Cầu Nguyện: Xây Dựng Mối Liên Hệ Mật Thiết Với Chúa – Phần 5
CHƯƠNG 2
Vì Sao Cơ-đốc nhân Không Cầu Nguyện?
Một trong những cuộc đua gay go nhất trong môn chạy bộ là chạy 400 m. Nếu bạn không quen thuộc với cuộc đua này thì chạy 400 m là chạy một vòng xung quanh sân vận động. Khi thi chạy quãng đường 400 m, vận động viên phải chạy nhanh hết mình. Chỉ những vận động viên mạnh mẽ có ý chí kiên cường và thể lực khỏe mạnh mới có thể thắng được cuộc đua này.
Điều quan trọng để thắng cuộc chạy đua 400 m, bạn phải chạy nhanh giống như khi bắt đầu. Vì vậy, mỗi vận động viên phải đối diện với một thách thức đó là phải giữ sức khỏe tốt nhất trong suốt cuộc thi. Những vận động viên có thể trạng yếu sẽ không thể bắt kịp những người có sự chuẩn bị tốt hơn về mặt thể lực. Vận động viên ấy có thể chạy dẫn đầu trong 100 m đầu tiên nhưng chỉ vài giây sau sẽ bị tụt lại phía sau.
Một trong những thách thức lớn nhất của đời sống theo Chúa là chạy đua với nhiệt huyết mà chúng ta có khi chúng ta bắt đầu hành trình theo Chúa. Chúng ta thiếu năng lượng trong lúc chạy đua bởi vì tâm linh chúng ta bị yếu đuối. Chúng ta chạy rất nhanh khi mới bắt đầu nhưng từ từ sẽ bị tụt lại phía sau. Có lúc chúng ta bị lệch hướng và không còn ở trên con đường dẫn tới đích đến.
Trong quyển sách tôi viết gần đây có nhan đề Sống Khỏe, có đoạn như sau về việc về sức khỏe tâm linh: “Khi đời sống tâm linh của bạn đi xuống thì toàn bộ cuộc sống của bạn cũng đi xuống.” Cầu nguyện là đàm thoại với Chúa. Học cách cầu nguyện là cách để có một đời sống tâm linh khỏe mạnh. Đời sống cầu nguyện của bạn sẽ ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong đời sống nói chung.
Một trong những lĩnh vực yếu kém trong đời sống của nhiều Cơ Đốc nhân là lĩnh vực cầu nguyện. Đã bao nhiêu lần bạn nói bạn muốn học cách cầu nguyện hiệu quả và trở nên một chiến sĩ cầu nguyện? Có nhiều người có ý định tốt này nhưng họ đã không hoàn tất thành công cuộc đua. Lúc mới bắt đầu, họ có sự cam kết tốt, nhưng lần hồi sự nóng cháy không còn nữa. Thậm chí nhiều lúc sự cam kết cũng không còn. Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải quyết tâm kỷ luật bản thân trong đời sống cầu nguyện.
Một nghịch lý mà chúng ta thấy, đó là kỷ luật quan trọng nhất giúp chúng ta hoàn tất cuộc đua là sự cầu nguyện, đồng thời đây cũng là thách thức lớn nhất trong đời sống của một người tin Chúa.
Một ví dụ là chúng ta biết xe không thể chạy nếu không có xăng, nhưng chúng ta cũng phải trả một khoản tiền để mua được xăng. Không phải lúc nào bình xăng xe cũng có đầy nhiên liệu. Nếu không mua xăng, kết quả là xe không thể vận hành. Chúng ta phải trả một cái giá để có được nhiên liệu nếu chúng ta muốn lái xe đi đây đi đó.
Bạn có thấy mình đang trải nghiệm điều tương tự không? Chẳng hạn như đôi lúc bạn không muốn cầu nguyện, bởi vì cầu nguyện không phải là dễ. Kết quả là bạn có ít, hoặc thậm chí không có, sức mạnh tâm linh. Bạn sống một đời sống thuộc linh thất bại. Khi mọi sự trở nên quá khó khăn, bạn lại nỗ lực tìm cách cầu nguyện, vì bạn biết bản thân không thể tự xoay xở một mình.
Trước khi chúng ta tìm hiểu tại sao Cơ Đốc nhân không cầu nguyện, tôi muốn bạn nắm vững hai điều quan trọng về sự cầu nguyện:
- Sự cầu nguyện xảy ra khi bạn nhờ cậy Chúa.
- Sự thiếu cầu nguyện xảy ra khi bạn dựa vào sức riêng của mình.
Bạn hãy đọc lại hai câu này và cố gắng học thuộc hai điểm quan trọng này. Sự cầu nguyện xảy ra khi bạn nhờ cậy Chúa. Sự thiếu cầu nguyện xảy ra khi bạn dựa vào sức riêng của mình.
Người ta có thể đưa ra hàng ngàn lý do tại sao họ không cầu nguyện. Cho dù bạn có viện cớ gì đi nữa, thì lý do lớn nhất đó là con người dựa vào sức riêng của mình. Sự thiếu cầu nguyện luôn luôn là kết quả của sự ích kỷ.
Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta có một trải nghiệm mới mẻ, khi Thánh Linh của Ngài thúc đẩy chúng ta cầu nguyện đều đặn và hiệu quả. Nhu cầu lớn nhất và hy vọng duy nhất để chúng ta có thể gây ảnh hưởng lâu dài cho danh Chúa là học cách cầu nguyện cách có hiệu quả.
Cầu nguyện không phải là một chọn lựa, nhưng là một điều thiết yếu. Nếu bạn nghiêm túc về đức tin của mình, thì chắc chắn sự cầu nguyện phải là một phần quan trọng trong kinh nghiệm theo Chúa của bạn.
Nhiều người chỉ đến với sự cầu nguyện khi không còn con đường nào khác. Điều đó không đúng. Cầu nguyện phải là việc làm quan trọng nhất của bạn.
Nếu bạn muốn học cách trở nên một chiến sĩ cầu nguyện kiên trì, bạn phải biết đâu là trở ngại của mình. Bên cạnh việc tự tin vào sức của mình, dưới đây là những lý do khác đưa đến việc thiếu cầu nguyện.
Bốn Lý Do Cơ Đốc Nhân Không Cầu Nguyện
Tôi tin rằng có bốn lý do chính vì sao Cơ Đốc nhân không cầu nguyện. Trong chương này tôi sẽ trình bày bốn lý do và sự xuất hiện của chúng.
Lý Do 1: Cơ Đốc nhân Không Cầu Nguyện Vì Lòng Tự Cao
Vào một sáng sớm Chúa Nhật, một lần nữa Chúa đã đánh tan lòng tự cao của tôi. Lúc ấy, tôi đang trong những ngày cuối của một kỳ kiêng ăn cầu nguyện kéo dài 40 ngày. Đêm thứ Bảy hôm đó, tôi không ngủ được. Điều đó không tốt cho một mục sư. Tôi có cảm giác là Chúa muốn tôi cầu nguyện nên làm tôi không ngủ được. Vừa quá nửa khuya, tôi đứng dậy và bước vào phòng khách.
Tôi nằm dài trên sàn nhà mở Kinh Thánh và quyển nhật ký cầu nguyện. Tôi hỏi Chúa rằng Ngài muốn phán điều gì với tôi. Tôi biết Chúa muốn nói điều gì đó. Trong hơn 30 ngày tôi đã có giờ tĩnh nguyện với Chúa trong sự kiêng ăn và cầu nguyện. Chắc chắn là những tội lỗi của tôi đã được phơi bày; nhưng tôi không biết rằng Chúa sắp làm tôi thức tỉnh về một điều quan trọng hơn cả. Chúa nhắc tôi mở ra trong sách Ê-sai và đập vào mắt tôi là Ê-sai 57:15: “Vì Đấng cao quý, Đấng ngự nơi vĩnh hằng và danh Ngài là thánh, phán như vầy: ‘Ta ngự nơi cao cả và thánh khiết. Nhưng cũng ở cùng người có tâm thần ăn năn và khiêm tốn, Để phục hồi sức sống cho người có tâm thần khiêm tốn. Cùng phục hồi sức sống cho kẻ có lòng ăn năn.’”
Câu Kinh Thánh này đem lại sự cáo trách nhiều nhất trong cuộc đời theo Chúa của tôi. Tôi thật sự sợ hãi và xấu hổ. Dường như Chúa nói với tôi: “Ronnie, ta ngự ở hai nơi: trên trời và với những ai có lòng khiêm nhường. Ronnie, con thiếu khiêm nhường và là một người tự phụ. Đó là vấn đề lớn nhất của con. Người khác không phải là vấn đề. Hội Thánh không phải là vấn đề. Lòng tự cao là vấn đề lớn nhất của con. Thật vậy, con chính là vấn đề lớn nhất của Hội Thánh. Hãy ăn năn ngay về tính tự cao của mình. Nếu Con muốn thấy sự phục hưng trong Hội Thánh và đất nước của con thì trước hết còn phải ăn năn về lòng tự cao của mình.”
Điều Chúa phán với tôi Chúa Nhật hôm đó vẫn còn rõ mồn một trong lúc tôi đang viết điều này cho bạn. Đức Chúa Trời làm việc một cách nghiêm túc. Ngài biết tôi có thể lắng nghe Ngài và làm điều Ngài muốn. Đó là thời điểm tôi hiểu ý nghĩa thật sự của việc bước đi với Chúa. Ngài muốn đi cùng với người khiêm nhường. Ngài không muốn đi với người tự cao. Buổi sáng sớm hôm ấy tôi thật sự xấu hổ trước mặt Chúa về tính tự cao của mình.
Tôi thú tội khi Thánh Linh Chúa cáo trách tôi. Tôi không chỉ tay vào người khác nữa. Tôi biết tôi là người có lỗi. Tôi cần phải trở nên người khiêm nhường. Nếu tôi muốn là một chiến sĩ cầu nguyện và thật sự là một người của Chúa. Trong nhiều năm tôi đã nỗ lực trở nên người Chúa muốn, nhưng buổi sáng hôm ấy, Chúa vạch trần con người thật của tôi. Chúa đã dùng Kinh Thánh để bày tỏ cho tôi con người thật của tôi mà Chúa đã biết bấy lâu. Tôi đã trưởng thành hơn từ trải nghiệm đó, nhưng hiện nay tôi vẫn còn phải đối diện với vấn đề đó.
Đã gần 25 năm từ buổi sáng sớm năm 1995, nhưng thỉnh thoảng Chúa thường nhắc tôi nhớ đến câu Kinh Thánh trong Gia-cơ 4:10: “Hãy hạ mình xuống trước mặt Đức Chúa Trời thì Ngài sẽ đề cao anh chị em.”
Vì sao Chúa hay nhắc tôi về câu Kinh Thánh này? Để tôi giải thích cho các bạn lý do.
Lòng tự cao là tội lỗi phỉnh dối hơn tất cả. Sự tự cao che mắt chúng ta và làm cho chúng ta đánh mất mọi thứ. Nó khiến A-đam và toàn thể nhân loại mất hết tất cả. Sự tự cao nguy hiểm bởi vì nó che đậy nhiều tội lỗi khác. Khi sự tự cao được vạch trần thì những tội khác trong đời sống bạn giống như vô số con rắn chui ra khỏi hang. Bạn không biết mình có những tội đó cho đến khi chúng được vạch trần.
Lòng tự cao là một trong những lý do chính khiến chúng ta không cầu nguyện. Vì sao? Bởi vì nó làm chúng ta thấy mình là quan trọng.
Hãy nhớ rằng bạn thiếu sự cầu nguyện bởi vì bạn muốn dựa vào sức mình.
Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng là ba môn đồ thân tín nhất của Chúa Giê-su. Họ cũng gặp khó khăn về lòng tự cao giống như chúng ta. Trong đêm Chúa Giê-su bị bắt, Ngài dặn dò các môn đồ ở lại cầu nguyện với Ngài. Họ cầu nguyện nhưng rồi ngủ thiếp đi. Chúa Giê-su dặn họ hãy tỉnh thức và cầu nguyện. Cả ba lần ba môn đệ của Ngài lăn ra ngủ. Họ cần ngủ hơn là quên mình đi để làm theo điều Chúa muốn họ làm. Đó là tại sao Chúa Giê-su hỏi Phi-e-rơ, Giăng và Gia-cơ: “Các ngươi không tỉnh thức với ta được một giờ sao?” (Ma-thi-ơ 26:40).
Hãy suy gẫm điều này một chút. Trong giờ phút khó khăn nhất trong cuộc đời Chúa Giê-su, những môn đệ của Ngài không có đủ kỷ luật để cùng tỉnh thức với Chúa trong sự cầu nguyện.
Phi-e-rơ, Giăng và Gia-cơ đã không thực hiện được điều Chúa Giê-su cần nơi họ. Trong thời điểm khó khăn đó họ không thể quên mình đi, nhưng thay vào đó họ đi ngủ. Và trong một vài giờ sau đó, Phi-e-rơ đã chối Chúa ba lần. Ba lần thiếu sự cầu nguyện dẫn tới ba lần chối Chúa. Không cầu nguyện sẽ không có năng lực. Không cầu nguyện sẽ không có sự can đảm. Không cầu nguyện sẽ không có chiến thắng.
Hãy nhìn lại đời sống của chính mình. Sự tự cao khiến chúng ta đặt mình lên trên hết và khiến chúng ta chỉ tay vào người khác. Một người tự cao sẽ không bao giờ nhận trách nhiệm về mình nhưng hay trách cứ người khác. Sự tự cao khiến bạn nghĩ mình quan trọng hơn Chúa. Bạn có tự cao hay không?
Lời Chúa cảnh cáo chúng ta nhiều lần về tội tự cao. Tác giả sách Châm Ngôn nói rằng: “Người tự cao sẽ bị hạ thấp; nhưng người có lòng khiêm nhường sẽ được tôn trọng” (29:23). Ở một chỗ khác ông nói rằng: “Khi kiêu ngạo đến, nhục nhã cũng đến, nhưng sự khôn ngoan đến với người khiêm nhường” (11:2).
Bạn có thấy đèn cảnh báo không? Chúa muốn cảnh báo anh chị em rằng sự tự cao sẽ hạ gục chúng ta. Hậu quả là chúng ta làm mất danh dự của chính mình và mất danh dự của Chúa. Không ai trong chúng ta cố ý làm điều này nhưng sự tự cao thường hay lừa dối. Sự tự cao sẽ che mắt của bạn và lừa dối bạn. Hãy hết sức cẩn thận vì sự tự cao có thể len lỏi vào tấm lòng của bạn. Trước khi bạn nhận ra điều đó, thì bạn đã bị hạ xuống và danh dự bị tổn thương.
Sự tự cao khiến bạn không cầu nguyện, bởi vì nó khiến bạn đánh giá cao khả năng của mình. Bạn không tự làm điều đó, nhưng Sa-tan muốn bạn tin rằng bạn có thể cậy sức của mình. Hậu quả của sự thiếu khiêm nhường là một đời sống thuộc linh thất bại.
Hãy buộc mình vào sự cầu nguyện. Buộc mình quỳ gối xuống. Cố gắng hết sức để đến với Chúa hằng ngày. Cầu nguyện lúc đi bộ, lúc đang ngồi. Hãy cố gắng hết sức để bước vào sự cầu nguyện. Khi bạn cầu nguyện thì bạn sẽ trở nên mạnh hơn và kẻ địch sẽ yếu hơn.
Bản Dịch Việt Ngữ: Mục Vụ Cầu Nguyện Phấn Hưng
Thư Viện Tin Lành (2024)
www.thuvientinlanh.org