Cầu Nguyện: Xây Dựng Mối Liên Hệ Mật Thiết Với Chúa – Phần 12
CHƯƠNG 4
CẦU NGUYỆN THEO Ý CHÚA
Nhiều năm trước đây, Hội Thánh Thập Tự chi nhánh ở thành phố Springdale xây dựng một khu văn phòng để làm nơi làm việc cho các nhân viên. Người thiết kế hỏi tôi muốn văn phòng của mình được thiết kế như thế nào. Tôi chỉ yêu cầu một điều là nơi tôi làm việc sẽ nhắc tôi nhớ đến mục đích Chúa dành cho đời sống và chức vụ của tôi. Tôi muốn trong bức tường của văn phòng có in Đại Mạng Lệnh của Chúa Giê-su và sau bàn làm việc của tôi sẽ có một tấm bản đồ thế giới khổ lớn.
Nơi tôi làm việc có lẽ đã được trang trí độc đáo nhưng thật ra thì chỗ đó cũng giống như những văn phòng làm việc của các mục sư khác. Tuy nhiên, căn phòng này chứa đựng những kỷ niệm khó quên và những thông tin quan trọng. Hầu hết những thông tin này được bảo mật không người nào được biết ngoại trừ tôi.
Chỉ một số ít người có thể vào được căn phòng này. Mặc dù ai cũng có thể ghé thăm văn phòng của tôi, nhưng không phải ai muốn thì tôi cũng đưa chìa khóa. Không phải chìa khóa nào cũng mở cửa được, chỉ có chìa khóa thiết kế đặc biệt cho căn phòng này.
Giống như chìa khóa văn phòng của tôi, sự cầu nguyện là chìa khóa mở cửa vào sự hiện diện của Chúa. Bạn muốn có chìa khóa để mở cửa kho báu trên trời không? Chìa khóa để mở tung quyền năng của Chúa cho đời sống và tương lai của bạn. Đây là kho báu chứa đựng những phước hạnh Chúa dành cho bạn. Ngai của Chúa là nơi bạn nói chuyện với Chúa và lắng nghe Chúa trả lời.
Trong nơi đặc biệt này, qua lời cầu nguyện, bạn chạm vào Chúa và Chúa rờ đụng bạn. Là một người tin Chúa Giê-su, bạn có vinh dự kinh nghiệm sự hiện diện của Chúa ở nơi đặc biệt này nhờ vào chìa khóa là sự cầu nguyện.
Hãy nhớ điều này, bạn có thể đến với Chúa bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu và nói về bất cứ điều gì. Bạn có thể trực tiếp đến gần ngôi Đức Chúa Trời để nói chuyện.
Tại nơi này bạn cầu nguyện. Tại nơi này bạn ca ngợi Chúa. Tại nơi này bạn thờ phượng Chúa. Tại nơi này Chúa thay đổi bạn. Khi rời khỏi nơi này bạn sẽ hoàn toàn thay đổi.
Tôi muốn được vào trong kho báu của Chúa. Tuy nhiên thật sự mà nói, tôi không tìm kiếm kho báu của Chúa nhưng tìm chính mình Ngài. Khi tôi tìm kiếm Chúa thì tôi sẽ nhận được những điều Ngài muốn cho tôi từ trong kho báu của Ngài. Tôi cảm thấy bình an vì sự hiện diện của Ngài. Tự tin khi biết Ngài làm việc trong đời sống tôi. Trong nơi kín nhiệm này Đức Chúa Trời trả lời điều mà tôi cầu xin.
Cầu nguyện là một hành trình mầu nhiệm. Tôi muốn nói về việc kinh nghiệm ở trong sự hiện diện của Chúa qua lời cầu nguyện. Người khác không thấy chúng ta nhưng Chúa thấy. Khi chúng ta quyết tâm cầu nguyện, cho dù chúng ta đang đứng hay quỳ thì tấm lòng hạ mình sẽ trở nên quyết tâm đầu phục Chúa thay vì dựa vào sức riêng của mình.
Kho báu của Chúa có tất cả đáp án cho nhu cầu của anh chị em. Nói một cách khác, trước khi bạn cầu xin Chúa thì Đức Chúa Trời vĩ đại đã có nguồn cung ứng và có giải đáp cho tất cả sự cầu xin của bạn. Sự cầu nguyện là chìa khóa để mở cánh cửa dẫn đến kho báu phước hạnh này.
Tôi xin chia sẻ ba chìa khóa để có một đời sống cầu nguyện mạnh mẽ. Bạn đã có ba chìa khóa này nếu Giê-su là Chúa Cứu Thế của bạn. Tôi chưa từng gặp một Cơ Đốc nhân nào nói mình không muốn có một đời sống
Ngai của Chúa là nơi bạn nói chuyện với Chúa và lắng nghe Chúa trả lời.
cầu nguyện mạnh mẽ. Tôi từng nghe hàng trăm Cơ Đốc nhân nói rằng họ ao ước hoặc có thể cầu nguyện giống như người này người kia. Một tin vui là bạn không cần đến những buổi cầu nguyện đông người để nhận được những chìa khóa này. Bạn đã sở hữu trong tay chìa khóa nếu bạn là một người theo Chúa chân thành.
Bạn được đến gần Chúa không đơn thuần là vì bạn có chìa khóa nhưng bởi vì bạn được trao thẩm quyền để đến với Chúa. Qua mối liên hệ cá nhân với Chúa Giê-su, bạn có được chìa khóa để đến với ngai Chúa.
Hãy ghi nhớ điều này, sự cầu nguyện sẽ dẫn bạn tới quyền năng của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su đã xác minh điều này trong Ma-thi-ơ 6:13 “Vì nước, quyền, vinh hiển đều thuộc về Cha đời đời. A-men.”
Bạn đã sẵn sàng để bước vào kho báu của Đức Chúa Trời chưa? Bạn đã sẵn sàng đến ngai của Chúa chưa? Bạn đã sẵn sàng kinh nghiệm phước hạnh của Chúa hơn lúc nào hết chưa? Bạn có sẵn sàng tin rằng Chúa sẽ trả lời sự cầu nguyện cho bạn? Nếu bạn sẵn sàng nâng đời sống cầu nguyện lên một tầm cao mới thì hãy cầm lấy chìa khóa đầu tiên đó là:
Cầu Nguyện Theo Ý Chúa
Tôi có hai đứa con trai. Hai đứa con này là niềm vui của đời tôi. Khi còn là thiếu niên, Josh với Nick thường hay hỏi tôi: “Ba nghĩ gì về việc này?” Bây giờ hai con vẫn còn hỏi nhưng không nhiều như lúc trước. Câu hỏi này cho thấy hai con có một tinh thần học hỏi khi còn thiếu niên và ngay cả hiện nay. Thậm chí bây giờ nếu có một việc gì đó quan trọng thì chúng cũng hỏi ý kiến tôi. Cũng giống như nhiều người trong chúng ta, khi gặp hoàn cảnh càng khó khăn thì càng muốn biết chắc là chúng ta đang làm quyết định đúng.
Trẻ con thường bực mình khi chúng không biết được ba mẹ muốn chúng làm gì. Có nhiều lúc cha mẹ không thể nói cho con mình biết điều mình muốn bởi vì chính họ cũng chưa biết điều đó, hoặc họ sợ con mình sẽ phản ứng không hay.
Là con của Chúa bạn cần có một tinh thần học hỏi. Chúng ta muốn biết ý muốn Chúa cho chúng ta là gì, không phải chỉ những lúc gặp khủng hoảng nhưng trong mọi lúc mọi nơi. Đây là lúc một người con của Chúa hành xử như một người thiếu niên sợ biết được ý muốn của người cha vì nghĩ rằng ý của cha khác với ý của mình. Bạn có cảm nhận được điều này không?
Là con của Chúa bạn có thể an tâm là Cha Thiên Thượng không quyết định sai lầm như cha mẹ chúng ta. Ngài muốn chúng ta biết kế hoạch của Ngài mỗi ngày và mỗi phút. Ngài sẽ không che giấu ý muốn của Ngài vì sợ rằng chúng ta sẽ chống đối lại. Trong thời điểm hoàn hảo, Ngài sẽ bày tỏ điều đó cho chúng ta. Anh chị em có thể tin điều này: Chúa sẽ không hành động sớm hoặc trễ. Chúa lúc nào cũng hành động đúng thời điểm. Ngài biết điều tốt nhất cho bạn và sẵn sàng bày tỏ điều đó cho bạn.
Sự cầu nguyện là phương tiện để chúng ta hiểu biết ý muốn Chúa cho đời sống một cách rõ ràng hơn. Điều đó nghĩa là chúng ta phải học cách cầu nguyện theo ý muốn Chúa. 1 Giăng 5:14-15 chép: “Nầy là điều chúng ta dạn dĩ ở trước mặt Chúa, nếu chúng ta theo ý muốn Ngài mà cầu xin việc gì, thì Ngài nghe chúng ta. Nếu chúng ta biết không cứ mình xin điều gì, Ngài cũng nghe chúng ta, thì chúng ta biết mình đã nhận lãnh điều mình xin Ngài.” Lời Chúa nói rằng chúng ta có thể dạn dĩ đến với Ngài.
Dạn dĩ ở đây nghĩa là bạn được tự do nói điều mình muốn trong khi cầu nguyện. Dạn dĩ cũng có nghĩa là bạn đến với Chúa và trình cho Ngài những nhu cầu của bạn. Nói một cách khác bạn có thể đến với Chúa bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu và nói về bất cứ điều gì. Biết được điều này sẽ đem lại cho bạn một sự dạn dĩ khi cầu nguyện. Cầu nguyện dạn dĩ sẽ dẫn tới lòng tin tưởng. Chúa đang lắng nghe bạn và Ngài sẽ bày tỏ ý muốn của Ngài cho đời sống và tương lai của bạn.
Bạn cần cầu nguyện về điều Chúa muốn chứ không phải điều bạn muốn. Tôi thật sự không chắc là Chúa sẽ trả lời những điều bạn cầu xin cho đến khi bạn hoàn toàn đầu phục Chúa. Thái độ bạn cần có: “Lạy Chúa, con sẵn sàng chấp nhận ý muốn của Chúa. Nếu Chúa muốn con làm điều đó thì con sẵn lòng. Nếu Chúa chưa muốn thì con sẽ thuận phục.” Lúc chúng ta từ bỏ chính mình đi thì chúng ta sẽ kinh nghiệm được điều Chúa Giê-su cầu nguyện: “Không theo ý con nhưng theo ý Cha” (Lu-ca 22:42).
Vì vậy mục tiêu tối hậu trong lời cầu nguyện là cầu xin theo điều Chúa dạy trong Kinh Thánh. Vì điều gì Kinh Thánh phán là điều Chúa phán. Khi chúng ta biết rõ lời Chúa thì chúng ta sẽ có thể làm theo điều Chúa dạy, không chỉ những điều liên quan đến cá nhân mà còn những khía cạnh khác.
Đức Chúa Trời nghe lời cầu nguyện của bạn khi bạn cầu xin trên nền tảng của lời Chúa vì lời Chúa bày tỏ ý muốn của Ngài. Sự cầu nguyện của chúng ta cần phản ánh lời Chúa phán trong Kinh Thánh.
Bạn có muốn Chúa nghe lời cầu xin của bạn không? Bạn có bao giờ tự hỏi liệu Chúa có nghe bạn cầu nguyện không? Bạn có muốn Chúa trả lời điều bạn cầu xin không? Tôi tin rằng bí quyết để Chúa nghe lời cầu nguyện của bạn là bạn phải cầu nguyện dựa theo lời Chúa. Bên cạnh đó nếu đúng thời điểm của Chúa thì Ngài sẽ đáp lời cầu xin của bạn.
Tôi cần bạn đọc chậm rãi điều này. Mặc dù những điều nói trên là sự thật, tôi vẫn bình an khi biết rằng cho dù tôi có cầu nguyện theo ý muốn của Chúa thì có thể vì một lý do nào đó trong ý tốt lành của Ngài, Chúa không đáp lời cầu xin của tôi. Bạn hỏi tại sao? Bởi vì Đức Chúa Trời biết điều tốt nhất cho anh chị em còn chúng ta không thấy được đâu là điều tốt nhất cho mình.
Chúa là một người cha hoàn hảo. Một người cha ao ước con biết ý muốn của mình. Ngài muốn đáp ứng những nhu cầu của anh chị em. Giống như một đứa con vâng lời và dễ dạy sẽ tìm kiếm ý muốn của người cha trên đất, thì người theo Chúa cũng cần tìm biết ý muốn của cha trên trời. Người cha trên đất của bạn có thể từ chối cho bạn một điều gì đó, thì cũng vậy cha thiên thượng biết điều tốt hơn cho bạn.
Theo như câu Kinh Thánh 1 Giăng 5:14-15, bạn có thể đến với Chúa bất kỳ ở đâu, bất cứ lúc nào và cầu xin bất cứ điều gì. Khi bạn đến với Chúa trong sự cầu nguyện, bạn được tự do bộc lộ những điều gì trong lòng của mình mà không cần phải theo một công thức đặc biệt. Điều quan trọng là bạn cần cầu nguyện về ý muốn của Ngài trên đời sống bạn. Vậy khi bạn đến với Chúa hãy hỏi Ngài về ý muốn của Ngài cho gia đình bạn, về công việc, về hội thánh, về đất nước của bạn nhưng hãy cẩn thận, khi bạn nói quá nhiều về phần của mình thì bạn có thể bỏ qua những điều mà Chúa muốn làm cho đời sống của bạn.
Kết quả của việc cầu nguyện này là bạn biết chắc mình cầu nguyện theo ý Chúa muốn, thay vì theo ý của mình. Lời cầu xin như vậy thường sẽ được đáp lời. Bạn đã cầu nguyện theo ý muốn của Chúa cho cuộc đời, cho gia đình cho hội thánh, cho công việc và cho đất nước của mình chưa? Trong phần tiếp theo, có ba câu hỏi quan trọng tôi muốn trình bày:
Câu hỏi 1: Làm Thế Nào Để Biết Ý Chúa?
Đây là một câu hỏi quan trọng. Nếu Chúa hứa Ngài sẽ đáp lời khi chúng ta cầu xin theo ý của Ngài, thì chúng ta cần phải hỏi: Ý Ngài là gì?
Trong Kinh Thánh, Đức Chúa Trời bày tỏ ý muốn của Ngài về mọi vấn đề. Lời Kinh Thánh tức là lời Chúa phán. Nếu bạn muốn biết ý Chúa thì phải biết Kinh Thánh và cầu nguyện theo lời Kinh Thánh. Hãy đọc Kinh Thánh để biết những gánh nặng trong tâm hồn bạn, xem Chúa nói như thế nào về gánh nặng này rồi cầu xin Chúa về nhu cầu của mình, dựa theo điều Chúa làm trong Kinh Thánh.
Chúa có cách riêng của Ngài để nói với bạn về những vấn đề trong cuộc sống khi bạn đọc Kinh Thánh một cách có hệ thống. Tất cả những khía cạnh trong cuộc sống đều nằm trong sự khải thị của Chúa. Vì thế điều quan trọng là chúng ta cần phải đọc toàn bộ Kinh Thánh.
Nhiều lần trong cuộc sống chúng ta phải đối diện với những điều quan trọng. Chẳng hạn như một người độc thân đang tìm hiểu một người khác phái. Bạn không ngừng suy nghĩ về người này, tim bạn đập rộn ràng khi bạn gặp người này, nếu bạn chưa nói với Chúa về mối quan hệ này thì hãy đọc lời Chúa để biết Ngài phán như thế nào về hẹn hò và hôn nhân. Khi bạn tìm hiểu vấn đề này trong lời Chúa thì bạn sẽ mở lòng ra để Chúa phán về người bạn mình đang tìm hiểu. Hãy cầu nguyện cho người này từ cách Chúa nhìn. Hãy giao mối quan hệ này cho Chúa. Hãy xin Chúa bày tỏ ý muốn Ngài trong thời điểm của Ngài. Chúa có thể cho bạn sự bình an hoặc là làm cho bạn cảm thấy không an tâm. Hãy cầu nguyện để biết Chúa muốn bạn làm gì với mối quan hệ này. Khi bạn sẵn sàng tiến tới hoặc sẵn sàng rút lui thì đó là lúc Chúa sẽ bày tỏ ý muốn của Ngài cho bạn.
Trong lúc cầu nguyện tôi thường nói với Chúa rằng: “Lạy Chúa, con đã trình cho Chúa những nhu cầu trong ngày hôm nay khi con đọc lời của Ngài. Nếu đẹp ý Ngài xin hãy phán với con về những nhu cầu này.” Khi tôi nghe tiếng Chúa phán với tôi qua Kinh Thánh thì tôi viết xuống bên cạnh nhu cầu một câu Kinh Thánh và dành thời gian cầu nguyện cho việc đó. Trong thời điểm của Ngài, Đức Chúa Trời sẽ bày tỏ ý muốn của Ngài về việc tôi cầu xin. Điều tôi kinh nghiệm nhiều năm theo Chúa đó là khi tôi cầu nguyện theo lời Kinh Thánh thì Chúa chuyển hướng ý muốn của tôi theo ý của Ngài.
Có những lúc tôi cảm giác mình bị trói buộc bởi tội lỗi. Những khi tôi bị áp lực từ kẻ thù và cảm thấy mình thiếu sự ăn năn, tôi mở Kinh Thánh Thi Thiên 51 khi vua Đa-vít xưng tội với Chúa. Tôi đọc đoạn Thi Thiên này và xưng tội với Chúa. Nếu bạn muốn biết ý Chúa thì hãy đặt mình vào đoạn Kinh Thánh và trình dâng nhu cầu của mình cho Chúa.
Nhiều Cơ Đốc nhân có cái nhìn thiển cận về Đức Chúa Trời. Họ dường như nghĩ rằng Chúa muốn úp úp mở mở với họ về ý của Ngài. Thực ra Chúa yêu thương luôn muốn chúng ta biết ý của Ngài. Ngài bày tỏ điều đó trong Kinh Thánh. Tôi khuyến khích bạn làm việc này: đừng bao giờ cầu nguyện mà không có quyển Kinh Thánh trong tay.
Cầu nguyện và Kinh Thánh giống như hai cánh máy bay. Bạn sẽ không tới được đích đến nếu chỉ có một trong hai điều này. Đích đến của bạn là phân biệt Chúa muốn bạn làm gì trong hoàn cảnh này.
Cha thiên thượng của chúng ta muốn chúng ta nghe lời của Ngài nên bạn hãy đọc Kinh Thánh khi tĩnh nguyện với Chúa. Làm sao tôi biết được điều này? Là một người cha có hai con trai và ông nội của 7 cháu nội, tôi muốn nghe các con và các cháu của tôi nói “Ba biết không? Ông nội biết không? Ông đã nói rằng…” Một người cha hoặc một người ông yêu thương sẽ không thay đổi điều đã nói cho con cháu của mình. Lời phán của Đức Chúa Trời không có sự sai lầm. Kinh Thánh là quyển sách phù hợp nhất cho thế giới chúng ta hiện nay. Những lời của Ngài phán trong quyển sách này dành cho mọi lứa tuổi, mọi dân tộc.
Bạn đã cầu nguyện theo ý Chúa chưa? Để trả lời câu hỏi bạn cần trả lời một câu hỏi khác đó là bạn đã cầu nguyện theo lời Kinh Thánh chưa? Khi bạn cầu nguyện theo lời Kinh Thánh thì bạn đang cầu nguyện theo ý của Chúa. Khi điều này xảy ra thì sự cầu nguyện của bạn có thêm sức mạnh như nhận được sức mạnh từ thiên thượng.
Hãy dành thời gian để đọc lời Chúa. Hãy đọc toàn bộ Kinh Thánh vì điều đó sẽ thay đổi sự cầu nguyện, suy nghĩ và cả cuộc đời bạn.
Câu hỏi 2: Có Phải Lúc Nào Chúng Ta Cũng Biết Được Ý Chúa Không?
Có nhiều lúc, trong một hoàn cảnh nào đó bạn hoàn toàn không biết được ý Chúa muốn như thế nào. Điều đó không có nghĩa là bạn sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng thuộc linh. Thay vào đó, đừng vội vã quyết định về vấn đề bạn đang suy nghĩ. Sứ đồ Phao-lô đã từng trải việc này ông nói với Hội Thánh ở Rô-ma rằng: “Trong mọi khi tôi cầu nguyện thường xin Đức Chúa Trời, bởi ý muốn Ngài, sau lại có thể gặp dịp tiện đi đến nơi anh em” (Rô-ma 1:10).
Phao-lô muốn đi tới Thành Rô-ma nên nhiều lần ông cầu xin Chúa cho phép ông đi đến nơi này. Hãy để ý đến cách Phao-lô cầu nguyện về việc này. Tôi sẽ diễn giải theo cách tôi nghĩ Phao-lô đã cầu nguyện: “Chúa ơi, con đã cầu xin Chúa nhiều lần về việc đi tới thành Rô-ma. Con rất muốn đi. Nếu Chúa đáp lời cầu xin thì con rất biết ơn Chúa. Tuy nhiên, con chỉ muốn đi nếu Chúa muốn con đi.” Nói một cách khác, ông đang nói với Chúa con không muốn đi tới Rô-ma trừ phi Chúa thật sự muốn con đi. Con cầu nguyện là Chúa sẽ cho con đi.
Bạn có bao giờ cầu nguyện như thế này chưa? Tôi tin rằng cầu nguyện như thế này không có gì là sai bởi vì nền tảng vẫn là ý của Chúa, không phải theo ý của bạn. Mặc dù, bạn có mong muốn riêng của mình. Có thể bạn đang phân vân về công việc mà bạn muốn nhận, hoặc bạn muốn được lên chức. Hãy tìm biết ý muốn của Chúa về những vấn đề này. Nếu Ngài không phán với bạn qua lời Kinh Thánh thì hãy đến với Ngài và cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, con rất muốn nhận được công việc này hoặc con rất muốn được lên chức.”
Trong lời cầu nguyện, hãy đặt trọn niềm tin cậy nơi Chúa chứ không dựa vào sức của mình nên hãy thêm những lời này. “Chúa ơi, nếu công việc hoặc vị trí mới không nằm trong ý của Chúa thì hãy giúp con không còn ham muốn điều này nữa. Nếu không phải là ý Chúa, xin đừng để con quyết định bước vào con đường này.”
Nếu bạn thật lòng muốn tìm kiếm Chúa và ý của Ngài thì Ngài sẽ thành tín để bày tỏ điều đó cho bạn. Bạn sẽ học cách bước đi bằng đức tin trong quá trình tìm hiểu ý Chúa.
Những lúc bạn không hiểu Chúa muốn bạn làm gì thì đừng ngần ngại cầu nguyện giống như Phao-lô. Hãy nói rằng, Lạy Chúa, nếu Chúa muốn con làm điều này thì con sẽ làm, hoặc lạy Chúa con thích làm điều này nhưng con chỉ muốn làm nếu đó là ý của Ngài. Chúa sẽ luôn đáp lời người cầu xin Ngài với trọn tấm lòng.
Câu hỏi 3: Nếu Ý Chúa Đã Định Như Vậy, Tại Sao Chúng Ta Cần Phải Cầu Nguyện?
Chúa là Đấng toàn năng. Ngài có thể làm bất cứ điều gì Ngài muốn nhưng đồng thời sự tự do chọn lựa của bạn có thể không giống như ý Chúa. Mặc dù vậy, Chúa có thể thay đổi hoàn cảnh trong cuộc sống để chuyển hướng để ý của bạn trở nên giống như ý của Ngài. Bạn hỏi: “Vậy tại sao tôi phải cầu nguyện nếu ý Chúa đã là như vậy?”
Có hai lý do bạn cần phải cầu nguyện. Thứ nhất Chúa muốn bạn cầu nguyện trong mọi hoàn cảnh. Ngài muốn bạn dành thời gian với Ngài và giải bày những vấn đề trong cuộc đời bạn. Hãy nhớ Chúa muốn bạn có một mối tương giao với Ngài và bạn kinh nghiệm được điều này qua việc đọc Kinh Thánh và cầu nguyện với Chúa.
Lý do thứ hai là chúng ta cần cầu nguyện là vì đức tin được xây dựng trên lòng tin cậy Chúa. Khi bạn thấy Chúa đáp lời thỉnh cầu của mình thì lòng tin nơi Chúa của bạn được gia tăng.
Lời cầu nguyện của bạn có thể không làm Chúa lay chuyển nhưng sự cầu nguyện sẽ đem bạn đến gần Chúa hơn. Sự cầu nguyện sẽ làm bạn thay đổi. Ý muốn của bạn có thể sẽ được thay đổi trở nên giống như ý Chúa. Trong sự cầu nguyện, bạn ở vào vị trí nhận lãnh những điều gì Chúa muốn cho cuộc đời bạn. Chúa có thể đáp ứng nhu cầu của bạn nhiều hơn khi bạn cầu nguyện.
Ngài muốn bạn nói chuyện với Ngài, nương dựa vào Ngài và biết rằng ngoài Ngài thì bạn không làm gì được. Với suy nghĩ đó, bạn sẽ hạ mình và đợi chờ Chúa hành động. Qua sự cầu nguyện, Đức Chúa Trời xây đắp một mối quan hệ vững chắc với anh chị em. Đức tin của chúng ta tăng lên khi thấy Chúa hành động trong đời sống. Vì thế, sự cầu nguyện thể hiện lòng vâng phục Chúa. Chúa luôn muốn chúng ta vâng lời Ngài và nói chuyện với Ngài trong sự cầu nguyện.
Chúng ta cần cầu nguyện là vì đức tin được xây dựng trên lòng tin cậy Chúa. Khi bạn thấy Chúa đáp lời thỉnh cầu của mình thì lòng tin nơi Chúa của bạn được gia tăng.
Cái Nhìn Tâm Linh Về Sự Cầu Nguyện
Kinh Thánh nói Chúa muốn bạn cầu nguyện. Bạn cầu nguyện với mục đích tương giao với Chúa chứ không phải để được một điều gì đó bạn muốn hoặc nghĩ là bạn cần. Tôi muốn chia sẻ với bạn một suy nghĩ để giúp đưa đề tài này đến chỗ kết luận thích hợp đó là bạn cần cầu nguyện nhưng Chúa sẽ quyết định khi nào Ngài sẽ trả lời.
Trải Nghiệm Của Tôi
Khi tôi chuẩn bị tốt nghiệp thạc sĩ thần học từ Đại Chủng Viện và chuẩn bị học tiếp bằng tiến sĩ, tôi được mời đến giảng tại một hội thánh. Hội Thánh này ngỏ ý muốn mời tôi làm mục sư quản nhiệm. Đây là một hội thánh mới nằm trong khu đô thị của một thành phố lớn ở Texas. Tôi ao ước được cống hiến trọn đời mình phục vụ hội thánh đó.
Mọi sự diễn ra tốt đẹp khi tôi giảng tại Hội Thánh này. Trên đường ra sân bay, người lãnh đạo của ban tìm mời mục sư gọi điện thoại cho tôi và nói rằng tôi cần phải có được 95% số phiếu mới có thể được làm quản nhiệm. Điều này làm tôi lo lắng bởi vì tôi nghĩ ở nhà thờ nào chắc cũng chỉ có Chúa Giê-su mới có thể có được số phiếu ấy. Cộng thêm vào đó, nhà thờ ấy đợi tới Chúa Nhật tuần sau để tổ chức cuộc bỏ phiếu. Chúng tôi nóng lòng đợi chờ để nghe kết quả của cuộc bỏ phiếu.
Buổi chiều Chúa Nhật sau đó, tôi nhận được điện thoại từ trưởng ban tìm mời mục sư. Ông nói với tôi là mặc dù tuần trước mọi việc có vẻ tốt đẹp, nhưng tôi đã không nhận đủ 95% phiếu bầu. Ông và tôi rất buồn. Vợ tôi cũng buồn.
Chức vụ của tôi dường như sụp đổ. Tôi buồn vì Hội Thánh này không bầu tôi. Trong một thời gian dài tôi không thể tập trung làm công việc tại Hội Thánh của mình. Tuy vậy, Chúa biết điều gì tốt nhất cho chúng ta.
Sau một thời gian, Chúa giúp tôi tỉnh táo trở lại, rịt lành vết thương trong lòng và nâng đỡ tinh thần của tôi. Trong lúc tôi đang học để lấy bằng tiến sĩ thì Chúa gọi tôi tới Hội Thánh Báp-tít đầu tiên của thành phố Palacios, Texas. Đây là một trong những hội thánh tôi hết lòng yêu mến. Chúa bày tỏ quyền năng của Ngài tại Hội Thánh này và trong 3 năm số người Ta tham dự tăng lên gấp ba lần. Ngài đã dùng chức vụ của tôi tại đó để thay đổi và chuẩn bị tôi cho tương lai. Những ảnh hưởng đó vẫn còn sống động cho đến ngày hôm nay.
Hãy để ý đến điều này: Chúa đã không cho phép tôi bước vào điều mà ban đầu tôi đã cầu nguyện và nghĩ rằng đó là ý muốn của Chúa dành cho tôi. Nhưng trong thời điểm và ý của Ngài, Chúa cho tôi một hội thánh tuyệt vời. Hội thánh này không những đã làm thay đổi cuộc đời mà luôn cả chức vụ của tôi. Tôi đã kinh nghiệm được phước hạnh của Chúa khi tôi tin cậy và sống trong sự dẫn dắt của Ngài.
Thật tuyệt vời nếu chúng ta nhìn thấy rõ 20/20 mọi điều sẽ xảy ra trong đời sống mình, nhưng điều đó sẽ lấy đi đức tin và niềm vui trong hành trình cầu nguyện. Cho dù hoàn cảnh hiện tại của bạn có như thế nào, bạn hãy tin cậy vào sự toàn tri của Chúa. Ngài có câu trả lời tốt nhất cho đời sống của bạn mặc dù điều này có thể không phải là câu trả lời bạn mong đợi trong lúc đó.
Đức Chúa Trời muốn bạn cầu nguyện. Ngài sẽ quyết định khi nào sẽ trả lời và trả lời như thế nào. Bạn sẽ kinh nghiệm được niềm vui trong Chúa khi bạn biết Chúa đang bảo vệ bạn. Trong lúc bạn không biết điều gì là tốt nhất cho mình thì Ngài đã có câu trả lời đó.
Hãy tập cầu nguyện theo ý Chúa ngay từ hôm nay. Anh chị em hãy tìm kiếm ý Chúa. Chính Chúa ban cho chúng ta chìa khóa để mở cửa những kho báu Ngài dành cho bạn khi bạn cầu nguyện theo ý Ngài.
Bản Dịch Việt Ngữ: Mục Vụ Cầu Nguyện Phấn Hưng
Thư Viện Tin Lành (2024)
www.thuvientinlanh.org