Truyền Bá Phúc Âm Xưa Và Nay – Phần 50
Họ đã trăn trở vì sự thôi thúc của Đức Thánh Linh
Đức Thánh Linh được ban cho chúng ta không phải để cho chúng ta được thoải mái thuận tiện nhưng để làm cho chúng ta trở thành những nhà truyền giáo. Các môn đồ đang bâng khuâng không biết khi nào tận thế sẽ đến, và Đức Chúa Jesus đã bảo họ rằng đó không phải là việc của họ. Họ phải chờ đợi Đức Thánh Linh giáng lâm, Ngài sẽ ban quyền năng cho họ để ra đi, lan rộng mãi từ thành Giê-ru-sa-lem đến vùng Giu-đê, đến Sa-ma-ri, và cho đến cùng trái đất (Công Vụ 1:8). Với những người tin Chúa thời ban đầu, không thể tưởng tượng rằng bất kỳ người nào đã nhận lãnh Thánh Linh của Đức Chúa Trời mà lại không bị thiêu đốt và được trang bị để nói về Chúa bất kỳ khi nào họ có cơ hội.
Bạn có thấy ba động cơ đầu tiên cho việc truyền bá Phúc Âm nầy đều được đâm rễ trong bổn tánh của Đức Chúa Trời Toàn Năng không? Chúng cung cấp những yếu tố căn bản về Ba Ngôi trong việc truyền bá Phúc Âm. Chúng ta được kêu gọi để chia sẻ Phúc âm, bởi vì Đức Chúa Trời giống như vậy. Truyền bá Phúc Âm là việc mang tình yêu của Đức Chúa Con ra bên ngoài qua những người tin Chúa. Công tác này được thực hiện qua những người tin Chúa đã được thôi thúc bởi Đức Thánh Linh.
Đó là lý do tại sao họ phải họ phải quan tâm. Bởi vì Đức Chúa Trời là Đấng đã tự bày tỏ chính mình Ngài ra cho họ, như vậy chưa đủ sao? Vâng! Hầu hết chưa đủ cho chúng ta. Chúng ta chỉ ngồi đó mà nói “tốt” – và rồi trút trách nhiệm cho ai khác. Vì vậy Kinh Thánh Tân Ước đã nêu cho chúng ta những lý do khác tại sao họ phải quan tâm.
Họ trăn trở vì trách nhiệm của họ
II Cô-rinh-tô 5:20 nói đến người tin Chúa như là đại sứ của Đấng Christ, người nhân danh Đấng Christ thuyết phục nhân loại hãy thuận phục lại với Đức Chúa Trời. Một vị đại sứ đại diện cho tổ quốc của mình ở nơi đất khách và chịu trách nhiệm truyền đạt lại những đường lối chính sách của đất nước mình. Nếu cuộc sống người ấy không xứng đáng thì người ta sẽ không cần tìm hiểu về đất nước của người ấy. Nếu người ấy giữ im lặng thì họ sẽ không được nghe. Người ấy có một trách nhiệm lớn lao với tư cách một đại sứ, và trách nhiệm đó là của chúng ta.
Chúng ta là tòa đại sứ của Đấng Christ trong một đất xa lạ và đôi khi còn là thù địch nữa. Ngài tin cậy nơi chúng ta. Như Phao-lô đã phản ánh điều đó, ông thấy rằng Đức Chúa Trời cho chúng ta được dự phần. “Chúng tôi là bạn cùng làm việc với Đức Chúa Trời” (I Cô-rinh-tô 3:9). Nhưng nếu chúng ta thất bại thì sao? Như Phao-lô đã nói, chúng ta mắc nợ cả người Do Thái lẫn người Hi-lạp (Rô-ma 1:14). Nếu chúng ta không làm tròn nghĩa vụ của mình thì sẽ ra sao? Câu trả lời được đưa ra trong một câu chuyện ở trong bộ Thứ Kinh về những gì đã xảy ra khi Đức Chúa Jesus từ thiên đàng trở lại sau khi Ngài đã thăng thiên. Ngài đã được đoàn thiên sứ chào đón, và thiên sứ Gáp-ri-ên hỏi Ngài về những kế hoạch mà Ngài đã làm để tiếp tục công việc của Ngài ở trên đất. Ngài đã trả lời rằng: “Ta đã để lại đấy mười một người, và ta đã ủy thác nhiệm trên cho họ”. Thiên sứ Gáp-ri-ên lại hỏi: “Nhưng nếu như họ thất bại thì sao?” Đức Chúa Jesus đã trả lời: “Nếu như họ thất bại – Ta không còn kế hoạch nào khác.”