Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Sống Với Thánh Kinh » Sống Với Thánh Kinh: 02/11/2022

Sống Với Thánh Kinh: 02/11/2022


Sống Với Thánh Kinh: 02/11/2022

Cô-lô-se 3:15–17
Luôn Tỏ Lòng Biết Ơn

“Nguyền xin sự bình an của Đấng Christ cai trị trong lòng anh em, là bình an mà anh em đã được gọi đến đặng hiệp nên một thể; lại phải biết ơn” (câu 15).

Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô cầu nguyện cho các tín hữu ở Cô-lô-se như thế nào? Ông khuyên họ phải làm gì? Điều ông nhấn mạnh là gì? Bạn luôn tỏ lòng biết ơn Chúa trong nếp sống của mình như thế nào?

Trước khi kết thúc phân đoạn nói về đời sống mới trong Đấng Christ, Sứ đồ Phao-lô cầu nguyện cho các tín hữu ở Cô-lô-se. Có hai điều quan trọng trong lời cầu nguyện của ông dành cho họ, đó là sự bình an và Lời của Đấng Christ cai trị và đầy dẫy trong lòng (câu 15–16). Đây cũng là hai điều cốt lõi mà mỗi Cơ Đốc nhân phải luôn ghi nhớ. Sự bình an của Đấng Christ phải chiếm hữu và ngự trị tấm lòng của con dân Chúa trong mọi hoàn cảnh. Từ đó, chúng ta mới có thể tỏ lòng biết ơn Chúa trong mọi sự. Lời của Chúa là Lời khôn ngoan và cần thiết cho hành trình thuộc linh của chúng ta (Thi Thiên 119:105). Một người tin Chúa mà không biết Lời Chúa thì không thể nào đứng vững trong đức tin. Vì thế, Sứ đồ Phao-lô cầu xin Lời của Chúa đầy dẫy trong đời sống các tín hữu để chúng ta biết sống khôn ngoan, đẹp lòng Chúa.

Tiếp theo, Sứ đồ Phao-lô đưa ra một số lời khuyên quan trọng và cần thiết cho một đời sống mới trong Chúa. Điều ông nhấn mạnh trong cả ba câu Kinh Thánh này chính là lòng biết ơn. Một khi có sự bình an của Chúa “cai trị” trong lòng sẽ giúp chúng ta biết ơn về những gì Chúa đã làm cho mình. Trong nguyên văn, từ “cai trị” là một từ trong điền kinh, có nghĩa là làm trọng tài phân xử. Trong chúng ta luôn có sự tranh chiến giữa con người cũ và con người mới. Chính sự bình an làm trọng tài đã đem đến sự hòa bình, hiệp con dân Chúa thành một thân trong Ngài. Do đó, mỗi chi thể phải biết ơn Chúa để sống hòa thuận với nhau.

Với lòng biết ơn Chúa, chúng ta phải khuyên bảo nhau, dùng thi thiên, thánh ca, và linh khúc mà chúc tụng Chúa. Trong nếp sống hằng ngày, bất cứ chúng ta nói hay làm gì cũng phải thực hiện trong Danh Chúa Giê-xu và nhờ Ngài mà “tạ ơn Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha” (câu 16b–17).

Lòng biết ơn không chỉ đơn giản thể hiện trong nếp sống từng cá nhân nhưng cần được thể hiện trong cộng đồng con dân Chúa. Sứ đồ Phao-lô đề cập ba lần về sự tạ ơn trong ba câu này khi viết thư cho các tín hữu Hội Thánh Cô-lô-se cho thấy tầm quan trọng của sự tạ ơn. Khi mỗi con cái Chúa sống với lòng biết ơn, tập thể Hội Thánh Chúa thể hiện lòng biết ơn thì tinh thần tạ ơn sẽ lan tỏa cho nhiều người. Người khác có thể nhìn thấy một đời sống bình an, lòng biết ơn trong lời nói, việc làm của chúng ta và họ cũng muốn được như thế.

Đời sống bạn có luôn bày tỏ lòng biết ơn qua lời nói và việc làm của mình không?

Lạy Chúa, nguyện sự bình an của Chúa cai trị trong lòng con và Lời Chúa đầy dẫy trong con để con luôn bày tỏ lòng biết ơn Chúa trong nếp sống hằng ngày của con.

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ê-sai 58.

Xin vui lòng chuyển bài học Kinh Thánh để nhiều người cùng học.

Bài học Kinh Thánh này do Văn Phẩm Nguồn Sống biên soạn. Xin cầu nguyện và dâng hiến ủng hộ Văn Phẩm Nguồn Sống để đem Lời Chúa cho tất cả những người Việt thuộc mọi dân tộc đang sống rải rác khắp nơi trên thế giới.
Bạn có thể ủng hộ Văn Phẩm Nguồn Sống tại https://www.vpns.org

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top