Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Kiến Thức » Cầu Nguyện: Xây Dựng Mối Liên Hệ Mật Thiết Với Chúa – Phần 19

Cầu Nguyện: Xây Dựng Mối Liên Hệ Mật Thiết Với Chúa – Phần 19

 

CHƯƠNG 11

TIẾP THÊM SỨC MẠNH CHO LỜI CẦU NGUYỆN

Một buổi sáng sớm tháng 2 năm 1995. Tôi đang tĩnh nguyện trong văn phòng. Tôi đọc quyển Kinh Thánh Trong Một Năm (One Year Bible) và xin Chúa phán qua lời của Ngài; lúc đó tôi nhận thấy Chúa đang muốn nói với mình.

Tôi đọc trong sách Xuất Ê-díp-tô ký, lúc Đức Chúa Trời gọi Môi-se lên núi trong 40 ngày để kiêng ăn cầu nguyện. Sau thời gian kiêng ăn cầu nguyện đặc biệt này, Chúa ban cho Môi-se 10 điều răn. Khi xuống núi ông biết được dân của Chúa đã thờ hình tượng. Ông buồn bã và Kinh Thánh chép rằng ông quay lên núi để dành thời gian với Chúa trong sự kiêng ăn và cầu nguyện. Mặc dù đã đọc câu chuyện này nhiều lần nhưng ngày hôm đó tôi cảm thấy sợ vì nghĩ rằng Chúa đang kêu gọi mình làm điều gì đó.

Lúc đang cầu nguyện về đoạn kinh văn này tôi cảm giác Chúa đang kêu tôi biệt riêng 40 ngày kiêng ăn cầu nguyện. Cụ thể là tập trung cầu nguyện và kiêng ăn vì sự phục hưng tâm linh của nước Mỹ, của hội thánh và của đời sống mình.

Đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy Chúa kêu gọi mình kiêng ăn trong một thời gian dài. (Việc này xảy ra trước khi tôi được kêu gọi kiêng ăn và cầu nguyện cho Đại hội Giáo Hội Nam Phương ở New Orleans.) Tôi biết kiêng ăn như vậy là một thách thức nhưng tôi cảm biết Chúa thúc giục tôi mãnh liệt để làm điều này. Tuy nhiên, tôi không nói với ai suy nghĩ của mình. Tự trong lòng, tôi hy vọng là điều cảm nhận này không phải đến từ Thánh Linh Chúa.

Trong vài ngày sau đó, tôi vật lộn với Chúa về sự kêu gọi này. Tôi chưa biết nhiều người đã từng kiêng ăn và cầu nguyện lâu như vậy. Tôi đã từng tham dự kiêng ăn cầu nguyện trong nhiều năm nhưng đây là lần kiêng ăn lâu nhất mà tôi định làm. Trước đó lần kiêng ăn lâu nhất là 3 ngày. Kiêng ăn ba ngày là một việc nhưng 40 ngày thì giống như vô tận.

Sau một vài ngày cầu nguyện về điều này tôi được thuyết phục Chúa muốn tôi kiêng ăn cầu nguyện trong 40 ngày. Tôi bắt đầu suy gẫm và suy nghĩ về thời gian này với Chúa. Tôi cần phải lên kế hoạch theo thời khóa biểu của mình. Mặc dù có rất nhiều câu hỏi nhưng tôi không biết hỏi ai.

Một buổi sáng Chúa Nhật vào đầu tháng Ba, tôi bước vào văn phòng và thấy trên bàn làm việc có quyển sách về sự kiêng ăn cầu nguyện. Anh Rick Sparks, một người anh em yêu dấu trong hội thánh, là chủ một đài phát thanh Cơ Đốc. Anh thấy quyển sách này và nghĩ rằng Chúa muốn anh đưa nó cho tôi. Lúc đó tôi chuẩn bị lên đường để giảng cho một cuộc phục hưng. Tôi đọc ngấu nghiến quyển sách vì tôi muốn biết nhiều điều về chủ đề này. Đây là một sự xác nhận về việc Chúa gọi tôi kiêng ăn cầu nguyện

Tôi quyết định nói với vợ về điều Chúa phán với tôi. Tôi nói rằng Chúa muốn tôi kiêng ăn cầu nguyện trong 40 ngày thì vợ tôi bảo nếu Chúa kêu gọi anh thì em sẽ ủng hộ. Sự ủng hộ của vợ tôi là một dấu hiệu nữa cho việc Chúa gọi tôi bước vào hành trình này với Ngài.

Sau chuyến đi trượt tuyết mùa xuân về, tôi bắt đầu chuẩn bị cho Hành trình 40 ngày với Chúa. Tôi biết mình cần phải cầu nguyện cho thời gian này. Tôi muốn biết những điều cụ thể Chúa muốn tôi cầu nguyện trong lúc kiêng ăn. Tôi cầu xin Chúa cho tôi biết rõ điều cần phải làm và cầu nguyện. Nội ngày đó, Chúa chỉ cho tôi biết những điều cần làm trong 40 ngày kiêng ăn cầu nguyện.

Như tôi nói lúc đầu, tôi cảm giác Chúa muốn tôi cầu nguyện và kiêng ăn cho sự phục hưng tâm linh ở Mỹ, cho Hội thánh và trong đời sống tôi. Chúa đã chỉ cho tôi những điều cụ thể để cầu nguyện cho từng lĩnh vực này. Tôi sẽ dành thời gian ăn uống để cầu nguyện. Buổi sáng tôi sẽ dành 2 tiếng chỉ để cầu nguyện và kiêng ăn. Mỗi lần tôi thấy đói thì đó là dấu hiệu tôi cần cầu nguyện. Tôi dự định sẽ dành nhiều khoảng thời gian trong ngày cho Chúa nên tôi phải sắp xếp lịch làm việc để có thể làm được việc này.

Tôi không muốn nói với ai về việc kiêng ăn cầu nguyện ngoại trừ vài nhân viên làm việc gần nhất với tôi và dĩ nhiên là gia đình tôi. Tôi cũng dự định ghi chép tất cả những điều xảy ra giữa tôi với Chúa trong 40 ngày. Tôi cũng cảm biết Chúa muốn tôi kết thúc hành trình này trong sự ẩn dật nhằm có thể đúc kết lại điều mà Chúa sẽ làm cho đời sống tôi trong lúc này. Cuối cùng tôi cũng có được đầy đủ chi tiết và hành trình bắt đầu.

Điều gì xảy ra trong hành trình với Chúa 40 ngày. Tôi viết hơn 100 trang nhật ký, ghi lại những điều lạ lùng Chúa làm cho đời sống tôi, từng trải sự mật thiết với Chúa mà tôi chưa bao giờ trải nghiệm trước đây. Tôi nhạy cảm với Thánh Linh Chúa và sự xức dầu của Chúa trên đời sống và mục vụ. Tôi gọi thời gian này là 40 ngày thay đổi cuộc đời tôi.

Điều Chúa làm trong 40 ngày thật là tuyệt vời. Khi tôi dành riêng trọn ngày cuối với Chúa, tôi không muốn thời gian này kết thúc. Tôi đã có một cuộc hành trình lạ lùng nhất từ trước đến nay trong lúc vẫn sinh hoạt bình thường hàng ngày.

Trong ngày cuối cùng, tôi cần phải đi Atlanta để tham dự một cuộc họp quan trọng. Khi tôi ngồi trên máy bay và suy nghĩ lại điều tôi từng trải, tôi bắt đầu viết lại những suy nghĩ của mình. Đây là những giờ cuối cùng của buổi kiêng ăn.

Tôi không muốn kết thúc trải nghiệm này nhưng tôi biết đã tới lúc. Tối hôm đó tôi kết thúc thời gian kiêng ăn và cầu nguyện tại nhà hàng trong khách sạn tôi ở tại Atlanta. Sáng sớm hôm sau Thánh Linh của Chúa đánh thức tôi dậy và tâm hồn tôi tràn ngập sự ngợi khen cùng với vui mừng. Chúa đến với tôi trong căn phòng đó. Tôi chưa kinh nghiệm điều tương tự như vậy trước đây bao giờ. Ân điển của Ngài tràn ngập trên tôi một cách không thể diễn tả được. Thời gian dường như ngừng lại. Tôi không rõ Chúa và tôi đã trò chuyện bao lâu buổi sáng hôm đó nhưng sự giao thông hòa quyện mà tôi có với Ngài thật tuyệt vời.

Nếu bạn muốn biết tôi kinh nghiệm được điều gì buổi sáng hôm đó thì tôi muốn nói rằng tôi không có nói hoặc cầu nguyện bằng tiếng lạ. Một vài ngày sau tôi mới xác định được điều gì đã xảy đến cho mình trong căn phòng đó. Quyền năng của Chúa bao phủ tôi một cách mới mẻ và cuộc đời cũng như mục vụ của tôi được hoàn toàn biến đổi. Đây thật sự là một trong những thời khắc quan trọng nhất trong đời sống tâm linh của tôi.

Tôi cũng muốn bạn hiểu rằng tôi không nghĩ năng quyền xảy ra buổi sáng hôm đó chỉ là một trải nghiệm bình thường. Tôi thực sự tin rằng Chúa đổ đầy ân sủng trên tôi vì tôi vâng phục Ngài trọn vẹn. Chúa đến gần với những người yếu đuối, tan vỡ và đầu phục Ngài và tôi là người như vậy trong những ngày cuối của buổi kiêng ăn. Ngài nắm giữ tất cả mọi chi tiết trong đời sống tôi vì tôi hoàn toàn đầu phục Chúa, tôi tan vỡ như chưa hề tan vỡ, cơ thể tôi yếu đi vì sụt 11 ký, nhưng tâm linh của tôi trở nên mạnh mẽ và nên một với Đấng Christ. Trong những giây phút cuối cùng của buổi kiêng ăn, tôi thật sự cảm nhận Chúa muốn tôi nói với hội thánh điều Ngài đã làm cho mình. Tôi gửi thư cho toàn hội thánh và khuyến khích họ tham dự buổi nhóm Chúa nhật ngày 4 tháng 6 năm 1995. Tôi tin rằng đây sẽ là một ngày rất đặc biệt trong 125 năm tồn tại của hội thánh chúng tôi. Tôi biết là tôi sẽ giảng về 40 ngày làm thay đổi đời mình.

Vào sáng Chúa Nhật khoảng 10 ngày sau khi tôi kết thúc buổi kiêng ăn cầu nguyện với quyền năng không thể tưởng. Buổi sáng hôm đó, tôi ăn năn tội mình và bộc lộ chính mình với hội thánh, tôi kêu gọi họ sống đúng với Chúa để hội thánh được Phục Hưng.

Giờ thờ phượng của chúng tôi ngày hôm đó kéo dài 2 tiếng rưỡi, không ai nhúc nhích hoặc đi về sớm. Thời gian không có ý nghĩa gì nữa bởi vì Thánh Linh của Chúa đang ở giữa chúng tôi, mỗi người sấp mặt  xuống trước mặt Chúa ngay cả khi tôi chưa kêu gọi. Sự thờ phượng vô cùng mạnh mẽ trước bài giảng và sau lời kêu gọi. Lòng mọi người tan vỡ vào ngày đó. Sự Phục Hưng đến với Hội Thánh Thập Tự ở Springdale, Arkansas. Tôi chưa từng có kinh nghiệm giống như vậy trong những năm làm mục sư. Tôi mời hội thánh quay lại buổi tối hôm đó để xem điều Chúa sẽ làm khi chúng tôi tìm kiếm Ngài.

Khoảng 70% tín hữu quay lại nhà thờ buổi tối hôm đó. Đức Chúa Trời đã hành động một cách rất rõ ràng. Tối hôm đó một lần nữa Đức Thánh Linh hiện diện giữa hội thánh. Chúng tôi được nghe những bài làm chứng về sự phục hưng, tôi chia sẻ đều nhận được từ Chúa trong 40 ngày kiêng ăn và tôi chứng kiến sự tan vỡ trong hội thánh mà tôi chưa từng thấy. Nhiều người đứng lên xưng tội, xin Chúa tha thứ và vỡ lòng ra trước mặt Chúa, những người đã được tha tội bước tới bục giảng để tôi cầu nguyện cho họ.

Đó quả thật là một buổi nhóm lạ lùng, sau 4 giờ nhóm phục hưng Chúa hướng dẫn tôi kết thúc bằng sự ca ngợi thờ phượng chưa từng có trước đây. Đã hơn 10 giờ tối Chúa Nhật nhưng mọi người vẫn còn muốn chia sẻ điều Chúa đã làm cho chúng tôi trong ngày đó.

Chúa đã đến với Hội Thánh Thập Tự ngày 4 tháng 6 năm 1995. Hội thánh của Chúa có một vị mục sư hoàn toàn mới và tôi có một hội thánh hoàn toàn mới mặc dù tôi vẫn ở tại đó. Khi Chúa hiện diện, mọi sự được biến đổi. Nhiều nơi trên thế giới đã nghe và xem phần ghi âm và ghi hình của buổi nhóm ngày hôm đấy tại Hội thánh chúng tôi. Bạn cũng có thể nhận được một bản.1 Đó là ngày danh Chúa được tôn cao!

Tôi nói với mọi người sau khi kiêng ăn 40 ngày rằng Chúa có thể làm nhiều điều hơn là điều chúng ta có thể làm cả đời và tôi tin điều đó. Đời sống và chức vụ của tôi là bằng chứng cho sự hiện hữu của Chúa. Chính tôi cũng nhận nhiều về điều Chúa làm khi tôi vâng phục Chúa. Khi con dân Chúa thuần phục Ngài hoàn toàn thì Chúa sẽ ban vô số cơ hội để kinh nghiệm ân điển của Ngài.

Có thể Chúa sẽ không kêu gọi nhiều người vào sự kiêng ăn cầu nguyện trong 40 ngày nhưng tôi chắc rằng Ngài sẽ kêu gọi chúng ta từng trải sự kiêng ăn cầu nguyện bằng cách này hay cách khác. Sự kêu gọi này phải đến từ Chúa. Làm sao chúng ta biết được điều đó? Bạn sẽ biết. Chúa sẽ bày tỏ điều Ngài muốn bạn làm bằng cách đặt một gánh nặng trong lòng bạn về một vấn đề nào đó và Ngài muốn bạn kiêng ăn cầu nguyện về điều này. Khi Chúa gọi bạn thì bạn sẽ có đủ năng lực để làm.

Xin hãy hiểu rằng tôi không nói kiêng ăn cầu nguyện là điều bạn cần làm để khiến Chúa chú ý. Đức Chúa Trời không phải là con rối và Ngài không ở dưới sự điều khiển của chúng ta. Bên cạnh đó, kiêng ăn cầu nguyện không phải là điều mà người khác có thể kêu bạn làm. Họ có thể mời bạn cầu nguyện xin Chúa có kêu gọi bạn vào sự kiêng ăn cầu nguyện không nhưng bạn phải nhận được sự kêu gọi này từ chính Chúa.

Với tư cách là mục sư quản nhiệm, tôi thường kêu gọi hội thánh cùng với tôi dành thời gian nhất định để kiêng ăn cầu nguyện cho những nhu cầu cụ thể của hội thánh, những chương trình đặc biệt hoặc cầu nguyện cho việc rao giảng Phúc âm. Những lần cầu nguyện này đều liên quan đến từng nhu cầu cụ thể của thân thể Đấng Christ. Mỗi lần như vậy, tôi đều xin hội thánh cầu nguyện để xem Chúa có hướng dẫn họ tham dự ngày cầu nguyện kiêng ăn cho nhu cầu tôi chia sẻ hay không? Tôi khuyến khích các mục sư và lãnh đạo hội thánh hãy làm việc này với hội thánh của mình.

Những năm gần đây chúng tôi kêu gọi hội thánh dự phần trong buổi kiêng ăn cầu nguyện 21 ngày trong tháng 1. Hàng năm điều này được một số người hưởng ứng. Năm trước chúng tôi có truyền hình trực tiếp trên Facebook mỗi buổi sáng để nhiều người có thể xem. Là một mục sư tôi rất phấn khởi khi được Hội thánh hưởng ứng trong sự kiêng ăn và cầu nguyện.

Tôi khuyến khích mọi tín hữu tham gia giờ cầu nguyện kiêng ăn với mục sư của mình nếu ông tin rằng Chúa kêu gọi hội thánh kiêng ăn cầu nguyện cho một mục đích cụ thể. Đức Chúa Trời ban phước cho những người dành thời gian kiêng ăn cầu nguyện. Tôi tin rằng điều này sẽ lay chuyển sức mạnh siêu nhiên của Chúa. Sự kiêng ăn cầu nguyện sẽ đem đời sống cầu nguyện của bạn và hội thánh lên một tầm cao mới.

Sự Kiêng Ăn

Kiêng ăn là nhịn ăn để tập trung vào một mục tiêu thiêng liêng, là từ chối thức ăn, là điều rất tự nhiên mà cơ thể chúng ta cần, nhằm mục đích đến gần với Chúa để xem Ngài hành động một cách siêu nhiên. Sự kiêng ăn cầu nguyện là cánh cửa để dẫn tới sức mạnh siêu nhiên của Chúa.

Sự kiêng cữ này cũng có thể áp dụng cho những điều khác trong đời sống. Hãy nghĩ điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không xem tivi trong một tuần, chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn không xem tin tức hoặc các mạng xã hội trong một tuần, điều gì đang là quan trọng với bạn hãy ngưng một thời gian rồi bạn sẽ thấy Chúa sẽ thực hiện những điều lạ lùng trong đời sống bạn.

Tôi tin vào sức mạnh của sự kiêng ăn bởi vì bạn trở nên khiêm nhường trước Chúa. Kinh Thánh dạy chúng ta phải khiêm nhường: “Hãy hạ mình xuống dưới tay quyền phép của Đức Chúa Trời, hầu cho đến kỳ thuận hiệp Ngài nhắc anh em lên” (1 Phi-e-rơ 5:6). Theo câu Kinh Thánh này bạn phải tự hạ mình trước mặt Chúa.

Chữ hạ mình nghĩa là nằm xuống thấp, nằm dài ra hoặc để mình dưới một điều gì đó. Chữ này nói đến hành động hơn là vị trí trong Kinh Thánh. Sự kiêng ăn và hạ mình trước Chúa có nhiều điểm liên quan với nhau. Vua Đa-vít nói trong Thi Thiên 35:13: “Tôi bèn mặc lấy bao, kiêng ăn ép linh hồn tôi.” Nếu bạn đọc kỹ Kinh Thánh bạn sẽ thấy nhiều mạng lệnh bảo chúng ta phải hạ mình trước mặt Chúa. Chúng ta phải khởi  xướng việc này, tôi tin rằng cách cụ thể nhất để vâng theo mạng lệnh này là kiêng ăn và cầu nguyện.

Khi Ê-xơ-ra dẫn dân lưu đày về Giê-ru-sa-lem, có một sự kiện kỳ lạ xảy ra bên sông A-ha-va. Ê-xơ-ra bảo mọi người dừng lại để cầu xin Đức Chúa Trời bảo vệ chuyến đi của họ:

“Ta truyền kiêng cữ ăn, để chúng hạ mình xuống trước mặt Đức Chúa Trời chúng ta, và cầu xin Ngài chỉ cho biết đường chánh đáng chúng ta…Ấy vậy, chúng ta kiêng cữ ăn và cầu xin Ngài điều ấy; Ngài bèn nhậm lời chúng ta (Ê-xơ-ra 8: 21, 23).

Ê-xơ-ra và dân sự của ông đang ở trong hoàn cảnh khó khăn và ông kêu gọi mọi người kiêng ăn. Vì sao? để dân Chúa hạ mình trước mặt Ngài. Chúa đáp lời họ khi họ kiêng ăn và cầu nguyện về nhu cầu của họ. Đây là một lẽ thật thuộc linh quan trọng! Ê-xơ-ra thấy Chúa làm việc khi dân sự này hạ mình xuống trong sự kiêng ăn cầu nguyện. Tôi cũng thấy Chúa làm việc trong đời sống tôi một cách tương tự.

Kinh Thánh Nói Gì Về Sự Kiêng Ăn?

Sự kiêng ăn diễn ra nhiều lần trong Kinh Thánh qua những câu chuyện chúng ta vừa đọc. Tôi muốn chia sẻ thêm một vài sự kiêng ăn khác trong Thánh Kinh.

Trong sách Cựu Ước dân Do Thái thường kiêng ăn trong ngày lễ quan trọng nhất của năm – Lễ Chuộc Tội.

Họ hiểu rằng việc kiêng ăn chuẩn bị và giúp họ sẵn sàng chờ ngày lễ quan trọng trong đời. Như tôi đã chia sẻ, dân Israel kiêng ăn và nhận được sự bảo vệ và quyền năng của Chúa trên dân sự. Trong Sách 2 Sử Ký 20:3, vua Giê-hô-sa-phát công bố một ngày kiêng ăn trên toàn lãnh thổ để tìm kiếm sự dẫn dắt và bảo vệ của Chúa. Kết quả của sự kiêng ăn này là Chúa giải cứu dân của Ngài. Khi tiên tri Giê-rê-mi biết được tình trạng của thành Giê-ru-sa-lem, ông bước vào sự kiêng ăn (Nê-hê-mi 1:4). Trong lần cầu nguyện kiêng ăn đó, Đức Chúa trời kêu gọi ông quay về thành Giê-ru-sa-lem để xây lại bức tường xung quanh thành phố. Một trong những  cuộc phấn hưng vĩ đại nhất trong lịch sử loài người xảy ra tại thành Ni-ni-ve khi người dân của thành phố này kiêng ăn cầu nguyện (Giô-na 3:5).

Trong thánh kinh Tân Ước, Giăng Báp-tít kiêng ăn cầu nguyện, sứ đồ Phao-lô cũng làm điều tương tự. Sách Công vụ Các Sứ đồ cũng ghi lại việc hội thánh đầu tiên kiêng ăn và cầu nguyện. Ma-thi-ơ 6:17 viết rằng: Chúa Giê-su dạy: “Khi các người kiêng ăn…” Ngài không nói nếu bạn kiêng ăn hoặc nếu bạn muốn kiêng ăn nhưng Ngài nói Khi các con kiêng ăn. Ngài xem sự kiêng ăn quan trọng giống như sự cầu nguyện và sự dâng hiến. Khi Chúa cùng với Phi-e-rơ, Giăng và Gia-cơ đi xuống núi hóa hình, Ngài để ý các môn đồ đang đuổi quỷ ra khỏi một người. Các môn đồ không hiểu tại sao họ không thể đuổi con quỷ này. Chúa Giê-su bảo rằng lòng vô tín chính là trở ngại khiến họ không thể đuổi quỷ được. Nhưng Chúa Giê-su đồng thời cũng khích lệ họ và nói rằng không điều gì Đức Chúa Trời không làm được. (Ma-thi-ơ 17:20).

Chúa nói nếu họ muốn thấy đức tin làm nhiều việc lạ lùng thì họ chỉ có thể nhận được đức tin như vậy qua sự kiêng ăn và cầu nguyện. Đúng vậy, qua sự kiêng ăn 40 ngày của Chúa Giê-su, Ngài chiến thắng ma quỷ và cám dỗ và nhận được sức mạnh từ Đức Thánh Linh.

Kinh Thánh ghi lại nhiều trường hợp kiêng ăn cầu nguyện. Nếu Chúa Giê-su thực hiện điều này thì đó là điều tốt cho bạn và tôi. Nếu Chúa Giê-su biết Ngài cần phải hạ mình trước mặt Cha thì chúng ta cần phải làm tương tự.

Tôi tin rằng một trong những lý do Cơ Đốc nhân ngày nay không coi trọng hoặc bỏ qua sự kiêng ăn là vì công tác của Sa-tan. Hắn biết sức mạnh của việc kiêng ăn và hắn nỗ lực đem sự dạy dỗ này ra khỏi hội thánh và việc làm ấy xem ra rất hiệu quả. Hắn cũng làm cho hội thánh ít tập trung vào việc kiêng ăn bằng cách lấy đi sự quan tâm đến điều cần thiết này.

Ví dụ như thế này, chúng ta có nên nói về việc mình kiêng ăn không? Chúng ta không nên nói trong lúc đang kiêng ăn. Nhưng Chúa Giê- su không cấm nói về việc kiêng ăn sau khi giờ kiêng ăn đã qua, nếu đó là điều Chúa muốn chúng ta làm để cho danh Chúa được vinh hiển. Thử  nghĩ xem nếu Môi-se không nói về điều Chúa phán với ông trong 40 ngày kiêng ăn thì bạn sẽ không biết về Mười Điều Răn.

Sức Mạnh Của Sự Kiêng Ăn

Trong phần lớn của chương này, tôi viết về sức mạnh của sự kiêng ăn. Tôi tin rằng việc kiêng ăn có thể thay đổi hội thánh. Vâng, tôi tin rằng nó có thể thay đổi cả đất nước chúng ta.

Việc kiêng ăn là quan trọng bởi vì bạn bỏ qua sự thèm muốn của xác thịt về thức ăn để đến với Chúa và cầu xin Ngài làm việc cách đặc biệt. Chúa sẽ đổ đầy Thánh Linh Ngài khi chúng ta tìm kiếm Chúa trước khi để ý đến nhu cầu tự nhiên. Hãy nhớ chúng ta cần phải tìm kiếm Chúa, không phải tìm kiếm sự phục hưng hoặc sự kiêng ăn, hoặc quyền năng của Ngài vì chính Chúa là nguồn của những phước hạnh. Các phước hạnh không bao giờ quan trọng hơn Chúa.

Tôi tin rằng việc kiêng ăn có sức mạnh to lớn bởi vì nó có thể phóng thích một người đang bị tội lỗi kìm hãm. Việc kiêng ăn có thể bẻ gãy những xiềng xích tội lỗi. Cá nhân tôi tin rằng những giờ tư vấn hoặc các nhóm hỗ trợ không giúp giải quyết được những sự trói buộc đang xảy ra trong đời sống của nhiều người. Tôi không nói tư vấn hoặc mục vụ hỗ trợ là không quan trọng; nhưng vấn đề ở đây là đa phần tội lỗi hiện diện là do công tác của ma quỷ, nhất là trong những lĩnh vực tâm linh. Vì vậy, mục sư và lãnh đạo Hội thánh cần phải dạy tín hữu kỷ luật tâm linh như là sự cầu nguyện, sự kiêng ăn cũng như là chiến trận thuộc linh trong đời sống của từng người theo Chúa.

Trong những ngày cầu nguyện kiêng ăn lâu ngày, Chúa đã giải phóng tôi khỏi những tội lỗi vướng víu trong đời tôi nhiều năm. Việc kiêng ăn sẽ giúp bạn chú ý đến sự thánh khiết của Chúa và nhận ra sự đồi bại của chính mình. Chúa dùng sự kiêng ăn để bẻ gãy những xích xiềng tội lỗi của cuộc đời tôi và tôi biết Ngài muốn làm như vậy cho cuộc đời bạn. Vì sao? Vì việc kiêng ăn tiếp thêm năng quyền của Chúa cho lời cầu nguyện của bạn!

Khi Nào Bạn Cần Kiêng Ăn Cầu Nguyện?

Tôi tin rằng Chúa muốn bạn kiêng ăn cầu nguyện vào những thời điểm nhất định nào đó. Bạn có ao ước được Chúa đụng chạm một cách mới mẻ hay không? Bạn có ước muốn được Chúa thổi một luồng gió Thánh Linh mới trên hội thánh của bạn hay không? Bạn có muốn chứng kiến Chúa đem lại một cơn phấn hưng để thức tỉnh đất nước của bạn hay không? Nếu bạn trả lời “tôi muốn” cho một câu trong những câu hỏi trên thì đã đến lúc bạn cần phải kiêng ăn cầu nguyện.

Tôi cũng tin rằng ngoài việc kể trên bạn cũng cần kiêng ăn cầu nguyện khi bạn khao khát Chúa thi hành quyền năng siêu phàm của Ngài trong cuộc đời bạn, trong hội thánh và đất nước bạn. Hãy trả lời câu hỏi này một cách trung thực: Bạn có ao ước nhìn thấy Chúa thi thố quyền năng của Ngài trong những lĩnh vực nói trên không? Trong cuộc sống này Đức Chúa Trời sẽ đưa đến những thời điểm mà chúng ta cần Chúa. Sự thay đổi trong cuộc sống cũng đem lại sự khao khát này, bệnh tật tai ương tai nạn là một trong những điều khiến chúng ta thức tỉnh và khao khát Chúa.

Bạn cần phải khao khát Chúa làm việc trong bạn và qua bạn. Sự khao khát Chúa đi kèm với việc kiêng ăn sẽ làm cho Sa-tan yếu sức và sẽ đem lại sự biến đổi cho đời sống tâm linh của bạn.

Một Vài Điều Cần Biết Khi Kiêng Ăn Cầu Nguyện

Sau đây là bốn điều bạn cần nhớ khi kiêng ăn cầu nguyện.

  1. Khám phá kế hoạch của Chúa

Hãy tìm kiếm ý muốn Chúa dành cho bạn trước khi bước vào việc kiêng ăn cầu nguyện. Bởi vì Chúa có một lý do nào đó khi Ngài muốn bạn làm việc này nên hãy cố gắng tìm ra lý do cho dù bạn kiêng ăn dài hay ngắn. 156 | SỰ CẦU NGUYỆN

Hãy nhớ việc kiêng ăn là sự kiêng cữ đi kèm với một mục tiêu tâm linh. Mục tiêu cụ thể của việc kiêng ăn của bạn là gì hãy viết ra những điều mà bạn cảm thấy Chúa muốn bạn cầu nguyện trong thời gian kiêng ăn.

Chẳng hạn như nếu bạn kiêng ăn trong một ngày, hãy xác định 3 đến 4 điều bạn sẽ cầu nguyện trong khoảng thời gian này. Ghi vào một tờ giấy hoặc trong điện thoại của bạn, để nó vào một chỗ quan trọng như trong Kinh Thánh hoặc một chỗ mà bạn có thể nhìn thấy suốt ngày. Hãy nhìn vào danh sách này để cầu nguyện. Hãy lên kế hoạch mỗi khi bạn kiêng ăn cầu nguyện. Nếu bạn kiêng ăn vài ngày, hãy dành thời gian cầu nguyện cho việc này mỗi ngày thậm chí cầu nguyện vài lần trong ngày.

  1. Quyết định thời gian kiêng ăn

Bạn cần xác định mình sẽ kiêng ăn bao lâu trước khi bắt đầu. Chỉ có một vài lần trong kinh nghiệm kiêng ăn của tôi là tôi không biết mình cần kiêng ăn trong bao lâu lúc bắt đầu. Tôi tin rằng mức độ nhu cầu của bạn sẽ giúp bạn quyết định mình kiêng ăn trong bao lâu. Hãy đọc lại câu này và dùng nó để quyết định thời gian kiêng ăn: nhu cầu của bạn sẽ quyết định bạn cần kiêng ăn trong bao lâu.

  1. Dành thời gian cho Chúa

Kiêng ăn mà không rút lui khỏi những sinh hoạt bình thường thì kết quả sẽ bị giới hạn. Tôi không nói đến việc thay đổi hoàn toàn sinh hoạt của mình nhưng bạn cần phải có những thời gian riêng tư dành cho Chúa trong giờ kiêng ăn.

Nếu bình thường bạn tĩnh nguyện với Chúa trong 30 phút thì trong ngày bạn kiêng ăn, hãy dành 60 phút để làm điều này. Bạn cũng có thể biến giờ ăn của mình thành giờ cầu nguyện và nói chuyện với Chúa. Hãy tìm thời gian riêng tư với lời Chúa và không ngừng nói chuyện với Ngài.

  1. Viết nhật ký

Trong lúc kiêng ăn, hãy ghi lại những suy nghĩ của mình trong quyển nhật ký, trong điện thoại hoặc trên mạng. Mỗi lần bạn gặp gỡ Chúa hãy ghi lại những điều Chúa phán với bạn qua lời của Ngài. Việc ghi chép này đem TIẾP SỨC MẠNH CHO LỜI CẦU NGUYỆN | 157

lại một hiệu ứng đặc biệt và sẽ là một tài sản quý báu. Chúa sẽ dùng những ghi chép này để làm mạnh thêm đức tin của bạn khi bạn suy gẫm về điều Chúa làm cho đời sống bạn.

Bạn Chỉ Có 4 Vấn Đề

Tôi tin rằng mỗi Cơ Đốc nhân chỉ có 4 vấn đề trong đời sống. Bạn hỏi chỉ có bốn thôi sao? Vâng, tôi tin rằng bạn chỉ có 4 nan đề trong cuộc sống.

Tôi tin rằng khi Chúa ngự ở trong bạn, Đức Thánh Linh ở cùng với bạn thì bạn trở nên làm một với Chúa Giê-su trong tâm linh. Khi bạn kiêng ăn, tâm linh của bạn sẽ nhận biết tâm linh của Chúa vì Ngài đang ở trong bạn. Tâm linh của bạn cũng trở nên nhạy bén với những nhu cầu xung quanh bạn và sẽ tỉnh thức với một sức mạnh đặc biệt. Bình thường bạn không có trải nghiệm được như vậy. Bốn vấn đề can thiệp vào sự hiệp một với Thánh linh của Chúa là gì?

Bốn vấn đề trong đời sống Cơ Đốc nhân là tâm trí, ý chí, tình cảm và cơ thể của bạn. Tâm trí của bạn có thể đi xa và suy nghĩ đến những điều không thánh khiết. Ý chí của bạn có thể chống lại ý của Chúa. Cảm xúc của bạn trồi sụt theo những thăng trầm trong cuộc đời bạn. Cơ thể của bạn ngày một lụi tàn mặc dù bạn năng nổ tập luyện.

Bạn có bao giờ để ý người nhạc trưởng điều khiển dàn nhạc giao hưởng hay không? Thật là kỳ lạ! Khi ông giơ tay lên để chuẩn bị đánh nhịp thì các nhạc công đồng loạt đưa nhạc cụ của mình vào vị trí. Mặc dầu thành viên của ban nhạc đánh các nốt nhạc và các tiết tấu khác nhau trong lúc đang khởi động nhưng khi người nhạc trưởng nhấc tay lên thì họ lập tức làm theo sự chỉ dẫn của ông.

Khi bạn kiêng ăn, tâm linh của bạn trở nên như một người nhạc trưởng. Tâm linh của bạn kết nối với Chúa một cách siêu nhiên và cần sự tập trung của tâm trí, ý chí, cảm xúc và cơ thể của bạn. Qua trải nghiệm kiêng ăn, tâm trí của bạn trở nên tâm trí của Chúa. Ý chí của bạn trở nên giống như ý Chúa, cảm xúc của bạn phản ánh cảm xúc của Chúa Giê-su. Bạn cảm nhận được điều này. Mặc dù cơ thể của bạn yếu đi vì kiêng ăn, nó lại trở nên mạnh hơn nhờ sức mạnh siêu nhiên của Chúa.

Một hoặc cả bốn vấn đề của bạn có thể được khắc phục qua thời gian kiêng ăn cầu Nguyện. Không có nan đề nào mà Chúa không thể giải quyết. Sự kiêng ăn chắc chắn sẽ đưa đời sống cầu nguyện của bạn lên một tầm cao mới. Hãy thực tập và bạn sẽ trở nên một bài làm chứng về quyền năng siêu phàm của Chúa. Sự kiêng ăn sẽ tiếp thêm sức mạnh của Chúa cho đời sống và lời cầu nguyện của bạn. Bạn có thể đọc thêm thông tin về những tài liệu kiêng ăn cầu nguyện mà tôi có để ở những nhà sách.

Bản Dịch Việt Ngữ: Mục Vụ Cầu Nguyện Phấn Hưng

Thư Viện Tin Lành (2024)
www.thuvientinlanh.org

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top