Tiểu Sử Thánh Ca: Em-ma-nu-ên – Xin Hãy Đến
Tiểu Sử Thánh Ca
Em-ma-nu-ên – Xin Hãy Đến
Oh Come, Oh Come, Emmanuel là một trong những thánh ca cổ điển được sáng tác cách đây khoảng 900 năm nhưng vẫn được phổ biến rộng rãi và yêu thích tại nhiều nơi trên thế giới. Lời thánh ca được viết vào thế kỷ 12. Nhạc được sáng tác trong thế kỷ 13. Tựa đề bài thánh ca trong tiếng Latin là Veni, Veni, Emmanuel. Năm 1851, John M. Neale đã dịch lời bài thánh ca này sang tiếng Anh. Năm 1982, Vĩnh Phúc viết lời thánh ca trong tiếng Việt.
Nguồn Gốc
Oh, Come, Oh, Come, Emmanuel là một thánh ca thường được hát vào Mùa Vọng để chuẩn bị kỷ niệm Chúa giáng sinh. Nội dung của bài thánh ca được trích từ bài O Antiphons, một thánh ca đã được sáng tác từ thế kỷ thứ 6 và phổ biến rộng rãi tại Rome từ thế kỷ thứ 8. Nguyên văn bài thánh ca O Antiphons trong tiếng Latin như sau:
O Antiphons
O Sapientia, quae ex ore Altissimi prodiisti,
attingens a fine usque ad finem,
fortiter suaviterque disponens omnia:
veni ad docendum nos viam prudentiae.
O Adonai, et Dux domus Israel,
qui Moysi in igne flammae rubi apparuisti,
et ei in Sina legem dedisti:
veni ad redimendum nos in brachio extento.
O Radix Jesse, qui stas in signum populorum,
super quem continebunt reges os suum,
quem Gentes deprecabuntur:
veni ad liberandum nos, jam noli tardare.
O Clavis David, et sceptrum domus Israel;
qui aperis, et nemo claudit;
claudis, et nemo aperit:
veni, et educ vinctum de domo carceris,
sedentem in tenebris, et umbra mortis.
O Oriens, splendor lucis aeternae, et sol justitiae:
veni, et illumina sedentes in tenebris, et umbra mortis.
O Rex Gentium, et desideratus earum,
lapisque angularis, qui facis utraque unum:
veni, et salva hominem,
quem de limo formasti.
O Emmanuel, Rex et legifer noster,
exspectatio Gentium, et Salvator earum:
veni ad salvandum nos, Domine, Deus noster.
Bài O Antiphons đã được dịch sang tiếng Anh với lời như sau:
O Wisdom, coming forth from the mouth of the Most High,
reaching from one end to the other mightily,
and sweetly ordering all things:
Come and teach us the way of prudence.
O Adonai, and leader of the House of Israel,
who appeared to Moses in the fire of the burning bush
and gave him the law on Sinai:
Come and redeem us with an outstretched arm.
O Root of Jesse, standing as a sign among the peoples;
before you kings will shut their mouths,
to you the nations will make their prayer:
Come and deliver us, and delay no longer.
O Key of David and sceptre of the House of Israel;
you open and no one can shut;
you shut and no one can open:
Come and lead the prisoners from the prison house,
those who dwell in darkness and the shadow of death.
O Morning Star, splendour of light eternal and sun of righteousness:
Come and enlighten those who dwell in darkness and the shadow of death.
O King of the nations, and their desire,
the cornerstone making both one:
Come and save the human race,
which you fashioned from clay.
O Emmanuel, our king and our lawgiver,
the hope of the nations and their Saviour:
Come and save us, O Lord our God.
Nội Dung
Nội dung bài thánh ca Oh Come, Oh Come, Emmanuel lấy ý từ bài O Antiphon: bài hát ôn lại những dự ngôn của Tiên tri Ê-sai về Đấng Cứu Thế sẽ ra đời. Trong tiếng Anh, bài thánh ca Oh Come, Oh Come, Emmanuel gồm bảy phiên khúc, mỗi phiên khúc nhắc đến một danh hiệu của Đức Chúa Jesus.
Oh Come, Oh Come, Emmanuel
John M. Neale (1851)
Lutheran Worship (1854) – Bài số 31
- Oh, come, our Wisdom from on high, Who ordered all things mightily;
To us the path of knowledge show, and teach us in her ways to go.
Rejoice! Rejoice! Emmanuel shall come to you, O Israel! - Oh, come, oh, come, our Lord of might, Who to your tribes on Sinai’s height
In ancient times gave holy law, in cloud and majesty and awe.
Rejoice! Rejoice! Emmanuel shall come to you, O Israel! - Oh, come O Rod of Jesse’s stem, from ev’ry foe deliver them
That trust your mighty pow’r to save; bring them in vict’ry through the grave.
Rejoice! Rejoice! Emmanuel shall come to you, O Israel! - Oh, come, O Key of David, come, and open wide our heav’nly home;
Make safe the way that leads on high, and close the path to misery.
Rejoice! Rejoice! Emmanuel shall come to you, O Israel! - Oh, come, our Dayspring from on high, and cheer us by your drawing nigh,
Disperse the gloomy clouds of night, and death’s dark shadows put to flight.
Rejoice! Rejoice! Emmanuel shall come to you, O Israel! - Oh, come, Desire of Nations, bind in one the hearts of all mankind;
Oh, bid our sad divisions cease, and be yourself our King of Peace.
Rejoice! Rejoice! Emmanuel shall come to you, O Israel! - Oh, come, oh, come, Emmanuel, and ransom captive Israel,
That mourns in lonely exile here, until the Son of God appear.
Rejoice! Rejoice! Emmanuel shall come to you, O Israel!
Bảy danh hiệu của Đức Chúa Jesus được mô tả trong bài thánh ca này là:
Việt | Anh | Latin |
Đấng Khôn Ngoan Thiên Thượng | Wisdom on high | Sapientia |
CHÚA | Lord | Adonai |
Gốc Giê-se | Root of Jesse | Radix Jesse |
Chìa Khóa Đa-vít | Key of David | Clavis David |
Sao Mai | Dayspring | Oriens |
Vua Của Các Dân Tộc | King of the Nations | Rex Gentium |
Em-ma-nu-ên | Emmanuel | Emmanuel |
Điều đáng lưu ý là những mẫu tự đầu tiên trong các danh hiệu của Đức Chúa Jesus trong bài thánh ca này, khi viết trong tiếng Latin và nếu đọc từ dưới lên trên sẽ ghép lại thành hai chữ: Ero Cras, có nghĩa là “Ngày mai, Ta sẽ đến.”
Vì lý do này, các cộng đồng Cơ Đốc theo khuynh hướng truyền thống thường hát bài thánh ca Oh Come, Oh Come, Emmanuel trong Mùa Vọng. Bài thánh ca được hát đúng một tuần trước lễ giáng sinh, mỗi ngày một câu,và kết thúc một ngày trước lễ kỷ niệm Chúa giáng sinh. Tại một số nhà thờ, bài thánh ca được hát vào bốn Chúa Nhật trong Mùa Vọng, mỗi tuần một hoặc hai câu, và cũng kết thúc trước lễ giáng sinh.
Tác Giả Lời Tiếng Anh
John Mason Neale (1816-1866) , người viết lời cho bài thánh ca Oh Come, Oh Come, Emmanuel, là một học giả, một nhà biên soạn thánh ca và là mục sư của Giáo hội Anh Quốc. John Mason Neale sinh năm 1816 tại London; ông là con trai của Mục sư Cornelius Neal và là cháu nội của Mục sư James Neal, một trong những người đã sáng lập ra London Mission Society, tổ chức truyền giáo uy tín tại Anh quốc. John Mason Neale được đặt tên là John Mason, theo tên ông tổ của ông là John Mason (1645-1694), cũng là một mục sư và là người biên soạn thánh ca của Hội Thánh Thanh Giáo (Puritan).
John Mason Neale theo học và tốt nghiệp tại Trinity College thuộc Viện Đại Học Cambridge, Anh. John Mason Neale được đánh giá là một học giả lỗi lạc về văn học cổ điển trong thế hệ của ông; tuy nhiên vì không giỏi toán nên John Mason Neale không thể theo học hậu đại học. Dầu vậy, trong những năm về sau, John Mason Neale đã được trao tặng bằng tiến sĩ danh dự bởi Trinity College tại Connecticut, Hoa Kỳ.
Năm 1841, John Mason Neale được phong chức mục sư bởi Giáo hội Anh Quốc. Năm 1846, John Mason Neale làm hiệu trưởng của Sackville College tại East Grinstead, West Sussex. Ông đã giữ chức vụ này cho tới khi về với Chúa.
Năm 1854, John Mason Neale thành lập Society of Saint Margaret. Tổ chức này tạo cơ hội cho các nữ tín hữu trong Giáo hội Anh phục vụ Chúa trong ngành y tế. John Mason Neale cũng là một trong những sáng lập viên của Anglican and Eastern Churches Association, cơ quan thông công giữa Anh Quốc giáo và Chính Thống giáo. Lúc còn sống John Mason Neale không được sự ủng hộ của cộng đồng Tin Lành tại Anh Quốc vì có thời gian John Mason Neale đã chịu ảnh hưởng của Oxford Movement.
Là một học giả về văn học cổ điển, John Mason Neale dành thì giờ nghiên cứu các văn phẩm Cơ Đốc trước thời kỳ cải chánh. Ông chú trọng đặc biệt đến các thánh ca. John Mason Neale đã dịch hàng trăm thánh ca cổ điển trong tiếng Latin, Hy Lạp, Pháp, Nga, sang Anh ngữ. Những bài thánh ca này đã được sử dụng trong cộng đồng Cơ Đốc từ vài trăm năm đến hàng ngàn năm trước đó. Năm 1906, trong cuốn thánh ca Anh ngữ The English Hymns có 69 bài thánh ca do John Mason Neale viết lời; trong đó 63 bài do ông dịch và 6 bài do ông sáng tác.
Ý Nghĩa Bài Thánh Ca
1. Đấng Khôn Ngoan
Danh hiệu đầu tiên của Đức Chúa Giê-xu được nhắc đến trong bài Oh Come, Oh Come, Emmanuel là Đấng Khôn Ngoan Thiên Thượng. Trong Thánh Kinh Tân Ước, Sứ đồ Giăng đã giới thiệu Đức Chúa Jesus là Ngôi Lời. Danh từ Ngôi Lời trong nguyên văn Hy Lạp là logos, cũng có nghĩa là sự khôn ngoan. Lời thánh ca nhắc lại Đức Chúa Jesus chính là Đấng Khôn Ngoan lưu xuất từ Đức Chúa Trời Chí Cao.
Về một phương diện, Thánh Kinh, Lời Đức Chúa Trời, là một kho tàng về sự khôn ngoan. Thánh Kinh chứa đầy những nguyên tắc tốt đẹp để chúng ta có thể học biết và sống theo ý Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, Thánh Kinh cho biết, người tin Chúa có thể nhận sự khôn ngoan một cách tốt hơn, hữu hiệu hơn, không cần qua sách vở nhưng qua một con người. Người đó chính là Đức Chúa Jesus.
Tiên tri Ê-sai đã viết về Đức Chúa Jesus như sau: “Thần của CHÚA ngự trên Người; Ðó là Thần khôn ngoan và thông sáng, Thần mưu lược và quyền năng, Thần tri thức và kính sợ CHÚA. Người sẽ lấy sự kính sợ CHÚA làm vui.” (Ê-sai 11:2-3) “Kế hoạch của Ngài quả là kỳ diệu. Sự khôn ngoan của Ngài thật vượt trỗi vô cùng.” (Ê-sai 28:29)
Thánh Kinh Tân Ước cho biết Đức Chúa Jesus không phải là một học giả, một giáo sư dạy loài người khôn ngoan và chân lý, nhưng Ngài chính là sự khôn ngoan và chân lý. Phúc Âm Giăng đã chép: “Ta là đường đi, chân lý và sự sống” (Giăng 14:6). Loài người có thể nhận được sự khôn ngoan, chân lý và sự sống qua mối tương giao mật thiết với Đức Chúa Jesus.
Phiên khúc thứ nhất cho biết Đức Chúa Jesus là Đấng đã sắp đặt cả vũ trụ cách trật tự, ổn định. Lời thánh ca nhắc người hát cầu xin Chúa là Đấng Khôn Ngoan Thiên Thượng, soi dẫn cho mình hướng đi giữa những khó khăn bối rối trong cuộc sống.
2. CHÚA
Danh hiệu thứ hai của Đức Chúa Jesus được nhắc đến trong bài thánh ca là CHÚA. Trong Cựu Ước, Đức Chúa Trời bày tỏ danh của Ngài là “YHWH” – hay Đức Giê-hô-va trong bản dịch truyền thống. Người Do Thái tôn kính Chúa, không dám trực tiếp nhắc đến Chúa bằng danh hiệu đó, họ gọi Ngài là Adonai. Trong các bản dịch Kinh Thánh mới, danh hiệu “YHWH” được dịch là “Lord” trong tiếng Anh và “CHÚA” trong tiếng Việt.
Phiên khúc thứ hai của bài thánh ca cho biết Đức Chúa Jesus không phải chỉ là Đấng đã sống trên đất cách đây 2000 năm, nhưng Ngài cũng chính là CHÚA đã dẫn dắt người Do Thái từ hàng ngàn năm về trước.
“CHÚA là Ðấng Phán Xét của chúng ta; CHÚA là Nhà Lập Pháp của chúng ta; CHÚA là Vua của chúng ta; Chính Ngài sẽ cứu chúng ta.” (Ê-sai 33:22) “Ngài sẽ không xét xử theo mắt thấy, cũng chẳng phán quyết theo tai nghe; nhưng Ngài sẽ xét xử công chính cho người cô thế, và phán quyết công bằng cho kẻ nhu mì trên đất.” (Ê-sai 11:3-4). Lời bài hát nhắc lại rằng Đức Chúa Jesus chính là Đức Chúa Trời: Ngài là Đấng đã ban luật pháp cho người Do Thái trên đỉnh Si-nai, Đấng đã ngự trong vinh quang của trụ mây, Đấng đã dẫn dắt dân Do Thái trên hành trình về Đất Hứa.
3. Gốc của Giê-se
Phiên khúc thứ ba của bài thánh ca gọi Đức Chúa Jesus là Gốc của Giê-se. Theo lịch sử của người Do Thái, Giê-se là cha của vua Đa-vít. Tiên tri Mi-chê đã công bố rằng Đấng Cứu Thế sẽ xuất phát từ dòng dõi Đa-vít và sẽ ra đời tại Bết-lê-hem, quê hương của vua Đa-vít (Mi-chê 5:1).
Trong các tác phẩm văn học xưa, mối quan hệ gia tộc thường được mô tả bằng hình ảnh cây phổ hệ. Từ gốc mọc thân, từ thân mọc cành, mỗi cành có nhiều nhánh. Tiên tri Ê-sai đã dùng hình ảnh đó mô tả sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế từ gia tộc Đa-vít: “Có một chồi sẽ nứt ra từ gốc Giê-se. Một cành từ rễ nó sẽ ra trái.” (Ê-sai 11:1) “Trong ngày đó, cội rễ Giê-se sẽ đứng lên làm ngọn cờ cho các dân tộc; các nước đều tìm đến Ngài, và nơi ngự của Ngài sẽ đầy vinh quang” (Ê-sai 11:10).
Phiên khúc thứ ba của bài thánh ca bày tỏ niềm tin Đấng Cứu Thế quyền năng sẽ đến để giải phóng dân Ngài khỏi mọi áp bức của kẻ thù. Ngài sẽ ban cho những người tin cậy Ngài sự chiến thắng. Thánh Kinh cho biết Đức Chúa Jesus đến thế gian không phải chỉ để cứu con người khỏi những khổ đau nhưng để cứu họ khỏi quyền lực của tội lỗi.
4. Chìa Khóa Của Đa-vít
Phiên khúc thứ tư của bài thánh ca gọi Đức Chúa Jesus bằng danh hiệu Chìa Khóa Của Đa-vít. Danh hiệu này lấy ý từ Ê-sai 22:22 “Ta sẽ đặt chìa khóa nhà Đa-vít trên vai người. Người mở thì không ai đóng được và đóng thì không ai ở được.” Danh hiệu này nhắc đến thẩm quyền tuyệt đối của Đức Chúa Jesus- Đấng nắm giữ chìa khóa.
Tiên tri Ê-sai 42:7 và 61:1 mô tả một trong những lý do Đức Chúa Jesus đến dương trần là để giải phóng những người bị cầm tù. Nhân loại đang bị giam cầm trong sự chết, trong tuyệt vọng; Đức Chúa Jesus với thẩm quyền tuyệt đối từ Đức Chúa Trời có quyền giải phóng con người khỏi những kiềm chế đó. Đức Chúa Jesus đến để chấm dứt những đau khổ của người tin Ngài và mở cho họ một con đường phước hạnh để dẫn họ về thiên đàng.
Danh hiệu Chìa Khóa Của Đa-vít là niềm an ủi cho những người trung tín với Chúa đang gặp khó khăn. Tác giả sách Khải Huyền đã viết như sau: “Ðấng Thánh, Ðấng Chân Thật, Ðấng có chìa khóa của Ða-vít, Ðấng mở thì không ai đóng được, và Ðấng đóng thì không ai mở được, phán thế nầy: ‘Ta biết các công việc của ngươi. Nầy, Ta đã để trước mặt ngươi một cửa đang mở, và không ai có thể đóng, vì ngươi có ít sức lực, nhưng vẫn giữ Ðạo Ta, và không chối bỏ danh Ta'” (Khải Huyền 3:7-8).
5. Sao Mai
Trên bầu trời, Sao Mai thường được thấy rõ lúc bình minh. Trong văn học và thi ca, Sao Mai là biểu tượng của hy vọng. Sao Mai báo hiệu bóng đêm đã qua và bình minh đang đến.
Sao Mai là danh hiệu của Đức Chúa Jesus được mô tả trong phiên khúc thứ năm của bài thánh ca. Danh hiệu này được ghi lại trong Khải Huyền 22:16 “Ta, Jesus, đã sai thiên sứ của Ta đến với các ngươi để làm chứng những điều nầy cho các hội thánh. Ta là Cội Rễ và Hậu Duệ của Ða-vít và là Sao Mai sáng láng.”
Lời bài thánh ca nói rằng Đức Chúa Jesus là Sao Mai, là niềm hy vọng của nhân loại. Khi Đấng Cứu Thế đến, Ngài sẽ xóa đi mọi u buồn và mang lại sự vui mừng hớn hở. Những bóng mây nghi ngờ u tối sẽ qua. Bóng đen của sự chết cũng sẽ tan biến.
Thánh Kinh cho biết Sa-tan đã từng mạo nhận danh hiệu Sao Mai, nhằm dụ dỗ lừa gạt các thiên thần chống nghịch Đức Chúa Trời, nhưng đã thất bại (Ê-sai 14:12).
6. Vua Của Các Dân Tộc
Phiên khúc thứ sáu mô tả Đức Chúa Jesus là Vua Của Các Dân Tộc. Trong sách Sáng Thế Ký, loài người chống nghịch Đức Chúa Trời, bày tỏ sự kiêu ngạo của mình bằng cách thành lập tháp Ba-bên. Đức Chúa Trời đã làm thất bại ý định phản nghịch đó bằng cách tạo ra nhiều ngôn ngữ khiến loài người không thể hiểu nhau; do đó công cuộc xây dựng tháp Ba-bên bất thành. Vì ngôn ngữ bất đồng, sau đó loài người đã tản lạc khắp thế giới, thành lập nhiều quốc gia và dân tộc.
Đức Chúa Jesus đến thế gian nhằm đảo ngược lại trình trạng phân cách đó. Bài thánh ca nói rằng Chúa sẽ làm Vua Của Các Dân Tộc. Ngài kết hợp mọi tấm lòng lại với nhau, Ngài chấm dứt sự phân rẽ u buồn, và Ngài sẽ cai trị trong sự bình an.
Danh hiệu Vua Của Các Dân Tộc của Chúa được nhắc đến trong Giê-rê-mi 10:6-7. Tiên tri Ê-sai mô tả sự trị vì của Chúa trên các dân tộc trong Ê-sai 11:10. Sứ đồ Phao-lô trích dẫn lời tiên tri này trong Rô-ma 15:7-13 để khuyến khích việc truyền Tin Lành cho mọi dân tộc.
7. Đấng Em-ma-nu-ên
Phiên khúc cuối cùng của bài thánh ca bày tỏ tâm trạng đau buồn của những người Do Thái tha hương, đang sống trong cảnh cô đơn tủi nhục trong kiếp nô lệ đọa đày. Lời thánh ca cầu xin Con Đức Chúa Trời đến giải cứu họ. Bài thánh ca bày tỏ niềm tin về Đấng Em-ma-nu-ên.
Trong tiếng Hebrew, danh hiệu Em-ma-nu-ên có nghĩa là Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta. Được Chúa ở cùng, mọi nghịch cảnh sẽ thay đổi. Sứ đồ Phao Lô đã viết: “Nếu Đức Chúa Trời đứng về phía chúng ta thì còn ai nghịch với chúng ta” (Rô-ma 8:31). Khi Đức Chúa Trời ngự giữa dân Ngài, nỗi buồn đau tủi nhục của họ sẽ chấm dứt.
Thánh ca Oh Come, Oh Come, Emmanuel nhắc đến bảy danh hiệu của Đức Chúa Jesus. Điều đáng tiếc, trong một số ấn bản, vì để tiết kiệm giấy, hoặc tiết kiệm thời gian trong giờ thờ phượng, chỉ có ba hoặc bốn phiên khúc được in; do đó ý nghĩa của bài thánh ca không thể được hiểu một cách trọn vẹn.
Lời Việt
Bài thánh ca Oh Come, Oh Come, Emmanuel được Vĩnh Phúc đặt lời vào năm 1982 với tựa đề Em-ma-nu-ên Xin Hãy Đến. Bài hát gồm năm phiên khúc như sau:
Em-ma-nu-ên! Xin Hãy Đến
Thánh Ca Hội Thánh Tin Lành Giám Lý Việt Nam – Bài số 31
1. Cầu xin Em-ma-nu-ên viếng thăm dân Ngài.
Bao tháng năm rồi xa xứ mang thân đọa đày.
Kiếp sống nhọc nhằn tăm tối như đêm dài.
Cầu xin Em-ma-nu-ên viếng thăm dân Ngài.
Hãy hát! Vui tươi! Trông đợi Chúa sinh ra đời.
Đem đến hy vọng ơn phước chan hòa lòng người.
2. Cầu xin Em-ma-nu-ên đoái thương dân Ngài.
Ôi kiếp lưu đày đau đớn muôn ngàn sầu cay.
Tiếng khóc tuyệt vọng vang mãi trong đêm dài.
Cầu xin Em-ma-nu-ên đoái thương dân Ngài.
Hãy hát! Vui tươi! Trông đợi Chúa sinh ra đời.
Đem đến hy vọng ơn phước chan hòa lòng người.
3. Cầu xin Em-ma-nu-ên xóa tan mây mờ!
Mau đến trong lòng dân thánh bao ngày đợi chờ.
Dắt bước người về nương náu ơn nhân từ.
Cầu xin Em-ma-nu-ên xóa tan mây mờ!
Hãy hát! Vui Tươi! Trông đợi Chúa sinh ra đời
Đem đến hy vọng ơn phước chan hòa lòng người.
4. Cầu xin Em-ma-nu-ên hiển vinh trên trời.
Mau cứu dân Ngài qua kiếp nô lệ ngậm ngùi.
Giúp đỡ phù hộ an ủi luôn trong đời.
Cầu xin Em-ma-nu-ên hiển vinh trên trời.
Hãy hát! Vui tươi! Trông đợi Chúa sinh ra đời.
Đem đến hy vọng ơn phước chan hòa lòng người.
5. Cầu xin Em-ma-nu-ên viếng thăm dân Ngài.
Đau đớn u hoài qua hết, không còn lạc loài.
Tiếng hát thờ phượng bay vút lên ngôi Ngài.
Bình an vui tươi dâng tràn khắp nơi lâu dài.
Hãy hát! Vui tươi! Trông đợi Chúa sinh ra đời.
Đem đến hy vọng ơn phước chan hòa lòng người.
Lời thánh ca Em-ma-nu-ên Xin Hãy Đến trong tiếng Việt chú trọng đến danh hiệu Em-ma-nu-ên của Đức Chúa Jesus. Nội dung bài thánh ca tương tự như phiên khúc thứ bảy của lời thánh ca trong tiếng Anh. Bài hát thể hiện nỗi đau buồn, tủi nhục của người Do Thái đang sống trong cảnh nô lệ lầm than. Họ trông mong Chúa đến để cứu họ khỏi cảnh lưu đày (câu 1), khỏi đau khổ tuyệt vọng (câu 2), khỏi nghi ngờ (câu 3), khỏi thân phận nô lệ (câu 4), khỏi u buồn và lạc loài (câu 5).
Trong mỗi phiên khúc, bốn dòng đầu thể hiện sự khao khát trông chờ. Lời ca trầm buồn sâu lắng phù hợp với giai điệu của bản nhạc. Tuy nhiên đến điệp khúc, bài thánh ca vui tươi hơn. “Hãy hát! Vui tươi! Trông đợi Chúa sinh ra đời.” Lời thánh ca khuyến khích người hát, và cả người nghe, hãy lạc quan vì Chúa sẽ đến. Ngài là niềm hy vọng, là nguồn phước, là sự giải cứu, là niềm an ủi cho những tâm hồn đang khao khát.
Châu Thanh
Thư Viện Tin Lành (12/2012)
www.thuvientinlanh.org
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.