Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Kiến Thức » Truyền Bá Phúc Âm Xưa Và Nay – Phần 7

Truyền Bá Phúc Âm Xưa Và Nay – Phần 7

BiblePrayer_04
Những ưu tiên của họ

Người ta không thể nào không nhận thấy những ưu tiên của những Cơ Đốc nhân đầu tiên trong toàn bộ vấn đề chia sẻ niềm tin cho những người khác. Mặc dầu Công Vụ 6:4 chỉ đề cập đến các Sứ Đồ chứ không đề cập đến sinh hoạt chung của những người tin Chúa, nhưng chúng ta có thể tin rằng khi những người lãnh đạo đã biệt riêng chính mình để “chuyên lo về sự cầu nguyện và chức vụ giảng đạo” thì các chức viên bên dưới và tín hữu cũng làm như vậy. Ngược lại, rất khó để thấy được làm thế nào các Cơ Đốc nhân không có học thức lại có thể dùng Kinh Thánh Cựu Ước để tranh luận rằng Đấng Messiah chính là Đức Chúa Jesus.

Bạn có biết Hội Thánh nào mà ở đó việc ưu tiên là cầu nguyện không? Cầu nguyện trong từng đời sống cá nhân, cầu nguyện trong từng nhóm nhỏ, cầu nguyện thâu đêm? Nếu bạn biết thì tôi có thể nói với bạn một điều về Hội Thánh ấy. Đó sẽ là Hội Thánh truyền bá Phúc Âm. Bằng cách nầy hay cách khác, Phúc Âm về Đức Chúa Jesus sẽ được loan ra. Cầu nguyện là ưu tiên trong công tác truyền bá Phúc Âm. Không có cầu nguyện thì đời sống sẽ không được thay đổi, bất kể hoạt động năng nổ đến mức nào và rao giảng nhiệt thành đến cỡ nào. Đa số các Hội Thánh không nhìn thấy được sự tăng trưởng của Hội Thánh bởi vì họ không khao khát đủ để cầu nguyện cho sự tăng trưởng đó.

Trong chức vụ rao giảng Lời Đức Chúa Trời cũng vậy. Bạn có biết những Hội Thánh nào mà ở đó có sự giải bày Lời của Đức Chúa Trời được trình bày thật trung thực và xác quyết hay không? Tại đó, những vị truyền đạo đã vật lộn với Kinh Thánh, nơi đó mỗi cá nhân tín hữu thử nghiệm những gì mình đã nghe trong Kinh Thánh, nơi đó hội chúng đọc Kinh Thánh một cách đều đặn, sốt sắng, xem Kinh Thánh như là kim chỉ nam cho đời sống của mình, và là công cụ đầy sức mạnh để giải thích niềm tin cho những người khác hay không? Tôi có thể nói với bạn một điều về một Hội Thánh như vậy. Họ rất có thể là những người đang sốt sắng truyền bá Phúc Âm. Bởi vì “lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi” (Hê-bơ-rơ 4:12), Kinh Thánh thu hút người; Kinh Thánh thách thức người; Kinh Thánh gây dựng người trong đức tin; Kinh Thánh sai người vào công tác truyền giáo.

Cuộc sống mà chúng ta đang sống, trong một xã hội quá bận rộn, nơi mà ưu tiên được dành cho các buổi họp của những ủy ban, các buổi hội thảo, cho những tổ chức, cho các buổi họp giữa tuần dành của người lớn tuổi, cho các công việc từ thiện của hội thánh, và những việc giống như vậy, thì công việc thuộc trách nhiệm của chúng ta cần làm là đặt sự cầu nguyện và trách nhiệm giảng Lời Đức Chúa Trời trở thành những ưu tiên hàng đầu của chúng ta. Đó vẫn là cách thức để các Hội Thánh tăng trưởng.

Tôi viết những lời nầy ở tại Vancouver. Tôi không còn ở đó đã năm năm rồi. Tôi thật ngạc nhiên về cách mà các Hội Thánh và các nhóm tín hữu đã dành ưu tiên cho việc đọc Kinh Thánh và cầu nguyện trong khoảng thời gian ấy, và họ đã lớn mạnh cả về số lượng lẫn về ảnh hưởng. Những Hội Thánh mà sứ điệp của họ không chắc chắn, và những Hội Thánh mà ở đó sự cầu nguyện không phải là nét đặc thù, đều sa sút. Đó là một sự tương phản hoàn toàn và rõ ràng. Như Phao-lô đã chỉ ra: “Những khí giới mà chúng tôi dùng để tranh chiến, không phải thuộc về xác thịt đâu, bèn là bởi năng quyền của Đức Chúa Trời, có sức mạnh để đạp đổ các đồn luỹ” (II Cô-rinh-tô 10:4).  Những đồn lũy của sự vô tín và sự thờ ơ sẽ không sụp đổ trước những vũ khí kém năng quyền hơn là sự cầu nguyện và Lời của Đức Chúa Trời – và những con người đã làm đảo lộn thế giới nầy đã biết được điều đó.

Năng quyền của họ

Tôi kết thúc chương nầy với một trong số những đặc điểm đáng chú ý nhất: quyền năng vô song của những nhà truyền giáo ban đầu nầy. Đức Chúa Jesus đã hứa với họ rằng họ sẽ nhận lãnh quyền năng khi Đức Thánh Linh giáng xuống trên họ, và rồi họ sẽ làm chứng về Ngài ở tại Giu-đê, Sa-ma-ri và xa hơn nữa. Quyền năng nầy mọi người đều có thể thấy được. Đó là quyền năng biến đổi cuộc đời. Đó là quyền năng biến cải tâm tánh.

Hãy tưởng tượng điều gì nằm phía sau lời phát biểu rõ ràng rằng nhiều người trong Hội Thánh ở Cô-rinh-tô đã từng là những kẻ thờ hình tượng, dâm loạn, trộm cướp, say sưa và trộm cắp. “Trước kia anh em ít nữa cũng có một đôi người như thế, nhưng nhân danh Đức Chúa Jesus Christ và nhờ Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời chúng ta, thì anh em đã được rửa sạch, được nên thánh, được xưng công bình rồi” (I Cô-rinh-tô 6:11). Hãy nghĩ đến vấn đề đạo đức và quyền năng biến cải được hàm ý phía sau những sự từ bỏ đó. Người ta có thể thấy năng quyền ở trong những người tin Chúa nầy: quyền năng của khám phá mới, của nguồn đạo đức mới, và của lòng nhiệt thành mới. Họ cũng có thể thấy quyền năng chữa bệnh và đuổi quỉ mà các Cơ Đốc nhân ban đầu đã thực thi.

Ngày nay cũng vậy. Tôi biết nhiều người đã đến với đức tin – một số người trong số ấy ở tại các nước theo Ấn Độ giáo – khi mà một người trong gia đình họ được chữa lành một cách bất ngờ qua sự đáp lời cầu nguyện, hoặc có người bị quỉ ám và đã được đuổi ra khỏi đời sống họ. Quyền phép vô song của Đức Thánh Linh trong đời sống người Cơ Đốc là một trong những nam châm có sức thu hút đã lôi kéo người ta đến với Đấng Christ. “Tin Lành chúng tôi đã rao truyền cho anh em, không những bằng lời nói thôi, lại cũng bằng quyền phép, Đức Thánh Linh, và sức mạnh của sự tin quyết nữa” (I Tê-sa-lô-ni-ca 1:5), Phao-lô đã tuyên bố như vậy. Người ta không chỉ bị thu hút ở trong đợt rao giảng ba tuần lễ ngắn ngủi của ông ở tại Tê-sa-lô-ni-ca, nhưng họ còn được Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời dẫn vào sự xác tín, và bởi Đức Thánh Linh đó, họ đã được hoán cải.

Từ ngữ Phao-lô dùng cho “sự tin quyết” là một từ ngữ rất hay, đó là plèrophoria. Nó gợi ý về một cái chén đầy cho tới miệng đến nỗi tràn ra. Nó gợi lên ý tưởng rằng người tin Chúa đầy dẫy Đức Thánh Linh đến nỗi khi họ bị đụng vào, thì họ tuôn tràn ra, không phải tuôn ra những phản ứng cá nhân của họ như thất vọng hay khó chịu, nhưng là tuôn tràn Thánh Linh ban sự sống khoan nhân của Đức Chúa Trời.

Cách truyền đạt vượt trên ngôn từ nầy rất mạnh. Chính quyền năng của Đức Thánh Linh, được ban cho bởi Đức Chúa Trời, đã trang bị cho những người phục vụ Ngài nhằm thực hiện sứ mạng của Ngài. Chân lý của vấn đề nầy đó là Đức Thánh Linh và người làm chứng cùng đồng công với nhau. Đây chẳng phải là ý nghĩa của câu Kinh Thánh Mác 3:10 hay sao? Phúc Âm phải được rao giảng cho người ngoại, tín hữu phải làm công việc đó, và Đức Thánh Linh thì sẽ phán thông qua họ.

Nhưng trước khi Ngài có thể làm điều đó, Ngài phải hạ chúng ta xuống. Ngài loại bỏ khỏi chúng ta lòng kiêu ngạo và tính độc lập đã đến với chúng ta theo bản chất tự nhiên của mình. Ngài loại bỏ khỏi chúng ta tính không vâng lời và sự mê muội đã khiến chúng ta im lặng trong ngày công bố Phúc Âm. Đức Thánh Linh không phải luôn luôn là một ngọn gió dịu dàng hiu hiu, đôi khi Ngài như một đám lửa hừng thiêu đốt mọi rác rến của đời sống chúng ta, hoặc như một cơn bão quét sạch những rác rến đó đi. Khi Ngài được trao quyền kiểm soát trong một Hội Thánh, trong một đời sống cá nhân, thì khi ấy những khả năng cho việc truyền bá Phúc Âm là vô tận – nhưng chỉ khi ấy mà thôi.

Năm 1736, Giám mục Butler đã viết cuốn sách Analogy of Religion. Lúc đó, ông là triết gia lừng danh nhất ở Anh quốc, và ông đã hoài nghi không biết người nào sẽ kế nhiệm ông để làm giám mục, bởi vì đối với ông dường như không chắc rằng Cơ Đốc giáo sẽ tồn tại trong suốt cả cuộc đời ông. Đó là một thời đại thật vô tín, vô tôn giáo, tự kỷ – không phải là không giống thời đại của chúng ta.

Butler đã viết: “Nhiều người đã mặc nhiên công nhận rằng Cơ Đốc giáo không phải là vấn đề đáng để tìm hiểu nhiều; giờ đây, qua những chuỗi khám phá, nó chỉ là chuyện giả tưởng. Từ đó, họ xem, như trong thời đại hiện nay, Cơ Đốc giáo chỉ là một quan điểm được chấp nhận giữa vòng những người không có khả năng phân biệt; và chẳng còn lại gì, nhưng được dùng làm đề tài chính cho sự đùa cợt và chế nhạo, như là cách trả thù cho việc nó đã làm gián đoạn niềm vui của nhân loại khá lâu.”

Vào cuối cuộc đời của Butler, thay vì bị quét sạch, Phúc Âm về Đức Chúa Jesus Christ đã được giảng ra bởi John Wesley và George Whitefield đã làm biến đổi bộ mặt của Anh quốc.  Điều nầy vẫn có thể tái diễn.

Leave a Comment

©2012-2019 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top