Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Kiến Thức » Truyền Bá Phúc Âm Xưa Và Nay – Phần 4

Truyền Bá Phúc Âm Xưa Và Nay – Phần 4

Truyền Bá Phúc Âm Xưa Và Nay – Phần 4

Họ đã thành công như thế nào?

Không nghi ngờ gì cả, bí quyết chính về ảnh hưởng của họ là sự thay đổi thấy rõ trong đời sống của chính họ. Điều đó đã thể hiện bằng nhiều cách.

Những con người mới

Không cần dài dòng, họ là những người mới. Đây là ấn tượng mà họ đã tạo ra trong lần đầu xuất hiện trước công chúng.  Họ đã quá xúc động với tin tức tốt lành của mình đến nỗi họ có vẻ như bị say rượu. Điều khác biệt là không có triệu chứng chán chường sau đó: Phẩm chất mới trong nếp sống của họ đã tồn tại lâu dài, và đã làm kinh ngạc thế giới thời cổ. Dĩ nhiên cũng có những thất bại, chẳng hạn như chuyện A-na-nia và Sa-phi-ra, sự va chạm giữa Phao-lô và Phi-e-rơ, và những chuyện xấu hổ tại Hội Thánh Cô-rinh-tô. Nhưng nói chung, ảnh hưởng toàn bộ là nếp sống tuyệt đối mới. Họ cho biết nguyên nhân của điều đó là Đức Thánh Linh đã đến ngự trong họ. Họ đã sống theo sứ điệp của họ.

Hãy suy gẫm về Giăng – “con trai của sấm sét” – người có lần đã đòi giáng lửa từ trời xuống một ngôi làng của người Sa-ma-ri vì cớ họ thiếu tinh thần hiếu khách. Ông đã trở nên vị sứ đồ tối cao của tình yêu. Hãy suy gẫm về Phi-e-rơ, một con người có tính hay thay đổi và thiếu kiên định. Ông đã trở thành một người vững vàng như đá mà Cơ Đốc giáo đã được xây dựng trên cá tính và lời công bố của ông. Hết người này đến người khác, những môn đồ đầu tiên này đã được biến đổi theo ảnh tượng của Đấng mà họ đã công bố.

Sự trùng hợp nầy cũng giúp giải thích một vấn đề thần học. Đã có nhận định rằng dường như có sự song hành có suy tính giữa những hành động của Phi-e-rơ và những hành động của Phao-lô trong sách Công Vụ. Vâng! Trường hợp này đúng như vậy.  Xin đừng gán cho tác giả đã đặt chuyện! Lu-ca đã nhọc công để chỉ ra rằng có một sự tương đồng sâu xa giữa đời sống của Phi-e-rơ, của Phao-lô, của Ê-tiên, và đời sống của Đức Chúa Jesus, đã được thuật lại trong tác phẩm đầu của ông là Phúc âm Lu-ca. Chủ đề đó là sự biến đổi. Những người theo Đức Chúa Jesus dần dần được biển đổi trở nên giống như Ngài. Đó là cốt lõi của Cơ Đốc giáo.

Trong lần từ giã các trưởng lão tại Ê-phê-sô, Phao-lô nói rằng: “Tôi đã sống như thế nào … anh em đã biết rõ.” Đời sống của Phao-lô thật trong sáng rõ ràng, và đó là điều đã làm cho sứ điệp của ông có sức mạnh. Bạn không thể giả vờ làm một người của Đức Chúa Trời. Đời sống của chúng ta phải thể hiện phẩm chất mới như vậy; những dấu hiệu của sự biến đổi sau đó sẽ khiến cho người ta thắc mắc và muốn biết tại sao. Chỉ khi đó, Phúc Âm mà chúng ta đã nói cho họ mới gây được ấn tượng.

Khi tôi nghĩ đến những người đã đến tin Chúa qua Hội Thánh của chúng tôi tại Oxford, tôi tin rằng yếu tố quan trọng nhất trong quá trình đó chính là nếp sống được thay đổi của những người bạn của họ. Họ biết có một điều gì khác lạ về những người đó, và họ đã quyết định tìm xem điều đó là gì. Một khi đời sống chúng ta bén lửa với Đấng Christ thì chúng ta sẽ tự nhiên truyền bá Phúc Âm: chúng ta sẽ không cần một hướng dẫn về phương thức. Thật vậy, một nhà thám hiểm đã thực hiện những khám phá thì cần gì những phương thức khích động để kể lại sự khám phá của mình? Nhưng nếu chúng ta không rộn ràng xúc cảm với Đấng Christ và được Ngài biến đổi thì dù chúng ta có đủ cả mọi phương thức của thế giới nầy, cũng không đi đến đâu.

Lòng tận hiến của họ

Thái độ tận hiến và sẵn lòng vâng phục với bất cứ giá nào của họ là một điểm đáng lưu ý khác trong cuộc đời được biến đổi của họ. Đức Chúa Trời ban Thánh Linh của Ngài cho những ai biết vâng phục Ngài (Công Vụ 5 :32), và họ đã chứng minh chân lý đó. Điều này rất gần với trọng tâm của “sự thánh khiết” của Kinh Thánh mà nếu không có nó thì chẳng ai có thể phản ảnh về Chúa, hay có thể thu hút người khác đến với Ngài.

Đức Thánh Linh và đời sống vâng phục thánh khiết liên kết với nhau một cách hoàn toàn. Hãy suy gẫm sách Công Vụ Các Sứ Đồ. Trong chương 1, Đức Chúa Jesus bảo các môn đồ hãy chờ đợi cho đến khi quyền năng của Đức Thánh Linh giáng trên họ; rồi sau đó, họ sẽ trở thành những chứng nhân cho Ngài, lan rộng mãi từ Giê-ru-sa-lem, đến Giu-đê, đến Sa-ma-ri, cho đến mọi miền trên trái đất. Họ đã chờ đợi, họ đã được đổ đầy, và họ đã ra đi loan báo Phúc Âm trong quyền năng của Đức Thánh Linh.

Trong chương 8, Đức Thánh Linh truyền cho Phi-líp, một nhà truyền bá Phúc Âm thành công nhất, phải rời bỏ một khu vực phấn hưng đang phát triển ở Sa-ma-ri để đi vào hoang mạc – là nơi theo lẽ thông thường ông không trông mong gặp được một người nào cả. Phi-líp đã vâng lời và đi. Và như vậy, Thánh Linh của Đức Chúa Trời đã có thể hướng dẫn ông đến với một vị quan người Ê-thi-ô-bi, một nhân vật có ảnh hưởng lớn, là người mà Phi-líp đã chinh phục về cho Đấng Christ.

Trong chương 9, A-na-nia được truyền phải đi và tìm gặp một kẻ thù khét tiếng của đức tin, đó là Sau-lơ người Tarsus. A-na-nia không thích ý tưởng đó. Ông sợ sệt và miễn cưỡng; nhưng ông đã đi. Và rồi, Thánh Linh của Đức Chúa Trời đã có thể hoàn thành sự hoán cải Phao-lô và làm đầy dẫy ông bằng sự sống mới.

Trong chương 10, Phi-e-rơ biết rõ rằng Đức Chúa Trời rất xa lạ với dân Ngoại. Nhưng Thánh Linh của Đức Chúa Trời đã thuyết phục ông rằng chính ông phải đi và nói cho một người trong số họ về Đức Chúa Jesus: Phi-e-rơ đã vâng lời và đi. Kết quả là Cọt-nây và cả nhà của ông đã quy đạo; và Thánh Linh của Đức Chúa Trời đã tuôn đổ tại Sê-sa-rê.

Trong chương 20, chính Phao-lô biết rằng nếu ông cứ kiên trì thực hiện hành trình đã dự tính đi đến Giê-ru-sa-lem thì có thể cuối cùng ông sẽ gặp rắc rối. Nhưng ông vẫn kiên quyết ra đi: và Thánh Linh của Đức Chúa Trời đã đồng công một cách mạnh mẽ với ông.

Tất cả những tấm gương nầy trình bày ra cho chúng ta sự liên kết giữa tinh thần vâng phục và quyền năng của Đức Thánh Linh trong việc truyền bá Phúc Âm nhưng chúng ta đã không lưu ý. Đức Chúa Trời truyền cho chúng ta phải hạ mình và cầu nguyện nếu chúng ta muốn thấy sự ban phước của Ngài, và chúng ta đã không làm điều đó. Đức Chúa Trời truyền cho chúng ta phải quan tâm đến những người nghèo và những người có nhu cầu, và đừng ưu đãi người giàu, chúng ta đã chọn không vâng lời. Đức Chúa Trời truyền cho chúng ta phải đặt Ngài lên hàng đầu nếu chúng ta muốn thấy quyền năng của Ngài được thi thố; nhưng rồi hầu hết, nếu không phải là tất cả, những thần tượng của chúng ta đã đứng trước Ngài. Do đó, đừng lấy làm lạ tại sao chúng ta không có năng quyền!

Leave a Comment

©2012-2019 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top