Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Sống Với Thánh Kinh » Sống Với Thánh Kinh: 10/08/2022

Sống Với Thánh Kinh: 10/08/2022


Sống Với Thánh Kinh: 10/08/2022

Đa-ni-ên 9:4–19
Trình Tự Lời Cầu Nguyện

“Lạy Cha chúng tôi ở trên trời; Danh Cha được thánh; Nước Cha được đến; Ý Cha được nên, ở đất như trời!”

(Ma-thi-ơ 6:9–10).

Câu hỏi suy ngẫm: Lời cầu nguyện của Tiên tri Đa-ni-ên có trình tự như thế nào? Ông có thái độ nào trong mỗi trình tự? Trình tự cầu nguyện thông thường của bạn là gì? Bạn cần có sự thay đổi nào?

Khi khám phá ra lời tiên tri về sự phục hồi dân bị lưu đày, đáp ứng đầu tiên của Tiên tri Đa-ni-ên là hướng về Chúa để “khấn nguyện, nài xin, với sự kiêng ăn” (câu 3). Ông không nài xin Chúa sớm thực hiện lời hứa, mà trước hết ông tôn ngợi Chúa là “Đức Chúa Trời cao cả và đáng khiếp sợ” nhưng lại “giữ lời giao ước và lòng nhân từ” với người yêu mến Ngài (câu 4). Trong khi nói về những sai phạm của dân mình, ông cũng tiếp tục bày tỏ Chúa là Đấng công bình (câu 7), Đấng thương xót và tha thứ (câu 9). Tín đồ các tôn giáo khác chỉ cầu thần của mình phù hộ, độ trì chứ không phải tâm tình, trò chuyện với một thân vị sống vì thần của họ là hư không hoặc đã chết rồi. Lời cầu nguyện của Tiên tri Đa-ni-ên cho thấy đối với ông, tôn ngợi Chúa là một phần quan trọng không thể thiếu.

Phần thứ hai, là phần dài nhất trong lời cầu nguyện của Tiên tri Đa-ni-ên, ông không cầu xin sự phục hồi như Lời Ngài đã hứa nhưng ông chân thành nhận biết mức độ nghiêm trọng trong tội lỗi của dân mình. Ông công nhận sự cứng lòng, phản loạn của dân Chúa (câu 5–8). Thay vì nghi ngờ tình yêu của Chúa, ông đồng nhất mình với dân nổi loạn và nhận thức sự sỉ nhục “chúng tôi” phải chịu trong chốn lưu đày hoàn toàn xứng đáng với tội lỗi của “chúng tôi” (câu 10–13). Càng cảm biết tội lỗi của mình, chúng ta càng biết ơn Chúa và càng nhận thức ngoài Ngài, chúng ta không có phước, không có sự cứu rỗi nào khác.

Sau khi chân thành tôn ngợi Chúa và xưng tội, Tiên tri Đa-ni-ên thiết tha khẩn nài “cơn giận và thịnh nộ của Ngài xây khỏi thành Giê-ru-sa-lem Ngài” (câu 16), “Lạy Chúa, xin lắng nghe! Lạy Chúa, xin tha thứ! Lạy Chúa, xin đoái xem và hành động!” (câu 19 BTTHĐ). Tuy nhiên, lời cầu xin này trước nhất được dâng lên với tinh thần “không phải cậy những sự công bình mình” nhưng “cậy những sự thương xót cả thể của Ngài” (câu 18) và được dâng lên “vì cớ chính Ngài” (câu 17–19). Động cơ trong lời cầu xin Chúa phục hồi của ông trước nhất đến bởi lòng khao khát muốn tôn vinh Chúa chứ không phải động cơ vị kỷ.

Trong phần đầu bài cầu nguyện Chúa Giê-xu dạy, Ngài nhấn mạnh tinh thần tôn vinh Chúa, nhận biết sai lầm của bản thân và cầu xin cho Danh Chúa và Nước Ngài

(Ma-thi-ơ 6:9–10). Chúng ta thuộc bài cầu nguyện này nhưng nhiều lúc chúng ta chỉ có một trình tự cầu nguyện: Mở đầu bằng cầu xin, tiếp tục bằng cầu xin, và kết thúc cũng bằng cầu xin! Hãy ngẫm suy bài cầu nguyện Chúa dạy và tinh thần cầu nguyện của Tiên tri Đa-ni-ên để áp dụng cho mình.

Bạn có tôn vinh, chúc tụng Chúa khi cầu nguyện không?

Lạy Chúa, nhiều lúc con chỉ biết cầu xin mà thiếu tinh thần tôn vinh chúc tụng Chúa. Xin cho con đến với Chúa như gương Tiên tri Đa-ni-ên con học được hôm nay.

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Châm Ngôn 15.

Xin vui lòng chuyển bài học Kinh Thánh để nhiều người cùng học.

Bài học Kinh Thánh này do Văn Phẩm Nguồn Sống biên soạn. Xin cầu nguyện và dâng hiến ủng hộ Văn Phẩm Nguồn Sống để đem Lời Chúa cho tất cả những người Việt thuộc mọi dân tộc đang sống rải rác khắp nơi trên thế giới.
Bạn có thể ủng hộ Văn Phẩm Nguồn Sống tại https://www.vpns.org

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

Comments (1)

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top