Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Sống Với Thánh Kinh » Sống Với Thánh Kinh: 09/03/2025

Sống Với Thánh Kinh: 09/03/2025

Sống Với Thánh Kinh: 09/03/2025

Sống Với Thánh Kinh: 09/03/2025

Châm Ngôn 23:12–14
Chuyên Tâm Khuyên Dạy Con

“Hãy chuyên lòng về sự khuyên dạy, và lắng tai nghe các lời tri thức” (câu 12).

Câu hỏi suy ngẫm: Vua Sa-lô-môn nhấn mạnh việc dạy dỗ con trẻ thế nào? Giáo lý roi vọt trong Châm Ngôn dạy như thế nào? Bạn nhận biết trách nhiệm trong việc dạy con ra sao?

Vua Sa-lô-môn nhấn mạnh việc dạy dỗ con trẻ, hướng dẫn chúng lắng nghe lời tri thức. Cụm từ “chuyên lòng”“lắng nghe” nhấn mạnh đến cách tiếp thu sự dạy dỗ kỹ lưỡng, nghiêm túc. Đối với những người con còn nhỏ mà ngỗ nghịch, ngang bướng, thì phải có biện pháp kỷ luật nghiêm khắc. Từ “khuyên dạy” (câu 12) nguyên nghĩa tiếng Hê-bơ-rơ cũng được dịch là “sửa phạt” (câu 13), vì sự khuyên dạy bao gồm cả lời khuyên và sự sửa phạt bằng roi với cùng một mục đích là hướng dẫn, giáo dục. Lời dạy “đánh bằng roi vọt” đối với những người con bướng bỉnh không vâng lời, không có mục đích tán thành hình phạt thể xác con cái, nhưng ngăn chặn sự tái phạm những hành động tội lỗi của con. Sự dạy dỗ bày tỏ trách nhiệm giáo dục và sửa phạt con nghiêm túc. Sự trừng phạt con với mục đích rõ ràng “giải cứu linh hồn nó khỏi âm phủ” (câu 14). Roi vọt dù có làm con đau về thể xác, nhưng giúp con tránh khỏi đường người dữ, khỏi người nói lời gian tà (Châm Ngôn 2:12), và quan trọng hơn hết là khỏi chết tâm linh.

Ngày nay, có thể nhiều người phản đối Lời Chúa dạy về cách giáo dục con bằng roi vọt. Tuy nhiên, phải nhấn mạnh rõ là giáo lý roi vọt của Châm Ngôn không cổ xúy cha mẹ đối xử tàn nhẫn với con cái, và câu 14 cho thấy không phải lúc nào cũng dùng roi vọt, nhưng là lúc lỗi con phạm rất nặng ảnh hưởng đến linh hồn có thể bị sa vào nơi âm phủ. Người xưa có câu “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà.” Câu tục ngữ xuất phát từ một thực tế là do bản tính của phụ nữ thường yêu thương con cái một cách dễ dãi, họ đã nuông chiều quá mức để những đứa con ấy dần dần khinh lờn tội lỗi, trở nên hư hỏng, bướng bỉnh. Câu tục ngữ này nói lên nhược điểm của những người bà, người mẹ nói riêng hay nhiều phụ huynh nói chung trong quá trình dạy con, không nỡ kỷ luật, phạt con, để rồi con trở nên hư.

Là Cơ Đốc nhân, dù chúng ta là ông bà hay cha mẹ, đều phải có trách nhiệm với con cái là cơ nghiệp Chúa giao cho chúng ta, cần phải có trách nhiệm chuyên tâm dạy dỗ con cháu đúng theo đường lối Chúa trong Kinh Thánh. Nếu cần thiết, cũng phải áp dụng kỷ luật nghiêm khắc với con cháu trong sự ấm áp của tình yêu thương và tôn trọng. Những lúc ấy, chúng ta cần nên giải thích cho con cháu hiểu rõ ràng vì sao con phải chịu kỷ luật để con nhận rõ tình yêu thương, sự quan tâm, và những ích lợi cho con về thuộc thể lẫn tâm linh.

Bạn có chuyên tâm trong việc dạy dỗ con cháu theo Lời Chúa dạy không?

Tạ ơn Chúa đã nhắc nhở con Lời Chúa dạy về việc dạy con của cha mẹ. Xin Chúa cho con có trách nhiệm, chuyên tâm trong việc hướng dẫn, dạy dỗ con cháu để chẳng những chúng nên người mà linh hồn còn được giải cứu khỏi âm phủ nhờ biết tránh khỏi đường tà.

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: I Các Vua 5.

Xin vui lòng chuyển bài học Kinh Thánh để nhiều người cùng học.

Bài học Kinh Thánh này do Văn Phẩm Nguồn Sống biên soạn. Xin cầu nguyện và dâng hiến ủng hộ Văn Phẩm Nguồn Sống để đem Lời Chúa cho tất cả những người Việt thuộc mọi dân tộc đang sống rải rác khắp nơi trên thế giới.
Bạn có thể ủng hộ Văn Phẩm Nguồn Sống tại https://www.vpns.org

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top