Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Kinh Thánh » Truyền Bá Phúc Âm Xưa Và Nay – Phần 55

Truyền Bá Phúc Âm Xưa Và Nay – Phần 55

Bible_32

Họ tập trung vào “khu vực tiếp cận nơi tôn kính Chúa”

Có một khu vực khá lớn nằm bên cạnh hầu hết các nhà hội vào thế kỷ thứ nhất. Nhiều người đến đó để chịu cắt bì và gia nhập dân Do Thái, nhưng họ cũng thích sự thờ phượng của người tin Chúa, tán đồng quan điểm thờ độc thần của người tin Chúa, và được thu hút bởi Thánh Kinh của người tin Chúa. Ký thuật của sách Công Vụ cho thấy chính tại khu vực nầy những nhà truyền giáo Cơ Đốc đã thành công một cách rõ ràng. Hết lần này đến lần khác, chúng ta thấy họ giảng dạy để truyền bá Phúc Âm trong bối cảnh như vậy.

Công Vụ chương 13 là một khuôn mẫu cho sự giảng dạy trong Hội Thánh khi phần lớn những người hiện diện là những người thuộc loại tiếp cận (chỉ đến dự Giáng Sinh, Phục Sinh, hoặc theo mùa mà thôi). Phao-lô đã bắt đầu ngay với những người như vậy (câu 16). Ông đã trình bày Kinh Thánh là đáng tôn kính và đã được ứng nghiệm như thế nào (từ câu 17 trở đi). Ông đã thuật cho họ những điều Đức Chúa Trời đang hành động trong bối cảnh hiện tại (câu 23), và điều nầy luôn luôn thu hút sự chú ý. Phao-lô đã giảng về Đức Chúa Jesus chứ không phải giảng về một giáo lý (câu 38) và đã trình bày cách nào Đức Chúa Jesus có thể đáp ứng những nhu cầu sâu xa của họ mà những nhu cầu đó không thể được giải quyết bằng bất cứ cách nào khác (câu 39). Lời làm chứng cá nhân cũng được nhắc đến nhưng chỉ vừa đủ để không làm cho khó chịu (câu 31). Ông cũng nêu lên lời kêu gọi thính giả của mình (câu 26) và khuyến cáo về sự nghiêm trọng của vấn đề liên hệ (câu 41). Khi họ ra về, như chúng ta đã đọc, người ta nài nĩ xin hãy nói cho họ thêm những điều nầy vào ngày Sa-bát kế tiếp. Và không lạ gì; điều này đã đánh mạnh vào họ như cơn bão, khiến họ ý thức được thực tại, và họ mong muốn được biết thêm.

Có rất nhiều cơ hội giữa vòng những người quanh chúng ta nếu như chúng ta biết nắm lấy chúng. Những bữa ăn trưa của các thương gia tin Chúa (nơi mà một thương gia nói về những gì Đức Chúa Jesus Christ muốn có trong việc kinh doanh và nói về những gì Đấng Christ đã làm cho chính cá nhân mình) có thể mang lại một tác động rất lớn. Những kỳ cắm trại vào cuối tuần cũng vậy. Những bữa tiệc trà cũng vậy. Tôi có biết những buổi thảo luận tại những nơi công cộng rất có kết quả, thậm chí đã dẫn một số người trở lại tin Chúa ngay tại đó. Những buổi họp mặt dành cho những người chơi thể thao để nghe một nhà thể thao đã tin Chúa trò chuyện – hoặc một buổi họp mặt dành cho các chính trị gia, hoặc là bất kỳ một nhóm nào khác.

Hoạt động tại những khu vực tiếp cận rất là lợi ích. Đặc biệt là nỗ lực và sự cầu nguyện cho những người chưa tin Chúa, mà người phối ngẫu của họ đã tin Chúa, để họ tiếp nhận Chúa. Đức Chúa Trời sẽ sẵn sàng hành động trong những gia đình, trong những sự thách thức, sự nài xin như vậy. Hãy tận dụng điều đó.

Điều đặc biệt quan trọng là tìm một cách tiếp cận có sức thu hút với những người đàn ông. Ngay cả trong thời đại giải phóng phụ nữ nầy, người đàn ông trong gia đình vẫn thường là người điều hành cả gia đình. Chinh phục được họ thì sẽ có cơ hội rất tốt để bạn chinh phục được cả gia đình. Nếu chỉ tập trung vào phụ nữ và trẻ em sẽ càng làm cho thành kiến của người đó cho rằng tôn giáo chỉ là dành cho đàn bà và trẻ con của người đó vững mạnh thêm, và niềm tin nơi Chúa chẳng có liên hệ gì đến một người đàn ông cứng vững như mình! Hãy tiếp cận nam giới. Một Hội Thánh cần phải biết chắc điều gì nên làm trước khi lập ra nhiều buổi nhóm dành cho phụ nữ và Trường Chúa Nhật dành cho nhi đồng mà ở đó không có một nỗ lực nào liên hệ đến những người cha. Hội Thánh đó đang đặt nền móng tạo khó khăn cho tương lai; bởi vì không bao lâu nữa đứa trẻ sẽ cảm thấy mình là “người trưởng thành”, nó sẽ biến mất khỏi nhà thờ, nó đoan chắc rằng nó cũng giống như người cha, đã thoát khỏi sự chịu đựng bị nhồi sọ như vậy. Mãi mãi về sau, nó sẽ được tiêm một giọt thuốc kháng tôn giáo để miễn nhiễm chính mình một cách hữu hiệu trước những điều rất có thật.

Còn một điểm nữa trong trong những hoạt động dành cho khu vực tiếp cận nầy. Bạn sẽ nhận được rất nhiều bằng cách đi ra, hơn là bạn có được bằng cách lôi kéo vào. Tại phần lớn các Hội Thánh, điều mà chúng ta gọi là vươn ra chẳng thuộc loại nầy: đó chỉ là một nỗ lực rầm rộ để kéo người ở khu vực chung quanh vào phần đất của mình. Đó là sự lôi kéo vào. Nhưng làm như vậy có khôn ngoan không? Không phải người ấy sẽ cảm thấy dễ chịu nhiều hơn trên một vùng đất trung lập, hoặc tốt hơn nữa là ở trên vùng đất của họ, hay sao? Bạn phải giúp họ cảm thấy dễ chịu nhiều hơn bằng một buổi nói chuyện tại một buổi họp mặt ở tư gia ngay trong nhà của họ, hơn là lôi kéo họ đến một buổi nhóm truyền giảng nào đó, nơi mà họ cảm thấy mình là một con vịt đang nằm chờ bị người giảng đạo bắn vào. Sự ra đi là đối ngược với sự lôi kéo vào. Giá trị này đáng được cân nhắc.

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top