Cầu Nguyện: Xây Dựng Mối Liên Hệ Mật Thiết Với Chúa – Phần 17
CHƯƠNG 9
CẦU NGUYỆN CHO NHAU
Ngay từ lần đầu gặp bà Helen Graham, tôi nhận biết đây là một người phụ nữ đặc biệt. Trang sức của bà là lòng tin kính Chúa. Mái tóc bạc là vương miện vinh hiển của bà. Ai biết bà Helen cũng đều quý mến bà.
Có nhiều lý do khiến bà Helen Graham là một người đặc biệt. Bà là một tín hữu tại nhà thờ ở Arkansas nơi tôi được Chúa kêu gọi đến phục vụ. Bà yêu mến các thanh niên nên buổi sáng Chúa Nhật, bà dành thời gian học Kinh Thánh với họ. Bà thích thờ phượng nên dự phần trong ca đoàn sáng Chúa Nhật. Lúc nào bà khỏe thì bà cũng có mặt và cầu nguyện ở nhà thờ.
Tôi khoảng 30 tuổi khi tôi nhận sự kêu gọi của Chúa để đến hội thánh khá lớn này. Tôi học tập theo gương một người lãnh đạo tài năng và tin kính Chúa. Ông đã tận hiến 16 năm đời mình để dìu dắt hội thánh tăng trưởng trong tâm linh. Dù phải đối diện với những thách thức mỗi khi có sự chuyển tiếp, Chúa đã nâng đỡ hội thánh này vượt qua một cách rất nhẹ nhàng nhờ những người như bà Helen Graham. Mọi vinh hiển thuộc về Chúa mà thôi.
Bà Helen quý trọng các mục sư, bất kể đó là mục sư nào. Ngày nay, hiếm thấy có người nào kính trọng chức vụ mục sư như bà. Bà có thể làm được điều này bởi vì bà là một chiến sĩ cầu nguyện.
Mỗi lần tôi gặp bà Helen, tôi luôn nhận được sự khích lệ. Bà thường nói là bà luôn cầu nguyện cho tôi. Bà dành những năm tháng cao niên của mình không phải để phê phán nhưng để cầu thay. Bà hay hỏi tôi cần bà cầu nguyện cho vấn đề gì. Sự cầu thay đối với bà không phải là một sự cưỡng ép mà là một nhiệt huyết. Sự vinh hiển của Chúa được chứng kiến qua cuộc đời của người nữ đặc biệt này bởi vì bà trung tín cầu nguyện.
Vào năm 1996, tôi cần phát biểu tại Hội nghị của Giáo Hội Báp-tít Nam Phương ở sân vận động Superdome, New Orleans. Tôi được mời chia sẻ sứ điệp chính trong hội nghị. Tại thời điểm đó, có hàng ngàn người đến tham dự hội đồng thường niên. Tôi cảm biết đây là một nhiệm vụ rất quan trọng. Tôi không muốn chỉ giảng một bài giảng để gây ấn tượng với những mục sư khác. Tôi muốn chia sẻ một sứ điệp từ Chúa–sứ điệp có thể làm lay chuyển hội đồng.
Tôi thật sự cảm biết Chúa muốn tôi kiêng ăn và cầu nguyện trong 40 ngày để chuẩn bị nhận lấy sứ điệp mà Ngài muốn chia sẻ với hội đồng. Tôi thấy trọng trách chuyển tải lời của Chúa đến hội đồng này là một gánh nặng trong lòng tôi. Tại thời điểm đó, Giáo Hội Báp-tít Nam Phương có hơn 40.000 hội thánh và 16 triệu tín hữu. Những người tham dự hội đồng này chủ yếu là các mục sư, các nhân sự Hội Thánh, cùng với ban lãnh đạo. Mục sư nào cũng mong muốn có cơ hội được giảng cho một sự kiện như thế này.
Chúa đã làm việc trên tôi một cách đặc biệt trong 40 ngày kiêng ăn cầu nguyện. Tôi nhận được sứ điệp mà Chúa muốn gửi đến cho các sứ giả tại hội đồng. Chúa đã hiện diện giữa hội đồng trong lúc tôi giảng vào sáng thứ tư hôm đó. Tôi thật lòng chia sẻ với các bạn là việc xảy ra không phải là nhờ tôi mà đó là việc Chúa làm qua lời cầu nguyện của dân sự Ngài. Tôi cảm nhận được sự hướng dẫn của Chúa để đưa ra lời kêu gọi cuối bài giảng nhằm khuyến khích các Cơ Đốc nhân và các hội thánh dành thời gian gặp gỡ Chúa qua sự cầu nguyện và kiêng ăn, nhằm mục đích đem lại sự phấn hưng trong hội thánh và trong quốc gia.
Số người hưởng ứng vượt quá sự tưởng tượng của tôi. Nhiều đời sống được thay đổi. Một số hội thánh được biến đổi thực sự qua những bài làm chứng mà tôi nghe được nhiều năm sau đó. Chúa đã làm vượt quá điều tôi cầu xin. Đó thực sự là Chúa làm.
Tại sao việc này có thể xảy ra? Trước hội đồng này, một vài tín hữu trong hội thánh của tôi đã cam kết kiêng ăn cầu nguyện cho sứ điệp ngày hôm đó và lúc tôi đang giảng ở New Orleans thì tại Hội Thánh nhà, các tín hữu dâng lời cầu nguyện tha thiết nài xin Chúa ban phước cho bài giảng tại hội đồng. Nhiều người lãnh đạo trong hội thánh đã cùng nhau họp lại và cầu thay cho tôi và bài giảng. Tôi tạ ơn Chúa vì những người trong mục vụ cầu thay đã dốc lòng cầu nguyện cho tôi.
Vào buổi sáng đặc biệt đó, bà Helen Graham đã góp phần trong giờ cầu thay và bà là người cầu nguyện cuối cùng. Khi quay trở lại chỗ ngồi trong phòng thờ phượng bà bị đột quỵ và Chúa tiếp bà về với Ngài.
Đây quả thật là một tấm gương tuyệt vời. Bà Helen đã dành những năm cuối đời của mình cho mục vụ cầu thay. Trong những giây phút cuối cùng bà đã cầu nguyện để Chúa hành động giữa hội đồng tại New Orleans. Bà đã dành cuộc đời mình cho Chúa và cầu thay cho người khác.
Bà Helen Graham biết cách cầu thay. Bà biết phải cầu nguyện cho tôi như thế nào. Bà biết phải bền đỗ trong sự cầu thay và không chỉ thỏa lòng khi cầu xin về những nhu cầu của mình nhưng bước vào một sự cầu nguyện sâu nhiệm hơn–cầu thay cho người khác. Nếu bạn muốn kinh nghiệm một đời sống cầu nguyện sâu đậm, bạn cần phải học cách cầu thay cho người khác.
Cầu Thay Là Gì?
Sự cầu thay có thể không có ý nghĩa quan trọng gì với bạn nhưng điều này rất quan trọng với đời sống một Cơ Đốc nhân. Tôi tin rằng một trong những sự kêu gọi cao cả nhất của một Cơ Đốc nhân là sự kêu gọi bước vào mục vụ cầu thay. Bất cứ Cơ Đốc nhân trưởng thành nào cũng nhận được sự kêu gọi này.
Khi bạn cầu thay cho người khác, bạn cầu xin Chúa thay mặt một người hoặc một nhóm người đang ở trong hoàn cảnh khó khăn. Bạn đến với Chúa trong tinh thần trang nghiêm và cầu nguyện cho những người đang cần sự cầu thay. Người cầu thay sẽ cầu xin Chúa đáp ứng nhu cầu của người được cầu thay. Như vậy trung tâm của sự cầu thay là người khác chứ không phải bản thân mình. Người cầu thay đứng giữa Đức Chúa Trời và người đang có nhu cầu.
Cơ Đốc nhân ngày nay không còn nghe nhiều về sự cầu thay bởi vì họ chịu ảnh hưởng của nền văn hóa đang lan tràn trong hội thánh ngày nay, đó là xu hướng chú trọng về bản thân. Hầu hết các hội thánh không còn dạy về sự cầu thay nữa. Tín hữu chỉ muốn người khác cầu thay cho mình, đáp ứng nhu cầu của mình, dạy dỗ mình, xin Chúa đụng chạm mình. Trọng tâm thường là bản thân và những điều bản thân quan tâm. Văn hóa Cơ Đốc chỉ biết chú trọng vào bản thân là điều rất khác biệt với điều Chúa dạy.
Người Cầu Thay
Người cầu thay là một tín hữu cầu nguyện cho người khác. Bạn trở thành một người cầu thay khi Đức Thánh Linh đặt trong lòng bạn một người cần cầu nguyện và bạn hưởng ứng bằng cách cầu nguyện cho người đó. Người tín hữu trưởng thành sẽ là một người cầu thay. Khi đức tin bạn tăng trưởng thì Đức Thánh Linh sẽ để trong lòng bạn những người bạn cần cầu thay.
Bạn có phải là một người cầu thay không? Bạn xin Đức Thánh Linh để trong lòng bạn những người bạn có thể cầu thay cho họ không? Làm cha mẹ, bạn có thể cầu nguyện cho con mình? Là ông bà, bạn có thể cầu nguyện cho con cháu của mình, nếu có gia đình, bạn có thể cầu nguyện cho người phối ngẫu, làm một Cơ Đốc nhân, bạn có thể cầu nguyện cho Hội Thánh địa phương và công việc của Chúa trên toàn thế giới, bạn cũng có thể cầu nguyện cho đất nước của bạn.
Nếu một người bạn, một thành viên gia đình, một người lãnh đạo Hội Thánh, một nhà thờ, một lãnh đạo quốc gia hoặc là đất nước bạn đang sống có hành vi sai trái thì điều này không có nghĩa là bạn không cần phải cầu thay. Mỗi Cơ Đốc nhân trưởng thành sẽ trở nên một người cầu thay bằng cách trung tín cầu nguyện cho người khác.
Hai Suy Nghĩ
Cầu thay cho người khác đánh dấu những cột mốc quan trọng trong đời sống một Cơ Đốc nhân. Có nhiều cách để một tín hữu cầu thay cho người khác. Bất cứ người nào muốn trở nên một người cầu thay hiệu quả cần phải nắm rõ hai điều này.
Cầu nguyện cụ thể
Nếu làm cha mẹ, có bao giờ con bạn đến hỏi: “Ba mẹ có thể đáp ứng nhu cầu của con không?” Có lẽ là không bởi vì như vậy bạn sẽ phải nặn óc suy nghĩ không biết chúng cần bạn làm gì. Trẻ con thường nói với ba mẹ điều chúng cần để ba mẹ không phải đoán.
Khi bạn cầu nguyện cho người khác, bạn cần phải cầu nguyện cách cụ thể. Bạn cần phải biết nan đề của họ là gì để có thể cầu thay một cách hiệu quả. Bạn không thể cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp người này, xin ban phước cho người này. Lời cầu nguyện đại khái như vậy không đem lại kết quả.
Mục vụ cầu thay của hội thánh chúng tôi đã trải qua nhiều sự thay đổi, hiện nay chúng tôi có khoảng hơn 3.000 người cam kết cầu nguyện hàng tuần cho hội thánh trong 30 phút. Tên của mục vụ này là Cross Church Circle. Những người tham dự hết lòng cầu nguyện cho 5 đến 6 điều cụ thể do đích thân tôi nêu lên hàng tháng.
Mặc dù Hội Thánh chúng tôi có nhiều địa điểm khác nhau và hàng ngàn tín hữu tham dự trong gần mười buổi nhóm thờ phượng, tôi không bàn giao việc cầu thay cho người khác, một hội thánh cầu nguyện phải có một mục sư quản nhiệm cầu nguyện.
Vào đầu những năm 1990, Hội Thánh chúng tôi có mục vụ cầu thay mang tên Các Chiến Sĩ Trên Tường. Lúc đó chưa có sự xuất hiện của các thiết bị kỹ thuật hiện đại như chúng ta thấy ngày nay.
Khi chúng tôi còn mục vụ cầu thay Các Chiến Sĩ Trên Tường, chúng tôi phân công người cầu thay theo từng giờ và gọi điện cho người có tên ở trên bức tường cầu nguyện. Trong nhiều năm liền, tôi gọi điện cho cùng một người trong Hội Thánh mỗi buổi sáng Chúa Nhật lúc 6 giờ sáng. Khi tôi mời ông cầu nguyện cho Hội Thánh, ông thường hỏi tôi: “Tuần này chúng ta có nhu cầu gì vậy mục sư?” Ông Billy Ussery hiểu rằng mình phải cầu nguyện cách cụ thể. Ông muốn cầu nguyện cho những nhu cầu của tôi qua mục vụ cầu thay của Hội Thánh cũng như mỗi ngày trong tuần.
Cầu nguyện một cách cụ thể là một điều quan trọng khi bạn cầu thay cho người khác.
Điều quan trọng thứ hai cần thiết cho sự cầu thay là…
Cầu nguyện theo lời Kinh Thánh
Khi cầu thay, một trong những cách hiệu quả nhất là cầu nguyện theo phân đoạn Kinh Thánh thích hợp cho hoàn cảnh của người được cầu thay. Hãy cầu nguyện theo ý muốn Chúa dành cho đời sống của người đó qua lời Kinh Thánh. Chúng ta có thể biết ý Chúa. Hãy cầu nguyện cho người khác bằng cách cầu nguyện theo điều Chúa bày tỏ trong lời của Ngài.
Trong khi cầu nguyện, hãy đem lời Chúa vào đời sống của người khác.
Hãy cầu xin Chúa ban cho bạn một câu Kinh Thánh nền tảng khi cầu thay. Bạn cũng có thể hỏi người kia về một câu Kinh Thánh mà bạn có thể dùng để cầu nguyện cho họ. Hãy dùng lời Kinh Thánh trong sự cầu thay của mình.
Trong mục vụ cầu thay tại Hội Thánh chúng tôi, tôi thường gửi thư hàng tháng cho những người tham dự. Trong đó, tôi để một câu Kinh Thánh để mọi người có thể hòa lòng cầu nguyện cho Hội Thánh một cách cụ thể. Ngoài ra, với tư cách là Giám đốc Điều hành Ngày Cầu nguyện Quốc gia, mỗi tháng tôi gửi ra ba điều mỗi tín hữu có thể cầu nguyện cho đất nước của mình. Trong thư này tôi cũng làm đều tương tự, tôi chọn một câu Kinh Thánh làm nền tảng để mọi người có thể cầu thay cho đất nước, như vậy chúng ta sẽ cầu nguyện theo lời Kinh Thánh.
Làm sao dùng lời Chúa trong lúc cầu thay cho người khác. Tôi sẽ hướng dẫn bạn cách làm điều này.
Cầu Nguyện Cho Nhau
Bạn có thể học được nhiều điều qua lời cầu nguyện của người khác. Khi sứ đồ Phao-lô nói về điều ông cầu nguyện cho Hội Thánh Cô-lô-se, ông cho chúng ta một ví dụ về cách cầu nguyện cho nhau.
Sách Cô-lô-se chương 1:9-12 ghi lại lời cầu nguyện của sứ đồ Phao-lô:
Cho nên, chúng tôi cũng vậy, từ ngày nhận được tin đó, cứ cầu nguyện cho anh em không thôi, và xin Đức Chúa Trời ban cho anh em được đầy dẫy sự hiểu biết về ý muốn của Ngài, với mọi thứ khôn ngoan và hiểu biết thiêng liêng nữa, hầu cho anh em ăn ở cách xứng đáng với Chúa, đặng đẹp lòng Ngài mọi đường, nẩy ra đủ các việc lành, càng thêm lên trong sự hiểu biết Đức Chúa Trời, nhờ quyền phép vinh hiển Ngài, được có sức mạnh mọi bề, để nhịn nhục vui vẻ mà chịu mọi sự. Hãy tạ ơn Đức Chúa Cha, Ngài đã khiến anh em có thể dự phần cơ nghiệp của các thánh trong sự sáng láng.
Lời cầu nguyện này minh họa ba cách để chúng ta có thể cầu nguyện cho nhau một cách cụ thể và theo lời Kinh Thánh.
- Đầy dẫy sự hiểu biết về ý muốn của Chúa
Phao-lô cầu nguyện là các tín đồ ở Hội Thánh Cô-lô-se được đầy dẫy sự hiểu biết ý muốn của Chúa (câu 9). Tại sao điều này quan trọng?
Trong thời điểm này xuất hiện có một tà giáo gọi là thuyết ngộ đạo. Thuyết này chống lại Chúa Cứu Thế và dạy rằng con người có thể biết nhiều hơn về Chúa và sẽ được cứu rỗi nhờ vào sự hiểu biết đặc biệt. Phao-lô cầu nguyện là những người này biết về Chúa nhiều hơn thay vì tìm kiếm những những kiến thức cao siêu.
Nan đề Hội Thánh Cô-lô-se gặp phải cũng tương tự như nan đề của nhiều Hội Thánh trong nhà thờ hiện đại ở Mỹ. Có thời điểm, kiến thức về Kinh Thánh được xem như thước đo tâm linh. Điều này đưa đến sự kiêu ngạo vì người ta tôn sùng kiến thức. Vì vậy, cầu nguyện để các tín hữu được đầy dẫy hiểu biết về ý muốn Chúa là một điều quan trọng.
Đức Thánh Linh có thể ban cho chúng ta sự khôn ngoan thiêng liêng. Sứ đồ Phao-lô cầu nguyện để các tín hữu được đầy dẫy sự hiểu biết ý Chúa cùng với mọi sự khôn ngoan và hiểu biết thiêng liêng (câu 9). Người có sự khôn ngoan thiêng liêng là người nhìn thấy hoàn cảnh trong cái nhìn của Chúa và nhờ cậy vào sự hiểu biết ý Chúa. Để có được sự khôn ngoan thiêng liêng bạn cần phải biết lời Chúa và áp dụng để lời Chúa dạy vào hoàn cảnh cuộc sống của mình.
Sự khôn khoan thiêng liêng phải đi kèm với sự hiểu biết. Một người có sự khôn ngoan thiêng liêng và sự hiểu biết sẽ dùng những thông tin mình có để đưa ra những quyết định khôn ngoan. Quyết định khôn ngoan phải có yếu tố biết ý Chúa, chứ không theo ý loài người. Đó là lý do quyết định một cách nhanh chóng thường không phải là khôn ngoan.
Hãy dành thời gian để tìm hiểu thông tin về những gì đang diễn ra. Sự hiểu biết lời Chúa sẽ đưa bạn đến ý muốn Chúa. Đừng cố gắng tìm kiếm tri thức của loài người nhưng hãy tìm biết ý muốn Chúa. Hãy theo đuổi ý muốn của Chúa và sự khôn ngoan thiêng liêng.
Khi bạn có cơ hội cầu nguyện cho người khác, hãy cầu nguyện để họ được sự khôn ngoan để biết ý Chúa. Hãy cầu nguyện để họ khám phá ý Chúa trong Kinh Thánh. Hãy cầu nguyện để họ nhìn thấy hoàn cảnh theo cách Chúa nhìn. Cầu nguyện để họ có sự khôn ngoan và sự hiểu biết thiêng liêng. Hãy cầu nguyện để họ biết được những điều cần thiết về hoàn cảnh của họ và khám phá ý muốn của Chúa cho đời sống họ.
Khi bạn cầu nguyện cho người phối ngẫu, cho con cái, bạn bè, Hội Thánh, mục sư và đất nước của mình, hãy cầu nguyện để họ được đầy dẫy ý muốn Chúa.
- Đi trong đường lối Chúa
Khi bạn cầu nguyện cho người khác, hãy cầu nguyện để họ đi trong đường lối Chúa. Cách họ bước đi trong đường lối Chúa chính là bài làm chứng của họ. Nếu họ không ăn ở phải lẽ thì họ không thể làm chứng về sự liêm chính của đời sống mình. Trong lời cầu nguyện cho những tín hữu ở Cô-lô-se, Phao-lô cầu nguyện để họ bước đi một cách chính trực. Chúng ta cần phải cầu nguyện để người khác bước đi như thế nào với Chúa?
Ăn Ở Một Cách Xứng Đáng
Phao-lô cầu nguyện để các tín hữu Cô-lô-se sống một cách xứng đáng với Chúa (câu 10). Cách duy nhất để ăn ở cách xứng đáng với Chúa là làm theo lời dạy của Phúc âm với mục tiêu làm vui lòng Chúa.
Chúng ta không nên cầu nguyện, Lạy Chúa xin giúp người này làm được điều họ muốn, hoặc Lạy Chúa xin giúp người này thỏa mãn với cuộc sống. Lời cầu nguyện như vậy không quy vinh hiển cho Chúa. Thay vào đó, hãy cầu nguyện rằng, Lạy Chúa xin giúp người này ăn ở cách xứng đáng với Chúa và làm vui lòng Chúa trong mọi mặt. Mục tiêu của chúng ta không phải là làm vừa lòng con người nhưng làm vui lòng Chúa trong mọi sự và sống một đời sống xứng đáng với Chúa.
Khi bạn cầu nguyện cho người khác, hãy cầu nguyện để họ sống cách xứng đáng với Chúa và thể hiện Phúc âm trong đời sống của họ. Hãy cầu nguyện để họ làm vui lòng Chúa mọi lúc mọi nơi. Chúng ta cũng cầu nguyện để người khác bước đi trong đường lối Chúa và thể hiện điều đó qua việc…
Sanh Bông Trái
Phao-lô cầu nguyện để các tín hữu tại Hội Thánh Cô-lô-se sản sinh mọi việc lành (câu 10). Đây là những bông trái sanh ra từ hạt giống Tin lành mà bạn nhận được khi được cứu. Hạt giống này cũng chính là Đức Thánh Linh.
Bạn sanh bông trái từ hạt giống cứu rỗi bằng cách sống một đời sống thánh khiết bạn có thể sống kết quả bằng cách bày tỏ nếp sống Chúa muốn cho người khác hoặc đem họ tới niềm tin nơi Chúa Giê-su. Chúa không chỉ muốn bạn trung tín, Ngài muốn bạn sống kết quả. Một người theo Chúa trung tín sẽ có đời sống kết quả.
Khi bạn cầu nguyện cho người khác sống xứng đáng với Chúa, hãy cầu nguyện để họ được…
Trưởng Thành
Phao-lô cầu nguyện để các tín hữu Hội Thánh Cô-lô-se được tăng lên trong sự hiểu biết Chúa (câu 10). Cách duy nhất để bạn biết Chúa là trau dồi sự hiểu biết về Chúa được bày tỏ trong lời Ngài. Qua việc nói chuyện và lắng nghe tiếng Chúa mỗi ngày, chúng ta có thể biết Chúa một cách sâu đậm hơn. Đây chính là quá trình trưởng thành trong Chúa.
Bạn có đang trưởng thành trong Chúa không? Có sâu nhiệm trong Chúa hơn cách đây một tháng hay một năm không? Biết Chúa thật sự không phải chỉ là biết những dữ kiện về Chúa mà là thể hiện trong đời sống mình những điều Chúa phán trong lời của Ngài.
Khi bạn cầu nguyện cho người nào đó bước đi trong đường lối Chúa, hãy cầu nguyện để họ bước đi như người trưởng thành. Hãy cầu nguyện để họ sống áp dụng lời Chúa và đức tin ngày càng mạnh mẽ.
Ông Bert Miller hầu việc Chúa với tôi trong ban nhân sự của Hội Thánh trong vài năm. Khi về hưu, ông tham gia vào ban quản trị của Hội Thánh. Trước đây ông Bert là một thương nhân. Ông đã dùng những năm tháng còn lại của cuộc đời mình để hầu việc Chúa trọn thời gian và Chúa đã sử dụng ông một cách tuyệt vời. Với tấm lòng phục vụ, ông đã giúp gây dựng ban nhân sự của Hội Thánh; bên cạnh đó Chúa cũng dùng ông để giám sát công trình xây dựng nhiều cơ sở của Hội Thánh chúng tôi trong đó có toàn bộ cơ sở ở khu vực Pinnacle Hills.
Bert và vợ của ông là bà Wanda đã dốc lòng cầu nguyện cho tôi trong nhiều năm. Tôi rất mực yêu quý hai vợ chồng này. Họ là một phần quan trọng trong cuộc đời tôi. Trong 30 năm nếu tôi để tên ông Bert vào trong phân đoạn Kinh Thánh Cô-lô-se 1:9-11 thì nó sẽ như thế này:
Lạy Chúa, con cảm ơn Ngài và ca ngợi Ngài vì đời sống của anh Bert. Con cầu nguyện để anh được khỏe và được đầy dẫy ý muốn Ngài. Con cầu nguyện để anh có thể nghe được điều Chúa muốn phán với anh chứ không chỉ điều người khác nói. Con cầu nguyện để khát vọng lớn nhất trong đời anh là biết về Chúa và được trưởng thành trong Ngài. Xin Chúa hãy tiếp tục đưa anh Bert đến gần với lời Chúa. Xin Chúa đưa anh đến gần với lời Ngài. Xin Chúa giúp anh có những quyết định cho đời sống gia đình và Hội Thánh dựa theo ý muốn của Ngài. Con cầu nguyện để anh có thể áp dụng lời Chúa trong đời sống mình. Xin hãy bày tỏ ý muốn Ngài cho anh. Xin giúp vợ anh là Wanda nhìn thấy anh là một người bước đi trong Chúa. Nguyện những người trong gia đình của anh thấy anh là một người tin kính Chúa. Con cầu nguyện để anh bước đi cách xứng đáng, sanh ra bông trái và trưởng thành trong Ngài, xin giúp anh khao khát Chúa qua quyền năng của Ngài. Trong danh Chúa Giê-su Christ con cầu xin những điều này cho anh Bert bạn của con. A-men.
Khi bạn cầu nguyện cho người khác giống như vậy, bạn sẽ thấy mừng rỡ khi Chúa làm cho người này trưởng thành và đức tin của họ được lớn lên. Đây chính là sức mạnh và kết quả của lời cầu thay – Chúa dạy chúng ta cầu nguyện để người khác được đầy dẫy ý Chúa, sống theo lời Chúa dạy và…
- Nhận được năng quyền từ Chúa
Phao-lô cầu nguyện để các tín hữu ở Cô-lô-se “nhờ quyền phép vinh hiển Ngài, được có sức mạnh mọi bề.” Khi bạn cầu nguyện cho người khác, hãy cầu nguyện để họ được mạnh mẽ trong sức Chúa, để họ kinh nghiệm được quyền năng của Chúa trong đời sống họ. Bạn cầu nguyện cho họ có sức của Chúa để họ có thể…
Đứng Vững
Trong câu 11, Phao-lô cầu nguyện để các tín hữu Cô-lô-se được đứng vững. Khi bạn cầu nguyện để người khác được đứng vững bạn đang cầu nguyện để họ giữ sự trung tín. Điều này có nghĩa là Chúa ban thêm sức để họ có thể chịu đựng trong nghịch cảnh. Dẫu họ đang ở trong hoàn cảnh nào thì Chúa sẽ ban thêm sức để họ vượt qua được. Chúa muốn họ được mạnh dạn bởi sức của Chúa để họ đứng vững và…
Kiên Nhẫn
Bên cạnh lòng trung tín, Phao-lô cũng cầu nguyện để các tín hữu Hội Thánh Cô-lô-se có lòng nhẫn nại (c. 11). Một người chỉ có thể kiên nhẫn khi họ nhận được sức từ Chúa. Khi người mà đang bạn đang cầu thay cho đang chịu đựng một sự bất công thì người này cần phải kiềm chế sự nóng giận của mình. Đây là ý nghĩa của sự kiên nhẫn. Người đó có thể kìm nén cơn giận của mình khi phải đối diện với những thách thức của cuộc đời. Khi bạn cầu nguyện cho một người được kiên nhẫn, bạn cầu nguyện để người đó không có ý định trả thù cho dù người khác đã làm bất cứ điều gì đối với anh ta.
Hãy cầu nguyện cho người khác có lòng kiên nhẫn. Không thể có lòng kiên nhẫn nếu không có sự giúp sức của Chúa. Chúa dạy bạn cầu nguyện cho người khác được mạnh lên bởi sức Chúa, để họ đứng vững, kiên nhẫn và…
Biết Ơn Chúa
Phao-lô cầu nguyện để các tín hữu Cô-lô-se tạ ơn Đức Chúa Cha (câu 21-12). Quyền năng của Chúa sẽ giúp bạn sống biết ơn. Là một người con của Chúa, chúng ta tôn kính và biết ơn vì Chúa Giê-su đã hy sinh trên thập giá để chúng ta được làm hòa và sống đời đời với Đức Chúa Trời.
Một trong những điều thế hệ Cơ Đốc nhân ngày nay thiếu đó là lòng biết ơn. Khắp nơi trong gia đình, hội thánh và đất nước, chúng ta thấy tư tưởng đòi người khác phục vụ. Khi người ta nghĩ rằng họ được quyền có những điều này điều kia thì họ sẽ trở nên vô ơn. Quyền năng của Chúa khiến Cơ Đốc nhân vượt qua khỏi sự lừa dối này và giúp họ sống biết ơn.
Khi bạn có dịp cầu thay cho người khác. Hãy cầu nguyện để họ đứng vững, kiên nhẫn và đầy lòng biết ơn.
Trong phần đầu của chương này tôi có nói về hai người bạn tốt là Bert và Wanda. Cách đây khoảng hơn 2 năm, con trai của họ qua đời trong một tai nạn thảm khốc. Craig là chồng và cha của ba đứa con. Anh là bạn thân của tôi, một người giảng Tin lành, là người khao khát đem người khác đến với Chúa.
Tôi muốn minh họa điều tôi muốn cầu nguyện cho Bert và Wanda.
Lạy Chúa, xin hãy giúp Bert và Wanda tiếp tục sống bày tỏ với thế giới biết rằng Chúa có quyền năng.
Xin Chúa giúp họ biết rằng Chúa đến gần với những người yếu đuối, rằng Ngài đang ở cùng họ. Sự ra đi của Craig thật không có gì diễn tả được nhưng xin Chúa giúp họ đứng vững trong sự đau đớn này. Xin hãy ban thêm sức cho Bert và Wanda. Xin giúp họ có lòng kiên nhẫn và trung tín. Xin giúp họ nhẫn nại giữa tất cả những sự việc đang xảy ra trong cuộc đời. Xin giúp họ tiếp tục phản chiếu Chúa Giê-su. Xin hãy giúp họ nhớ lại trước đây họ là tội nhân nhưng bây giờ là thánh nhân của Chúa. Xin hãy ban cho họ một tấm lòng biết ơn sâu sắc để họ luôn cảm ơn Chúa về những điều Ngài làm cho họ trong danh Chúa Giê-su. A-men.
Để đúc kết, khi bạn cầu thay cho người khác, hãy cầu nguyện cách cụ thể và theo lời Chúa. Hãy cầu nguyện để họ được biết ý muốn của Chúa, sống theo đường lối Chúa và được mạnh dạn bởi sức của Chúa.
Bạn có mở lòng ra để Thánh Linh mời bạn cầu thay cho người khác không? Bạn sẽ mở tai để nghe Ngài phán về tầm quan trọng của việc cầu thay cho người khác không? Bạn có lắng nghe Ngài chỉ cho bạn người nào cần bạn cầu thay không? Bạn có sẵn sàng để cầu nguyện cho người khác một cách cụ thể và theo lời Chúa không? Hãy tiếp nhận lời kêu gọi trở nên một người cầu thay. Không có trải nghiệm nào quý báu hơn là khi được Chúa hướng dẫn cầu thay cho người khác.
Ai Sẽ Đứng Lên?
Mở đầu chương này tôi có nói về một người nữ của Chúa, người đã cầu thay cho tôi tên là Helen Graham. Tôi thường tự hỏi ai là người đang cầu nguyện cho tôi giống như bà Helen đã làm nhiều năm trước đây. Trong ý tốt lành và toàn năng của Chúa, tôi biết những người tiếp tục mục vụ cầu thay của bà. Tôi biết ơn hết thảy những người này. Nguyện xin Chúa mở rộng bờ cõi của họ. Tôi hết sức cần sự cầu nguyện của họ. Hội Thánh của chúng tôi cũng vậy.
Ai sẽ đứng lên nhận lời kêu gọi? Bạn sẽ đứng lên vì bạn của mình, vì mục sư hội thánh, vì gia đình, vì đất nước mà cầu thay không? Bạn sẽ đứng lên để lấp vào những chỗ trống không?
Đức Chúa Trời bão Ê-xê-chi-ên trong sách Ê-xê-chi-ên đoạn 22 rằng Ngài tìm trong cả xứ một người có thể đứng vào chỗ trống trong dân sự nhưng Ngài không tìm được một người sẵn lòng. Tôi hy vọng Chúa không nói như vậy về bạn và tôi khi Ngài cần có người cầu thay cho gia đình, cho bạn hữu, cho hội thánh và cho đất nước chúng ta.
Chúng ta cần có những người tín hữu cầu nguyện. Chúng ta cần phải là những Cơ Đốc nhân cầu thay cho người khác và trải nghiệm được sự kêu gọi thiêng liêng này.
Hãy nhận lấy sự kêu gọi để trở nên một người cầu thay. Sự cầu thay cho người khác sẽ đem đời sống cầu nguyện của bạn lên một tầm cao hơn.
Bản Dịch Việt Ngữ: Mục Vụ Cầu Nguyện Phấn Hưng
Thư Viện Tin Lành (2024)
www.thuvientinlanh.org