Thánh Ca: Bài Ca Máng Cỏ
Tựa đề: Bài Ca Máng CỏBài Ca Máng Cỏ – Away in a Manger – là một thánh ca giáng sinh nổi tiếng. Bài hát được xuất bản lần đầu vào năm 1885 tại Philadelphia trong cuốn Little Children’s Book for Schools and Families; đây là một tài liệu Trường Chúa Nhật của Hội Thánh Tin Lành Lutheran Hoa Kỳ. Sau đó, bài thánh ca được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng nói tiếng Anh khắp thế giới. Theo kết quả cuộc thăm dò của Viện Gallup vào năm 1996, Away in a Manger (Bài Ca Máng Cỏ) được sắp đồng hạng nhì, cùng với O Come All Ye Faithful (Cùng Đến Thờ Chúa | Hỡi Môn Đồ Trung Tín), trong số những ca khúc giáng sinh được yêu thích nhất.
Lời Hát và Tác Giả
Cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn không rõ ai là tác giả của bài thánh ca Away in a Manger. Bài thánh ca gồm ba phiên khúc; hai phiên khúc đầu thường được cho là sáng tác của Martin Luther. Lý do của sự ghi nhận này là vì vào năm 1887, James R. Murray đã xuất bản tuyển tập Dainty Songs for Little Lads and Lasses for Use in the Kindergarten, School and Home tại Cincinnati, Ohio; trong đó có in lời chú thích về bài Away in a Manger là “được biên soạn bởi Martin Luther cho các con của ông, và vẫn còn được các bà mẹ người Đức hát cho trẻ em.” Tuy nhiên cho đến nay các nhà nghiên cứu không tìm thấy bài hát này trong các tác phẩm mà Martin Luther đã để lại; do đó hai phiên khúc đầu tiên của bài thánh ca Away in a Manger vẫn chưa rõ do ai sáng tác.
Tác giả phiên khúc thứ ba của bài thánh ca cũng là một vấn đề tranh luận. Theo truyền thống, phiên khúc thứ ba của bài thánh ca Away in a Manger được ghi nhận là do Mục sư Tiến sĩ John T. McFarland viết. Giám mục William F. Anderson đã giải thích về xuất xứ của lời thánh ca này như sau. “Từ năm 1904 đến năm 1905, tôi làm Tổng Thư Ký của Ủy Ban Giáo Dục. Lúc đó tôi muốn dùng bài hát Away in a Manger trong một chương trình dạy cho thiếu nhi. Tuy nhiên bài hát chỉ có hai phiên khúc. Khi đó, Tiến sĩ John T. McFarland, về sau làm Tổng Thư Ký của Ủy Ban Trường Chúa Nhật, có văn phòng cạnh văn phòng của tôi tại 150th Fifth Avenue, New York. Tôi nhờ ông viết phiên khúc thứ ba cho bài thánh ca. Khoảng một giờ sau, ông trao cho tôi lời hát. Phiên khúc này được in lần đầu và sau đó đã được phổ biến rộng rãi. Vinh dự đó được dành cho Tiến sĩ John T. McFarland.”
Tuy nhiên, theo các công trình nghiên cứu gần đây, phiên khúc thứ ba của bài hát không phải được xuất bản lần đầu sau năm 1904 như Giám mục William F. Anderson nghĩ. Phiên khúc này đã được Charles Hutchinson Gabriel (1856-1932) xuất bản vào năm 1892, trong cuốn Gabriel’s Vineyard Songs.
Charles Hutchinson Gabriel là một nhà biên soạn thánh ca rất nổi tiếng. Ông đã sáng tác khoảng 7000-8000 thánh ca với nhiều bút hiệu khác nhau và đã hiệu đính hơn 60 cuốn thánh ca. Charles Hutchinson Gabriel cho in cả ba phiên khúc của bài thánh ca cùng với phần nhạc do ông biên soạn. Về lời ca, Charles Hutchinson Gabriel ghi nhận là của Martin Luther; tuy nhiên bên cạnh phiên khúc thứ ba ông cho in chữ C, có lẽ là chữ viết tắt tên của ông. Vì phiên khúc thứ ba đã xuất bản 12 năm trước khi Giám mục William F. Anderson nhắc đến, do đó các nhà nghiên cứu cho rằng không phải Tiến sĩ John T. McFarland là tác giả.
Nguyên văn lời thánh ca của bài Away In A Manger trong tiếng Anh như sau:
1. Away in a manger, no crib for a bed,
The little Lord Jesus laid down His sweet head.
The stars in the sky looked down where He lay,
The little Lord Jesus, asleep on the hay.
2. The cattle are lowing, the Baby awakes,
But little Lord Jesus, no crying He makes;
I love Thee, Lord Jesus, look down from the sky
And stay by my cradle till morning is nigh.
3. Be near me, Lord Jesus, I ask Thee to stay
Close by me forever, and love me, I pray;
Bless all the dear children in Thy tender care,
And fit us for Heaven to live with Thee there.
Nhạc
Sau khi bài Away in a Manger được phổ biến, bài thơ được yêu thích và đã được phổ nhạc 49 lần. Trong số 49 bản nhạc đó, có 3 bài được lưu truyền rộng rãi. Cả ba giai điệu này mặc dầu có cùng một lời hát trong tiếng Anh nhưng đã được dịch sang tiếng Việt với ba lời hát và ba tựa đề khác nhau.
Giai Điệu Sweet Afton
Giai điệu đầu tiên của bài Away in a Manger là Sweet Afton, do Jonathan Edwards Spilman (1812-1896) sáng tác. Jonathan Spilman sinh ngày 15/4/1812 tại Greenville, Muhlenberg County, tiểu bang Kentucky. Sau khi tốt nghiệp Illinois College vào năm 1835, Jonathan Spilman tiếp tục học luật tại Transylvania Law School.
Jonathan Spilman cũng là một nhạc sĩ xuất sắc. Năm 1837, trong khi vẫn còn đi học trường luật, Jonathan Spilman đã phổ nhạc cho những bài thơ của Robert Burns, một thi sĩ trữ tình nổi tiếng của Scottland và là tác giả của bài Auld Lang Syne. Tập bài hát do Jonathan Spilman sáng tác được xuất bản với tựa đề Flow Gently, Sweet Afton; và một trong những ca khúc mà Jonathan Spilman xuất bản trong tập bài hát này về sau đã được dùng để hát với bài thánh ca Away in a Manger.
Sau khi tốt nghiệp trường luật, Jonathan Spilman hành nghề luật sư. Ông lập gia đình với Mary V.J. Menefee. Điều đáng tiếc, Jonathan và Mary sống chung với nhau không lâu. Mary V.J. Menefee mất sớm vào năm 1843. Hai năm sau, Jonathan Spilman tái giá. Ông cưới Eliza Sarah Taylor (1822–1866), là cháu gái của Tổng Thống Hoa Kỳ Zachary Taylor (1784-1850).
Sau 18 năm làm luật sư, Jonathan Spilman quyết định dâng mình đi hầu việc Chúa. Ông trở thành mục sư của Hội Thánh Presbyterian vào năm 1848. Mục sư Jonathan Spilman tiếp tục hầu việc Chúa hơn 40 năm. Ông về với Chúa vào ngày 23/5/1896, hưởng thọ 84 tuổi. Ca khúc Sweet Afton do Mục sư Jonathan Spilman sáng tác được dùng với bài Away in a Manger lúc ông vẫn còn sống.
Lời thánh ca Việt ngữ của bài Away in a Manger được hát với giai điệu Sweet Afton của Mục sư Jonathan Spilman là bài Nằm Yên Trong Máng Chiên. Bài hát được Ban Soạn Thảo Thánh Ca của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam đặt lời dưới hình thức một bài thơ gồm hai phiên khúc; mỗi phiên khúc có tám câu và mỗi câu có mười một chữ. Nguyên văn lời thơ như sau.
1. Nằm yên trong máng chiên kia nào được nôi nệm giường.
Đầu kê rơm khô thế gối, Ấu Chúa trong hiền lương.
Kìa bao tinh tú trên cao đều nhìn xuống nơi này.
Hài nhi Giê-xu an giấc! Thánh nhan hồn nhiên thay!
Bầy chiên kia bổng be be, chọc thức giấc Anh Hài.
Giê-xu không tiếng oe oe nằm tự nhiên khoan khoái,
Chúa ôi! Con yêu Ngài nhiều! Nguyện nhìn xuống từ trời,
Lại bên nôi ru con ngủ, Cứu Chúa Giê-xu ơi!
2. Cầu Giê-xu ở bên con! Hằng ngự trong lòng này.
Nguyện yêu thương con mãi mãi, đáp tiếng kêu cầu đây.
Bầy con thơ cúi xin ơn Ngài âu yếm hộ trì,
Và đem lên thiên quốc, hưởng phước hạnh trường hi.
Nằm yên trong máng chiên kia nào có nôi, nệm, giường.
Đầu kê rơm, dáng thơ ngây Hài Nhi trông vui sướng;
Các sao long lanh vằng vặc nhìn vào máng hèn nầy,
Hài Nhi Giê-xu an giấc. Thánh thể hồn nhiên thay!
Giai Điệu Cradle Song
Ca khúc thứ hai được dùng với bài Away in a Manger là giai điệu Cradle Song do William J. Kirkpatrick (1838 – 1921), một nhạc sĩ biên soạn thánh ca nổi tiếng của Hội Thánh Tin Lành Giám Lý sáng tác.
William J. Kirkpatrick sinh ngày 17/2/1838. Cha của ông là một giáo viên và cũng là một nhạc sĩ. Lớn lên trong môi trường âm nhạc, thừa hưởng năng khiếu của cha, từ tuổi niên thiếu William J. Kirkpatrick có thể sử dụng thành thạo nhiều nhạc cụ khác nhau trong đó có cello, fife, flute, organ, và violin.
Năm 1854, lúc 16 tuổi, William J. Kirkpatrick đến Philadelphia, Pennsylvania để học nhạc, học kinh doanh và học nghề thợ mộc. Tại đây, ông có dịp học thanh nhạc với Giáo sư Bishop. Năm 1855, William J. Kirkpatrick đã tham gia một số câu lạc bộ thánh nhạc như Harmonia, Handel, và Haydn Sacred Music Societies. Đồng thời ông cũng nhận lời làm nhạc trưởng cho Wharton Street Methodist Episcopal Church và dạy Trường Chúa Nhật tại nhà thờ này. Lúc đó, William J. Kirkpatrick mới được 17 tuổi. Kể từ đó, William J. Kirkpatrick quyết định tận hiến cuộc đời cho thánh nhạc.
Trong thời gian là nhạc trưởng cho Wharton Street Methodist Episcopal Church, William J. Kirkpatrick viết nhiều thánh ca nhưng không xuất bản. Tuyển tập thánh ca đầu tiên của ông mang tựa đề When the Spark of Life Is Waning phát hành vào 1858 tại New York, lúc William J. Kirkpatrick được 20 tuổi.
Năm 1861, William Kirkpatrick lập gia đình. Sau đó, ông nhận lời làm nhạc sĩ phong cầm cho Ebenezer Methodist Episcopal Church. Trong thời gian làm việc tại nhà thờ này, William Kirkpatrick được dịp làm quen với John R. Sweeney. Trong vài chục năm kế tiếp, cả hai đã cộng tác với nhau trong việc biên soạn và xuất bản thánh ca .
Năm 1878, vợ của William Kirkpatrick về với Chúa. Sau khi mất người vợ thân yêu, William Kirkpatrick dồn tình cảm, năng lực vào việc sáng tác và xuất bản thánh ca. Trong khoảng thời gian từ năm 1880 đến năm 1897, William Kirkpatrick và John R. Sweeney đã xuất bản 49 cuốn thánh ca, được phát hành bởi hàng chục nhà xuất bản tại Hoa Kỳ. Công tác xuất bản này diễn ra vào lúc William Kirkpatrick làm nhạc trưởng cho Grace Methodist Episcopal Church.
William Kirkpatrick về với Chúa vào ngày 20/9/1921 hưởng thọ 84 tuổi. Di sản ông để lại hơn 87 cuốn thánh ca do ông biên soạn, hoặc biên tập. Rất nhiều thánh ca do William Kirkpatrick viết nhạc đã được dịch sang tiếng Việt. Trong số đó có Kỷ Nguyên Thanh Bình, Kìa! Chúa Đến, Kìa! Thần Yên Ủi Giáng Lai, Nay Qui Hướng Cố Gia | Nay Quy Hướng Cố Gia, Tiếng Chuông Lòng | Tiếng Chuông Lòng Vui Vẻ, Tâm Hồn Tôi Đang Cháy, Nguyền Dìu Lên Gô-gô-tha, Chỗ Hóc Đá Vững An, Thỏa Thích Thay Tin Cậy Chúa Jesus, Jesus Cứu Người Ta | Jesus Cứu Người, Quay Đến Jesus, Chúa Jesus Là Nơi Tôi An Nghỉ, Học Theo Chúa, Chúa Ôi! Xin Nghe Tôi, Chúa Hiều Thấu Vô Cùng, Bên Chúa Nhân Hiền, và Kìa Xem Nơi Bết-lê-hem, là lời Việt của bài Away In A Manger hát với giai điệu Cradle Song của William Kirkpatrick. Lời bài thánh ca như sau:
Kìa Xem Nơi Bết-lê-hem
1. Kìa xem nơi Bết-lê-hem, trong máng cỏ thấp hèn.
Hài nhi Giê-xu sanh ra, lấy thân hình giống ta..
Trời cao kia các ngôi sao, lấp lánh ngó xuống Ngài.
Hài nhi Giê-xu xinh tươi ngủ êm đềm, yên vui.
2. Bò, chiên kia ở nơi đây, cúi đánh thức Chúa dậy.
Nhưng Anh Nhi Giê-xu ta, chẳng kêu hoặc khóc la.
Thật tôi yêu mến Giê-xu. Xin Chúa đoái đến tôi.
Ở bên tôi, phủ che tôi, đến khi trời bình minh.
3. Cầu Giê-xu Chúa hiển vinh, giang tay ban phước lành.
Dìu tôi trong cảnh an ninh, để tôi được vững tâm.
Nguyện đưa tôi đến thiên cung, bên ngôi Chúa thỏa lòng.
Để tôn vinh Giê-xu tôi, hát khen Ngài không thôi.
Giai Điệu Mueller
Giai điệu thứ ba được dùng với bài Away in a Manger là giai điệu Mueller. Giai điệu này do James Ramsey Murray (1841-1905) sáng tác, và là giai điệu được phát hành nhiều nhất.
James Murray sinh ngày 7/3/1841 tại Ballard Vale, Andover, Massachusetts. Từ năm 1856-1859, lúc còn thiếu niên, James Murray đã ghi danh theo học âm nhạc tại Musical Institute in North Reading, Massachusetts. Tại đây, James Murray có dịp học với những nhà biên soạn thánh ca nổi tiếng như Lowell Mason, George Root, William Bradbury, and George Webb. Năm 1862, James Murray bị động viên và trở thành nhạc sĩ trong quân đội. Tác phẩm đầu tiên của ông là bài Daisy Deane được sáng tác tại một trại lính ở Virginia vào năm 1863.
Nội chiến kết thúc, James Murray trở về dạy nhạc sinh sống. Sau đó ông làm việc cho Nhà Xuất Bản Root & Cady tại Chicago, chịu trách nhiệm biên tập cuốn thánh ca The Song Messenger. Sau trận hỏa hoạn tại Chicago, năm 1871, James Murray dọn về Cincinnati, Ohio. Ông làm trưởng ban xuất bản của John Church Company và chịu trách nhiệm biên tập cuốn The Musical Visitor.
Trong thời gian làm việc tại John Church Company, James Murray đã xuất bản tuyển tập Dainty songs for little lads and lasses for use in the kindergarten, school and home, trong đó in lại bài Away in a Manger với phần nhạc do ông sáng tác. Bài hát được xuất bản với tên là Luther’s Cradel Hymn.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng dòng nhạc đầu tiên của bài thánh ca này trùng với phần mở đầu của giai điệu thứ hai trong bài Waltz #4 G’schichten aus dem Wienerwald, của Johann Strauss Jr. đã được sáng tác 19 năm trước đó. Một số khác cho rằng có lẽ cả Johann Strauss Jr. và James Murray cùng trích dẫn một điệu hát ru của người Đức thuở xưa nên câu nhạc giống nhau. Lời Việt của bài Away in a Manger hát với giai điệu Muller của James Murray là Bài Ca Máng Cỏ. Nội dung của bài thánh ca như sau:
1. Chúa Thánh giáng sinh nơi máng chiên cô đơn nghèo nàn.
Ngàn vì sao nhìn vào chốn Giê-xu nằm tăm tối.
Cứu Chúa Giê-xu ơi! Cớ sao sinh nơi đê hèn.
Từ chốn thiên đàng cao Giê-xu xuống trần vì con.
2. Những tiếng chiên kêu vang khiến Vua Giê-xu mỉm cười.
Ngoài trời muôn vàn lời hát ca vang mừng Con Thánh
Cứu Chúa Giê-xu ơi! Máng rơm khô xưa Ngài nằm
Là chính tâm hồn con cúi xin rước Ngài giờ đây.
3. Cứu Chúa Giê-xu ơi! Chúng con đang mong chờ Ngài.
Mời Ngài vui lòng vào chính nơi tâm hồn khao khát.
Cứu Chúa Giê-xu ơi! Mến yêu con muôn đời,
Và dắt đưa đường con trước khi bước vào thiên cung.
Nội Dung
Mặc dầu bài Away in a Manger được nhiều người ưa thích, trong vài thập kỷ đầu tiên sau khi được phát hành, bài hát không được chọn đăng trong các cuốn thánh ca Anh ngữ của nhiều hội thánh. Một số nhà phê bình cho rằng nội dung của bài hát không phản ảnh chính xác những điều ghi lại trong Thánh Kinh; thêm vào đó, vài chi tiết mà bài hát mô tả, như việc Hài Nhi Giê-xu không khóc, có thể gây ngộ nhận trong vấn đề thần học.
Trên thực tế, lời thánh ca Away in a Manger đã được viết dựa trên Kinh Thánh. Phiên khúc đầu tiên của bài thánh ca lấy ý từ Lu-ca 2:7 và Ma-thi-ơ 2:9. Lu-ca 2:7 cho biết sau khi Chúa Jesus ra đời, Ngài được đặt nằm trong máng cỏ. Ma-thi-ơ 2:9 ghi nhận ánh sao chiếu xuống nơi Chúa ngự. Phiên khúc thứ ba dựa trên Giăng 14:1-3. Khúc Kinh Thánh này tường thuật rằng Chúa Giê-xu báo cho các môn đệ của Ngài biết Chúa sẽ về trời để chuẩn bị một nơi ở tốt đẹp cho những người tin nhận Ngài.
Khi nhận xét về nội dung bài Away in a Manger, các nhà phê bình đã bỏ qua một chi tiết quan trọng là bài Away in a Manger thật ra là một bài hát ru con (lullaby). Về phương diện âm nhạc, giai điệu của bài hát thật dịu dàng êm ái. Về lời ca, giống như phần lớn các bài hát ru, nội dung bài hát Away in a Manger đơn sơ, mộc mạc nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc.
Lời hát trong bài Away in a Manger được viết dưới hình thức một câu chuyện mẹ kể con nghe. Bài hát như một lời tâm tình giữa mẹ và con, như một lời nguyện cầu người mẹ dâng lên cho Chúa.
Trong phiên khúc đầu tiên, người mẹ kể cho con câu chuyện Chúa giáng sinh. Lúc Chúa chào đời, Ngài phải nằm trong máng cỏ. Người mẹ giải thích thêm: vì Chúa phải nằm trong máng cỏ cho nên không có nôi hoặc giường. Ban đêm, các ngôi sao trên khung trời chiếu xuống nơi Chúa nằm. Hài Nhi Giê-xu ngủ say trên máng rơm khô.
Phiên khúc thứ hai nói rằng khi Chúa ra đời, chuồng bò thật ồn ào, Hài Nhi Giê-xu thức giấc nhưng không khóc. Mặc dù Thánh Kinh không chép điều này nhưng câu hát bày tỏ tâm tình của người mẹ đang ru con: Người mẹ muốn dùng hình ảnh Hài Nhi Giê-xu không khóc để dạy con. Người mẹ mong con mình thật ngoan, giống như Chúa. Lời hát viết tiếp với lời nguyện cầu. Như ánh sao ngày xưa chiếu xuống nơi Chúa nằm; người mẹ mong Chúa từ trời đoái xuống con mình: Xin Chúa bên cạnh con của con giữa bóng đêm của cuộc đời. Xin Chúa ngự bên cạnh con của con cho tới khi bình minh tới.
Phiên khúc thứ ba trình bày một ước vọng sâu xa hơn. Giống như Gia-cốp, trong Sáng Thế Ký 32:24-26, đã vật lộn với thiên thần, người mẹ không muốn Chúa ra đi khi bình minh đến. Người mẹ cầu xin Chúa hãy ở lại, không phải chỉ thêm một ngày, hay một đêm nữa, nhưng ở lại mãi mãi. Trước mắt, người mẹ cầu xin Chúa chúc phước cho tất cả các con yêu dấu bằng sự chăm sóc dịu dàng của Ngài. Về lâu dài, xin Chúa đem tất cả về sống với Ngài trên thiên đàng.
Trong ba bài thánh ca trong tiếng Việt, bài Nằm Yên Trong Máng Chiên dịch sát lời Anh ngữ. Bài hát này được dịch cách đây hơn 70 năm, dùng nhiều từ ngữ Hán Việt quen thuộc với thế hệ trước nhưng hơi khó hiểu với thế hệ hiện nay. Lời thánh ca Kìa Xem Nơi Bết-lê-hem cũng sát nguyên nghĩa nhưng thêm vài ý không có trong nguyên tác. Tác giả đã thêm vài khái niệm thần học. Chúa Giê-xu giáng sinh mang thân xác giống như loài người (câu 1); và khi về với Chúa trên thiên đàng, người tin Chúa không chỉ sống bên cạnh Chúa nhưng sống để tôn vinh và ngợi khen Chúa (câu 3).
Lời hát trong Bài Ca Máng Cỏ không thuần túy là bản dịch, nhưng là lời Việt được đặt trên giai điệu và dựa theo ý thơ trong Anh ngữ. Ưu điểm đầu tiên của bài hát là lời ca đơn giản, dễ hiểu. Thành công thứ hai của bài hát là trong mỗi phiên khúc, tác giả đã tóm tắt nội dung của nguyên tác trong một hoặc hai câu thật ngắn gọn; sau đó tác giả dùng khoảng trống còn lại để bày tỏ cảm xúc của mình.
Trong phiên khúc đầu tiên, bài hát ghi nhận Chúa sinh trong máng chiên và các ngôi sao chiếu xuống nơi Chúa nằm. Đây là hai sự kiện trong nguyên tác Anh ngữ trình bày bối cảnh của câu chuyện. Tác giả khéo léo tóm tắt và nhấn mạnh bối cảnh đó bằng hai chữ ở cuối mỗi câu trong lời Việt. Chúa sinh trong máng chiên chứng tỏ Ngài được sinh ra trong một nơi nghèo nàn. Ngàn sao nhìn vào nơi Chúa nằm trình bày một thực tại là thế giới đang chìm trong tăm tối. Chúa chấp nhận sinh ra tại một nơi dành cho súc vật, một chỗ thật đê hèn. Hiểu được bối cảnh đó, tác giả cảm nhận được tình yêu sâu xa và sự hy sinh mà Chúa đã dành cho chính mình.
Trong phiên khúc thứ hai, tiếng ồn của súc vật không chỉ đánh thức Chúa, không làm Ngài khóc, nhưng làm Ngài mỉm cười. Tác giả lời Việt viết thêm: Ngoài trời, các thiên thần hát vang loan báo tin mừng cho nhân thế. Khi Chúa đến dương trần, nhiều người khước từ Ngài. Không nôi, không giường, không phòng, Chúa phải nằm trong máng rơm. Tác giả khiêm cung: Lạy Chúa! Lòng con chỉ là máng rơm khô, dơ bẩn, không giá trị, không xứng đáng, nhưng con xin mời Ngài ngự vào tấm lòng của con.
Phiên khúc thứ ba trình dâng lời nguyện cầu. Lời nguyện cầu thể hiện sự khao khát trông chờ, niềm vui và niềm hy vọng khi cuộc đời mình được luôn bên cạnh Chúa.
Bài Ca Máng Cỏ là bài ca của một người kinh nghiệm được niềm vui khi có Chúa trong cuộc đời mình. Hy vọng bạn có được kinh nghiệm đó để có thể cùng hát bài thánh ca này trong mùa giáng sinh năm nay.
Tài Liệu
Châu Thanh, [http://www.thuvientinlanh.org/2012/11/away-in-a-manger/ Bài Ca Máng Cỏ], Thư Viện Tin Lành (2012)
Thánh Ca Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (1950)
Thánh Ca Hội Thánh Tin Lành Giám Lý (1992)
Thánh Ca Hội Thánh Tin Lành Baptist (1993)
Thánh Ca Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Hoa Kỳ (1998)
Thánh Ca Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Miền Nam (2011)
Tuyển Tập Thánh Ca Chép Tay của Nhạc sĩ Vĩnh Phúc.
Tuyển Tập Thánh Ca của Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thanh.
Thánh Ca – Thư Viện Tin Lành
Thư Viện Tin Lành (2020)
www.thuvientinlanh.org
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.