Cầu Nguyện: Xây Dựng Mối Liên Hệ Mật Thiết Với Chúa – Phần 10
Sáu Nguyên Tắc Để Có Giờ Tương Giao Với Chúa
Ưu tiên số một trong đời sống của một người theo Chúa là tương giao với Chúa mỗi ngày. Đây là điều phải làm ngay cả khi bạn không làm được việc gì khác. Đừng hạ thấp giá trị của việc gặp gỡ Chúa hằng ngày.
Giờ tâm giao với Chúa mỗi ngày là cần thiết để sống một đời sống đắc thắng. Vì thế chúng ta cần học hỏi từ những Cơ Đốc nhân được biết đến như một chiến binh cầu nguyện. Khi bạn gặp một tín hữu mà bạn rất kính trọng, hãy hỏi họ điều gì giúp cho anh chị em tương giao mật thiết với Chúa mỗi ngày.
Tôi không cho mình là một Cơ Đốc nhân mạnh mẽ. Thực ra tôi luôn tò mò muốn biết những Cơ Đốc nhân khác, nhất là những người ở vị trí lãnh đạo, dành thời gian tĩnh nguyện với Chúa như thế nào. Tôi là một người muốn học hỏi và tôi biết mình cần phải học nhiều hơn nữa.
Tuy nhiên, tôi biết rằng Chúa đã dạy tôi vài điều về việc đồng hành với Chúa mỗi ngày. Tôi muốn chia sẻ với bạn 6 nguyên tắc đã giúp tôi trong giờ tĩnh nguyện hàng ngày.
- Biệt Riêng Thời Gian Tĩnh Nguyện
Như đã đề cập trong phần giới thiệu, nhiều năm trước, Chúa đã dạy tôi tầm quan trọng của việc tương giao với Ngài. Trước đó, tôi đã có ước muốn được biết cách trò chuyện với Chúa hàng ngày. Thật sự là tôi không nhớ ngày nào mà tôi không bắt đầu bằng giờ tĩnh nguyện với Chúa.
Có thể không phải lúc nào giờ tĩnh nguyện cũng được sâu đậm như chúng ta mong muốn. Có những lúc thời gian mà vợ chồng tôi dành cho nhau không thỏa lòng như mong muốn. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi không cần nhau. Điều đó không có nghĩa là chúng ta không cần dành thời gian đến với Chúa. Có lúc tôi nghĩ rằng nhiều người tránh né giờ tĩnh nguyện bởi vì kết quả không được như ý muốn.
Nguyên tắc thứ nhất để có giờ tĩnh nguyện hàng ngày là phải dành thời gian để gặp Chúa. Đó là cuộc hẹn quan trọng nhất và bạn phải cố gắng giữ giờ này mỗi ngày.
Hãy tự hỏi chính mình giờ nào bạn muốn gặp Chúa mỗi ngày cho đến hết cuộc đời này. Vì đây là ưu tiên hàng đầu trong đời sống của một môn đồ của Chúa Giê-su, tôi tin rằng giờ tương giao với Chúa phải diễn ra trước những sự kiện khác trong ngày của bạn, như lên mạng, kiểm tra điện thoại, thư điện tử, xem tivi, kiểm tra mạng xã hội và đọc báo mỗi ngày. Tương giao với Chúa là bước đầu dẫn tới một mối liên hệ lành mạnh với Chúa. Vì thế thứ tự ưu tiên trong ngày của bạn phải phản ánh điều này. Bạn sẽ mở đường cho sự tấn công của kẻ thù khi bạn làm công việc nhà hoặc đi làm hoặc tới trường mà thiếu đi thời gian tĩnh nguyện với Chúa.38 | SỰ CẦU NGUYỆN
Bạn cần phải quyết tâm giữ giờ tĩnh nguyện với Chúa. Đối với tôi thời điểm này bắt đầu từ lúc tôi rửa mặt để chuẩn bị cho giờ tình nguyện này. Cho dù là một ngày bình thường hay là một ngày nghỉ thì tôi vẫn dành cho Chúa thời gian tốt nhất trong ngày của mình. Đó là điều đầu tiên tôi làm mỗi ngày.
Từ Chúa Nhật đến thứ Năm hàng tuần, tôi gặp gỡ Chúa trong giờ tĩnh nguyện lúc 3 giờ sáng. Nếu phải đi công tác ở múi giờ khác thì thời gian sẽ thay đổi một chút nhưng giờ tĩnh nguyện vẫn là điều tôi làm đầu tiên trong ngày.
Vào thứ Sáu, là ngày nghỉ của tôi hoặc những buổi đi nghỉ dưỡng, tôi cũng bắt đầu một ngày của mình với Chúa lúc 6:00 sáng.
Có bạn sẽ phản đối là “tôi không thức dậy sớm được.” Bạn có thể ngạc nhiên nhưng tôi cũng không phải là người có thói quen thức dậy sớm. Nếu bạn không thể dậy sớm được thì cũng hãy sắp xếp để giờ tĩnh nguyện là điều đầu tiên bạn làm trong ngày. Tương giao với Chúa cho thấy bạn nhờ cậy Chúa. Không tương giao với Chúa cho thấy bạn dựa vào sức riêng.
Bạn phải dành thời gian để tĩnh nguyện nếu bạn muốn cầu nguyện hiệu quả, tức là nói chuyện với Chúa và lắng nghe Ngài. Tôi biết có nhiều người tĩnh nguyện ở giữa ngày hoặc vào buổi tối nhưng tôi vẫn muốn khuyến khích bạn hãy bắt đầu một ngày của mình với Chúa bạn có thể nói chuyện với Chúa ngắn gọn, nhưng điều quan trọng hơn là hãy lắng nghe Chúa phán qua đoạn Kinh Thánh bạn đọc mỗi ngày.
Một cách bạn có thể làm cho giờ tĩnh nguyện với Chúa trở nên đặc biệt đó là coi trọng giờ phút này. Hãy bắt đầu ngày mới của mình với Chúa.
- Một Nơi Dành Riêng Cho Giờ Tĩnh Nguyện
Bạn có thể không nhớ ngày giờ Chúa chạm đến đời sống bạn nhưng bạn sẽ nhớ nơi bạn đầu phục Chúa và xin Ngài làm Chúa Cứu Thế của mình. Tôi nhớ rõ nơi tôi ăn năn tội và đặt trọn đức tin của mình nơi Chúa Cứu Thế Giê-su.
Chúa quan tâm đến địa điểm. Xuyên suốt Kinh Thánh, chúng ta nhiều lần đọc thấy Chúa hành động và nơi diễn ra những điều này thường là một nơi quan trọng.
Nếu bạn muốn có một thời gian đặc biệt mỗi ngày với Chúa thì hãy tìm cho mình một chỗ đặc biệt. Đây là chỗ bạn muốn có sự riêng tư. Ở chỗ ít xao lãng thì bạn sẽ nói chuyện với Chúa dễ dàng hơn.
Tôi tĩnh nguyện mỗi ngày trong phòng làm việc tại nhà. Đây là chỗ đặc biệt và riêng tư của tôi với Chúa. Tại đây, Chúa đến gần với tôi, Ngài phán với tôi qua lời của Ngài. Ngài đỡ tôi dậy khi tôi ngã lòng. Ngài chữa lành khi tôi bị tổn thương. Căn phòng này đặc biệt không phải vì chiếc ghế, vì màu sơn trên tường hay là tấm kính cửa đẹp. Điều làm cho căn phòng này đặc biệt chính là đây là nơi Chúa tâm giao với tôi.
Đâu là nơi đặc biệt để bạn gặp gỡ Chúa mỗi ngày? Không nhất thiết phải là một căn phòng. Chỗ đó có thể là một cái ghế cũ bên cạnh một cái đèn. Chỗ đó có thể lo một cái bàn trong nhà bếp hoặc có thể là phòng ngủ của bạn. Đối với một số người thì chỗ đó là cái ghế ở sân sau.
Nơi nào bạn gặp Chúa thì nơi đó là một chỗ đặc biệt. Hàng ngày hãy đến với Ngài tại một chỗ để biến nơi này thành một nơi đặc biệt. Đây là nơi bạn có thể nương náu, một nơi riêng tư để bạn tâm giao với Ngài.
- Lên Kế Hoạch Đặc Biệt
Nếu bạn không lên kế hoạch để gặp Chúa và cầu nguyện thì có thể bạn sẽ không làm điều gì cả. Hãy lên kế hoạch cho giờ tĩnh nguyện của mình.
Là một Cơ Đốc nhân, mỗi ngày là một trận đấu. Không có ngày nghỉ. Để chuẩn bị sẵn sàng cho trận đấu thì bạn cần lên kế hoạch và giữ kế hoạch gặp Chúa mỗi ngày.
Khi tôi còn là một tân tín hữu, tôi đọc được một quyển sách hướng dẫn cầu nguyện. cuốn sách này đã giúp tôi rất nhiều trong những năm đầu theo Chúa. Lần hồi tôi bắt đầu sử dụng bài Cầu Nguyện Chúa Dạy để làm kế hoạch cầu nguyện cho mình. Trải qua nhiều năm, tôi dùng nhiều lịch cầu nguyện, và sau đó tôi tìm được một lịch cầu nguyện thích hợp cho tôi.
Hãy nhớ là nếu bạn không lên kế hoạch cầu nguyện thì bạn sẽ không cầu nguyện. Để có được một đời sống cầu nguyện hiệu quả, bạn phải có kế hoạch để gặp Chúa mỗi ngày.
Tôi tin tưởng vào việc gặp Chúa Giê-su mỗi ngày vào một giờ đặc biệt ở một nơi đặc biệt, và bạn cần lên kế hoạch để có mặt ở nơi đó.
- Một Quyển Sách Đặc Biệt
Quyển sách đặc biệt mà bạn cần phải đọc bao gồm 66 quyển sách nhỏ. Quyển sách này chứa đựng hàng ngàn lời hứa của Chúa dành cho bạn. Đây là quyển sách có tầm quan trọng vô cùng to lớn đến nỗi nhiều người đã hy sinh vì thông điệp chứa trong đó. Quyển sách này không phải do con người viết mà do Chúa viết. Thượng Đế vĩ đại đã hà hơi cho sự hình thành của quyển sách này; vì vậy, đây là một Quyển Sách Tuyệt Hảo.
Quyển sách đó là Kinh Thánh. Đây là một quyển sách không thể thiếu trong đời sống bạn. Hàng ngày bạn cần phải đọc, học và ghi nhớ những điều được ghi chép trong quyển sách này. Chúng ta cần phải hiểu rằng Kinh Thánh là chân lý thánh khiết và không sai trật của Đức Chúa Trời. Điều được viết trong Lời Chúa chính là lời phán của Chúa, và từng lời phán của Ngài đều có mục đích.
Bạn không thể có giờ tĩnh nguyện ý nghĩa với Chúa mà không đọc Kinh Thánh, bởi vì Chúa phán với bạn qua lời Kinh Thánh. Đó là bức thư yêu thương mà Chúa gửi đến cho bạn. Lời Chúa là ngọn đèn cho chân của chúng ta và là ánh sáng cho đường đi của chúng ta. Vì vậy, hãy đọc và suy gẫm Kinh Thánh mỗi ngày để nhận được sự hướng dẫn này.
Hãy nhớ là nếu bạn không lên kế hoạch cầu nguyện thì bạn sẽ không cầu nguyện. Để có được một đời sống cầu nguyện hiệu quả, bạn phải có kế hoạch để gặp Chúa mỗi ngày.
Bạn cần có một kế hoạch đọc Kinh Thánh hàng ngày và hàng năm. Trong nhiều năm, tôi sử dụng chương trình đọc Kinh Thánh Trong Một Năm (The One Year Bible). Tôi rất thích bởi vì chương trình này giúp chúng ta đọc Kinh Thánh theo hệ thống mỗi ngày thay vì đọc một cách không hệ thống và hy vọng nhận được một điều gì đó Chúa muốn dạy dỗ chúng ta. Nếu bạn muốn có một thời gian tĩnh nguyện ý nghĩa với Chúa mỗi ngày thì hãy đọc Kinh Thánh xuyên suốt trong một năm.
Tôi đã đọc trọn Kinh Thánh ít nhất 28 lần. Từ năm 1990 tôi bắt đầu đọc trọn Kinh Thánh hằng năm. Tôi không dùng chương trình đọc Kinh Thánh trọn năm nữa nhưng soạn riêng cho mình một thời khóa biểu đọc khác. Thường là vào khoảng tháng 9 hay tháng 10, tôi hoàn tất toàn bộ Kinh Thánh. Sau đó tôi đọc lại Tân Ước và những phân đoạn mà Chúa hướng dẫn tôi đọc.
Hãy đọc lời Chúa mỗi ngày. Đọc cách chậm rãi. Mục tiêu không phải là đọc cho xong mà là lắng nghe điều Chúa muốn nói với mình qua lời Kinh Thánh. Tôi hứa với bạn lời Chúa trong Kinh Thánh có quyền năng thay đổi cuộc đời bạn. Hãy đọc Kinh Thánh mỗi ngày trong giờ bạn tương giao với Chúa.
- Một Lá Thư Đặc Biệt
Vào ngày 1 tháng 1 năm 1990, tôi bắt đầu làm một việc và kỷ luật thuộc linh này có ảnh hưởng sâu đậm đến hành trình của tôi với Chúa Giê-su. Tôi đã không bỏ lỡ ngày nào. Điều này đã đem lại cho tôi phước hạnh và ảnh hưởng tới đời sống tôi một cách đặc biệt, vì nó giúp tôi ghi lại những trải nghiệm trong hành trình theo Chúa mỗi ngày.
Ở cuối mỗi giờ tĩnh nguyện, tôi viết một lá thư cho Chúa. Lá thư này bắt đầu bằng chữ “Lạy Cha yêu dấu…” Trong lá thư này tôi muốn làm hai điều: thứ nhất tôi viết lại điều tôi cảm thấy Chúa phán với tôi qua lời của Ngài. Thứ hai, tôi viết xuống những điều chất chứa trong lòng mình khi tôi cầu nguyện.
Việc ghi chép này quan trọng vì bạn ghi xuống những gánh nặng trong lòng của bạn và bạn biết rằng bạn đã trình cho Chúa.
Lá thư đặc biệt này trở nên một thước phim tài liệu về đời sống tâm linh của bạn. Khi bạn có thời gian đọc lại những lá thư này, bạn sẽ thấy được việc Chúa làm trong đời sống. Viết lại cũng nhắc bạn nhớ đến những thời điểm đặc biệt khi bạn giao phó gánh nặng của mình cho Chúa.
Vì tôi đã ghi lại hành trình theo Chúa của mình từ năm 1990 cho nên tôi có thể nhìn lại và thấy Chúa đã đưa tôi qua những thử thách trong cuộc đời. Chẳng hạn như khi Jeana bị ung thư, khi con chúng tôi gặp phải khó khăn, đến những vấn đề tôi phải đối diện trong Hội thánh và với tư cách là Chủ Tịch của Giáo Hội Báp-tít Nam Phương, hoặc sau này là những thách thức khi nhận trách nhiệm của Giám Đốc Ngày Cầu nguyện Quốc gia, hay đơn giản là những thử thách trong hành trình với Chúa mỗi ngày.
Bạn có nhận ra lợi ích của nhật ký tĩnh nguyện không? Nhật ký sẽ giúp đức tin bạn tăng trưởng vì bạn biết rằng Chúa đã chăm sóc bạn. Bạn biết rằng Ngài cũng sẽ giúp bạn vượt qua khó khăn.
Hãy tập viết thư cho Chúa. Bạn có thể viết vào một cuốn tập hoặc một quyển sổ hoặc trên mạng. Mặc dù tôi thường xuyên đánh máy bằng máy vi tính xách tay hoặc iPad hoặc điện thoại, nhưng đối với nhật ký tĩnh nguyện, tôi vẫn viết tay. Tôi cảm thấy được tự do khi viết tay và sau khi đóng sổ lại thì đó như là một lời báo hiệu “con đã trình dâng cho Chúa.”
Cho dù bạn chọn phương cách nào hãy bắt đầu viết thư cho Chúa mỗi ngày. Qua thời gian, tôi tin rằng bạn sẽ thấy đây là một trong những điều ảnh hưởng nhất mà bạn đã làm trong kế hoạch phát triển tâm linh.
6. Một Mục Tiêu Đặc Biệt
Người ta nói rằng để hình thành một thói quen thì bạn cần một việc gì đó liên tục trong 21 ngày. Điều này đúng đối với kế hoạch kiêng ăn, kế hoạch tập thể dục hoặc một kỷ luật thuộc linh.
Hãy mong muốn biến giờ tĩnh nguyện thành một thói quen trong đời sống. Bạn không thể sống đời sống Cơ Đốc nhân mà không có thói quen này. Thói quen quan trọng nhất trong đời sống là tương giao hàng ngày với Chúa.
Bạn có tin rằng Chúa có thể giúp bạn tương giao với Ngài mỗi ngày không? Hãy quyết tâm làm điều đó mỗi ngày trong 21 ngày liền. Hãy đánh dấu vào tờ lịch và đừng để điều gì lấy đi ưu tiên của giờ tĩnh nguyện. Đây là điều Chúa muốn bạn thực hiện. Ngài sẽ giúp bạn giữ cam kết này. Hãy bắt đầu ngay bây giờ trong lúc bạn đang đọc quyển sách này.
Hãy nhớ ưu tiên thứ nhất trong đời sống của một người theo Chúa là dành thời gian hàng ngày cho Ngài. Chúa Giê-su đang chờ để gặp gỡ bạn. Hãy làm điều đó ngay.
Hãy lên kế hoạch để biệt riêng thời gian với Chúa hàng ngày. Luôn luôn có mục tiêu trong đầu. Ví dụ, khi bắt đầu hành trình này hãy xem bạn cần bao lâu để đọc hết một đoạn Kinh Thánh, cầu nguyện rồi viết một lá thư cho Chúa. Anh chị em không cần so sánh mình với ai. Chỉ cần làm theo tốc độ của mình và tăng trưởng từ đó.
Bản Dịch Việt Ngữ: Mục Vụ Cầu Nguyện Phấn Hưng
Thư Viện Tin Lành (2024)
www.thuvientinlanh.org