Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Kiến Thức » Cầu Nguyện: Xây Dựng Mối Liên Hệ Mật Thiết Với Chúa – Phần 15

Cầu Nguyện: Xây Dựng Mối Liên Hệ Mật Thiết Với Chúa – Phần 15

CHƯƠNG 7

KÊU CẦU CHÚA

Đó là một ngày đặc biệt trong hành trình thuộc linh của chúng tôi, và là một buổi chiều Chúa Nhật mùa hè nóng nực. Tôi và Jeana rời khách sạn để đến thành phố Brooklyn, tiểu bang New York. Người dẫn đường cho chúng tôi là một cặp vợ chồng giản dị vừa tin Chúa được vài năm. Niềm vui và tấm lòng phục vụ của họ trong chuyến đi khiến chúng tôi chú ý.

Ở Brooklyn có rất nhiều tòa nhà. Sau một quãng đường, chúng tôi bắt đầu đi chậm lại vì có rất đông người bước ra khỏi một tòa nhà đặc biệt. Bên cạnh đám đông vừa bước ra, có một đoàn người khác đang xếp hàng để bước vào. Họ không xếp hàng để thưởng thức chương trình Broadway. Đó là những người đến nhóm thờ phượng tại một nhà thờ lớn và nổi tiếng ở nước Mỹ–nhà thờ Brooklyn Tabernacle.

Ngày nay, nhà thờ này không còn ở địa điểm mà tôi đến giảng vào một Chúa Nhật mùa hè nhiều năm trước. Nhà thờ Brooklyn Tabernacle là một phép lạ của Chúa Giê-su. Nhiều năm trước, đây là một nhà thờ rất yếu ớt, nhưng ân điển Thánh Linh đã tràn qua, và ngày nay đây là một trong những bài làm chứng về Chúa Giê-su tuyệt vời nhất.

Năm tôi được mời giảng ở tại đây là do lời mời của Mục sư quản nhiệm tên Jim Cymbala. Trong thời gian tôi ở đó, nhà thờ có bốn buổi nhóm vào mỗi Chúa Nhật, mỗi buổi nhóm kéo dài khoảng 2 tiếng. Mục sư mời tôi giảng vào hai lễ, lúc 12 giờ trưa và 7:30 tối. Chúng tôi rời khỏi khách sạn lúc 10:30 sáng và về lại lúc gần nửa đêm. 

Đây quả thật là một nhà thờ đặc biệt! Tôi đã có một kinh nghiệm có một không hai khi giảng tại Hội Thánh được đầy dẫy Thánh Linh này. Tại đây không có giới hạn về thời gian, không có mục sư hoặc ca sĩ nổi tiếng. Hội Thánh hoàn toàn nói về Chúa Giê-su. Đây thật sự là một Hội Thánh của Chúa Giê-su.

Khi Hội Thánh Brooklyn Tabernacle đến thờ phượng, hội chúng chờ đợi gặp Chúa dù cho buổi nhóm có dài bao lâu. Đây đúng là một ví dụ của tinh thần hiệp nhất của người Cơ Đốc tại đây–tín đồ từ nhiều nhóm sắc tộc, nhiều màu da cùng đến thờ phượng Chúa trong ngôi nhà thờ độc đáo tọa lạc tại thành phố New York.

Địa điểm của nhà thờ không phải là trở ngại, vì hầu hết mọi người không đi xe hơi nhưng đi xe điện. Mục sư Jim thật sự là một đầy tớ Chúa. Ông đi tới lui nói chuyện với các tín hữu, cầu nguyện và chào họ với một sự chân tình hiếm có. Đây là Hội Thánh biết cách thờ phượng Chúa. Mục sư hướng dẫn con cái Chúa tương giao với Chúa. Hàng tuần, Mục sư Jim dành cả ngày để chia sẻ Phúc Âm. Trong buổi nhóm mà tôi không phải giảng, tôi lắng nghe Mục sư Jim chia sẻ Lời Chúa như một người chăn chiên thật. Bài giảng của ông chứa đựng sứ điệp theo đúng lời Kinh Thánh.

Mục sư hướng dẫn hội chứng cầu nguyện không phải bằng những lời nói hoa mỹ, nhưng khiến tín hữu đổ lòng ra trước Chúa và kêu cầu cùng Ngài. Trong lời cầu nguyện của họ, không ai lên tiếng nói “suỵt suỵt, đừng nói lớn quá.” Hội Thánh cầu nguyện lớn tiếng, nhưng thể hiện sự tan vỡ và lời cầu nguyện chân thành.

Thật vậy, tín hữu của nhà thờ này đã kêu gào để Chúa gặp họ. Ngày hôm đó, tôi phải thừa nhận là tôi hơi sửng sốt khi thấy cách họ cầu nguyện. Không phải vì tôi thấy khó chịu nhưng tôi ngạc nhiên vì một Hội Thánh lớn như vậy lại hoàn toàn trải lòng ra trong sự thờ phượng và lời cầu nguyện đến thế. Chúa đã chúc phước cho Hội Thánh này trong thời điểm đó và cho đến hiện tại cũng như vậy.

Mục sư Jim Cymbala viết một quyển sách bán rất chạy nhan đề “Gió Mới, Lửa Mới” (Fresh Wind, Fresh Fire), trong đó ông kể lại việc Chúa đã hoàn toàn thay đổi Hội Thánh này như thế nào. Ông thuật lại sự thay đổi diễn ra trong Hội Thánh của ông không phải nhờ một phương pháp gây dựng Hội Thánh nào, nhưng hoàn toàn là công việc của Chúa, là Đấng đã đem lại cho Hội Thánh một luồng gió tươi mới và lửa thuộc linh nóng cháy.

Bí quyết tăng trưởng của Hội Thánh Brooklyn Tabernacle chính là mục vụ cầu nguyện hàng tuần của họ. Hội Thánh đầy ắp tín đồ đến để cùng cầu nguyện. Trong mỗi buổi lễ thờ phượng đều có sự cầu nguyện chân thành và sâu đậm.

Trong quyển “Gió Mới, Lửa Mới”, Mục sư Cymbala viết như sau:

Kinh Thánh chép rằng: “Nhà Ta sẽ gọi là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc.” Bài giảng của Mục sư, phần âm nhạc, phần đọc Lời Chúa là những điều quan trọng. Tôi tin và làm tất cả những điều này, nhưng chúng không thể lấy đi tầm quan trọng của việc cầu nguyện tại nhà Chúa. Thật sự mà nói, tôi từng chứng kiến Chúa đụng chạm đến đời sống người tin Chúa trong mười phút họ dốc lòng cầu nguyện hơn là nghe mười bài giảng của tôi. Bạn có bao giờ để ý điều này không? Chúa Giê-su lập nên Hội Thánh không phải trong khi ai đó đang giảng nhưng trong lúc mọi người đang cầu nguyện. Phải chăng tôi là người duy nhất cảm thấy hổ thẹn khi những lãnh đạo tôn giáo của đất nước Hoa Kỳ nói đến việc cầu nguyện tại trường học nhưng ngay trong Hội Thánh ngày nay, nhiều nơi lại không quan tâm đến việc cầu nguyện!

Tại Hội Thánh Brooklyn Tabernacle, không phải chỉ đến những buổi nhóm đặc biệt thì các tín hữu mới cầu nguyện, nhưng như tôi đã nói, mỗi buổi thờ phượng đều tràn ngập lời cầu nguyện sâu sắc và chân thành. Mỗi khi nhớ lại cơ hội được giảng tại đó, tôi không bao giờ quên được điều tôi tận mắt thấy. Tôi chứng kiến được một Hội Thánh bày tỏ đời sống thuộc linh sâu đậm hơn nhiều những nhà thờ tôi có dịp tham dự hoặc quản nhiệm. Công việc của Đức Thánh Linh được bày tỏ thay cho công việc của xác thịt. Thật là một điều tuyệt vời.90 | SỰ CẦU NGUYỆN

Công việc của Đức Thánh Linh đã giúp Hội Thánh này có kinh nghiệm sâu nhiệm hơn nhờ họ đặt trọng tâm vào sự cầu nguyện. Họ thật sự biết cách cầu nguyện theo lời Kinh Thánh và thực sự kêu cầu Đức Chúa Trời. Nếu bạn còn nghi ngờ những điều tôi vừa nói thì hãy để tôi nhắc cho bạn nhớ một điều. Đây không phải là một nhà thờ mới được xây dựng trên 100 mẫu đất bên cạnh một đại lộ hoặc ở một khu vực đang bùng nổ về dân cư. Hội Thánh này đứng vững như một lời làm chứng của thành phố Brooklyn về quyền năng của Đức Chúa Trời và tôi tin rằng sự phát triển lạ lùng đó hoàn toàn đến từ ân điển mà Chúa bày tỏ cho dân sự của Ngài, bởi vì họ kêu cầu Ngài.

Bạn có sẵn sàng bước lên một chỗ cao hơn trong đời sống cầu nguyện của mình không? Bạn có sẵn sàng trải nghiệm một Hội Thánh mạnh mẽ trong sự cầu nguyện không? Bạn có biết mình cần phải làm gì để có một đời sống cầu nguyện mới mẻ không?

Trong phần kế tiếp, tôi sẽ chia sẻ một vài điều bạn cần biết để bước lên chốn cao hơn. Nếu bạn muốn có một mối tương giao mật thiết hơn với Chúa, hơn bao giờ hết, hãy tiếp tục đọc và áp dụng những lẽ thật được đề cập đến trong những chương này. Những điều này đã giúp tôi thay đổi cuộc sống và con người của mình. Tôi tin rằng bạn cũng sẽ kinh nghiệm được điều đó.

Kêu Cầu Danh Chúa Nghĩa Là Gì?

Cầu nguyện cho thấy bạn nhờ cậy Chúa. Thiếu cầu nguyện cho thấy bạn cậy sức của mình. Như vậy bạn làm một Cơ Đốc nhân cầu nguyện hay là một người thiếu sự cầu nguyện? Bạn dựa vào sức của mình hay là nhờ cậy Chúa? Kêu cầu Chúa trong lời cầu nguyện cho thấy bạn nương cậy nơi Ngài.

Nhiều người Tin Lành xem khái niệm kêu cầu Chúa là một điều lạ lẫm. Kêu cầu Chúa nghĩa là gì? Chữ “kêu cầu” trong sách Cựu Ước nghĩa là cầu xin sự giúp đỡ của Chúa. Bạn kêu cầu Chúa là khi bạn đang thỉnh nguyện hoặc mời Chúa đến giúp đỡ cho mình. Chữ “kêu cầu” còn có nghĩa là kêu gào lớn tiếng để làm ai đó chú ý. Điều này có nghĩa là Chúa muốn bạn kêu lớn tiếng như thể bạn đang rất cần giúp đỡ. Một người kiêu ngạo sẽ không muốn kêu cầu Chúa, nhưng sự khiêm nhường mở cánh cửa cho bạn, đưa bạn đến sự cầu nguyện một cách dễ dàng hơn. Khi bạn kêu cầu Chúa, nghĩa là bạn đang mời Chúa làm việc trong đời sống của mình.

Chữ “kêu cầu” còn có nghĩa là la lớn. Nguyên tắc này dạy chúng ta hãy nói lớn tiếng với Chúa trong lúc cầu nguyện. Bạn có thể nghĩ rằng la lớn tiếng có thể là một việc làm bất lịch sự hoặc gây phiền hà, nhưng hãy nhớ rằng tôi đang nói bạn hãy lớn tiếng trong khi cầu nguyện với Chúa giống như bạn reo hò tại những cuộc thi đấu. Kinh Thánh dạy, một ngày nào đó Chúa sẽ gọi chúng ta về nhà trên trời “với một tiếng kêu lớn” (1 Tê-sa-lô-ni ca 4:16). Đây là điều Kinh Thánh dạy về sự kêu cầu.

Trong Cựu Ước có một chữ Hy-bá-lai mang nghĩa “kêu cầu” được dùng để nói đến việc kêu cầu Chúa trong buổi nhóm vào ngày Sa-bát. Giờ thờ phượng, theo tôi hiểu, là lúc chúng ta kêu cầu Đức Chúa Trời và xin Ngài giúp đỡ chúng ta. Trong Hội Thánh của bạn hàng tuần tín hữu dành bao nhiêu phút để kêu cầu Chúa?

Một trong những điều bổ ích mà tôi học được từ nhà thờ Brooklyn Tabernacle là họ tạo cơ hội để con cái Chúa cầu khẩn danh Chúa và mời gọi Chúa bước vào đời sống cá nhân. Điều này có thể lạ lùng đối với chúng ta nhưng không mới mẻ trong lời của Chúa.

Tôi đồng ý với một trong những nhận định về Cơ Đốc nhân ngày nay, đó là nhiều người chỉ muốn một tôn giáo lý trí, họ chỉ muốn biết nhiều và cho rằng cảm xúc là không cần thiết. Chúng ta phải có sự quân bình giữa lý trí và cảm xúc. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên chỉ trích những Cơ Đốc nhân khác nếu họ quá thiên về một xu hướng nào đó. Những người đó không phải là vấn đề. Lời Chúa kêu gọi mỗi Cơ Đốc nhân kêu cầu Đức Chúa Trời.

Chúng ta hãy cùng xem những đoạn Kinh Thánh có chữ kêu cầu Chúa. Giê-rê-mi đoạn 29 từ câu 11 đến câu 13 chép rằng: “Vì Ta biết ý tưởng Ta nghĩ đối cùng các ngươi là ý tưởng bình an, không phải tai họa, để cho các ngươi được sự trông cậy trong lúc cuối cùng của mình. Bấy giờ các ngươi sẽ kêu cầu Ta, sẽ đi và cầu nguyện Ta, và Ta sẽ nhậm lời. Các ngươi sẽ tìm Ta, và gặp được, khi các ngươi tìm kiếm Ta hết lòng.”

Lời Chúa quả quyết Ngài có một tương lai và hy vọng cho tất cả những người kêu cầu Ngài. Vì vậy, mục tiêu của chúng ta không phải là tìm kiếm tương lai hoặc niềm hy vọng này, nhưng tìm kiếm Chúa trong sự cầu nguyện bằng cách hết lòng mời Ngài đến giúp đỡ chúng ta.

Chữ kêu cầu lại được dùng trong sách Giê-rê-mi 33:3: “Hãy kêu cầu Ta, Ta sẽ trả lời cho; ta sẽ tỏ cho ngươi những việc lớn và khó, là những việc ngươi chưa từng biết.” Đức Chúa Trời sẽ làm những việc vĩ đại nếu bạn kêu cầu Chúa và khẩn nài Ngài đến giúp đỡ cho đời sống bạn.

Thi thiên 145:18 chép: “Đức Giê-hô-va ở gần mọi người cầu khẩn Ngài. Tức ở gần mọi người có lòng thành thực cầu khẩn Ngài.” Chúa không muốn chúng ta đùa giỡn với Ngài. Chúa muốn dân sự của Ngài cầu khẩn với lòng thành thật. Qua sự nài xin của mình, bạn hãy trải lòng ra với Chúa và lắng nghe điều Ngài phán với bạn khi bạn mời Chúa hành động.

Loài người kêu cầu Chúa được ghi lại trong sách Sáng Thế Ký 4:25-26. A-đam còn ăn ở với vợ mình; người sanh được một con trai đặt tên là Sết; vì vợ rằng: Đức Chúa Trời đã cho tôi một con trai khác thế cho A-bên mà đã bị Ca-in giết rồi. Sết cũng sanh được một con trai, đặt tên là Ê-nót. Từ đây, người ta bắt đầu cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va.” Kinh Thánh nói rõ sự cầu khẩn danh Chúa bắt đầu từ sách Sáng Thế Ký. Dưới sự lãnh đạo của Hê-nóc, con người bắt đầu cầu khẩn danh Chúa và mời Ngài bước vào cuộc đời họ.

Thi Thiên 80:18 là một đoạn kinh văn quan trọng khác về sự cầu khẩn danh Chúa: “Rồi chúng tôi sẽ không lìa khỏi Chúa nữa. Xin hãy làm cho chúng tôi được sống lại, thì chúng tôi sẽ cầu khẩn danh Chúa.” Trong câu này, dân của Chúa tuyên bố rằng họ sẽ không xa rời Chúa nữa. Họ kêu cầu Chúa ban cho họ một sự sống mới để họ có thể tiếp tục cầu khẩn với Ngài. Trong lời cầu nguyện ngày nay, Cơ Đốc nhân cần có sự phục hưng trong việc kêu cầu danh Chúa. Có lẽ lòng tự cao hoặc nhút nhát không phải là lý do chính chúng ta không kêu cầu danh Chúa, mà chúng ta cần một cuộc phục hưng thuộc linh.

Hãy nhớ điều này, cầu nguyện thực sự là một công việc. Điều khó khăn nhất bạn chắc sẽ phải làm trong cuộc sống là kêu cầu Chúa trong lời cầu nguyện. Sa-tan có kế hoạch làm cho bạn bận rộn đủ mọi bề để bạn không cầu nguyện. Sa-tan sẽ làm cho bạn buồn ngủ hoặc nghĩ vớ vẩn, hoặc tìm lý do này kia, hoặc gây nên những chướng ngại để bạn bỏ qua sự cầu nguyện.

Hãy quyết định ngay hôm nay là bạn sẽ bắt đầu cầu xin Chúa giúp đỡ mình hàng ngày. Hãy cam kết trở nên một chiến sĩ cầu nguyện. Hãy kêu cầu danh Chúa. Nếu bạn thực hành điều này, mỗi ngày bạn sẽ bước vào một đời sống cầu nguyện sâu nhiệm hơn.

Bạn Cần Kêu Cầu Chúa Khi Nào?

Kinh Thánh nói rõ rằng mỗi Cơ Đốc nhân phải kêu cầu danh Chúa cách cá nhân lẫn tập thể. Vậy khi nào chúng ta sẽ kêu cầu danh Chúa? Tôi muốn nhấn mạnh năm tình huống sau đây:

Luôn luôn kêu cầu danh Chúa

Lúc nào bạn cũng kêu cầu danh Chúa hay là chỉ khi bạn cần điều gì đó? Bạn cầu khẩn danh Chúa vì lòng tin hay là vì đang rơi vào tình huống khó khăn? Bạn không cần phải đợi đến khi đời sống tâm linh của mình bị bấn loạn thì mới kêu cầu Chúa. Bạn có thể làm điều đó bất cứ lúc nào.

Cầu nguyện phải là sự chọn lựa đầu tiên chứ không phải là cuối cùng của bạn. Không phải là một phản ứng mà là một hành động.

Đức Chúa Trời sẽ làm những việc vĩ đại nếu bạn kêu cầu Chúa và khẩn nài Ngài đến giúp đỡ cho đời sống bạn. 

Bạn có dành thời gian kêu cầu Chúa mỗi ngày không? Bạn có để thời gian trong lúc cầu nguyện để kêu cầu Chúa không? Nếu chưa thì chương cuối của quyển sách này sẽ giúp bạn lên kế hoạch cho giờ cầu nguyện mỗi ngày của mình.

Hội Thánh của chúng tôi đã bắt đầu dành một vài buổi nhóm chỉ để cầu nguyện. Chúng tôi dành ra một buổi nhóm sáng Chúa Nhật và một số buổi nhóm khác tại toàn bộ các cơ sở cho việc cầu nguyện. Chúng tôi đã làm điều này được một vài năm. Những buổi cầu nguyện này được bao phủ bởi quyền năng của Chúa. Để chuẩn bị, lúc nào tôi cũng cầu nguyện lạy Chúa, xin Chúa cho con một tinh thần cầu nguyện và đặt trong con một gánh nặng để cầu nguyện.” Trong những buổi nhóm này, Hội Thánh chúng tôi cùng với nhau kêu cầu Chúa. Là người tin Chúa, chúng ta cần phải sẵn sàng cầu nguyện với Chúa với nhau trong tập thể, một cách khẩn thiết và sâu sắc.

Mỗi Cơ Đốc nhân và mỗi Hội Thánh cần phải kêu cầu Chúa luôn luôn. Hành động này cho thấy chúng ta nhờ cậy Chúa thay vì cậy sức riêng của mình.

Kêu cầu Chúa khi có nhu cầu

Những người làm cha mẹ muốn con cái chạy đến với mình khi gặp khó khăn thì Chúa cũng như vậy. Kêu cầu Chúa khi có nhu cầu không có nghĩa là thiếu đức tin, nhưng có nghĩa là chúng ta hiểu Chúa là niềm cậy trông của chúng ta. Ngài có thể làm bất cứ điều gì, ở bất kỳ đâu và bất cứ lúc nào. Ngài có thể đáp ứng nhu cầu cho chúng ta.

Bạn có nhu cầu gì hôm nay? Tôi không tin rằng Chúa phân biệt nhu cầu lớn nhỏ. Có lúc chúng ta nghĩ rằng chúng ta lo việc nhỏ và nhờ Chúa lo việc trọng đại như thể chúng ta muốn nói: “Con biết Chúa rất bận nên con chỉ nhờ Chúa gánh vác những điều mà con không tự lo được. Đây là thái độ không nên có. Chúa muốn chúng ta đến với Ngài bất cứ lúc nào chúng ta có nhu cầu, như lời của Mục sư Cymbala nói: “Chúa muốn thấy chúng ta cần Ngài.”

Bạn cần gì hôm nay? Bạn có cần sự chữa lành không? Mọi sự chữa lành đều đến từ Chúa? Bạn có cần tiền không? Hãy dâng cho ngài những gì bạn có rồi Chúa sẽ đáp ứng nhu cầu của bạn. Bạn có một mối quan hệ bị đổ vỡ chăng? Chúa là đấng duy nhất có thể làm hòa. Thập tự giá đánh đổ những bức tường ngăn cách con người với nhau. Bạn có nhu cầu về vật chất không? Hãy kêu cầu Chúa. Ngài có thể đáp ứng nhu cầu của bạn. Hãy giải bày lòng mình với Chúa trong lời cầu nguyện và nhờ cậy Ngài giúp đỡ. Hãy nhớ Chúa có thể mở cho bạn một lối thoát khi bạn cảm thấy bế tắc.

Tôi tin rằng Chúa để chúng ta gặp những khó khăn trong cuộc sống nhằm mục đích giúp chúng ta nhờ cậy Ngài. Chúa muốn chúng ta thấy Ngài có thể làm bất cứ điều gì Ngài muốn, và với Ngài, không điều gì là không làm được. Trước khi chúng ta có nhu cầu thì Chúa đã có sẵn sự cung ứng, vì vậy hãy kêu cầu Chúa khi có nhu cầu.

Kêu cầu Chúa khi đang theo đuổi tương lai

Một trong những quyết định quan trọng nhất của bạn sẽ liên quan đến việc hoạch định cho tương lai của mình. Lúc còn trẻ, hoạch định tương lai sẽ bao gồm việc chọn trường, chọn nghề nghiệp, hôn nhân và con cái. Khi đã lớn tuổi, bạn sẽ phải quyết định những vấn đề như chăm sóc cha mẹ và con cái, những cơ hội việc làm, hoặc chuyển ngành nghề, hoặc thậm chí về hưu. Khi bước vào tuổi già, bạn sẽ phải quyết định sống ở đâu và ở gần gia đình hay không. Dầu đang ở tuổi nào, bạn cũng phải đưa ra những quyết định cho tương lai.

Hai con trai của tôi đã đối diện với nhiều thách thức khi quyết định cho tương lai của chúng. Sau khi hướng dẫn đội bóng thắng 4 giải vô địch tiểu bang, Đức Chúa Trời mở ra một cơ hội để Josh làm việc cho khu trường công lớn nhất của tiểu bang Alabama. Chúa đã ban phước cho cháu và công việc của cháu tại đây. Ngài liên tục xác nhận và bày tỏ ý muốn của Ngài trong việc kêu gọi cháu về khu vực Birmingham.

Nick, con trai thứ hai của tôi, được Chúa kêu gọi vào việc giảng dạy. Cháu là trưởng ban điều hành của toàn thể nhân viên Hội Thánh Thập Tự và là mục sư giảng dạy chính. Chúa ban phước nhiều cho sự lãnh đạo của Nick tại cơ sở vùng Fayetteville. Ngài cũng mở cho cháu những cơ hội trong những năm gần đây để làm mục sư tuyên úy cho đội bóng Razorbacks của tiểu bang Arkansas. Chúa đã sử dụng mục sư và nhà lãnh đạo trẻ tuổi tài năng này để tạo nên sự ảnh hưởng sâu rộng.

Tôi không biết Chúa có chương trình gì tiếp theo cho hai con trai của tôi, nhưng tôi biết Chúa có ban phước cho hai cháu và Chúa quan phòng tương lai của hai cháu. Hai con tôi đã cầu nguyện nhiều cho tương lai của chúng; và là bậc cha mẹ, hàng ngày chúng tôi cầu nguyện cho tương lai của từng cháu.

Hãy kêu cầu Chúa khi theo đuổi tương lai của mình, Ngài sẽ mở đường và cho bạn sự khôn ngoan để quyết định. Kinh Thánh chép rằng người nào kêu cầu danh Chúa sẽ kinh nghiệm sự bình an và một đời sống dịu dàng. Giê-rê-mi 29:11 chép: “Vì ta biết ý tưởng ta nghĩ đối cùng các ngươi, là ý tưởng bình an, không phải tai họa, để cho các ngươi được sự trông cậy trong lúc cuối cùng của mình.”

Một trong những câu hỏi then chốt về tương lai mà mỗi người phải hỏi là: “Chúa muốn con làm gì?” Cuộc đời này không phải của riêng mình nhưng thuộc về Chúa. Con không thuộc về bất cứ ai hoặc hệ thống nào. Con không thuộc về thế giới này nhưng thuộc về Chúa. Vì Chúa nắm giữ đời sống con, nên con cần hỏi Chúa về định hướng tương lai của mình.

Tôi vẫn còn hỏi Chúa hàng ngày về tương lai của tôi, và sẽ làm bất cứ điều gì Ngài muốn. Tôi chỉ có một cuộc đời để sống, và tôi muốn làm điều tốt nhất mà Chúa muốn tôi làm. Để có ảnh hưởng lớn nhất cho Vương quốc của Ngài, tôi nguyện làm bất cứ điều gì Ngài muốn cho đến hơi thở cuối cùng.

Cách duy nhất để biết tương lai của mình được đảm bảo là cầu khẩn cùng Chúa. Ngài sẽ đến khi bạn mời Ngài dự phần trong đời sống của mình. Ngài sẽ giúp bạn bước qua những chặng đường trong đời sống. Chúa sẽ ban cho bạn sự bình an khi lòng bạn thấy bất an. Ngài sẽ hiện diện với bạn khi bên cạnh bạn không có ai. Vì thế hãy tin cậy Chúa và nhờ cậy Ngài. Hãy kêu cầu Chúa, mời Ngài bày tỏ cho bạn tương lai cùng những quyết định bạn cần phải làm.

Kêu cầu Chúa trong giờ thờ phượng

Bạn có kêu cầu Chúa trong giờ thờ phượng chung không? Bạn có dành một thời gian trong giờ thờ phượng để kêu cầu Chúa không? Khi bạn đến thờ phượng với Hội Thánh của mình, hãy kêu cầu danh Chúa. Hãy mời Ngài ngự giữa Hội thánh Chúa. Ngày thờ phượng Chúa cần được biệt riêng cho mục đích cầu khẩn danh Chúa.

Giờ thờ phượng Chúa ngày nay đa phần là nhạt nhẽo và thiếu năng quyền của Chúa. Kết quả là đời sống không được đổi mới. Điều này có phải là do chúng ta không dành thời gian kêu cầu Chúa trong giờ thờ phượng hay chăng?

Trong giờ thờ phượng Chúa ngày nay, trọng tâm được đặt nặng lên chương trình, bài hát, âm thanh hơn là Chúa, Lời của Ngài và điều Ngài làm trên đời sống của con dân Chúa. Sự thiếu cầu nguyện cho thấy chúng ta cậy sức riêng của mình. Trọng tâm của sự thờ phượng Chúa không phải là chúng ta. Trọng tâm của giờ thờ phượng Chúa phải là sự chúc tán danh Chúa và kêu cầu Ngài.

Kêu cầu Chúa trong giờ cầu nguyện đặc biệt

Bạn có dành một thời gian đặc biệt để kêu cầu Chúa không? Như tôi đã đề cập, hãy đến với Chúa mỗi ngày, hãy lên kế hoạch thực hiện giống như kế hoạch cầu nguyện được nói đến trong chương cuối của quyển sách.

Điều gì quan trọng phải được làm trước. Bạn hãy tĩnh nguyện với Chúa trước nhất trong ngày. Hãy dùng thời gian này để kêu cầu Chúa.  Đây là thời gian mỗi ngày bạn trải lòng mình ra với Chúa về đời sống và những nhu cầu của bạn. Đồng thời cũng dành thời gian để lắng nghe điều Ngài muốn nói với bạn.

Hãy nói với mục sư và ban lãnh đạo trong Hội Thánh dành ra những buổi nhóm đặc biệt dành riêng cho sự cầu nguyện. Chúa có thể làm nhiều điều qua lời cầu nguyện hơn tất cả những chương trình mà một Hội Thánh có thể làm. Hãy quyết tâm biến đổi Hội Thánh của bạn thành một Hội Thánh cầu nguyện kể từ hôm nay. Hãy quyết định giúp vị mục sư của mình kêu gọi tín hữu dành thời gian cầu nguyện và cầu khẩn danh Chúa. Tôi đảm bảo rằng không có nhiều người quan tâm đến sự cầu nguyện trong Hội Thánh; vì vậy, bạn hãy đứng lên để làm điều này. Hãy là một Cơ Đốc nhân biết kêu cầu Chúa.

Người chiến sĩ cầu nguyện dũng cảm

Tôi được Mục sư Jim Cymbala hướng dẫn trong sự cầu nguyện lúc tôi đến thăm Hội Thánh Brooklyn Tabernacle. Tôi quan sát ông trong giờ thờ phượng. Chúng tôi thảo luận nhiều về sự cầu nguyện và tôi học được rất nhiều điều từ ông.

Trong giờ nghỉ giữa hai giờ nhóm, Mục sư Cymbala đưa cho tôi quyển sách nhan đề “Daniel Nash: Người Chiến Sĩ Cầu Nguyện Dũng Cảm”. Bạn nên dành thời gian đọc quyển sách nhỏ này. Tác giả là J. Paul Reno.

Daniel Nash là ai? Có lẽ bạn có thể trả lời câu hỏi này: Bạn có bao giờ nghe nhà truyền đạo huyền thoại tên Charles Finney không? Nếu không, xin để tôi kể cho bạn tóm tắt về hai người này.

Charles Finney là một mục sư được cải đạo. Cuộc đời của ông được thay đổi hoàn toàn bởi quyền năng của Chúa Giê-su và ông không dựa

Điều gì quan trọng phải được làm trước. Bạn hãy tĩnh nguyện với Chúa trước nhất trong ngày. Hãy dùng thời gian này để kêu cầu Chúa. Đây là thời gian mỗi ngày bạn trải lòng mình ra với Chúa về đời sống và những nhu cầu của bạn vào điều gì khác hơn là sự cầu nguyện để đem những linh hồn về cho Chúa. Theo quyển sách này, 80% những người tin Chúa qua lời giảng của ông Finney đã đứng vững trước sự thử thách của thời gian và trung tín với Chúa Giê-su cho đến cuối cùng.

Những năm sau đó, ông Dwight L. Moody trở thành Cơ Đốc nhân. Từ một người bán giày, ông trở nên một nhà truyền đạo và một mục sư được nhiều người biết đến. 50% những người tin Chúa qua mục vụ của ông đã trung tín cho tới lúc cuối cùng.

Nhà truyền đạo có lần nói ông chỉ cần thấy 20% những người tin Chúa qua bài giảng của ông tiếp tục giữ đức tin nơi Chúa Giê-su thì ông đã vui lòng, bởi vì họ phải đối diện với sự suy đồi tâm linh gây ra bởi nền văn hóa chúng ta.

Khi tôi đọc tới phần này, tôi lập tức tự hỏi vì sao 80% những người tin Chúa qua bài giảng của Charles Finney đứng vững trong đức tin, và tôi đã tìm ra được câu trả lời. Charles Finney có một chiến sĩ cầu nguyện cùng đi với ông mỗi khi ông đi giảng. Người này thường đi tới thành phố hoặc khu vực mà Charles Finney sắp giảng hai ba tuần trước buổi nhóm. Tại đó ông thuê một căn phòng và mời hai, ba tín hữu từ thành phố đó đến. Họ sấp mình xuống trước mặt Chúa để cầu nguyện cho thành phố và khu vực của họ. Quyền năng của Chúa nhờ đó được thể hiện trước khi Mục sư Charles Finney đặt chân đến địa điểm này.

Người chiến sĩ cầu nguyện đó tên là Daniel Nash. Chúng ta không biết về nhân vật này. Chúng ta biết về Mục sư Charles Finney, Mục sư Dwight L. Moody hoặc Mục sư Billy Graham. Có thể là bạn chưa bao giờ nghe về ông Daniel Nash. Mặc dù số người tin Chúa qua mục vụ của Mục sư Finney vẫn còn là đề tài bàn cãi, chúng ta không thể phủ nhận rằng là cầu nguyện chìa khóa đưa đến kết quả cho mục vụ giảng tin lành của Mục sư Charles Finney. Nhiều người gọi ông là “Ba Nash.” Người khác gọi ông là chiến sĩ cầu nguyện kiên cường.

Ông Daniel Nash đã dành thời gian của đời mình để kêu cầu Chúa. Lịch sử ghi lại nhiều lần người ta nghe tiếng ông cầu nguyện cách đó hơn một cây số. Ông cầu xin Chúa làm việc và cứu người dân ở thành phố đó. Trên tấm bia mộ của ông có dòng chữ “Chiến sĩ cầu nguyện, bạn đồng công với Finney”. Mạnh mẽ trong sự cầu nguyện. Đây quả thật là một nhận xét tuyệt vời về đời sống của một tín hữu. Daniel Nash là một người cầu nguyện hiểu được giá trị của việc cầu khẩn danh Chúa.2

Bạn có sẵn sàng để bước vào một đời sống cầu nguyện sâu sắc hơn chưa? Chìa khóa để làm điều này là học cách kêu cầu Chúa. Đã đến lúc tất cả chúng ta phải học giá trị của việc kêu cầu Chúa. Ai sẽ là ông Daniel Nash cho thế hệ chúng ta? Bao nhiêu người sẽ tiếp tục mang lấy gánh nặng và tiếp tục một vụ cầu nguyện của ông Daniel Nash? Nhiều người dành thời gian cho những việc không quan trọng. Bạn sẽ dành thời gian và tất cả những điều bạn có để trở nên một Cơ Đốc nhân khao khát Chúa không? Bây giờ là lúc chúng ta cầu khẩn danh Chúa!

Bản Dịch Việt Ngữ: Mục Vụ Cầu Nguyện Phấn Hưng

Thư Viện Tin Lành (2024)
www.thuvientinlanh.org

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top