằng: Khi Chúa đến, đá cũng cất tiếng tôn ngợi Ngài; do đó, lẽ nào lòng người cứng hơn đá không biết cảm nhận ơn Chúa, đầu phục Chúa, và tôn ngợi Ngài.
Sau đó, trong phiên khúc thứ ba, Isaac Watts đã giải thích lý do vì sao đồng ruộng và thảo nguyên cũng ca ngợi Chúa. Trong Thánh Kinh Cựu Ước, khi A-đam và Ê-va phạm tội, Đức Chúa Trời đã phạt họ: “Ngài phán với A-đam: Vì ngươi đã nghe theo lời vợ, ăn trái cây Ta đã truyền không được ăn, nên đất sẽ vì ngươi bị nguyền rủa. Ngươi phải lao nhọc trọn đời mới có ăn. Đất sẽ sinh gai góc và cỏ dại vì ngươi, và ngươi sẽ ăn hoa màu của đồng ruộng. Ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có ăn, mãi cho đến ngày ngươi trở về cùng bụi đất, là nơi ngươi xuất phát. Ngươi là cát bụi, ngươi sẽ trở về cùng cát bụi.” (Sáng Thế Ký 3:17-19).
Đồng ruộng và thảo nguyên trước kia chỉ có cây, trái, hoa màu; sau khi loài người phạm tội đã mọc thêm gai góc, cỏ dại; khiến loài người phải làm lụng vất vả mới có mà ăn. Tội lỗi là căn nguyên những bất hạnh của con người. Tội lỗi của loài người đã khiến đất bị nguyền rủa.
Khi Đức Chúa Jesus trở lại trong vinh quang – Isaac Watts viết – tội lỗi và buồn đau sẽ không còn mọc lên nữa; gai góc sẽ không còn tiêm nhiễm đất này. Phước hạnh mà Chúa mang đến sẽ tuôn tràn đến tận những nơi xa xăm, là những nơi mà lời nguyền đã từng tác hại. Đất đai, thay vì bị nguyền rủa, sẽ thấm nhuần những phước hạnh từ Đức Chúa Jesus. Đất đai, thay vì sinh gai góc cỏ dại theo lời nguyền, sẽ sinh những đóa hoa, những bông trái ngọt ngào của lời ngợi ca. Đất sẽ không còn bị nguyền rủa nữa vì Đức Chúa Jesus đã cất bỏ lời nguyền rủa – và đó là lý do tại sao những cánh đồng và những thảo nguyên ca hát tôn ngợi Chúa khi Ngài hiện đến.
Trong phiên khúc thứ tư, Isaac Watts tóm tắt vài lý do khiến thế giới tôn ngợi Chúa. Khi xa cách Chúa, loài người đã sống trong một thế giới đầy gian dối; bị cai trị bởi những luật lệ khắc nghiệt; bị nghèo khổ đau đớn vì bất công; phải sống trong sự hận thù ghen ghét. Những người đã từng sống trong cảnh trạng như vậy sẽ trân quý và cảm nhận phước hạnh do Chúa đem đến. Isaac Watts viết: Khi Đức Chúa Jesus đến, Ngài thay đổi tất cả: Ngài tể trị thế giới bằng chân lý và ân điển; khiến các quốc gia minh chứng cho vinh quang về sự công chính của Ngài; và kinh ngạc về tình yêu của Ngài.
Nhạc
Hầu hết các cuốn thánh ca xuất bản bài Joy to the World (Phước Cho Nhân Loại) đều ghi tên George Frideric Handel (1685-1759) là người viết nhạc cho bài thánh ca này, và Lowell Mason (1792-1872) là người viết hòa âm. Tuy nhiên nhạc sĩ George Frideric Handel không phải là người đã sáng tác nhạc cho bài Joy to the World. Một số nhà nghiên cứu âm nhạc hiện nay cho rằng giai điệu của bài Joy to the World thật ra do Lowell Mason sáng tác.
Lowell Mason là một nhạc sĩ viết nhạc thánh ca nổi tiếng tại Hoa Kỳ trong thế kỷ 19. Ông đã sáng tác và soạn hòa âm cho khoảng 1600 thánh ca.
Lowell Mason sinh ra và lớn lên tại thị trấn Medfield, Massachusetts. Từ thời niên thiếu, Lowell Mason rất giỏi âm nhạc, và đã được mời làm Giám Đốc Âm Nhạc cho First Parish Unitarian Universalist Church lúc mới được 17 tuổi. Lowell Mason yêu thích âm nhạc, thích đóng góp cho sự phát triển âm nhạc của Hội Thánh và cộng đồng, nhưng không dùng âm nhạc như là một phương tiện kiếm sống.
Đến tuổi trưởng thành, Lowell Mason xuống miền nam sinh sống. Lúc đầu, ông làm nhân viên bán tạp hóa tại Savannah, Georgia, và sau đó trở thành nhân viên ngân hàng. Ông học thêm nhạc với một giáo viên người Đức tên là Frederick L. Abel. Đi đâu, Lowell Mason cũng góp phần cho âm nhạc tại các nhà thờ nơi ông sống. Trong thời gian sống tại Savannah, Lowell Mason làm nhạc trưởng và người đàn organ cho nhà thờ Independent Presbyterian Church. Tại nhà thờ này, qua ảnh hưởng của Lowell Mason, lớp Trường Chúa Nhật đầu tiên dành cho những trẻ em da đen đã được thành lập.
Bên cạnh việc đàn và hướng dẫn hát trong Hội Thánh, Lowell Mason bắt đầu biên soạn thánh ca. Cuốn thánh ca đầu tiên cho ông biên tập, dựa trên giai điệu trong các tác phẩm của các nhạc sĩ cổ điển tại Âu châu đã được xuất bản vào năm 1822 bởi hội âm nhạc Handel and Haydn Society tại Boston. Lowell Mason cũng sáng tác một số thánh ca trong thời kỳ này, nhưng ông ký tên là ẩn danh vì không muốn ảnh hưởng đến nghề nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng.
Năm 1827, Lowell Mason trở về Boston, tiếp tục làm việc trong ngành ngân hàng. Ông được mời làm nhạc trưởng cho ba nhà thờ tại Boston. Lowell Mason đã nhận lời với điều kiện là ông giúp mỗi nhà thờ 6 tháng, và cứ tuần tự như vậy trong nhiều năm. Trong đó, có một giai đoạn Lowell Mason làm nhạc trưởng tại Park Street Church từ năm 1829-1831.
Tài năng của Lowell Mason được công chúng Boston công nhận. Một thời gian sau, Lowell Mason được mời làm Chủ Tịch của hội âm nhạc Handel and Haydn Society tại Boston. Sau đó, vào năm 1833, Lowell Mason trở thành một trong những người sáng lập Boston Academy of Music. Năm 1838, Lowell Mason được mời làm Chủ Nhiệm điều hành việc giáo dục âm nhạc cho tất cả các trường học tại Boston.
Năm 1851, lúc được 59 tuổi, Lowell Mason xin nghỉ hưu khỏi các chức vụ tại Boston. Lowell Mason đã rời Boston đến sống tại New York, là nơi hai con của ông đã mở một dịch vụ về âm nhạc.
Vài ngày trước lễ Giáng Sinh năm 1851, Lowell Mason xuống tàu đi Âu châu. Suốt năm 1852, Lowell Mason đi thăm viếng nhiều nơi tại Âu châu để trình diễn và cũng để nghiên cứu âm nhạc. Trong chuyến đi này, Lowell Mason đã khám phá được một điều mới trong nhạc thờ phượng.
Lowell Mason đã có rất nhiều kinh nghiệm đàn và hướng dẫn các ca đoàn trong nhà thờ hát ca ngợi Chúa đã hơn 40 năm, nhưng chỉ khi sang châu Âu, lúc đến thăm các Hội Thánh Nicolaikirche tại Leipzig, và Kreuzkirche tại Dresden (Đức), Lowell Mason mới nhận biết tầm quan trọng của việc tất cả các tín hữu cùng hát ca ngợi Chúa. Trở lại Hoa Kỳ, Lowell Mason đã dành suốt cuộc đời còn lại của mình để đóng góp và phát triển lĩnh vực này.
Trở lại New York vào năm 1853, Lowell Mason được mời làm nhạc trưởng cho nhà thờ Fifth Avenue Presbyterian Church. Lúc đó, nhà thờ này vừa xây xong thánh đường mới tại 19th Street. Quyết định đầu tiên của Lowell Mason là giải tán ban hát của nhà thờ; và sau đó, thay vì ông hướng dẫn ca đoàn hát cho hội chúng nghe vào mỗi Chúa Nhật, ông hướng dẫn tất cả tín hữu trong nhà thờ cùng hát thờ phượng Chúa. Sau bảy năm hướng dẫn âm nhạc tại đây, Hội Thánh mà Lowell Mason hướng dẫn âm nhạc đã được nhìn nhận là Hội Thánh hát thờ phượng hay nhất tại thành phố New York.
Năm 1859, Lowell Mason hợp tác với Edwards A. Parks và Austin Phelps xuất bản cuốn thánh ca “Sabbath Hymn and Tune Book”. Giai đoạn từ năm 1853-1860 là giai đoạn Lowell Mason đã để lại những ảnh hưởng sâu đậm nhất trong nền âm nhạc thờ phượng tại Hoa Kỳ.
Năm 1860, Lowell Mason về an hưởng tuổi già tại Orange, New Jersey. Ông vẫn góp phần cho âm nhạc thờ phượng tại Congregational Church ở địa phương. Lowell Mason về với Chúa vào năm 1872, hưởng thọ 80 tuổi.
Trở lại với giai điệu của bài Joy to the World, Lowell Mason đã dựa trên một nét nhạc của bài Comfort Ye, và đã dùng bốn nốt nhạc được lập lại trong hai ca khúc Lift Up Your Heads và Glory to God để sáng tác giai điệu cho bài Joy to the World. Cả ba bài hát nói trên là những ca khúc trong Trường Ca Messiah của George Frideric Handel. Mặc dù chỉ dùng có vài nốt nhạc của George Frideric Handel, nhưng vì được cảm hứng bởi những ca khúc của George Frideric Handel, Lowell Mason đã ghi nhận George Frideric Handel là tác giả chính của gai điệu của bài thánh ca Joy to the World.
Bên cạnh thánh ca Joy to the World, công chúng bên ngoài Hội Thánh, không quen thuộc với nhạc thánh ca, còn biết Lowell Mason qua bài Nearer, My God, to Thee (Càng Gần Chúa Hơn) – đây là bài thánh ca được hát trước khi tàu Titanic đắm; và Mary Had a Little Lamb – một ca khúc rất quen thuộc với các em thiếu nhi tại Hoa Kỳ.
Những Thánh Ca Việt Ngữ Của Cùng Tác Giả
Trong cuốn Thánh Ca Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, xuất bản vào năm 1950, có 10 bài do Mục sư Isaac Watts sáng tác là: Ta Bước Lên Si-ôn, Đấng Xưa Giúp Chúng Tôi, Phước Cho Nhân Loại, Giờ Được Chiêm Ngưỡng Thập Giá, Vì Tội Nhân Jesus Chết, Bây Giờ Tôi Tin, Tôn Vinh Christ, Tôi Có Phải Chiến Binh Đoàn Thập Tự, Jesus Sẽ Cai Trị, và Đi Đến Si-ôn.
Về phần Lowell Mason, trong cuốn Thơ Thánh –thánh ca đầu tiên của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam xuất bản năm 1917 – trong ấn bản 1923, có in bài hát Gần Cùng Chúa Tôi của Lowell Mason, do Louis Đường, một tín hữu Tin Lành người Việt, thuộc Hội Thánh Tin Lành Reformed Pháp, dịch từ bài số 3 trong cuốn bài hát Armée du Salut. Louis Đường là người mà một số tài liệu lịch sử Hội Thánh Tin Lành Việt Nam viết là ông Đội Dương.
Trong cuốn Thơ Thánh Có Nốt Đờn – ấn bản 1931- có 2 bài thánh ca của Lowell Mason là Rửa Sạch Tội Lỗi Hết Cả, và Mau Lo Làm Việc Chúa.
Trong cuốn Thánh Ca Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, xuất bản vào năm 1950, có 16 bài do Lowell Mason sáng tác là: Ngày Nghỉ Phước Hạnh, Tuần Vừa Qua, Phước Cho Nhân Loại, Giờ Được Chiêm Ngưỡng Thập Giá, Kìa! Nhìn Vua Thăng Thiên, Đầu Jesus Xưa Cam Đính Mão Gai, Đờn Vàng Reo, Suối Huyết Tuôn, Càng Gần Chúa Hơn, Lòng Tin Ngó Chúa Chẳng Thôi, Bao Nhiêu Hồn Chưa Thoát Ly Ma Quyền, Chúa Đang Gọi, Phước Thay Mối Dây Kết Thân, Ơn Trời Cao Sâu, Đây Phận Sự Tôi Đảm Đương, và Gần Cùng Chúa Tôi.
Châu Thanh – (12/2015)
Bài viết cho Thư Viện Tin Lành
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org
Joy to the World – Phước Cho Nhân Loại
Lời: Isaac Watts (1674–1748)
Hòa âm: Lowell Mason (1792-1872)
Nhạc: George Friedrich Händel (1685-1759)
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.