Cầu Nguyện: Xây Dựng Mối Liên Hệ Mật Thiết Với Chúa – Phần 21
CHƯƠNG 13
ĐỘNG CƠ TRÁI LẼ
Được hầu việc Chúa với cương vị là một mục sư hội thánh địa phương là một trong những niềm vui trong đời tôi. Tôi đã chứng kiến nhiều sự thay đổi trong nhiều năm hầu việc Chúa. Tôi nhận thấy sự thay đổi này diễn ra thật nhanh chóng và đáng sợ trong vòng 5 năm qua.
Trong những năm đầu tôi bước vào chức vụ, tôi thấy hội thánh Chúa được yêu mến. Hội thánh là một nguồn sức mạnh cho con dân Chúa và luôn được cộng đồng trân trọng. Mục sư quản nhiệm được yêu mến và kính trọng. Các tín hữu dành thời gian hầu việc Chúa và hội thánh nỗ lực giúp đỡ những người có nhu cầu nhất là những người chưa có mối tương giao cá nhân với Chúa.
Ngày nay, hội thánh địa phương đã có nhiều thay đổi. Hội thánh ngày nay chỉ là một trong những chọn lựa về tâm linh cho tín hữu. Số hội thánh nhận được sự kính trọng từ cộng đồng ngày càng ít đi. Người ta không biết mục sư của hội thánh trong vùng mình là ai thì đừng nói đến chuyện kính trọng thiên chức Chúa giao cho ông. Con cái Chúa dành ít thời gian để lo cho hội thánh. Ngày nay hội thánh chỉ tập trung lo cho nhu cầu của các tín hữu trong nhà thờ thay vì nhu cầu của những người lạc mất.
Một trong những sự thay đổi rõ rệt nhất mà tôi chứng kiến trong cuộc đời hầu việc Chúa là động cơ của con người. Không ai thật sự biết động cơ của một người khác nhưng nhìn chung chúng ta có thể thấy rõ ràng phần đông Cơ Đốc nhân có sự chuyển đổi trong động cơ của họ. Ngày nay tìm được người tín hữu muốn phục vụ người khác trước khi lo cho nhu cầu của mình thì thật hiếm hoi.
Hội thánh ngày nay phản ánh nền văn hóa hưởng thụ của nước Mỹ. Ưu tiên của đa số những người đến nhà thờ là “hội thánh làm được gì cho tôi?” Mục tiêu của họ không phải là hầu việc Chúa qua việc giúp đỡ người khác nhưng đòi hỏi hội thánh lo cho nhu cầu của mình. Nếu hội thánh không giúp được thì họ sẽ đi chỗ khác.
Giống như kiểu nhóm ngồi trong xe ngày xưa. Các tín hữu ngồi tại xe để tham dự giờ thờ phượng và nhận được nhiều sự giúp đỡ. Sau đó họ bỏ đi và chỉ quay lại khi họ cần giúp đỡ. Nếu họ không thích giờ thờ phượng thì họ sẽ chạy đến chỗ nhóm khác.
Đây là tình trạng hội thánh ngày nay của chúng ta. Nhiều Cơ Đốc nhân đến thờ phượng Chúa vì lý do cá nhân hơn là vì lòng tin kính Chúa. Họ có nhu cầu cần được đáp ứng và ít khi nghĩ đến người khác. Nếu hội thánh họ đang tham dự nhiều năm không còn đáp ứng nhu cầu của họ thì họ đổi qua chỗ khác để nhận được giúp đỡ. Kết quả của kiểu suy nghĩ này là hầu như các tín hữu tin rằng hội thánh hiện diện chỉ nhằm mục đích đáp ứng những nhu cầu cá nhân.
Suy nghĩ của đa số các Cơ Đốc nhân về hội thánh ngày nay cho thấy một trong những chướng ngại lớn nhất trong sự cầu nguyện, đó là cầu nguyện với động cơ sai trái. Lời cầu nguyện của bạn sẽ không có hiệu quả nếu bạn đến với Chúa với mục tiêu trái lẽ.
Tình trạng hội thánh ngày nay phản ánh tâm hồn của các tín hữu. Tư tưởng “hãy lo cho tôi” được phản ánh trong cách cầu nguyện của nhiều người. Họ có cái nhìn hạn hẹp về Đức Chúa Trời. Họ xem Ngài như ông già Noel hiện diện chỉ để đem quà. Hiểu biết thiển cận về Đức Chúa Trời khiến cho các tín hữu bỏ Chúa giống như họ bỏ hội thánh khi nhu cầu của họ không được đáp ứng.
Tôi muốn khẳng định một điều, đó là Chúa của chúng ta là Đức Chúa Trời toàn năng. Ngài ngự trên ngôi cao nhất và cai quản toàn bộ vũ trụ. Ngài hoàn toàn không cần đến chúng ta bởi vì Ngài là Chúa. Ngài là thánh khiết. Ngài không nhìn đến tội lỗi. Ngài là toàn năng – Ngài có thể làm bất cứ điều gì, vào bất cứ thời điểm nào, ở bất kỳ nơi nào Ngài chọn. Ngài là Đấng toàn tại – Ngài có thể hiện diện ở bất kỳ ở đâu. Ngài là Đấng toàn tri – Ngài biết mọi điều về chúng ta, về động cơ trong lòng chúng ta.
Bạn cần phải suy nghĩ về sự toàn tri của Chúa. Bạn không thể giấu diếm điều gì với Ngài vì Chúa biết mọi điều về bạn và động cơ của bạn. Vì thế bạn không thể giả vờ cầu nguyện một cách ích kỷ khi lòng bạn chứa đựng những động cơ sai trật. Chúa không quan tâm đến những lời hoa mỹ trong khi tấm lòng không thánh sạch. Nói tóm lại, bạn không qua mắt được Chúa. Ngài là tất cả. Ngài có tất cả. Ngài biết tất cả. Ngài là một Đức Chúa Trời vĩ đại!
Lời Chúa Phán Về Động Cơ Trái Lẽ
Động cơ nói đến điều bạn suy nghĩ trong lòng cùng với con người thật của bạn. Động cơ phản ánh lý do bạn làm một điều gì đó. Không có loại trang điểm nào có thể che đậy động cơ của bạn.
Văn hóa Mỹ rất chú trọng đến sự trình diễn. Chúng ta có khuynh hướng đánh giá hầu hết mọi điều dựa vào nội dung và cách trình bày. Điều đó có thể thấy trên các mạng xã hội. Người ta có thể nêu ý kiến về bất kỳ việc gì. Có thể nghi ngờ, mỉa mai, phê bình về mọi sự. Nếu lãnh đạo không đạt chỉ tiêu về con số mong đợi thì người ta xem bạn là một người không làm được việc. Nếu bạn thua nhiều hơn thắng thì người ta sẽ thắc mắc về khả năng của bạn. Tuy nhiên những điều này không phải lúc nào cũng là thước đo giá trị chính xác.
Chúa không quan tâm đến việc “con đã làm gì cho ta?” Vấn đề quan trọng hơn là “tại sao con làm điều đó.” Một ngày tương lai Chúa sẽ xét đoán điều bạn làm trong cuộc đời này cùng với động cơ của bạn. Thường thì động cơ quyết định điều bạn làm, cho nên bạn cần phải chú ý nhiều hơn đến động cơ.
Trong Gia-cơ 4:3, Chúa phán về động cơ không chính đáng. “Anh em cầu xin mà không nhận lãnh được, vì cầu xin trái lẽ, để dùng trong tư dục mình.” Kinh Thánh nói các tín hữu này cầu nguyện nhưng không được trả lời bởi vì họ cầu xin trái lẽ.
Động cơ trong lòng của những Cơ Đốc nhân này đã không đúng khi họ cầu nguyện. Họ chưa bao giờ tự hỏi một câu quan trọng: “Vì sao tôi cầu nguyện cho điều này?” Có thể họ dành hết thời gian xin Chúa nhiều điều và không để thời gian lắng nghe Chúa phán về những động cơ trong lòng của họ.
Kinh Thánh lên án những động cơ ích kỷ khi bạn cầu nguyện một cách ích kỷ. Khi chúng ta tự đề cao mình lúc cầu nguyện thì chúng ta đang thực hiện một hành động xấu xa.
Mục đích của sự cầu nguyện không phải là để được việc của mình hoặc nhu cầu được đáp ứng. Mục đích của sự cầu nguyện luôn luôn là tìm kiếm ý Chúa. Một trong những lý do bạn cần phải cầu nguyện là để hiểu được việc Chúa đang làm xung quanh bạn. Nếu bạn chỉ dành thời gian cầu xin Chúa làm điều nọ điều kia cho mình thì bạn đã không hiểu được điểm chính của sự cầu nguyện. Bạn sẽ cảm thấy bực bội vì Chúa không đáp lời.
Vấn đề của những Cơ Đốc nhân được đề cập trong Gia-cơ là họ cầu xin với động cơ trái lẽ. Chúng ta có thể trình dâng những nhu cầu cá nhân cho Chúa về sự Ngài muốn đáp ứng nhu cầu chúng ta. Tuy nhiên, việc chúng ta cầu xin với mục đích ích kỷ là điều Chúa không vui lòng.
Cầu nguyện là một khoảnh khắc thánh khiết và đặc biệt với Đức Chúa Trời. Cầu nguyện là một sự thờ phượng thật nên chúng ta cần phải để ý riêng và tư dục của mình sang một bên. Hãy nhớ rằng anh chị em cầu nguyện để ý Chúa được nên chứ không phải ý mình.
Một số bản dịch của Gia-cơ sử dụng chữ “thú vui” trong lúc một số bản dịch khác dùng chữ “dục vọng.” Theo một sách Giải kinh câu này được giải thích như sau:
Dục vọng nói về ham muốn mạnh mẽ của con người. Gia-cơ dùng chữ hedone trong tiếng Hy Lạp để nói về ý này. Chúng ta dễ dàng thấy mối liên hệ giữa chữ hedone với chữ hedonism (chủ nghĩa khoái lạc) trong tiếng Anh. Chúa sẽ không nghe điều chúng ta cầu xin Nếu chúng ta chỉ cầu nguyện xin Chúa đáp ứng tư dục của mình.1
Nền văn hóa Mỹ thần tượng hóa chủ nghĩa hưởng lạc. Hội thánh nhiều lúc cũng phải mắc tội này. Khi anh chị em hiểu được câu Kinh Thánh Gia-cơ 4:3 anh chị em sẽ thấy sự cầu nguyện của chúng ta khác xa ý muốn Chúa. Lời cầu xin của chúng ta chỉ xoay quanh tư dục của mình. Đây không phải là Cơ Đốc giáo theo Kinh Thánh.
Chủ nghĩa khoái lạc tin rằng mục tiêu của đời sống là thỏa mãn thú vui của mình và chỉ biết đến hạnh phúc cá nhân. Cơ Đốc giáo công bố rằng mục đích của đời sống là đem vinh hiển cho Chúa, và sống vui lòng Ngài. Điều này không liên quan gì đến thỏa mãn ham muốn hoặc nhu cầu của mình được đáp ứng.
Chúng ta đã không làm đúng ý Chúa khi cầu nguyện cho ý riêng của mình hoặc với những động cơ ích kỷ. Cầu xin chỉ nhằm mục đích xin Chúa đáp ứng điều ham muốn cá nhân.
Nước Mỹ chịu ảnh hưởng nặng của chủ nghĩa hưởng thụ và tư tưởng này tràn lan trong Hội thánh Chúa Giê-su. Sa-tan đã lừa dối và khiến cho con cái Chúa tập theo thói quen này rồi đem nó vào nhà thờ. Đó là lý do nhiều tín hữu chỉ quan tâm đến bản thân mình và nhu cầu cá nhân. Bi kịch này làm Chúa đau lòng.
Chính rào cản này làm cho hội thánh thiếu sức sống trong lời cầu nguyện. Họ đã thay lẽ thật bằng sự dối trá khi họ tập theo chủ nghĩa hưởng thụ. Đức Chúa Trời là Đấng Toàn Tri – Ngài biết động cơ của mỗi người. Khi anh chị em cầu nguyện với động cơ sai trái Ngài sẽ không đáp lời cầu nguyện của chúng ta.
Hãy xem lại lý do cầu xin của mình vì trong tương lai Chúa sẽ bày tỏ những động cơ trong lòng chúng ta: “Vì Đức Chúa Trời sẽ đem đoán xét các công việc, đến đỗi việc kín nhiệm hơn hết, hoặc thiện hoặc ác cũng vậy” (Truyền đạo 12:14) và “Chẳng có vật nào được giấu kín trước mặt Chúa, nhưng hết thảy đều trần trụi và lộ ra trước mắt Đấng mà chúng ta phải thưa lại” (Hê-bơ-rơ 4:13).
Chúa Giê-su xác định rằng mọi điều chúng ta làm sẽ được phơi bày ra ánh sáng “Song khi ngươi cầu nguyện, hãy vào phòng riêng, đóng cửa lại, rồi cầu nguyện Cha ngươi, ở nơi kín nhiệm đó; và Cha ngươi, là Đấng thấy trong chỗ kín nhiệm, sẽ thưởng cho ngươi” (Ma-thi-ơ 6:6).
Không điều gì hoặc không tạo vật nào có thể giấu được Chúa. Mọi người đều phải trình lên cho Chúa những điều mình đã làm. Chúng ta không phải đứng trước loài người nhưng chỉ Chúa mà thôi. Xét đoán của loài người có thể sai lầm nhưng Chúa không bao giờ sai lầm. Bạn có thể che giấu động cơ trước con người nhưng không thể làm điều đó với Đấng Toàn Tri Toàn Năng.
Vậy những động cơ cầu nguyện trái lẽ phải được lấy đi để Chúa nghe lời cầu nguyện của chúng ta.
Ba Câu Hỏi Tự Kiểm Tra
Nếu anh chị em muốn trở nên một chiến sĩ cầu nguyện thì phải nhớ rằng động cơ cầu nguyện phải đẹp lòng Chúa. Đây là ba câu hỏi để giúp bạn tự xét mình.
- Vì sao tôi cầu xin Chúa điều này?
Trong những ngày sắp tới, hãy hỏi vì sao tôi cầu xin Chúa điều này khi bạn trình dâng sự cầu xin của mình cho Chúa. Vấn đề quan trọng là vì sao bạn cầu nguyện chứ không phải là bạn cầu xin điều gì.
Bạn có thể giấu che giấu động cơ trước con người nhưng không thể làm điều đó với Đấng Toàn Tri Toàn Năng.
Bạn có đang cầu xin Chúa làm theo ý của bạn hay không? Bạn có đang cầu xin để thỏa mãn nhu cầu của riêng mình hay không? Bạn có đang cầu xin điều gì đó vì bạn nghĩ mình sẽ vui hơn nếu có nó? Bạn có đang cầu xin Chúa điều gì với suy nghĩ bạn sẽ nhận lấy mọi vinh quang khi Ngài đáp lời cầu xin của bạn hãy không?
Dù bạn mới bắt đầu cầu nguyện hay đã cầu nguyện nhiều năm thì một trong những điều khó khăn mà bạn phải đối diện trong khi cầu nguyện là câu hỏi: “vì sao tôi xin điều này.”
Hãy dùng câu hỏi này để tra xét động cơ cầu nguyện của mình. Nếu bạn có động cơ ngay thẳng thì Chúa sẽ lắng tai nghe lời cầu nguyện của bạn.
- Tôi có sẵn lòng bỏ qua ý riêng của mình và làm theo ý Chúa không?
Câu hỏi này giúp chúng ta nhìn thấy khó khăn trong đời sống cầu nguyện của chúng ta. Nó sẽ giúp bạn thấy lời cầu nguyện của mình không hiệu quả bởi vì điều chúng ta hiểu về Chúa vô cùng hạn hẹp. Bên cạnh đó, bạn cũng khám phá ra những điều về bản thân mình mà bạn không muốn nói với ai khác ngoài Chúa.
Chúa Giê-su nói rõ ràng cầu nguyện để ý Cha được nên chứ không phải ý con. Chính tôi vui khi nhiều lúc Chúa không để việc tôi cầu nguyện xảy ra. Vì Ngài biết nếu làm như vậy cuộc đời tôi sẽ hướng đến chỗ hủy hoại và tôi sẽ gặp nhiều rắc rối trong cuộc sống.
Mục đích của lời cầu nguyện không phải là Chúa đáp ứng nhu cầu để chúng ta có một cuộc sống tốt hơn. Mục đích của sự cầu nguyện chính là Chúa ơi con chỉ muốn thực hiện điều này nếu việc đó đẹp lòng Chúa. Có lúc Chúa sẽ ban cho anh chị em điều mình cầu xin nhưng rồi chúng ta nhận thấy điều đó thật ra không quan trọng. Bạn có sẵn lòng gác lại những điều mình muốn cầu xin để cầu nguyện cho ý Chúa được nên trong cuộc đời mình hay không?
Có nhiều lúc bạn cần phải để những điều mình muốn cầu nguyện qua một bên. Hãy quỳ gối trước mặt Chúa, mở quyển Kinh Thánh ra và xin Ngài bày tỏ ý muốn của Ngài cho chúng ta. Hãy xin Chúa giúp chúng ta cầu nguyện theo Thánh linh như chúng ta đã học trong chương 6. Điều gì xảy ra khi bạn làm điều này? Chúa sẽ phán với bạn trong vài phút ngắn ngủi đó thay vì lắng nghe bạn nói về những điều bạn muốn theo tư dục của mình.
Mặc dù đã cầu nguyện trong nhiều năm, tôi vẫn thường vật lộn trong khía cạnh này. Gác lại những điều mình muốn để cầu nguyện theo ý Chúa không phải là dễ dàng. Phân biệt đâu là ý mình đâu là ý Chúa cũng không phải dễ dàng. Chúng ta chỉ hy vọng ý mình giống như ý Chúa. Trong khi cầu nguyện, hãy để ý đến việc này để lời cầu nguyện có tác dụng.
- Tôi Có Muốn Đức Chúa Trời Nhận Được Sự Vinh Hiển Trong Mọi Sự Không?
Bạn quan tâm đến việc Chúa đáp lời cầu xin của bạn hay là bạn muốn dâng Chúa sự vinh hiển khi lời cầu xin được trả lời? Khi vinh hiển Chúa được thể hiện qua điều bạn cầu xin thì Chúa sẽ hành động. Nên nhớ Chúa không đáp lời nếu con cái Chúa chỉ biết đề cao chính mình. Ngài thường đoái xem những người có tâm hồn trong sạch và động cơ phải lẽ.
Nếu bạn ao ước làm vui lòng Chúa thì hãy để Chúa làm theo ý của Ngài; vì nếu bạn cầu xin không đẹp lòng Chúa thì tại sao bạn muốn Chúa hành động. Bạn thấy không? Chúa muốn vinh hiển qua đời sống chúng ta. Ngài không nhường sự vinh hiển cho bất kỳ một ai khác, trong đó có bạn.
Đây là lời cầu xin đẹp lòng Chúa: Lạy Chúa, nếu điều Con cầu xin đem lại sự vinh hiển cho Ngài thì xin Chúa hãy cho việc đó xảy ra. Nếu không thì xin Chúa hãy bỏ qua việc này.
Sau khi bạn đã trình dâng lời cầu xin của mình cho Chúa hãy kết luận bằng những lời như sau:
Lạy Chúa con đã trình lên Chúa những điều con muốn cầu xin hôm nay. Xin hãy nhậm lời nếu điều đó khiến Chúa được vinh hiển. Xin Chúa hành động trong đời sống của con và can thiệp vào những vấn đề này. Con biết con người con ích kỷ và tự cao. Nhiều lúc con không phân biệt đúng sai. Xin hãy bảo vệ con để chỉ một mình Chúa nhận được sự ngợi khen. Xin Chúa chỉ cho phép xảy ra những điều Ngài đẹp lòng.
Bằng lời cầu nguyện này, Chúa sẽ hạ xuống những rào cản ngăn trở sự cầu nguyện của chúng ta. Để chúng ta có sự bình an thật sự thì ý muốn của chúng ta trở nên một với ý của Chúa. Tác giả sách Thi Thiên nói: “Hãy vui mừng trong Chúa, Ngài sẽ ban cho ngươi điều lòng mình mong muốn” (Thi Thiên 37:4 BDM). Để vui mừng trong Chúa chúng ta cần vui mừng khi biết ý muốn của Ngài. Như thế ý của chúng ta trở nên như ý Chúa. Đây là điều đem lại vinh hiển cho Chúa.
Hãy dùng ba câu hỏi này để xét lại động cơ của minh khi cầu nguyện. Lời cầu nguyện của bạn sẽ được Chúa đáp lời và danh Chúa được vinh hiển.
Lời Kết
Tôi muốn anh chị em đọc đoạn Kinh văn này thay cho lời kết.
Theo ơn Đức Chúa Trời ban cho tôi, tôi đã lập nền như một tay thợ khéo, mà có kẻ khác cất lên trên; nhưng ai nấy phải cẩn thận về sự mình xây trên nền đó. Vì, chẳng ai có thể lập một nền khác ngoài nền đã lập, là Đức Chúa Jêsus Christ. Nếu có kẻ lấy vàng, bạc, bửu thạch, gỗ, cỏ khô, rơm rạ mà xây trên nền ấy, thì công việc của mỗi người sẽ bày tỏ ra. Ngày đến sẽ tỏ tường công việc đó; nó sẽ trình ra trong lửa, và công việc của mỗi người đáng giá nào, lửa sẽ chỉ ra. Ví bằng công việc của ai xây trên nền được còn lại, thì thợ đó sẽ lãnh phần thưởng mình. Nếu công việc họ bị thiêu hủy, thì mất phần thưởng. Còn về phần người đó, sẽ được cứu, song dường như qua lửa vậy (1 Cô-rinh-tô 3:10-15).
Đoạn Kinh Thánh này nói về ngày Chúa Giê-su xét đoán, mọi tín hữu sẽ đứng trước mặt Chúa và khai trình về cuộc đời của mình. Đây không phải là sự xét đoán để quyết định ai hưởng sự sống đời đời, là Cơ Đốc nhân, tội lỗi của chúng ta đã được xét xử một lần tại thập tự giá và Chúa Giê-su đã tha thứ. Giờ đây Ngài xét đoán để thưởng cho mọi người tùy công việc họ làm.
Chúa sẽ dùng lửa để thử các công việc bạn làm trên đất cùng với động cơ của bạn. Hãy nhớ rằng lý do bạn làm một điều gì đó cũng quan trọng như điều bạn làm cho Chúa. Chúa sẽ thưởng cho những ai làm công việc Chúa với động cơ trong sáng.
Một người phi công kinh nghiệm sẽ kiểm tra hết mọi chi tiết trước khi cất cánh cho dù anh ta đã bay hàng ngàn giờ. Tương tự như vậy, bạn cũng cần phải trả lời ba câu hỏi này mỗi lần bạn cầu nguyện cho dù bạn đã cầu nguyện trong nhiều năm. Chúa sẽ tiếp thêm năng lượng cho lời cầu nguyện của bạn và đáp lời cầu xin khi bạn đến với Chúa với tấm lòng trong sạch.
Bản Dịch Việt Ngữ: Mục Vụ Cầu Nguyện Phấn Hưng
Thư Viện Tin Lành (2024)
www.thuvientinlanh.org