Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Âm Nhạc » Tiểu Sử Thánh Ca: Đêm Yên Lặng

Tiểu Sử Thánh Ca: Đêm Yên Lặng

Tiểu Sử Thánh Ca
Đêm Yên Lặng – Silent Night 

Nguồn Gốc

Tuyết rơi nhẹ trên những căn nhà nhỏ làm bằng gỗ tại Oberndof, một ngôi làng gần thành phố Salzburg của nước Áo.  Trong mỗi gia đình, dân chúng đang dùng đèn cầy, trái cây, và hạt dẽ trang hoàng cho những cây thông để chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh.  Chẳng bao lâu nữa, chuông từ nhà thờ trong làng sẽ ngân vang báo cho mọi người cùng nhau đến nhà thờ dự lễ Nửa Đêm. Các tín hữu sẽ cùng nhau dự thánh lễ và nghe hát những bài thánh ca truyền thống để kỷ niệm sự ra đời của Đức Chúa Jesus.

Chiều hôm đó, Linh mục Josephus Franciscus Mohr (1792-1848), phụ tá quản nhiệm của nhà thờ ở trong làng rất buồn bởi vì ông vừa khám phá ra rằng cây đàn phong cầm (organ) trong nhà thờ bị hư nặng.  Vị linh mục càng buồn hơn bởi vì biết rằng nếu có đi mời người sửa đàn ở Salzburg thì khi người thợ đến lễ Giáng Sinh năm 1818 cũng đã qua rồi.  Đối với ông, lễ Giáng Sinh mà không có âm nhạc là điều không thể chấp nhận được.

Linh mục Joseph Mohr là một người có năng khiếu về âm nhạc.  Ngay từ thời niên thiếu, cậu bé Mohr, không còn cha, đã có thể giúp mẹ kiếm tiền bằng cách hát và đàn violin hoặc đàn guitar tại những nơi công cộng. Trong những năm về sau, lúc còn học tại trường trung học, Joseph Mohr đã sống nhờ tiền kiếm được qua những buổi trình diễn âm nhạc.  Tài năng và sự chịu khó của cậu thiếu niên đã thu hút được sự chú ý của Linh mục Johann Nepomuk Hiernle. Linh mục Johann Nepomuk Hiernle đã khuyên Joseph Mohr nên vào chủng viện để được huấn luyện trở thành người hầu việc Chúa.

Joseph Mohr đã nghe theo lời khuyên này.  Ông vào chủng việc năm 1811 và được phong chức linh mục vào năm 1815. Sau đó, ông được bổ nhiệm về làm phụ tá tại Mariapfarr. Năm 1817, Linh mục Joseph Mohr được bổ nhiệm về Oberndof.  Tại nhiệm sở mới, ông không chỉ giảng và hát các Thánh Thi nhưng ông đã làm ngạc nhiên hội chúng vì tài đánh đàn guitar cũng như cải biên những điệu dân ca thành thánh ca.

Giờ đây đối diện với khó khăn trước mắt đó là không có đàn phong cầm cho lễ Giáng Sinh, vị linh mục trẻ ngồi suy gẫm.  Ông biết rằng những bản thánh ca Giáng Sinh truyền thống không phù hợp cho đàn guitar.  Ông cần một ca khúc Giáng Sinh mới để hát trong hoàn cảnh đặc biệt này. 

Lời

Khung cảnh tĩnh lặng của ngày hôm ấy khiến Linh mục Joseph Mohr nhớ đến một bài thơ mà ông đã viết trước đó hai năm. Năm 1816, khi Linh mục Joseph Mohr đang làm linh mục phụ tá tại giáo xứ Mariapfarr (1815–1817), ông có đến thăm một gia đình trong Hội Thánh vừa có một em bé chào đời. Hình ảnh người mẹ quấn chặt đứa bé trong chiếc khăn để chống lại cái lạnh của mùa đông khiến Linh mục Mohr liên tưởng đến Hài Nhi Thánh đã ra đời hơn một ngàn tám trăm năm trước.  Ý tưởng đó đã thúc đẩy ông viết bài thơ “Stille Nacht, helige Nacht”

Lúc đó, dường như có một bàn tay vô hình nào đó đã hướng dẫn ngòi viết của ông.  Câu thơ “Stille Nacht, helige Nacht – Đêm Yên Lặng, Đêm Thánh Nầy” – là bối cảnh của đêm Giáng Sinh đầu tiên cứ lập đi lập lại trong đầu ông và đã được ghi lại trên giấy.  Những vần thơ kế tiếp tuôn ra thật đơn giản như những câu hát, thuật lại câu chuyện giáng sinh đầu tiên.  Toàn bộ bài thơ được ghi lại trong sáu phiên khúc và dường như những dòng chữ ấy đã đến từ trời. 

Nguyên văn bài thơ Stille Nacht, helige Nacht trong tiếng Đức như sau:

  1. Stille Nacht! Heilige Nacht! Alles schläft; einsam wacht Nur das traute heilige Paar. Holder Knab im lockigten Haar, Schlafe in himmlischer Ruh! Schlafe in himmlischer Ruh!
  2. Stille Nacht! Heilige Nacht! Gottes Sohn! O wie lacht Lieb´ aus deinem göttlichen Mund, Da uns schlägt die rettende Stund`. Jesus in deiner Geburt! Jesus in deiner Geburt!
  3. Stille Nacht! Heilige Nacht! Die der Welt Heil gebracht, Aus des Himmels goldenen Höhn Uns der Gnaden Fülle läßt seh´n Jesum in Menschengestalt, Jesum in Menschengestalt
  4. Stille Nacht! Heilige Nacht! Wo sich heut alle Macht Väterlicher Liebe ergoß Und als Bruder huldvoll umschloß Jesus die Völker der Welt, Jesus die Völker der Welt.
  5. Stille Nacht! Heilige Nacht! Alles schläft; einsam wacht Nur das traute heilige Paar. Holder Knab im lockigten Haar, Schlafe in himmlischer Ruh! Schlafe in himmlischer Ruh!
  6. Stille Nacht! Heilige Nacht! Lange schon uns bedacht, Als der Herr vom Grimme befreit, In der Väter urgrauer Zeit Aller Welt Schonung verhieß, Aller Welt Schonung verhieß.
  7. Stille Nacht! Heilige Nacht! Hirten erst kundgemacht Durch der Engel Alleluja, Tönt es laut bei Ferne und Nah: Jesus der Retter ist da! Jesus der Retter ist da!

Lược dịch ý nghĩa sang tiếng Việt.

  1. Đêm yên lặng! Đêm thánh thiện! Tất cả đang yên giấc, mỗi mình thức canh. Chỉ có hai người thánh quấn quít, với một bé trai tóc quăn thật dễ thương, đang ngủ trong sự an bình thiên thượng, đang ngủ trong sự an bình thiên thượng!
  2. Đêm yên lặng! Đêm thánh thiện! Kìa, Con Đức Chúa Trời mỉm cười, tình yêu đến từ môi miệng thần thánh của Ngài, chạm đến chúng ta – Đây là giờ cứu chuộc: Chúa Jesus ra đời!  Chúa Jesus ra đời! 
  3. Đêm yên lặng! Đêm thánh thiện! Đã mang sự cứu chuộc từ những nơi cao cả vinh quang của thiên đàng đến cho thế giới. Lòng thương xót dẫy đầy khiến chúng ta nhìn thấy: Chúa Jesus ngự trong thân xác con người! Chúa Jesus ngự trong thân xác con người!
  4. Đêm yên lặng! Đêm thánh thiện! Nơi mà hôm nay tất cả năng quyền trong tình yêu của Cha đã được tuôn đổ. Và như một người anh yêu thương, Chúa Jesus bao bọc các dân tộc trên thế giới! Chúa Jesus bao bọc các dân tộc trên thế giới!
  5. Đêm yên lặng! Đêm thánh thiện! Từ lâu rồi, đã được hoạch định, có lúc Chúa giải thoát chúng ta khỏi sự phẫn nộ. Bởi vì từ ban đầu trong những thời xa xưa: Sự cứu rỗi đã được hứa cho cả thế giới. Sự cứu rỗi đã được hứa cho cả thế giới. 
  6.  Đêm yên lặng! Đêm thánh thiện! Những người chăn chiên là những người đầu tiên được báo bởi các thiên thần: Ha-lê-lu-gia!  Hãy loan báo gần xa: Đấng Cứu Thế, là Chúa Jesus, đã đến. Đấng Cứu Thế, là Chúa Jesus, đã đến.

Nhạc

Linh mục Joseph Mohr thấy rằng lời thơ trong bài Stille Nacht, helige Nacht rất thích hợp để phổ nhạc thành một ca khúc Giáng Sinh.  Thời gian còn lại không nhiều.  Bài thơ cần được phổ nhạc cho kịp trình diễn vào lễ Nửa Đêm.  Linh mục Joseph Mohr đã vội vã đến gặp người bạn của ông là Franz Xavier Gruber (1787-1863), một thầy giáo 31 tuổi, sống tại Arnsdorf, một ngôi làng gần đó.  Linh mục Joseph Mohr biết rằng Franz Gruber là người có tài soạn nhạc hơn ông.

Franz Xavier Gruber (1787-1863)

Không giống như Linh mục Joseph Mohr, từ thời niên thiếu Franz Gruber phải giấu đi niềm đam mê âm nhạc của mình.  Cha của Franz Gruber là một thợ dệt đã cho rằng âm nhạc không cần thiết bằng bánh mì vì vậy Franz Gruber đã không thể công khai học nhạc.  Mỗi tối cậu bé thường trốn nhà đến học nhạc với thầy giáo Andreas Peterlechner của làng Hochburg-Ach.  Franz Gruber học nhạc rất giỏi. Và đến một ngày kia khi cha của Gruber nghe cậu thiếu niên đàn thì ông cụ đã đổi ý và cho phép Gruber được học nhạc.

Không chỉ thích học nhạc, Franz Gruber cũng muốn học để trở thành một thầy giáo.  Vào thời đó, thầy giáo trong làng thường kiêm luôn việc hướng dẫn ban hát và đàn organ cho nhà thờ ở địa phương.  Vì vậy, khi thầy giáo Franz Gruber về dạy học tại làng Arnsdorf, các tín hữu tại nhà thờ St. Nicholas ở làng bên cạnh đã rất hoan nghênh thầy giáo Franz Gruber.

Theo các nhà viết sử, chiều Giáng Sinh năm 1818 Linh mục Joseph Mohr đã đi bộ hơn ba cây số dưới trời tuyết đến gặp Franz Gruber ở ngôi làng bên cạnh.  Nhà của Franz Grubez ở gần trường học.  Sau khi Linh mục Joseph Mohr kể cho thầy giáo Franz Gruber về hoàn cảnh của mình, ông trao cho Gruber bài thơ, rồi yêu cầu bạn của mình hãy phổ nhạc với giai điệu sao cho phù hợp với nội dung của bài thơ.  Bài hát cần phải đơn giản, phù hợp cho đàn guitar, nhưng phải có ít nhất với hai bè.  Hơn nữa bài hát cần phải được hoàn tất gấp để kịp hát vào lễ Nửa Đêm.          

Franz Gruber đọc những dòng chữ trong ca khúc của Linh mục Joseph Mohr.  Ông bị thu hút bởi vẻ đẹp thuần khiết và thanh khiết trong lời của bài thơ.  Franz Gruber đến bên đàn piano bắt đầu phổ nhạc.  Gruber dùng ba hợp âm căn bản là D, G và A7 mà hầu hết những người đánh đàn và hát đều quen thuộc, và có thể sử dụng được. Ông đã dùng ba hợp âm này dệt nên một bản thánh ca tuyệt vời.

Thánh ca “Stille Nacht, Helige Nacht”
Bản viết tay khoảng năm 1820 – 1825
Photo credit: Wikipedia

Tối hôm đó, Franz Gruber mang bài hát đã được phổ nhạc đến nhà thờ St. Nicholas.  Khi Gruber tới nơi thì giờ hành lễ đã gần đến.  Hai người đã thỏa thuận với nhau là Linh mục Mohr sẽ đàn guitar, hát giọng tenor và Gruber sẽ hát giọng bass.  Sau mỗi phiên khúc, ban đồng ca của nhà thờ sẽ rung chuông phụ họa.

Đúng nửa đêm, các tín hữu đến dự lễ Giáng Sinh đã ngồi đầy ngôi nhà thờ nhỏ. Trong lúc chờ đợi, họ mong đàn phong cầm trong nhà thờ sẽ trổi lên những âm điệu du dương của các ca khúc Giáng Sinh truyền thống như mọi năm. Tuy nhiên đêm nay giáo đường vẫn yên lặng không có tiếng nhạc.

Một lát sau, Linh mục Mohr bước lên tòa giảng.  Ông mời thầy giáo Gruber đứng bên cạnh. Linh mục Mohr giải thích cho các tín hữu biết rằng đàn phong cầm của nhà thờ đã bị hư, dầu vậy lễ Giáng Sinh đêm nay vẫn có âm nhạc.  Ông và Franz Gruber đã viết một ca khúc Giáng Sinh đặc biệt cho buổi lễ tối hôm nay.

Sau đó, hai giọng ca nam đã trỗi  lên hòa với tiếng đàn guitar được phụ họa bởi ban hát đã mang giai điệu trầm bỗng của bài thánh ca loan khắp nhà thờ.  Cả hội chúng lắng nghe giai điệu của bài thánh ca êm đềm ngọt ngào như những dòng suối tuôn chảy từ các đỉnh núi trên rặng Alps.  Sau đó, thánh lễ được cử hành. Chương trình lễ Giáng Sinh năm đó tại nhà thờ St. Nicholas thành công mỹ mãn.

Loan Truyền

Câu chuyện về bài thánh ca Đêm Yên Lặng dường như chấm dứt ở đây.  Linh mục Joseph Mohr và thầy giáo Franz Gruber đã sáng tác bài hát để giải quyết một vấn đề cấp bách tạm thời, và dường như họ chẳng có chủ ý trình diễn bài hát này trở lại một lần nào nữa.

Mùa xuân năm sau, có một người thợ sửa đàn đã đến sửa đàn phong cầm cho nhà thờ Nicholas.  Lúc đó, Linh mục Joseph Mohr vừa được thuyên chuyển sang một giáo xứ khác.  Từ cái đêm Giáng Sinh vinh quang năm 1818, bài thánh ca Đêm Yên Lặng đã bị quên lãng trong nhiều năm sau đó. 

Nhưng thật may mắn cho cả thế giới, cây đàn phong cầm tại nhà thờ St. Nicholas lại bị hư một lần nữa. Lần này, vào khoảng năm 1824-1825, nhà thờ St. Nicholas đã mướn một chuyên viên về đàn phong cầm tên là Karl Mauracher đến tu sửa lại cây đàn phong cầm của nhà thờ.  Trong khi Mauracher làm việc trên tòa giảng, ông bắt gặp bài hát của Joseph Mohr và Franz Gruber.  Lúc đó, Franz Gruber vẫn còn sống tại Arnsdorf, khi Gruber đến nhà thờ để giám sát công việc sửa đàn, Franz Gruber đã gặp Carl Mauracher.  Gruber đã vui vẻ tặng một bản sao của bài hát khi nghe người thợ sửa đàn ngỏ ý muốn xin.  

Sau đó, bài hát Đêm Yên Lặng đã được loan truyền khắp nơi, một phần nhờ người thợ sửa đàn này.   Rời Oberndof, Karl Mauracher đi nhiều nơi để sửa đàn.  Mỗi lần thử đàn, ông thường đàn bài Đêm Yên Lặng. Bị lôi cuốn bởi giai điệu êm đềm và vẻ đẹp của lời ca, các nhạc sĩ đàn phong cầm tại nhiều nhà thờ lân cận đã xin chép lại bài hát này – trong đó có các nhạc sĩ và ca sĩ thuộc vùng Ziller Valley thuộc tiểu bang Tyrol của nước Áo.  Chẳng bao lâu sau, nhóm ca sĩ hát dân ca Tyrolean từ vùng Tyrol, vốn được ái mộ tại Âu Châu vào lúc đó, đã ghi tên bài thánh ca Đêm Yên Lặng vào chương trình biểu diễn thường xuyên của họ.  Qua những buổi biểu diễn của họ, nhóm ca sĩ dân ca Tyrolean từ Ziller Valley đã giới thiệu bài thánh ca Đêm Yên Lặng đến nhiều quốc gia tại Bắc Âu. 

Trong số những người đã có công phổ biến bài thánh ca Đêm Yên Lặng trong những thập niên đầu tiên phải kể đến ban tứ ca The Strasser Family tại Leipzig.  Bốn anh em trong The Strasser Family có giọng hát mà công chúng thời đó gọi là giọng hát thiên thần, thường trình diễn tại những hội chợ trong khi họ quảng cáo những găng tay do gia đình họ làm ra.  Vào năm 1831, hay năm 1832, ban tứ ca The Strasser Family đã hát bài thánh ca Đêm Yên Lặng tại hội chợ Leipzig ở Đức.  Năm 1834, họ đã trình diễn bài thánh ca Đêm Yên Lặng cho vua nước Phổ (Prussia) tại Đức. Công chúng Đức đã yêu thích bài hát này.  Chẳng bao lâu sau, một nhà in địa phương đã xuất bản bài Đêm Yên Lặng lần đầu tiên và chỉ ghi nguồn gốc là Tirolierlied – một bài hát của nhóm Tirolean, nhưng không ai biết hay nhắc đến tên của Joseph Mohr và Franz Gruber.

Với bản in được phát hành, lời hát và giai điệu của ca khúc được loan truyền xa hơn.  Vài năm sau, thánh ca Đêm Yên Lặng theo nhóm The Rainers Family vượt Đại Tây Dương sang Hoa Kỳ.  Năm 1839, các các sĩ trong ban hát của The Rainers Family đã hát ca khúc giáng sinh này bên ngoài nhà thờ Trinity Church tại New York. The Rainers Family đã có công giới thiệu thánh ca Đêm Yên Lặng cho công chúng nói tiếng Anh.

Sự nổi tiếng của thánh ca Đêm Yên Lặng khiến nhiều người nhận xét rằng có lẽ đây không phải là một dân ca.  Một số thính giả cho rằng có lẽ đây là một tác phẩm của Haydn, Beethoven, hay Mozart, là những nhạc sĩ nổi tiếng sống tại Áo. 

Với phương tiện truyền thông giới hạn vào thời đó, tại miền quê của nước Áo Linh mục Joseph Mohr không hề biết về sự thành công của ca khúc mà ông sáng tác.  Năm 1848, Linh mục Joseph Mohr bị chết vì bệnh viêm phổi.  Ông về Chúa chỉ một tuần trước khi được 56 tuổi.  Linh mục Joseph Mohr không hề biết rằng ca khúc mà ông sáng tác đã được loan truyền nhiều nơi và về sau đã trở thành thánh ca Giáng Sinh được yêu chuộng nhất trên thế giới.    

Thánh ca “Stille Nacht, helige Nacht”
Bản in năm 1860
Photo credit: Wikipedia

Về phần Franz Gruber, ông biết về sự thành công của bài hát vào năm 1854 khi nhạc trưởng của vua nước Phổ Frederick Willliam IV cho tìm nguồn gốc của bài hát này.  Khi thông tin này đến với Franz Gruber, ông đã được 67 tuổi. Franz Gruber đã gởi một bức thư đến Berlin kể lại nguồn gốc của bài hát.

Ban đầu, một số học giả cho rằng hai người đàn ông khiêm tốn này đã tưởng tượng rằng họ là tác giả của bài thánh ca.  Khi Franz Gruber chết vào năm 1863, chủ quyền của bài hát vẫn còn bị tranh cãi.  Cùng năm đó, Mục sư John Freeman Young của Hội Thánh Trưởng Nhiệm (Episcopal) lúc đó hầu việc Chúa tại Trinity Church tại New York đã dịch ba câu 1, 6, và 2 trong nguyên văn tiếng Đức sang tiếng Anh.  Lời bài hát Silent Night trong tiếng Anh do Mục sư John Freeman Young dịch đã được phổ biến từ đó cho đến nay.   

Ảnh Hưởng

Nhiều năm sau đó, không còn ai tranh chấp – hay tranh cãi – về tác quyền của bài hát nữa.  Một lễ kỷ niệm đã được tổ chức tại Áo để vinh danh Linh mục Joseph Mohr và nhạc sĩ Franz Gruber.  Kể từ đó, bài hát của họ được loan truyền khắp nơi và đã trở thành một phần không thể thiếu được trong chương trình lễ Giáng Sinh tại nhiều nơi trên thế giới: tại nhà riêng, trong nhà thờ, lẫn những buổi trình diễn công cộng. 

Năm tháng trôi qua, bài thánh ca Đêm Yên Lặng đã chứng tỏ khả năng kiến tạo hòa bình của nó.  Giáng Sinh năm 1914, khi Đệ Nhất Thế Chiến đang diễn ra, những lính Đức từ các chiến hào tại phòng tuyến phía tây của Đức đã hát bài Đêm Yên Lặng, và rồi những người lính Anh từ chiến hào phía bên kia cũng hát theo.  Ngày hôm sau, hai bên đã tạm thời ngưng chiến để kỳ niệm Giáng Sinh, và sau đó trở lại với nhiệm vụ của mình.

Cũng trong cuộc chiến đó, tại một trại tù thuộc vùng Siberia, các tù binh Áo, Hung, và Đức đã hát bài Đêm Yên Lặng trong đêm Giáng Sinh. Khi nghe bài hát này, một sĩ quan người Nga phụ trách trại tù đã nói:  “Đây là lần đầu tiên trong một năm của cuộc chiến, tôi không coi các anh là kẻ thù”.  

Khi quân Đức chiếm Tiệp Khắc, vào năm 1944 một sĩ quan Đức đã đến thăm một trại mồ côi và hỏi xem có ai biết hát bài Đêm Yên Lặng bằng tiếng Đức hay không.  Một cô gái và một cậu bé Do Thái dè dặt bước ra rồi hát “Stille Nacht, helige Nacht”. Viên sĩ quan Đức đã mỉm cười.  Khi thấy vậy, hai đứa bé giật mình sợ hãi ngưng lại.  Viên sĩ quan Đức vội nói: “Đừng sợ!  Chính tôi cũng bị chinh phục bởi bài thánh ca đó”.  Bài thánh ca Đêm Yên Lặng đã đem lại sự đồng cảm cho những con người từ hai dân tộc đang thù hận với nhau.

Bảy năm sau, trong cuộc chiến tại Triều Tiên, một người lính Mỹ trẻ tên là John Thorness đang đứng gác tại khu vực phân chia ranh giới giữa Bắc Hàn và Nam Hàn.  John Thorness có cảm giác dường như có ai đó đang đến gần, anh vội vàng đặt tay trên cò súng.  John Thorness quan sát và thấy một nhóm người Bắc Hàn đang di chuyển quyện mình trong bóng đêm.  Những người đó đã nhìn về phía John, hát thánh ca Đêm Yên Lặng, và rồi sau đó vội vàng lẫn đi vào trong bóng đêm.

Lời Việt

Thánh ca Đêm Yên Lặng! Đêm Thánh Nầy!
Bản in năm 1931 – Nhà Sách Tin Lành Hà Nội
Ảnh: Thư Viện Tin Lành

Lời Việt của bài thánh ca Đêm Yên Lặng xuất bản lần đầu tiên vào năm 1931 trong cuốn Thơ Thánh Có Nốt Đờn do Nhà In Tin Lành Hà Nội xuất bản.  Trong lần xuất bản này, bài thánh ca có tựa đề là “Đêm Yên Lặng! Đêm Thánh Nầy!”  Tựa đề trong tiếng Việt dịch theo tựa đề trong nguyên văn tiếng Đức. Nội dung của lời ca được dịch gần với ý nghĩa trong nguyên văn tiếng Đức. 

Điều đáng tiếc là bản dịch trong lần xuất bản năm 1931 do các giáo sĩ thuộc thế hệ đầu tiên phiên dịch, cho nên một số câu hát đã được dịch mà không cân nhắc theo âm vận của tiếng Việt để phù hợp với giai điệu trầm bổng của bài thánh ca, cho nên bài hát khi hát đúng nhạc, người nghe khó cảm nhận được nội dung của bài thánh ca. 

Đêm Yên Lặng
Thánh Ca Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (1950) 

Năm 1950, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam xuất bản cuốn thánh ca mới. Tựa đề của bài hát trong ấn bản này đã được in ngắn gọn là Đêm Yên Lặng.  Lời bài hát đã được Ban Nhuận Chánh Thánh Ca (1950) dịch lại cho phù hợp với giai điệu của bản nhạc và cách phát âm của người Việt Nam.  Bản dịch tiếng Việt của bài Đêm Yên Lặng trong ấn bản 1950 vẫn được lưu dụng và phổ biến trong cộng đồng Tin Lành người Việt cho tới ngày hôm nay.

Năm 1992, Hội Thánh Tin Lành Giám Lý Việt Nam đã xuất bản một cuốn thánh ca mới, trong đó có in bài Đêm Yên Lặng do nhạc sĩ Vĩnh Phúc soạn lời Việt. Lời ca của bài thánh ca này không phải là một bản dịch theo nguyên văn của bài Stille Nacht, helige Nacht nhưng là lời Việt được sáng tác dựa vào bối cảnh sáng tác và nội dung của bài Stille Nacht, helige Nacht. Lời thánh ca Đêm yên Lặng do Vĩnh Phúc viết như sau:

  1. Đêm xuống êm đềm, chuông thánh vang rền,
    Lướt lướt êm qua bao miền.
    Đêm xưa ấy khắp nơi thanh vắng im lìm,
    Nhưng chuông thánh vẫn ngân nga khúc mơ huyền
    Hoan nghênh Chúa Con Trời đã đến,
    Chuông thanh bình lắng buông êm đềm.
  2. Đêm Chúa ra đời, sao sáng trên trời,
    Có mấy người chăn quanh đồi
    Nghe trong gió tiếng thiên binh hát vang trời
    Ngân theo gió tiếng thiên binh hát vang lời
    “Giê-xu đến đem tình yêu tới,
    Đem thanh bình đến cho muôn người”
  3. Năm tháng qua dần, ai có hay rằng,
    Đã có lần Chúa xuống trần
    Thương ta Chúa đến xoa bao vết thương lòng
    Cho ta sống trong vui tươi với hy vọng
    Ôi ơn Chúa ru lòng êm ấm,
    Giữa khi cuộc thế đang xoay vần.

Đêm Yên Lặng
Thánh Ca Hội Thánh Tin Lành Giám Lý Việt Nam (1992) 

Câu 1 của bài thánh ca mô tả không khí Giáng Sinh.  Câu hát cũng làm người nghe liên tưởng đến đêm giáng sinh năm 1818 tại làng Oberndof – nơi giai điệu của bài thánh ca Đêm Yên Lặng ra đời.  Câu 2 của bài thánh ca hướng người nghe vào câu chuyện Giáng Sinh đầu tiên được ghi lại trong Kinh Thánh và sứ điệp trọng tâm của lễ Giáng Sinh. Câu 3 của bài thánh ca nhắc lại mục đích Chúa đến thế gian và kêu gọi lòng người tri ân Chúa.  

Nhận Xét

William E. Studwell, một chuyên gia về nhạc Giáng Sinh của viện đại học Northern University của Illinois đã nói rằng: “Thánh ca Đêm Yên Lặng là biểu tượng âm nhạc của lễ Giáng Sinh.”   Sau khi kỹ thuật thu thanh phát triển, bài thánh ca Đêm Yên Lặng đã được thu âm bởi rất nhiều ca sĩ nổi tiếng, từ Bing Crosby cho đến Elvis Presley.  Qua các đài phát thanh, truyền hình, băng nhạc, cassette, CD, … thánh ca Đêm Yên Lặng đã được loan truyền khắp nơi trên thế giới. 

Trong hai thế kỷ qua thánh ca Đêm Yên Lặng đã được hát tại khắp mọi lục địa trong nhiều ngôn ngữ khác nhau.  Từ người Đức đến người Anh, từ thổ dân Swahili đến thổ dân Afrikaan, từ người Nhật đến người Nga, tất cả đều cảm nhận được một tình cảm thiêng liêng và sâu lắng, quyện giữa niềm vui nhẹ nhàng và sự an bình thanh thản. 

Năm 2011, cơ quan văn hóa UNESCO của Liên Hiệp Quốc đã công bố Thánh Ca Đêm Yên Lặng là di sản văn hóa của thế giới.

Châu Thanh

Nguyệt San Linh Lực – Số 11
Tháng 12/1993 – San Diego, California
Hiệu đính năm 2012

Thư Viện Tin Lành (2020)
www.thuvientinlanh.org

 

 

 

 

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top