Truyền Bá Phúc Âm Xưa Và Nay – Phần 17

Chương 3: Phương Thức Truyền Sứ Điệp Của Họ
Trong giai đoạn hiện nay, khi có nhiều tranh luận về vấn đề truyền giảng, thật tuyệt vời nếu chúng ta có dịp hỏi những Cơ Đốc nhân đầu tiên một số vấn đề đã làm chúng ta bối rối. Phẩm chất trong đời sống cá nhân và trong cộng đồng của họ chứa đựng một minh chứng hùng hồn về quyền năng của Đức Chúa Jesus Christ; họ thực sự biết trình bày như thế nào khi người ta hỏi họ điều gì đã khiến họ nhiệt thành như vậy? Vì vậy, trong chương nầy, tôi đề nghị hãy xem xét bốn vấn đề chắc chắn các Cơ Đốc nhân hiện nay đang nghĩ đến, và đối với tôi dường như các nhà truyền giáo ban đầu đã đưa ra một câu trả lời xác quyết.
Quan điểm của bạn như thế nào?
Thế giới của những người tin Chúa bị phân chia giữa hai cực đoan. Một bên nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc rao giảng Phúc Âm cho mọi người, không phân biệt chi cả; bên kia thì nhấn mạnh đến tầm quan trọng của một chén nước lạnh được ban ra trong danh của Đấng Christ. Phúc Âm xã hội và Phúc Âm thuộc linh không phải để thay thế nhau, nhưng chúng thuộc về nhau.
Khi tôi còn là sinh viên, Phong Trào Sinh Viên Cơ Đốc (Student Christian Movement) trong các trường đại học dường như nhấn mạnh đến Phúc Âm xã hội; Liên Hữu Sinh Viên (Inter-Vasity Fellowship) thì trình bày nhu cầu về sự cứu rỗi cho mỗi cá nhân và sự rao giảng bằng lời nói. Trong trường hợp đặc biệt nầy, vấn đề tín lý đã chia rẽ hai tổ chức nầy, nhiều nghi ngờ và bất tín nhiệm đã được gieo rắc. Nhưng rõ ràng, việc truyền bá Phúc Âm và vấn đề quan tâm xã hội là thuộc về nhau. Không thể nào nghĩ rằng Đức Chúa Jesus đã giảng dạy mà không chữa bệnh; hoặc là Ngài đã nuôi đoàn dân nhưng không hướng dẫn cho biết Bánh Hằng Sống có thể tìm được tại đâu. Hai điều nầy là bất khả phân ly.
George Hoffman đã khám phá ra điều nầy khi ông là một thành viên trong ban điều hành của tạp chí Crusade. Ông đã tự hỏi làm thế nào một số người Tin Lành, là những người không nhiệt thành về giá trị của những cơ quan cứu đói, là những nơi mà Danh của Đức Chúa Jesus Christ không có tiếng nói, có thể quan tâm đến việc ủng hộ cho một dự án, mà qua đó việc công bố Phúc Âm và sự hiện diện của Hội Thánh đi đôi với nhau. Kết quả là Quỹ Bảo Trợ Tear (Tear Fund) đã ra đời và chỉ trong vài năm đã trở thành một trong những tổ chức cứu trợ lớn nhất ở trong thế giới Tây Phương. Một tổ chức Cơ Đốc đã đáp ứng được những nhu cầu xã hội và những nhu cầu tâm linh cùng một lúc, đã có thể nắm bắt – và vẫn nắm bắt – được sự quan tâm của cộng đồng những người tin Chúa; và đã khơi dậy sự ủng hộ, không chỉ bằng việc dâng hiến một cách rộng rãi nhưng bằng việc ra đi một cách hy sinh.
Alan Walker, một nhà thần học và truyền giảng của Hội Thánh Tin Lành Giám Lý tại Úc, mà ảnh hưởng của ông trải rộng khắp thế giới, đã có những nhận xét sâu sắc về vấn đề nầy.
“Lập luận cho một Cơ Đốc giáo xã hội thực hiện một điều gì đó tương tự như thế nầy. Mở một quán cà-phê và bày tỏ cho giới trẻ rằng bạn ở cùng họ: phục vụ bằng bao nhiêu tách cà-phê, và với một nụ cười, nhưng chẳng hề nhắc đến Đức Chúa Jesus Christ gì cả. Tổ chức một chương trình “họp mặt với nhau” để đánh tan sự cô đơn trong xã hội, nhưng không hoạch định lúc nào để rao giảng cả; qua đó bảo đảm sự kiện sẽ phản ảnh văn hoá và những giá trị xã hội ở chung quanh. Mở một trung tâm cố vấn, giúp đỡ người ta sửa đổi chính họ, cộng đồng của họ, môi trường của họ, nhưng chẳng nói gì cả về nhu cầu căn bản nhất của họ, tức là việc điều chỉnh và phục hòa cùng Đức Chúa Trời. Mở một cơ quan phục vụ cộng đồng, hoặc mở một nhà dưỡng lão, và lấy làm thoả lòng nếu việc an ủi cho những người ấy được đáp ứng …”
Theo sự nhận xét chính xác của ông, không có cộng đồng Cơ Đốc thích hợp nào đã nổi lên từ phương thức “hiện hữu của người tin Chúa” cả. Sự hiện diện mà không có rao giảng là một sự thất bại, và chắc chắn các Cơ Đốc nhân ban đầu đã không phạm lỗi lầm ấy. Bạn chỉ cần liếc qua những trang trong sách Công Vụ để thấy được họ đã xem một đề nghị như vậy là buồn cười như thế nào. Phong trào Cơ Đốc sẽ không bao giờ vượt khỏi nền tảng mà các nhà truyền giáo ban đầu đã có, nếu không tận tụy rao giảng cũng như quan tâm đến xã hội. Và cũng như Đức Chúa Jesus, họ đã xem hai khía cạnh nầy là không thể phân rẽ được.
Hãy nhìn lại lịch sử Cơ Đốc. Không phải những phong trào đã tạo nên những biến chuyển quan trọng trong Hội Thánh, đã diễn ra qua việc công bố Tin Lành hay sao? Phi-e-rơ, Phao-lô, Origen, Savonarola, Luther, Wesley, Whitefied, Jonathan Edwards, William Temple, Martin Luther King và những người khác nữa, đã làm xúc động tấm lòng của nhiều người qua việc trình bày Đức Chúa Jesus cho họ. Nhưng trong mỗi trường hợp, đã có một ngụ ý, không thể né tránh, về một vấn đề xã hội trong lời công bố của họ. Đó là vấn đề của gốc rễ và kết quả. Phúc Âm chỉ có giá trị khi cội rễ phát sinh từ sự đối diện với Đức Chúa Trời hằng sống, đem lại những kết quả cần thiết và mang ấn chứng thẩm quyền về mối quan tâm nhiệt thành cho những nhu cầu của con người, và tham dự vào những trăn trở và những nguyện vọng của họ.
Thư Phi-lê-môn có thể không bao giờ được viết ra nếu Phúc Âm thuộc linh và xã hội, hay những phương pháp về việc công bố Phúc Âm và sự hiện diện của Hội Thánh chỉ được xem là một trong hai sự chọn lựa trong Hội Thánh ban đầu. Họ không có sự chọn lựa nào cả! Phao-lô đã dẫn đưa Phi-lê- môn, một địa chủ giàu có ở Cô-lô-se, đến với Chúa. Trong sự thần hựu khôi hài của Đức Chúa Trời, người nô lệ bỏ trốn của Phi-lê-môn đã bị nhốt vào cùng một nhà tù với Phao-lô, và cũng được ông đem trở về cùng Chúa. Kết quả nầy có những hệ quả xã hội tức thời. Trước tiên, lương tâm của Ô-nê-sim hoạt động trở lại: cậu cảm thấy xấu hổ về số tiền cậu đã ăn cắp của chủ mình, và cậu biết mình cần phải trả lại, dẫu cho có bị định phải chết. Thứ hai, Phao-lô đã viết thư cho Phi-lê-môn, nhân danh người tín hữu mới của mình, không những ông chỉ nài xin Phi-lê-môn đối xử với Ô-nê- sim trong tình thương yêu như là một người đồng bào và như là một người bạn trong Chúa, nhưng ông cũng nói bóng gió rằng Phi-lê-môn nên phóng thích Ô-nê-sim. Còn chính Phi-lê-môn, chúng ta có thể giả định rằng ông đã nguôi cơn giận và sự tức bực mà đương nhiên ông đã có đối với kẻ trộm cắp đã chạy trốn, và ông đã bắt đầu yêu thương cậu – trong một mối tương giao giữa chủ và tớ, mà đó là điều cực kỳ hiếm có ở thời cổ. Những tính chất xã hội và thuộc linh của Phúc Âm không thể tách rời.