Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Kiến Thức » Cầu Nguyện: Xây Dựng Mối Liên Hệ Mật Thiết Với Chúa – Phần 23

Cầu Nguyện: Xây Dựng Mối Liên Hệ Mật Thiết Với Chúa – Phần 23

CHƯƠNG 15

CẦU NGUYỆN CHO NGƯỜI BỆNH

Một thập kỷ trước, Mục sư Matt Chandler được chẩn đoán mắc bệnh ung thư não và thời gian sống chỉ còn lại rất ít. Vợ, các con thơ và hội thánh đang phát triển đã đồng hành với ông trong suốt hành trình này, cùng chiến thắng trong sự cầu nguyện cũng như nhận được sự chăm sóc y tế chu đáo, Mục sư Matt vẫn còn sống cho đến ngày nay. Ông là một tác giả nổi tiếng và là một nhà lãnh đạo tài ba, rao giảng Lời Đức Chúa Trời cho hàng ngàn người mỗi tuần.

Trở lại năm 2009 khi Chandler được chẩn đoán mắc bệnh, ông đã chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn rằng khi gặp các bác sĩ trong những ngày đầu tiên, ông cảm thấy như thể linh hồn mình bị tra tấn. Khi ông cảm thấy như thể mọi thứ đang vượt khỏi tầm kiểm soát, thì những hiểu biết về thần học và Đức Thánh Linh đã ở đó để nhắc nhở ông những điều sau: “Ngài là Đấng tốt lành và Ngài làm lành— để nhắc nhở tôi rằng Đức Chúa Trời có một kế hoạch cho sự vinh hiển của Ngài và tôi mừng vì biết Ngài đang hành động. Tôi đã được nhắc nhở rằng căn bệnh ung thư này không phải là sự trừng phạt mà có thể cứu chữa được bằng cách nào đó.”

Mục sư Matt phải bước vào nơi thánh để nhận ra Đức Chúa Trời không trừng phạt ông, nhưng sẽ sử dụng căn bệnh này để mang lại vinh hiển cho chính Ngài.

Tôi nhớ trong trải nghiệm của chúng tôi khi Jeana chiến đấu với căn bệnh ung thư, một ngày nọ, một thánh đồ tin kính gọi điện đến và muốn nói chuyện với cả hai chúng tôi. Tên anh là Manley Beasley Sr., và anh đã phải đối mặt với nhiều căn bệnh trong cuộc đời mình. Trong nhiều năm, các chẩn đoán dành cho anh cứ lặp đi lặp lại như một bản án tử vô vọng. Năm 1971, anh được chẩn đoán mắc bảy căn bệnh, ba trong số đó đang ở giai đoạn cuối. Anh đã sống nhờ ân điển của Đức Chúa Trời để làm vinh hiển Chúa cho đến khi Chúa gọi anh về thiên đàng vào năm 1990.

Jeana là một người mẹ trẻ có hai cậu con trai vào thời điểm đó. Josh chín tuổi và Nick sáu tuổi. Jeana và tôi đã trải qua một thời kỳ rất đáng sợ trong đời. Khi chúng tôi nói chuyện qua điện thoại với Manley vào ngày hôm đó, sau khi dành nhiều lời động viên và cầu nguyện, anh ấy nói với Jeana thế này: “Jeana, đây không phải là chuyện sống hay chết; mà là về điều gì sẽ mang lại nhiều sự vinh hiển nhất cho Đức Chúa Trời.” Vào thời điểm đó và trong hoàn cảnh đó, không ai trong chúng tôi muốn nghe những lời như vậy. Vợ tôi muốn sống để nuôi nấng các con, đó cũng là mong muốn của tôi.

Nhưng chúng tôi cần phải nghe những lời đó từ người của Đức Chúa Trời. Chúng tôi phải đi đến một thực tế rõ ràng rằng căn bệnh này liên quan nhiều đến sự vinh hiển của Đức Chúa Trời hơn là việc Jeana sẽ sống hay chết. Cảm ơn Chúa, qua quá trình phẫu thuật, xạ trị, hóa trị tích cực, cũng như nhiều năm theo dõi chăm sóc y tế, Chúa đã chúc phước cho Jeana có sức khỏe và chữa lành cô.

Cho dù ai đó bị bệnh như Mục sư Matt hay như Jeana với căn bệnh ung thư hiểm nghèo hoặc có thể trước giờ họ chưa từng mắc bệnh gì quá nặng, thì không một người nào trên thế giới này biết tất cả những gì cần biết về lý do tại sao ai đó bị bệnh. Chắc chắn trước đây bạn có thể thắc mắc: “Tại sao Cơ Đốc nhân bị bệnh?” Tôi có thể đảm bảo với bạn rằng có những người trong bệnh viện, phòng cấp cứu, viện dưỡng lão, phòng hồi sức, trung tâm phục hồi chức năng, phòng khám ung bướu, ở nhà và trong hội thánh ngày nay đang tự hỏi:

  • “Tại sao tôi mắc bệnh này?”
  • “Tại sao lại là tôi?”
  • “Tôi đã làm gì sai?”
  • “Giờ tôi biết đi đâu đây?”
  • “Chúa sẽ chữa lành cho tôi chứ?”

Mỗi câu hỏi này đều chính đáng, nhưng hãy biết rằng, chỉ có Chúa mới có câu trả lời.

Tại Sao Cơ Đốc Nhân Mắc Bệnh?

Tôi muốn đề cập đến bốn lý do tôi tin là chúng khiến Cơ Đốc nhân mắc bệnh.

  1. Thế giới bất toàn của chúng ta

Sau khi A-đam và Ê-va bất tuân Đức Chúa Trời trong vườn Ê-đen, phạm tội chống nghịch cùng Ngài, Đức Chúa Trời đã nguyền rủa Sa-tan đời đời. Tôi tin rằng Đức Chúa Trời đã giày đạp đầu Sa-tan qua thập tự giá của Chúa Giê-su Christ và Sa-tan đã bị kết án trong địa ngục đời đời. Ngoài ra, Đức Chúa Trời nói với A-đam và Ê-va rằng tội lỗi của họ sẽ khiến họ phải trả giá—một ngày nào đó họ sẽ chết và trở về cát bụi. Họ lựa chọn phạm tội là lựa chọn sự chết.

Rô-ma 8 khẳng định rằng vì mọi tạo vật đã bị tội lỗi làm cho hư hoại, nên cả thế gian đang rên xiết và đau đớn vì tội lỗi này. Đúng vậy, trong thế giới bất toàn này, chúng ta sẽ đau khổ, bệnh tật và chết đi. Chúng ta có thể cải thiện chất lượng những ngày sống trên đất của mình thông qua việc thực hành các nguyên tắc về sức khỏe và sống lành mạnh, nhưng chúng ta cũng phải hiểu một sự thật là Chúa đã đếm các ngày của chúng ta. Trừ khi Chúa trở lại trong thế hệ của chúng ta, nếu không mỗi chúng ta đều phải trải qua sự chết.204 | SỰ CẦU NGUYỆN

  1. Những lựa chọn sai lầm

Vua và dân thường đều đưa ra những lựa chọn sai lầm như nhau. Chẳng hạn như, vua Ô-xia đã đưa ra một lựa chọn dẫn đến sự hủy diệt của chính ông như được ghi lại trong II Sử-ký 26. Ông quyết định mình sẽ đảm nhận vai trò của thầy tế lễ. Ông bất chấp lời khuyên của người khác và kết quả là bị mắc một căn bệnh ngoài da khiến ông phải sống quãng đời còn lại trong sự cô đơn. Căn bệnh của ông theo sau sự lựa chọn sai lầm, và tội lỗi.

Vua Nê-bu-cát-nết-sa đầy kiêu căng và ngạo mạn. Ông phớt lờ những lời cảnh báo. Đức Chúa Trời đã giáng cho ông chứng suy nhược trí não, dẫn đến việc ông hành động và sống như một con bò. Cho đến chừng nào ông chịu ăn năn, nếu không ông vẫn còn bệnh.

Ngay cả sứ đồ Phao-lô cũng cảnh báo các Cơ Đốc nhân ở Cô-rinh-tô phải xem xét lại đời sống của họ trước khi dự Tiệc Thánh, hay như một số người gọi là rước lễ. Ông nói nếu họ ăn bánh, uống chén của Chúa một cách không xứng đáng, xem nhẹ tội lỗi trong đời sống của mình, thì họ sẽ tự chuốc lấy sự phán xét. Ông thậm chí còn tuyên bố những lời cảnh báo này trong 1 Cô-rinh-tô 11:30: “Ấy vì cớ đó mà trong anh em có nhiều kẻ tật nguyền, đau ốm, và có lắm kẻ ngủ.”

Lựa chọn sai lầm có thể dẫn đến bệnh tật và thậm chí cái chết.

  1. Sự tấn công của Sa-tan

Như chúng ta đã thấy xuyên suốt sách này, Kinh Thánh nói rõ rằng chúng ta có một kẻ thù là Sa-tan, kẻ đang muốn hủy diệt chúng ta. Và có những lúc hắn được phép tấn công những người cụ thể—kể cả những người đã được cứu nhờ huyết của Chúa Giê-su đổ ra trên thập tự giá. Ví dụ, hãy nhớ cách Sa-tan đã xin Đức Chúa Trời cho phép hắn được tự do tấn công Gióp, hắn nói với Đức Chúa Trời rằng Gióp sẽ không trung thành với Ngài. Nhưng Gióp đã không nói gì phạm thượng Đức Chúa Trời và vẫn sống trung thành với Đức Chúa Trời.

Công vụ 10 cũng ghi lại cách Đức Chúa Trời xức dầu cho Chúa Giê-su bằng Đức Thánh Linh và quyền phép: “chữa lành hết thảy những người bị ma quỷ ức hiếp; vì Đức Chúa Trời ở cùng Ngài” (c. 38). Sa-tan sử dụng các công cụ bệnh tật, đau khổ, ngược đãi, nghiện ngập, và nhiều công cụ khác của hắn để khiến con người xa rời Đức Chúa Trời và quyền năng của Chúa Giê-su Christ.

Từ “chữa lành” ở đây là iaomai trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là Chúa Giê-su chữa lành cho họ ngay tức thì một cách siêu nhiên. Chúng ta phải ghi nhớ điều này vì Chúa Giê-su có năng lực, quyền phép và sự xức dầu để chữa lành mọi bệnh tật một cách tức thì và siêu nhiên.

Việc Chúa Giê-su vô hiệu hóa tội lỗi và sự rủa sả của Sa-tan qua sự chết của Ngài trên thập tự giá vì tội lỗi của thế gian ban cho chúng ta thẩm quyền thuộc linh trước mọi cuộc tấn công của Sa-tan trên đời sống của chúng ta.

  1. Để tỏ ra sự vinh hiển của Đức Chúa Trời

Một ngày kia Chúa Giê-su để ý đến một người mù từ lúc mới sinh. Các môn đồ hỏi Chúa Giê-su tội lỗi của ai đã khiến người này bị mù. Chúa Giê-su hoàn toàn làm họ sửng sốt với câu trả lời của Ngài. Ngài phán trong Giăng 9:3: “Đó chẳng phải tại người hay tại cha mẹ đã phạm tội; nhưng ấy để cho những việc Đức Chúa Trời được tỏ ra trong người.”

Chúa Giê-su đã làm gì tiếp theo? Ngài nhổ xuống đất, lấy nước miếng trộn thành bùn, và đem xức trên mắt người mù. Ngài bảo người này hãy đến ao Si-lô-ê để rửa. Người làm theo và trở lại cùng Chúa Giê-su, được chữa lành một cách thần kỳ. Chúa đã dùng việc chữa lành người mù này để bày tỏ sự vinh hiển và quyền năng của Ngài cho thế gian.

Đối với tất cả những người theo Chúa, cho dù Chúa chọn chữa lành cho chúng ta ngay khi còn trên đất hay là ở thiên đàng, Chúa có thể mang lại sự vinh hiển qua bệnh tật trong đời sống chúng ta. Cơ Đốc nhân mắc bệnh, và mỗi người chúng ta mắc bệnh vì đủ thứ lý do. Tạ ơn Chúa, khi chúng ta bị bệnh, chúng ta không phải chịu đựng một mình.

Chúa Là Đấng Chữa Lành Duy Nhất Của Chúng Ta

Tôi tin rằng các bác sĩ, y tá, chuyên gia y tế, công nghệ y tế và bệnh viện là những công cụ trong tay Chúa. Ngài đã tạo ra mỗi người trong số họ để thi hành ý muốn của Ngài trong chức vụ chữa lành. Do đó, cho dù sự chữa lành xảy ra ngay lập tức hay theo phương pháp trị liệu, thì chỉ một mình Đức Chúa Trời là Đấng chữa lành cho chúng ta.

Đức Chúa Trời tuyên bố những lời này trong Xuất Ê-díp-tô Ký 15:26: “Vì Ta là Đức Giê-hô-va, Đấng chữa bịnh cho ngươi.” Ngoài ra, Đa-vít đã tuyên bố về Đức Chúa Trời trong Thi Thiên 103:3: “Ấy là Ngài tha thứ các tội ác ngươi, Chữa lành mọi bệnh tật ngươi.” Tiên tri Ê-sai đã tuyên bố về Đấng Mê-si sắp đến trong Ê-sai 53:4: “Thật người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta.” Do đó, cho dù sự đau ốm của chúng ta là do bệnh tật, phiền não, nghiện ngập, ngược đãi, trầm cảm hay các vấn đề khác, thì chỉ một mình Chúa Giê-su là Đấng cất chúng ra khỏi chúng ta và mang chúng đi thật xa.

Hơn nữa, Ê-sai đã tuyên bố trong Ê-sai 53:5: “bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh.” Chúa Giê-su chết cho mọi tội lỗi. Như đã nói trước đó, bệnh tật xâm nhập vào thế gian do tội lỗi. Thiên đàng sẽ là nơi chúng ta được giải thoát vĩnh viễn khỏi tội lỗi, đây là nơi chúng ta sẽ hoàn toàn khỏe mạnh và mọi bệnh tật đều sẽ được chữa lành.

Một trong những từ mô tả sự chữa lành trong Cựu Ước là từ Rapha hoặc rophe trong tiếng Hê-bơ-rơ, có nghĩa là “chữa lành, làm cho khỏe mạnh, thầy thuốc.” Từ này có ý nghĩa rất lớn đối với Jeana và tôi trong suốt thời gian em đau ốm bởi căn bệnh ung thư vì chúng tôi tin chắc rằng chỉ duy Chúa là Đấng làm cho chúng tôi khỏe mạnh. Ngài là Đức Chúa Trời chữa lành.

Ma-la-chi 4:2 chép: “Nhưng về phần các ngươi là kẻ kính sợ danh Ta, thì mặt trời công bình sẽ mọc lên cho, trong cánh nó có sự chữa bịnh; các ngươi sẽ đi ra và nhảy nhót như bò tơ của chuồng.” Đây là lời tiên tri về những gì sẽ xảy ra khi Đấng Mê-si đến, Ngài là Mặt Trời Công Bình! Ngài sẽ xua tan mọi bóng tối, trở thành phương thuốc khắc phục bóng tối bệnh tật, kéo con người ra khỏi tật bệnh, ban cho con người nguồn sinh lực dồi dào để vươn mình mạnh mẽ như bò tơ được thả ra khỏi chuồng. Từ chữa bịnh trong câu này là từ marpe trong tiếng Hê-bơ-rơ, có nghĩa là “mang lại sự chữa lành, một phương thuốc, phục hồi, và mang lại sức khỏe.” Đây là một từ mạnh mẽ, đáng khích lệ.

Câu chuyện từ Công vụ 28 là một trong những nhận thức sâu sắc về chủ đề chữa lành. Cha của Búp-li-u nằm trên giường vì bị sốt và nhiễm trùng đường ruột, dẫn đến tiêu chảy nặng. Trong Công vụ 28:8-9, Kinh Thánh nói: “Vả, cha của Búp-li-u nầy đương nằm trên giường đau bịnh nóng lạnh và bịnh lỵ. Phao-lô đi thăm người, cầu nguyện xong, đặt tay lên và chữa lành cho. Nhân đó, ai nấy trong đảo có bịnh, đều đến cùng Phao-lô, và được chữa lành cả.”

Xin lưu ý, trong bản tiếng Anh, từ “healed” được dịch là “chữa lành” ở câu 8 còn từ “cured” được dịch là “được chữa lành” ở câu 9 còn có nghĩa là “được chữa khỏi bệnh”.

Từ “healed” là iaomai, có nghĩa là “chữa trị, chữa lành hoặc làm cho lành lặn.” Đó là cùng một từ được sử dụng trong Công vụ 3 cho người què được chữa lành ngay lập tức. Lu-ca, người đi cùng Phao-lô, là một bác sĩ. Ông là tác giả sách Công vụ và là người ghi lại những câu chuyện này. Việc ông dùng từ iaomai cho thấy Đức Chúa Trời đã chữa lành cho mọi người ngay lập tức, một cách siêu nhiên, nhờ quyền năng của Đức Chúa Trời. Ngay cả trong Phúc Âm Lu-ca, từ này cũng được sử dụng khi Chúa Giê-su nói rằng Ngài đến để chữa lành những tấm lòng tan vỡ và bị tổn thương. Trong Lu-ca 4, loại chữa lành này xảy ra ngay tức thì.

Giờ đây, cũng chính bác sĩ Lu-ca này đã chép trong khi một số người được chữa lành ngay lập tức, thì Đức Chúa Trời cũng chữa lành những người khác sau một khoảng thời gian thời gian thông qua thuốc men hoặc liệu pháp điều trị. Trong Công vụ 28:9, từ “chữa lành” ở đây là therapeuo trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “phục vụ, hầu việc, chăm sóc, chữa trị, hoặc phục hồi sức khỏe.” Từ này cho thấy một người nào đó đang cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế dưới hình thức nào đó, nhằm phục hồi sức khỏe cho người bệnh. Do đó, bác sĩ Lu-ca tin rằng một số người sẽ được chữa lành một cách siêu nhiên và ngay lập tức, trong khi những người khác được chữa lành bằng thuốc men hoặc phương pháp trị liệu, thông qua sự chăm sóc liên tục. Sức khỏe của cả hai nhóm người này đều được hồi phục.

Cuối cùng, đây là điều không thể bỏ qua: Chỉ một mình Đức Chúa Trời là Đấng Chữa Lành của chúng ta!

Chúa có thể chữa lành một cách siêu nhiên hoặc bằng thuốc men hoặc thông qua sự kết hợp của cả hai.

Đừng đánh giá thấp những gì Đức Chúa Trời của chúng ta có thể làm: Chúa là Đấng Chữa Lành của chúng ta. Ngài có thể chọn chữa lành ngay lập tức hoặc thông qua sự chăm sóc liên tục. Ngài có thể chữa lành một phần bệnh tật cho chúng ta ở phía bên này của thiên đàng hoặc Ngài sẽ chữa lành tất cả trên thiên đàng.

Khi Cơ Đốc Nhân Mắc Bệnh

Phao-lô không thể chữa lành cho bất cứ người nào ông muốn. Trô-phim, cộng sự của Phao-lô trong chức vụ, bị bệnh ở thành Mi-lê. Cần phải nhớ sự kiện quan trọng này vì mọi người từ khắp nơi đến để Phao-lô chữa lành cho họ, tuy nhiên theo 2 Ti-mô-thê 4:20, ông phải để một trong những người cộng sự của mình ở lại Mi-lê vì người này đang đau ốm.

Đây là một nhận thức quan trọng: Phao-lô chỉ có thể chữa lành cho mọi người tùy theo ý muốn của Đức Chúa Trời; ông không thể chữa lành bất cứ ai ông muốn.

Chúng ta cũng không thể. Tất cả chúng ta đều phải thuận theo ý muốn và mục đích của Đức Chúa Trời.

Lát nữa đây, tôi sẽ hướng dẫn để chúng ta hiểu được một số hành động cần làm khi Cơ Đốc nhân bị bệnh. Nhưng trước khi làm điều đó, tôi muốn đưa bạn vào một nghiên cứu cuối cùng khá ngắn gọn về bệnh tật và sự chữa lành xuyên suốt Lời Chúa.

Vua Ê-xê-chia

Trong Ê-sai 38, khi Ê-xê-chia biết mình sắp chết, điều đầu tiên vua làm là cầu nguyện. Hãy nhớ những gì tôi đã nói trước đó: cầu nguyện cần phải là lựa chọn đầu tiên của bạn, không phải lựa chọn cuối cùng! Cầu nguyện là lựa chọn đầu tiên của Ê-xê-chia. Vua biết chỉ có Chúa mới có thể chữa lành cho mình.

Ê-sai nói với vua rằng mạng sống của vua sẽ được kéo dài thêm mười lăm năm nữa. Họ phải lấy một cái bánh trái vả, có tác dụng chữa bệnh nhờ chất dinh dưỡng, trộn với dầu ô-liu. Họ bôi hỗn hợp đó lên những chỗ bị nhiễm trùng và sưng tấy trên cơ thể của Ê-xê-chia. Sau đó, Ê-sai bảo vua hãy đến đền thờ và thờ phượng Đức Chúa Trời. Vào thời điểm đó, Ê-xê-chia được chữa lành.

Búp-li-u và những người khác

Bạn có nhớ những gì tôi đã nói trước đó trong chương này không? Cha của Búp-li-u đã được chữa lành ngay lập tức một cách siêu nhiên. Những người khác đã được chữa khỏi bệnh sau một khoảng thời gian bằng phương pháp trị liệu hoặc dược phẩm. Cả hai trường hợp đều dẫn đến sự chữa lành: trong khi một số người được chữa lành nhờ điều trị và sau một khoảng thời gian, những người khác được chữa lành ngay lập tức một cách siêu nhiên.

Gia-cơ và lời khuyên của ông

Trong Gia-cơ 5, Gia-cơ đề cập đến những đối tượng cần được cầu nguyện để được chữa lành. Những đối tượng này là:

  • Những người chịu khổ: không phải chịu khổ vì một căn bệnh thuộc thể, nhưng là gánh nặng mà người đó mang theo, chẳng hạn như trầm cảm, bệnh tâm lý, nghiện ngập hoặc một nan đề; và
  • Những người đau ốm: yếu đuối, ốm yếu, bệnh tật và thiếu thốn về mặt thể chất.

Mặc dù những người này không ai giống ai, nhưng việc cầu nguyện và thờ phượng cần phải trở thành một phần của quá trình tìm kiếm sự chữa lành về mặt tinh thần, cảm xúc và thể chất của họ.

Gia-cơ khuyên những người đau ốm hãy nhờ các trưởng lão trong hội thánh cầu nguyện cho mình được chữa lành. Trưởng lão là những người trưởng thành và vượt trội trong đức tin. Chúng ta sẽ nói thế này: “Ai đang đau ốm hãy mời các mục sư của hội thánh đến cầu nguyện cho mình.”

Đây là một nhận thức quan trọng không thể bỏ qua: người bệnh phải là người chủ động, chứ không phải ai khác, kể cả các trưởng lão của hội thánh.

Trong hội thánh của chúng tôi, tôi giải thích điều này theo nghĩa đen và dạy cho dân sự về giá trị của việc họ mời các trưởng lão cầu nguyện cho mình. Một người bạn hoặc thành viên trong gia đình không thể làm điều này giúp họ. Bản thân họ phải tự làm. Sau đó, động thái tiếp theo là cầu nguyện. Cầu nguyện là động từ chính, và hoàn toàn là hành động chính yếu. Từ cầu nguyện này có nghĩa là “cầu thay, khấn nguyện nài xin thay mặt cho người bệnh.”

Do đó, sau khi xức dầu cho người bệnh (thường là dầu ô-liu, loại dầu được cho là có giá trị chữa bệnh trong thế giới cổ đại), các trưởng lão phải cầu nguyện cho người bệnh. Vào thời Tân Ước, họ sẽ thoa dầu ô-liu lên chỗ đau hoặc dùng dầu để xoa bóp chỗ đau. Cầu nguyện cùng với dầu sẽ củng cố và xây dựng đức tin. Rõ ràng, việc xức dầu này đã và đang là thứ yếu sau lời cầu nguyện. Có nghĩa là, quyền năng chữa lành ở trong lời cầu nguyện, không phải ở dầu.

Lời cầu nguyện này được dâng lên trong danh quyền năng của Chúa Giê-su khi các trưởng lão cầu nguyện với đức tin cho người bệnh. Cầu nguyện như thế này không giống như việc niệm chú của các thực hành ma thuật, nhưng nhấn mạnh cầu nguyện là một hành động của đức tin—đức tin của người bệnh khi mời các trưởng lão cầu nguyện để Chúa chữa lành và phục hồi cho mình. Các trưởng lão cũng cầu nguyện với đức tin, tin rằng Đức Chúa Trời sẽ giải cứu người đó khỏi bệnh tật, và Chúa sẽ nâng người đó dậy cũng như phục hồi sức khỏe cho người đó.

Nếu có một tội lỗi nào đó đang tồn tại là nguyên nhân gây ra bệnh tật, thì người bệnh sẽ được kêu gọi xưng tội với Chúa trước mặt các trưởng lão, tin rằng Chúa sẽ xóa bỏ tội lỗi và tha thứ cho người đó. Đây là một lời kêu gọi mạnh mẽ để bạn chuẩn bị chính mình sẵn sàng để được cầu nguyện cho sự chữa lành. Ngay cả việc xưng tội với nhau và cầu nguyện cho nhau cũng mang đến sự chữa lành thuộc linh!

Đây là một lẽ thật tuyệt vời mà hội thánh nên thực hành: chữa lành thuộc linh nên được ưu tiên hơn chữa bệnh thuộc thể. Những sự thuộc thể không nên nhận được nhiều sự chú ý hơn những sự thuộc linh.

Sau đó, chúng ta thấy một sự khích lệ khác. Khi một người sống ngay thẳng trước mặt Chúa và lấy lòng sốt sắng cầu nguyện cách khẩn thiết, thì những việc lớn lao có thể xảy ra. Các trưởng lão hoặc mục sư của hội thánh cầu nguyện cho người bệnh phải là những người lãnh đạo thuộc linh tin kính, những người cầu nguyện nhiều và sốt sắng, để thấy được Đức Chúa Trời quyền năng vận hành một cách phi thường.

Ba Việc Cần Làm Khi Cơ Đốc nhân Bị Bệnh

Dựa trên những lẽ thật này, tôi tin rằng có ba việc chính cần được thực hiện bất cứ khi nào một thành viên trong vương quốc của Đức Chúa Trời bị bệnh.

Hành động 1: Ưu tiên cầu nguyện

Từ Ê-xê-chia đến Phao-lô đến lời tường thuật trong sách Gia-cơ, Lời Chúa cho thấy rõ sự cầu nguyện cần được đặt lên hàng đầu. Cầu nguyện không phải là không hành động, mà là hành động lớn lao nhất của bạn. Cầu nguyện là ưu tiên hàng đầu và cao nhất khi bạn bị bệnh.

Kinh Thánh lớn tiếng tuyên bố rằng cầu nguyện là yếu tố quan trọng nhất trong việc chữa lành. Khi bạn bị bệnh, bạn có nhờ mọi người cầu nguyện cho mình không? Nếu bây giờ bạn có một nhu cầu và không liên quan đến bệnh tật, bạn có nhờ mọi người cầu nguyện cho mình không? Tính tự cho mình là trung tâm, tính tự phụ và tính kiêu ngạo của con người thường ngăn cản chúng ta nhờ vả người khác cầu nguyện cho mình. Không cầu nguyện cho thấy bạn đang tin tưởng vào chính mình.

Cầu nguyện là yếu tố quan trọng nhất trong việc chữa lành. Khi bạn bị bệnh, hãy nhờ người khác cầu nguyện cho mình, nhờ hội thánh cầu thay, và mời các mục sư của hội thánh cầu nguyện cho mình được chữa lành.

Hành động 2: Thực hành đức tin

Một lần nữa, tất cả các phân đoạn Kinh Thánh mà chúng ta đã nhấn mạnh trong chương này đều dạy rằng chúng ta nên ưu tiên cầu nguyện và thực hành đức tin khi bị bệnh. Đức tin là hành động theo Lời Chúa. Bạn có nhớ câu chuyện người đàn ông bại liệt được những người bạn khiêng đi với đức tin, những người thậm chí đã dỡ một phần mái nhà để hạ anh ta xuống với Chúa Giê-su không? Khi điều này xảy ra, Kinh Thánh nói một điều rất rõ ràng và thuyết phục trong Mác 2:5: “[Đức Chúa Giê-su] thấy đức tin họ.” Khi Chúa Giê-su nhìn thấy đức tin của họ, tội lỗi của người đàn ông đã được tha, anh được chữa lành và động thái chưa từng có tiền lệ này trở nên vô cùng mạnh mẽ đối với tất cả những ai đang chứng kiến.

Hành lang, lớp học và trung tâm thờ phượng của các hội thánh trên khắp đất nước chúng ta và những nơi khác cần phải trở nên giống như bốn người bạn đã khiêng người đàn ông bị bại liệt đến với Chúa Giê-su Christ, những người này không để bất cứ điều gì cản trở họ. Họ đã tìm ra cách và tự mở ra con đường để đưa người bại liệt này đến với Chúa Giê-su. Mỗi người chúng ta cần phải giống như bốn người bạn này: làm tất cả những gì có thể để đưa mọi người đến với Chúa Giê-su khi họ đau ốm và cần sự tự do, sự giải cứu, phục hồi và chữa lành.

Hành động 3: Tiếp nhận sự chăm sóc y tế

Khi một Cơ Đốc nhân bị bệnh, người này nên:

  • Ưu tiên cầu nguyện;
  • Thực hành đức tin; và
  • Tiếp nhận sự chăm sóc y tế

Sau khi Ê-xê-chia cầu nguyện với đức tin, bánh trái vả và dầu ô-liu được bôi lên chỗ ung nhọt của vua để chữa lành. Phao-lô và Lu-ca thực hiện các phương pháp điều trị, chăm sóc người bệnh và phục hồi sức khỏe cho họ bằng cách sử dụng thuốc men và các phương pháp điều trị. Gia-cơ nhấn mạnh khi Cơ Đốc nhân bị bệnh, chúng ta nên thực hiện một số bước như sau: cầu nguyện cá nhân, mời các trưởng lão của hội thánh cầu nguyện cho mình, xức dầu (tượng trưng cho thuốc), làm tất cả những điều này nhân danh Chúa Giê-su Christ, Đấng Chữa Lành của chúng ta!

Đừng bỏ qua nguyên tắc thuộc linh này: cầu nguyện là chính, thuốc chỉ là phụ.

Rõ ràng, trong những tình huống khẩn cấp, việc cầu nguyện và tiếp nhận sự chăm sóc y tế nên diễn ra đồng thời. Nhưng hãy hiểu rõ điều này: Kinh Thánh không xem nhẹ việc theo đuổi sự chăm sóc y tế; Kinh Thánh nhấn mạnh sự linh nghiệm của việc cầu nguyện với đức tin.

Mỗi chúng ta đều phải có trách nhiệm khai trình về vấn đề này. Các bác sĩ và nhà trị liệu đều không phải là Chúa. Y học không phải là Chúa. Chúa Giê-su là Đấng Chữa Lành tối thượng duy nhất. Con người, y học, công nghệ và bệnh viện là những công cụ trong tay Chúa Giê-su. Chúng ta phải có quan điểm đúng đắn để không cố gắng nâng việc trị liệu cao hơn đức tin, y học cao hơn sự cầu nguyện và con người cao hơn Đức Chúa Trời.

Đừng mắc sai lầm như vua A-sa khi ông bị bệnh. Vị vua này đã có nhiều năm lãnh đạo Giu-đa thành công, được Đức Chúa Trời liên tục khen ngợi và ban ơn. Nhưng sau đó, vua A-sa đã ký một hiệp ước với vua A-ram và không còn lệ thuộc vào chỉ duy nhất Đức Chúa Trời nữa. Kể từ thời điểm đó, sau 35 năm hòa bình, vua A-sa đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh và bắt đầu ngược đãi nhiều người. Đây là điều tôi không muốn bạn bỏ lỡ: Vua A-sa đã không có kết thúc tốt đẹp như khởi đầu của ông.

Vào năm cai trị nước Giu-đa thứ 39, ông bị bệnh ở chân, bệnh trở nên rất nặng. Thật thú vị khi người đàn ông cả đời tìm kiếm Chúa trong ít nhất 35 năm đầu tiên với cương vị lãnh đạo của một đất nước vẫn bị bệnh. Điều thú vị nữa là, dù căn bệnh trở nên nghiêm trọng nhưng: “trong cơn bịnh người không tìm kiếm Đức Giê-hô-va, nhưng tìm kiếm những thầy thuốc” (II Sử-ký 16:12). Hai năm sau, ông qua đời.

A-sa đã mất đi quan điểm thuộc linh của mình khi bị bệnh và chỉ tìm kiếm thầy thuốc chứ không tìm kiếm Chúa. Đây không phải là ý muốn của Chúa cho bất kỳ ai trong chúng ta. Đừng bao giờ đặt việc điều trị lên trên đức tin vào Đức Chúa Trời, y học lên trên việc cầu nguyện và con người lên trên Đức Chúa Trời. Mạng sống của bạn là một món quà từ Chúa. Ngài nắm giữ sự sống và tương lai của bạn trong tay Ngài.

Lời Khuyên Cá Nhân

Đức tin thần học của tôi liên quan đến việc chữa lành—điều mà tôi tin rằng Chúa muốn chúng ta, với tư cách là những Cơ Đốc nhân, thực hiện khi bị bệnh—chính là điều gia đình chúng tôi đã thực hành khi Jeana bị ung thư và khi con trai tôi, Josh, được chẩn đoán mắc bệnh đa xơ cứng sáu năm trước. Đây chính xác là những gì chúng tôi đã làm và những gì tôi khích lệ mọi người làm:

  • Nhận biết Chúa Giê-su là Đấng Chữa Lành duy nhất;
  • Cầu nguyện với đức tin;
  • Nhờ hội thánh và các lãnh đạo của hội thánh cùng đồng hành với bạn trên hành trình chữa lành và cầu nguyện cho bạn; và
  • Tiếp nhận điều trị với những loại thuốc tốt nhất có thể.

Tạ ơn Chúa, chúng tôi đã thấy rõ cánh tay quyền năng của Chúa trên cả Jeana và Josh.

Lời nhắc nhở cuối cùng của tôi dành cho mọi người là chúng ta không phải những người theo chủ nghĩa nhân văn, mà là những Cơ Đốc nhân. Chúng ta không đơn độc trong bệnh tật vì chúng ta có hội thánh. Khi chúng ta cầu nguyện với đức tin và nhận được sự chăm sóc y tế tốt nhất có thể, chúng ta đang có những hành động cần thiết kết hợp theo Kinh Thánh để chữa lành. Cả hai phương pháp đều dẫn đến Đấng Chữa Lành duy nhất, Chúa Giê-su Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống.

Bản Dịch Việt Ngữ: Mục Vụ Cầu Nguyện Phấn Hưng

Thư Viện Tin Lành (2024)
www.thuvientinlanh.org

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top