Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Niềm Tin và Cuộc Sống » Theo Dấu Chân Chúa: Chương 8

Theo Dấu Chân Chúa: Chương 8

THEO DẤU CHÂN CHÚA

Chương 8

“Nếu người nào muốn theo Ta, phải từ bỏ mình đi, vác thập tự giá mình mỗi ngày mà theo Ta”

Trong phòng làm việc, Mục sư Henry Maxwell đi đi lại lại suy nghĩ: “Tối nay mình sẽ chia xẻ gì với Hội thánh đây?”  Ông đưa mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, những ống khói cao của xưởng hỏa xa ngang tầm mắt ông.  Phía Rectangle xa xa, nóc căn lều của nhà truyền giáo Gray nhô lên lấp ló.  Một vài phút sau, Henry ngồi vào bàn làm việc.  Một thoáng quyết định, ông đặt bút viết hàng chữ in lớn trên tờ giấy để sẵn: “MỘT SỐ VIỆC MÀ CHÚA GIÊ-XU SẼ LÀM TRONG HỘI THÁNH NÀY:

  1. Sống giản dị và thẳng thắn.  Không xa hoa cũng không khổ tu, ép xác.
  2. Mạnh dạn lên án những cách sống giả hình trong Hội thánh.  Không thiên vị ai.
  3. Tỏ tình thương và sự quan tâm thành thật đối với người nghèo khổ lẫn người giàu có.  Không phân biệt giai cấp.
  4. Sẵn sàng dấn thân và chịu khổ vì công việc Chúa một cách thực tế.
  5. Cố gắng gần gũi, tiếp cận và làm chứng về Chúa Giê-xu cho người dân lao động ở Rectangle.
  6. Không ủng hộ, không đồng tình với những quán rượu ở Raymond và Rectangle.
  7. Từ bỏ ý định đi nghỉ hè năm nay ở Âu châu.  Dùng số tiền đó giúp người nghèo, thất nghiệp.

Viết đến đây, Henry bỗng nhớ đến người đàn ông vô gia cư xấu số hôm nọ vô cùng.  Ông bị ám ảnh mãi về những lời anh ta nói trước Hội thánh trong buổi nhóm hôm đó.  Rõ ràng công việc Chúa tại Raymond có chiều rộng mà thiếu chiều sâu – ông tự đánh giá như vậy.  Ông đang nỗ lực tìm hiểu và rút ra các phương pháp, để có kế hoạch bước theo chân Chúa Giê-xu cách hiệu quả hơn.  Nếu cứ để tình trạng hầu việc Chúa một chiều hời hợt như thế này mãi thì ông thấy tâm linh đau đớn vô cùng.  Sinh hoạt tôn giáo ở Raymond sẽ dần dần trở thành phương tiện sống đầy ích kỷ của tầng lớp quý tộc thượng lưu ở thành phố sầm uất này.  Đồng thời Tin Lành mất dần quyền năng và mục tiêu của Chúa Giê-xu bị con người đánh mất một cách đáng tiếc.

Mục sư Henry cảm thấy vấn đề thể hiện tinh thần của Chúa Giê-xu một cách cụ thể trong mọi khía cạnh đời sống Cơ-đốc nhân là sự cần thiết.

Mãi suy nghĩ, ông không nghe tiếng chuông cửa rung liên hồi.  Một lát sau, người giúp việc chạy vào báo cho ông biết có một người khách tên là Gray muốn gặp ông.

Mục sư Henry ra tận đầu cầu thang đón Gray bằng một cái bắt tay thân thiện:

– Chào ông Gray!

– Chào mục sư! – Gray chào lại, xong ông ta đi thẳng vào vấn đề:

– Thưa mục sư! Tôi cần sự giúp đỡ của ông.

– Thế nào?  Tình hình ở Rectangle ra sao?

– Hôm qua chúng tôi tổ chức buổi nhóm truyền giảng.  Cô Rachel có tham dự và thật là phước hạnh, giọng hát kỳ diệu của cô ta đã lôi cuốn hàng bao nhiêu người.  Căn lều thì nhỏ mà người đến dự nhóm, nghe Rachel Winslow hát thì quá đông nên căn lều chật cứng!

– Tôi có nghe điều đó hồi sáng.  Lần đầu tiên người dân ở Rectangle được nghe Rachel hát hay như thế, chắc họ được khích lệ nhiều lắm phải không?

– Đúng vậy, thưa mục sư.  Điều ấy là một khải tượng kỳ diệu cho chúng tôi.  Đó chính là một biến cố khích lệ sự hầu việc Chúa của chúng tôi ở Rectangle.  Hôm nay tôi ghé thăm mục sư và xin mục sư có thể sắp xếp đến Rectangle ban phát Lời Chúa cho tân tín hữu cùng với thân hữu vào tối nay không? Mấy bữa nay tôi bị cảm lạnh, giọng nói khàn quá e rằng tôi không giảng được nên tôi vội đến đây.  Tôi biết rõ ông rất bận rộn nhưng tôi không muốn bỏ buổi nhóm tối nay.  Nếu ông giúp được thì thật tốt cho chúng tôi.

– Tôi xin lỗi, tối nay tôi phải chia xẻ Lời Chúa ở buổi nhóm cầu nguyện của Hội thánh.

Mục sư Henry ngưng lại vài giây suy nghĩ, chợt khuôn mặt ông rạng rỡ lên, tựa như ông đã tìm thấy được một giải pháp nào đó để khắc phục sự bận rộn:

– À, mà thôi, tôi sẽ cố gắng sắp xếp thật ổn thỏa để có mặt ở căn lều của ông ở Rectangle vào tối nay kịp giờ nhóm.  Ông cứ tin tưởng nơi tôi!

– Tôi xin cảm ơn mục sư trước!  Thôi, xin chào ông, hẹn gặp lại vào tối nay! – Gray toan bước đi.

Mục sư Henry nắm lấy tay Gray:

– Ông Gray!  Sao ông không nán lại đây thêm ít phút nữa.  Hai chúng ta sẽ cùng hiệp ý cầu nguyện với Chúa.

– Vâng! – Gray trả lời đồng tình một cách đơn giản.

Thế rồi, hai người cùng nhau quỳ gối xuống ngay trong phòng làm việc của Henry, cầu nguyện cách tha thiết.

Mục sư Henry cầu nguyện đơn sơ như một đứa trẻ nhưng rất cảm động.  Ông xin Chúa ban cho ông sự khôn ngoan và năng lực để ông có thể chia sẻ sứ điệp của Chúa cho dân chúng ở Rectangle vào tối nay.

Dứt lời cầu nguyện, Gray đứng lên bắt tay Henry:

– Xin Chúa ban phước cho mục sư.  Tôi tin chắc Đức Thánh Linh sẽ ở cùng ông và ban quyền năng cho ông trong sự giảng dạy đêm nay.

Mục sư Henry yên lặng.  Ông không dám tin ngay vào lời chúc đó của Gray, ông cũng không dàm dựa vào năng lực của chính mình.  Nhưng chợt nhớ đến sự hứa nguyện với Chúa Giê-xu, ông cảm thấy bình an đang tràn ngập trong lòng ông.

…. Trời nhá nhem tối, Mục sư Henry bước vào phòng nhóm cầu nguyện của Hội thánh và ngạc nhiên vô cùng khi thấy phòng nhóm chật ních những người là người.  Trong phòng nhóm xuất hiện nhiều khuôn mặt mới, họ đã được Chúa kêu gọi vào công việc Chúa và bắt đầu những buổi nhóm cầu nguyện tối nay.

Chờ một vài phút cho mọi người ổn định, Mục sư Henry bước lên phía trước và ôn tồn đi ngay vào vấn đề:

– Thưa các bạn! Tôi được Chúa kêu gọi đi Rectangle ngay tối nay.  Tôi xin vắng mặt ở đây sau một vài phút nữa.  Bây giờ tôi muốn một số người có mặt hôm nay hãy đi cùng tôi đến Rectangle để phụ giúp ông Gray lo công việc Chúa ở đó tối nay.  Còn lại, các bạn cứ tiếp tục tiến hành nhóm cầu nguyện bình thường để xin quyền năng Đức Thánh Linh đồng công với chúng ta lo công việc Chúa trong những ngày đến.

Hưởng ứng lời đề nghị của Mục sư Henry, có sáu người tình nguyện đi với ông đến Rectangle.  Khi họ đến nơi, căn lều đã đông nghẹt người.  Họ phải chen chân một cách khó khăn mới đến được hàng ghế đầu gần bục giảng.  Rachel và Virginia Page cùng với Jasper Chase cũng đã có mặt ở đó.  Buổi nhóm được bắt đầu bằng một bài đơn ca của Rachel.  Kế đến, cả hội chúng cùng hát một bài thánh ca.  Căn lều có vẻ ngột ngạt vì quá đông người.

Rachel đứng lên kêu gọi mọi người hãy tham gia vào ca đoàn để tập hát tôn vinh Chúa.  Bên ngoài căn lều, lố nhố nhiều gương mặt lấm lem, đa số là thanh thiếu niên và có cả mấy cụ già gầy guộc vây quanh nhìn vào trong lều, tò mò giương mắt quan sát buổi nhóm và nghe Rachel hát.  Sau lời cầu nguyện khai lễ của một mục sư, ông Gray đứng lên trình bày lý do tối nay ông không thể giảng được rồi ông trân trọng giới thiệu:

– Kính thưa quý ông, bà, anh, chị, em!  Tối nay chúng ta sẽ được nghe một mục sư giảng dạy Lời Chúa.

– Mục sư nào vậy? – Từ bên ngoài lều, một giọng đàn ông khàn khàn vang lên.

– Đó là Mục sư Henry Maxwell của Hội thánh Tin Lành Raymond.  Đồng thời, tối hôm nay cũng có một số anh em con cái Chúa ở Hội thánh Raymond cùng đi với Mục sư Henry đến dự nhóm với chúng ta.

Sáu người cùng đi với Henry đồng loạt đứng dậy quay người xuống chào Hội thánh.

– Có phải ông vừa nói đến vị mục sư ở Hội thánh Tin Lành Raymond hả?  Ồ, Tôi biết ông Henry ấy.

Ông chủ quán rượu trước căn lều hỏi Gray.  Hỏi xong, ông ta cười thành tiếng đầy sự chế nhạo.

– Hãy nghĩ đến thực tế cuộc sống, giữa dòng đời tăm tối.  Hãy cố gắng vượt qua sóng gió tối tăm, ơi người ơi!

Một người say rượu nào đó đi ngang qua căn lều và hát nghêu ngao.  Hát xong, hắn ta cười man dại.  Mọi người trong căn lều đều quay lại nhìn về hướng gã say rượu.  Có những tiếng la lớn:

– Bắt nó im đi! 

– Hãy hát, hát lớn đi!  Cô ca sĩ hồi nãy đâu rồi?  Hãy hát cho chúng tôi nghe một bài ngợi khen Chúa đi!

– Xin Mục sư Henry bắt đầu đi!

Một sự ồn ào hỗn độn nối tiếp nhau ở phía dưới làm át tinh thần Henry.  Ông đứng lên, chậm rãi tiến về phía bục giảng.

Ông đang dồn sự bình tĩnh cho lời mở đầu.  Ông biết rõ rằng hiện tại không phải ông đang đối diện để giảng cho những người sang trọng và có tư cách ở trên Raymond với những lời văn vẻ trau chuốt.  Ông đang đứng trước một tập thể đủ hạng người, ồn ào và phức tạp ở Rectangle bê bối này.

Henry bắt đầu nói nhưng chẳng mấy ai chú ý nghe.  Họ mãi xì xầm về gã say rượu nên ồn ào vô cùng.  Ông Gray bước xuống đi đến từng hàng ghế nhắc nhở mọi người giữ trật tự nhưng chẳng ăn thua gì.  Đến lúc Henry cất cao giọng, đưa tay lên cao ra hiệu xin yên lặng, họ mới bắt đầu chú ý, hướng về phía ông.  Nhưng bên ngoài lều tiếng ồn ào lại nổi lên gấp bội.  Thấy tình hình trật tự càng lúc càng tệ, Mục sư Henry Maxwell buồn rầu, nói nhỏ với Rachel:

– Hay là cô Rachel lên hát tiếp một bài gì nữa đi!  Tôi hi vọng họ sẽ lắng nghe cô!

Rachel vâng lời Henry, sửa lại y phục một chút, xong cô bước lên bục giảng thế vào chỗ của Henry vừa rời khỏi.  Cô ra hiệu cho Virginia dạo đàn điệp khúc bản thánh ca 271 và cô hát ngay vào lời điệp khúc ấy:

“Giê-xu dắt tôi, Giê-xu dắt tôi

Chính tay Giê-xu hằng dẫn dắt tôi.

Nguyện làm môn đồ tín trung suốt đời

Bởi tay Giê-xu dìu dắt không rời…”

Thật lạ thay, mọi sự ồn ào ở trong lẫn ngoài lều đều im bặt khi tiếng hát của Rachel vừa cất lên.  Mọi người đều tập trung hướng về phía Rachel, yên lặng nghe cô hát.  Những cặp mắt mở to, những cái miệng há hốc lộ vẻ kinh ngạc lẫn thán phục, như muốn nuốt từng lời từng chữ từ miệng của Rachel thoát ra.

“… Dẫu có khi gặp nguy cảnh nghịch thời…

Nắm tay Giê-xu thật chẳng nao lòng…”

Mục sư Henry nhìn thấy sự thay đổi tình hình nhanh chóng của đám đông ồn ào vừa ban nãy, ông cảm động vô cùng.  Ông thầm cám ơn Chúa và cám ơn Rachel.

Bỗng nhiên, có một số người trong đám quần chúng lem luốc, lộn xộn đang chen chân bên ngoài cửa lều bật khóc và run rẩy.  Mục sư Henry cảm nhận được rằng đang có sự hiện diện của Đức Thánh Linh trên buổi nhóm.

Về phần Jasper Chase, anh ta ngồi nhìn Rachel hát một cách say sưa như dán mắt vào khuôn mặt xinh đẹp và rạng rỡ của cô ấy.

Thật bất ngờ cho Rachel, giữa đám đông nhớp nháp bụi đất hôm nay lại có mặt của Rollin – em trai Virginia.  Anh chàng vận trang phục thật đẹp đẽ và lịch sự.  Mọi người quanh Rollin trố mắt nhìn vào anh ta và có người lẩm bẩm: “Một gã công tử bột!”

Rollin không chú tâm đến mọi người mà chỉ lo lấn chân, chen dần lên phía trước để được ngắm Rachel cho rõ hơn.  Vẻ đẹp và giọng hát trong ngần của Rachel đã thu hút anh ta tưởng chừng như trọn vẹn.

Khi Rachel vừa ngừng hát, Mục sư Henry vội đứng lên giữa sự chú ý của mọi người.  Ông bắt đầu cho bài chia xẻ bằng lời chào chậm rãi, nhã nhặn:

– Xin chào tất cả quý ông bà anh chị em!

Ông tiếp tục trình bày cho thính giả về sứ điệp cứu rỗi của Đức Chúa Trời, chỉ ra thực trạng của con người, và cách giải quyết…

Trong những giờ phút quý báu mà Mục sư Henry được chia xẻ Lời Chúa cho quần chúng, tâm trí ông mở ra, ông được thúc giục với câu hỏi: “Chúa Giê-xu sẽ làm gì?” đối với đám đông nghèo khổ và rách rưới này.  Ông nhớ lại rằng, trong Kinh Thánh có ghi rõ cuộc đời yêu thương tuyệt vời của Chúa Giê-xu dành cho người nghèo là thể nào.  Tại sao giờ đây mình lại không thể bắt chước tâm tình của Chúa đối với đám người khổ cực ở Rectangle này?  Tin Lành và tình thương của Chúa đâu chỉ để dành riêng cho người giàu có, trí thức mà thôi, người nghèo cũng phải được đón nhận ân điển của Chúa Giê-xu nữa chứ!  Càng suy nghĩ, Mục sư Henry càng cảm thấy mình thiếu sót và xúc động chân thành khi đưa mắt nhìn khắp lượt những người dân lam lũ ở Rectangle này.

Buổi nhóm được chấm dứt vào lúc 9 giờ tối. Mọi người rời khỏi lều nhanh chóng.  Kể từ ngày ông Gray đến dựng lên căn lều đến nay, cứ đến giờ nhóm thì các quán rượu quanh lều vắng khách vì mọi người bận đổ xô lại vây quanh lều xem nhóm và nghe hát.  Còn khi buổi nhóm vừa kết thúc thì sau đó vài phút, các quán xá lại nổi nhạc xập xình, người vô kẻ ra nhậu nhẹt nhộn nhịp.  Henry cùng với Virginia, Rachel và Jasper Chase đi ngang qua các quán rượu, các quán bia, đầy những gã đàn ông ngật ngưỡng, tóc tai bù xù, râu ria lởm chởm.

– Đây là một địa điểm kinh khủng!

Mục sư Henry chép miệng bình luận.

– Tôi chưa bao giờ tưởng tượng được rằng Raymond lại có một ung nhọt đau đớn thể này.  Một thành phố có tín đồ Cơ-đốc đông đảo như Raymond mà lại quá dửng dưng đối với những con người bê bối thối tha ở Rectangle như thế kia sao?

– Thưa mục sư! Ông có hi vọng rằng, một người nào đó sẽ có khả năng dẹp bỏ và hủy phá được tệ nạn rượu chè be bét kia không?

Jasper Chase vừa hỏi vừa đưa tay chỉ về phía một quán rượu nằm ở phía bên kia đường.

– Tại sao lại phải hi vọng vào một người khác nhỉ?  Anh em con cái Chúa chúng ta có thể làm được điều ấy.  Chúa Giê-xu sẽ làm gì?  Chẳng lẽ Ngài chịu nín lặng sao?  Ngài sẽ đồng tình cho tội lỗi và sự chết lan tràn sao?  Tôi đang nghĩ: Tại sao chúng ta không hiệp sức hiệp lòng để xóa bỏ những tội lỗi làm ô uế đồng loại chúng ta được nhỉ?  Có phải chúng ta giả điếc và làm ngơ một cách vô tội vạ trước bao nhiêu tội nhân đang ngập ngụa trong tội lỗi?

Dường như Henry đang nói với chính mình.  Giọng ông trầm xuống và nhỏ lại trong sự hối tiếc.  Thỉnh thoảng ông lại chép miệng một cách đau đớn trên suốt đoạn đường trở về Raymond tối hôm đó.

Suốt cả ngày hôm sau, Henry cứ ngồi lì trong phòng làm việc và suy nghĩ mãi về vấn đề ở Rectangle “Chúa Giê-xu sẽ làm gì với vấn đề này?”  Đó là câu hỏi trực diện trong đầu ông luôn luôn.  Đến chiều, có tiếng gõ cửa, vợ ông mang vào cho ông một tờ báo “Tin Tức Hằng Ngày” có đăng bài xã luận của Edward Norman với hàng tít lớn “MẶT ĐẠO ĐỨC CỦA NHỮNG VẤN ĐỀ CHÍNH TRỊ”.  Bài xã luận nói rằng: “…liệu các biện pháp và các nguyên tắc mà các đảng chính trị đưa ra có phù hợp với sự dạy dỗ và tinh thần của Chúa Giê-xu, tác giả của tiêu chuẩn sống vĩ đại nhất mà con người đã được biết và học hỏi hay không?  Khía cạnh đạo đức của mỗi vấn đề chính trị sẽ được coi là quan trọng nhất nếu khía cạnh đạo đức đó phù hợp với tiêu chuẩn sống mà Chúa Giê-xu đã sống và dạy dỗ con cái Đức Chúa Trời”.  Bài xã luận còn nêu rõ ý mới mẻ sau: “Nếu có ai đến xin việc  làm ở tòa soạn, người đó có phẩm cách đạo đức tốt, có nếp sống phù hợp với nếp sống của Chúa Giê-xu thì tòa soạn sẽ nhận vào làm ngay, bất kể người đó đang trực thuộc đảng phái chính trị nào…”

Henry lướt mắt khắp tờ báo.  Ông vừa sửng sốt vừa cảm động đến trào lệ.  Trên khuôn báo, những cột quảng cáo rượu bia, thuốc lá không còn đăng nữa.  Cả những vụ xì-căng-đan về đời tư của người này người kia cũng vắng mặt.

Bà Henry nói cho chồng biết rằng khi tờ “Tin Tức Hằng Ngày” chiều nay được phát hành, Raymond xôn xao dư luận.  Nhiều lá thư phản hồi tới tấp đến tòa soạn.  Các độc giả mua báo dài hạn bị kích động dữ dội.  Họ hoang mang và xì xầm về đường lối hành động của tòa soạn.  Nhiều người còn mạnh dạn tuyên bố rằng với kiểu này tòa soạn tờ “Tin Tức Hằng Ngày” sẽ sập tiệm trong nay mai.  Đồng thời, khi họ đọc được bài xã luận của Edward – chủ bút tờ báo, họ càng ngẩn người ra, cho rằng đây là sự kiện lạ hoặc giả là ông chủ bút đã bị khùng thực sự!

Đến tối, sau bữa cơm, Henry cầm lấy tờ báo đọc lại bài xã luận lần nữa.  Ông thật kinh ngạc khi nhìn thấy phía dưới mỗi bài bào, tác giả đều ký tên cẩn thận và có ghi rõ cả họ tên của mình.  “Như thế có nghĩa là ông Edward đã trung tín giữ lời hứa nguyện của ông với Chúa rồi.  Ông đã buộc các phóng viên của ông phải ký tên dưới các bài báo.  Các phóng viên phải chịu trách nhiệm công khai với nội dung bài viết của mình.  Với cách này, Edward Norman đã loại ra khỏi trang báo các bài viết ẩu, viết bừa kém chất lượng.  Edward cừ thật!  Ông ta đã áp dụng nguyên tắc đặt và trả lời câu hỏi “Chúa Giê-xu sẽ làm gì?“ vào trong công việc của tòa soạn rồi đấy!…”  Mục sư Henry thầm nghĩ như thế.

– Mary ơi! – Thình lình, Henry gọi vợ – Nghe anh đọc nè!

– Về điều gì thế? 

Vợ ông nhìn vào bài báo mà ông đang đọc dở.

– “… Sáng nay, Alexander Powers quản đốc xí nghiệp L và T.R.R. trong thành phố Raymond đã nộp đơn xin từ chức.  Ông quản đốc cho biết lý do của việc từ chức là vì ông ta có những bằng cớ chắc chắn về sự vi phạm luật thương mại liên bang và cũng như luật của tiểu bang trực thuộc mà gần đây đã được đưa ra nhằm ngăn chặn và trừng phạt những công ty nào hoặc bất kỳ ai có số lượng hàng hoá được chuyên chở quá quy định hoặc gây quỹ tín dụng quá mức cho phép.  Ông Alexander tự khẳng định mình là một trong những nhân chứng chống lại hỏa xa về vấn đề này.  Ông đã chuyển các bằng chứng chống lại công ty Hỏa xa đến Ủy ban và đề nghị Ủy ban phải hành động.  Ông Alexander đã làm cho đồng nghiệp trong giới kinh doanh với ông kinh ngạc vô cùng.  Người ta cho rằng hành động điên rồ của ông đã chôn vùi sự nghiệp đồ sộ của ông một cách đáng tiếc.  Trong tình thế này, Alexander chẳng thu được lợi lộc gì.  Ngược lại, ông ta đã tự đánh mất một địa vị xã hội có giá.  Nếu Alexander im lặng hoặc làm ngơ trước những vụ việc như vậy thì ông ta sẽ giữ được địa vị của ông là điều chắc chắn.  Với sự kiện này, người công dân lương thiện rất vui mừng và đồng tình ủng hộ Alexander.  Trong đơn tố cáo kèm theo đơn xin từ chức, Alexander có chỉ ra những sự làm ăn bê bối cốt thu được nhiều lợi nhuận tối đa bất kể các hoạt động kiếm tiền đó gây ra hoặc để lại hậu quả gì cho quần chúng, nhất là những người lao động nghèo khổ.  Alexander cam đoan một điều rằng nếu Ủy ban liên bang cứ để xảy ra tình trạng này, không chóng thì chày các tiêu chuẩn đạo đức xã hội con người sẽ bị phá hoại nghiêm trọng, người ta không thể sống trong một xã hội bất lương tự do mà pháp luật lại làm ngơ với họ.  Theo sự phán đoán của chúng tôi, có lẽ ông Alexander đã hành động vì một động cơ thôi thúc đặc biệt: ông ta làm vì Chúa Giê-xu của ông ta.  Ông ấy đã làm một công việc mà chỉ có một Cơ-đốc nhân mới có thể làm.  Đó là một công việc hữu ích cho tiểu bang và công luận nói chung.  Cũng phải công nhận rằng đó là một hành động can đảm và hiếm có trong giới kinh doanh.  Bước đi của Alexander đã khích lệ nhiều người tin tưởng vào quyền lực của luật pháp, góp phần khôi phục đạo đức con người.  Ông Alexander đã làm một việc của một người công dân yêu nước yêu người nghèo có thể làm.  Bây giờ, công chúng đang nóng lòng chờ đợi Ủy ban hành động và mong muốn luật pháp sớm thi hành.”

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top