Tàu Tin Lành

Lược Sử Về Tàu Tin Lành
Lời Ban Biên Tập:
Thư Viện Tin Lành xin giới thiệu với bạn đọc bài Lược Sử Về Tàu Tin Lành ôn lại vài nét về việc dùng tàu thuyền để truyền bá Tin Lành tại Việt Nam. Bài viết lược trích từ bản thảo của bộ Lịch Sử Tin Lành Việt Nam gồm nhiều tập đang được biên soạn.
Việt Nam là quốc gia nằm bên bờ Thái Bình Dương. Bờ biển Việt Nam từ Móng Cái đến Hà Tiên dài hơn 3400 cây số. Tại miền Bắc hệ thống sông Hồng, tại miền Trung các sông nhỏ từ Trường Sơn đổ xuống, và tại miền Nam hệ thống sông Cửu Long với những kênh rạch chằng chịt tạo thành một mạng lưới giao thông đường thủy rất thuận tiện. Với những điều kiện thiên nhiên thuận lợi như vậy, đường thủy là phương tiện giao thông chính ở một số nơi tại Việt Nam trước khi đường bộ phát triển. Khi các nhà truyền giáo Tin Lành đến Việt Nam, ghe thuyền là phương tiện đã giúp các nhà truyền giáo Tin Lành mở mang công việc Chúa trong giai đoạn đầu.
Trong Thế Kỷ 17-18
Từ đầu thế kỷ thứ 17, các thương nhân Tin Lành Hòa Lan và Anh đã đến Việt Nam. Theo tài liệu của Viện Viễn Đông Bác Cổ (École française d’Extrême-Orient), tháng 10 năm 1601, Đô Đốc Jacob van Neck của Hòa Lan đã cho tàu ghé vào Phan Rang, lúc đó Phan Rang thuộc lãnh thổ của người Chàm. Trong 100 năm kế tiếp, vài trăm thương thuyền của các thương nhân Tin Lành Hòa Lan và của Công Ty Đông Ấn Hòa Lan đã đến mua bán tại Hội An, Kẻ Chợ (Hà Nội), và trong khu vực của người Chàm. Công Ty Đông Ấn Hòa Lan đã đặt văn phòng thương mại tại Hà Nội từ năm 1637 cho đến năm 1700. Trong 63 năm kinh doanh tại Đại Việt, các thương thuyền Hòa Lan đã mang nhiều tài liệu Cơ Đốc giáo vào Việt Nam.
Năm 1617, William Adams, một thương nhân Tin Lành Anh, là cố vấn cho Sứ Quân Tokugama Ieyasu tại Nhật, đã đến Hội An. Tháng 1 năm 1617, William Adams đã mua lại chiếc tàu Sea Adventurer của Công Ty Đông Ấn Anh, tu sửa lại, đặt tên là Gift of God (Món Quà Của Chúa) rồi khởi hành đi Hội An. Tàu rời Hirado (Nhật) vào ngày 17/3/1617, đến Đà Nẵng vào ngày 20/4/1617. William Adams ở lại Hội An gần ba tháng rồi trở về Nhật vào đầu tháng 7 năm 1617. Hai năm sau, William Adams đã đến Đàng Ngoài mua bán với Thái tử Trịnh Tráng.
Thế Kỷ 19
Từ năm 1831-1833, Mục sư Charles Gutzlaff thuộc London Mission Society đã dùng thuyền đi dọc duyên hải vùng Đông Á từ Thái Lan đến Đại Hàn để phân phối Kinh Thánh và các sách chứng đạo. Mục sư Charles Gutzlaff đã ghé một số nơi tại Việt Nam. Trong một bức thư viết vào năm 1828 gởi cho Thánh Kinh Hội, được đăng trong cuốn Journal of Two Voyages Along the Coast of China in 1831 and 1832 và phát hành vào năm 1833 tại New York, Mục sư Charles Gutzlaff đã viết: “Không bao lâu nữa, chúng ta cần khoảng 10.000 Thánh Kinh Tân Ước để phân phát cho Đàng Ngoài (Tonkin), Đàng Trong (Cochinchina), Hải Nam, vùng duyên hải Trung Hoa, Mãn Châu và Đại Hàn.”
Năm 1891 Thánh Kinh Hội Anh Quốc và Hải Ngoại (British & Foreign Bible Society) được Toàn quyền Đông Dương Jean Marie Antoine de Lanessan cho phép hoạt động tại Sài Gòn. Đến năm 1894, Thánh Kinh Hội mở rộng hoạt động ra khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long và Campuchia. Để có phương tiện đi lại để phổ biến Lời Chúa, Walter James, Giám đốc chi nhánh Thánh Kinh Hội tại Đông Dương, đã kêu gọi các tín hữu Tin Lành Anh giúp đỡ. Bà Warton tại Alstree đã tặng cho chi nhánh Thánh Kinh Hội tại Đông Dương một số tiền đủ để mua một chiếc thuyền giúp các nhân viên Thánh Kinh Hội đi phân phối Kinh Thánh và sách chứng đạo tại vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long và Campuchia. Nhờ phương tiện đó, việc phổ biến Lời Chúa tại miền Nam đã đạt những kết quả rất lớn. Vì hoạt động của Thánh Kinh Hội phát triển quá nhanh, năm 1900 Thánh Kinh Hội đã bị Toàn quyền Paul Doumer cấm hoạt động trên toàn cõi Đông Dương.
Giai Đoạn 1900-1920
Năm 1902, Toàn quyền Paul Doumer được triệu hồi về Pháp, Toàn quyền Jean Baptiste Paul Beau đến thay. Thánh Kinh Hội được phép hoạt động trở lại tại Đông Dương. Thay vì tiếp tục hoạt động tại miền Nam, Thánh Kinh Hội đã chuyển hướng ra hoạt động tại miền Trung và miền Bắc. Từ năm 1902, trụ sở của Thánh Kinh Hội được đặt tại Đà Nẵng. Charles Bonnet, đại diện của Thánh Kinh Hội tại Đông Dương, thường dùng thuyền từ Đà Nẵng đi vào Qui Nhơn, Hội An, hoặc ra Hà Nội, Hải Phòng để phân phối Kinh Thánh và các sách chứng đạo.
Trong thời gian hoạt động tại miền Trung và miền Bắc từ năm 1902 – 1911, Thánh Kinh Hội đã bán hơn 100 ngàn sách chứng đạo, Kinh Thánh (Hán văn và Pháp văn), truyện tích Kinh Thánh, và một số sách Kinh Thánh bằng Quốc Ngữ. Các sách Kinh Thánh Quốc Ngữ được phổ biến trong giai đoạn này là bốn sách Phúc Âm, sách Công Vụ, Rô Ma và Sáng Thế Ký.
Thuyền của Thánh Kinh Hội tại Việt Nam vào đầu thế kỷ 20.
(Photo courtesy photos.vnbible.com)
Giai Đoạn 1920 – 1932
Từ năm 1911, các giáo sĩ thuộc Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp (Christian and Missionary Alliance -CMA) đến hoạt động tại Việt Nam. Các nhà truyền giáo CMA thừa kế kinh nghiệm của Thánh Kinh Hội, đã dùng phương tiện đường thủy để truyền giáo tại nhiều nơi tại miền Nam và miền Bắc.
Gia đình Giáo sĩ Irving Stebbins trong thời gian truyền giáo tại Sa Đéc.
(Photo courtesy: 46 Năm Hầu Việc Chúa Với Hội Thánh Việt Nam –
Irving R. Stebbins & Thomas H. Stebbins)
Năm 1921, Giáo sĩ Irving R. Stebbins được bổ nhiệm đến truyền giáo tại Sa Đéc. Vì phương tiện giao thông bằng đường bộ tại vùng đồng bằng sông Cửu Long chưa phát triển nên Giáo sĩ Irving Stebbins và gia đình thường dùng thuyền đi lại và lo công việc truyền giáo tại vùng Sa Đéc, Cao Lãnh và Vĩnh Long.
Giáo sĩ Herb & Linda Jackson, Giáo sĩ George Ferry, cùng các tín hữu tại Cần Thơ (1930).
(Photo courtesy: photos.vnbible.com)
Năm 1930, Giáo sĩ Herb Jackson được bổ nhiệm đến truyền giáo tại vùng Tiền Giang và Hậu Giang. Giáo sĩ Herb Jackson sử dụng thuyền đi phát sách và giới thiệu Chúa cho dân chúng tại nhiều làng mạc bên bờ sông Cửu Long và các phụ lưu từ Mỹ Tho, Bến Tre đến tận Cần Thơ.
Ông bà Giáo sĩ Herb Jackson và một vị Truyền Đạo Việt Nam. Hình chụp năm 1933.
(Photo courtesy: photos.vnbible.com)
Giai Đoạn 1932- 1950
Bên cạnh hoạt động của các giáo sĩ trong Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp, năm 1932, Hội Thánh Việt Nam đã thành lập Tàu Tin Lành. Tàu được trao cho Mục sư Huỳnh Văn Ngà điều hành.
Mục sư Huỳnh Văn Ngà sinh trưởng trong một gia đình Phật giáo khá giả tại Cần Thơ. Ông từng đi du học bên Pháp rồi trở về Việt Nam làm việc cho Sở Mật Thám của Pháp tại Đông Dương. Trước khi tin Chúa, ông đã bách hại và gây rất nhiều khó khăn cho cộng đồng Tin Lành tại Việt Nam.
Trong một lần đi bách hại Hội Thánh Tin Lành, thanh niên Huỳnh Văn Ngà nghe một tiếng nói trong tâm trí rằng: “Đừng phá nữa! Không ích chi.” Sau đó, ông để tâm tìm hiểu chân lý cứu rỗi của Chúa và cuối cùng quyết định tin nhận Chúa.
Sau khi tin Chúa, thanh niên Huỳnh Văn Ngà quyết định đi xa hơn. Noi gương Sứ đồ Phao Lô ngày xưa, ông dâng cuộc đời còn lại của mình để cho việc truyền bá tình yêu của Chúa cho đồng bào. Ông đã ghi danh vào học tại Trường Kinh Thánh Đà Nẵng và tốt nghiệp cùng khóa với các Mục sư Lê Văn Thái và Ông Văn Huyên, là những nhà lãnh đạo uy tín của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam.
Mục sư Huỳnh Văn Ngà, Ban Truyền Giáo Lưu Hành và Tàu Tin Lành (1934)
(Photo courtesy: photos.vnbible.com.)
Theo các sử liệu hiện có, trong hai tháng cuối năm 1934, Tàu Tin Lành đã đến truyền giảng tại quận Long Mỹ, Rạch Giá. Ban Truyền Giáo Lưu Hành đã giảng 22 đêm tại 14 địa điểm khác nhau. Mỗi đêm có hơn 500 người đến nghe. Trong thời gian tàu hoạt động tại Long Mỹ đã có 22 người tiếp nhận Chúa và 4 người nhận phép báp-têm.
Sau đó Ban Truyền Giáo Lưu Hành đã mướn một căn phố tại Long Mỹ để giảng thường xuyên. Mỗi chương trình truyền giảng đều có người tin Chúa. Một số người nghe dầu chưa tin Chúa nhưng đã có thiện cảm với đạo Tin Lành. Mục sư Kiều Công Thảo và Giáo Paul Carlson đã hổ trợ Tàu Tin Lành trong thời gian này [i]. Ngoài những vị mục sư truyền đạo đặc trách, phần lớn nhân viên Tàu Tin Lành là thanh niên từ các hội thánh hoặc sinh viên Trường Kinh Thánh đi tập sự.
Các nhà truyền giáo trong Ban Truyền Giáo Lưu Hành đến khai phá những vùng đất mới, nơi chưa có tín hữu. Vì đoàn truyền giáo khá đông mà Hội Thánh Tin Lành Việt Nam không có đủ khả năng hổ trợ nên phái đoàn đã gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tài chánh. Theo Mục sư Đoàn Văn Miêng, những người làm việc trên Tàu Tin Lành ngoài trách nhiệm chính là đi làm chứng và bán sách, còn có trách nhiệm là chèo ghe, bơm nước, quay máy, lái tàu, kiếm củi, chài cá, nấu cơm, …. Thánh Kinh Hội đã hổ trợ Tàu Tin Lành bằng cách giúp phụ cấp cho mỗi nhân viên phân phối Kinh Thánh 7 đồng mỗi tháng cho sinh hoạt cá nhân. Tuy nhiên số người tham gia công tác truyền giáo trên Tàu Tin Lành đông hơn rất nhiều so với số người được Thánh Kinh Hội phụ cấp, nên số tiền nhận được đã được chia đều ra; và mỗi người chỉ nhận được 2 đồng mỗi tháng, đủ tiền để mua xà-bông tắm và giặt đồ mà thôi. Dầu không có phụ cấp nhân viên Ban Truyền Giáo Lưu Hành vẫn kiên nhẫn hầu việc Chúa.
Chúa ban phước cho việc truyền giáo tại Long Mỹ được kết quả. Đến đầu tháng 2 năm 1935 tại Long Mỹ đã có 57 người tin Chúa [ii]. Đến tháng 7 năm 1935, tại Long Mỹ đã có hơn 100 người tin Chúa. Sau đó, nhà thờ Long Mỹ được chính quyền Đông Dương cho phép xây dựng. Bên cạnh đó, Ban Truyền Giáo Lưu Hành đã mở thêm một Hội Thánh mới tại Ngã Năm Cai Trầu. Tại đây đã có 46 người tin Chúa [iii].
Trong sáu tháng cuối năm 1936, Tàu Tin Lành hoạt động tại các khu vực Ngã Năm, Ngã Ba Thằng Cẩm, Ngã Tư Trà Cú, Đầy Oán và Kinh Cả Thới. Các chương trình truyền giảng đã hướng dẫn 60 người tiếp nhận Chúa tại các địa điểm trên. Một Hội Thánh được thành lập tại Ngã Năm. Nơi đây có 29 người tin Chúa mà 27 người nhận thánh lễ báp-têm. Các tân tín hữu tại đây quyết tâm xây dựng nhà Chúa. Họ đã dâng 40 công ruộng để lo xây dựng hội thánh và hứa sẽ chu cấp mỗi năm 100 giạ lúa cho vị truyền đạo nào được Chúa gởi đến chăm sóc Hội Thánh [iv].
Tháng 3 năm 1937, máy móc của Tàu Tin Lành cần được tân trang. Tàu Tin Lành được đem về sửa chữa tại Cần Thơ.
Theo báo cáo của Mục sư Huỳnh Văn Ngà, trong 5 năm (1932-1937) hoạt động tại tỉnh Rạch Giá, Tàu Tin Lành đã giảng cho 261.000 lượt người nghe tại 81 làng khác nhau. Tàu cũng đến giảng tại các đảo Phú Quốc, Hòn Tre, Hòn Rai, Hòn Đất, Hòn Sóc và Hòn Me. Tàu đã bán 20.000 cuốn sách Tin Lành, 98 Kinh Thánh Toàn Bộ và 72 Tân Ước. Kết quả có 733 người cầu nguyện tiếp nhận Chúa, đã thành lập hai Hội Thánh là Long Mỹ và Hỏa Lựu, và sắp thành lập một Hội Thánh tại Ngã Năm. Cộng tác với Mục sư Huỳnh Văn Ngà trong thời gian này có Mục sư Kiều Công Thảo, Truyền đạo Nguyễn Tấn Lộc, Giáo sĩ Paul Carlson và Giáo sĩ Herb Jackson [v].
Sau khi được sửa chữa xong, Tàu Tin Lành chuyển sang hoạt động tại quận Cà Mau tỉnh Bạc Liêu. Tại đây công việc khó khăn hơn, nhưng tạ ơn Chúa vẫn cho có kết quả. Ban Truyền Giáo Lưu Hành tổ chức 15 đêm truyền giảng tại làng Thới Bình, kết quả có 30 người tin Chúa. Hội Thánh tại địa phương cũng được khích lệ và có thêm 13 tín hữu nhận lễ báp-têm [vi]. Trong những tháng cuối năm 1937, tàu đến truyền giảng tại Chợ Hội, Tân Lộc, Tân Lợi, Cà Mau, Tài Văn, Cái Ngan, Tân Duyệt, Tân Thuận. Kết quả có 40 người lớn và 8 trẻ em tiếp nhận Chúa [vii].
Năm 1945, tình hình chiến sự trở nên gay gắt. Việc truyền giảng không thể tiếp tục. Mục sư Huỳnh Văn Ngà cho Tàu Tin Lành về đậu tại Kênh 16, Cà Mau và cho phép những phụ tá trở về với gia đình. Năm 1949, Mục sư dời tàu về Hội Thánh Tân Đức và thường đến thăm các tín hữu tại Hội Thánh Đầm Dơi. Trong thời gian này, Mục sư Huỳnh Văn Ngà bị sốt rét nặng. Tháng 10 năm 1950, Mục sư Huỳnh Văn Ngà về với Chúa.
Theo luận án tiến sĩ của Mục sư Lê Hoàng Phu, trong nguyên bản tiếng Anh, Tàu Tin Lành hoạt động cho tới năm 1953 thì ngưng. Theo Lịch Sử Hội Thánh Việt Nam do Mục sư Phan Đình Liệu viết vào năm 1966, Tàu Tin Lành có lẽ đã ngưng hoạt động vào năm 1950. Theo Mục sư Phan Đình Liệu, trong 18 năm hoạt động Tàu Tin Lành đã góp phần thành lập ít nhất 20 hội thánh mới; trong số đó có Long Mỹ, Hỏa Lựu, Ngã Năm, Phú Quốc, Trà Miên, Cù Bá, Móc Quả, Xẻo Kè, Thới Bình, Khánh An, ….
Trong giai đoạn này, tại miền Bắc mặc dầu tàu thuyền không phải là phương tiện giao thông chính như tại miền Nam, các mục sư, truyền đạo và giáo sĩ vẫn dùng ghe thuyền để đến truyền giáo hoặc thăm viếng các tín hữu tại những vùng hẻo lánh. Ngày 17/10/1937, Giáo sĩ Grace Cadman và Truyền Đạo Tùng dùng ghe nhỏ để đến thăm các tín hữu tại miền Bắc.
Nữ Giáo sĩ Grace Cadman và Truyền Đạo Tùng (10/1937)
(Photo courtesy: photos.vnbible.com)
Đầu năm 1938, Mục sư Lê Văn Thái và Giáo sĩ Van Hine thuê phà sang sông đến thăm Hội Thánh Cao Bằng vừa mua cơ sở mới. Hội Thánh Cao Bằng do Truyền Đạo Nguyễn Văn Bảng, người bận áo dài khăn đóng, quản nhiệm.
Mục sư Lê Văn Thái, Truyền đạo Nguyễn Văn Bảng, Giáo sĩ Van Hine và các tín hữu tại Cao Bằng.
(Photo courtesy: photos.vnbible.com.)
Giai Đoạn 1950-1970
Sau khi Mục sư Huỳnh Văn Ngà về với Chúa, năm 1952, Mục sư Nguyễn Văn Tống và Hội Thánh An Thới Đông mua một tàu nhỏ tiếp nối hoạt động của Tàu Tin Lành đã bị gián đoạn từ năm 1950. Năm 1953, Mục sư Ngô Văn Lái góp phần trong việc truyền giảng với Tàu Tin Lành của Hội Thánh An Thới Đông [viii].
Tháng 8 năm 1955, một Hội Đồng Bồi Linh được tổ chức tại Hội Thánh Nhị Mỹ, Cao Lãnh, thuộc tỉnh Kiến Phong. Hội đồng được Chúa nhắc nhở nhu cầu tái lập Ban Truyền Giáo Tin Lành Nam Việt. Các tín hữu tại Hội Thánh Nhị Mỹ được Chúa cảm động dâng hiến một số tiền là 20.000 đồng để mua một chiếc ghe nhỏ làm phương tiện truyền giảng. Tàu hạ thủy ngày 18/2/1956. Mục sư Ngô Văn Lái, quản nhiệm Hội Thánh Nhị Mỹ, điều hành. Trong bốn tháng đầu tiên Tàu Tin Lành của Ban Lưu Hành Nam Việt đã đến truyền giảng tại một số địa điểm như Nhị Mỹ, Hồng Ngự, Châu Đốc, Bến Tre, Sóc Sãi. Kế quả có 6.000 người nghe và 200 người tin nhận Chúa. Tàu cũng được Tỉnh trưởng Châu Đốc cho phép vào trại giam giảng cho các phạm nhân. Kết quả có 27 người tin Chúa [ix].
Trong những năm kế tiếp, Tàu Tin Lành của Hội Thánh Nhị Mỹ hoạt động rất kết quả. Rất tiếc, vài năm sau Mục sư Ngô Văn Lái vì tuổi già và bệnh tật nên không thể tiếp tục. Mục sư Ngô Văn Lái về với Chúa vào ngày 6/10/1962. Theo Mục sư Lê Hoàng Phu, vị tân mục sư tại Nhị Mỹ không có khả năng đảm đương trách nhiệm này; do đó, Tàu Tin Lành của Hội Thánh Nhị Mỹ ngưng hoạt động.
Ngoài Hội Thánh Nhị Mỹ, Hội Thánh Cà Mau cũng thành lập Tàu Tin Lành. Theo Mục sư Lê Hoàng Phu, dự án Tàu Tin Lành của Hội Thánh Cà Mau dường như không thành hiện thực vì chiến tranh liên miên diễn ra tại khu vực rừng U Minh.
Đến năm 1958, Tổng Liên Hội quyết định tái lập hoạt động truyền giáo qua Tàu Tin Lành. Một chiếc tàu mới được trang bị tốt hơn để truyền giáo cho khu vực giữa hai sông Hậu Giang và Tiền Giang. Tàu do Mục sư Lê Kim Ngân điều hành. Rất tiếc do thiếu kinh nghiệm lãnh đạo và thiếu người tham gia nên Tàu Tin Lành mới hoạt động không hiệu quả và sau đó phải đem bán.
Trước sự thiếu vắng Tàu Tin Lành và nhu cầu phát triển công việc Chúa tại vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, năm 1961 Mục sư Trí sự Châu Văn Cương đã dùng số tiền hưu hạ của mình để mua một chiếc tàu truyền giảng tại khu vực Hậu Giang. Tàu hoạt động trong khu vực do Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam kiểm soát. Đến giữa thập niên 1960, khi chiến tranh gia tăng thì tàu ngưng hoạt động.
Tại miền Trung, các nhà truyền giáo trên cao nguyên thỉnh thoảng vượt sông thăm viếng và truyền giáo cho các sắc tộc. Tuy nhiên, các nhà truyền giáo chỉ mướn thuyền hoặc kết bè để vượt sông chứ không lập Tàu Tin Lành.
Tại vùng hạ lưu thuộc tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên, có 80 cây số đường thủy ăn sâu vào nội địa. Năm 1957 Mục sư Robert Henry và Dale Herendeen đã mua một thuyền nhỏ gắn máy, có chỗ nghỉ trên tàu. Các mục sư đã dùng thuyền này đến thăm các làng mạc, phát sách chứng đạo. Tuy nhiên, vì tàu quá nhỏ không thích hợp cho việc thực hiện các chương trình truyền giảng nên sau đó phải bán.
Giai Đoạn 1970-1975
Năm 1974, tàu Logos đến thăm Việt Nam. Tàu Logos đến Sài gòn vào 2/8/1974 và rời Sài Gòn vào ngày 27/8/1974. Tàu mang sách từ nhiều quốc gia đến triển lãm tại Việt Nam. Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm và một số Bộ Trưởng trong chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã đến dự. Sau đó, một số chương trình truyền giảng đã được tổ chức tại Sài Gòn. Gần một triệu truyền đạo đơn đã được phát, 50 tấn sách được bán và gần 600 người tiếp nhận Chúa.
Tàu Logos cập bến Sài Gòn ngày 2/8/1974
(Photo courtesy: photos.vnbible.com.)
Trong buổi lễ bế mạc, Tổng Trưởng Văn Hóa và Thanh Niên thay mặt Thủ Tướng Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa cho biết: “Những hoạt động của tàu Logos trong thời gian qua đã gây được nhiều cảm tình trong mọi giới đồng bào thủ đô. ….. Công chúng Sài Gòn và chính phủ rất hài lòng về việc tàu ghé thăm thành phố Sài Gòn.”
Do những ảnh hưởng tốt đẹp của tàu Logos, Tổng trấn Sài Gòn Gia Định đề nghị Hội Thánh Tin Lành Việt Nam nên mời tàu Logos trở lại thăm Việt Nam. Tổng trấn Sài Gòn Gia Định đề nghị tàu Logos không chỉ đến thăm Sài Gòn nhưng cũng đến thăm Nha Trang, Qui Nhơn và Đà Nẵng [x]. Rất tiếc, sự kiện 1975 diễn ra, tình hình chính trị tại Việt Nam thay đổi, dự án mời tàu Logos trở lại Việt Nam không thể thực hiện.
Tóm Tắt
Lúc còn tại thế, Đức Chúa Giê-xu đã dùng thuyền để truyền giảng cho dân chúng trong vùng hồ Ga-li-lê. Noi gương Chúa, các nhà truyền giáo Tin Lành tại Việt Nam đã dùng phương tiện giao thông bằng đường thủy để giới thiệu Chúa cho những khu vực xa xôi hẻo lánh, dọc theo bờ biển và sông rạch tại Việt Nam.
Những chương trình truyền giảng bằng đường thủy trong thập niên 1930 đã đem lại những kết quả khả quan. Nhiều Hội Thánh được thành lập và vẫn còn sinh hoạt cho tới nay. Những nổ lực truyền giáo trong những thập kỷ sau, một phần do ảnh hưởng của chiến tranh, một phần vì thiếu người có khả năng phù hợp, nên đã không mang lại kết quả mong muốn. Mặc dầu phương tiện giao thông đường bộ tại Việt Nam ngày nay đã phát triển, nhiều nơi vẫn còn dùng phương tiện giao thông bằng đường thủy. Ghe thuyền vẫn là phương tiện truyền giáo thích hợp cho một số địa phương tại Việt Nam.
www.thuvientinlanh.org
Trích Lịch Sử Tin Lành Việt Nam
Used with permission
Chú thích:
[i] Thánh Kinh Báo, Janvier 1935, 10.
[ii] Thánh Kinh Báo, Février 1935, 42.
[iii] Thánh Kinh Báo, Juillet 1935, 220.
[iv] Thánh Kinh Báo, Janvier 1937, 2.
[v] Thánh Kinh Báo, Mars 1937, 6.
[vi] Thánh Kinh Báo, Octobre 1937, 248.
[vii] Thánh Kinh Báo, Decembre 1937, 6.
[viii] Tuyển Tập Tiểu Sử Người Hầu Việc Chúa, 158.
[ix] Thánh Kinh Báo, Tháng 7, 1956, 13-14.
[x] Thánh Kinh Báo, Tháng 10, 1974, 4.
Xin đọc, cầu nguyện và giới thiệu www.thuvientinlanh.org
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.