Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Niềm Tin và Cuộc Sống » Tái Sanh – Chương 2.a

Tái Sanh – Chương 2.a

 

BornAgain_CWC
Chương 2: Colson và Watergate

Vài tuần sau khi tôi trở lại hành nghề luật sư, tôi đến New York để hợp với những nhà sản xuất về một chương trình TV giá trị. Ði theo tôi có Fred Lowther, một luật sư trẻ xuất sắc trước đây làm cho chính phủ, nay anh ta về làm việc với chúng tôi với số lương rất hậu.

Chúng tôi họp trong phòng của một tòa nhà cũ, loại ngân hàng xây thời xưa. Tổng giám đốc, ba phó giám đốc, hai kế toán viên và chúng tôi họp chung với nhau. Họ trình bày cho chúng tôi về những dữ kiện, con số, thống kê, chi tiết về kế hoạch đầu tư hàng triệu đô-la của họ. Họ cần chuẩn bị giấy tờ trước để khi chính phủ công nhận chương trình của họ, họ có thể ra tay kịp thời, hầu dành thị trường trước hãng khác.

Lowther chăm chú ghi chép, còn tôi thì đành chịu. Ðây là lần đầu tiên trong đời, tôi không chú tâm vào buổi họp được. Tôi giả bộ như đang theo dõi, thỉnh thoảng gật đầu mà thôi.

Có phải tôi đang mất khả năng tập trung chăng? Tôi tự hỏi chính mình. Tôi chẳng thấy mệt, chắc là trong người tôi có bệnh hoạn gì đây. Có lúc tôi tưởng tượng như có ai chắn tấm kính hãm thanh trước mặt, khiến tôi chỉ thấy các môi miệng cử động nhưng không một tiếng nói.

Sau phiên họp tôi cảm thấy mệt rã rời vì phải cố gắng giả bộ như mình luôn theo dõi câu chuyện. Vị tổng giám đốc đi thẳng vấn đề: “Ông Colson, ông làm luật sư đại diện cho chúng tôi nhé”.

“Vâng! Chúng tôi rất hân hạnh.” Tôi trả lời rồi đòi giá vài trăm ngàn.

“Ðồng ý! Bắt tay nghe.” Ông ta nhấn mạnh, đoạn bắt tay tôi rồi ra lệnh cho ông phó giám đốc đưa chúng tôi đến La Guardia lên máy bay của hãng về Washington.

“Fred! Chú có ghi lại đầy đủ chi tiết không?” Tôi hỏi người phụ tá của tôi trên đường về.  Lowther trấn an tôi rằng đã ghi đầy đủ.

“Chú viết cho tôi một bản tóm tắt rồi đem đến bàn cho tôi sáng thứ hai nghe. Có lẽ tôi còn mệt vì chuyến đi Châu Âu vừa qua.”

Tôi quay người nhìn qua cửa sổ phi cơ, nhớ lại những cảm giác lo âu và băn khoăn vẫn đeo đuổi tôi từ năm tháng qua. Ngày trước, mỗi lần có thân chủ với lệ phí nhiều như vậy là tôi mừng vô cùng, thế nào cũng đưa Patty đi ăn tiệm để mừng. Tôi tự hỏi: “Những sự hăng hái ngày xưa đâu mất rồi?”

Tôi biết có nhiều người đàn ông trải qua những thời kỳ như vậy trong đời họ, nhất là khoảng trên dưới bốn mươi – họ sợ về tương lai, họ nghi ngờ về chính họ. Tôi nhớ có đọc qua bài viết về vấn đề này, nên vội kiểm lại chính mình. Hôn nhân: hạnh phúc. Rượu chè:  không uống. Nghề nghiệp: thành công. Sức khỏe: tốt. Vậy thì cái gì bây giờ. Tôi đoán là sự chuyển tiếp từ một chính trị gia ở Bạch Ốc qua một luật sư khiến tôi còn lúng túng và cần thời gian để thích nghi trở lại.

Từ khi tôi trở lại nghề luật sư, chỉ có một thân chủ cũ là tôi cảm thấy thích đến gặp và có thể chú tâm vào vấn đề được. Ðó là công ty Raytheon, một hãng sản xuất dụng cụ điện tử và là hãng lớn nhất ở vùng New England. Khoảng tháng ba, tôi đến Boston để họp với những giám đốc của hãng nầy trọn ngày. Viên Phó Tổng Giám Đốc, Brainerd Holmes, trước đây trông coi một chương trình đầy triển vọng của công ty Raytheon, khi tôi trở lại làm cố vấn luật pháp cho hãng đã dẫn tôi đi tiếp chuyện hết các vị giám đốc đến những viên kỹ sư. Tom Phillip cũng ngõ ý muốn gặp tôi trước khi tôi ra về.

Vừa đến gần văn phòng của Tom Phillip, Brainerd chận tôi lại: “Chuck, có điều nầy về Tom, tôi muốn dặn anh trước khi anh đi vào. Ông ta thay đổi nhiều – hình như một thay đổi lớn về tôn giáo.” Brainerd ngưng một lát như cố tìm một chữ đúng để diễn tả sự việc. “Tôi không hiểu được điều đó, nhưng đối với ông ta thì nó quan trọng lắm. Anh! Tôi ngại… là ông ta có thể giảng đạo cho anh…” Brainerd cười gượng gạo sau câu nói.

Ðây là một chuyện lạ. Tom Phillip từ trước đến nay luôn luôn là một thương gia mưu chước, hoạt náo. Không lẽ bây giờ ông ta đi dạy Trường Chúa Nhật? Khó tin thật! Tôi nhớ có lần ông ta nói với tôi ông là tín đồ Tin Lành phái Episcopalian. Chẳng có gì đặc biệt – chẳng qua chỉ là hội viên thêm một hội đoàn nữa thôi. Tôi đoán có thể ông ta hoạt động gây quỹ cho nhà thờ, một hành động mà cộng đồng cũng như giới tôn giáo thường kỳ vọng vào một vị tổng giám đốc của hãng lớn nhất thành phố.

Khi tôi bước vào phòng thì nhận ra ngay Tom cũng như xưa, cũng tóc đen, thân hình vạm vỡ, ăn mặc giản dị. Nhưng có điều nụ cười của ông ta tươi và dịu dàng hơn. Trông ông ta thoải mái và vui vẻ hơn trước nhiều. Ngày trước, mặc dù ông luôn vui vẻ, niềm nở nhưng gương mặt lúc nào cũng lo lắng – nào điện thoại reo suốt ngày, thư ký ra vào tấp nập, giấy tờ chồng chất đầy bàn. Bây giờ không khí trong phòng làm việc trông có vẻ yên tĩnh, thoải mái cũng như chính Tom vậy.

Ông ta vào chuyện: “Chuck! Lâu nay anh ra sao?”

Câu trả lời thành thật phải là “Cảm ơn anh! Tôi cảm thấy chán chường, vô vị quá” nhưng tôi nói láo: “Cũng tốt anh ạ, chỉ hơi mệt thôi.” Tôi phải cố giữ vẻ mặt bình tĩnh, xem như không có gì xảy ra. Dù sao, Tom cũng là một thân chủ chính mà.

Ông ta tiếp: “Chuck! Anh rất cần nghỉ ngơi cho khỏe sau thời gian bận rộn và lộn xộn vừa qua.” Tôi nghe trong giọng nói của ông chứa đầy tình cảm và mối quan tâm chứ không phải là lời nói đầu môi chót lưỡi.

Chúng tôi ôn lại những kỷ niệm trong quá khứ được một lát rồi cũng trở lại với vấn đề của tôi hiện tại. “Chuck! Vụ Watergate nầy, anh có liên lụy gì không? Tôi thấy họ đang cố lôi kéo anh vào tròng.”

Tôi nói ngay là tôi không dính líu gì đến vụ đột nhập vào tòa nhà đó, dù là trực tiếp hay gián tiếp – trái với lời tố cáo của báo chí. Ðoạn tôi lên tiếng phân trần giải thích hết mọi chi tiết đầu đuôi như biện hộ cho chính mình, nhưng Tom gạt ngang: “Ðừng giải thích nữa anh. Nếu anh nói anh không dính líu đến việc ấy, thế là đủ. Tôi tin anh.”

Chúng tôi trò chuyện thêm hai mươi phút nữa, tự nhiên không ai đề cập đến tôn giáo. Nhưng tôi thấy Tom đổi khác nhiều. Mặt anh có nét nhìn trìu mến, giọng nói có sự dịu dàng, ấm cúng. Tôi ngập ngừng: “Brainerd cho tôi hay rằng… anh đang hoạt động về tôn giáo.”

“Ðúng vậy, Chuck. Tôi đã tin nhận Chúa Giê-xu. Tôi đã giao đời sống tôi cho Ngài, đó là một kinh nghiệm khó quên cho trọn đời tôi.”

Tôi kinh ngạc tột độ nhưng cố gắng giả lả: “Thôi! Hôm nào mình nói chuyện thêm về việc nầy nghe.” Nếu không kềm chế được, chắc tôi đã thốt: “Anh nói gì? Chúa Giê-xu sống cách đây hai ngàn năm. Một vị lãnh tụ đạo đức vĩ đại, đúng, và được giúp đỡ từ thiên thượng, đúng. Nhưng tại sao anh lại “tin nhận Ngài” và dâng đời mình cho Ngài làm như là Chúa Giê-xu còn sống ngày hôm nay vậy?”

Câu chuyện bỗng chuyển qua những đề tài khác rồi chúng tôi chia tay. Khi đưa tôi ra tới cửa. Tom choàng vai tôi một cách thân ái rồi nói: “Chuck! Để hôm nào tôi sẽ kể cho anh nghe hết chuyện nầy. Tôi lâm vào hoàn cảnh mà đời tôi không có gì đáng để sống. Nhưng bây giờ mọi sự đều đã thay đổi – ước vọng, giá trị, cả mọi sự nữa anh ạ!”

Tom đang làm cho đầu óc tôi quay cuồng đây. Ông ta nói, đời không đáng gì để sống trong khi đang là vị tổng giám đốc của một hãng lớn nhất tiểu bang, đang có nhà đẹp, xe Mercedes, gia đình hạnh phúc và lương bổng một phần tư triệu một năm…

Nhưng ông ta đã nói lên một điều thầm kín – đời sống vô vị. Tôi đang sống một đời sống như thế nầy đây, nhưng không đủ can đảm nói cho Tom hay. Tôi trở lại Washington để tiếp tục ngụp lặn với căn bệnh trong tâm hồn, với Watergate … và với những lời nói kỳ lạ của Tom.

Vài tuần trước, John Dean (viên tân phụ tá của Tổng Thống Nixon, thay thế cho Colson) yêu cầu tôi gặp Howard Hunt để tìm hiểu thái độ của hắn đối với Tòa Bạch Ốc.  Dave Shapiro (luật sư biện hộ cho Colson trong vụ Watergate) cần tôi và đích thân anh đi gặp hắn mới hay rằng hôm 16/3/1973 lần đầu tiên hắn đòi tiền để giữ yên lặng trong vấn đề nầy. Hunt muốn tôi chuyển lại đề nghị trên đến Tòa Bạch Ốc.

Khi tôi và Dave bàn về ý kiến đó của Hunt, Dave dọa tôi: “Chuck! Anh không được nhúng tay vào việc nầy. Nếu anh chuyển lời đòi hỏi của hắn, anh sẽ phạm tội ngăn chặn công lý. Ðây là một vấn đề quan trọng. “Trick” (ý nói Nixon, có biệt hiệu Tricky Dick) bạn của anh sẽ bị nguy ngay.”

Chữ “ngăn chặn công lý” phát xuất từ miệng một luật sư như Dave quả là quan trọng vô cùng. Tôi không bao giờ ngờ vụ Watergate có thể bị buộc tội như vậy. Ðáng lẽ tôi phải nhận ra điều đó nhưng từ hồi nào đến giờ, tôi chỉ nghĩ nó chỉ là tội xâm phạm gia cư bất hợp pháp mà thôi. Hiện tại Thượng Viện đã thiết lập Ủy Ban Ðiều Tra về việc nầy dưới sự điều khiển của Thượng Nghị Sĩ Sam Ervin. Trong khi đó, nhật báo Post đã và đang cổ động chiến dịch mổ xẻ vụ Watergate cũng như Cảnh Sát Liên Bang đang điều tra ráo riết.

Dave kết luận: “Nếu anh muốn giúp bạn anh, mình phải tìm cho ông một luật sư giỏi nhất về hình tội.”

Tôi chuyển lời đề nghị nầy cho Tổng Thống trong một cuộc điện đàm vào giữa tháng ba. Một tuần sau Bob Haldeman (Chánh Văn Phòng Tòa Bạch Ốc) điện thoại mời tôi đến Tòa Bạch Ốc. Bob đợi tôi trong văn phòng của ông ta. “Ngồi đây anh!” vừa nói ông vừa bước tới mấy chiếc ghế ở trước mặt nơi lò sưởi ở trong nhà. Lạ thật, từ hồi nào đến giờ Bob lúc nào cũng lo làm việc, chạy tới chạy lui, ít khi thoải mái. Gần như lần nào tôi vào phòng, chúng tôi cũng ngồi ở bàn làm việc hẳn hoi.

Ông ta cười tươi và hỏi “Công việc luật sư của anh ra sao?” Tôi biết đây không phải là một Haldeman bình thường. Ông ta không thích những lời tâm sự vụn vặt. Có phải Bob sợ tôi không còn trung thành với Tòa Bạch Ốc, sợ người bạn cộng sự Dave Shapeiro của tôi?

Ông ta tiếp: “Chuck, chúng ta phải giải quyết hẳn vụ Watergate lôi thôi nầy. Nó như đám mây đen phủ lấy Tổng Thống. Ông tin anh, cần có sự cố vấn của anh. Mình có thể làm gì đây. Mình đang làm gì sai đây?”

“Bob, tôi đã đề nghị với Tổng Thống tuần rồi là mướn một luật sư giỏi về hình tội. Người nào có thể thu thập mọi dữ kiện, ghi lại hết mọi sự việc đã xảy ra rồi dựa vào đó đưa đề nghị lên ông. Ðó là cách duy nhất để giải quyết cái việc lôi thôi nầy. ”

Khuôn mặt của Bob lúc đó tỉnh bơ mặc đầu bây giờ ngẫm lại tôi mới thấy lời đề nghị của mình như là nói ông ấy mướn người xử tử chính ông.

Bob cười lớn: “Mấy anh luật sư ai cũng như ai. Ðây chỉ là vấn đề ngoại giao thôi, vả lại, chúng ta đã có quá đủ luật sư rồi.”

Ngay lúc đó, điện thoại reo. Bob kéo ống nghe về phía mình nhưng để xẩy tay và đụng mạnh vào trán. Ðây là hành động của người đang có nhiều lo lắng. Tôi chợt nghĩ ông ta bất lực, ngay cả khi trong tay đang nắm nhiều quyền hành.

Sau đó, khi đi ngang bãi cỏ tiến về trạm canh ở cổng phía Tây Bắc, tôi bỗng có cảm giác nhẹ nhõm rằng đã ra khỏi Tòa Bạch Ốc. Mặc dù khói xe hơi bay khắp nơi, tôi bỗng thấy thoải mái trước ngọn gió đầu xuân. Tôi mĩm cười chào người lính canh rồi tiến ra khỏi cổng sắt đồ sộ.

Sau đó vài hôm, hàng tít lớn đăng trên báo Washington Post chấm dứt thời gian bình an ngắn ngủi của tôi. Hàng tít như sau: “McCord Tuyên Bố, Mitchell và Colson Dính Líu Vào Vụ Ðột Nhập Tòa Nhà Watergate.” Tôi lướt nhanh qua bài báo với lòng não nề, chán nản. Bài báo dựa trên bản điều trần của James McCord, một trong những người đột nhập vào tòa nhà Watergate trước Ủy Ban Ðiều Tra Ervin. Bản điều trần đáng lẽ giữ mật nhưng bị lộ. Theo bài báo, McCord được Hunt cho biết rằng Colson có “biết trước” về vụ Watergate. Bài báo được viết bởi hai ký giả chuyên về vụ nầy là Bob Woodward và Carl Bernstein.

Patty đang ăn sáng ngẩn mặt nhìn tôi rồi hỏi: “Chuyện gì vậy anh?”

Tôi dằn mạnh tờ báo trên bàn, giận dữ nói: “Em coi nầy! Một người anh chưa bao giờ gặp mặt nay lại tố cáo anh dính líu vào vụ đột nhập. Chính anh cũng không biết có một nhân vật tên James McCord cho đến sau khi vụ nầy xảy ra nữa.”

Mới sáng dậy đã gặp chuyện không hay, nhất là hôm nay tôi có nhiều việc bận rộn. Tôi phải đi đến Câu Lạc Bộ Báo Chí và buổi trưa để tranh luận về đề tài: “Chính Quyền và Báo Chí” với một ký giả nổi tiếng và chống đối Nixon kịch liệt mang tên Clark Mollenhoff. Cuộc tranh luận sẽ được truyền hình trên toàn quốc. Khi tôi vừa đến nơi, ký giả và chuyên viên truyền hình đã đợi sẵn từ lâu: “Ông Colson! James McCord đã tiết lộ là ông chịu trách nhiệm về vụ đột nhập Watergate. Ông có ý kiến gì không?”

Tôi chối ngay nhưng bằng giọng nói yếu ớt. Nhưng sau đó câu hỏi trên trở thành tít lớn trên báo chí. Không ai chú ý đến lời biện minh của tôi.

Trong cuộc thảo luận, Mollenhoff với hai tay diễn đạt tài tình và giọng nói vang cả phòng hội lớn, đã buộc tội Nixon và cộng sự viên đã can vào những hình tội lớn. Tôi lớn tiếng phản đối. Sự tranh luận sôi nổi gây hào hứng cho khán giả với hơn năm trăm ký giả nổi tiếng của Mỹ ngồi chật phòng. Tuy nhiên, dù có cố gắng bao nhiêu tôi cũng bị ở thế thủ, luôn phải chống đỡ những lời tấn công của bên kia.

Những ngày sau đó, báo chí tấn công tôi vũ bão. Họ xem tôi là tội phạm chính của Watergate. Một đêm nọ, Dave Shapiro nẩy ra một ý kiến: “Chuck! Hãy đi thử máy kiểm nói thật. Hy vọng là những người tố cáo anh sẽ để cho anh yên.”

Tôi phản đối ngay: “Làm như là phép thần thông. Tôi không chịu để cho mấy thằng khoa học gia giả mạo làm gì với tôi được.” Tôi không còn gì để giấu diếm về vụ Wateragte cả, nhưng tôi ngại vì lòng đang bấn loạn, tay chân run rẩy có thể làm cho máy tưởng tôi nói láo.

Trong suốt những ngày cuối tuần kế đó, tôi nghiên cứu tài liệu về những thí nghiệm của máy kiểm nói thật và về những thành tích cũng như kinh nghiệm của Richard Arther, chuyên viên về máy này ở New York. Dave lý luận: “Có thể đó là cách duy nhất để cứu anh ra khỏi vụ nầy.” Đoạn kế tiếp với nụ cười nhẹ: “ Nếu máy bảo anh nói láo, đâu ai có thể biết được bởi kết quả của những thí nghiệm này được bảo mật mà.”

Sáng thứ hai, tôi miễn cưỡng nghe theo lời Dave. Tuần báo Time và Newsweek ra sáng hôm đó đều đăng tải lời tố cáo của McCord. Tôi biết là tôi đã và đang nói thật. Tôi hy vọng là máy cũng biết như thế. Dave hẹn giờ cho tôi gặp Arther vào trưa thứ tư hôm sau.

Sáng hôm ấy, mây xám chằng chịt bao trùm lấy bầu trời New York. Những hạt mưa nhỏ đến từ phía Ðông Bắc của thành phố từ từ rơi nhẹ. Dave đã đến từ hôm trước, còn tôi đến từ chuyến máy bay cuối cùng trong ngày. Chúng tôi hẹn gặp nhau tại văn phòng của Arther.

Khi leo lên Taxi, một người đàn ông xin đi chung chia tiền với tôi. Tôi nhận ngay đó là Bill Gill, một phóng viên của đài ABC. Mặc dầu Bill là bạn, nhưng tôi không dám cho hắn biết địa chỉ nơi tôi muốn đến. Tôi bảo người tài xế cho tôi xuống ngã tư Ðại Lộ số 5 và 55, cách văn phòng của Arther bốn dãy phố rồi đi bộ suốt khoảng đường còn lại dưới cơn mưa. Có lúc tôi nhìn vào cửa kính bên đường, thấy dáng mình đi như lẩn trốn trong áo mưa kín cổ, nón phủ cả đầu mà có cảm tưởng như mình là một tù nhân đang trốn chạy.

Văn phòng của Arther nằm trong một tòa nhà cũ kỹ sát bên rạp hát, chung quanh là những rạp hát nhỏ, tiệm tạp hóa với những đèn điện sáng loáng. Lâu lắm tôi mới đi lại thang máy cổ xưa như thế này, loại có cần dài bắt ngang cửa phải kéo mạnh xuống mới chạy được. Thang máy chậm rãi bò lên lầu thứ mười một, ngừng lại ở mỗi tầng để các bà nội trợ bước ra đi mua sắm.

Ðến lầu mười một, tôi bước dọc theo hành lang lót gạch màu đen và nâu sậm, qua những cánh cửa gỗ lim lớn với những bảng tên và chức nghiệp. Tôi có cảm giác như đây là quang cảnh của một phim trinh thám thời 1940. Cửa phòng Arther ghi rõ dòng chữ đen Dịch Vụ Ðiều Tra Khoa Học.

Cửa khóa. Sau một hồi vặn tới vặn lui ổ khóa, một người đàn ông nhỏ thò ra mở, tự giới thiệu là phụ tá của Arther. Anh ta mời tôi ngồi ghế trong phòng đợi chật hẹp không một cửa sổ. Tôi tự hỏi mình sẽ đi đến đâu? Ðột nhiên tôi sực nhớ hôm nay là kỷ niệm mười năm chúng tôi lấy nhau. Ðáng lẽ tôi phải ở nhà với Patty.

Vài phút sau đó, Dave Sapiro và Richard Arther bước ra từ phòng phía sau. Cả hai bật phá lên cười khi thấy dáng người ướt và co ro của cựu Cố Vấn Tổng Thống Hoa Kỳ.

Tôi kéo Dave nói nhỏ: “Chắc tôi không làm chuyện này đâu. Tối qua tôi mất ngủ, bụng thì đau. Sáng nay tôi không ăn được, còn chỗ nầy… ”

Dave vẫn không nhịn cười được: “Arther là chuyên viên hạng nhất về ngành nầy, đừng ngại là máy bảo anh nói láo. ” Khuôn mặt Dave nghiêm chỉnh hẳn ra: “Tôi vẫn làm luật sư cho anh mà. Tôi đã từng gỡ cho nhiều thân chủ có tội cũng như biện hộ được cho nhiều nhiều thân chủ vô tội vậy. ”

Tôi cảm thấy đau đớn. Ngay cả luật sư của mình cũng không tin mình nữa. Chưa bao giờ bằng lúc nầy tôi cảm thấy chán nản, tuyệt vọng. Lòng tôi biết mình nói thật nhưng không làm được gì để người khác tin mình, ngay cả chính luật sư của mình.

Chỉ câu nói “Gắn dây điện vào” đủ là cho tôi nổi da gà lên, mặc dầu tôi rất bình tĩnh lúc ban đầu. “Nạn nhân” ngồi vào ghế loại ta thường thấy ở những phòng nhổ răng. Sau đó, ông ta lấy những dây điện nhỏ nối liền hợp kim loại lớn vào mỗi đầu ngón tay lại. Kế đó, bao cao su được choàng quanh cánh tay và thổi phòng lên. Một sợi dây xích kim loại lớn được buộc quanh ngực tôi, nối với hợp kim loại trên bảng dây điện. Trên hợp có nhiều bút chì di chuyển theo những cần sắt nhỏ ghi lại những đường lên xuống trên cuộn giấy di động.

Arther cố nói chuyện cũng như bảo đảm sự chính xác của máy để trấn an tôi. Ông ta cho biết trong 10.000 trường hợp chỉ sai có 3. Ðối với nhạy cảm, nhất là những người lo lắng liên miên, máy không thể nào sai được. Arther vào chuyện: “Xin ông kể lại những điều ông đã nói láo cũng như những việc làm khiến ông xấu hổ từ hồi xưa cho đến nay. ”

“Ông giỡn hả. Chuyện nầy cả ngày cũng chưa chắc xong.”

“Không sao, điều nầy quan trọng lắm. Anh phải bắt đầu từ lúc ban sơ và không giấu diếm bất cứ điều gì. ”

Nếu không sợ điện giật, chắc tôi đã vùng ra khỏi ghế rồi.

Thấy tôi miễn cưỡng tỏ ra mọi sự như khi tôi xưng tội, Arther hơi ái ngại nên gợi ý: “Chẳng hạn như… tôi tốt nghiệp văn bằng đại học về tâm lý học.” Trong suốt giờ kế đó, tôi kể lại hết cả mọi sự từ thời còn đi học, còn Arther thì mãi chăm chú để ý máy. Ðể biểu diễn sự chính xác của máy, ông ta đưa tôi 15 lá bài đánh số từ 1 đến 15, biểu tôi chọn bất cứ lá nào cũng được rồi nhớ số lá đó. Ðoạn ông đoán số đó và bảo tôi trả lời láo. Tôi làm y như vậy và quả thật, máy không những biết tôi nói láo mà còn chỉ đúng lá bài tôi đã chọn.

Tôi nói: “Hay quá.” Ðiều nầy khiến tôi ít lo một tí, nhưng khi Arther bắt đầu hỏi những câu hỏi quan trọng, tim tôi đập mạnh, tay chân bắt đầu run rẩy.

“Ông ra lệnh đột nhập vào Watergate phải không?”

“Không!”

“Ông có biết trước vụ đột nhập nầy không?”

“Không.”

Sáu câu hỏi nữa theo sau. Tôi cảm thấy lòng tôi bấn loạn, mặt đỏ ửng, tay chân lạnh ngắt. Tôi tưởng tượng những cây bút nhỏ đang nguệch ngoạc trên đồ thị. Cuộc thử nghiệm chấm dứt. Tôi ngồi thừ người ra trong khi Arther loay hoay tháo gỡ dây điện.  “Máy bảo tôi nói láo phải không?”

Arther cuốn lại cuộn giấy đồ thị nằm dài trên sàn nhà rồi chăm chú vào những đường lên xuống ngoằn ngòe, ông ta nói: “Chưa biết được anh, tôi phải nghiên cứu thêm về đồ thị nầy rồi sẽ cho anh hay kết quả sau.”

Hình như sự lo lắng bồn chồn của tôi đã làm hư cuộc thí nghiệm. Dave muốn tôi ở lại đợi, nhưng tôi phải đi ngay để kịp chuyến xe lửa về Washington. “Dave! Khi nào có kết quả, anh gọi cho tôi hay nhé.”

Bên ngoài trời mưa tầm tã nhưng tôi không ngại. Tôi bước ra ngoài đường vẫy taxi khác, trong đầu tưởng tượng những hàng tít lớn trên báo chí về cuộc thử nghiệm nầy vì thế nào ký giả Woodward và Bernstein cũng biết. Vừa lúc taxi đang từ từ tấp vào lề, tôi nghe tiếng kêu lớn của Dave “Ngừng lại Chuck! Chuck!”

Dave chạy tất tả đến tôi: “Cuộc thí nghiệm thành công – Arther chỉ muốn kiểm lại kết quả về những câu hỏi quan trọng cho chắc ăn thôi. Quả đúng như vậy, anh không nói láo chút nào.”

Tôi ôm chầm lấy Dave với khổ người to lớn của anh ngay giữa chỗ đông người ở ngã tư Ðại Lộ Broadway và 57. Mưa nặng hột nên anh không thấy những giọt nước mắt lăn dài trên má tôi từ lúc nào không hay.

Sự thành công của cuộc thử nghiệm cho tôi thêm tự tin trong vài tuần kế đó. Theo sự đồng ý của tôi. Dave tiết lộ tin nầy cho nhật báo New York Times. Sáng Chúa Nhật 8/4/1973, trang nhứt của nhật báo nầy chạy hàng tít lớn với bài báo ba cột: Máy Kiểm Nói Sự Thật Cho Biết Colson Không Nói Láo Trong Vụ Watergate. Quả thật trong thời gian đó có nhiều lúc tôi thật sự tin rằng những hộp điện tử nhỏ có thể kiểm chứng con người nói thật hay không.

Nhưng rồi tình hình cũng chẳng được yên bao lâu. Chỉ vài tuần sau đó, báo chí đã tìm cách bóp méo đề câu chuyện nầy có lợi cho họ. Báo New York Times trong số ra ngày 19/4/1973 đăng rằng “Charles Colson, cựu Phó Tổng Thống chịu thử nghiệm bởi máy-kiểm-nói-láo hai tuần trước đây để chứng minh rằng ông hoàn toàn không biết trước về vụ đột nhập Watergate – dấu hiệu công khai đầu tiên của sự lo âu về tội lỗi và xấu xa có thể xảy ra trong vòng những phụ tá thân tín của Tổng Thống.”

Ngày 27/4, nhật báo Post đăng hàng tít “Các Cộng Sự Viên Tiết Lộ Colson Chấp Thuận Việc Ðột Nhập.” Ðây là một câu chuyện không thật, tai hại vô lường đăng trên hàng trăm nhật báo cũng như đọc trên nhiều đài truyền hình. Bài báo nhập đề như sau: “Charles W. Colson cựu Phụ Tá Tổng Thống, biết trước về vụ đột nhập Watergate và còn kêu gọi dùng hệ thống điện tử để do thám. Ðây là lời của hai nhân viên cao cấp trong Ủy Ban Vận Ðộng Tái Cử Tổng Thống Nixon thuật lại cho các Công Tố Viên Liên Bang.” Câu chuyện của Woodward và Bernstein (sau nầy tòa xử là tin thất thiệt) dựa trên cuộc điện đàm giữa tôi và Jeb Magruder (phụ tá của Haldeman) vào đầu năm 1972 tại Bộ Chỉ Huy của Ủy Ban. Việc nầy xảy ra trước khi ý nghĩ về vụ Watergate được manh nha, và chính tôi là người tường trình về chi tiết cuộc điện đàm nầy. Thật khó mà đính chính một bản tin báo chí thất thiệt đăng tải trên toàn quốc; khó như là bắt những lông chim bay ra từ chiếc gối trước cơn gió mạnh.

Tôi nhớ lại mẩu chuyện thất thiệt trước đây tôi tung ra báo chí về Arther Burns mà lòng mình quặn lại.

Chuyên viên truyền hình, nhiếp ảnh gia bắt đầu tụ tập hầu như hằng ngày căn nhà của chúng tôi ở khu ngoại ô yên tĩnh McLean. Tên chúng tôi nằm trong danh sách “nóng hổi” của họ, theo lời của một chuyên viên đài ABC. Chúng tôi bị phá giấc ngủ hết sáng nầy đến sáng nọ bởi tiếng động cơ xe, của những xe vận tải chở những máy quay đồ sộ chạy trên đường đá sỏi dẫn vào nhà, tiếng cửa động, tiếng mở các hợp kim loại, tiếng ra lệnh của các phóng viên chỉ chuyên viên nơi đặt máy quay… Rồi thì những câu hỏi lập đi lập lại – và những câu trả lời cố hữu.

Những sáng cuối tuần, nếu chúng tôi dậy trễ, có khi họ không kiên nhẫn đợi mà gõ cửa cho đến khi mở mới thôi. Tính thương người và óc khôi hài của Patty giải cứu tình hình. Vợ tôi thường mời họ uống cà phê, chọc cho tôi cười để xóa tan bầu không khí căng thẳng. Một sáng nọ, khi còn trong bộ đồ ngủ, tôi giận dữ mở tung cửa ra lớn tiếng đuổi họ về, nhưng Patty ngăn lại cười tươi: “Cười lên anh, máy ảnh đang chụp hình đó. ” Tôi dịu lại cười, vào trong thay quần áo rồi tiếp chuyện ký giả.

John Dean bắt đầu tiếp chuyện nhiều với những Công Tố Viên, Tòa Bạch Ốc lại một phen rúng động, lung lay. Sự từ chức của Haldeman Ehrlichman (Phụ Tá Tổng Thống) và Bộ Trưởng Tư Pháp Richard Kleindienst, cộng với sự thiếu quyết tâm của Nixon trong nổ lực xoa dịu dư luận quốc nội trong diễn văn ngày 30/4/1973 không làm tình hình khả quan gì hơn trước sự tấn công dồn dập của báo chí.

Ðối với thế giới bên ngoài, tôi là người đàn ông cứng rắn, bản lãnh cao cường; nhưng có nhiều lúc tôi yếu đuối đến độ chính tôi phải kinh ngạc. Tôi thường giật mình thức giấc nửa đêm, bụng quặn đau, tim đập mạnh và những tư tưởng man dại cứ lởn vởn trong óc tôi – cảnh nhà tù, tường xi măng lạnh, cửa sắt, và cai tù đi tuần tiễu những hành lang tối tăm.

Một hôm nọ, khi đang đi ngang văn phòng Thượng Nghị Viện, một ký giả đài CBS chặn tôi lại phỏng vấn. Sau câu chuyện anh ta lắc đầu ái ngại: “Tôi không biết là các ông sẽ còn chịu đựng được bao lâu nữa. Tôi mới nói với vợ tôi tối qua là một người trong các ông sẽ kiệt quệ hay tự tử trước khi vụ nầy chấm dứt. Ông Colson! Cố gắng lên nhé.” Có nhiều ngày – và đêm – mỗi khi nhớ đến câu nói nầy, tôi không khỏi cảm thấy lạnh tới xương sống.

Cuối tháng tư, Dave Shapiro và một luật sư cộng sự khác của tôi, Judd Best, bắt đầu nói chuyện với phía Công Tố Viên. Văn phòng Tư Pháp Quận Columbia đầy những vụ án liên tục như ăn cắp, trữ cần sa, hiếp dâm và sát nhân. Ðiều tra công việc của Tổng Thống cũng như những nhân viên của ông là một việc làm lạ lùng, bất thường đối với vị Chưởng lý Barl Silbert và hai viên phụ tá. Nó cũng lạ lùng như việc chúng tôi trở thành đối tượng điều tra của họ.

Một đêm nọ, Dave và Judd đưa tôi đến gặp họ tận mặt. Silbert cố gắng che lấp khuôn mặt non choẹt của mình bằng cách nhìn trừng chúng tôi luôn luôn, vênh con mắt cú vọ qua cặp mắt kính thật lớn. Cuộc đối chất kéo dài bốn tiếng đồng hồ. Tôi trả lời răm rắp từng câu hỏi của ông ta. Ông ta tố tôi một chuyện cũ “Chính ông, không ai khác hơn. Ðã viết lá thư Canuck khiến cho chương trình vận động của ứng cử viên Tổng Thống Muskie tan rã.”

“Không, thưa ông Silbert, tôi không làm điều đó. Tôi không dính líu gì đến việc nầy.”

Ông ta nhíu cặp lông mày đăm đăm nhìn tôi như không tin lời tôi nói. Sau phần thẩm vấn, Dave và Judd bảo tôi chờ ở phòng ngoài để họ nói chuyện thêm với Silbert. Ðây là một căn phòng đầy bàn giấy với giấy tờ, báo chí, trát đòi, án tòa, văn kiện luật pháp nằm thành những đống cao, trên tường không có lấy một tranh ảnh. Cũng như hàng trăm căn phòng khác trong tòa án đồ sộ nầy, nơi đây chứa những nhân viên tòa án hàng ngày điều hành một guồng máy phức tạp để giữ cho bánh xe luân lý tiếp tục quay.

Là một luật sư, tôi đã từng đến những tòa án nguy nga, trang nghiêm, những văn phòng trang hoàng đẹp đẽ của chánh án; những thư viện ngăn nắp của luật sư với những ngăn sách xếp gọn gàng và hình ảnh những vị luật gia tên tuổi – nơi mà những nguyên tắc trừu tượng của luật pháp được bàn cãi mổ xẻ tinh vi. Nhưng thú thật đây là lần đầu tiên tôi vào một văn phòng hẹp, tối tăm nơi chứa đựng hàng chục nhân viên thi hành luật pháp – nơi mà luật pháp thật sự va chạm đến đời sống. Bây giờ tôi mới thấm thía cái cảm giác của một người đang bị cuốn trong guồng máy phức tạp ấy.

Thời gian lặng lẽ trôi. Tôi đảo mắt nhìn quanh, trời bên ngoài tối đen như mực. Lòng nhớ đến Patty ở nhà một mình lo lắng. Tôi đọc lướt qua những trang báo, nhìn mông lung vào những bàn giấy trước mặt và hình dung trong đầu óc mình những nan đề của con người vẫn đi qua nơi đây mỗi ngày.

Cuối cùng, Dave và Judd bước ra miệng cười tươi – viên chưởng lý tin vào những lời khai của tôi. Tuy nhiên, những cảm giác trong lòng tôi đêm nay vẫn đeo đuổi tôi một thời gian dài sau đó, ngay cả khi tôi được thông báo là sẽ không phải bị điều tra bởi Silbert nữa mà chỉ làm nhân chứng mà thôi.

(còn tiếp)

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top