Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Giảng Luận » Truyền Bá Phúc Âm Xưa Và Nay – Phần 29

Truyền Bá Phúc Âm Xưa Và Nay – Phần 29

BibleStudy_01
Chương 4

Mức Độ Chăm Sóc Của Họ

Nếu bạn xem ký thuật về ngày lễ Ngũ Tuần, bạn không thể không xúc động bởi tác động Đức Thánh Linh đã làm qua việc biến đổi các Sứ Đồ và bởi số lượng những người đã đáp ứng. Nhưng điều quan trọng tương đương là sự chăm sóc lập tức cho các tân tín hữu bởi những môn đồ đầu tiên. Họ đã nhận báp-têm lập tức, rồi được tiếp tục sống trong sự dạy dỗ của các Sứ Đồ, trong mối tương giao, tiệc thánh, và cầu nguyện (Công Vụ 2:42).

Việc chăm sóc cũng quan trọng như việc sinh ra. Nếu không được chăm sóc, những em bé mới sinh ở trong Đấng Christ sẽ chết đói. Nhiều chương trình truyền giảng ngày nay rất yếu kém trong việc chăm sóc và tiếp tục giúp đỡ những người đã tuyên xưng đức tin.

Chúng ta hãy xem xét một số yếu tố trong chương trình chăm sóc của Hội Thánh thời ban đầu.

Họ làm báp-têm cho các tín đồ mới

Không thể nào nghi ngờ, vào thời ban đầu của Hội Thánh, lễ báp-têm được thực hiện càng sớm càng tốt: ngay sau khi tuyên xưng đức tin. Khá xa với ngày lễ Ngũ Tuần, trường hợp của viên cai ngục thành Phi-líp và viên hoạn quan Ê-thi-ô-bi đã đưa ra một hướng dẫn tốt về cách thực hành thời ban đầu liên quan đến vấn đề nầy. Cam kết theo Đấng Christ, nhận báp-têm bằng nước, và đón nhận Đức Thánh Linh là ba phương diện của cùng một việc khởi đầu của người tin Chúa. Chẳng hạn như tại Ga-la-ti, chúng ta thấy sự xưng nghĩa bởi đức tin hay là việc trở nên “con cháu của Áp-ra- ham” xảy ra thông qua sự nhận lãnh Đức Thánh Linh, hay là chịu báp-têm trong Đấng Christ, hoặc tin nơi Đấng Christ ((Công Vụ 3:2, 14, 29, 26). Về mặt lý tưởng, những điều này thuộc về nhau. Tuy nhiên, trong thực hành, đôi khi điều nầy xảy ra trước, đôi khi điều khác xảy ra trước, nhưng vẫn đúng.

Chúng ta có thể lần theo dấu vết hai cuộc phát triển ở thế kỷ thứ hai, ít ra là một cách đại cương, cho đến những ngày đầu của Hội Thánh. Thứ nhất, có một khuynh hướng phát triển nhằm trì hoãn việc làm phép báp-têm, trước đó phải trải qua một thời kỳ huấn luyện, và rồi mới nhận báp-têm, cùng với việc dự Tiệc Thánh lần đầu vào thời gian đầy ý nghĩa của lễ Thương Khó và lễ Phục sinh. Các học giả đã thấy nhiều dấu hiệu trong chính Tân Ước về một giáo lý căn bản dẫn đến việc báp-têm; nhiều người nghĩ rằng thư I Phi-e-rơ được viết ra như là một bài giảng để dùng cho phép báp-têm.

Có làm phép báp-têm cho trẻ thơ không?

Thứ hai là tập quán làm báp-têm cho trẻ thơ mới sinh trong một gia đình tín đồ. Đây là một vấn đề gây chia rẽ thời nay, và vào cuối thế kỷ thứ hai khi chúng ta thấy Tertullian đã bàn đến nó trong cuốn Treatise on Baptism (Khảo Luận Về Báp-têm) của ông. Ông đã biện hộ việc trì hoãn làm báp-têm trong trường hợp chỉ có một người làm cha mẹ là tín đồ; rõ ràng ông đã viết để chống lại một bối cảnh mà ở đó việc làm báp-têm cho trẻ thơ đã thông dụng. Làm thế nào điều nầy có thể được biện minh khi lễ báp-têm nguyên thủy là dấu hiệu của sự mới sinh, và chỉ thích hợp cho các tín đồ mà thôi?

Tôi không chắc rằng lễ báp-têm có hoàn toàn xác định như vậy không. Chúng ta đọc trong Tân Ước về hết thảy mọi người trong gia đình đều được làm báp-têm, và những người trong gia đình vào thời xưa không những chỉ bao gồm trẻ em mà còn có các nô lệ nữa, tất cả họ đều được giao thác bởi hành động của người gia trưởng (I Cô-rinh-tô 1:16; Công Vụ 16:33, v.v…). Bạn thấy không, báp-têm không chỉ là hành động của con người, bày tỏ đức tin của mình; nó cũng là hành động của Đức Chúa Trời nữa, bày tỏ ra ân điển của Ngài. Ân điển không điều kiện ấy của Đức Chúa Trời đã sai Đức Chúa Jesus đến thập tự để chịu chết thay cho chúng ta; và Ngài đã sống lại, dầu cho chúng ta có đáp ứng hay không. Chính hành động một lần đủ cả đó của Đức Chúa Jesus, sự hy sinh và sự đắc thắng của Ngài, đã đánh dấu trên chúng ta trong lễ báp-têm. Nó phải được xứng hợp, theo lý tưởng, bằng sự đáp ứng hoàn toàn và trực tiếp của chúng ta. Nhưng đôi khi điều đó xảy ra sau này – và đôi khi chẳng bao giờ xảy ra cả. Dẫu cho nó không bao giờ xảy ra về sau, nó cũng không thể phá hủy công việc khởi đầu của Đức Chúa Trời, là Đấng đã phó chính Ngài cho chúng ta một lần trong lịch sử; điều đó vẫn hiệu lực dù chúng ta có đáp ứng hay không – dĩ nhiên chúng ta không thể có được ích lợi của sự ban cho của Ngài trừ phi chúng ta tiếp nhận sự ban cho ấy trong sự biết ơn tôn thờ Ngài. Phần lớn Hội Thánh Cơ Đốc tin rằng việc báp-têm không chỉ cho người tín đồ nhưng cho con cái của họ nữa, là điều đúng. Quan niệm Báp-tít xem báp-têm chỉ thích hợp cho những người mà họ đã đáp ứng trong đức tin đối với khởi đầu khoan nhân của Đức Chúa Trời. Người tin Chúa sẽ tiếp tục có những quan điểm khác nhau về vấn đề nầy, vì không có sự dạy dỗ tỏ tường của Kinh Thánh xác lập báp-têm theo cách nầy hay cách kia. Trong khi nuôi dưỡng tín đồ mới, bạn sẽ thấy rằng một số tân tín hữu của bạn đã được làm báp-têm rồi (thường là trong thời thơ ấu), trong khi đó, một số người khác chưa được làm báp-têm.

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top