Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Kiến Thức » Cầu Nguyện: Xây Dựng Mối Liên Hệ Mật Thiết Với Chúa – Phần 22

Cầu Nguyện: Xây Dựng Mối Liên Hệ Mật Thiết Với Chúa – Phần 22

CHƯƠNG 14

TẤM LÒNG KHÔNG ĂN NĂN

Nhiều năm trước, ngành kiến trúc đã tạo ra làn sóng xây dựng những ngôi nhà kiểu súng ngắn (hình chữ nhật). Cấu trúc đơn giản này có tên như vậy bởi vì bạn có thể mở cửa trước và nhìn thấy bên trong căn nhà từ trước ra sau, thậm chí là thấy cả cửa sau của ngôi nhà. Nếu bạn lấy một khẩu súng ngắn và bắn vào từ cửa trước, sẽ không có gì cản đường cho viên đạn bay xuyên qua cửa sau của ngôi nhà.

Một số ngôi nhà được xây dựng từ nhiều năm trước có thiết kế tương tự. Khi bạn bước vào cửa trước, bạn sẽ đi qua hành lang về phía sau ngôi nhà, nhìn thấy nhiều cánh cửa từ bên ngoài hành lang, dẫn vào một số phòng, chẳng hạn như nhà bếp, phòng khách, phòng ngủ và phòng tắm. Tất cả các cửa của các phòng này đều sẽ mở—ngoại trừ một cửa. Nếu tình cờ là khách trong nhà đó, bạn có thể tò mò muốn mở cánh cửa bị đóng. Nhưng nếu bạn đặt tay lên cánh cửa đó, chủ nhà sẽ nói: “Đừng mở cái đó ra. Đó là phòng chứa rác của nhà tôi.” Mỗi phòng trong nhà đều sạch sẽ ngoại trừ phòng chứa rác. Do đó, căn phòng này là khu vực hạn chế đối với tất cả khách khứa.

Tình trạng của tấm lòng bạn có giống như những gì được mô tả trong những ngôi nhà kiểu súng ngắn này không? Có lẽ hầu hết các phòng trong tấm lòng bạn đều sạch sẽ và trang nhã, nhưng liệu có một căn phòng chứa rác trong tấm lòng bạn không? Bạn có sợ để bất cứ ai bước vào căn phòng đó và nhìn thấy tình trạng của nó không? Rất có thể, bạn sẽ cảm thấy xấu hổ khi cho người khác biết những gì bên trong căn phòng chứa rác của tấm lòng mình. Căn phòng đó có thể chứa đựng một số đam mê, ham muốn, trí tưởng tượng viển vông, suy đoán và những tội lỗi thầm kín mà bạn đã sống với chúng quá lâu đến nỗi bạn không chắc mình có sẵn sàng để sống thiếu những điều đó không.

Giống như việc đóng cửa phòng chứa rác trong nhà, không loại bỏ được rác, không xử lý rác trong tấm lòng, bạn cũng không loại bỏ được chúng. Chương này nói về những tội lỗi thầm kín trong đời sống của bạn—loại tội lỗi mà bạn sẽ xấu hổ nếu người khác biết về chúng. Những tội lỗi thầm kín trong lòng bạn giống như những viên gạch được dùng để xây lên một bức tường—bức tường ngăn cản đời sống cầu nguyện hiệu quả. Bức tường được xây bằng những tội lỗi thầm kín này trong tấm lòng bạn phải bị sụp đổ để những lời cầu nguyện của bạn có thể lên được đến ngai Đức Chúa Trời.

Kinh Thánh dạy rằng không bao giờ được ấp ủ tội lỗi trong đời sống của những người theo Chúa. Thi Thiên 66:18 nói: “Nếu lòng tôi có chú về tội ác, ắt Chúa chẳng nghe tôi.” Từ “chú” trong câu này cũng có thể được dịch là “ấp ủ.” Vì vậy, câu này có thể đọc là: “Nếu tôi ấp ủ điều ác trong lòng…” Từ này là rasah trong tiếng Hê-bơ-rơ, có nghĩa là “chấp thuận, thích thú và bày tỏ lòng kính trọng đối với điều gì đó.”

Tôi thực sự thích những gì Woodrow Kroll đã viết về điều này:

Nếu chúng ta ưa thích tội lỗi và cầu nguyện với Đức Chúa Trời cùng một lúc, thì chúng ta đang tỏ ra tôn trọng tội lỗi hơn là kính trọng Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời không có nghĩa vụ phải lắng nghe những lời cầu nguyện xuất phát từ những tấm lòng thiếu tôn trọng. Nếu chúng ta tán thành điều gì đó mà chúng ta biết là sai và đồng thời cố gắng nói chuyện với Đức Chúa Trời, thì tốt hơn là chúng ta nên để dành hơi sức của mình đi.1

Đây là lời mạnh mẽ dựa trên Lời Chúa.

Kinh Thánh nói nếu bạn ấp ủ hoặc tán thành tội lỗi trong đời sống của mình, thì Chúa sẽ không đáp lời sự cầu nguyện của bạn theo cách bạn mong muốn. Trong chương 12, tôi đã đề cập có lần tôi cố gắng cầu xin Đức Chúa Trời xức dầu cho chức vụ của tôi trong khi tôi đang mắc tội không ăn năn với vợ mình. Lúc đầu, tôi không muốn xin lỗi vợ vì sự bất đồng không đáng kể giữa hai chúng tôi trên đường đến hội thánh. Vì tấm lòng không ăn năn của tôi, Chúa đã không nghe lời cầu nguyện của tôi. Tôi biết mình cần phải ăn năn nếu không Đức Chúa Trời sẽ không xức dầu cho tôi bằng Đức Thánh Linh của Ngài khi tôi rao giảng ngày hôm đó. Mãi cho đến khi tôi thú nhận sự không tha thứ của mình với Chúa và sau đó thực sự ăn năn với Jeana thì Chúa đã chuẩn bị chúng tôi cho chức vụ ngày hôm đó.

Có điều gì trong thâm tâm bạn rất yêu thích nhưng biết là không đúng chăng? Có thứ gì đó trong căn phòng chứa rác của bạn mà bạn biết rằng cần phải loại bỏ khỏi đời sống của mình, nhưng tại thời điểm này, bạn chỉ đơn giản là chưa giải quyết được vấn đề? Tội lỗi này có thể là một điều gì đó riêng tư. Đó có thể là một điều mà bạn không muốn người khác biết. Theo Kinh Thánh, Đức Chúa Trời sẽ không nghe lời cầu nguyện của một Cơ Đốc nhân cố tình phạm tội trong đời sống mình.

Khi bạn chọn bám víu lấy tội lỗi mình, tấm lòng của bạn không chịu ăn năn. Từ ăn năn có nghĩa là thay đổi suy nghĩ về tội lỗi của mình. Do đó, nếu bạn không ăn năn, bạn đã không thay đổi suy nghĩ về tội lỗi của bạn. Thay vào đó, bạn chứa chấp tội lỗi của mình. Bạn ấp ủ tội lỗi của mình. Bạn bày tỏ lòng hiếu khách với tội lỗi trong lòng bạn. Kết quả là tấm lòng không ăn năn của bạn trở thành bức tường ngăn cách giữa bạn và Đức Chúa Trời.

Chương này nói về những tội lỗi thầm kín trong đời sống của bạn—loại tội lỗi mà bạn sẽ xấu hổ nếu người khác biết về chúng. 

Nguyên Tắc Của Sự Kết Nối

Tôi tin rằng có một nguyên tắc phù hợp với lời dạy của Thi Thiên 66:18. Tôi sẽ gọi nguyên tắc này là nguyên tắc của sự kết nối. Nói một cách đơn giản: lời cầu nguyện được Đức Chúa Trời chấp nhận phải liên quan tới mục đích từ bỏ mọi tội lỗi. Cầu nguyện kết nối bạn với Chúa và mang lại cho bạn niềm vui khi được trò chuyện cùng Chúa. Bạn kết nối với Chúa nhằm mục đích giữ cho cuộc đời mình đi đúng hướng. Nhưng nếu bạn thực sự mong muốn đi đúng đường, bạn phải từ bỏ mọi tội lỗi.

Nếu bạn định kết nối với Chúa, bạn phải từ bỏ mọi tội lỗi trong đời sống mình. Sự kết nối thiên thượng này không cho phép cái ác làm gián đoạn. Điều quan trọng cần nhớ là Đức Chúa Trời rất quan tâm đến thái độ của bạn đối với tội lỗi của mình. Việc bạn cầu nguyện mà không từ bỏ tội lỗi trong lòng cũng giống như nỗ lực rèn luyện tâm linh mà không đạt được kết quả nào.

Sự ăn năn liên quan đến việc từ bỏ tội lỗi trong lòng khi bạn cầu nguyện. Ăn năn là từ bỏ mọi tội lỗi, kể cả những tội thầm kín, nhằm mục đích kết nối với Đức Chúa Trời và thông công với Ngài. Bạn có muốn Chúa phán với bạn khi bạn cầu nguyện không? Bạn có muốn Chúa ban năng lực cho bạn khi bạn cầu nguyện không? Những điều này sẽ chỉ xảy ra khi bạn từ bỏ mọi tội lỗi bằng cách kết nối với Chúa.

Tội lỗi thầm kín có cách để định cư trong tấm lòng của bạn. Bạn có xấu hổ không nếu tất cả các phòng trong tấm lòng bạn bị bày ra cho mọi người nhìn thấy? Hãy để tôi nhắc bạn nhớ rằng Chúa biết bên trong mọi căn phòng nơi lòng bạn có gì. Tội lỗi thầm kín của đời sống bạn là gì?

  • Bạn có thói quen xem phim khiêu dâm không? Có lẽ phim ảnh khiêu dâm đã bắt đầu xâm chiếm đời sống của bạn từ khi còn nhỏ. Qua nhiều năm, thành lũy của nhục cảm và tình dục đã biến thành một sức hấp dẫn chết người trong đời sống bạn.
  • Có sự không tha thứ nào trong đời sống của bạn chăng? Có lẽ bạn có ác cảm với một người nào đó và giờ ác cảm đó đã lún sâu vào căn phòng chứa rác của cuộc đời bạn. Bạn biết rằng bạn không nên sống chung với điều này, nhưng bạn đang gặp khó khăn trong việc từ bỏ vì cảm giác oán hận người đó khiến bạn cảm thấy thỏa dạ.
  • Bạn có đang ăn trộm của Chúa những tài nguyên Chúa đã giao phó cho bạn? Đức Chúa Trời yêu cầu bạn tôn vinh Ngài bằng cách dâng ít nhất một phần mười thu nhập của mình cho Chúa thông qua hội thánh địa phương. Lòng tham và ham muốn thỏa mãn cá nhân của bạn đã khiến điều này không diễn ra thường xuyên, như Kinh Thánh dạy.
  • Bạn đang tranh chiến với những dục vọng trong đời sống của mình? Nơi làm việc của bạn có thể đóng vai trò như một cánh đồng của sự ham muốn dành cho người khác giới. Có lẽ một số người đọc cuốn sách này đang tranh chiến với sự ham muốn dành cho một người cùng giới. Tuy nhiên, ham muốn ấp ủ tội lỗi sẽ khiến lời cầu nguyện của bạn không đến được với Đức Chúa Trời.

Nếu muốn lời cầu nguyện của bạn được Chúa nhậm, thì bạn cần từ bỏ mọi tội lỗi trong đời sống mình.

Bạn sẽ để Đức Thánh Linh dọn dẹp căn phòng chứa rác trong lòng bạn chứ? Ngài sẽ đảm bảo rằng bạn không còn dung túng cho những tội lỗi này nữa. Ngoài việc để Đức Thánh Linh can dự vào đời sống của mình, hãy vâng phục một người có thể khiến bạn chịu trách nhiệm về những gì đang chất đống trong căn phòng chứa rác của tấm lòng bạn. Người này phải sẵn sàng nói lên lẽ thật với bạn trong tình yêu thương.

Bạn thấy đấy, nguyên tắc của sự kết nối dạy rằng bạn phải từ bỏ những tội lỗi thầm kín trong đời sống mình thì lời cầu nguyện của bạn mới được Chúa chấp nhận. Bạn có thể cầu nguyện, la hét, vỗ tay, giơ tay lên, làm chứng, ca hát và thậm chí rao giảng. Nhưng nếu bạn làm bất cứ điều gì trong số này mà vẫn ấp ủ tội lỗi trong lòng, thì Đức Chúa Trời sẽ không nghe lời cầu nguyện của bạn cũng như không chấp nhận sự thờ phượng của bạn. Bức tường của một tấm lòng không ăn năn phải sụp đổ trước khi Đức Chúa Trời đáp lời cầu nguyện của bạn.

Có phải tấm lòng của bạn vẫn không chịu ăn năn?

Bốn Triệu Chứng Của Một Tấm Lòng không Ăn Năn

Có một số triệu chứng thuộc thể có thể cho bạn biết khi tim của bạn bị bệnh. Những triệu chứng này không phải là vấn đề chính, mặc dù ban đầu bạn có thể nghĩ như vậy. Những triệu chứng này tiết lộ rằng tim của bạn có vấn đề. Một chẩn đoán lâm sàng sẽ xác định những động thái nào cần phải được thực hiện để giải quyết vấn đề của tim bạn.

Cũng giống như trái tim con người liên quan đến tình trạng sức khỏe của cơ thể, điều này cũng đúng với trái tim thuộc linh liên quan đến tình trạng thuộc linh của bạn. Tôi muốn chia sẻ với bạn bốn triệu chứng cho thấy bạn có thể có vấn đề với tấm lòng không ăn năn.

Triệu chứng 1: Tiếp tục phạm tội

Khi lòng bạn không ăn năn, bạn cứ tiếp tục phạm tội. Bạn tiếp tục nhượng bộ với bản chất tội lỗi và ham muốn của mình. Đời sống của bạn bị chi phối bởi tội lỗi hơn là bởi sự công bình. Bạn có đam mê thực hiện những ham muốn tội lỗi của xác thịt mình, nhưng không có một mong muốn nghiêm túc để từ bỏ chúng. Kết quả là bạn cứ tiếp tục phạm tội.

Chẳng hạn, hãy xem trường hợp của một người tự xưng là Cơ Đốc nhân nhưng thực sự có vấn đề về sự dâm dục tột độ. Mặc dù thực tế là những dục vọng của người này đã dẫn đến một số mối quan hệ ngoại tình, nhưng người này vẫn đi nhóm hàng tuần. Việc đi nhóm đã trở thành cơ hội để người này theo đuổi những người phụ nữ khác. Khi bị chất vấn, người này luôn chối bỏ hành vi tội lỗi của mình. Tuy nhiên anh ta vẫn tiếp tục phạm tội ngoại tình.

Vấn đề của người này là tấm lòng của anh ta không ăn năn. Anh cứ tiếp tục phạm tội. Nếu không bao giờ ăn năn tội lỗi của mình, anh có thể bị hư mất về thuộc linh. Nếu người này biết Đấng Christ, anh sẽ chịu sự phán xét nghiêm khắc. Nhận xét đáng buồn về cuộc đời của người này là anh ta chưa bao giờ vượt qua được vấn đề của mình.

Dục vọng và ngoại tình không phải là vấn đề của người này; chúng chỉ là những triệu chứng của vấn đề. Vấn đề của người này là anh ta có một tấm lòng không ăn năn. Điều này được chứng minh bởi vì anh cứ tiếp tục phạm tội.

Bạn có đang tiếp tục phạm tội trong đời sống mình chăng? Nếu vậy, thì bạn có một tấm lòng không biết ăn năn. Đức Chúa Trời muốn bạn ăn năn. Ngài muốn bạn từ bỏ tội lỗi, đừng chấp nhận nó. Một người với tấm lòng không ăn năn sẽ tiếp tục phạm tội.

Triệu chứng 2: Phớt lờ sự cáo trách của Thánh Linh Đức Chúa Trời

Mọi tín hữu chân chính của Chúa Giê-su Christ đều được Thánh Linh của Chúa ngự vào lòng. Ngài ở đó để giúp đỡ và ban năng lực cho bạn, nhưng Ngài cũng ở đó để cáo trách bạn về tội lỗi trong đời sống của bạn nữa. Vì vậy, bất cứ khi nào bạn phạm tội, Đức Thánh Linh sẽ chỉ cho bạn thấy bạn đã phạm tội và cáo trách bạn để bạn biết mình đã làm điều sai trái.

Nếu lòng bạn không ăn năn, thì bạn sẽ chọn phớt lờ sự cáo trách của Thánh Linh Đức Chúa Trời trong đời sống mình khi bạn phạm tội. Tấm lòng không ăn năn này chọn sống theo ý mình. Đó là một cách sống nguy hiểm.

Vợ tôi, Jeana, được ban cho lòng thương xót. Tôi nhớ có lần cô ấy bất bình thay cho tôi và đã đối chất với một người về vấn đề đó. Chuyện này có thể nói là đã giải quyết xong rồi, nhưng cô không phải là người nên làm như vậy. Sau cuộc đối chất, Chúa khiến cô mất ngủ cả đêm. Khi tôi thức dậy vào buổi sáng hôm đó, cô đã bị Chúa cáo trách rất nhiều về hành động 192 | SỰ CẦU NGUYỆN

này, mà theo tôi hiểu thì đó chỉ là một vấn đề nhỏ. Ngay khi vợ tôi có thể gọi điện cho người ấy để bày tỏ sự ăn năn, cô đã làm như vậy vào buổi sáng hôm đó.

Bạn thấy đấy, Jeana đã có một tấm lòng ăn năn. Tôi khen ngợi cô ấy vì sự nhạy bén của cô với Đức Thánh Linh. Cô đã đáp lại sự cáo trách của Ngài theo cách mà mọi Cơ Đốc nhân nên đáp lại. Cô đã nhận ra lỗi lầm của mình. Cô xử lý tội lỗi đó. Cô ăn năn về tội lỗi của mình. Cô đã đền bù cho tội lỗi của mình. Câu chuyện này luôn là một hình mẫu tuyệt vời đối với tôi về cách mỗi Cơ Đốc nhân nên đáp ứng lại với Đức Thánh Linh khi Ngài cáo trách tội lỗi của chúng ta. Phản ứng của Jeana trong tình huống này là một ví dụ về tấm lòng ăn năn.

Bạn có một tấm lòng ăn năn chứ? Một tấm lòng không ăn năn phớt lờ sự cáo trách của Thánh Linh Đức Chúa Trời về tội lỗi của mình. Khi Chúa cáo trách bạn về tội lỗi trong đời sống bạn, hãy ăn năn về điều đó. Đừng phớt lờ sự cáo trách của Đức Thánh Linh.

Một người có tấm lòng không ăn năn tiếp tục phạm tội và phớt lờ Thánh Linh của Đức Chúa Trời khi Ngài cáo trách người ấy về tội lỗi mà người ấy đã phạm.

Triệu chứng 3: Tấm lòng trở nên cứng cỏi

Bạn bước vào vùng nguy hiểm trong đời sống thuộc linh của mình khi bạn để lòng mình không biết ăn năn. Sự ăn năn không kết thúc ở sự cứu rỗi; ăn năn bắt đầu từ sự cứu rỗi.

Khi phớt lờ sự cáo trách của Đức Thánh Linh đối với tội lỗi trong đời sống mình, bạn sẽ phát triển một tấm lòng chai cứng. Khi tấm lòng của bạn trở nên cứng cỏi, tính cách của bạn sẽ thay đổi. Sắc mặt của bạn cũng thay đổi. Mọi thứ về bạn đều thay đổi. Bạn không nhìn nhận mọi sự theo cách bạn nên nhìn. Đời sống của bạn trở nên mờ nhạt.

Hãy nhớ điều này: một khi bạn khước từ sự cáo trách của Đức Thánh Linh trên đời sống mình, bạn sẽ dễ dàng nói không với Ngài hơn. Tại sao? Bởi vì tấm lòng của bạn đã bị chai sạn. Nói không với sự cáo trách của Đức Chúa Trời trong đời sống mình là điều nguy hiểm. Một khi tấm lòng của bạn trở nên cứng cỏi, thì việc phạm tội sẽ trở thành lối sống thường nhật của bạn.

Một tấm lòng không ăn năn tiếp tục phạm tội, phớt lờ sự cáo trách của Thánh Linh Đức Chúa Trời, trở nên cứng cỏi, và…

Triệu chứng 4: Quan tâm đến việc kiềm chế tội lỗi một cách hiệu quả hơn thay vì học cách chiến thắng tội lỗi

Trong nhiều năm, tôi đã có cơ hội gặp gỡ nhiều Cơ Đốc nhân từ nhiều giáo phái. Tôi cũng đã thuyết giảng ở nhiều môi trường khác nhau. Trong những chuyến đi này, tôi đã có thể học được rất nhiều. Cùng với những cơ hội này và những cơ hội khác, tôi đã nhận ra một điều đáng lo ngại đang diễn ra trong cộng đồng Cơ Đốc giáo—đó là triệu chứng của một tấm lòng không ăn năn.

Hầu hết các Cơ Đốc nhân mà tôi đã gặp dường như quan tâm đến việc học cách che đậy tội lỗi một cách hiệu quả hơn thay vì học cách chiến thắng tội lỗi. Hầu hết các Cơ Đốc nhân chỉ muốn chắc chắn rằng họ không bị bắt quả tang khi phạm tội. Họ muốn chắc chắn rằng họ có thể tận hưởng tội lỗi của mình và không phải trả một giá quá đắt cho điều đó. Vì vậy, mục tiêu của họ là kiềm chế tội lỗi chứ không phải chiến thắng tội lỗi.

Triệu chứng này rất nguy hiểm và đầy dối trá. Tôi muốn cảnh báo bạn đừng để đời sống thuộc linh của mình bị bóp méo như vậy. Đừng để bị lừa dối. Mục tiêu của bạn với tư cách là Cơ Đốc nhân đang tăng trưởng phải là chiến thắng tội lỗi, chứ không phải chỉ kiềm chế tội lỗi một cách hiệu quả.194 | SỰ CẦU NGUYỆN

Hãy nhớ rằng một tấm lòng không ăn năn sẽ khiến lời cầu nguyện của bạn không được nhậm. Tôi biết bạn muốn có một tấm lòng ăn năn. Vì vậy đã đến lúc…

Dọn Rác Trong Lòng

Bạn có thể cầu nguyện trong Thánh Linh trong khi vẫn ấp ủ tội lỗi không? Bạn có thể cầu nguyện trong đức tin nếu bạn ấp ủ tội lỗi không? Bạn có thể cầu nguyện với cảm xúc mạnh mẽ, nóng cháy và niềm tin xác quyết nếu bạn yêu mến tội lỗi không? Bạn có thể đánh trận nghiêm túc trong sự cầu nguyện và cùng lúc ấp ủ tội lỗi không? Câu trả lời cho những câu hỏi này là như nhau: không!

Nếu bạn ấp ủ tội lỗi, đời sống thuộc linh của bạn cuối cùng sẽ trở nên ảm đạm và nặng nề. Những điều từng khiến bạn bận tâm sẽ không còn làm phiền bạn nữa vì tấm lòng bạn đã chai cứng. Tấm lòng cứng cỏi này sẽ khiến bạn trượt dài và cho phép Sa-tan đưa bạn lún sâu hơn vào tội lỗi. Khi bạn ấp ủ tội lỗi, bạn không còn mong đợi Chúa hành động trong đời sống bạn nữa.

Ngay bây giờ bạn có thể dành chút thời gian nhìn vào căn phòng chứa rác của đời sống mình không? Đừng đặt căn phòng đó làm khu vực hạn chế đối với Đức Thánh Linh. Đừng để mọi thứ chất chồng đến mức bạn thậm chí không biết có gì trong đó. Hãy xử lý những tội lỗi thầm kín của đời sống bạn. Giờ là lúc để dọn sạch những thứ rác rưởi ra khỏi tấm lòng bạn.

Chỉ mất một lúc thôi, liệu bạn có dành thời gian để nghiêm túc tìm hiểu xem trong căn phòng riêng tư đó của lòng mình có chứa những gì? Liệu bạn có để Chúa chỉ cho bạn thấy điều gì trong đó không đẹp lòng Ngài? Bạn có đáp lại Thánh Linh Ngài khi Ngài chỉ ra cho bạn một số điều mà bạn đã nắm giữ trong nhiều năm nhưng thực chất không cần thiết phải có trong đời sống của bạn? Hiện giờ là thời điểm để dọn rác.

Trong những thời khắc sắp tới đây, hãy dành thời gian để đánh giá những thứ có trong căn phòng chứa rác của lòng bạn. Bản liệt kê này kêu gọi bạn thành thật với Chúa và với chính mình.

Kiểm tra phòng chứa rác của bạn bằng những câu Kinh Thánh và câu hỏi sau:

  1. “Phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa; vì ý muốn của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giê-su Christ đối với anh em là như vậy” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:18).

Bạn có lo lắng về bất cứ điều gì không? Bạn có quên tạ ơn Chúa về tất cả mọi sự, kể cả những điều dường như tồi tệ cũng như những điều tốt đẹp? Bạn có lơ là trong việc cảm tạ Ngài vì đã ban cho bạn hơi thở, sức khỏe và chính sự sống của bạn không?

  1. “Vả, Đức Chúa Trời, bởi quyền lực cảm động trong chúng ta, có thể làm trổi hơn vô cùng mọi việc chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng” (Ê-phê-sô 3:20).

Bạn có lẩn tránh làm những việc nhân danh Cha trên trời vì sợ mình không đủ tài năng? Cảm giác thua kém người khác có ngăn cản bạn mong muốn phụng sự Đức Chúa Trời không? Khi bạn hoàn thành một điều gì đó đáng khen, bạn có chọn dành sự vinh hiển cho chính mình thay vì dâng lên cho Đức Chúa Trời?

  1. “Khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về Ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất” (Công vụ 1:8).

Bạn có ngần ngại tạ ơn Chúa vì những phép lạ Ngài đã thực hiện trong cuộc đời bạn không? Bạn có hài lòng khi sống theo đạo Đấng Christ một cách tùy tiện và nghĩ rằng việc chia sẻ tin lành về sự giải cứu của mình với người khác thật không mấy quan trọng?

  1. “Tôi nói với mỗi người trong anh em chớ có tư tưởng cao quá lẽ…” (Rô-ma 12:3).

Ngay bây giờ bạn có thể dành chút thời gian và nhìn vào căn phòng chứa rác của đời sống mình không? Đừng đặt căn phòng đó làm khu vực hạn chế đối với Đức Thánh Linh.

Bạn có quá kiêu ngạo về thành tích, tài năng hay gia thế của mình? Bạn có gặp khó khăn trong việc đặt mối quan tâm của người khác lên hàng đầu? Bạn có tư tưởng muốn nổi loạn khi nghĩ tới việc có thể Đức Chúa Trời muốn thay đổi bạn và sắp xếp lại lối suy nghĩ của bạn không?

  1. “Phải bỏ khỏi anh em những sự cay đắng, buồn giận, tức mình, kêu rêu, mắng nhiếc, cùng mọi điều hung ác” (Ê-phê-sô 4:31).

Bạn có hay phàn nàn, bắt lỗi, hay tranh cãi? Bạn có đang nuôi dưỡng linh chỉ trích và thích thú với việc chỉ trích người khác? Bạn có ác cảm với các tín đồ của một nhóm, giáo phái hoặc tín ngưỡng thần học khác vì họ không nhìn thấy lẽ thật mà bạn nhìn thấy? Bạn có nói xấu người khác khi họ không có mặt? Bạn có nhận thấy bạn thường nổi giận với chính mình? Với những người khác? Với Chúa?

  1. “Anh em há chẳng biết rằng thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em, là Đấng mà anh em đã nhận bởi Đức Chúa Trời, và anh em chẳng phải thuộc về chính mình sao?” (1 Cô-rinh-tô 6:19).

Bạn có đối xử thiếu tôn trọng với thân thể mình? Bạn có làm ô uế thân thể mình bằng những hành vi tình dục không tin kính?

  1. “Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em” (Ê-phê-sô 4:29).

Bạn có sử dụng từ ngữ không gây dựng hoặc đùa giỡn hay kể những câu chuyện cười thiếu tế nhị hạ thấp chủng tộc, thói quen hoặc văn hóa của người khác? Bạn có bỏ qua những bình luận này khi khách đến nhà nói những lời đó với bạn hoặc khi đồng nghiệp chia sẻ những lời đó với bạn tại nơi làm việc?

  1. “Đừng tạo cơ hội ma quỷ” (Ê-phê-sô 4:26–27).

Bạn có nhắm mắt làm ngơ trước khả năng mình có thể trở thành bãi đáp cho Sa-tan qua việc mở rộng tâm trí cho hắn bước vào thông qua những thực hành không tin kính, những tiên đoán tâm linh, văn học huyền bí, phim ảnh và video bạo lực hoặc khiêu dâm? Bạn có tìm kiếm lời khuyên cho cuộc sống hàng ngày từ lá số tử vi, trên truyền hình hoặc trên internet thay vì từ Đức Chúa Trời, nguồn sống thực sự và tối thượng của bạn? Bạn có để cho Sa-tan sử dụng mình để dựng lên những hàng rào ngăn cản công việc của Đấng Christ trong hội thánh và trong gia đình của bạn thông qua những lời chỉ trích và ngồi lê đôi mách?

  1. “Chớ làm biếng” (Rô-ma 12:11).

Bạn có thường xuyên chậm trễ trong việc thanh toán nợ, thậm chí không chi trả? Bạn có chi tiêu nhiều hơn hạn mức trên thẻ tín dụng so với khả năng chi trả của mình? Bạn có lơ là trong việc khai báo thuế thu nhập một cách trung thực? Bạn có tham gia vào các giao dịch kinh doanh mờ ám?

  1. “Hỡi kẻ rất yêu dấu… phải kiêng những điều xác thịt ưa thích, là điều chống trả với linh hồn” (1 Phi-e-rơ 2:11).

Mắt của bạn có phạm tội khi chất chứa dục vọng với người khác giới? Tâm trí bạn có đầy dẫy những chương trình truyền hình có xu thế tình dục, những bộ phim khiêu dâm hoặc những văn hóa phẩm đồi trụy? Bìa tạp chí? Phục trang? Đặc biệt là khi bạn cảm thấy không có ai đang nhìn mình? Bạn có đắm chìm trong những tội lỗi tình dục mà Lời Chúa lên án, chẳng hạn như gian dâm, ngoại tình hoặc lối sống trụy lạc?

  1. “Nếu một người trong anh em có sự gì phàn nàn với kẻ khác, thì hãy nhường nhịn nhau và tha thứ nhau: như Chúa đã tha thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy” (Cô-lô-se 3:13).

Bạn có thất bại trong việc tha thứ cho những người có thể đã nói hoặc làm điều gì đó khiến bạn tổn thương không? Bạn đã cắt đứt quan hệ với một số người mà bạn cho là không xứng làm bạn của mình?

  1. “Các ngươi cũng vậy, bề ngoài ra dáng công bình, nhưng ở trong thì chan chứa sự giả hình và tội lỗi” (Ma-thi-ơ 23:28).

Trong thâm tâm bạn có biết rằng con người thật của mình thường không như những gì mà mọi người nhìn thấy? Đằng sau việc tích cực hoạt động trong hội thánh, bạn có đang cố tình tạo vỏ bọc để che đậy các hoạt động khác khiến bạn xa rời thân thể Đấng Christ? Bạn có đang ngụy trang bằng đức tin Cơ Đốc để đạt được địa vị xã hội hoặc được chấp nhận trong hội thánh hoặc cộng đồng của mình? Con người bạn có thật không?

  1. “Rốt lại, hỡi anh em, phàm điều chi chân thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thanh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen—thì anh em phải nghĩ đến” (Phi-líp 4:8).

Bạn có thích nghe cuộc trò chuyện làm tổn thương người khác không? Bạn có bỏ qua những cuộc nói chuyện như vậy? Bạn có tin vào những tin đồn hoặc một phần sự thật, đặc biệt là về người bạn ghét hoặc đối thủ cạnh tranh của bạn? Bạn dành rất ít thời gian hoặc thậm chí là không dành thời gian mỗi ngày để Chúa phán với bạn qua Lời của Ngài?2

Tôi muốn thách thức bạn thực hành chương này ngay lập tức. Hãy tìm một nơi yên tĩnh ngay bây giờ. Hãy quỳ xuống nếu bạn có đủ sức khỏe. Nếu không, chỉ cần đảm bảo rằng bạn có một chỗ ổn định bằng mọi cách có thể với tư thế khiêm nhường và để Đức Thánh Linh tiến hành cuộc giải phẫu thuộc linh cho tấm lòng của bạn. Hãy cầu xin Đức Thánh Linh đánh giá tấm lòng của bạn khi bạn xem xét từng điểm một của bản liệt kê này. Hãy để Chúa sử dụng cuộc kiểm tra tâm linh này để dọn sạch những rác rưởi ra khỏi cuộc đời bạn. Kết quả là Đức Chúa Trời sẽ dỡ bỏ bức tường ngăn cản lời cầu nguyện của bạn đến với Ngài. Bức tường của một tấm lòng không ăn năn phải bị phá bỏ để những lời cầu nguyện của bạn có thể lên được đến ngôi Ngài.

Bản Dịch Việt Ngữ: Mục Vụ Cầu Nguyện Phấn Hưng

Thư Viện Tin Lành (2024)
www.thuvientinlanh.org

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top