Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Tài Liệu » Tín Lý Căn Bản – Bài 2: Đức Chúa Trời

Tín Lý Căn Bản – Bài 2: Đức Chúa Trời

Tín Lý Căn Bản – Bài 2: Đức Chúa Trời

Bài 2:      Đức Chúa Trời

Trong bài 1, chúng ta đã phân tích chữ “Tôi tin” trong Bản Tín Điều Các Sứ Đồ.  Trong bài này chúng ta cùng học một ít về chữ “Đức Chúa Trời.”

Đức Chúa Trời
Khi người tín hữu đứng trong nhà thờ, cùng với mọi người, nói rằng: “Tôi tin Đức Chúa Trời,” câu nói đó có nghĩa gì?  Phải chăng khi nói như vậy, Cơ Đốc nhân đặt mình đứng chung với những người Do Thái giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo hoặc các tôn giáo khác để chống lại chủ thuyết vô thần, hoặc chỉ để tuyên bố rằng có một Đức Chúa Trời khác hẳn mọi thần linh khác hay chăng? Không phải như vậy. Câu nói đó có ý nghĩa sâu xa hơn:  Chúng ta tuyên xưng đức tin đặt nơi Đức Chúa Trời là Đấng Chân Thần, Đấng Chủ Tể, Đấng Sáng Tạo vũ trụ mà Cơ Đốc giáo gọi là Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh. Đấng đó chính là Đức Chúa Trời được mạc khải trong Thánh Kinh. Khi đọc Bản Tín Điều, chúng ta xác nhận niềm tin nơi Đấng ấy.

Thần tượng
Có một điều chúng ta cần phân biệt rõ: Niềm tin nơi Đức Chúa Trời của người tin Chúa, tin nơi Đức Chúa Trời, không chỉ khác biệt với quan điểm của người vô thần, không tin có Đức Chúa Trời, nhưng cũng khác biệt với người thờ tà thần. Một số người  nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa Cơ Đốc nhân với người vô thần nhưng đã nhầm lẫn khi cho rằng sự khác biệt giữa tôn giáo này với tôn giáo kia là thứ yếu. Tuy nhiên, theo Kinh Thánh, điều phân biệt lớn nhất giữa những người tin Đức Chúa Trời Chân Thần và những người thờ phượng thần tượng là: các thần tượng ấy dù bằng vàng bạc, hoặc chỉ là trong tinh thần, không thể nào đem so sánh với Đức Chúa Trời Chân Thần.  Đức Chúa Trời Chân Thần đã mạc khải chính Ngài qua Thánh Kinh, qua Đức Chúa Giê-xu, qua cõi thiên nhiên và chính lương tâm của con người.

Danh hiệu của Chân Thần
Kinh Thánh cũng cho biết Đức Chúa Trời đã tự giải bày chính Ngài cho loài người bằng cách cho biết tên của Ngài. Danh xưng của Chúa thể hiện bản chất của Ngài.

1.    Khi Môi-se, lãnh tụ của dân Do Thái,  đang chăn chiên, Đức Chúa Trời đã cho Môi-se biết tên của Ngài là Giê-hô-va hay Ya-vê. Giê-hô-va hay Ya-vê nghĩa là: Ta là Đấng Ta Là, hay Ta sẽ là Đấng Ta Sẽ Là. Danh hiệu ấy cho biết tính toàn năng của Đức Chúa Trời, nghĩa là Đức Chúa Trời không bị điều gì ngăn trở và Ngài  có toàn quyền làm những gì Ngài muốn.

2.    Đức Chúa Trời cũng công bố một số danh xưng khác của Ngài trong Kinh Thánh để chúng ta hiểu thêm về bản chất của Ngài. Đức Chúa Trời là Đấng đầy lòng nhân từ, thương xót, chậm giận, yêu thương, thành tín, trường tồn, …, tha thứ, nhưng không coi kẻ có tội là vô tội. Những danh hiệu của Chúa trong Thánh Kinh nói lên đức tính của Ngài, thể hiện bản chất lẫn vai trò của Ngài. Những việc Đức Chúa Trời đã làm, được Kinh Thánh ghi lại, xác nhận và minh chứng chân lý đó. Sứ đồ Giăng chép Đức Chúa Trời vừa là ánh sáng lại vừa là tình yêu, điều đó cho thấy hai phương diện trong bản tính của Đức Chúa Trời. Ngài yêu thương mà công bình. Ngài yêu thương thánh khiết và thánh khiết yêu thương. Giăng viết lại những điều này để giúp độc giả học biết Đức Chúa Trời qua chính Đức Chúa Giê-xu.

3.    Đức Chúa Giê-xu đã dạy các môn đệ Ngài phải nhân Danh Cha, Con và Thánh Linh mà làm báp tem. Chữ Danh trong câu này thuộc về số ít, nghĩa là chỉ có một danh chung cho cả Ba Ngôi. Đây là một vấn đề khó giải thích trong tín lý. Ba Ngôi Đức Chúa Trời được trình bày làm ba phần trong Bản Tín Điều Các Sứ Đồ.  Ba phần đó là Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh.

Ba Ngôi Hợp Nhất là một điều huyền nhiệm, một thực sự siêu việt mà trí óc loài người không đủ khả năng quan niệm. Huyền nhiệm này không khác gì những thực tại về Đức Chúa Trời như tính chất vĩnh hằng, vô hạn, toàn tri, quan phòng, v.v.  Toàn bộ bản chất và đức tính của Đức Chúa Trời đều vượt quá sự hiểu biết của chúng ta. Làm sao Đức Chúa Trời vĩnh hằng lại có thể vĩnh hằng trong cả số ít lẫn số nhiều? Làm sao Cha, Con và Thánh Linh có cá tính riêng biệt mà vẫn là một? Dù chúng ta không hiểu thấu, nhưng chúng ta vẫn có thể tin. Nếu những gì mình không hiểu, nhưng không tin, thì những điều ấy vẫn tồn tại, vẫn hiện diện; chỉ có riêng mình bị thiệt thòi vì không nhận được những phước hạnh và lợi ích từ những điều đó mà thôi.

Đức Chúa Giê-xu đã cầu xin Cha và hứa với các môn đệ của Ngài rằng Cha và chính Ngài sẽ đưa Thánh Linh đến để thay thế Đức Chúa Giê-xu tiếp tục công việc trên đất. Lịch sử Cơ Đốc giáo cho thấy những người thành tâm tin Chúa đều kinh nghiệm rằng khi thờ phượng Đức Chúa Trời, họ biết Đức Chúa Con vẫn ở bên cạnh mình và Thánh Linh đang ngự trong tâm hồn mình.

Việc cứu rỗi chúng ta cũng có Ba Ngôi Đức Chúa Trời tham dự. Chúa Cha hoạch định chương trình, Chúa Con thực hiện, và Chúa Thánh Linh áp dụng.

Nguyễn Sinh
Tín Lý Căn Bản

Phần Kinh Thánh đọc thêm:
Rô-ma hay La-mã 8:1-17; 2 Cô-rinh-tô 13:14; Ê-phê-sô 1:3-14; 2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13; I Phi-e-rơ 1:2; Giăng 1:1-18.

Câu hỏi để suy nghĩ và ôn bài học:
1.    “Theo Kinh Thánh, phân chia lớn nhất là giữa những người tin Đức Chúa Trời Chân Thần và những người phụng thờ thần tượng.” Câu này có nghĩa gì, bạn có đồng ý hay không? Tại sao?
2.    Danh hiệu Giê-hô-va nghĩa là gì?
3.    Tại sao Chúa Giê-xu truyền bảo các môn đệ nhân Danh (số ít) Cha, Con và Thánh Linh khi làm báp tem?

 

 

Leave a Comment

©2012-2019 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top