Truyền Bá Phúc Âm Xưa Và Nay – Phần 10

Đây là một Hội Thánh biết chăm sóc
1. Họ quan tâm đến tín hữu mới
Ba-na-ba, một người rất giỏi khích lệ, đã được cử đến. Ông đã thực hiện rất nhiều việc để gây dựng những người mới tin Chúa; ông khuyến khích họ “cứ vững lòng theo Chúa” (Công Vụ 11 :23).
Công tác chăm sóc sau khi truyền giảng thường bị bỏ bê vào thời nay, và đây là một việc đáng xấu hổ. Đức Chúa Trời không muốn những đứa trẻ được sinh ra, để rồi chúng bị bỏ mặc cho bị đông lạnh hay chết đói. Có lẽ đây là lý do vì sao nhiều Hội Thánh hiện nay có quá ít người tin Chúa; bởi vì họ không được chuẩn bị để đặt mình vào một công tác chăm sóc như vậy.
Tuy nhiên, một số Hội Thánh đã khai triển một hệ thống gồm nhiều nhóm chăm sóc – là nơi mà từng đợt những người mới tin Chúa họp lại với nhau mỗi tuần một lần, trong hai tháng hoặc lâu hơn, để họ có thể làm quen với những điều căn bản trong cuộc sống của người tin Chúa. Hai người, có phẩm chất tương tự như Ba-na-ba, được đặt để hướng dẫn nhóm đó; họ không những chỉ hướng dẫn và khích lệ; nhưng không bao lâu tại nhóm đó, về nhiều phương diện, họ gần như trở thành những mục sư của nhóm, qua tình bạn, qua việc khích lệ nhau, thảo luận những thắc mắc, cầu nguyện và đọc Kinh Thánh cùng chung với nhau. Mỗi đêm họ hướng về một chủ đề liên quan đến một trong các khía cạnh chính của niềm tin và cách xử sự của người tin Chúa. Người lãnh đạo của nhóm sẽ dạy, giải đáp những câu hỏi, và khích lệ người trong nhóm thuật lại những điều đã xảy ra trong tuần. Sau đó, họ chuyển sang một phân đoạn Kinh Thánh liên hệ đến đề tài này, thảo luận phần Kinh Thánh đó, và học cách rút ra những ý tưởng từ phân đoạn Kinh Thánh đó. Trước khi kết thúc, mỗi người cầu nguyện ngắn. Bằng phương cách như vậy, các nhóm viên tăng trưởng nhanh và vững chắc.
Và đây là một khía cạnh của việc chăm sóc mà những người tin Chúa tại An-ti-ốt hiểu rất rõ nhưng hầu hết các Hội Thánh ngày nay thì rất yếu về việc nầy. Các buổi nhóm theo lớp như vậy của John và Charles Wesley đã bị cho là lỗi thời từ bao lâu rồi?
2. Họ quan tâm đến người nghèo đói
Câu 28 cho thấy một con người đáng chú ý, có ơn nói tiên tri, đó là A-ga-bút, ông đã đến trong buổi họp của họ, và nói về một nạn đói sẽ ảnh hưởng đến những người tin Chúa tại Giê-ru-sa-lem. Việc này đã xảy ra, chúng ta có bằng chứng độc lập xác nhận sự kiện nầy, và nạn đói đã xảy ra vào cuối thập niên 40 của thế kỷ thứ nhất.
Tuy nhiên đối với tôi, phản ứng của Hội Thánh tại An-ti-ốt còn đáng chú ý hơn nan đề tại Giê-ru-sa-lem, có thể đã xảy ra vào năm Sa-bát (là một trong bảy năm, đất được nghỉ theo luật trong thời Cựu Ước), xuất phát từ việc đóng góp và chia sẻ tài chánh mà các Cơ Đốc nhân ban đầu tại Giê-ru-sa-lem thường làm. Hội Thánh An-ti-ốt có thể nói: “Chúng tôi không thích quan điểm thần học và quan điểm nhấn mạnh Do Thái giáo của những người tin Chúa tại Giê-ru-sa-lem.” Họ có thể nói: “Hãy để chuyện này dạy cho họ một ít về kinh tế: những người sống với tài chánh vượt quá thu nhập luôn gặp rắc rối.” Họ không nói những điều gì như vậy cả, nhưng họ đã bày tỏ tình yêu và sự quan tâm của họ đối với anh em mình bằng cách quyên góp và gửi đến cho những người đó trong lúc họ đang cần.
Hành động quan tâm thực tiễn như vậy đã tạo nên ảnh hưởng rõ rệt cho Phúc Âm.
Cho tới cách đây không lâu, tôi thu thập được những dữ kiện cho thấy có rất ít hoặc không có sự đáp ứng nào đối với Phúc Âm giữa vòng người Masai, là một bộ tộc du mục hung bạo hiếu chiến tại Kenya. Nhưng bây giờ đã có một Hội Thánh sống động của những người tin Chúa tại đó. Phần lớn kết quả đột phá đó có được là do sự giúp đỡ thực tiễn đầy tình thương trong thời hạn hán và nguy hiểm, từ kẻ thù truyền kiếp của họ, là bộ tộc Kikuyu. Trừ khi việc quan tâm thực tế, ưu ái, và sâu sắc đối với người nghèo trong hoàn cảnh khó khăn của họ được tỏ bày, nếu không việc chỉ đơn thuần rao giảng Phúc Âm mà thôi, sẽ không hữu dụng.
Tôi đã gặp một mục sư người Mỹ, ông đã trải qua nhiều năm làm việc giữa hàng trăm gái mãi dâm tại Seoul trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh Việt Nam. Rất nhiều người trong số họ đã được hướng dẫn về với Cứu Chúa, nhưng điều đó đã không xảy ra trước khi ông xác định được những nhu cầu của họ là tìm công việc làm mới, xin trợ cấp cho những đứa con bất hợp pháp của họ, và những việc đại loại như vậy. Không thể có sự phân chia giữa một Tin Lành xã hội với một Tin Lành thuộc linh. Chúng thuộc về nhau, và nếu không có cả hai yếu tố thì Tin Lành của Đức Chúa Jesus sẽ không vượt qua được.
3. Họ quan tâm đến những người chưa từng được nghe Tin Lành
Đây là một nét đáng chú ý của Hội Thánh An-ti-ốt. Họ không chỉ đã nói về Đức Chúa Jesus cho người Hi-lạp, tức là những người Hi-lạp hư mất đáng thương chưa bao giờ được nghe nói về Ngài; họ còn nhìn ra bên ngoài, và quan tâm đến những vùng xa xôi, rồi sẵn sàng để cho hai người lãnh đạo giỏi nhất của họ – là Phao-lô và Ba-na-ba – ra đi trong chuyến hành trình truyền giáo thứ nhất để tiếp xúc với càng nhiều người tại những nơi đó càng tốt. Bạn không chịu mất hai người trong số những người lãnh đạo tài năng nhất của bạn cho những người mà bạn chưa từng thấy trừ khi bạn quan tâm thật nhiều đến những người đó.
Cả ba khía cạnh nầy là đặc điểm của một Hội Thánh biết chăm sóc. Những Hội Thánh như vậy sẽ chinh phục và giữ vững những người đã trở về với Chúa.
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.