Truyền Thống Thờ Trời Của Người Việt
Tết Nguyên Ðán là một ngày lễ truyền thống của người Việt. Theo từ điển Hán Việt, Nguyên là khởi đầu, Ðán là buổi sớm. Tết Nguyên Ðán là tết đầu năm, khởi đầu cho một giai đoạn mới. Người Việt mừng tết Nguyên Ðán với hy vọng những điều buồn bã, đen tối theo năm cũ trôi qua; những phước hạnh, tươi sáng theo năm mới kéo đến.
Tết Nguyên Ðán bắt đầu từ lúc giao thừa. Ðây là thời gian chuyển tiếp giữa năm cũ và năm mới. Vào đêm cuối năm, nhiều người Việt cúng giao thừa. Theo học giả Phan Kế Bính, người Việt xưa tin rằng thế giới do Thượng Ðế sáng tạo. Mỗi năm Ngài sai một vị thần hành khiển cai trị nhân gian. Cuối năm, vị thần cũ mãn nhiệm về trời, vị thần mới đến thay. Chiều cuối năm, người ta dựng một cái bàn hoặc kê một cái trang ở giữa sân. Lúc nửa đêm, chủ gia đình bày lễ vật, quỳ trước bàn thờ này cầu xin Thượng Ðế ban phước cho gia đình. Lễ cúng giao thừa ban đầu có ý nghĩa thờ phượng Thượng Ðế. Về sau, việc cúng giao thừa mang thêm một ý nghĩa nữa đó là “tống cựu nghinh tân.” Gia chủ dâng lễ vật trên bàn thờ như là món quà tiễn vị thần năm cũ và chào đón thần năm mới.
Ông Trời Trong Nhận Thức Của Người Việt
Bên cạnh lễ cúng giao thừa, niềm tin nơi Thượng Ðế của người Việt thể hiện rõ qua tục ngữ, ca dao, văn học cổ điển và văn học dân gian. Người Việt tin rằng Thượng Ðế là Ðấng Sáng Tạo, Ðấng bảo vệ và chăm sóc muôn vật:
Trời sinh, Trời dưỡng.
Trời sinh voi, Trời sinh cỏ.
Thiên sinh nhân, hà nhân vô lộc? (Trời sinh người, không lẽ để người không có gì ăn?)
Người Việt tin rằng Thượng Ðế tạo dựng nên tâm tính của con người.
Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính.
Người Việt tin rằng Thượng Ðế thấy trong tấm lòng của con người. Ngài ban thưởng hoặc trừng phạt công minh.
Trời biết. Thiên bất dung gian. (Trời không dung thứ người gian ác).
Người Việt biết rằng Thượng Ðế là Ðấng Tể Trị mọi sự. Ngài quyết định công việc theo ý định của Ngài. Thi hào Nguyễn Du đã viết:
Ngẫm hay muôn sự tại Trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần, phải phong trần.
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
Tuy nhiên, người Việt cũng biết rằng Thượng Ðế là Ðấng Nhân Từ và Yêu Thương; dầu muốn trừng phạt, Ngài vẫn tiết chế.
Trời đánh còn tránh bữa ăn.
Bàn Thờ Ông Thiên
Từ những niềm tin căn bản đó, người Việt đã biết thờ Trời. Tại vùng nông thôn, nhiều gia đình lập bàn thờ Trời hay thờ Ông Thiên ở giữa sân. Bàn thờ chỉ đơn giản là một cây trụ cao hơn đầu người; chót trụ là một tấm gỗ hình tròn hoặc hình chữ nhật, bên trên để một lư hương. Những gia đình sùng kính thường thắp hương khấn vái trước bàn thờ mỗi sáng và tối. Một số người khác chỉ dâng hương hoặc lễ vật vào ngày rằm hoặc ngày đầu tháng. Lễ vật là một ít bánh trái bày tỏ lòng biết ơn với Ðấng Tạo Hóa.
Ðàn Nam Giao
Tuy nhiên, không phải chỉ người Việt bình dân thờ Trời nhưng các bậc lãnh đạo quốc gia Việt Nam ngày xưa cũng thờ Trời. Sau khi chinh phục đất nước, thành lập vương triều, các vua Việt Nam thường cho xây đàn Nam Giao gần kinh đô thể tế Trời.
Kiến trúc của đàn Nam Giao gồm ba tầng, xây chồng lên nhau, tượng trưng cho tam tài: thiên (Trời), địa (đất), nhân (người). Tầng cao nhất hình tròn, tượng trưng cho Trời. Tầng giữa hình vuông, tượng trưng cho đất. Tầng thấp hơn, cũng hình vuông, tượng trưng cho người.
Một trong những di tích về đàn Nam Giao còn tương đối nguyên vẹn đến ngày nay là đàn Nam Giao tại Huế. Năm 1803, sau khi chinh phục cả nước, vua Gia Long đã lập đàn Nam Giao tại làng An Ninh, gần kinh đô Huế, để thờ Trời. Năm 1806, đàn được dời về phía nam thuộc địa phận phường Tràng An, thành phố Huế ngày nay. Tầng trên cùng của đàn Nam Giao tại Huế gọi là Viên Ðàn có đường kính 42m. Tầng giữa gọi là Phương Ðàn có chiều dài mỗi cạnh 85m. Tầng cuối hình vuông rộng mỗi bề 165m.
Buổi lễ cầu Trời tại đàn Nam Giao gọi là lễ Tế Giao. Tế Giao là một lễ trọng đại. Vài tháng trước ngày lễ, vua ra lệnh cho Bộ Công và Bộ Lễ chuẩn bị. Công việc chuẩn bị cho ngày lễ rất phức tạp và tốn kém. Quân lính lo tu sửa, trang trí đàn tế, dựng lều trại cho vua và triều đình đến dự. Quân lính cũng lo tập dượt nghi thức diễn hành. Những súc vật dâng lên trong kỳ lễ này được goi là sinh tế đã được nuôi riêng bằng những thức ăn tinh sạch từ nhiều tháng trước. Trong thời gian đó, dân chúng và các quan chức địa phương lo dọn dẹp đường phố, lập cổng chào và hương án dọc theo đường từ đại nội đến giao đàn.
Gần đến ngày lễ, vua và các quan phải trai giới, giữ mình tinh sạch trong ba ngày trước khi ra mắt Thượng Ðế. Trong những năm đầu của triều Nguyễn, lễ Tế Giao kéo dài ba ngày. Trong ngày đầu tiên, vua và các quan trồng cây quanh đàn Nam Giao. Sau đó, vua dành thì giờ tĩnh tâm tại Trai Cung để chuẩn bị cho việc tế lễ. Ngày thứ hai là chính lễ, vua cùng triều đình làm lễ tế Trời. Ngày thứ ba là ngày khánh hạ tất lễ.
Ðến ngày Tế Giao, vua và đoàn tùy tùng gồm hoàng tộc, triều đình và quân lính, từ Ðại Nội rời Ngọ Môn dùng thuyền vượt sông Hương theo Nam Giao cựu lộ đến Trai Cung. Ðoàn ngự đạo rất đông, năm nào ít thì khoảng 1000 người, năm nhiều lên đến 5000 người. Dân chúng phủ phục hai bên đường chào đón vua và đoàn tùy tùng.
Ðến Trai Cung, vua, các quan và hoàng tộc tham gia nghi lễ trồng thông. Ðây là một nghi thức thờ phượng của lễ Tế Giao. Cây thông được chọn để trồng chung quanh đàn Nam Giao vì thông mọc thẳng đứng, thể hiện tinh thần hướng thượng. Ngoài ra, ngọn thông vút cao như một lời nguyện cầu dâng lên Thượng Ðế. Ðích thân vua, các quan và hoàng tộc trồng thông để bày tỏ lòng thành kính. Sách Hội Ðiển của triều Nguyễn có đoạn viết: “Hai bên hữu cung chính tay Thái Tổ Nhân Hoàng Ðế trồng 10 cây thông và Hiến Cổ Chương Hoàng Ðế trồng 11 cây thông.” Ðối với triều đình Huế, đàn Nam Giao là chốn thiêng liêng, là nơi khẩn nguyện nên phải được tôn kính và gìn giữ.
Sau khi trồng xong, mỗi cây thông được gắn một thẻ bài, trên có khắc một bài thơ và tên của tác giả. Lời bài thơ giống như một lời nguyện cầu. Một trong những bài thơ được sử sách ghi lại như sau:
“Linh khí trì hộ
Vũ lộ trường kiêu
Tuế nguyệt trường tại
Khởi chỉ hậu diêu”
Ý nghĩa bài thơ như sau:
Linh khí phù hộ
Mưa móc tốt tươi
Tháng năm còn mãi
Há chẳng tàn phai.
Sau lễ trồng thông, vua và hoàng tộc đến Trai Cung tĩnh tâm chuẩn bị cho ngày lễ. Các quan trong triều nghỉ trong các lều do quân lính dựng sẵn. Tại Trai Cung vua giữ lòng thanh tịnh. Vua ngồi đối diện với một tượng người bằng đồng tĩnh nguyện. Minh Mạng Ngự Chế Thi ghi lại một bài thơ diễn tả tâm trạng vua lúc đó như sau:
Trai Cung chuyên dĩ kính trì thân
Tự tảo linh đài vật dục trần.
Phần điển, thi thư, liêu tác bạn
Vấn tâm diệc khả đối đồng tâm.
Nghĩa
Một niềm trai kính thân này giữ.
Bao bụi trần ai đã quét ra
Phần điển, thi thư, thường kết bạn
Ðồng nhân đối diện hỏi lòng tạ
Ngày thứ hai, chính lễ bắt đầu vào lúc hai giờ sáng. Vua rời Trai Cung đến đàn chủ lễ. Buổi lễ được chia làm chín phần, kéo dài khoảng 8 giờ đồng hồ. 128 ca công hát chín khúc nhạc tế. Mỗi bài hát liên hệ với một giai đoạn của buổi lễ. Giây phút quan trọng nhất là lúc vua cầu Trời. Theo quan niệm ngày xưa, vua là Thiên Tử, con Trời, nên chỉ có một mình vua mới được quyền cúng tế trời. Vua thay mặt cho toàn dân dâng lên Thượng Ðế lòng biết ơn. Vua cầu xin Thượng Ðế cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an và thiên hạ thái bình.
Ngày thứ ba, các quan làm lễ khánh hạ mừng vua hoàn tất lễ. Sau đó, đoàn ngự đạo từ đàn Nam Giao hồi cung. Trong những năm đầu của triều Nguyễn, lễ Tế Giao được tổ chức mỗi năm một lần. Ðến đời Thành Thái, lễ được tổ chức mỗi ba năm.
Khảo Cổ Di Tích Ðàn Nam Giao
Tuy nhiên không phải chỉ có triều Nguyễn mới lập đàn thờ Trời, các vua Việt Nam qua nhiều triều đại đã thực hiện điều này. Báo chí Việt Nam trong nước gần đây đăng tin về các công trình khảo cổ di tích đàn Nam Giao của các triều đại trước.
Năm 1778, sau khi quân Tây Sơn khởi nghĩa thành công, Nguyễn Nhạc tự xưng hoàng đế và đóng đô tại thành Ðồ Bàn. Sau đó, Nguyễn Nhạc cho xây thành Hoàng Ðế, kinh đô mới của nhà Tây Sơn, và dựng đàn Nam Giao tại tỉnh Bình Ðịnh.
Ngày 13/11/2007, báo Lao Ðộng tường thuật kết quả khai quật thành Hoàng Ðế và Ðàn Nam Giao của nhà Tây Sơn. Ðàn Nam Giao nhà Tây Sơn rộng khoảng 1500 mét vuông. Di tích này được tìm thấy tại gò Chùa cách thành Hoàng Ðế độ 1 Km về phía tây. Gò cao khoảng 20 m. Ðàn Nam Giao nhà Tây Sơn được tìm thấy từ năm 2004. Tuy nhiên, Viện Khảo Cổ Việt Nam và Bảo Tàng Tổng Hợp tỉnh Bình Ðịnh chỉ bắt đầu khai quật từ tháng 9/2007. Kết quả sơ khởi cho thấy hai móng của đền Nam Giao xây bằng gạch và đá ong. Phần trên cùng phủ đầy những mảnh ngói vụn. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, nhà Nguyễn đã triệt hạ đàn Nam Giao của nhà Tây Sơn sau khi nhà Nguyễn chinh phục cả nước.
Trước đó, sử sách cho biết các vua Lý, Trần, Lê cũng làm đàn tế Trời. Tuy nhiên, trong những năm qua, di tích đàn Nam Giao của những triều đại này vẫn chưa được tìm thấy. Ngày 22/6/2007, báo Nhân Dân tường thuật về việc phát hiện dấu tích của đàn Nam Giao tại Hà Nộị Ðây có thể là đàn Nam Giao của một trong các triều đại Lý, Trần, hoặc Lê. Một số di tích liên hệ đến đàn Nam Giao được tìm thấy tại vị trí khai quật; tuy nhiên, trung tâm của đàn Nam Giao tại Hà Nội vẫn chưa tìm thấy. Công việc khảo cứu đang tiếp diễn.
Cũng trong tháng 11 vừa qua, báo Lao Ðộng ngày 27/11/2007 tường thuật về kết quả khai quật Ðàn Nam Giao do Hồ Hán Thương xây dựng vào năm 1402. Vị trí của đàn cạnh núi Ðốn Sơn cách thành nhà Hồ khoảng 2,5 km. Ðây là đàn Nam Giao cổ nhất Việt Nam được tìm thấy cho đến nay. Công cuộc khai quật đàn Nam Giao nhà Hồ được tiến hành từ ngày 16/6/2007. Ngày 23/11/2007, Viện Khảo Cổ Việt Nam công bố kết quả cho biết đã xác định được nền thượng, nền trung, nền hạ và Trai Cung của Ðàn Nam Giao này. Việt Nam đề nghị UNESCO đưa di tích này vào di sản văn hoá thế giới.
Trước khi Hồ Hán Thương xây Ðàn Nam Giao nhà Hồ khoảng 250 năm, cổ sử Việt Nam ghi lại vào năm 1154, Vua Lý Anh Tông (1138-1175) đã cho xây đàn Viên Khâu để tế Trời. Tuy nhiên, di tích này đến nay vẫn chưa được tìm thấy.
Cách Thờ Trời Theo Thánh Kinh
Niềm tin của người Việt về ông Trời có nhiều điểm tương đồng với đức tin nơi Ðức Chúa Trời của người tin Chúa. Người Việt gọi Ðấng sáng tạo ra cả vũ trụ là Ông Trời hay Ông Thiên. Những người chịu ảnh hưởng của Hán học gọi Ngài là Thượng Ðế, Ðấng Tạo Hóa, Ðấng Chí Cao. Những người tin Chúa gọi Ngài là Thiên Chúa, hay gọi một cách tôn kính hơn là Ðức Chúa Trời.
Tuy nhiên, người Việt xưa cũng có những điều hiểu biết không đúng về Ðức Chúa Trời. Ðiển hình qua việc cúng giao thừa, nhiều người nghĩ rằng với mâm cao, cỗ đầy, họ có thể mua chuộc được sự chiếu cố của các sứ trời. Qua những lời trình báo tốt đẹp của các vị này, họ có thể nhận nhiều ơn huệ của Thượng Ðế. Nhận thức sai lầm này trái ngược với niềm tin căn bản về Ðức Chúa Trời là Ðấng biết hết mọi việc và là Ðấng Công Minh.
Thánh Kinh cho biết Ðức Chúa Trời là Ðấng Tạo Hóạ Ngài sáng tạo cả vũ trụ cùng mọi vật, mọi loài trong đó. Ðức Chúa Trời là Ðấng Quyền Năng, Công Bình, Nhân Từ, Thánh Khiết và Yêu Thương. Ngài là Ðấng Chân Thật và Thành Tín. Ðức Chúa Trời có từ ban đầu và tồn tại mãi mãi. Ðức Chúa Trời hiểu hết mọi việc, có mặt ở mọi nơi, không có việc gì Ngài không làm được.
Ðức Chúa Trời cũng là Ðấng Vô Hạn. Do đó, thật khó cho trí óc hạn hẹp của con người có thể hiểu được Ngài. Thánh Kinh cho biết vì yêu thương loài người, Ðức Chúa Trời muốn cho con người hiểu biết ý muốn của Ngài và biết cách thờ phượng Ngài. Qua nhiều thời đại, Ðức Chúa Trời đã mạc khải chính mình Ngài cho con người bằng nhiều cách: qua thiên nhiên, qua lương tri của con người, qua Kinh Thánh và qua sự hiện thân chính mình Ngài trong Ðức Chúa Giê-xu.
Trong quá khứ, do những khác biệt về chính trị, văn hóa, địa lý và lịch sử, nhiều người Việt không có cơ hội tìm hiểu về Ðức Chúa Trời thấu đáo. Do đó, người Việt chúng ta hiểu Ðức Chúa Trời theo nhận thức riêng và thờ phượng Ngài theo cách riêng của mình. Sự hiểu biết hạn chế về Ðức Chúa Trời có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Ngày xưa, các vua Việt Nam và Trung Hoa muốn độc quyền cai trị nên họ nhận mình là Thiên Tử, là con Trời. Vì Trời là Cha của họ nên các bậc đế vương có quyền thừa tự là quyền cai trị. Tất cả những người khác vì không phải là con Trời nên phải cam chịu số phận của người bị trị.
Thánh Kinh giúp chúng ta hiểu điều này chính xác hơn. Không phải chỉ có những bậc đế vương mới được phép gọi Trời là Cha nhưng tất cả chúng ta đều có thể gọi Ðức Chúa Trời là Cha. Thánh Kinh cho biết người nào tin nhận Ðức Chúa Giê-xu thì trở nên con của Ðức Chúa Trờị Chúa Giê-xu giải thích cho các môn đệ của Ngài về mối liên hệ thân thiết giữa họ với Ðức Chúa Trời. Ngài cho họ biết: Ðức Chúa Trời là “Cha Ta và Cha các ngươi.”
Ngoài độc quyền cai trị, các vua thời xưa đã giành độc quyền tế Trời với lập luận rằng chỉ có con Trời mới được phép cầu Trời. Thánh Kinh cho biết những ai bằng lòng quay về với Ðức Chúa Trời đều trở thành con của Ðức Chúa Trời. Họ có thể gọi Ngài là Cha. Họ có quyền thờ phượng Ngài, có quyền cầu xin với Ngài bất kỳ lúc nàọ Chúa Giê-xu nhấn mạnh mối quan hệ thân thiết đó khi Ngài dạy các môn đồ cầu nguyện rằng “Lạy Cha chúng con ở trên trời.” Vì Ðức Chúa Trời là Cha chúng ta, nên chúng ta có thể tâm tình với Ngài nỗi lòng của chúng ta, chúng ta có thể dâng lên Ngài lòng biết ơn, chúng ta có thể thưa với Ngài những nan đề của cuộc sống, như một người con nói với cha mà không ngại ngùng, không phải qua một người trung gian nào hết.
Bên cạnh đó, sự hiểu biết về Ðức Chúa Trời thấu đáo sẽ giúp chúng ta thờ phượng Ngài đúng hơn. Về một phương diện nào đó, cách thờ Trời của người Việt xưa cũng giống như cách một số chúng ta đối với cha mẹ mình ngày nay. Ngày lễ Tết, từ xa trở về, chúng ta với tấm lòng yêu kính cha mẹ, mua những món quà tốt đẹp nhất theo suy nghĩ của mình để tặng cho cha mẹ. Lòng chúng ta rất chân thành khi làm những điều này. Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy ngỡ ngàng khi trao quà cho cha mẹ vì lúc đó mới biết những điều mình thích không hẳn là những điều cha mẹ mình thích.
Người Việt xưa thờ phượng Ðức Chúa Trời theo cách riêng của mình không hẳn là điều Ðức Chúa Trời vui thích. Ðể cha mẹ vui lòng, không có cách nào tốt hơn là tìm hiểu sở thích của cha mẹ. Cũng vậy, để thờ phượng Ðức Chúa Trời cách tốt đẹp, không có cách nào hay hơn là tìm hiểu ý muốn Ngài.
Tết là lúc ôn cố tri tân. Chúng ta đã ôn lại cách tổ tiên chúng ta thờ phượng Ðức Chúa Trời. Mong rằng trong năm mới này bạn dành nhiều thì giờ hơn để tìm hiểu những điều mới: những kiến thức về Ðức Chúa Trời. Chúng tôi sẽ tìm cách cung cấp những kiến thức này đã được Ðức Chúa Trời mạc khải trong Kinh Thánh cho bạn. Hy vọng bạn sẽ hiểu rõ hơn về Ðức Chúa Trời và biết cách thờ phượng Ðấng đã tạo dựng và chăm sóc chúng ta.
Phước Nguyên
(12/2007)
Thư Viện Tin Lành (2012)
www.thuvientinlanh.org
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.