Tái Sinh – Chương 7.d
Vào giữa tháng 11, tôi được chuyển về khám đường Holabird ở Baltimore. Ðiều này xảy ra ngoài sự tiên đoán của tôi. Một lần nữa tôi trở thành nhân chứng, lần nầy cho vụ án Watergate liên quan đến Bob Haldeman, John Ehrlchman, và John Mitchell.
Tôi rời trại Maxwell với cảm giác buồn vui lẫn lộn, tôi ghét nơi chốn ấy nhưng lại thương nhiều anh em ở đó. Giây phút chào tạm biệt Paul, Lee, Amos, Homer và những anh em khác là giây phút bịn rịn, lưu luyến. Cũng như bốn anh em ở Tòa Nhà Thông Công những anh em này bây giờ là anh em trong Chúa của tôi, dù chỉ là trong vài tháng ngắn ngủi nhưng mối dây đã được thắt chặt. Chúng tôi đã từng vinh nhục với nhau, chúng tôi lo lắng quan tâm cho nhau.
Homer Welsh đi với tôi ra phòng kiểm soát. Thái độ trịnh trọng ông dành cho tôi khiến tôi ái ngại nhiều trong quá khứ như mất đi hoàn toàn. Ông cười trìu mến nói, “Chuck, tôi sẽ cầu nguyện cho anh“.
“Tôi sẽ cần đến nó hơn bao giờ hết trong vài tháng tới”, tôi nói – nhưng không hề biết đây là lời tiên đoán chính xác.
Homer đứng tiễn ở đường đi nhìn theo tôi bước đến xe của cai tù. Tôi ngoái nhìn lại vẫy tay. Trong nắng chiều của mùa thu sắp tàn, tôi thấy trong mắt ông long lanh những giọt lệ.
Có vài thay đổi nhỏ ở Holabird. Vài khuôn mặt cũ đã ra đi, thay vào đó bằng những khuôn mặt mới. Herb Kalmbach và John Dean chào đón tôi một cách nồng nhiệt. Jeb Magruder hơi ngượng ngùng đối với tôi. Sự hằn học vốn đã đặt hai chúng tôi ở hai phía chống nghịch nhau êm dịu đi phần nào, nhưng chúng tôi còn cần hàn gắng nhau nhiều trong sự liên hệ.
Bản điều trần về Watergate của tôi ở Washington bị chống đối dữ dội – đầu tiên bởi thành phần công tố, sau đó bởi thành phần biện hộ. Mặc dầu tôi là nhân chứng cho bị cáo, nhưng chín luật sư của John Mitchell đã tra khảo tôi mạnh mẽ, không nương tay. Sự thật dưới con mắt của tôi không ăn khớp với chiến thuật hai bên.
Mary McGrory như muốn nuốt sống tôi. Bà không hiểu cho lập trường của tôi bây giờ rằng tôi không trung thành với những công tố viên đã bỏ tù tôi, không trung thành với những người tôi đã phục vụ, nhưng chỉ trung thành với sự thật. Kết quả như đã tiên đoán trước, đoàn quân ngày nào của chúng tôi đang diễn hành đến nơi trừng phạt như một số người trong chính phủ độc tài của Pháp bị đưa nằm dưới máy chém hai trăm năm trước đây.
Khi bản án kết tội được công bố hôm Tết Dương Lịch, John Dean chạy vào phòng tôi, đôi tay xoa vào nhau nói một cách hí hửng, “Lời nói của tôi đã được chứng minh”.
Tôi nhìn chăm vào John yên lặng. Tôi nghĩ, bây giờ không thể còn chiến thắng cho bất cứ ai dính líu đến Watergate; phóng viên có thể được giải thưởng, một số anh em chúng tôi có thể viết sách sau khi ra khỏi tù, những chính trị gia không tên tuổi bỗng nhiên trở thành trung tâm điểm của quốc gia cũng như nhiều người rơi đài danh vọng một cách nhục nhã, nhưng chúng ta đã trả một giá quá đắt. Tôi biết đây là lúc chúng ta thiết cầu mong cho quốc gia của tôi tiến tới và những anh em bị thương tích được xây dựng cuộc đời của họ trở lại.
Mặc dù John Dean và tôi không phải là đồng minh trong vụ án, nhưng chúng tôi trở nên gần gũi với nhau, nói chuyện với nhau nhiều đêm cho đến khuya hoạch định tương lai, đôi khi thảo luận về Kinh Thánh và trao đổi ý kiến về sách mỗi chúng tôi dự định viết. Tôi xem trong đầu óc ưa tìm hiểu của John. Watergate đã làm anh già dặn hẳn ra, đã thay đổi cái nhìn của anh, và rèn luyện anh thêm bản lãnh, sức mạnh hơn trước nhiều.
Herb Kalmbach và tôi đã trở thành bạn thân với nhau. Tôi ngưỡng một trước Herb, ban đầu không biết phải làm gì và nhiều lúc chán chường, nay như có nghị lực can trường trước nghịch cảnh dai dẳng như vậy.
Watergate cũng đã rèn luyện Jeb Magruder. Anh đã tin nhận Chúa qua sự giúp đỡ của một nhóm tín hữu thuộc hội thánh Presbyterian quốc gia ở Washington và vị Chủ Tọa làm việc không ngừng tay, Louis Evans, người đến thăm anh mỗi tuần. Thỉnh thoảng, Jeb và tôi hay cầu nguyện với nhau.
Những vết thương khác cũng đang được hàn gắng. Thượng Nghị Sĩ Lowell Weiker bắt đầu cuộc điều tra về những sự lạm dụng cũa CIA trên căn bản vô tư. Qua những viên cai tù, ông yêu cầu tôi hợp tác với ông chấp nhận để ông phỏng vấn. Cách đây chỉ vài tháng, suýt nữa là chúng tôi choảng nhau. Nhưng bây giờ chuyện đó đã thuộc về quá khứ. Vì nhận thấy cuộc điều tra của ông thật cần thiết, tôi đồng ý hợp tác ngay. Qua những giờ phút làm việc với nhau, nhưng sự hiềm khích trước đây hoàn toàn tan biến và tôi bắt đầu thấy những khía cạnh tốt của ông: sự chu đáo tuyệt đối trong trách nhiệm và mối quan tâm sâu xa của ông cho đất nước.
Al, Graham, Doug và Harold đến Baltimore mỗi khi có giờ thăm viếng. Gần cuối năm, họ đến vào mỗi sáng thứ bảy. Sau ba giờ thông công và cầu nguyện, cả bốn anh em đi ra cửa cổng dây thép gai, leo lên xe Buick màu xanh mà trước đây sáu tháng đã đưa tôi đến khám đường rồi nổ máy ra đi. Ðối với họ, giờ chia tay có vẻ khó khăn hơn vì phải để lại một anh em sau cánh cửa, mắt nhìn qua kẽm gai, tay vẫy chào tạm biệt.
Những công tố viên quyết định lưu giữ bốn cộng sự viên ngã ngựa của Nixon tại Holabird trong khi phiên tòa còn tiếp diễn. Tôi vui lòng về điều này. Tôi không ngờ những tháng ngày ở Maxwell vất vả đến thế, không bao giờ ngủ ban ngày, đêm thức khuya nói chuyện với những anh em cần giúp đỡ. Ở Halabird tôi ngủ mười hai giờ mỗi ngày cho đến khi nhớ lại lời dặn của Bonhoeffer và tự ép mình vào một khuôn khổ kỷ luật hơn.
Với Patty cũng vậy. Từ nay nàng không còn phải đi xa xôi cực khổ đến tận Alabama để thăm tôi nữa. Má tôi, nay ở một mình, cũng có thể đến thăm. Bà đến khá thường. Dẫu tuổi già và sức khỏe yếu, bà lái xe một mình từ Boston và nói chuyện lâu với nhiều tù nhân, đầu óc dí dỏm của bà làm chúng tôi lên tinh thần nhiều.
Mặc dầu sống trong tình trạng thoải mái hơn ở Holabird, tuy nhiên tôi nhớ những anh em ở Alabama nhiều. Tôi không ngăn được giọt lệ khi đọc lá thư đầu tiên của Paul Kramer:
Chuck, ai cũng hỏi bao giờ anh trở lại. . . Nhóm của chúng ta tăng trưởng về số người cũng như tinh thần. . . Chuck, tôi muốn anh biết rằng chúng tôi cầu nguyện cho anh mỗi đêm trong giờ thông công. Chúng tôi vẫn còn thấy hình dáng anh ngồi đây với chúng tôi, cái quần sọc, áo thun, và ống vố. . . Chúng tôi gần gũi nhau. Nhóm của chúng ta hiểu biết, lo lắng cho từng cá nhân một. Như là anh vẫn hằng mong muốn. Chúng tôi chia sẻ gánh nặng cho nhau. . . Chúng tôi thương và nhớ anh nhiều đến nỗi anh không biết đâu. Xin Chúa ban phước cho anh và Patty,
Paul và bạn hữu. . .
Trong đêm trước Giáng Sinh, lòng tôi trĩu nặng cho anh em ở Maxwell hẻo lánh xa xôi nên tôi bỏ cả đêm viết thư cho Paul và những anh em khác. Vì không được phép dự lễ nửa đêm tại nhà thờ địa phương ở Baltimore, bốn anh em Watergate chúng tôi tụ nhau lại ở phòng John Dean. Jeb và tôi đọc cho cả thảy cùng nghe đoạn Kinh Thánh nói về sự ra đời của Chúa Giê-xu. Chúng tôi yên lặng cầu nguyện cho nhau và cho gia đình. Tôi cũng cầu nguyện cho anh em ở Maxwell.
Sau Giáng Sinh, trong khi phiên tòa về Watergate đang tiếp diễn, có nhiều lời đồn đãi rằng chúng tôi sắp được tha. Bốn anh em chúng tôi đã làm đơn xin giảm án, nhưng thường thường bị bác ngay. Nhưng lần này những viên chức chánh án cho đến giờ vẫn chưa có quyết định gì. Chúng tôi biết họ đang đợi một điều gì đó, có lẽ là chờ phiên tòa chấm dứt. Hy vọng chúng tôi dâng cao khi tiếng đồn ngày càng lan rộng.
Jeb và tôi trở thành những người xách động đề nghị chúng tôi kiến nghị gởi lên Bộ Tư Pháp, gởi hàng loạt thư cho Tổng Thống Ford, nộp lại đơn cho chánh án. John Dean cũng vạch ra kế hoạch của anh nữa. Herb Kalmabach là người đầu tiên trong chúng tôi hội đủ điều kiện để được phóng thích, nhưng đơn của anh đang bị vùi trong guồng máy hành chánh khổng lồ. Anh có lý do chánh đáng nhất để nóng lòng, thế nhưng anh lại là người điềm tĩnh nhất trong bốn anh em chúng tôi.
Một đêm sau Tết Dương Lịch không lâu Herb nói, “Mấy anh coi nè. Tôi đã làm tất cả mọi chuyện tôi có thể làm, luật sư của tôi cũng vậy. Tôi chỉ còn cách là tin tưởng vào luật sư” – anh ngừng giọng, nhìn chăm vào tôi đoạn nói tiếp – “và Ðức Chúa Trời”.
Herb nói rất đúng; lời nói của anh giống như những gáo nước lạnh tát vào mặt tôi. Tôi đã quay về với cách làm việc theo ý của mình. Thật dễ dàng ngã trên con đường theo Chúa của ta. Harold đã nói với tôi một cách thật ngắn gọn về điều này hơn mười hai tháng vừa rồi, “Nầy Chuck, cho đến khi nào anh dâng trình điều này cho Chúa, thật sự đặt trọn niềm tin của anh vào Ngài, anh chỉ làm khổ anh mà thôi. Hãy cảm ơn Ngài về mọi điều. Dâng trình hết cho Ngài, tin Ngài và anh sẽ được tự do”.
Tôi đáp lại ngay, “Dĩ nhiên rồi. Anh có thể nói như vậy dễ dàng, bởi tối nay anh sẽ về nhà. Tôi còn ở đây từ ngày này qua ngày khác – mọi sự nhàm chán ghê rợn như không dứt, cái cảm giác bị trói buộc, tù đày. Ðây là địa ngục anh ạ”. Harold nói đúng. Tôi biết vậy, nhưng vì quá thèm khát tự do nên tôi cậy sức mình tranh đấu.
Có một điều mà những nhân viên tòa án, luật sư, Herb, John, Jeb và tôi đều đồng ý là – hoặc bốn anh em chúng tôi cùng được tha hay không ai được tha cả. John Dean và Jeb Magruder là những nhân chứng phía chính phủ, nhưng tội của họ nặng hơn tội của tôi hay Herb. Giữa Herb và tôi bản án giống nhau, Herb đáng lẽ được tha lâu rồi. Nếu một người được tha, cả thảy phải được tha theo.
Ngày 8/1/1975 tôi đến Washington để chịu điều tra về những vụ án liên hệ khác tại văn phòng của công tố viên. Buổi điều tra bị cắt ngang bởi một cú điện thoại khẩn cấp: Luật sư của John Dean gọi tôi. Anh giải thích rằng John đang ở Holabird không thể gọi tôi được nên nhờ anh ta gọi giùm. John muốn tôi biết chuyện nầy từ anh trước nhất.
Tôi nóng lòng hỏi “Có chuyện gì vậy?”
Viên luật sư trả lời, “John được Thẩm Phán Sirica phóng thích ngay hôm nay”. Tim tôi bắt đầu đập mạnh như khi nghe Tổng Thống Ford công bố rằng tất cả chúng tôi đang được cứu xét để khoan hồng. Tôi đợi anh ta nói lên tin mừng. Anh ta tiếp, “John muốn anh biết điều nầy từ anh ấy chứ không từ radio”.
Tôi hỏi, “Tại sao? Tin mừng à?”
Anh nói, “Ðúng rồi – tin mừng cho John, cho Jeb và cho Herb nữa, nhưng hơi xui cho anh”.
Trong hồi lâu, tôi không tin được những lời nói đang đổ vào tai. Jeb Magruder, Herb Kalmbach và John Dean – tất cả đều do Thẩm Phán Sirica phán án – được trả tự do. Còn tôi thì không. Tôi bị xử bởi một chánh án khác Gerhard Gesell – tương lai tôi vẫn còn mù mịt.
Khi về đến trại giam Holabird, John, Herb và Jeb đã lên đường về nhà. Một tấm vải liệm bao phủ cả khám đường ngổn ngang trong đêm đó. Tôi bước dọc theo hành lang, nhìn vào căn phòng cả John Dean nơi mỗi đêm có bốn anh em chúng tôi tụ họp. Căn phòng trơ trụi chỉ còn cái giường, tấm nệm bẩn thỉu, hai chiếc ghế và cái bàn nhỏ. Căn phòng lặng yên như tờ. Tôi thấy một miếng giấy nhỏ viết tay để trên bàn tôi:
Anh Chuck mến,
Tôi không biết phải nói gì đây – Tôi chỉ biết rồi anh sẽ được tha vào một ngày không xa. Tôi cam đoan với anh rằng tôi sẽ kêu gọi trả tự do cho anh khi báo chí đến phỏng vấn tôi.
Tôi sẽ liên lạc với anh sớm để nói về chuyện ấy.
Tôi sẽ cầu nguyện cho anh và sẽ hết lòng làm mọi điều để giúp anh.
Bạn của anh.
John
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.