Tiểu Sử Thánh Ca: Đường Đến Gô-gô-tha
Tiểu Sử Thánh Ca: Đường Đến Gô-gô-tha
Nguồn Gốc
Đường Đến Gô-gô-tha – bài thánh ca số 88 trong cuốn Thánh Ca của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam – là một thánh ca có nguồn gốc từ Thụy Điển. Bài hát trong nguyên tác có tên là Från örtagården leder till Golgata en väg (Con Đường Từ Khu Vườn Đến Gô-gô-tha) – do Giáo sư Carl Gotthard Liander (1847-1916) sáng tác.
Tác Giả
Carl Gotthard Liander sinh ngày 1/11/1847. Ông tốt nghiệp đại học tại Uppsala, Thụy Điển vào năm 1874. Năm 1875, Carl Gotthard Liander làm giáo sư cho chủng viện tại Bollnäs; đến năm 1880, ông trở thành viện trưởng. Carl Gotthard Liander đã giữ chức vụ này trong suốt 28 năm cho tới khi ông về hưu vào năm 1908.
Vào cuối thế kỷ 19, trong cộng đồng Tin Lành Thụy Điển, Carl Gotthard Liander được biết đến như là một nhà sư phạm uy tín và là một Cơ Đốc nhân nhiệt thành. Carl Gotthard Liander đã tham gia nhiều sinh hoạt khác nhau của Hội Thánh Thụy Điển. Ông là đại diện của Evangeliska Fosterlands-stiftelsenin (EFS) – phong trào phục hưng của cộng đồng Tin Lành tại Thụy Điển.
Bên cạnh công việc giảng dạy, Carl Gotthard Liander cũng nổi tiếng là người có năng khiếu làm thơ, và có tài về âm nhạc. Carl Gotthard Liander đã sáng tác thánh ca Från örtagården leder till Golgata en väg vào mùa Phục Sinh năm 1887. Lúc đó, Carl Gotthard Liander được 39 tuổi.
Ngoài thánh ca Đường Đến Gô-gô-tha, đã được dịch sang tiếng Việt, Carl Gotthard Liander còn sáng tác một số thánh ca khác. Vài thánh ca mà ông sáng tác vẫn còn được được dùng để ca ngợi Chúa giữa vòng các tín hữu Thụy Điển và cộng đồng Tin Lành tại Bắc Âu cho tới ngày hôm nay.
Carl Gotthard Liander về với Chúa vào ngày 24/5/1916, hưởng thọ 71 tuổi. Ông được an táng vào ngày 1/6/1916 tại nghĩa trang Bollnäs Kyrkogård – Gamla.
Nội Dung Của Thánh Ca
Carl Gotthard Liander đã sáng tác cả nhạc lẫn lời cho bài thánh ca Från örtagården leder till Golgata en väg. Trong các ấn bản hiện nay, bài thánh ca có 7 phiên khúc và 2 điệp khúc; tuy nhiên trong nguyên tác, Carl Gotthard Liander chỉ viết có 6 phiên khúc và 1 điệp khúc. Phiên khúc thứ bảy và điệp khúc thứ hai, được trích từ lời của một bài ca phục hưng, đã được thêm vào trong những lần tái bản tại Thụy Điển trong những năm về sau.
Trong khi nhiều người ngày nay thường mô tả chặng đường thương khó của Chúa bắt đầu từ trường án của Phi-lát và kết thúc tại đồi Gô-gô-tha; Carl Gotthard Liander – trong phiên khúc đầu tiên của bài thánh ca – nhắc người nghe rằng: đoạn đường thống khổ của Chúa khởi đầu từ vườn Ghết-sê-ma-nê và kéo dài đến đồi Gô-gô-tha.
Phiên khúc thứ hai của bài thánh ca nói rằng Chúa yêu những tội nhân khốn khổ như chúng ta. Tình yêu ấy đã khiến trái tim của Ngài tan vỡ tại vườn Ghết-sê-ma-nê trong đêm hôm đó.
Phiên khúc thứ ba mô tả giữa đêm khuya mịt mùng, trong khu vườn olive, Chúa đối diện với những thống khổ, và Ngài bằng lòng chấp nhận trở thành nạn nhân thay cho chúng ta.
Phiên khúc thứ tư nhắc: Không một ai trong chúng ta có thể nào quên rằng Chúa vui lòng gánh chịu hình phạt vì tội lỗi của chúng ta; và nhờ đó, bạn và tôi được cứu (I Phi-e-rơ 2:24).
Trong phiên khúc thứ năm, Carl Gotthard Liander dựa trên Khải Huyền 1:5; 5:8-9; 19:9, 13-14, nói rằng chiếc áo xinh đẹp thanh khiết mà các thánh đồ mặc trên thiên đàng có giá rất cao. Đức Chúa Jesus đã mua những chiếc áo đắt giá ấy bằng chính huyết của Ngài; để mọi người, thuộc mọi dân tộc, có thể đến trình diện với Đức Chúa Trời trên thiên đàng.
Phiên khúc thứ sáu là lời mời gọi những anh em trong Chúa, thuộc mọi chi tộc, cùng hiệp nhau trong đức tin, tại chân thập tự, hoài niệm về Đấng Cứu Chuộc, là Chiên Con của Đức Chúa Trời.
Phiên khúc thứ bảy, được thêm nào trong những ấn bản về sau, kêu gọi mọi người hãy cùng học một bài ca vĩnh cửu, để cùng nhau tôn ngợi Đức Chúa Trời và Chiên Con trên thiên đàng.
Điệp khúc mà Carl Gotthard Liander viết mô tả con đường đến thiên đàng nở những đóa hoa berry thật đẹp. Những đóa hoa đó có màu đỏ thắm, như những giọt huyết mà Chúa đã đổ ra khi Ngài bước đi trên chặng đường thương khó; và sự thống khổ mà Chúa chịu, là giá phải trả cho phước hạnh mà những người tin Chúa nhận được từ thiên đàng.
Lời Việt, được dịch theo nội dung bản Anh ngữ trong cuốn Concordia (1932), đã thêm những phiên khúc mô tả sự đau đớn của Chúa tại đồi Gô-gô-tha, không có trong nguyên tác.
Phát Hành Và Phổ Biến
Thánh ca Från örtagården leder till Golgata en väg được in lần đầu tiên vào năm 1889 trong cuốn Sionstoner của phong trào Tin Lành Phục Hưng tại Thụy Điển (EFS). Qua cuốn thánh nhạc này, bài hát được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng tín hữu Tin Lành tại Bắc Âu.
Sau đó, bài thánh ca được tái bản nhiều lần tại Thụy Điển với những tựa đề khác nhau:
Năm | Tựa Đề | Thánh Ca | Bài Số |
1889 | Från örtagården leder till Golgata en väg | Sionstoner | |
1892 | Högtiderna Fastlagstiden | Hemlandssånger | 77 |
1919 | Frälsningssånger | Samlingstoner | 95 |
1935 | Passionstiden | Sionstoner | 180 |
1935 | Passionstiden | Guds lov | 63 |
1948 | Från örtagården leder till Golgata en stig | Sånger och psalmer | |
1951 | Från örtagården leder | Sions Sånger | 49 |
1981 | Från Getsemane till Golgata | Sions Sånger | 15 |
1988 | Passionstiden | Lova Herren | 159 |
Năm 1903, bài hát được Martti Ruutt dịch sang tiếng Phần Lan với tựa đề Käy yrttitarhasta polku. Bài hát được các tín hữu Tin Lành Phần Lan yêu thích, nhưng mãi đến năm 1986 mới được chính thức chọn làm thánh ca. Trong cuốn thánh ca của Hội Thánh Tin Lành Lutheran Phần Lan, bài hát mang tựa đề là Käy yrttitarhasta polku – bài thánh ca số 77.
Năm 1932, bài thánh ca được phát hành trong tiếng Anh với tựa đề A Way to Calvary Leadeth, xuất bản trong cuốn thánh ca Concordia của Hội Thánh Tin Lành Lutheran, bài số 176.
Lời Thánh Ca
Från örtagården leder till Golgata
en väg (1887)
1. Från örtagården leder
till Golgata en väg
som Anden förbereder
och tecknar steg för steg.
Điệp Khúc (1-6):
Till paradis den vägen bär,
men en smärtornas väg det är.
2. Av kärlek till oss arma
vår Jesus den har gått.
Hans hjärta ömma, varma
sitt dödsstyng där har fått.
3. Vi ser olivträdslunden,
där han i ångest ber,
i mörka midnattsstunden
sej själv till offer ger.
4. Han ingen av oss glömmer,
han villigt tar på sej
de synder oss fördömer,
att frälsa dej och mej.
5. De sköna himlens dräkter
så dyrt han köpte då
åt alla folk och släkter
som inför Gud ska stå.
6. Kom, syskon, låt oss dröja
i tro vid korsets stam,
i andakt blicken höja
mot Frälsaren, Guds Lamm!
7. Vi bara så kan lära
den evigt nya sång
till Guds och Lammets ära,
som sjungs hos Gud en gång.
Điệp Khúc (7):
Han allt för oss fullbordat har,
men en smärtornas väg det var.
Đường Đến Gô-gô-tha
(1949)
1. Từ Ghết-sê-ma-nê khởi hành
Đường thập tự trong đêm thánh.
Nhìn Chúa bước đi mình tó xiêu,
Đau đớn bởi chịu đòn nhiều.
Điệp Khúc: (Câu 1-6)
Kìa đường Gô-gô-tha khổ nhục bấy.
Ấy chính nguồn hạnh phước quý thay!
2. Tại đấy Chúa cam chịu khổ phiền,
Đoạn trường nầy khôn phô diễn.
Giờ ấy ái tâm Ngài vỡ tung,
Cho đến thở hơi sau cùng.
3. Chạnh nhớ Chúa trong vườn thuở nọ,
Nặng nề vì cơn thương khó.
Giờ phút tối tăm càng khẩn Cha,
Thân Chúa huyết cạn chan hòa.
4. Hồn hỡi, lúc ngươi gặp khổ nạn,
Cần học tập theo gương sáng:
Thập giá ấy kho tàng quý thay.
Minh huấn chính ngươi đêm ngày.
5. Lằn giáo mũi đinh loài phản tặc,
Ngài chịu tận khi hơi tắt.
Từ những vết thương nầy phát nguyên
Sông nước vĩnh sanh linh huyền.
6. Thật phước bấy cho hồn kẻ nào
Được dầm vào sông huyết báu.
Sạch ác điểm, tâm hồn sáng tươi
Như tuyết thánh sạch rạng ngời.
7. Dường ấy chúng ta học bản nhạc
Hằng nhựt nhựt tân vang hát.
Càng hát mãi đêm ngày chẳng thôi,
Tôn Cứu Chúa muôn muôn đời.
Điệp Khúc: (Câu 7)
Dầu đường Christ đã khổ đau hy sinh
Dắt dẫn mình vào chốn phước vinh.
A Way to Calvary Leadeth (1889)
1. A way to Calv’ry leadeth
From dark Gethsemane,
May ev’ryone behold Him
Who weary walks that way.
Refrain:
The way doth lead to perfect bliss,
But a way of pain it is.
2. In nameless woe our Savior
Here passed with troubled breath.
His heart of tender mercy
That day was pierced to death.
3. Behold Him in the garden
All down with sorrow weighed,
When in that hour of darkness
He sweated blood and prayed.
4. My soul, in night of sorrow,
Learn here what you must do.
Then at the cross your treasure
Will be revealed to you.
5. With nails and spear-point wounded
He down to death must go,
But from those wounds abundant
The streams of life will flow.
6. What bliss to be permitted
One’s soul to bathe therein
And thus be cleansed forever
From every taint of sin!
7. Thus only we are learning
That song forever new
Which to our Savior’s glory
Shall ring all ages through.
Käy yrttitarhasta polku (1903)
1. Käy yrttitarhasta polku,
vie Golgatalle se.
On Hengen viitoittama
sen joka askele.
Điệp Khúc: (Câu 1-4)
Se tie vie viimein taivaaseen,
mutta tie se on tuskien.
2. Tien kaikkein raskaimman Jeesus
on käynyt armossaan,
kun meidän kurjain tähden
hän kulki kuolemaan.
3. Oi rakkautta näin suurta,
kun meitä säälii hän,
maailman synnit kantaa,
tuo meille elämän!
4. Nyt, köyhä syntinen, riennä
luo Herran Jeesuksen!
Saat rauhan, lohdutuksen
haavoissa Kristuksen.
7. Myös laulun oppia uuden
saat tiellä taivahan.
Se taivaassa jo kaikuu
edessä Karitsan.
Điệp Khúc: (Câu 7)
Hän kuoli kaiken täyttäen,
mutta tie oli tuskien.
Lời Việt
Đường Đến Gô-gô-tha không nằm trong số những thánh ca được phát hành trong hai cuốn Thánh Ca tiếng Việt đầu tiên là Thơ Thánh (1917) và Thơ Thánh Có Nốt Đờn (1931).
Vào cuối thập niên 1940, Mục sư John Olsen, người Na Uy – là một thành viên trong Ban Biên Soạn Thánh Ca của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam – đã giới thiệu thánh ca này với Ban Biên Soạn Thánh Ca Việt Nam. Bài hát được dịch sang tiếng Việt từ lời tiếng Anh A Way to Calvary Leadeth, trích từ thánh ca Concordia (1932), bài số 176. Mục sư John Olsen đã giúp các dịch giả Việt Nam tham khảo lời thánh ca trong nguyên tác: Passionstiden, bài số 180, xuất bản trong Sionstoner (1935), và Från örtagården leder till Golgata en stig trong Sånger och psalmer (1948); do đó, bản dịch Việt ngữ có thêm điệp khúc thứ hai.
Ủy Ban Biên Soạn Thánh Ca (1948-1950)
Hình chụp năm 1950 nhân dịp phát hành ấn bản Thánh Ca 1950
Hàng đứng: Các sinh viên Tư, Nguyễn Lĩnh, Lê Khắc Cung
Hàng ngồi: Truyền đạo Vũ Văn Cư, Mục sư John Olsen, Mục sư Ông Văn Huyên, Truyền đạo Nguyễn Văn Vạn
(Chú thích: Bức hình thiếu Mục sư Phan Đình Liệu – một thành viên kỳ cựu của Ban Biên Soạn Thánh Ca Việt Nam)
Bài Đường Đến Gô-gô-tha, sau đó đã được phát hành trong ấn bản Thánh Ca (1950). Thánh ca Đường Đến Gô-gô-tha được sắp vào mục Chúa Jesus Christ: Chịu Khổ và Chết; do đó mỗi năm các tín hữu chỉ hát bài thánh ca này một hoặc hai lần, cho nên bài hát ít được phổ biến.
Nhằm giúp các tín hữu nhớ lại sự hy sinh Chúa của thường xuyên hơn, Mục sư Nguyễn Văn Vạn – một thành viên của Ban Biên Soạn Thánh Ca – đã dựa vào giai điệu của bài Från örtagården leder till Golgata en väg, đặt một lời thánh ca khác. Bài thánh ca mới nảy chỉ có trong tiếng Việt, không có trong các ngôn ngữ khác, mang tựa đề Tiệc Thánh (Bài số 400).
Lời thánh ca Tiệc Thánh trang trọng, chứa chan tình cảm, hòa với giai điệu sâu lắng của bài Från örtagården leder till Golgata en väg, đã giúp các tín hữu Tin Lành Việt Nam mỗi tháng hoài niệm và ghi nhớ trách nhiệm rao truyền sự hy sinh của Chúa cho mọi người. Vì được hát hằng tháng, cho nên trong tiếng Việt, lời bài thánh ca Tiệc Thánh được nhiều người biết đến hơn là bài thánh ca trong nguyên tác Đường Đến Gô-gô-tha.
Nhân mùa kỷ niệm sự hy sinh của Chúa, mời bạn cùng hát lại bài hát Đường Đến Gô-gô-tha để nhớ lại và tri ân sự hy sinh mà Chúa đã chịu vì chúng ta. Bên cạnh đó, chúng ta được nhắc nhở để thực hiện mạng lệnh Chúa đã truyền là hãy công bố tình yêu và sự tha thứ của Chúa cho mọi người ở khắp mọi nơi.
Châu Thanh
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org
Mùa Phục Sinh (2014)
Thánh ca Thụy Điển – Bài số 77
Thánh ca Phần Lan – Bài số 77
Thánh ca Phần Lan – Bài số 77
Thánh ca Phần Lan – Bài số 77
Thánh ca Phần Lan – Bài số 77
Thánh ca Phần Lan – Bài số 77
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.
Comments (2)