Tín Lý Căn Bản: Bài 6 – Chúa Giê-xu
Bài Thứ 6. Chúa Cứu Thế Giê-xu
Bài Tín Điều Các Sứ Đồ mở đầu bằng câu: Tôi tin Đức Chúa Trời là Cha Toàn Năng, Đấng Sáng Tạo trời đất; tôi tin Chúa Cứu Thế Giê-xu, là con duy nhất của Đức Chúa Trời, và Chúa chúng ta. Khi gọi Đức Chúa Trời là “Đấng Sáng Tạo trời đất,” Bài Tín Điều khẳng định niềm tin của Cơ Đốc giáo khác hẳn với niềm tin của Ấn Độ giáo và một số tôn giáo khác ở Á Đông. Khi gọi Chúa Cứu Thế Giê-xu là “con duy nhất của Đức Chúa Trời,” Bài Tín Điều xác nhận niềm tin của Cơ Đốc giáo khác với niềm tin của Do Thái giáo và Hồi giáo. Lời xác tín về Đức Chúa Giê-xu vừa là tiêu chuẩn xét nghiệm của Cơ Đốc giáo, vừa là bản chất khiến Cơ Đốc giáo trở thành độc đáo. Toàn bộ Kinh Thánh Tân Ước đã được ký thuật để tuyên bố và minh chứng cho lời xác nhận này.
Chúa Cứu Thế Giê-xu là trọng tâm của Cơ Đốc giáo
Lời xác tín về Chúa Cứu Thế Giê-xu trong Bài Tín Điều Các Sứ Đồ xác nhận Đức Chúa Giê-xu là trọng tâm của Cơ Đốc giáo. Trong Bài Tín Điều, phần trình bày Chúa Cứu Thế Giê-xu dài hơn hai phần nói về Đức Chúa Cha và Đức Thánh Linh. Chúng ta không thể nào biết về Ba Ngôi Đức Chúa Trời, hay công cuộc cứu chuộc nhân loại, sự sống lại và sự sống vĩnh hằng nếu chúng ta không hiểu về Đức Chúa Giê-xu. Đức Chúa Giê-xu chính là Đấng Cứu Chuộc cho cả nhân loại và Ngài cũng chính là mặc khải sống về các giáo lý căn bản đó.
Bài Tín Điều đã trình bày Chúa Cứu Thế Giê-xu bằng hai danh hiệu, thể hiện hai thân vị của Ngài: Đức Chúa Giê-xu vừa là người và vừa là Đức Chúa Trời.
Danh hiệu thứ nhất là Giê-xu: Danh hiệu Giê-xu trong tiếng Hi-lạp (Greek) là chữ Giô-suê trong tiếng Hê-bơ-rơ (Hebrew) mang ý nghĩa: Đức Chúa Trời là Đấng Giải Cứu. Phần lớn các sử gia hiện đại nhìn nhận Đức Chúa Giê-xu là một nhân vật lịch sử. Theo các sử gia, Chúa Giê-xu là con trai của bà Ma-ri tại làng Na-xa-rét thuộc xứ Ga-li-lê, nước Do Thái. Chúa vốn là một người thợ mộc, đã hoạt động khoảng ba năm với tư cách là một Ra-bi Do Thái. Ngài đã bị chính quyền La Mã xử tử vào khoảng năm 30 sau công nguyên. Ngoài bốn sách Phúc Âm tường thuật hoạt động của Đức Chúa Giê-xu cách chi tiết, một số sử gia sống trong thế kỷ thứ nhất như Josephus và Tacitus có nhắc đến Ngài.
Danh hiệu thứ hai là Đấng Christ, hay Chúa Cứu Thế: Nguyên văn của danh hiệu này có nghĩa là người được xức dầu; đây là một thành ngữ mô tả một người được phong chức. Tuy nhiên, danh hiệu Đấng Christ đặc biệt được dành riêng cho vị cứu tinh mà người Do Thái trông đợi. Dân Do Thái hy vọng rằng Đấng Christ sẽ thiết lập vương quốc của Ngài, và Ngài sẽ được tôn vinh là Đấng Cứu Tinh (Messiah) của cả nhân loại. Do đó, Ngài được gọi là Đấng Cứu Thế hay Chúa Cứu Thế.
Khi người tín hữu đọc Bản Tín Điều xưng nhận tước hiệu Chúa Cứu Thế,hay Đấng Christ, người ấy nhìn nhận rằng Đức Chúa Giê-xu làm trọn ba chức vụ của một người được phong chức trong thời Cựu Ước. Ba chức vụ đó là: nhà tiên tri (sứ giả của Đức Chúa Trời), là nhà tư tế (người giao tiếp với Đức Chúa Trời), và nhà vua (người cai trị tuyển dân của Đức Chúa Trời). Ngài là Đấng Cứu Thế mà Đức Chúa Trời sai đến.
Khi một tín hữu xưng nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu, hay Đức Chúa Giê-xu Christ, người ấy công nhận vai trò của Chúa Giê-xu trong lịch sử và quyền tể trị của Ngài khắp mọi nơi. Trong Hội Thánh đầu tiên, các tín hữu thường tuyên xưng danh hiệu Đức Chúa Giê-xu Christ. Danh hiệu này được đề cập nhiều lần trong các thư tín trong Tân Ước. Khi đạo của Chúa được truyền sang Á châu, chữ Christ trong nguyên văn Hy Lạp là Χριστός được người Trung Hoa dịch là Cơ Đốc (基督), và do đó tôn giáo của những người tin theo Đức Chúa Giê-xu được gọi là Cơ Đốc giáo.
Mối Quan Hệ Của Chúa Cứu Thế Giê-xu và Nhân Loại
Chúa Cứu Thế Giê-xu quan hệ với chúng ta như thế nào? Làm sao một tội nhân có được mối tương giao trực tiếp và đúng đắn với Đức Chúa Trời?
Chúa Giê-xu là mặc khải của Đức Chúa Trời cho nhân loại: Khi chúng ta biết rất ít, hay không biết chút gì về một người nào đó, hoặc hiểu sai về người nầy, thông thường chúng ta không có mối liên hệ với người ấy. Tương tự, nhân loại biết rất ít về Đức Chúa Trời, nhiều người hiểu sai về Ngài, cho nên họ không có mối liên hệ gần gũi với Đức Chúa Trời. Nhân loại cần được hướng dẫn để hiểu đúng về Đức Chúa Trời. Kinh Thánh cho biết Đấng có thể giúp chúng ta hiểu rõ Đức Chúa Trời chính là Đức Chúa Giê-xu Christ, bởi vì Ngài đến từ Đức Chúa Trời. Đức Chúa Giê-xu giúp nhân loại hiểu rõ hơn về Đức Chúa Trời và biết được tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho nhân thế.
Chúa Giê-xu là hiện thân của Đức Chúa Trời yêu thương: Nhân loại đang sống trong lầm lạc, khổ đau. Họ đi dần đến chỗ diệt vong. Đức Chúa Trời như người Cha yêu thương mong muốn những đứa con lầm lạc trở về. Đức Chúa Giê-xu đã đến thế gian để bày tỏ tình yêu của Đức Chúa Trời cho nhân thế. Đức Chúa Giê-xu giảng dạy về tình yêu và Ngài đã sống thể hiện tình yêu. Đức Chúa Giê-xu an ủi những người đau khổ, nâng đỡ những người sa ngã, hướng dẫn những người sai lầm. Đức Chúa Giê-xu chở che những người yếu đuối, bênh vực kẻ mồ côi, người góa bụa, và chữa lành những người đau, ….. Tuy nhiên, tình yêu sâu xa của Chúa đối với nhân thế thể hiện rõ nhất qua sự hy sinh của Ngài trên thập tự cho nhân loại. Chúa đã chết thay cho nhân loại mà Ngài yêu thương.
Chúa Giê-xu là Đấng Trung Gian giữa Đức Chúa Trời và loài người – Ngài là Đấng Cứu Thế: Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên loài người, Ngài vốn là Cha của chúng ta. Vì Đức Chúa Trời là Đấng Thánh Khiết, do đó từ khi tổ tiên loài người phạm tội, loài người người không thể đến gần Đức Chúa Trời. Hệ quả của tội lỗi mà loài người đã phạm khiến nhân loại bị hư mất. Đức Chúa Giê-xu chính là Đấng Trung Gian để hòa giải giữa Đức Chúa Trời và loài người. Đức Chúa Giê-xu đã hy sinh trên thập tự vì tội lỗi của nhân loại. Những người tin nhận Chúa chấp nhận giải pháp cứu rỗi mà Ngài đem đến cho họ; nhờ đó họ được kể là công chính, được đặt vào một địa vị mới và họ được phục hòa lại với Đức Chúa Trời. Thánh Kinh mô tả Đức Chúa Giê-xu là Con Đường, là nhịp cầu kết nối giữa Đức Chúa Trời và loài người. Ngài chính là Đấng Cứu Thế.
Bản Chất Thiên Thượng Của Chúa Giê-xu
Bài Tín Điều cho biết Chúa Cứu Thế Giê-xu “chính là con trai duy nhất của Đức Chúa Trời.” Chữ “con trai duy nhất” được nhắc đến trong Phúc Âm Giăng 3:16. Trong nguyên nghĩa thành ngữ này xác nhận Chúa Giê-xu là Đấng duy nhất mang đầy đủ bản chất của Đức Chúa Trời. Ngài chính là Ngôi Thứ Hai trong Ba Ngôi của Đức Chúa Trời vĩnh hằng; Ngài chính là Lời của Đức Chúa Trời đã dùng để sáng tạo trời đất và bảo tồn vũ trụ mãi cho đến tận bây giờ. Ngài cũng chính là Đức Chúa Trời. Những tín lý này được Thánh Kinh ghi lại trong Giăng 1:1-14; Cô-lô-se 1:13-20; Hê-bơ-rơ 1:1-3. Những khái niệm này tương đối mới cho người mới tìm hiểu về Chúa, nhưng đây chính là tâm điểm của Cơ Đốc giáo. Chúng ta sẽ có dịp tìm hiểu sâu hơn các khái niệm này trong những bài học khác.
“Là Chúa chúng ta” là câu tiếp theo trong Bài Tín Điều Các Sứ Đồ. Nếu Đức Chúa Giê-xu, là Đức Chúa Con, Đấng đồng sáng tạo với Đức Chúa Trời, cũng là Đấng Christ, hay là Đấng được phong chức, đã sống lại từ cõi người chết, và cầm quyền trên tất cả (Bài Tín Điều Các Sứ Đồ cho biết Đức Chúa Giê-xu ngồi bên hữu Ngai Đức Chúa Trời Toàn Năng, một hình ảnh mô tả vị trí uy quyền và năng lực.) thì Ngài có quyền quản trị chúng ta, Ngài “là Chúa chúng ta” và chúng ta có trách nhiệm vâng phục Ngài.
Tóm Tắt:
Đức Chúa Giê-xu đã nhập thế tại Palestine gần 2000 năm trước đây. Ngày nay Ngài cũng muốn ngự vào lòng chúng ta để bày tỏ tình thương yêu y như khi Ngài xuống thế gian ngày xưa. Lời mời gọi “Hãy Đến Cùng Ta” của Đức Chúa Giê-xu xưa nay vẫn không thay đổi. Chúa Giê-xu đã làm chủ cuộc đời của bạn hay chưa? Đối với tất cả những người đọc Bài Tín Điều Các Sứ Đồ thì câu trả lời bắt buộc phải là xác định; bởi vì làm sao bạn có thể nói Ngài là Chúa của chúng ta nếu bạn chưa có thể nói Ngài là Chúa của con.
Nguyễn Sinh
Tín Lý Căn Bản
Phần Kinh Thánh đọc thêm: Hê-bơ-rơ 1:1-3:1-36
Câu hỏi để suy nghĩ và ôn bài học:
1. Tên Giê-xu có ý nghĩa gì về phương diện lịch sử và đối với chúng ta ngày nay?
2. Danh hiệu Christ hay Chúa Cứu Thế, đấng được phong chức, có nghĩa gì đối với dân tộc Do Thái? Có nghĩa gì đối với chúng ta?
3. Tại sao Chúa Cứu Thế có quyền tuyên bố làm chủ cuộc đời của mỗi chúng ta?
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.