Truyền Bá Phúc Âm Xưa Và Nay – Phần 15
Đây Là Một Hội Thánh Mà Ở Đó Sự Dạy Dỗ Sâu Sắc Thể Hiện Rõ
Qua việc thường xuyên đàm đạo về đức tin và nhiệt thành khởi xướng công cuộc truyền giáo của họ, chúng ta dễ có ấn tượng rằng những Cơ Đốc nhân tại An-ti-ốt chỉ có trái tim mà không có đầu óc. Hãy xem xét nhãn hiệu Cơ Đốc đầy ý thức mà họ đại diện.
Đó là một nhóm người Hê-lê-nít đã được hướng dẫn đến với Đấng Christ ngay từ đầu, họ là những người theo Ê-tiên, nhà tuận đạo. Họ nói tiếng Hy Lạp, họ suy nghĩ theo cách của người Hy Lạp. Trong khi các Cơ Đốc nhân Do Thái nhìn thấy Đức Chúa Trời chủ yếu là Đức Chúa Trời của luật pháp, của đền thờ, và của người Do Thái, thì những con người nầy đã suy nghĩ cách khác. Họ nhận định rằng đền thờ đã bị che khuất bởi sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ; và những tập tục truyền từ Môi-se (luật về thức ăn, ngày Sa-bát, và cắt bì) không thích hợp với quyền tự do Cơ Đốc trong thời đại của Đức Thánh Linh. Trọng tâm khải tượng của họ là sự phục sinh của Đức Chúa Jesus. Ngài là tối cao trên cả thế giới. Ngài là Đức Chúa Jesus.
Điều đáng chú ý đó là những người Hê-lê-nít nầy đã bị đuổi ra khỏi Do Thái giáo, trong khi các Cơ Đốc nhân bảo thủ tại Giê-ru-sa-lem được ung dung sống bình an: mười hai Sứ Đồ, Gia-cơ, người Phân Xử, và những người còn lại hiển nhiên được ở lại tại thành thánh không bị khó dễ gì. Nói cách khác, chính người Do Thái đã phân biệt đối xử giữa những người Hê-lê-nít cực đoan nầy (vì những quan điểm cách mạng của họ về người bên ngoài, về luật pháp, và về sự thờ phượng công cộng) với những Cơ Đốc nhân người Palestine (những người đã được xác lập, những người dường như chỉ là những người tin kính chân thành vô hại).
Điều hữu ích cần ghi nhớ là tương lai thuộc về những người Hê-lê-nít nầy, chứ không phải từ những người bảo thủ. Họ đã phiên dịch Phúc Âm ra những từ ngữ mà người thế tục thời ấy hiểu được. Họ đã có một quan niệm đủ lớn về Đức Chúa Jesus để được giải phóng khỏi gông cùm của cố gắng chỉ làm theo những gì đã được thực hiện từ trước đó. Họ thấy tôn giáo thụ động là một sự phản bội với Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham; lời chỉ trích cao nhất trong bài giảng của Ê-tiên đó là vua Sa-lô-môn đã cất cho Ngài một cái đền (Công Vụ 7 :47). Họ đã nhận biết rằng Đức Chúa Trời không sống trong những ngôi đền nhưng sống trong con người. Họ đã nhìn thấy biên cương của Tin Lành không phải chỉ ở trong sự gò bó của những người tại Palestine theo Do Thái giáo, nhưng trong cả đế quốc La-mã thế tục. Chính trong tinh thần đó mà họ đã đến An- ti-ốt.
Họ đã tiếp tục suy nghĩ khi họ đến đó. Làm thế nào bạn có thể giới thiệu quyền tể trị của Đức Chúa Jesus trong hoàn cảnh nầy? Người Do Thái và người Hy Lạp có nên ngồi ăn chung không? Đâu là giới hạn của sự quan tâm Cơ Đốc? Còn việc truyền giáo thì sao? Việc huấn luyện thì như thế nào? Đây là những vấn đề mà họ phải trăn trở. Ký thuật nhấn mạnh họ đã chú trọng dạy dỗ niềm tin Cơ Đốc cặn kẽ như thế nào. Vì chú trọng nên họ đã du nhập Ba-na- ba, và ông đã đem Sau-lơ từ Tạt-sơ đến, rồi “trọn một năm họ đã nhóm họp với Hội Thánh và đã dạy dỗ nhiều người“ (Công Vụ 11 :26). Chúng ta đã nhắc đến những người dạy dỗ của họ ở trong Công Vụ 13 :1, và ảnh hưởng rộng lớn của sự dạy dỗ theo sau cuộc hành trình truyền giáo thứ nhất. Việc dạy dỗ đã được coi trọng.
Rất ít Hội Thánh coi trọng việc dạy dỗ. Kết quả là các tín hữu trong Hội Thánh không chỉ bắt đầu nghi ngờ về việc có một quan điểm Cơ Đốc cho những vấn đề thời sự chính yếu – và đành chấp nhận nó. Kiến thức Cơ Đốc căn bản trong hầu hết Hội Thánh còn ấu trĩ, sự vô tín thật lớn, gần như đồng hoá với những tiêu chuẩn của trần gian. Việc thiếu nhận định về văn hóa hiện đại bởi các Hội Thánh, việc thiếu quan tâm đến những vấn đề xã hội chính yếu và những chủ đề chính trị, việc thiếu trăn trở với nội dung của Phúc Âm và làm thế nào chia sẻ nó, việc thiếu những khóa huấn luyện và những chương trình nghiên cứu là vấn đề trầm trọng.
Kinh Thánh nói đến một sự sanh lại, một tâm chí mới, một xã hội mới. Nhiều Hội Thánh không ưa cả ba điều nầy, và nhiều người trong số những người nhiệt thành nhất cho điều đầu tiên, thì lại là những người yếu kém nhất về hai điều còn lại. “Sự biến đổi” – là chìa khóa cho hầu hết những ý thức hệ ngày nay – là một chìa khóa dựa trên Kinh Thánh. Tuy nhiên, chúng ta có sử dụng nó hay không?
Tôi viết sách nầy từ một khóa học hè tại Vancouver. Hai trăm người từ đủ thành phần khác nhau trong cuộc sống đã bỏ ra từ ba đến sáu tuần trong những ngày nghỉ của họ để đến theo học một loạt những khóa học cần thiết về Cơ Đốc Giáo Dục, Thần Học Hệ Thống, Thế Giới Thời Cựu Ước, Khảo Cứu Tân Ước từ Hê-bơ-rơ đến Khải Huyền, Thần Học Cơ Đốc Trong Bối Cảnh Văn Hóa Nhân Loại, Văn Học Hiện đại, Luân Lý Y Học, Tín Lý Hội Thánh, Âm Nhạc Trong Hội Thánh, và Gia Đình Trong Xã Hội Thế Tục. Khi Hội Thánh chú trọng việc dạy dỗ một cách nghiêm túc thì sẽ không thiếu người tham dự. Trong khi chương trình thuộc loại nầy xa vời đối với nhiều Hội Thánh, thì các khoá học qua những bài giảng, sử dụng đúng buổi nhóm trong tuần, Trường Chúa Nhật cho mọi hạng tuổi, các khóa huấn luyện về Diễn Thuyết Công Cộng và Cố Vấn có thể nằm trong khả năng của nhiều Hội Thánh, hay nhóm nhỏ trong Hội Thánh; và kết quả sẽ gia tăng trong những Cơ Đốc nhân những suy nghĩ chân thành về đức tin của mình, và áp dụng nó vào cuộc sống. Điều nầy có thể làm tiêu biến tư tưởng cho rằng các Cơ Đốc nhân thì ngây thơ và giữ đạo của mình trong một chỗ, và phần còn lại của cuộc sống họ thì hoàn toàn khác.
Chúng ta cần tấm lòng nóng cháy và đầu óc tươi mới của Hội Thánh An-ti-ốt biết bao! Đó là một sự kết hợp đầy uy lực cho việc truyền giảng.