Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Trang Chính » Tâm Tình Cô Giáo Hà Nội

Tâm Tình Cô Giáo Hà Nội

Bài Dự Thi Viết Truyện Ngắn Hướng Đi

BienBac

Tâm Tình Cô Giáo Hà Nội

Chuyện xảy ra nhiều năm về trước, khi còn là nữ sinh lớp 8 của trường huyện, mà bây giờ mỗi lần nhớ lại, lòng tôi vẫn bồi hồi xúc động.

Buổi sáng đầu Xuân năm đó, chúng tôi trở về trường sau những ngày được nghỉ học để về nhà ăn Tết với gia đình. Khi mới bắt đầu vào giờ học, chúng tôi mãi còn lao-xao chuyện vãn, chưa ổn định được chỗ ngồi trong lớp. Bỗng nhiên tất cả đều yên lặng, vì ngoài cửa lớp học đang thấp thoáng bóng dáng một cô gái lạ. Ngần ngại trong giây phút, cô bước thẳng vào lớp. Chúng tôi vẫn ngồi yên vì không biết phải chào đón thế nào cho phải lẽ. Riêng phần cô vẫn tự nhiên đứng giữa lớp, nhìn quanh một vòng, khẽ gật đầu chào chúng tôi, rồi khoanh tay mỉm cười. Nụ cười thật hồn nhiên và tự tin làm sao! Tiếng thầm thì bắt đầu nổi lên, nhất là bên cánh nam tinh nghịch:

-Đi lộn nhà chăng?

Cuối cùng, cô bắt đầu nói, giọng Bắc, nghe sao mà nhẹ nhàng hay ho đến thế!

-Chào các em. Tôi là Nhâm, giáo viên chủ nhiệm mới của các em, mới chuyển công tác từ Hà Nội vào và phụ trách môn Văn. Tranh thủ thời gian, tôi đến nhận “đơn vị” trước. Một lát nữa rảnh, thầy hiệu trưởng sẽ hợp thức hoá việc giới thiệu tôi với các em. Bây giờ, ta bắt đầu làm việc.

-Người Hà Nội có khác (lại thêm một lời bình luận nữa). Cả lớp đứng dậy để chào cô. Đấy, ngày đầu tiên cô đến nhận lớp thật giản dị, tự nhiên như khi ta vào nhà một người thân quen vậy.

Cô Nhâm vừa tròn 25 tuổi, còn độc thân. Mới ra trường Sư  phạm Hà Nội, cô đã xin chuyển công tác vào Nam để được tận mắt nhìn ngắm phần “Tổ quốc xa xôi đầy huyền thoại và ấn tượng”. Gia đình cô chỉ có mẹ già và hai đứa em thơ dại. Cô thường tâm sự sẽ rất tiết kiệm với số lương quá ít ỏi và cố gắng làm việc thêm ngoài giờ để có được một số tiền dành dụm đem mẹ và hai em vào sống chung với mình.

Cô được cấp một căn phòng nhỏ trong khu tập thể của trường. Tài sản của cô thật quá đơn giản: Một chiếc ba-lô cũ bạc màu đựng quần áo. Một chiếc ghế bố nhỏ quá hạn sử dụng và có thể cho vào kho chứa đồ cũ. Một cái thùng gỗ úp xuống đất để dùng làm bàn viết. Một cái ghế đẩu lùn ba chân rưỡi, chân thứ tư bị gãy mất một nữa, phần còn lại được chắp nối bằng một thanh gỗ nhỏ. Và vài cái nồi soong lỉnh kỉnh sứt quai mẻ miệng. Đó là tất cả tài sản mà cô được thừa hưởng của các vị giáo viên tiền nhiệm. Tuy vậy, cô vẫn luôn vui vẻ, thỏa lòng với những gì mình đã có.

Cô thường thức khuya chấm bài, viết báo, viết văn để kiếm thêm ít nhiều tiền nhuận bút. Cô hát rất hay. Thường thì cô hát với tất cả tâm tình của mình, mắt luôn dõi nhìn về phương trời xa xăm như để nhớ lại những kỷ niệm về một thời đã qua. Chúng tôi rất yêu mến và hãnh diện về cô. Mới có mấy tháng dạy dỗ dìu dắt mà cô đã làm cho chúng tôi quyến luyến khác thường.

Một buổi sáng khi đã quá 10 phút trong tiết Văn rồi, mà vẫn chưa thấy cô đến lớp, một hiện tượng chưa hề có. Chúng tôi đang băn khoăn lo lắng thì thầy hiệu trưởng bước vào lớp. Sau một phút im lặng, thầy ôn tồn nói:

-Thầy báo cho các em một tin buồn. Mẹ cô Nhâm đã mất, và hiện cô đang có mặt ở sân ga để kịp về Bắc trong chuyến tàu hỏa sớm nhất. Cô không kịp đến từ giã các em. Cô nhắn lời từ biệt và mãi mãi nhớ thương các em, dù cô ở bất cứ nơi nào khác. Có lẽ cô sẽ không bao giờ vào Nam nữa, vì Cô có bổn phận phải lấp đầy chỗ trống vắng trong nhà mà mẹ cô vừa mới bỏ lại để ra đi vĩnh viễn.

Chúng tôi nghẹn ngào gục đầu trên bàn học để mặc cho những dòng lệ thương cảm cứ tuôn trào trên sách vở. Hình ảnh thương yêu của cô chợt hiện về trong trí nhớ của tôi. Hơn ai hết, tôi là người hiểu rõ tâm tình va hoàn cảnh của cô nhiều nhất. Cô có người yêu đầu đời tưởng chừng như sắp hoàn thành giấc mộng “cùng xây nhà bên bờ suối” nhưng lại vội vã chia tay mỗi người một ngã để mưu cầu tương lai cuộc sống. Cô là người  “được” xếp hạng nghèo khó, nhưng thỏa lòng vui tính nhất ở trường. Cô chẳng bao giờ than vãn, phàn nàn với ai về điều gì cả. Ai có việc cần đến, cô sẵn sàng giúp đỡ ngay. Do vậy, ai cũng cảm tình yêu mến cô.

Riêng tôi nặng lòng với cô nhiều nhất, nên những ngày nghỉ học tôi thường đến giúp cô trồng tỉa, vun xới, tưới nước mấy luống rau lang, ngô sắn cô trồng dựa theo hàng rào chung cư để “cải thiện” đời sống vốn quá chật vật của cô. Hoặc giúp sàng sẩy, nhặt bớt những hạt thóc, hạt sạn còn lẫn lộn trong thúng gạo độn hạt “bo bo”, phần tiêu chuẩn lương thực hằng tháng của cô. Thỉnh thoảng tôi theo chân cô vào rừng cao su gom nhặt những cành cây khô rơi rụng xuống đất đem về chất trên giàn bếp, để cô khỏi tốn tiền mua dầu hỏa đun lò nấu ăn. Tuy vất vả bận rộn, nhưng cô trò lúc nào cũng vui vẻ, không thiếu tiếng cười đùa…

Kỷ niệm khó quên cứ tuôn trào theo dòng nước mắt buồn khổ của tôi. Tuy biết chắc cô không tin Chúa và khó có cơ hội để được biết Chúa, nhưng tôi vẫn khẩn thiết cầu xin Cha từ ái đầy lòng yêu thương giúp đỡ, an ủi, che chở cô trong cuộc hành trình trở về chốn cũ đầy bất trắc, cô đơn buồn chán của cô. Bây giờ cô đang ở đâu? Ngoài sân ga từng hồi còi tàu Thống-Nhất vội vã rúc lên như vô tình khơi dậy thêm nỗi sầu thảm xót xa trong lòng kẻ ở người đi.

Thời gian cứ bình lặng trôi đi không có gì đáng ghi nhớ trong suốt quãng đời nữ sinh áo trắng của tôi, cho đến một ngày tôi sắp tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm và được tham dự một chuyến du ngoạn tự túc thăm viếng các danh lam thắng cảnh ở Hà Nội, Hải Phòng một tuần lễ cùng với các bạn sinh viên và thầy cô ở trường.

Đêm Giáng Sinh, ngày cuối cùng của cuộc du ngoạn, chúng tôi cắm trại dã chiến ở một bãi biển nổi tiếng đẹp, nơi đã làm bối cảnh cho một mối tình thơ mộng, đầy nước mắt, vượt đẳng cấp xã hội thời phong kiến như nhân vật Hiền, một tiểu thư tân thời giàu đẹp thuộc thành phần thượng lưu trí thức, yêu say đắm Vọi, một ngư phủ đẹp trai, có thân hình lực sĩ vạm vỡ cao lớn, nhưng nghèo nàn chất phác trong tiểu thuyết Trống Mái của nhà văn Khái Hưng thuộc nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Mối tình bộc phá đó kết thúc một cách bi thảm. Vọi bị mất xác trong bụng cá mập trong một chuyến đi thả lưới ở ngoài biển khơi. Còn Hiền thì trở về với người tình cũ trong giới thượng lưu của mình. Tuy vậy, cảnh cũ người xưa vẫn gợi lên trong lòng người đọc nỗi niềm xao xuyến mỗi khi có dịp ghé qua đây.

Đêm Chúa giáng trần ở đây thật bình lặng, mênh mông vô hạn. Ngoài một nhóm người nhỏ bé, lạc lõng như chúng tôi trên bãi cát trắng phau này, chỉ còn lại tiếng sóng vỗ đều đặn vào bờ cùng với những ngọn đèn câu đêm nhấp nhô trên mặt đại dương đen sẫm một màu…

Tôi ngồi một mình, tựa lưng vào gốc cây phi lao cứ lắc lư theo từng cơn gió thổi êm nhẹ để nhìn ngắm những vì sao đang nhấp nháy ở tận phương Đông, như cố đoán xem ngôi sao nào là điềm biểu tượng soi dẫn các vị thông thái tìm đếm vùng thánh địa, nơi Chúa giáng sinh hơn hai ngàn năm trước…

Đang miệt mài, bỗng nhiên tôi nghe văng vẳng điệu nhạc giáng sinh phát xuất từ trong thôn xóm dân chài ở phía sau lưng tôi. Tôi vội chạy về lều trại xin phép thầy trưởng đoàn và rủ thêm hai cô bạn thân cùng đi với tôi vào trong xóm. Càng đi sâu vào trong xóm lòng tôi càng rộn rã hơn khi thấy từ ông bà cụ già còng lưng chống gậy cho đến các em nhỏ ngây thơ trong bộ quần áo tươm tất hớn hở cùng nhau đi nhà thờ. Tôi cảm ơn Chúa, Ngài đã không quên đoái thương ban phước đến đàn con trung tín tận nơi xa xôi biển cát này.

Theo bước chân người đi lễ thờ phượng Chúa, chúng tôi đến nơi Nhà Thờ Tin Lành toạ lạc ở cuối thôn xóm, tiếp giáp với rặng phi lao non đang reo mừng trong gió thổi nhẹ từ biển khơi. Nhà thờ không lớn lắm, nhưng rất mực trang nghiêm ấm cúng số tín đồ ngồi lấp kín gần hết các băng ghế. Tôi và các cô bạn khó nhọc lắm mới tìm được chỗ ngồi ở hàng ghế cuối cùng, gần bên các cô thôn nữ bình dân vui tính. Những người ở làng lân cận đến sau, đứng tràn ra sân trước nhà thờ.

Chương trình đại lễ mừng Chúa Giáng Sinh được diễn ra trong một bầu không khí vui mừng, phấn khởi. Thánh Linh Chúa vận hành trên mỗi gương mặt thành kính, trên cung cách trang nghiêm của mọi người dân lao động chất phác, xưa nay chỉ quen với nắng gió, với tự do phóng khoáng vùng vẫy trên sóng nước biển khơi, xem rủi ro chết chóc là chuyện bình thường trong nghề nghiệp. Đến phần đơn ca bài thánh ca “Đêm Yên Lặng” do hiền nội của thầy Truyền Đạo chủ toạ Hội Thánh trình bày. Tâm hồn tôi chùng xuống, chìm đắm trong giọng hát êm nhẹ trầm ấm lan tỏa trong màn đêm tĩnh mịch, hòa với âm thanh đều đặn rì rào của sóng biển như một khúc nhạc đệm hòa tấu tôn vinh Ấu Chúa của các thiên thần năm xưa. Bài hát chấm dứt, âm thanh chìm lắng trong tâm tưởng của mỗi người, nhưng bóng dáng mảnh mai, khuôn mặt hiền lành thanh tú của người phụ nữ áo trắng vẫn làm cho lòng tôi thắc mắc hoài. Hình như quá quen thân với tôi. Tiềm thức của tôi cứ rà soát, trưng ra hình ảnh của một người, nhưng tôi không bao giờ dám nghĩ tới đó là “Cô giáo Hà Nội” của tôi.

Sự thắc mắc mỗi lúc càng lớn mạnh canh cánh trong lòng tôi cho đến khi tan lễ và bắt đầu buổi tiệc thông công. Tôi vội chen trong đám đông tín đồ để tìm cho bằng được người phụ nữ đó. Tôi thấy cô đang bận rộn mang thức ăn phục vụ cho các cụ già. Lần này thì tôi không còn phân vân nữa. Đúng là cô Nhâm của ngày xưa rồi. Tôi níu tay áo cô và hỏi dồn dập:

-Cô ơi! Cô có nhận ra em không?

Mặt cô bỗng nhiên thay đổi. Để vội tô thức ăn xuống nền gạch, cô ôm chầm lấy tôi trong niềm xúc động không nói nên lời. Cô nhờ một người phụ nữ khác thay thế rồi dắt tôi cùng hai người bạn đến chào thăm Thầy Chủ Tọa. Lúc đó thầy cũng bận rộn với công việc tiếp khách. Qua sự giới thiệu của cô, thầy vui mừng nói tôi rất quen thân và không còn xa lạ gì đối với thầy, vì cô thường minh họa về hình ảnh của tôi và nói rất nhiều về tôi. Đúng là tôi rất giống với người trong trí tưởng tượng của thầy.

Suốt đêm kỳ ngộ đó, cô và ba đứa chúng tôi đưa nhau ra ngồi dưới bóng hàng cây phi lao ở phía sau nhà thờ để hàn huyên tâm sự. Cô cho biết ngày cô mới trở về lại Bắc, đứa em trai lớn của cô bỏ nhà đi kiếm ăn ở một nơi nào cô không biết. Đứa em gái út tật nguyền ở lại sống lây lất qua ngày nhờ sự thương xót chia sớt của bà con láng giềng nghèo. Cô nộp giấy chuyển trường và khó khăn lắm mới xin được dạy ở một trường xã gần đây. Với số lương quá ít ỏi của cô không đủ trang trải cho nhu cầu ăn mặc và thuốc men của hai chị em.

Một hôm, cô đang ngồi dạy học thì một cơn đau khủng khiếp ở bụng dưới làm cho cô quằn quại bất tỉnh. Bác sĩ bệnh xá chẩn đoán cô bị sưng túi ruột thừa phải chuyển đi bệnh viện giải phẫu gấp và cô phải trả mọi phí tổn. Tuy cơn đau đang hành hạ cô tê cứng cả người, nhưng đầu óc cô vẫn còn tỉnh táo để nhận biết rằng số tiền viện phí không phải là nhỏ. Suốt đời cô tằn tiện chưa chắc đã đủ. Cuối cùng cô đành trốn Bệnh Xá, cố lê lếch về nhà để bỏ mặc cho số phận… Và cô bị ngất xỉu ờ dọc đường.

Lúc tỉnh dậy ở phòng hậu phẫu của bệnh viện huyện, cô được đưa ra phòng hồi sức để được thân nhân thăm viếng chăm sóc. Cô ngạc nhiên thấy cô em gái út và một người thanh niên đang chờ đón cô với vẻ mặt đầy lo âu căng thẳng, nhưng cô vẫn chưa được phép nói chuyện, chỉ biểu lộ qua ánh mắt thôi. Hết giờ thăm viếng, còn một mình cô nằm lại. Cô y tá trực phòng nói cho cô biết lúc cô bị ngất xỉu ở dọc đường, chính người thanh niên đó đã chở cô kịp lúc vào đây bằng xe Honda, nếu trễ hơn tí nữa cô đã không còn sống. Anh đã ký tên vào giấy cam đoan giải phẫu dành cho thân nhân, và anh đã bán chiếc xe Honda của mình cho một bác sĩ của Bệnh Viện để thanh toán mọi chi phí!…

Cô lặng người, nước mắt ràn rụa.  cô không bao giờ dám nghĩ tới trên đời nầy lại có được một người dưng xa lạ dám hy sinh “cặp chân” của mình để cứu sống mạng cô! Biến cố lớn nhất trong đời mình dằn vặt cô suốt trong những ngày cô còn nằm ở Bệnh Viện. Nó làm cho cô cảm thấy hạnh phúc lẫn khổ đau. Cô nghèo hèn xấu xí, biết lấy gì để đền đáp công ơn cứu mạng của người ta…

Ngày cô xuất viện về nhà, cũng chỉ có anh ta và cô em út đến đón cô thôi. Cô chỉ biết cúi đầu cảm ơn về nghĩa cử của anh ta. Anh chỉ một mực lắc đầu nói:

– Cô chỉ nên cảm ơn Chúa thôi. Ngài sai tôi có mặt đúng lúc để đón giúp người mà Ngài đã nhìn thấy và đoái thương đến. Nếu người khác, không phải là cô, thì tôi cũng làm theo ý chỉ của Ngài thôi. Cô chỉ biết cúi đầu khóc và cũng chẳng dám hỏi Chúa của anh là ai cả!

Những ngày sau đó, cô vẫn tiếp tục dạy học để nuôi sống hai chị em. Anh thỉnh thoảng ghé thăm cô bằng chiếc xe đạp cà tàng với chút quà mọn và một số truyền đạo đơn. Anh luôn giảng giải về cuộc đời Chúa Cứu Thế cho cô nghe. Bây giờ cô mới hiểu rõ Chúa Jêsus chính là Đấng đã dùng anh để cứu vớt linh hồn và đời sống của cô. Qua anh, cô thực sự tin nhận Chúa và cô cũng tự nguyện suốt đời còn lại cô sẽ sống cho Chúa và vì danh Chúa.

Lúc đó anh là một Truyền Đạo Sinh của Trường Kinh Thánh mới ra trường và được chỉ định thực tập để gây dựng Hội Thánh ở vùng ven biển của cô. Với tâm tình yêu mến biết ơn Chúa, cô nhiệt tình hăng say hợp tác với anh trong công việc truyền rao, làm chứng về Chúa tại chính nơi cô ở và vùng lân cận. Nhờ ơn Chúa, với tư cánh giáo viên, bước đầu cô cũng dễ dàng nói chuyện với các vị phụ huynh, các bậc lão thành vốn mang nặng truyền thống tôn trọng thầy cô giáo.

Trải qua bao nhiêu vất vả, vận động khắp nơi và cầu nguyện trong nước mắt để Chúa mở đường thêm sức, nên ngôi nhà thờ mới được hình thành như ngày hôm nay. Khởi đầu, thầy cô sử dụng chính mái nhà của cô đang ở với bốn vách tường vôi mái lá để làm nhà nguyện. Nhờ ơn Chúa, số tín đồ ngày càng đông và nhiệt tình dâng hiến tiền bạc, công sức nên mới có được một nơi thờ phượng Chúa khang trang như em đã thấy. Tôi và hai cô bạn ngồi nghe cô kể về một quãng đời đã qua mà không khỏi thương cảm và kính phục cô. Tôi không ngớt ngợi khen Chúa về sự thành tín của Ngài. Gần 10 năm về trước, khi hay tin cô vội vã trở về Bắc, tôi khẩn thiết nài xin Chúa đi cùng với cô, an ủi giúp đỡ cô… mặc dù cô chưa phải là con cái của Chúa. Ngài đã không quên đáp lại một cách dư dật về đều cầu xin của tôi. Bây giờ cô không những là con mà còn là đầy tớ trung thành của Chúa nữa. Như trong Ma-thi-ơ đoạn 7:7 Chúa đã nói: “Hãy xin; sẽ được, hãy tìm, sẽ gặp, hãy gõ cửa, sẽ mở cho”.

Ngoài chân mây trời đã rạng sáng, tiếng gà trong thôn chài không ngớt báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Chúng tôi nắm tay nhau trở về tư thất để chào từ biệt thầy cô. Thầy cô không quên thức suốt đêm qua để chuẩn bị cho mỗi hội viên trong đoàn của chúng tôi một gói thức ăn nhanh để lót dạ lên đường. Cảnh chia tay thật bùi ngùi cảm động.

“Ôi, cái cảnh biệt ly sao mà buồn vậy!” Xe đã lăn bánh một khoảng xa, nhưng khi nhìn lại, tôi vẫn thấy thầy cô tựa bên nhau đứng trông theo cho đến khi mờ khuất.

Từ đó, mỗi người một hoàn cảnh, một cụm lục bình bị cuốn trôi theo dòng chảy của cuộc đời. Tôi không còn gặp lại thầy cô nữa. Dầu vậy, mỗi khi nhớ đến cô, lòng tôi lại dâng lên một niềm vui rộn rã về một cuộc đời được biến đổi lớn, và một con đường mà cô đang đi tuy nhỏ hẹp sỏi đá, nhưng lại mọc thêm nhiều hoa tươi cỏ lạ ở mỗi chặng đường cô đã đi qua. Tuy khó khăn vất vả, nhưng cô đã mang được tình yêu thương, niềm tin yêu, hy vọng cứu rỗi linh hồn đến cho nhiều người, nhiều gia đình. Cảm ơn Chúa, Ngài đã biệt dụng thầy cô trong việc mở mang vương quốc của Ngài.

Lý Khoa Văn

 

 

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top