Tín Lý Căn Bản – Bài 1: Tôi Tin
Bài 1: Tôi Tin
Câu mở đầu của Bản Tín Điều Các Sứ Đồ là: “Tôi tin Đức Chúa Trời.” Chữ “Tôi tin” được dịch từ chữ Credo trong tiếng La tinh.
Khi một người được hỏi họ tin gì, thông thường người đó không chỉ trả lời khác nhau nhưng còn đưa ra những câu trả lời với ý nghĩa khác nhau. Thí dụ: Tôi tin có ma, nghĩa là người ấy cho rằng ma có thật. Người khác trả lời: Tôi tin chủ nghĩa xã hội, nghĩa là người ấy tin các nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội là đúng và có lợi. Nhưng khi những người Công Giáo, Tin Lành và Cơ Đốc Giáo Chính Thống nói rằng: Tôi tin Đức Chúa Trời, thì câu nói này có nghĩa gì? Câu trả lời này khác hẳn với đối tượng của niềm tin là ma hay là chủ nghĩa xã hội. Tôi có thể tin là có ma, nhưng tôi không bao giờ đi tìm ma; hoặc tin chủ nghĩa xã hội là tốt, nhưng không bỏ phiếu bầu cho người thuộc đảng xã hội. Vì trong hai trường hợp đó, niềm tin chỉ là một vấn đề thuộc về tri thức, hiểu biết mà thôi.
Trong trường hợp câu trả lời Tôi tin Đức Chúa Trời thì hoàn toàn khác hẳn. Trong Tín Điều, tôi tin Đức Chúa Trời có nghĩa là không những là tôi tin một số điều về Đức Chúa Trời, tôi còn có giao ước, cam kết, tin cậy và hợp nhất với Chúa nữa. Khi tôi nói: Tôi tin Đức Chúa Trời là tôi xác nhận niềm tin rằng Chúa đã mời gọi tôi vào cuộc cam kết, giao ước này, và tôi đã nhận lời mời của Chúa.
Ý Nghĩa Của Chữ Tin
Khi nói đến TIN ta cũng cần hiểu thêm về ý nghĩa của từ ngữ này. Trong tiếng Hi-lạp, niềm tin là PISTIS, là danh từ do gốc của động từ PISTEUO, nghĩa là tin vào điều gì, vào người nào. Tin như thế mang nghĩa ký thác, nương cậy hơn là chỉ tin thường. Vì thông thường, tin chỉ là một ý niệm, còn TIN trong nghĩa chúng ta đang tìm hiểu là tin vào một cái gì, một đối tượng; tương tự như tin một bác sĩ, tin một món thuốc, tin vào chiếc xe v.v.; nghĩa là có thái độ tiếp nhận, đối đãi một người hay một vật, vì người hay vật đó đáng tin và đáng cho ta giao thác hay cam kết một điều gì.
Trong trường hợp nói rằng: Tôi tin Đức Chúa Trời, thì ý nghĩa còn xa hơn nữa. Tôi tin vào chiếc xe của tôi bằng cách ngồi lên, mở máy chạy đến những chỗ tôi cần. Tôi tin một bác sĩ khi tôi bằng lòng cho người ấy chẩn bệnh và chữa bệnh cho tôi. Đối với Chúa, khi tôi nói tôi tin Chúa, nghĩa là tôi bằng lòng để Chúa quản trị, điều khiển đời tôi bằng cách tiếp nhận Chúa Giê-xu, Con Đức Chúa Trời là Chúa và là Đấng Giải Cứu tôi; và cũng có nghĩa là tôi nương dựa vào lời hứa được ban phúc lành trong đời này và đời sau. Như thế tôi tin Đức Chúa Trời nghĩa là tôi đáp ứng điều Đức Chúa Trời truyền dạy.
Trong cuộc sống, đôi khi chữ tin chỉ mang ý nghĩa là ý thức được rằng có một Đấng cao cả, từng hồi từng lúc qua thiên nhiên, qua lương tâm hay nghệ thuật đã được yêu mến, hay bất cứ điều gì đã đụng chạm được đến tâm hồn của những kẻ cứng cỏi nhất. Tất nhiên những người ấy có xúc động thật hay không chỉ có Chúa mới biết thôi. Tuy nhiên, Đức Tin Cơ Đốc chỉ thực sự bắt đầu khi ta lưu tâm đến sự mạc khải của Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-xu, và nhờ đó chúng ta gặp Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa, Đấng đã truyền cho mọi người ở mọi nơi trên mặt đất phải ăn năn và tin nhận Chúa Giê-xu. Đức tin theo nghĩa này là: nghe, ghi nhận và làm theo điều Đức Chúa Trời phán dạy.
Vấn Đề Nghi Ngờ
Khi đọc Kinh Thánh chúng ta thấy có mạc khải của Chúa về Đức Chúa Trời chân thật và đầy quyền năng; tuy nhiên người mới đến với Chúa có khi còn nghi ngờ.
Nghi ngờ là gì? Nghi ngờ là một tình trạng chia trí, Gia-cơ gọi là phân tâm. Tình trạng này trong niềm tin hay ngoài niềm tin cũng có. Trong niềm tin mà nghi ngờ thì ta thấy dường như niềm tin có bệnh và khác lạ. Ngoài niềm tin mà nghi ngờ thì có nghĩa là đang trăn trở giữa việc hướng về phía niềm tin hay là lìa xa Đức Chúa Trời và không muốn gặp Ngài.
Làm thế nào để giúp người nghi ngờ? Trước tiên ta cần giải thích rõ vấn đề, vì nghi ngờ nhiều khi là do hiểu lầm. Kế đến, ta cần trình bày tính cách hợp lý của niềm tin Cơ-đốc và các lý do phải chấp nhận. Vì tín lý Cơ-đốc mặc dù vượt trên lý luận, nhưng không nghịch lý. Thứ ba, cần tìm xem những gì đã gây ra nghi ngờ. Vì nghi ngờ không bao giờ cưỡng ép lý luận, và thái độ e dè đối với đạo Chúa thường sâu sắc hơn những điều gì thích hay không thích, chạm tự ái, hoặc vì giao dịch, vì trí thức và vì văn hóa, … Đó là những hàng rào trở ngại mà người nghi ngờ không biết được.
Tính Cách Cá Nhân
Trong lúc thờ phượng, Bản Tín Điều được đọc chung, nhưng mở đầu vẫn là chữ “TÔI,” chứ không phải “Chúng Tôi”. Điều này có nghĩa mỗi người phải tự tuyên bố xác nhận niềm tin, tự nói ra triết lý sống của mình và đồng thời biểu lộ lòng vui mừng là đã được ở trong vòng tay của Chúa. Khi nói “Tôi tin…” tức là làm một hành động ca ngợi cảm tạ.
Nguyễn Sinh
Phần Kinh Thánh đọc thêm:
Rô-ma (La-mã) 4; Hê-bơ-rơ 11; Mác 5:25-34.
Câu hỏi để suy nghĩ và ôn bài học:
1. Nghĩa chính của “Tin” là gì?
2. Chữ “TÔI” mở đầu cho Bản Tín Điều quan trọng như thế nào?
3. Bạn có những nghi ngờ nào về Cơ-đốc-giáo mà bạn phải giải quyết cho chính mình và cho người khác không?