Tín Lý Căn Bản – Bài 4: Cha Toàn Năng
Bài thứ 4. Toàn Năng
Bản Tín Điều Các Sứ Đồ xác nhận niềm tin nơi Đức Chúa Trời là Cha Toàn Năng. Chữ toàn năng đưa chúng ta đến một điều căn bản mà Kinh Thánh dạy về Đức Chúa Trời: Ngài là chúa tể, là vua, là đấng toàn quyền uy, cai trị cả vũ trụ này. Các Thi Thiên trong Kinh Thánh Cựu ước như 93, 96, 97, 99 và 103 ca ngợi Chúa là Đấng Toàn Năng. Nhiều người khi nói đến quyền tể trị của Chúa không hiểu như thế nào, nhưng qua Kinh Thánh chúng ta được biết quyền tể trị ấy có quan hệ đến việc tôn thờ Đức Chúa Trời chứ không đơn thuần chỉ là một ý niệm.
Chúng ta cần nhận biết rằng chúng ta không thể nào hiểu được đường lối của Đức Chúa Trời cho đến khi nào chúng ta nhìn các việc Chúa làm trong ánh sáng về quyền tể trị của Ngài. Chính vì vậy mà ngay trong phần mở đầu của Bản Tín Điều Các Sứ Đồ người tin Chúa phải xưng nhận quyền chủ tể của Đức Chúa Trời. Dầu chúng ta tin và công nhận quyền chủ tể của Chúa, nhưng khái niệm về Đức Chúa Trời Toàn Năng không phải là điều dễ hiểu. Có một vài câu hỏi thường được nêu, liên hệ đến tín lý này.
1. Có điều gì mà Đức Chúa Trời không thể làm được hay không? Phải chăng Đức Chúa Trời Toàn Năng có thể làm bất cứ điều gì?
Đức Chúa Trời Toàn Năng có quyền làm mọi điều, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là Chúa sẽ làm bất cứ điều gì, vì có nhiều việc Đức Chúa Trời không làm. Đức Chúa Trời không thể làm những gì trái với bản chất của Ngài. Đức Chúa Trời không thể không thương xót, không thể phán xét bất công hay hành động trước sau không phù hợp. Đức Chúa Trời không thể tha tội mà không có việc chuộc tội. Đức Chúa Trời không thể không thành tín và không công bằng trong việc tha thứ tội. Chúa cũng không thể không giữ lời hứa, vì nếu hành động như thế Đức Chúa Trời không phải là Đấng Thành Tín….
Đức Chúa Trời Toàn Năng nghĩa là Chúa có quyền lực vô biên. Đức Chúa Trời có quyền làm tất cả những gì Ngài muốn. Ngài quyết định thì việc liền có và điều gì Chúa làm đều toàn vẹn. Tuy nhiên, vì Đức Chúa Trời là Đấng Toàn Năng, Ngài không làm những điều bất toàn.
2. Đức Toàn Năng của Đức Chúa Trời có bị giới hạn vì ý chí tự do của con người hay không?
Không! Năng lực lựa chọn, tự nhận trách nhiệm của con người cũng là một điều được Chúa tạo nên. Đây cũng là một huyền nhiệm trong bản chất của con người. Đức Chúa Trời không bị bất cứ điều gì Ngài tạo ra giới hạn Ngài. Trong cõi vật chất Chúa đã thực hiện ý chỉ của Ngài ra sao thì qua tâm lý, mà Chúa đã tạo nên trong chúng ta, Ngài cũng thực hiện ý chỉ của Ngài như thế. Đức Chúa Trời không vi phạm bản chất của thực thể được Chúa tạo ra, cũng không đưa hoạt động của con người xuống hàng người máy. Đức Chúa Trời hoàn thành tất cả mọi công việc theo như Ngài ấn định.
3. Phải chăng sự hiện diện của điều ác chứng minh rằng Đức Chúa Trời không phải là Đấng Toàn Năng? Vì nếu Đức Chúa Trời là Đấng Toàn Năng, thì Ngài phải diệt trừ những điều hư xấu mới phải chứ?
Đúng! Đức Chúa Trời Toàn Năng phải diệt trừ điều ác và Ngài đang làm việc đó. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời làm theo cách của Ngài. Trước hết, Chúa muốn biến cải người gian ác. Nhờ công lao cứu chuộc của Chúa Giê-xu, chúng ta vốn là người tội ác, được trở nên thiện lành. Thứ hai, Sứ đồ Phao-lô cho biết Đức Chúa Trời trì hoãn việc trừng phạt để mọi người có cơ hội ăn năn. “Những đau khổ bây giờ không đáng so với vinh quang sau này sẽ được phát lộ ra cho chúng ta. Chúa hành động chậm chứ không nhanh như ta mong ước, là vì Ngài muốn ân huệ của Ngài rải rộng ra hơn nữa, để cho nhiều người được cứu.” Bạn có thể đọc thêm 2 Phi-e-rơ 3:3-10 để hiểu rõ hơn về điểm này.
Bài học về tính Toàn Năng của Đức Chúa Trời là yếu tố căn bản cho mọi điều chúng ta tin. Tin cậy nơi Đức Chúa Trời Toàn Năng đem lại cho chúng ta niềm vui, sự bình an và hy vọng. Đức Chúa Trời Toàn Năng lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta, Chúa che chở chúng ta, Chúa có quyền giải cứu chúng ta khỏi gian truân và ban sự cứu rỗi cho chúng ta. Sa-tan không cầm quyền trên thế gian này nhưng chính là Đức Chúa Trời Toàn Năng đang tể trị. Không có điều gì có thể lật đổ quyền chủ tể của Ngài hoặc làm hỏng kế hoạch yêu thương của Đức Chúa Trời. Đây chính là tin mừng cho mỗi cá nhân và cho cả nhân loại.
Nguyễn Sinh
Tín Lý Căn Bản
Phần Kinh Thánh đọc thêm:
Sáng 50:15-26; Thi Thiên 93; Công vụ 4:23-31.
Các câu hỏi để suy nghĩ và ôn bài học:
1. “Toàn Năng” nghĩa là gì? Tại sao chúng ta phải tin rằng Chúa Toàn Năng?
2. Có những điều nào Chúa Toàn Năng không thể làm?
3. Tính toàn năng của Chúa có bị giới hạn bởi ý chí tự do của con người không?
Xin đọc, cầu nguyện và giới thiệu www.thuvientinlanh.org