Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Kinh Thánh » Truyền Bá Phúc Âm Xưa Và Nay – Phần 12

Truyền Bá Phúc Âm Xưa Và Nay – Phần 12

Hoa
Đây là một Hội Thánh mà ở đó việc lãnh đạo được san sẻ

Chia sẻ trách nhiệm lãnh đạo
Tại một Hội Thánh như An-ti-ốt, bạn có thể nghĩ rằng sẽ có một giám mục; chắc chắn bạn hy vọng gặp được một mục sư năng động với một hoặc hai phụ tá. Tuy nhiên, bạn không thấy điều gì như thế cả. Thay vào đó, có năm người từ những chủng tộc, màu da và trình độ giáo dục khác nhau, họ đã hình thành một ban lãnh đạo. Thậm chí chúng ta không biết người nào trong số họ đã chủ toạ các buổi họp. Cách lãnh đạo của họ là lãnh đạo hợp tác. Dĩ nhiên, lãnh đạo theo mô hình kim tự tháp thì dễ hơn – như phần lớn các Hội Thánh đang có. Tuy nhiên, chia sẻ trách nhiệm lãnh đạo thì hiệu quả hơn nhiều. Nó giữ gìn hội chúng khỏi ảnh hưởng bởi những cá tính của chỉ một người. Nó động viên được nhiều tài năng và ân tứ. Nó cung cấp một diễn đàn để thảo luận một cách sống động và nhiệt thành trong sự cầu nguyện. Những người tại An-ti-ốt tin vào phương cách này. Tôi nghĩ chúng ta nên lắng nghe họ.

Vài năm trước đây, tôi được bổ nhiệm làm lãnh đạo một viện thần học, và được thừa kế một cơ cấu lãnh đạo theo mô hình kim tự tháp với viện trưởng dĩ nhiên là người đứng đầu. Khi tôi rời khỏi chức vụ sáu năm sau đó, chúng tôi đã hình thành cấu trúc lãnh đạo đồng đội. Tất cả mọi vấn đề liên hệ đến chính sách đều được mổ xẻ và bàn thảo giữa chúng tôi trong tinh thần cầu nguyện. Chúng tôi không đổ lỗi cho nhau nhưng yêu thương nhau ngay cả khi chúng tôi nghĩ rằng một vài người trong chúng tôi nói chuyện thật vô lý! Khi chúng tôi không thể đồng ý về đường lối trước mắt, chúng tôi đã không bỏ phiếu nhưng hoãn vấn đề lại cho đến khi chúng tôi có cùng một suy nghĩ. Trách nhiệm lãnh đạo đã được san sẻ và đã đem lại kết quả thật nhiều. Dĩ nhiên, cũng phải trả giá – phải hạ mình lắng nghe nhau và học hỏi lẫn nhau, phải cam kết và trung thành với nhau, phải sẵn sàng cầu nguyện khi giải pháp chưa được sự chấp nhận chung. Nhưng giá trả như vậy thật xứng đáng.

Tôi thấy rằng nguyên tắc nầy hoàn toàn phù hợp để áp dụng tại hội thánh địa phương. Chúng tôi đã áp dụng nguyên tắc này tại hội thánh của tôi. Mọi vấn đề về chính sách đã được trình bày trước ban điều hành hay ban đại diện; rồi chúng tôi thảo luận, làm việc, và cầu nguyện cho tới khi chúng tôi có đồng một ý. Cách quyết định mang tính đồng đội nầy giữ chúng tôi khỏi lệ thuộc vào đặc tính của một cá nhân, tránh khỏi những sai lầm mà một người có thể không nhìn thấy trước, và khỏi bị mất quân bình. Cách quản trị này có thể tạo nhiều khác biệt trong việc xây dựng và phát triển nhiều Hội Thánh địa phương. Chính cách thức mà trong đó ban lãnh đạo yêu mến và tin cậy lẫn nhau sẽ là một minh chứng hùng hồn cho Tin Lành được rao giảng tại toà giảng. Tại sao có quá nhiều Hội Thánh vẫn cứ hoạt động theo lối của chỉ-một-người điều động? Có phải mục sư sợ có nhiều cộng sự không? Phải chăng hội chúng sợ tham gia? Đây không phải là điều đã được nhắc đến về Hội Thánh tại An-ti-ốt.

Mô hình chia sẻ quyền lãnh đạo
Tuy nhiên, hãy chú ý đến một điều khác. Họ không chỉ san sẻ quyền lãnh đạo tại An-ti-ốt, điều đáng chú ý đó là họ có một mô hình chia sẻ quyền lãnh đạo. Chúng ta đọc và biết rằng ban lãnh đạo gồm những nhà tiên tri và các giáo sư. Bây giờ, thật khó có thể tìm được những người đồng sàng hơn ban lãnh đạo đó. Các tiên tri thì luôn luôn có khuynh hướng đi theo bản năng; bạn không bao giờ biết người ấy sẽ làm điều gì kế tiếp. Còn giáo sư thì có thể đoán được. Sử dụng ngôn ngữ thời nay thì tiên tri là người được ân tứ thiên thượng còn giáo sư thì không. Đây là một trong những vấn đề nóng bỏng nhất trong các Hội Thánh của tất cả các hệ phái trên khắp thế giới hiện nay. Hội Thánh An-ti-ốt đã giải quyết điều đó bằng cách có cả hai nhóm đại biểu cùng ở trong ban lãnh đạo. Họ khôn ngoan dường nào! Điều nầy có nghĩa là sự thờ phượng được kết hợp bởi sự nhiệt thành tâm linh của những người có ân tứ thiên thượng, và quân bình trong việc dạy dỗ hướng dẫn bởi các giáo sư.

Sự quân bình đó thật hiếm trong Hội Thánh ngày nay, nhưng sẽ mạnh mẽ như thế nào khi việc kết hợp đó được thực hiện. Đối với tôi thật là thảm họa khi các Cơ Đốc nhân có “ân tứ thiên thượng” – là những người rất sâu nhiệm trong đức tin của mình – bị xem như là những Cơ Đốc nhân hạng nhì; và khi những người “không có ân tứ thiên thượng” sợ những điều mà những người “có ân tứ thiên thượng” mang lại – chính những yếu tố của sự sống, kỳ vọng, và rung cảm của sự hiện hữu về Đức Chúa Trời mà hầu hết các Hội Thánh có thể hành động.

Không có sự chia rẽ nào như vậy tại An-ti-ốt. Cũng không cần phải có như vậy trong thời đại của chúng ta hiện nay. Tôi đã hai lần làm việc trong những nhóm mà ở đó cả hai khuynh hướng đều hiện diện, và không những việc này có thể tồn tại nhưng vô cùng ích lợi để giữ cho cả hai phía trong sự căng thẳng. Đây là một sự căng thẳng mang tính xây dựng và tôi không bao giờ, nếu phải chọn, quay lại với mô hình đơn sắc. Tôi chắc chắn rằng sự kết hợp là một sự thu hút mạnh mẽ trong việc công bố và minh chứng Phúc Âm.

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top