Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Niềm Tin và Cuộc Sống » Tái Sanh – Chương 3.d

Tái Sanh – Chương 3.d

BornAgain_CWC

Sáng hôm sau, khi đọc, nghiên cứu và ghi xuống những điểm quan trọng, thêm một câu hỏi quan trọng nữa được giải đáp. Nếu Ðức Chúa Trời đang nghe lời cầu nguyện của chúng tôi, làm sao Ngài có thể nghe lời cầu nguyện người khác trong cùng lúc đó?

Ðây là câu hỏi mà trí óc hạn hẹp của con người thấy khó trả lời, cũng như câu hỏi vũ trụ ngừng ở đâu, và nếu ngừng thì bên ngoài vũ trụ có gì? Lewis giải đáp một phần nào trong chương “Thời Gian và Bên Ngoài Thời Gian: Ðức Chúa Trời vượt không gian và thời gian.” Ngày nay, khoa học đã chứng minh được thời gian là tương đối, chứ không phải là một lượng tuyệt đối như ta hằng tưởng.

Bởi Ðấng Tạo Hóa tại nên một vũ trụ bao la không bờ bến, không một giới hạn gì về thời gian nên việc Ngài có thể nghe cùng một lúc bốn tỷ lời cầu nguyện, bỗng nhiên đối với tôi không là việc khó tin nếu tôi cứ dùng trí óc giới hạn của mình để tìm một ý niệm vô hạn. Tôi không biết nói sao để bạn hiểu hơn, nhưng tôi biết chắc con người sẽ không giải đáp được sự vô hạn đó.

Tất cả những điều nầy khiến tôi tin mạnh mẽ rằng có một Ðức Chúa Trời đầy yêu thương, vĩ đại vô cùng; nhưng có một vấn đề mà tôi vẫn chưa rõ là những chữ Tom nói là tin nhận Chúa Giê-xu Christ có nghĩa gì? Tại sao lại liên hệ đến Chúa Giê-xu Christ? Ðạo Hindu tin ở Ðức Chúa Trời và người ta có thể thờ phượng Ngài theo cách người ta muốn. Câu chính yếu của sách Lewis viết về Tin Lành được tóm lại như sau: Chúa Giê-xu Christ là Ðức Chúa Trời (Giăng 10:30). Ngài không những là một phần của Ðức Chúa Trời, được Ðức Chúa Trời sai xuống, hay có liên hệ với Ðức Chúa Trời. Ngài là Ðức Chúa Trời.

Càng đọc những lời nầy, tôi càng thấy chúng nổ tung trước mắt tôi, làm lung lay đến tận gốc rễ những ý niệm sống mà tôi hằng nuôi dưỡng nhưng lại ít suy nghĩ nhiều về những ý niệm đó. Lewis đặt vấn đề hết sức rõ ràng không ai có thể chối cãi: Nếu Chúa Giê-xu Christ đã nói, đã chết và đã sống như ta đã thấy, chỉ có hai kết luận: hoặc Ngài là Ðức Chúa Trời, hoặc Ngài là một người điên dại.

Thật là đơn giản, thẳng thắn, nghe ghê sợ không chút đắn do, dung hòa. Chưa ai trình bày một vấn đề với tôi bằng một cách thẳng thắn và chắc chắn như vậy. Tôi đồng ý Chúa Giê-xu là một nhà tiên tri và hiền triết nổi tiếng đã đến Ðất Thánh hai ngàn năm về trước – Ngài vĩ đại hơn nhiều vĩ nhân đồng một thời đại hay bất cứ thời đại nào. Tôi vội nghĩ đến chúng ta chỉ nghĩ Chúa Giê-xu Christ như vậy thôi, thì Tin Lành chỉ là một cái cớ, thể như ta uống viên thuốc giả bọc đường mỗi sáng Chúa Nhật.

Ðứng ở biển Maine trước ánh nắng sớm và những ngọn gió mát thổi từ đại dương, bỗng thấy mình như bế tắc, khó hiểu và chấp nhận điểm quan trọng nầy – rằng Chúa Giê-xu là Ðức Chúa Trời hằng sống và Ngài hứa sẽ ban cho mỗi chúng ta sự liên hệ mật thiết với Ngài.

Những bước tôi đã vượt qua là những bước quan trọng, cần thiết để đến điểm nầy, nhưng khi đạt đến điểm đó, tôi lại thấy những bước kia không là gì cả. Câu hỏi của Lewis là trọng tâm của vấn đề. Những chữ như trố mắt vào tôi, vừa kỳ lạ, vừa làm tôi khó xử: Chúa Giê-xu Christ – người điên dại hay Ðức Chúa Trời?

Ngay cả những người vô thần cũng thừa nhận rằng sự đến của Chúa Giê-xu đã thay đổi lịch sử. Thí dụ dương lịch dựa vào ngày sinh của Ngài. Nói theo ngôn ngữ loài người, Ngài là một người không có quyền thế, không tiền, không quân đội, không vũ khí, thế mà sự đến của Ngài đã thay đổi sự liên kết chính trị của nhiều quốc gia. Hàng triệu người đã nghe theo và tin vào lời hứa của Ngài. Không một tác phẩm văn chương nào còn tồn tại như Kinh Thánh, cuốn sách ghi lại đời sống của Chúa Giê-xu Christ vẫn còn thiết thực ngày hôm nay cũng như hai ngàn năm về trước. Biết bao công lao và tài sản được đổ vào những nhà thờ nguy nga, đồ sộ qua nhiều thế kỷ để thờ phượng Ngài. Ðây có thể là một công trình của một người điên dại, hay của một vĩ nhân? Càng suy nghĩ về điều nầy, tôi càng thấy nhiều bằng chứng hùng hồn hiện ra.

Tôi lại méo mó nghề nghiệp một lần nữa. Hệ thống luật pháp của Hoa Kỳ dựa trên nguyên tắc stare decicis (tiền lệ), nghĩa làm một lời phán của tòa án sẽ là tiền lệ cho những vụ án tương tự về sau, có giá trị như là một đạo luật được thông qua bởi cơ quan lập pháp. Những vụ án về sau dùng những tiền lệ và dữ kiện liên hệ đến những phán quyết trong quá khứ làm nguyên tắc chỉ đạo trong việc đi đến một phán quyết. Chính điều nầy đã tạo nên sự liên tục của luật pháp và dùng lịch sử làm bài học cho tương lai.

Phán quyết quan trọng nhất của Tối Cao Pháp Viện mà sinh viên luật nào cũng phải học kỹ là phán quyết trong vụ án giữa Marbury và Madison. Hiến pháp Hoa Kỳ không có điều khoản nào cho phép Tối Cao Pháp Viện quyền xử quyết tính chất hợp hiến của những đạo luật do Quốc Hội làm ra. Tuy nhiên, qua vụ án nầy, Tối Cao Pháp Viện có quyền xử quyết ấy một vài năm sau đó.

Ngày nay, không ai đặt một nghi vấn gì đối với quyền xử quyết tính chất hợp hiến của Tối Cao Pháp Viện. Tòa án đã hành xử quyền nầy cả hàng ngàn lần với những hiệu quả rộng lớn. Những sinh viên luật khoa mới vào trường thường thích biện luận về sự hợp lý của phán quyết trong vụ Marbury và Madison, nhưng thường thất bại bởi phán quyết nầy đã được ổn cố bởi sự chấp nhận từ lâu trong quá khứ.

Thế thì tại sao tôi lại tiếp tục sợ người khác tố cáo mình là mù quáng “đua đòi” người khác để tin nhận Chúa Giê-xu? Tại sao tôi cứ đặt câu hỏi về Ðức Chúa Trời trong khi tôi không một chút nghi vấn về những nguyên tắc luật pháp mà giá trị bằng chứng lịch sử của nó so sánh bằng câu chuyện trước mắt chúng ta về đời sống và ảnh hưởng của Người Thợ Mộc ở Na-xa-rét?

Khi đối diện với câu nói Ngài là Ðức Chúa Trời, tôi thấy mình bị vây không đường tẩu thoát, không thể đến một chỗ đứng giữa rằng Ngài chỉ là một bậc hiền triết, một nhà đạo đức vĩ đại. Nếu Ngài không là Ðức Chúa Trời, Ngài sẽ không là gì cả, không là một nhà đạo đức. Bởi trong lời Ngài phán Ngài có nói rằng Ngài chính là Ðức Chúa Trời, chỉ một câu nói trên cũng đủ cho nhân loại kết luận Ngài là người nói láo vĩ đại nhất và sẽ không còn căn bản đạo đức nào nữa để tựa vào.

Tôi cũng không thể đưa Ngài xuống một chỗ thấp hơn dù làm điều ấy rất dễ, ít đụng chạm đến sở học của tôi, cần ít đức tin hơn và ít thử thách hơn. Ðó chính là dùng ý mình để tạo nên Ngài, chỉ tin vào những điểm của Tin Lành nếu phù hợp và có lợi cho quan điểm của tôi còn không thì thôi.

Tôi nhận ngay ra rằng từ khước Ngài hoàn toàn, xem Ngài là một người điên dại, nói theo cách của Lewis, còn ít bị coi là đi ngược hơn là tạo ra một hình ảnh giả tạo không thật về Ngài. Chúa Giê-xu Christ hoặc là Ðức Chúa Trời, hoặc không là gì cả. Còn nếu tôi muốn tin Ðức Chúa Trời, tôi phải chấp nhận Ngài như Ngài đã tỏ ra, chứ không như một hình ảnh tôi tạo ra cho hợp với ý mình.

Patty và tôi quyết định đến Boothbay Harbor chơi trong đêm thứ năm. Chương trình tối hôm ấy là buổi hòa nhạc ở phía trước thư viện thị trấn, một nơi được nhiều người mến chuộng trong dịp hè. Nếu nhạc sĩ Arthur Fiedler còn sống, chắc ông có cảm tưởng âm nhạc đang trình bày như ai đang dùng ngón tay cào trên bảng, tuy nhiên chúng tôi mê say thưởng thức từng nốt nhạc vang lớn.

Ban nhạc gồm đủ mọi người – từ một em bé thổi kèn chưa tới mười ba tuổi, cho đến cô gái trăng tròn khuôn mặt thánh thiện trong áo choàng hoa sặc sỡ dài đến đầu gối khệ nệ mang trống, rồi một ông cụ khoảng trên tám chục tuổi tóc bạc phơ, da nhăn, vai mang những dây trang hoàng đầy màu sắc thổi kèn bass. Cả ban mười lăm người đứng ngay ngắn trên những bậc gỗ rộng ở phía trước căn nhà gỗ màu trắng, cửa sổ cao được trang hoàng bằng những giấy nhún và trái banh có gần đến trăm năm chớp sáng trước hai ngọn đèn pha lớn. Ðây là bài Saturday Evening Post của Norman Rockwell, một bản nhạc vô giá đầy âm hưởng dân tộc, còn nguyên vẹn và chưa bị hoen ố bởi sự tiến bộ của xã hội tối tân hiện đại. Du khách đứng chen chúc trên bãi cỏ xanh, các em nhỏ vui sướng trong những chiếc kẹo, và nhiều dân địa phương tấp nập bởi đây là dịp vui lớn của thị trấn.

Tôi nghe bài hát “As the Saint Go Marching In” như hòa lẫn với hơi gió thoang thoảng mùi muối trong không khí. Khi nhìn qua những khuôn mặt trong đám đông, tôi cảm giác mỗi khuôn mặt đều có nét đặc biệt riêng tư. Mỗi khuôn mặt, kể cả những em bé miệng ngậm kẹo, là mỗi cá nhân, một con người riêng, một người con của Ðức Chúa Trời. Trước đây, tôi coi đám đông như một rừng người chen chúc, không một nét chấm phá đặc biệt gì. Có lẽ sự nhận thức mới nầy xuất phát từ một đoạn sách của Lewis, đoạn đã làm cho mọi lý tưởng chính trị tôi hằng ấp ủ bao năm vỡ tan như bong bóng.

Nếu đạo đức là sự khác nhau giữa chế độ độc tài và dân chủ thì một yếu tố nữa ta thường ít để ý đến cũng phân cách hai chế độ nầy. Hãy xem nếu cá nhân con người chỉ sống chừng bảy mươi năm thì một chế độ, một quốc gia hay một triều đại văn minh tồn tại được chừng một ngàn năm sẽ quan trọng hơn cá nhân. Nhưng nếu Tin Lành là thật thì cá nhân không những quan trọng hơn mà còn quan trọng hơn gấp ngàn lần bởi đời sống cá nhân vĩnh cửu trong khi chế độ, quốc gia hay triều đại văn minh chỉ tồn tại có một khoảng khắc khi so với sự vĩnh cửu ấy.

Một cá nhân tầm thường nhất còn quan trọng hơn cả một quốc gia! Tôi phải cần thời gian dài để vượt qua cơn chấn động ban đầu khi đọc xong đoạn ấy. Thế mà tôi luôn luôn cho rằng mình là một người bảo thủ theo thuyết của Jefferson, lúc nào cũng tin tưởng mãnh liệt rằng quốc gia hiện hữu để phục vụ cho con người. Những gì tôi đã thấy quanh tôi hết sức trái ngược: mỗi người trong chính phủ đều có khuynh hướng quốc gia số một, ai cũng sẵn sàng bảo vệ những cơ cấu của quốc gia với bất cứ giá nào. Vì thế, chỗ đứng của con người trong mỗi chương trình, kế hoạch từ từ và vô tình bị mất dần. Thí dụ điển hình là mọi đạo luật làm ra đều nhằm vào mục đích củng cố chỗ đứng của quốc gia – ngay cả khi quyền lợi của một vài cá nhân bị chà đạp. Tôi bỗng nhớ lại câu chuyện cũ và đau đớn thú nhận rằng quyền tự do của bác sĩ Daniel Ellsberg quan trọng hơn vấn đề bảo vệ bí mật quốc gia.

Những ý niệm về chính trị tôi hấp thụ được phát xuất từ những sách của Locke và Jefferson là những chỉ đạo khá vững cho vấn đề hành pháp. Những nguyên tắc nầy sẽ linh động tùy tình hình và thời đại đòi hỏi. Tuy nhiên, nếu Chúa Giê-xu Christ là có thật, và nếu tôi quyết định tin nhận Ngài, tôi sẽ phải đối diện trở lại với tận gốc rễ của mọi khía cạnh đời sống và không được vá víu gì với những ý niệm cũ. Chúa Giê-xu Christ sẽ thay đổi quan niệm của tôi đối với cuộc đời, láng giềng, kẻ thù nghịch, bạn hữu của tôi cũng như người lạ một cách toàn diện?

Ðầu óc tôi quay cuồng. Có phải bởi tiếng nhạc, bởi nhớ nhung ngày cũ, hay cảm giác tạm xa lánh thế giới náo nhiệt để tìm sự im lặng nơi thị trấn nhỏ nầy? Tôi biết, tận đáy sâu trong lòng, có những lực vô hình đang hoạt động đòi hỏi tôi phải xét lại mọi phương diện của cuộc đời tôi.

***

Trở lại quán trọ, những nỗi nghi ngờ về việc tôi đang làm lại xâm chiếm hồn tôi. Có phải tôi đang tìm một bến đậu tránh bão táp, một chỗ trú ẩn tạm thời? Có phải vì những gì đã xảy ra hôm rời nhà Tom Phillips? Mặc dầu hồn tôi đã tỉnh thức để biết về Chúa Giê-xu Christ, nhưng có phải tôi đang tìm đến tôn giáo như một giải pháp cuối cùng để cứu lấy tôi khi mà thế giới quanh tôi đều sụp đổ?

Tôi có hy vọng rằng Ðức Chúa Trời sẽ giữ tôi bình yên? Tôi đoán đây là một câu hỏi thường tình. Cố nhiên sẽ có nhiều người tố cáo tôi theo tôn giáo khi khặp khó khăn mà thôi. Nhưng không lẽ vì họ nghi như vậy mà tôi dùng dằng?

Không, tôi biết là thì giờ đã đến: Tôi không thể để qua một bên câu hỏi chính yếu mà C. S. Lewis (hoặc Ðức Chúa Trời) đã đặt ngay trước mặt tôi. Tôi có sẵn sàng để Chúa Giê-xu Christ là Chủ của cuộc đời mình mà không một chút đắn đo, ngờ vực? Câu hỏi tựa như cái cổng ở trước mặt, không có đường vòng quanh trước mặt. Hoặc là tôi bước qua cổng, hoặc là tôi đứng ngoài. Câu nói “Có lẽ” hay “Tôi cần thêm thì giờ để suy nghĩ” chỉ là dối lòng mình.

Câu hỏi trên càng được lặp đi lặp lại bao nhiêu, tôi lại thấy câu “Tin nhận Chúa Giê-xu Christ” càng ít xa lạ và khó xử bấy nhiêu. Ban đầu câu nói có vẻ mê tín và hoang đường như ngôn ngữ của kẻ mê hoặc hay ảo thuật. Nhưng chữ “tin nhận” chẳng qua chỉ là “tin”. Tôi có tin những gì Chúa Giê-xu nói không? Nếu tôi tin, hay nếu tôi vì đức tin hay lý luận hoặc cả hai mà tin, thì điều đó có nghĩa tôi tin nhận. Không có gì là hoang đường và kỳ quặc cả, và cũng không có chuyện đứng lưng chừng. Hoặc là tin hay không tin – hoặc là tin hoàn toàn hay không tin một điều gì cả.

Sự tìm kiếm Ðức Chúa Trời trong kỳ nghỉ ở biển Maine nầy, sau nầy khi hồi tưởng lại tôi thấy không quan trọng như tôi nghĩ lúc ban đầu. Nó chỉ đặt tôi vào vị trí mà tôi đã ở khi tôi cầu xin Ðức Chúa Trời “nhận con” lúc vừa ở nhà Tom Phillips ra. Những gì tôi đã nghiên cứu kỹ lưỡng trong tuần chỉ hé mở cho tôi cánh cửa bước vào một thế giới mới bằng những bước ngập ngừng, chập chững. Một tuần lễ tìm hiểu Ðức Chúa Trời không là gì cả, nhưng tôi có cảm giác như đã đi qua hàng ngàn dặm.

Vì thế, sáng thứ sáu kế đó, khi ngồi một mình nhìn đại dương tôi yêu mến phía trước mặt, tôi thốt ra tự nhiên những lời mà tôi không chắc mình hiểu hay có nói: – “Lạy Chúa Giê-xu, con tin Ngài. Con tin nhận Ngài. Xin Ngài bước vào đời con. Con xin dâng đời con cho Ngài”.

Những lời nói như trộn trong nắng sớm, biển động mang đến cho tôi một sự an lòng vô cùng như hòa hợp với cảm xúc đang tràn trong tim. Rồi đến một sức mạnh lạ thường, sự thanh tịnh, sự bảo đảm lạ lùng cho cuộc sống, và một nhận thức mới mẻ về cá nhân mình và thế giới chung quanh. Tôi có cảm giác như những sợ hãi, lo âu nặng trĩu và những tình cảm hận thù ngày xưa bỗng tan biến. Tôi bỗng sinh động trở lại bởi nhiều điều mới lạ chưa bao giờ thấy trước đây, ngỡ như Ðức Chúa Trời lấp kín tâm hồn trống trải qua bao tháng ngày của tôi bằng một ý niệm mới. Tôi viết thư báo cho Tom Phillips biết về quyết định tin nhận Chúa Giê-xu của tôi, tỏ lòng biết ơn sự quan tâm ưu ái của anh và mong anh cầu nguyện cho bước đường dài và chông gai của tôi trước mặt.

Tôi không đoán được việc gì sẽ xảy đến cho mình, dù là trong những giấc mơ dài. May mắn thay Ðức Chúa Trời đã không để cho chúng ta nhìn lo lắng về tương lai.

(Còn tiếp)

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top