Sống Với Thánh Kinh: 21/05/2021
I Cô-rinh-tô 14:1–5
Ơn Nói Tiếng Lạ
“Vì người nào nói tiếng lạ, thì không phải nói với người ta, bèn là với Đức Chúa Trời, bởi chẳng có ai hiểu (ấy là trong tâm thần mà người kia nói lời mầu nhiệm)” (câu 2).
Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô khuyên tín hữu Cô-rinh-tô ước ao điều gì? Ân tứ nói tiếng lạ được ông giải thích thế nào? Tại sao Hội Thánh Cô-rinh-tô sử dụng sai lạc ân tứ này? Bạn làm gì khi đối diện với người có ân tứ nói tiếng lạ?
Trong chương 13, Sứ đồ Phao-lô cho thấy giá trị trường tồn và cao quý của tình yêu thương. Điều đó không có nghĩa là ông phủ nhận giá trị của các ơn ban thiêng liêng khác dù rằng những ơn ấy sẽ không tồn tại trong ngày Chúa Giê-xu tái lâm, khi mà mọi sự hiểu biết của Cơ Đốc nhân đạt đến sự đầy trọn. Trái lại, Sứ đồ Phao-lô đã mở đầu chương 14 với lời kêu gọi các tín hữu Cô-rinh-tô chẳng những
“Hãy nôn nả tìm kiếm tình yêu thương. Cũng hãy ước ao các sự ban cho thiêng liêng…” Và hai ân tứ được ông phân tích ở đây là ơn nói tiếng lạ và ơn nói tiên tri.
Nói tiếng lạ là ân tứ liên quan đến lời nói khá đặc biệt, đó có thể hoặc là một ngoại ngữ mà người nói chưa từng được học, hoặc là một dạng ngôn ngữ nói ra không người nào hiểu. Vấn đề quan trọng Sứ đồ Phao-lô giải thích ở đây là người nói tiếng lạ không nói với con người nhưng với Đức Chúa Trời, vì người ấy nói các việc huyền nhiệm do Chúa Thánh Linh cảm động nên
“chẳng có ai hiểu” được (câu 2). Do đó ông nói
“Kẻ nói tiếng lạ, tự gây dựng lấy mình” (câu 4a), có nghĩa là ân tứ này chỉ nên sử dụng cho cá nhân giữa người ấy với Chúa. Và trong câu 13, ông nhấn mạnh khi nói hoặc cầu nguyện tiếng lạ giữa Hội Thánh, để mọi người có thể A-men thì
“…kẻ nói tiếng lạ, hãy cầu nguyện để được thông giải tiếng ấy.”
Như vậy, nói tiếng lạ là một ân tứ của Chúa Thánh Linh, và chúng ta đã biết Hội Thánh Cô-rinh-tô rất quan tâm đến ân tứ tiếng lạ. Tuy nhiên, có nhiều người sử dụng ân tứ ấy đưa đến tình trạng mất trật tự trong lúc thờ phượng vì không được thông giải. Ngoài ra, các tín hữu tại Cô-rinh-tô lại lạm dụng và xem đó như thước đo của sự trưởng thành thuộc linh thay vì là phương tiện để gây dựng bản thân. Chính vì thế, thật rất cần thiết để lời dạy này của Sứ đồ Phao-lô đến với các tín hữu Cô-rinh-tô nói riêng và mỗi chúng ta ngày nay nói chung. Quá đề cao đến nỗi tôn sùng ân tứ nói tiếng lạ là điều sai lầm, ngược lại nếu phủ nhận ân tứ nói tiếng lạ, vô tình chúng ta coi thường ân tứ của Chúa Thánh Linh. Chính vì thế khi đối diện với những trường hợp có người nói tiếng lạ, chúng ta cần xin sự khôn ngoan từ Đức Chúa Trời để nhận định đúng sai, tránh rơi vào những sai lầm của Hội Thánh Cô-rinh-tô ngày trước.
Bạn có suy gì về ân tứ nói tiếng lạ trong Hội Thánh?
Lạy Chúa Thánh Linh, Đấng ban mọi ân tứ thiêng liêng cho Hội Thánh, xin ban cho con sự khôn ngoan để nhận biết công việc của Ngài trong Hội Thánh để những ân tứ Chúa ban cho con không trở nên vô ích.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Dân Số Ký 13:17—14:10.
Xin vui lòng chuyển bài học Kinh Thánh để nhiều người cùng học.
Bài học Kinh Thánh này do Văn Phẩm Nguồn Sống biên soạn. Xin cầu nguyện và dâng hiến ủng hộ Văn Phẩm Nguồn Sống để đem Lời Chúa cho tất cả những người Việt thuộc mọi dân tộc đang sống rải rác khắp nơi trên thế giới.
Bạn có thể ủng hộ Văn Phẩm Nguồn Sống tại https://www.vpns.org
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org