Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Âm Nhạc » Kiến Thức: Lời Việt Bài Hát Auld Lang Syne

Kiến Thức: Lời Việt Bài Hát Auld Lang Syne

Lời Ban Biên Tập:

Tường Lưu là một thi sĩ nổi tiếng trong cộng đồng Tin Lành Việt Nam.  Chỉ trong 20 năm gần đây, Tường Lưu đã xuất bản gần hai ngàn bài thơ.  Thi sĩ Tường Lưu cũng là tác giả lời của nhiều thánh ca và bài hát được nhiều người yêu thích.  Thư Viện Tin Lành xin giới thiệu với bạn đọc bài viết dưới đây của Tường Lưu kể lại hoàn cảnh sáng tác lời Việt bài hát Auld Lang Syne.

Kiến Thức: Lời Việt Bài Hát Auld Lang Syne

Nhạc điệu Auld Lang Syne mê hoặc tôi từ thuở rất xa xưa.  Tôi muốn nói về nhạc điệu, vì tôi nằm lòng nhạc điệu ấy, nhưng lời thì tôi không thuộc, không biết nó ra làm sao.

Cũng thuở rất xa xưa, tôi có nghe ai hát theo nhạc điệu ấy: “Cầu xin Jêsus dắt ta, dìu ta những ngày nhọc nhằn tăm tối. …”  Tôi thấy hay quá, nhưng tôi chỉ nhớ được có một câu đó thôi.

Tôi cũng có nghe ai hát theo nhạc điệu ấy lời Pháp, mà tôi cũng chỉ nhớ được duy nhất có một câu: “Ce n’est qu’un au revoir, mes frères, ce n’est qu’un au revoir.”

Bài Auld Lang Syne thường được hát khắp nơi trên thế giới trong dịp tiễn biệt năm cũ và đón mừng năm mới. Hôm qua là ngày cuối của năm 2008. Tôi tính vào buổi tối sẽ ngồi coi TV xem thiên hạ tưng bừng đón Giao Thừa ở Time Square NYC để mong được nhìn thấy trái cầu mang con số 2009 rực rỡ đem niềm vui, hy vọng đến cho những tâm hồn mệt mỏi chán chường với con số 2008 đầy lo âu, phiền muộn.

Ngồi buồn nhớ lại những kỷ niệm xưa mỗi độ Tết về, nghe lòng mình chùng xuống. Ký ức đưa tôi trở về một số những kỷ niệm lâng lâng, vời vợi từ xa xưa mà thường tình ai cũng đã từng nếm trải.

Tôi nhớ về thời kháng chiến, gia đình tôi tản cư đến làng Hoàn Dương, thuộc tỉnh Hà Nam. Tôi, trong tuổi học trò, bắt đầu bước vào ngưỡng cửa trung học. Trường học dời về làng Mã Não, Phương Khê. Ba tôi gởi tôi đi trọ học xa nhà. Ðón một cái Tết xa nhà lần đầu thật là thấm thía. Nằm trên giường, cuộn tròn mình trong chiếc chăn đơn cũ rách, nghe nỗi lòng của kẻ xa nhà tê tái trong đêm giao thừa.

Tôi nhớ về Tết Mậu Thân 1968, nhớ về những Tết sau khi Sài Gòn đổi chủ, nhớ về những Tết tha hương, lòng đã buồn lại càng buồn thêm.

Lâu nay, cứ vào ngày cuối năm Dương Lịch, tôi thấy mình nôn nao đón giao thừa như tôi từng nôn nao đón giao thừa vào các Tết Âm Lịch khi còn sống tại quê nhà vậy. Tôi đón giao thừa Dương Lịch rất đơn giản, không cần lích kích gì cả: Chẳng cành mai, chẳng bánh chưng, chẳng giò thủ, chẳng rượu, chẳng pháo. Chỉ mình với mình đối diện với TV và tay cầm … remote.

Hồi tôi còn đi làm ở chợ, cứ sau lễ Thanksgiving thì chợ cho phát thanh các bản nhạc Giáng Sinh và Năm Mới. Những bản nhạc Giáng Sinh đã quá quen thuộc rồi nhưng khi nghe lại lòng tôi cũng bồi hồi khôn tả, ngậm ngùi hồi tưởng những mùa Noél năm xưa ở quê nhà.

Một lần, tôi được nghe đĩa nhạc Giáng Sinh hát hai bài thật là hay: Feliz Navidad và Auld Lang Syne. Bài Feliz Navidad tôi mới được nghe lần đầu tiên nên có cảm tình ngay lập tức:

Feliz Navidad!
Feliz Navidad!
Feliz Navidad!
Prospero año y Felicidad.

I want to wish you a Merry Christmas!
I want to wish you a Merry Christmas!
I want to wish you a Merry Christmas!
From the bottom of my heart.

Bài Auld Lang Syne tôi thích quá, muốn biết lời bài ấy ra sao, mà nghe thì nghe thôi, chứ chịu không hiểu lời thế nào cả. Tôi đến quầy bán nhạc trong chợ, hỏi mua CD nào có 2 bài hát ấy. Nhưng tôi chỉ mua được một CD có bài Feliz Navidad thôi, còn bài Auld Lang Syne thì chịu thua.

Trở về chuyện tối qua tôi ngồi coi T.V. đón trái cầu 2009. Tôi chăm chú hết sức mà chẳng thấy con số 2009 trên trái cầu, chỉ thấy những cặp vợ chồng, những cặp tình nhân… ôm nhau hôn trong tiếng nhạc Auld Lang Syne.

Sáng nay, 01/01/2009, tôi ngồi với computer.  Qua e-mail, tôi nhận được từ một anh bạn món quà đặc biệt mà tôi ao ước bấy lâu nay. Ðó là bản nhạc Auld Lang Syne do André Rieu trình bày (trong YouTube). Tôi nghe đi nghe lại không biết bao nhiêu lần, lòng tôi say sưa với tiếng đàn violon tuyệt vời của André Rieu.

Không phải chỉ có thế đâu! Tôi quan sát các khán thính giả trong buổi hòa nhạc và bất chợt chú ý đến một cô gái (lứa tuổi đôi tám) đứng bên cạnh bà mẹ. Cô dựa hẳn mình vào bà mẹ và nét mặt cô vui tươi, an bình như một vị thiên thần. Còn bà mẹ đưa tay ôm gọn con gái với nụ cười dịu dàng trìu mến.

Hình ảnh ấy khiến tôi nghĩ đến mình mà xót xa. Cuộc sống tôi phần nhiều là những lo lắng, buồn phiền.  Xét mình, tôi thấy tôi không bằng cô gái đó vì tôi đã không hoàn toàn nương dựa vào Chúa như cô nương dựa vào bà mẹ. Nếu tôi nương dựa vào Chúa, thì Ngài chắc chắn sẽ đưa tay ra nâng đỡ tôi với trọn vẹn tình thương của Ngài.

Trong xúc động, tôi dâng về Chúa một lời cầu nguyện đầu năm rất đỗi chân thành. Song, tôi vẫn thấy lòng mình không được thanh thản. “Tôi tin! Xin Chúa giúp đỡ trong sự không tin của tôi.” (Mác 9:24)

Tôi dò trong internet lấy ra được lời của bài Auld Lang Syne. Xin đem vào đây để bạn nào cần thì có ngay:

Auld Lang Syne

1. Should auld acquaintance be forgot,
And never brought to mind?
Should auld acquaintance be forgot,
And days of auld lang syne?

Chorus:
For auld lang syne, my dear,
For auld lang syne.
We’ll take a cup of kindness yet,
For auld lang syne.

2. And there’s a hand my trusty friend!
And give me a hand o’ thine!
We’ll take a cup of kindness yet,
For auld lang syne.

Bài Auld Lang Syne do Robert Burns (1759-1796) sáng tác, nhưng sau khi ông qua đời bài này mới được phổ biến.

Thế Auld Lang Syne nghĩa là gì? Ta tạm hiểu một cách rất đơn giản là: Những Ngày Xưa Thân Ái (The Good Old Days).

Trong dòng nhạc vấn vương ấy, tôi muốn gởi đến bạn lời ca sau đây:

1. Thời gian qua như giấc mơ.
Giờ ta bước vào bậc thềm năm mới.
Hãy quên những nỗi sầu đau,
Cùng nhau đón mừng một trời đẹp tươi.

Ðiệp Khúc:
Hát vang lên đi, bạn ơi!
Cầu xin Chúa ban tràn đầy ơn phước.
Chúc nhau giữ mãi tình thương
Dù mai cách biệt một người một phương.

2. Một năm gian nan đã qua.
Lòng vui hướng về hành trình năm mới.
Nắm tay Jêsus đồng đi,
Ngại chi sóng đời mịt mù trùng khơi.

Tường Lưu
Tâm Linh Thi Tập 15 (2010)

Thư Viện Tin Lành (2014)
www.thuvientinlanh.org

Comments (1)

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top