Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Kiến Thức » Cầu Nguyện: Xây Dựng Mối Liên Hệ Mật Thiết Với Chúa – Phần 16

Cầu Nguyện: Xây Dựng Mối Liên Hệ Mật Thiết Với Chúa – Phần 16

CHƯƠNG 8

CẦU NGUYỆN CHO ĐẾN CÙNG

Đức Chúa Trời đặt để trong lòng tôi trong những năm học đại học một sự khao khát cầu nguyện. Tôi làm quen với nhiều người và bắt đầu nghe những đầy tớ Chúa giảng về sự cầu nguyện, là đề tài mà tôi chưa bao giờ được nghe trước đó.

Tôi lớn lên trong một hội thánh nhỏ ở tiểu bang Texas, hàng tuần có khoảng 30 đến 40 người nhóm lại, thỉnh thoảng tới 50 người. Các mục sư quản nhiệm hội thánh khi tôi lớn lên đều phải đi làm thêm. Lớn lên trong hội thánh như vậy có nhiều giới hạn nhưng đó là chương trình Chúa dành cho tôi mặc dù lúc đó tôi không biết, thậm chí ngay bây giờ cũng không hiểu hết.

Ba mẹ tôi dạy phải quý mến hội thánh và những vị mục sư. Khi nhà thờ mở cửa thì chúng tôi có mặt. Nhà thờ có sự kiện gì chúng tôi cũng có mặt. Hội thánh là điều đầu tiên và quan trọng nhất trong gia đình chúng tôi. Mỗi thứ tư hàng tuần chúng tôi đến nhà thờ để nhóm cầu nguyện. Đúng vậy, mỗi một thứ tư chúng tôi đều hiện diện, gia đình chúng tôi từ nhỏ đến lớn đều tham dự giờ cầu nguyện ngoại trừ em út chưa đi học.

Tôi nghe những chữ cầu nguyện cho đến khi được trả lời trong những giờ cầu nguyện tối thứ tư, nhưng cho đến khi học đại học và đại chủng viện được nghe các mục sư giảng về những chữ này thì tôi mới hiểu rõ.

Cầu nguyện cho tới cùng nghĩa là kiên trì cầu nguyện cho đến khi chúng ta thấy được dấu hiệu và lời cầu nguyện được trả lời. Câu trả lời có thể là được hoặc không, hoặc chờ đợi nhưng chúng ta phải cầu nguyện cho đến khi biết được ý Chúa.

Khi tôi ngẫm nghĩ lại cuộc đời của mình cùng với những trải nghiệm trong mấy chục năm qua, tôi mới hiểu thấu những chữ này. Hơn bao giờ hết, tôi kinh nghiệm việc nhờ cậy Chúa và cầu xin về vô số các vấn đề trong những năm tôi làm quản nhiệm hội thánh, nuôi dạy con cái, hướng dẫn nhiều chương trình khác nhau, là Chủ tịch của Giáo Hội Báp-tít Nam Phương và bây giờ là Giám đốc Ngày Cầu nguyện Quốc gia. Thật sự mà nói, tôi đã học rất nhiều điều trong cuộc sống và trong mục vụ nhờ vào nguyên tắc cầu nguyện cho tới khi nhận được trả lời mà hội thánh nhỏ của tôi và những năm học đại học đã dạy tôi. Tôi không biết mình sẽ ra sao nếu tôi không học được sức mạnh của việc cầu nguyện cho đến khi được Chúa trả lời.

Cầu nguyện cho tới khi được trả lời nghĩa là gì? Tôi hy vọng chương này sẽ giúp bạn hiểu trọn ý nghĩa của nguyên tắc này. Chúng ta cần phải học đi học lại điều này. Chúng ta không thể bước đi với Chúa hiệu quả và mạnh mẽ nếu không biết ý nghĩa của việc cầu nguyện cho tới khi được trả lời.

Tôi Cần Phải Cầu Nguyện Bao Lâu?

Nhiều người thường hỏi tôi câu này: “Mục sư Ronnie ơi, tôi phải cầu nguyện cho điều này trong bao lâu? Tôi nghĩ rằng không có một tín hữu nào trên thế giới chưa từng hỏi câu này trong đời: “Tôi phải cầu nguyện cho việc này bao lâu?” Nhiều năm trước một số người dạy rằng nếu bạn có đủ đức tin thì bạn chỉ cần trình cho Chúa nan đề của mình một lần mà thôi. Ngoài ra họ còn dạy rằng nếu bạn nói với Chúa về một vấn đề nào đó hơn một lần thì bạn đang nghi ngờ Chúa bạn không có đức tin mà Chúa muốn bạn có. 

Lúc đó tôi không tin nguyên tắc này và bây giờ cũng vậy tôi tin rằng lời dạy này hoàn toàn mâu thuẫn với sự dạy dỗ của Chúa Giê-su.

  1. Vấn đề Đức tin

Một Cơ Đốc nhân trưởng thành sẽ muốn sống bởi đức tin. Tuy nhiên chúng ta sẽ cảm thấy bối rối khi lời cầu nguyện mình thường trình dâng cho Chúa không nhận được câu trả lời. Sự lo lắng này có liên quan đến khía cạnh đức tin. Cầu nguyện bao lâu thì là quá dài? Nếu tôi cứ cầu nguyện hoài về một vấn đề thì có phải do tôi thiếu đức tin không? Đức tin nằm ở đâu khi tôi trình dâng những vấn đề của mình cho Chúa?

  1. Vấn đề mặc cảm tội lỗi

Một khi bạn quyết tâm dành thời gian để cầu nguyện, bạn sẽ phải liên tục tranh chiến với Sa-tan. Bạn sẽ trải qua những trận chiến khốc liệt nhất lúc bạn cầu nguyện. Ma quỷ sẽ đến trong lúc bạn cầu nguyện để làm bạn nản lòng. Hắn sẽ nói với bạn: “Nếu anh có đức tin thì anh không cần phải cầu nguyện hoài với Chúa về điều này.” Hắn cũng sẽ thủ thỉ vào tai bạn rằng: “Lòng anh đầy nghi ngờ bởi vậy Chúa sẽ không trả lời cầu nguyện của anh đâu.”

Tự nhiên bạn sẽ bắt đầu suy nghĩ tôi phải cầu nguyện cho việc này trong bao lâu, mặc cảm tội lỗi bắt đầu tràn vào tâm của bạn vì bạn bắt đầu hỏi Chúa bạn cần phải cầu nguyện trong bao lâu. Sa-tan khiến bạn nghi ngờ trong lòng không biết mình cầu nguyện với Chúa như vậy có đúng không?

  1. Tình trạng không rõ ràng

Một khi bạn không rõ mình cần phải cầu nguyện trong bao lâu thì bạn sẽ thấy bất an. Khi bạn bất an, đức tin của bạn sẽ trở nên nguội lạnh vì sự thiếu lòng tin sẽ mang lại nghi ngờ.

Tất cả chúng ta đều đối diện với những thách thức giống nhau; tuy nhiên bạn đừng để vấn đề đức tin, mặc cảm tội lỗi và sự do dự xâm chiếm tâm hồn bạn.

Vậy thì bạn cần cầu nguyện cho một việc nào đó trong bao lâu? Câu trả lời của tôi là bạn cần cầu nguyện cho đến khi thấy được sự đột phá và câu trả lời trở nên rõ ràng.

Chúa Giê-su Dạy Cầu Nguyện Cho Tới Khi Được Trả Lời

Chúa Giê-su là bậc thầy về sự cầu nguyện. Lời cầu nguyện và đời sống cầu nguyện của bạn cần phải phản ánh lời cầu nguyện và đời sống cầu nguyện của Chúa Giê-su.

Trong Kinh Thánh, Ngài dạy chúng ta lẽ thật về sự cầu nguyện như sau:

Đoạn, Ngài phán cùng môn đồ rằng: Nếu một người trong các ngươi có bạn hữu, nửa đêm đến nói rằng: Bạn ơi, cho tôi mượn ba cái bánh, vì người bạn tôi đi đường mới tới, tôi không có chi đãi người. Nếu người kia ở trong nhà trả lời rằng: Đừng khuấy rối tôi, cửa đóng rồi, con cái và tôi đã đi ngủ, không dậy được mà lấy bánh cho anh; ta nói cùng các ngươi, dầu người ấy không chịu dậy cho bánh vì là bạn mình, nhưng vì cớ người kia làm rộn, sẽ dậy và cho người đủ sự cần dùng. Ta lại nói cùng các ngươi: Hãy xin, sẽ ban cho; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, và sẽ mở cửa cho ai gõ. Trong các ngươi có ai làm cha, khi con mình xin bánh mà cho đá chăng? Hay là xin cá, mà cho rắn thay vì cá chăng? Hay là xin trứng, mà cho bò cạp chăng? Vậy nếu các ngươi là người xấu, còn biết cho con cái mình vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban Đức Thánh Linh cho người xin Ngài! (Luca 11:5-13)

Khi bạn hiểu được câu chuyện ngụ ngôn này thì bạn sẽ hiểu được khái niệm cầu nguyện cho tới khi được trả lời. Đoạn kinh văn này xảy ra trong một văn cảnh như sau.

Một môn đồ của Chúa Giê-su rất ấn tượng khi thấy Ngài cầu nguyện nên nói rằng: “Lạy Chúa xin dạy chúng con cách cầu nguyện” (câu 1). Chúa Giê-su lập tức trả lời bằng cách dạy môn đồ bài cầu nguyện mà chúng ta gọi là bài cầu nguyện Chúa dạy. Sau đó Chúa dùng một minh họa rất tuyệt vời.

Giả sử bạn có một người quen đến nhà thình lình vào lúc nửa đêm. Người bạn này cả ngày chưa ăn gì. Vì bạn không biết là người này sẽ tới nên bạn không có chuẩn bị đồ ăn cho người ấy. Bạn liền băng qua đường để gõ cửa nhà hàng xóm. Bạn kêu lớn tiếng “Cho tôi mượn ba ổ bánh mì!” Người hàng xóm của bạn bị đánh thức trong lúc đang say giấc nên lên tiếng: “Để cho tôi yên! Nhà tôi đang ngủ. Tôi không dậy để lấy cái gì cho anh được.” Bạn muốn bỏ đi về nhưng thay vào đó, bạn lại gõ cửa và tiếp tục xin. Vì bạn kiên trì không chịu đi nên người hàng xóm rốt cuộc phải ra khỏi giường và lấy cho bạn thứ bạn xin.1

Sau khi kể câu chuyện này, Chúa Giê-su tuyên bố như sau: “Ta lại nói cùng các ngươi: Hãy xin, sẽ ban cho; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho.”

Theo ngôn ngữ đầu tiên được dùng để viết sách Tân Ước thì câu này nghĩa đen được dịch như sau: “Hãy xin và tiếp tục xin thì ta sẽ cho con. Hãy tìm và tiếp tục tìm thì các con sẽ gặp. Hãy gõ và tiếp tục gõ thì cửa sẽ mở ra.” Hãy để ý đến điều Chúa Giê-su dạy chúng ta về sự cầu nguyện. Chúa muốn chúng ta kiên trì tiếp tục hỏi, tiếp tục tìm, kiếm và tiếp tục gõ cửa cho đến khi Chúa trả lời.

Cầu xin là một yếu tố quan trọng trong sự cầu nguyện. Khi bạn xin Chúa một điều gì đó, bạn thừa nhận Ngài có thẩm quyền nên bạn dâng lời cầu xin với lòng tin rằng Ngài sẽ trả lời.

Tìm kiếm là một yếu tố quan trọng trong sự cầu nguyện. Chúa Giê-su dạy chúng ta không chỉ xin Ngài về vật chất nhưng tìm kiếm Chúa trong sự cầu nguyện. Nếu bạn cần một việc làm rồi bạn cầu nguyện, Lạy Chúa, con cần một việc làm, xin hãy cho con việc làm. Đây là số điện thoại của con, hãy khiến người ta gọi điện hoặc nhắn tin cho con thì đây là một cái nhìn thiển cận về Đức Chúa Trời. Chúa không chỉ muốn chúng ta tìm kiếm Ngài vì công việc nhưng Chúa cũng muốn chúng ta cầu nguyện để theo đuổi công việc đó.

Gõ là một yếu tố quan trọng trong sự cầu nguyện. Hành động gõ cho thấy bạn kiên trì cầu xin và cho thấy bạn nâng lời cầu nguyện của mình lên một tầm cao hơn.

Chúa Giê-su dạy chúng ta phải xin và tiếp tục xin. Phải tìm và tiếp tục tìm. Phải gõ và tiếp tục gõ. Ngài đang dạy chúng ta không được bỏ cuộc trong khi cầu nguyện. Ngài dạy chúng ta cầu nguyện cho tới khi được trả lời.

Hãy suy gẫm câu chuyện ngụ ngôn về sự kiên trì mà Chúa dạy. Khi bạn xin bánh mì, bạn đang năn nỉ để được bánh mì. Khi bạn tìm kiếm, bạn đi đến nhà hàng xóm nhằm mục đích trình bày nhu cầu của mình. Khi bạn kiên trì gõ cửa nhà hàng xóm thì người hàng xóm sẽ đưa bạn cái bạn cần.

Khi Chúa Giê-su hướng dẫn các môn đồ cầu nguyện, Ngài đặt một số câu hỏi cho họ. Ngài hỏi họ: “Trong các ngươi có ai làm cha, khi con mình xin bánh mà cho đá chăng? Hay là xin cá, mà cho rắn thay vì cá chăng?” (Câu 11). Con tôi biết tôi là người sợ rắn nên dĩ nhiên là tôi sẽ không cho chúng rắn. Chúa Giê-su hỏi tiếp: “Hay là xin trứng, mà cho bò cạp chăng?” Tôi cũng là người không thích bọ cạp, nhất là sau khi tôi bị một con nhện độc cắn.

Là một người cha, tôi nghĩ không có người cha nào lại cho con mình con rắn. Nhưng Chúa Giê-su tiếp tục được đặt một câu hỏi về mối liên hệ với Cha thiên thượng: “Vậy nếu các ngươi là người xấu, còn biết cho con cái mình vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban Đức Thánh Linh cho người xin Ngài!”

Chúa Giê-su khẳng định với chúng ta rằng Đức Chúa trời là người cha tốt hơn bất cứ người cha nào trên thế gian. Ngài biết điều gì tốt nhất cho bạn. Giống như bạn biết con mình cần gì thì cha thiên thượng cũng muốn cho bạn điều bạn cần. Ngài là người cha hoàn hảo.

Như vậy, tất cả những điều này dạy chúng ta điều gì về sự cầu nguyện?

Xác Định Nguyên Tắc

Chúng ta nên cầu nguyện cho một việc nào đó trong bao lâu? Trong cuốn sách hay nhan đề Khi Chúa Không Trả Lời Woodrow Kroll có đề cập đến vấn đề này: “Nếu sự kiên trì là chìa khóa làm người hàng xóm đổi ý thì sự kiên trì cũng có hiệu quả nhiều lần hơn thế đối với Chúa.”

Bạn có để ý khi nhân vật trong câu chuyện ngụ ngôn hỏi xin người hàng xóm của mình bánh mì thì người hàng xóm trả lời: “Anh đi về đi, nửa đêm rồi;” nhưng người đó vẫn tiếp tục xin cho đến khi nhận được điều mình muốn. Dường như người hàng xóm nửa muốn thức dậy, nửa thì muốn ngủ. Nhưng người hàng xóm tiếp tục gõ cửa. Người chủ nhà không có ý định giúp nhưng người hàng xóm này cứ xin hoài.

Chúa Giê-su muốn dạy rằng cách để làm thay đổi lòng người hàng xóm đó là sự kiên trì. Như vậy bạn thấy sự kiên trì cầu nguyện sẽ đạt hiệu quả hơn rất nhiều lần với Chúa. Nếu người hàng xóm khó khăn có thể cho bạn điều bạn xin bởi vì bạn kiên trì thì Cha thiên thượng còn có thể đáp ứng nhu cầu của bạn nhiều hơn nữa nếu bạn không ngừng cầu nguyện.

Cầu nguyện cho tới cuối cùng là gì? Tôi cần phải cầu nguyện bao lâu? Câu trả lời nằm trong nguyên tắc này.

Nguyên tắc kiên trì trong sự cầu nguyện

Đoạn Kinh Thánh Lu-ca đoạn 11:5-13 tập trung vào một điều căn bản. Nếu bạn xin và tiếp tục xin, tìm và tiếp tục tìm, gõ và tiếp tục gõ thì Chúa sẽ nghe lời cầu nguyện và đáp ứng nhu cầu của bạn. Vì sự bền lòng cầu nguyện của bạn, Chúa sẽ đến tiếp ứng và ban phước cho cuộc sống của bạn.

Trong đoạn kinh văn này, sự kiên trì mang ý nghĩa bền bỉ, và kiên nhẫn trong sự cầu nguyện. Chúa Giê-su muốn dạy các môn đồ không được bỏ cuộc lúc cầu nguyện. Hãy cầu nguyện cho tới cùng tức là chúng ta bền lòng cầu nguyện ngay cả khi bạn không muốn tiếp tục. Đừng bỏ cuộc ngay cả khi bạn muốn bỏ cuộc. Hãy tiếp tục cầu nguyện. Chúa Giê-su muốn bạn bền bỉ trong sự cầu nguyện. Hãy bám chặt lấy lời hứa được chép trong Kinh Thánh và không bỏ cuộc cho đến khi Chúa hoàn toàn đóng cửa và câu trả lời là không!

Vậy thì làm sao cầu nguyện cho đến cùng? Chúng ta cần nhiều sự kiên nhẫn. Như trong phần mở đầu của chương này, sự bền lòng cầu nguyện đã giúp tôi rất nhiều trong đời sống và công tác lãnh đạo. Bạn thấy không, tôi tin rằng Chúa đến gần những người kiên trì cầu nguyện.

Trong phần còn lại của chương này tôi muốn trả lời câu hỏi quan trọng mà tôi đã đề cập trước đây.

Tôi Cần Cầu Nguyện Bao Lâu?

Đây là một câu hỏi quan trọng mà tôi muốn trả lời cho bạn. Tôi đề nghị là bạn cần cầu nguyện cho đến khi một trong ba điều này xảy ra. Hãy cầu nguyện…

Cho đến khi bạn biết đó không phải là ý của Chúa.

Vì Chúa phán với với chúng ta chủ yếu qua lời của Ngài và những hoàn cảnh xảy ra xung quanh chúng ta, nên bạn hãy cầu nguyện cho đến khi Chúa xác định với bạn rằng đó không phải là ý Chúa muốn cho cuộc đời bạn. Nếu điều bạn cầu nguyện đi ngược lại Kinh Thánh thì đừng tốn thời gian để cầu nguyện. Bạn phải nhớ rằng Thánh Linh của Chúa không bao giờ dẫn bạn đi ngược lại lời Kinh Thánh

Một vài năm trước, có chỗ mời tôi vào một chức vụ không liên quan đến mục vụ. Đây là một chức vụ có ảnh hưởng và khải tượng lớn lao nên khi nhận được lời mời này, tôi cảm thấy Chúa muốn tôi dành thời gian cầu nguyện. Vì đây là một công việc được nhiều sự chú ý nên tôi không muốn ra ứng cử nếu đó không phải là ý muốn Chúa. Tôi cầu nguyện cho đến khi biết chắc rằng Ngài không muốn tôi nhận chức vụ này. Tôi gọi điện cho người muốn tôi nói chuyện với ban tìm kiếm và báo với anh ta rằng tôi cảm thấy đây không phải là ý muốn của Chúa cho đời sống của tôi trong lúc này nên tôi không muốn để tên mình vào danh sách ứng cử.

Trong liên tục bảy ngày tôi bền lòng kiêng ăn cầu nguyện với Chúa. Trong thời gian này, Ngài đã xác nhận tôi là mục sư và công việc được đề nghị không phải dành cho tôi. Thường thì Đức Chúa Trời không có câu trả lời nhanh như vậy, nhưng lần đó tôi cảm ơn Chúa về sự trả lời của Ngài.

Gần đây, khi nghĩ về sự kiện đó, tôi được nhắc nhở đây không phải là quyết định cái nào xấu cái nào tốt. Cả hai chọn lựa đều tốt. Vấn đề là thời điểm. Tôi có thể làm công việc có khải tượng và ảnh hưởng sâu rộng nhưng đó không phải là thời điểm của Chúa cho gia đình và hội thánh của tôi. Cảm ơn Chúa tôi đã giúp tôi nhớ nguyên tắc cầu nguyện cho tới khi nhận được câu trả lời!

Tôi khuyến khích bạn hãy cầu nguyện cho nan đề của mình cho đến khi bạn biết ý muốn của Chúa. Hãy theo đuổi giấc mơ và nhiệt huyết của mình. Hãy đến trước Chúa và ở đó cho đến khi bạn biết điều mình cầu nguyện không đúng trong mắt Chúa. Nếu đó là ý muốn Chúa thì bạn cũng sẽ có được câu trả lời. Nếu bạn không biết câu trả lời thì đừng hành động. Nếu còn nghi ngờ thì đừng làm gì cả. Đây là một nguyên tắc quan trọng trong đời sống–bạn cần cầu nguyện cho đến khi biết rằng đó không phải là ý của Chúa. 

Ngoài ra bạn cũng cần cầu nguyện…

Cho đến khi Chúa trả lời

Hãy cầu nguyện cho đến khi bạn biết cánh cửa đã hoàn toàn khép lại. Cầu nguyện cho đến khi bạn biết điều này không đúng. Cầu nguyện cho tới khi Chúa trả lời không hoặc được. Có nhiều lúc chúng ta thấy khó chấp nhận nếu câu trả lời là không. Nhưng khi Ngài đã trả lời không thì hãy thuận phục. Nếu Chúa đã không khứng mà bạn vẫn khăng khăng muốn làm thì đó là một điều tệ hại nhất.

Cầu nguyện cho tới khi Chúa trả lời. Hãy cảm tạ Chúa khi Chúa mở cánh cửa khi bạn kiên trì cầu nguyện. Đức tin của bạn sẽ lớn lên qua những trải nghiệm bền lòng cầu nguyện cho đến khi Chúa bật đèn xanh.

Nếu bạn đang cầu nguyện cho một người quen chưa biết Chúa thì hãy nắm chặt lấy lời Chúa được chép trong sách 2 Phi-e-rơ 3:9: “Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài (…), nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn.”

Đức Chúa Trời muốn mọi người ăn năn tội và được cứu. Ngài không muốn người nào bị chết mất. Vậy thì dựa trên lời Chúa, bạn biết Chúa muốn người lạc mất được cứu. Vậy hãy cầu nguyện cho tới khi việc đó xảy ra. Hãy đọc to câu Kinh Thánh này trong lúc cầu nguyện. Hãy nhắc với Chúa điều Ngài đã phán. Cầu nguyện với lòng tin chắc rằng Chúa sẽ cứu người này.

Cô Elaine đã cầu nguyện cho anh Jim tin Chúa trong 40 năm. Cô dốc lòng và bền đỗ cầu nguyện cho chồng của mình. Nhiều lần, cô thấy nản lòng nhưng cô bám víu lấy lời hứa trong Phi-e-rơ 3:9. Cuối cùng, Chúa làm việc trong lòng anh theo cách riêng và thời điểm của Ngài. Anh Jim tiếp nhận Chúa sau khi vợ của mình cầu nguyện cho anh trong 40 năm. Cô Elaine đã không bỏ cuộc cho đến khi Chúa trả lời cho cô. Cô đã áp dụng nguyên tắc bền lòng cầu nguyện. Đây chính là điều Chúa Giê-su dạy trong Luca đoạn 11.

Bạn đang đối diện với nan đề nào hôm nay? Hãy cầu nguyện cho tới khi nhận được câu trả lời từ Chúa. Đừng dừng lại. Hãy bền lòng cầu nguyện. Hãy cầu nguyện với đức tin. Có thể bạn đang cầu nguyện để có người mua căn nhà của bạn. Hãy tiếp tục cầu nguyện cho đến khi Chúa trả lời. Có thể bạn đang cầu nguyện cho một công việc mới. Hãy cầu nguyện cho tới khi Chúa trả lời. Có thể bạn đang cầu nguyện cho tình hình tài chính của mình. Hãy cầu nguyện cho tới khi Chúa trả lời. Có thể bạn đang cầu nguyện cho một người quen chưa biết Chúa. Hãy cầu nguyện cho tới khi Chúa trả lời. Hãy cầu nguyện cho tới cùng. Hãy cầu nguyện bền bĩ.

Tôi phải cầu nguyện cho một việc trong bao lâu? Hãy cầu nguyện…

Cho tới khi Chúa cất đi gánh nặng trong lòng bạn?

Thường thì chúng ta cầu nguyện cho những vấn đề đem lại gánh nặng trong lòng chúng ta. Gánh nặng là một điều làm cho bạn ưu tư khi đi ngủ, lúc thức dậy hoặc suốt ngày làm việc bạn phải nghĩ tới nó. Tôi nói về những nan đề khiến bạn cảm thấy rất nặng nề. Tôi kinh nghiệm rằng bạn cần phải cầu nguyện cho đến khi Chúa cất đi gánh nặng ấy. Nếu Chúa vẫn chưa đáp lời thì hãy tiếp tục cầu nguyện.

Khi tiên tri Giê-rê-mi biết về tình trạng của thành Giê-ru-sa-lem, lòng ông nặng trĩu khi suy nghĩ đến những điều xảy ra cho thành phố quan trọng của quê hương mình. Đây thật là một mối ưu tư lớn; vì thế ông bắt đầu kiêng ăn và cầu nguyện trong nhiều ngày. Lòng ông nặng trĩu gánh nặng cho đến khi Chúa cất gánh nặng ấy đi. Đó là lúc ông hoàn tất sứ mạng trùng tu tường thành Giê-ru-sa-lem. Ông đã cầu nguyện cho tới khi Chúa làm việc.

Gánh nặng mà bạn đang mang có thể là cách để Chúa làm bạn tỉnh thức. Nếu Chúa đặt trong lòng bạn một sự nặng nề thì điều đó có nghĩa rằng Ngài đang ở giữa hoàn cảnh này. Vì vậy bạn hãy cầu nguyện cho đến khi Chúa cất đi mối ưu tư trong lòng bạn. Làm sao để biết Ngài đã cất đi gánh nặng? Khi điều bạn cầu nguyện được trả lời. Hoặc Ngài lấy đi gánh nặng và cho biết đây không phải là lúc thích hợp. Ngài cất đi gánh nặng và bạn cảm thấy sự bình an trong tâm hồn. Bạn sẽ biết khi Ngài cất đi gánh nặng trong lòng bạn. Hãy bền lòng cầu nguyện cho đến khi việc đó xảy ra!

Đừng bỏ cuộc! Hãy tiếp tục cầu nguyện cho đến khi Đức Chúa Trời cất đi gánh nặng trong lòng bạn. Có thể bạn phải chịu đựng gánh nặng này trong 10 ngày, 1 năm hay 40 năm. Hãy cầu nguyện cho tới khi Chúa trả lời, sự cầu nguyện bền bỉ là sự cầu nguyện hiệu quả.

Sự bền lòng cầu nguyện không có nghĩa là bạn thiếu đức tin nhưng thể hiện bạn có đức tin lớn nơi lời Chúa. Sự kiên trì cầu nguyện không có nghĩa là bạn yếu đuối và quá lo lắng nhưng sẽ giúp nuôi dưỡng tính cách của bạn. Kiên nhẫn cầu nguyện không có nghĩa là Chúa sẽ trả lời hoặc Ngài sẽ trả lời theo ý của bạn nhưng khi bạn bền đỗ trong sự cầu nguyện, bạn tin rằng Chúa đang điều khiển hoàn cảnh mà Ngài cho phép xảy ra trong cuộc đời bạn. Vì thế hãy vững lòng cầu nguyện cho tới khi bạn nghe được tiếng Chúa.

Bạn có muốn kinh nghiệm một đời sống cầu nguyện sâu nhiệm hơn không? Tôi hy vọng tất cả chúng ta đều có ước muốn ấy. Một trong những cách để trở nên sâu nhiệm hơn trong lời cầu nguyện là bạn phải học cách cầu nguyện không mệt mỏi. Hãy nhớ rằng bạn có một người cha thiên thượng hoàn hảo–một người cha sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của bạn. Vì vậy hãy cầu nguyện bền bỉ cho đến khi Ngài trả lời. Sau khi hết lòng cầu xin và được Chúa đáp lời, bạn hãy chia sẻ với người khác về điều đó và dâng vinh hiển về cho Chúa. Tôi hứa với bạn điều này sẽ giúp cho đời sống cầu nguyện của bạn có một bước nhảy vượt bậc.

Đừng bỏ cuộc! Hãy tiếp tục cầu nguyện cho đến khi Đức Chúa trời cất đi gánh nặng trong lòng bạn. Sự cầu nguyện bền bỉ là sự cầu nguyện hiệu quả.

Bản Dịch Việt Ngữ: Mục Vụ Cầu Nguyện Phấn Hưng

Thư Viện Tin Lành (2024)
www.thuvientinlanh.org

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top