Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Niềm Tin và Cuộc Sống » Tái Sanh – Chương 3.a

Tái Sanh – Chương 3.a

BornAgain_CWC

Chương 3:   Colson Ðến Với Chúa Giê-xu

Tôi rẽ ra khỏi con đường nối liền hai vùng ngoại ô giàu có của thành phố Boston, Wellesley và Weston. Ðã tám giờ tối, bầu trời đầy những đám mây dày đặc bao phủ. Những cây thông cao hai bên làm con đường tối hẳn và tịch mịch. Tôi đi được khoảng vài trăm thước rồi rẽ vào con đường dẫn đến ngôi nhà đồ sộ của Tom Phillips xây theo kiến trúc thời hai trăm năm về trước.

Khi tìm chỗ đậu xe, tôi bỗng có cảm giác tội lỗi vì đã không nói thật với Patty khi đưa nàng đến nhà cha mẹ tôi ở vùng Dove gần đó.

Tôi chỉ giải thích: “Có việc mà em.” Patty đã quen với chuyện tôi làm việc trong những giờ giấc khác thường, ngay cả tối Chúa Nhật khi vừa bắt đầu chuyến đi xa nầy.

Nhà của Tom Phillips rộng, cửa ngõ khắp nơi. Tôi bước đại vào cửa gần đường cho xe chạy thì mới hay đó là cửa vào nhà bếp. Tuy nhiên, Gert Phillips chẳng phiền lòng. Bà cười tươi chào đón tôi như một người bà con đã lâu không gặp mặc dầu tôi chưa hề gặp bà trước đó. “Xin mời vào. Tôi đang dọn dẹp chén bát sau bữa ăn tối.”

Gert đưa tôi vào nhà trong rồi nói: “Tôi sẽ gọi Tom cho ông. Anh đang chơi tennis với mấy cháu.”

Một lát sau, Tom bước vào nhà cùng với hai người con mặt mày rất sáng sủa: Tommy con trai mười sáu tuổi và Dabby con gái mười chín tuổi. Gert rót trà đá cho chúng tôi, Tom thì đang lau mình cho khô bằng chiếc khăn lông. Tôi đoán bà ta chắc chắn hiểu được tầm quan trọng của chức vụ giám đốc một hãng lớn nhất thành phố của chồng mình, nhưng bà ta không khoe khoang qua cử chỉ và dáng điệu của bà. Ngược lại, bà gợi lại cho tôi hình ảnh người dì dễ mến mà chúng tôi thường đến thăm khi tôi còn nhỏ. Người dì luôn luôn bận áo mang đầy mùi bánh mì và bánh ngọt. Bà có tài làm cho mọi người thấy thoải mái, ấm cúng khi bước vào nhà bếp của bà.

Gert mang trà đá đến cho chúng tôi rồi khéo léo nói: “Tôi biết quý ông có trăm ngàn chuyện để nói, còn tôi thì có nhiều việc ở nhà bếp.” Tom với chiếc khăn quàng quanh cổ dẫn tôi vào phòng khách, rồi đến một góc yên tĩnh ở ngoài hiên. Trời khá nóng, độ ẩm ướt trong không khí như chiếc mền dầy cộm bọc quanh người tôi. Tom nằng nặc bảo tôi cởi áo vét và cà vạt ra. Ông kéo bàn gần đến chỗ tôi ngồi rồi ân cần hỏi:  “Chuck, lâu nay anh ra sao?” Ðây là câu hỏi mà ông ta đã hỏi tôi hồi tháng ba vừa qua.

Tôi vươn mình lên như để giữ tiếng tăm của một người thân cận của Tổng Thống và một luật sư tên tuổi ở Washington: “Cũng thường anh. Những lời cáo tố về vụ Watergate nầy làm tôi cũng thấm mệt. Nhưng tôi muốn nói chuyện về anh thì hay hơn. Anh đã thay đổi và tôi muốn biết duyên cớ vì sao?”

Tom uống hết ly nước rồi dựa vào ghế trầm ngâm suy nghĩ. Ông lướt qua quãng đời mình trong quá khứ, nhớ lại những lần thăng chức lên đến địa vị cao ngày nay ở hãng Raytheon – Phó Tổng Giám Ðốc năm ba mươi bảy tuổi và Tổng Giám Ðốc khi chỉ bốn chục. Ông đã đạt những thành tích nầy nhờ sự làm việc đầu tắt mặt tối.

Ông nhẹ giọng: “Thành công. Đúng! Nhưng tôi thấy thiếu một cái gì đó. Tôi thấy trong lòng có một sự trống trải kinh khủng. Ðôi khi tôi thức giấc nửa đêm nhìn chăm chăm vào sàn nhà hay bóng tối bên ngoài, có khi cả hàng giờ”.

Tôi ngắt lời: “Tôi thấy hơi lạ. Tôi biết anh từ lâu vẫn là người đàn ông cương quyết, thành công, gia đình êm ấm, và mọi sự đều như ý cả.”

“Những gì anh nói đúng lắm, Chuck, nhưng đời tôi chưa trọn vẹn. Tôi có thể đi làm mỗi ngày, cố gắng luôn luôn để công ty thành công, phát triển, nhưng đời tôi có một khoảng trống thật lớn. Rồi tôi bắt đầu đọc Kinh Thánh, đi tìm những giải pháp. Có một điều gì đó khiến tôi nhận thức rằng tôi cần một mối liên hệ riêng tư với Ðức Chúa Trời và điều đó đã thúc đẩy tôi tìm hiểu thêm.”

Một cảm giác lạ bỗng làm tôi lạnh xương sống. Có thể những gì tôi trải qua trong vài tháng vừa qua chẳng có gì khác thường cả – khác chăng là ở chỗ tôi không đi tìm những giải pháp thuộc linh. Tôi không ngờ rằng mối liên hệ riêng tư với Ðức Chúa Trời là chuyện có thể xảy ra. Tôi bảo Tom giải thích cho tôi làm sao giữa lúc có cảm giác trống trải trong lòng, anh có thể vui sướng thụ hưởng đời sống vật chất giàu sang của anh.

Tom ngập ngừng: “Ðiều nầy có thể khó hiểu thật nhưng nói thật với anh, tôi cảm thấy tôi chẳng có thứ gì là ý nghĩa cả. Mọi thứ đều là bề ngoài. Mọi của cải vật chất trên đời nầy đều vô nghĩa nếu người ta không khám phá những gì nằm sau lưng chúng.”

Chúng tôi ngồi yên lặng một hồi lâu trong khi tôi trầm ngâm suy nghĩ những gì Tom nói. Bên ngoài, những con đom đóm bay lượn trong bầu trời đang chạng vạng tối. Tom đứng dậy bật hai ngọn đèn bàn ở góc hiên.

Tom tiếp tục: “Một đêm nọ tôi đang ở New York trong chuyến công tác và hay tin Mục sư Billy Graham có chiến dịch truyền giảng ở Madison Square Garden. Có lẽ vì tò mò nên tôi đến, hy vọng có thể tìm được cho mình một vài câu trả lời. Những gì Graham nói trong đêm đó đã làm tôi thấy rõ cả vấn đề. Tôi đã thấy những gì tôi đang thiếu: đó là mối liên hệ mật thiết với Chúa Cứu Thế Giê-xu, rằng tôi chưa hề mời Ngài bước vào đời sống tôi và rằng tôi chưa hề dâng đời sống mình cho Ngài. Trong đêm đó tôi đã làm hết những điều ấy.”

Tom nghiêng người về phía tôi, khuôn mặt anh mờ mờ bởi ánh đèn chiếu từ sau lưng, nhưng tôi thấy anh như láp lấp bởi nước mắt và giọng nói anh dịu hẳn lại. “Tôi đã cầu xin Chúa Giê-xu bước vào đời tôi và tôi cảm thấy ngay sự hiện diện của Ngài ở bên tôi, sự bình an của Ngài ở trong tôi. Tôi cần nhận được Ðức Thánh Linh của Ngài ở cùng tôi. Sau đó tôi bước đi giữa đường đêm. Tôi không bao giờ thích New York nhưng phải nói đêm đó quả là đẹp. Tôi đi qua không biết bao nhiêu là khu phố. Mọi vật đối với tôi đều thay đổi. Trời mưa nhè nhẹ và những đèn đường như tỏa thành những hoa vàng úa. Tôi biết có gì đó đã thay đổi tôi.”

Tôi càng kinh ngạc hơn bao giờ hết: “Bộ chỉ có cầu xin là được?”

Tom trả lời: “Ðúng, chỉ có thế. Dĩ nhiên là trước đó anh muốn có Chúa Giê-xu trong đời mình, anh phải thấy thật sự cần Ngài. Như thế là đủ. Rồi anh biết sao không, mọi việc bắt đầu thay đổi lạ lùng. Kể từ đó tôi bắt đầu tìm thấy sự sung mãn và sự vui sướng trong lòng mà trước đây tôi không bao giờ ngờ có thể xảy ra.”

Ðối với tôi, Chúa Giê-xu mãi mãi là một nhân vật lịch sử, nhưng Tom giải thích rằng nếu ta không tin Ngài còn sống ngày hôm nay và Ðức Thánh Linh vẫn còn hành động thì khó lòng chúng ta cầu xin Ngài vào đời sống mỗi chúng ta được.

Tôi cảm động trước câu chuyện của Tom mặc dầu tôi không thể nào tưởng tượng được một sự thay đổi như bởi một phép lạ có thể xảy ra một cách giản dị như thế. Tuy nhiên, những nét phấn khởi hăng hái trong giọng nói của Tom khi anh kể chuyện khiến người nghe không một chút nghi vấn và quả thật Tom bây giờ đã đổi khác quá nhiều. Anh linh động hơn trước.

Ðoạn Tom trở lại với vấn đề của tôi. Tôi kể lại những chuyện đau buồn gây ra bởi Watergate. Những áp lực đang đè nặng lên tôi, sự tấn công quá đáng của báo chí. Tôi nói như biện hộ cho chính mình và khi không tìm được lời chữa nào nữa, Tom chen vào với giọng nhẹ nhàng nhưng chắc nịch: “Anh biết là tôi ủng hộ Tổng Thống Nixon trong kỳ bầu cử vừa qua, nhưng mấy anh có nhiều lầm lỗi nặng. Mấy anh có thể đắc cử mà không cần đến một thủ đoạn to nhỏ nào. Watergate và những mánh lới dơ bẩn khác không những không cần thiết mà còn sai lầm nữa. Mấy anh đâu cần phải làm như thế.”

Tom nghiêng người phía trước, cùi chỏ chống trên hai đầu gối, hai tay với tới trước như tìm cách quàng lấy vai tôi. Trong mắt anh như có lời van xin tha thiết: “Anh có hiểu không?” Anh hỏi với sự chân thành lo lắng khiến tôi không thấy ngượng ngùng chút nào bởi lời nói thẳng của anh.

“Nếu anh tin vào chính nghĩa của công việc anh làm, thì tất cả những thủ đoạn đó không cần thiết, và những chuyện lộn xộn nầy đã không xảy ra. Nan đề của mấy anh, kể luôn cả anh nữa, Chuck – là mấy anh cứ ăn thua đủ với những người khác. Mấy anh tìm cách tiêu diệt địch thủ của mấy anh bởi mấy anh không tin vào chính mình.”

Tôi lau những giọt mồ hôi trên mép, hình như sức nóng của câu chuyện đã làm tôi chới với. Những điều Tom nói đi thẳng vào sự thật của vấn đề. Mặc dầu tách trà đá đã khiến tôi cảm thấy mát đôi chút, nhưng bây giờ tôi cần có một ly whisky với soda.

Phải nói thật là Tom nói quá đúng: Hình ảnh thế giới của ta chống với họ trong Tòa Nhà Bạch Ốc cô lập – Tòa Bạch Ốc của Nixon chống với thế giới bên ngoài. Vì không tin tưởng đủ vào lý tưởng của công việc nên chúng tôi đã đi quá trớn đề phòng cho chính mình.

Nhưng mà…. “Tom, có một điều anh chưa hiểu. Trong chính trị phải có cảnh mèo chó cắn nhau, nếu không thì không ai tồn tại được. Tôi đã ở trong chính trường hai mươi năm nay, kể luôn cả nhiều vụ tranh cử ở ngay tiểu bang Massachusetts nầy. Tôi biết luật chơi của nó. Chính trị như chiến tranh vậy. Nếu anh không dồn đối phương vào thế thủ. Tom, Nixon đã bị tấn công dồn dập trong suốt đời ông. Ông chỉ còn cách duy nhất là phản công lại. Anh coi ông chịu đựng trước những chỉ trích nặng nề về vấn đề Việt Nam, thế mà cuối cùng ông ta đúng. Nếu chúng tôi không phản công mạnh đối với những người chỉ trích thì bây giờ chưa chắc vấn đề Việt Nam đã được giải quyết êm đẹp như thế. Chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác.”

Mặc dầu nói ra lời, nhưng tôi thấy lời nói của tôi nhạt nhẽo làm sao. Chỉ là những luận điệu cũ rích. Tôi đang diễn tả những luật chơi của thế giới chính trị và bỗng nhiên chợt hỏi lòng mình có cách gì hay hơn như thế không.

Tuy nhiên, Tom tin vào những gì tôi nói. Nhưng anh tiếp bằng câu hỏi như lưỡi dao đi tận vào xương tủy của vấn đề. Giọng anh vẫn ôn tồn khiến tôi không cảm thấy khó chịu chút nào: “Chuck! Thật tôi không muốn nói ra những điều nầy chút nào. Mấy anh tự chuốc lấy cho mình những tai họa đó. Nếu anh đặt đức tin vào Ðức Chúa Trời và nếu lý tưởng anh đúng, Ngài sẽ hướng dẫn anh. Sự tiếp trợ của Ngài sẽ có hiệu lực gấp ngàn lần những chương trình vận động và kế hoạch của mấy anh cộng lại.”

Nếu do một người nào khác nói ra thì ý niệm dựa vào Ðức Chúa Trời đối với tôi chỉ là những điều không tưởng. Còn đây, Tom, anh đã lèo lái công ty của anh giữa một thế giới thương mại cũng đầy cạm bẫy và thủ đoạn không kém gì chính trị. Thế mà anh vẫn theo sự hướng dẫn của Ðức Chúa Trời và làm lơ như không biết đến đối phương của mình. Từ ngày anh tin Chúa Giê-xu, hãng Raytheon làm ăn khá hẳn, mức lượng hàng bán ra và tiền lời tăng lên vùn vụt. Có thể có một yếu tố gì khác nữa, nhưng tôi biết Tom tin rằng do Ðức Chúa Trời mà ra.

“Chuck, chỉ khi nào anh đối diện với chính mình một cách thành thật và không giấu diếm, anh mới có thể hiểu được những gì tôi nói về Ðức Chúa Trời. Ðây là bước đầu tiên.” Tom với tay đến góc bàn lấy một cuốn sách nhỏ. Tôi đọc thấy tựa đề: Thực Chứng Tin Lành của C. S. Lewis.

“Tôi đề nghị anh mang cuốn sách nầy về và đọc trong dịp nghỉ mát nầy.” Tom định đưa ngay cho tôi, nhưng đột nhiên ngừng lại. “Ðể tôi đọc một chương cho anh nghe nhé.”

Tôi ngả người vào ghế, ở thế thủ biện minh cho chính mình, đầu óc và tình cảm tôi như rối bời hẳn lên.

“Có một tội ác mà không một ai trên thế giới nầy thoát khỏi, ai cũng ghét thậm tệ khi thấy người khác vướng phải nhưng không ai, ngoại trừ tín đồ Tin Lành, thấy được rằng chính mình cũng mang tội ấy. Tôi đã nghe người ta thú nhận rằng họ nóng nảy, hay rằng họ không kềm chế được sự quyến rũ của sắc đẹp hay rượu chè và ngay cả rằng họ hèn nhát lắm… Nhưng tôi chưa bao giờ nghe một người nào không phải là tín đồ Tin Lành tố cáo chính mình tội ác nầy… Không có tội lỗi nào che đậy lương tâm của chúng ta bằng lỗi nầy. Càng có lỗi nầy trong chúng ta, chúng ta lại càng ghét những người khác bị vướng lỗi ấy. Tội ác mà tôi muốn nói đến là sự kiêu ngạo hay tự cao tự đại… Sự kiêu ngạo đưa đến mọi tội ác khác: đó là trạng thái chống Ðức Chúa Trời hoàn toàn trong đầu óc của con người.”

Trong khi Tom đọc, tôi cảm thấy ngượng ngùng, xấu hổ và có cảm giác như không khí chung quanh nóng hẳn ra. Những lời nói của Lewis như chỉa thẳng vào tôi.

“Chính sự kiêu ngạo là nguyên nhân chính yếu của mọi sự rối loạn trong mọi quốc gia và gia đình từ khi sáng thế. Có nhiều tội ác đôi khi mang con người lại gần nhau: Bạn có thể tìm thấy sự thân ái, đùa nghịch giữa những người say sưa hoặc hư hỏng. Nhưng sự kiêu ngạo luôn luôn gây ra sự chống đối – bởi chính nó là sự chống đối, không những chỉ giữa con người với nhau mà còn là sự chống đối với Ðức Chúa Trời nữa.”

“Trong Ðức Chúa Trời, bạn tìm thấy mọi điều đều vĩ đại hơn bạn nhiều, nhiều đến nỗi không đo lường được. Nếu bạn không muốn hiểu rằng Ðức Chúa Trời là thế – và vì vậy, bạn không là gì cả khi so với Ngài – bạn chẳng biết Ngài chút nào cả. Khi mà bạn còn kiêu hãnh, bạn không thể nào biết Ngài được. Một người kiêu ngạo luôn luôn nhìn xuống mọi người, mọi vật khác, và cố nhiên, khi mà bạn tiếp tục nhìn xuống, bạn sẽ chẳng thấy gì phía bên trên bạn.”

Ðột nhiên, tôi chợt cảm thấy trần trụi và dơ bẩn ra, những lời biện minh hùng hồn của tôi nay biến đâu mất. Những lời của Lewis như đang diễn tả về tôi, lột mặt nạ tôi và không cho tôi đứng dựa vào một điểm tựa nào. Tom tiếp tục đọc, có một đoạn đặc biệt như kết luận cho tất cả những gì xảy đến cho chúng tôi ở Tòa Bạch Ốc:

“Sự kiêu ngạo là căn bệnh ung thư của tâm linh: nó nuốt sống mọi cơ may của tình thương hay sự bình an trong tâm hồn hay chính óc thực tế nữa.”

(Còn tiếp)

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top