Thiên Thạch Rơi Xuống Chelyabinsk
Tin Tức: Thiên Thạch Rơi Xuống Chelyabinsk
Vào 9 giờ 20 phút sáng ngày 15/2/2013, một vẫn thạch từ ngoại tầng không gian đã tiến vào khí quyển trái đất trên bầu trời nước Nga. Vẫn thạch đã bốc cháy như một quả cầu lửa bộc phát một năng lượng tương đương gấp 20 lần những quả bom nguyên tử đã được thả xuống Hiroshima và Nagasaki. Năng lượng bộc phát từ vẫn thạch tạo nên một sức ép lớn trong khí quyển, gây nên những sóng xung động và siêu âm lan truyền trong không gian, làm kính của hàng ngàn tòa nhà bị vỡ, khiến hơn 1200 người bị thương. Phần còn lại của thiên thạch đã rơi vào một hồ nước gần thành phố Chelyabinsk tại miền trung của nước Nga. Trước khi kết thúc cuộc hành trình, thiên thạch đã để lại một làn khói dài gần 500 cây số trong bầu khí quyển của trái đất.
Theo ước tính của các khoa học gia tại NASA, Cơ Quan Quản Trị Hàng Không và Không Gian của Hoa Kỳ, thiên thạch rơi vào nước Nga có đường kính khoảng 17 mét, nặng gần 10000 tấn và di chuyển với vận tốc khoảng 64000 Km giờ.
Điều đáng mừng là không có một thiệt hại nhân mạng nào liên quan đến việc thiên thạch rơi vào nước Nga. Tuy nhiên sự kiện thiên thạch rơi xuống Chelyabinsk có vài điều khiến chúng ta cần suy nghĩ.
Thứ nhất, thiên thạch rơi tại Chelyabinsk nhắc chúng ta nhớ rằng con người thật nhỏ bé trước thiên nhiên và vũ trụ bao la. Một mảnh vỡ nhỏ của một thiên thể có thể gây nguy hại cho cuộc đời của biết bao người trên thế giới. Tất cả những gì chúng ta đã xây dựng có thể bị hủy diệt trong chốc lát nếu thiên tai xảy ra nơi chúng ta đang sống. Từ hàng ngàn năm trước, Đa-vít, tác giả Thi Thiên trong Thánh Kinh, đã có nhận xét tương tự về vị trí của con người. Khi quan sát các thiên thể trên bầu trời rồi nhìn lại chính mình, Đa-vít đã viết: “Khi con nhìn xem các tầng trời là công việc của ngón tay Chúa, mặt trăng và các ngôi sao mà Chúa đã tạo dựng; loài người là gì mà Chúa nhớ đến? Con loài người là chi mà Chúa thăm viếng nó” (Thi Thiên 8:3-4). Tuy nhiên, nhận thức về sự nhỏ bé của con người không khiến Đa-vít bi quan về tương lai nhưng đã giúp ông biết khiêm cung tạ ơn Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo vũ trụ.
Điều thứ hai chúng ta cần lưu ý là trong khi rất nhiều người đặt niềm tin vào khoa học, sự kiện vừa qua cho thấy kiến thức và khả năng của khoa học có giới hạn: không có một cơ quan không gian hay đài thiên văn nào trên thế giới báo trước về thiên thạch sẽ rơi vào nước Nga. Cùng ngày hôm đó rất nhiều nhà thiên văn trên thế giới đã chú tâm hướng viễn vọng kính lên trời để quan sát thiên thạch 2012 DA14, một thiên thạch có đường kính 50 mét và bay cao khoảng 25000 cây số trên trái đất; tuy nhiên không ai thấy trước thiên thạch đã rơi vào nước Nga trước khi thiên thạch này tiến vào bầu khí quyển trái đất và bốc cháy ở độ cao khoảng 25 cây số.
Khi được báo chí phỏng vấn vì sao NASA không biết trước thiên thạch rơi vào nước Nga, Paul Chodas, một khoa học gia làm việc tại Jet Propulsion Laboratory, cơ quan điều khiển nhiều chương trình không gian của NASA tại Pasedena, California, đã trả lời: “Thiên thạch rơi vào nước Nga có kích thước quá nhỏ, không thuộc vào những thiên thạch cần được theo dõi.” Bill Cooke, người lãnh đạo của văn phòng nghiên cứu thiên thạch của NASA tại Huntsville, Alabama nói thêm: “Thiên thạch này tiến vào khí quyển trái đất giữa ban ngày; kính thiên văn không thể thấy rõ vào ban ngày. Trong khi đó, radar không thể quan sát những vật thể ở quá xa.”
Các khoa học gia tại NASA là những chuyên gia về không gian giỏi nhất trên thế giới. Tuy nhiên, câu trả lời chân thành của các khoa học gia tại NASA cho thấy kiến thức và khả năng của khoa học chỉ có giới hạn. Sô-pha, một nhân vật trong Thánh Kinh cách đây khoảng 4000 năm đã nói với bạn mình như sau: “Anh có thể hiểu thấu sự huyền nhiệm của Đức Chúa Trời hoặc khám phá giới hạn của Đấng Toàn Năng không? Điều ấy cao hơn các tầng trời, anh làm gì được? Sâu hơn âm phủ, làm sao anh hiểu thấu?” (Gióp 11:7-8).
Một điểm đáng lưu ý khác là Hollywood đã thực hiện một số phim khiến nhiều người nghĩ rằng Hoa Kỳ hoặc Nga có khả năng dùng các vũ khí tối tân để hủy diệt các thiên thạch có thể gây nguy hại cho trái đất; tuy nhiên hiện nay khả năng bảo vệ đó chỉ là giả tưởng.
Sau khi sự kiện trên xảy ra, Phó Thủ Tướng Nga Dmitry Rogozin đề nghị nên có một chương trình quốc tế báo động về những vật thể từ ngoại tầng không gian. Ủy ban COPUOS của Liên Hiệp Quốc đã có kế hoạch bàn thảo về một vấn đề tương tự. Các giáo sư Philip M. Lubin (University of California, Santa Barbara) và Gary B. Hughes (California Polytechnic, San Luis Obispo) đề nghị thiết kế một hệ thống tích tụ năng lượng mặt trời, chuyển thành tia laser để đốt cháy và làm bốc hơi các thiên thạch khi đến gần trái đất. Hệ thống này goi là DE-STAR (Directed Energy Solar Targeting of Asteroids an exploRation) . Trên lý thuyết và với kỹ thuật hiện tại, mô hình thu nhỏ của DE-STAR đã sẵn sàng để được chế tạo thử nghiệm; tuy nhiên, việc chế tạo một hệ thống thực sự có khả năng thiêu hủy một thiên thạch cần vài chục năm để xây dựng.
Thánh Kinh cho biết: trước ngày Chúa trở lại sẽ có những hiện tượng tương tự như thiên thạch bốc cháy tại Chelyabinsk. Tác giả sách Khải Huyền mô tả như sau: “Các ngôi sao trên trời sa xuống đất” (Khải Huyền 6:13), “Một ngôi sao lớn cháy phừng phừng như một ngọn đuốc từ trời lao xuống” (Khải Huyền 8:10), “Tôi thấy một ngôi sao từ trời rơi xuống đất” (Khải Huyền 9:1). Tác giả sách Khải Huyền cũng ghi nhận trước khi Chúa đến, kẻ chống đối Chúa có khả năng làm cho “lửa từ trời giáng xuống đất” (Khải Huyền 13:13) . Tuy nhiên, Thánh Kinh cũng ghi rất rõ: ngày Đức Chúa Jesus trở lại không ai biết (Ma-thi-ơ 24:36) và người tin Chúa sẽ được Chúa đem về với Ngài trước khi những hoạn nạn đó xảy ra.
Nếu bạn là người chưa tin Chúa, mời bạn tin nhận Đức Chúa Jesus để được cứu rỗi. Nếu bạn là người đã tin Chúa, xin đừng dùng thì giờ năng lực tiên đoán ngày Chúa trở lại nhưng hãy tận dụng thì giờ để giúp những người chưa biết Chúa tin nhận Ngài.
Phước Nguyên
Thư Viện Tin Lành
Ngày 18/2/2013