Cầu Nguyện: Xây Dựng Mối Liên Hệ Mật Thiết Với Chúa – Phần 3
Nguyên Tắc Trò Chuyện Trong Sự Cầu Nguyện
Nhiều người trong số các bạn đã quen thuộc với các nguyên tắc trò chuyện trong sự cầu nguyện. Một người thực hành cầu nguyện sẽ luôn sẵn lòng đón nhận sự dạy dỗ, vì người đó ý thức được rằng Chúa sẽ bày tỏ cho họ những hiểu biết mới mẻ. Hãy dành thời gian suy gẫm về những nguyên tắc trò chuyện. Đừng để sự quen thuộc khiến bạn bỏ qua phần này.
Trong sự cầu nguyện có việc nói chuyện với Chúa một cách chân thật và không giấu giếm. Chúng ta sẽ đào sâu vào năm nguyên tắc trò chuyện khi cầu nguyện. Có thể bạn đã học qua những nguyên tắc này theo một thứ tự nào đó, tuy nhiên, trong phần này, tôi sẽ thảo luận cách tôi áp dụng nguyên tắc trò chuyện trong chính đời sống cầu nguyện của mình. Trong thì giờ cầu nguyện, tôi thường bắt đầu với nguyên tắc đầu tiên là xưng tội.
Nguyên tắc 1: Xưng Tội
Khi tôi viết những dòng này, chủ đề thú tội đã và đang được truyền thông nhắc đến rất nhiều. Năm ngoái, phong trào #MeToo đã đưa ra ánh sáng nhiều người dính líu đến hành vi lạm dụng, ngược đãi người khác. Phong trào này thành công đến mức nhiều người tham gia đã thú nhận về những việc đáng ghê tởm họ đã làm với người khác trong quá khứ. Các chương trình truyền hình, phát thanh, và thậm chí blog (nhật ký trên mạng) cũng tràn ngập những cuộc thảo luận xoay quanh phong trào #MeToo.
Phải nói rằng phong trào này đã làm được điều tốt, đó là gây tiếng 8 | SỰ CẦU NGUYỆN
vang và thúc giục nhiều người thú tội những gì họ đã sai với người khác; nhưng có một việc quan trọng hơn nữa là chúng ta hiểu được mức độ cần thiết của việc xưng tội với Chúa mỗi ngày. Bên cạnh đó, chúng ta còn một nhu cầu lớn nữa, đó là xưng ra với Chúa những sự yếu đuối của chúng ta mỗi ngày.
Đây là lý do vì sao tôi thích bắt đầu thì giờ cầu nguyện cá nhân bằng sự xưng tội. Sự xưng tội có hai phần. Điều đầu tiên trong quá trình xưng tội mà tôi thực hiện hàng ngày khi cầu nguyện, là xưng nhận rằng tôi không là gì cả nếu không có Chúa. Tôi kêu cầu với Chúa, trình dâng lên Ngài tình trạng vô vọng của mình. Tôi tuyên xưng rằng tôi không đủ sức và cần có thời gian tương giao với Ngài trong sự cầu nguyện. Tôi thường dẫn Lời của Chúa phán với các môn đồ: “Vì ngoài Ta, các ngươi chẳng làm chi được.” (Giăng 15:5). Hàng ngày tôi đều kêu cầu với Chúa rằng tôi chẳng là chi hết nếu không có Ngài.
Điều thứ hai tôi làm trong quá trình xưng tội khi cầu nguyện hàng ngày, đó là xưng nhận tội lỗi. Mỗi ngày chúng ta đều cần phải xưng nhận với Chúa những tội lỗi mình đã phạm. Tôi sẽ giải thích kỹ hơn. Chúa Giê-su đã hướng dẫn chúng ta rất rõ ràng về việc cầu nguyện với Đức Chúa Trời: “Xin tha tội lỗi cho chúng con” (Lu-ca 11:4). Đây là lời nhắc nhở rằng các tín đồ của Đấng Christ phải xưng nhận tội lỗi mình với Đức Chúa Trời.
Nhiều Cơ Đốc nhân cũng đã quen thuộc với lời hứa chép trong 1 Giăng 1:9: “Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác.” Những lời đầy khích lệ này nhắc nhở rằng mỗi một tín đồ đều cần được tha thứ tội lỗi một cách cá nhân.
Chữ xưng tội dùng trong Kinh Thánh Hy Lạp là chữ “homologeo”, có nghĩa là “nói theo cách nói của Chúa.” Vì thế, khi chúng ta xưng tội mình, chúng ta có nhìn nhận theo cái nhìn của chính Chúa. Giáo sư Kinh Thánh John McArthur viết: “Thật lòng xưng tội nghĩa là phải cảm thấy ghê tởm về tội lỗi ấy, đồng thời tự xét và đau buồn vì sự vi phạm của mình. Đó là ý nghĩa của việc nói giống như điều Chúa nói về tội lỗi.”1
Xưng tội không chỉ dừng lại ở chỗ thừa nhận với Chúa là mình có tội. Hơn thế, chúng ta cần nhìn thấy tội của mình trong ánh sáng thánh khiết của Chúa, ghê tởm và đau buồn về tội lỗi giống như Chúa. Trong sự xưng tội không có việc che đậy sự thật hoặc là nói không đúng sự thật. Sự xưng tội thật sự là phơi bày chính mình ra trước mặt Chúa và người khác về hành vi tội lỗi của mình.
Trải qua nhiều năm khi tôi xưng tội của mình, tôi thường cố gắng hiểu được Chúa có thái độ ra sao về tội của tôi. Tôi khổ sở vì mình đã vi phạm những đặc quyền mà Đức Chúa Trời yêu thương thánh khiết đã ban cho tôi. Tôi cầu nguyện: Lạy Chúa, con đáng phải đi vào địa ngục và mồ mả vì tội của mình. Cảm ơn Ngài đã trả thay tội lỗi cho con tại thập tự giá. Cảm ơn Ngài đã tha thứ tội lỗi của con.
Tôi dành thời gian để xin Thánh Linh Chúa bày tỏ những tội lỗi mà tôi đã phạm với người khác và với Chúa. Trong lúc đó, tôi xin Chúa cho tôi thấy được suy nghĩ của Ngài về những tội này. Tôi tin rằng Đức Chúa Trời quan tâm đến thái độ của tôi với tội lỗi hơn là tội lỗi mà tôi đã phạm.
Tôi vô cùng kính sợ Chúa vì tôi biết bản chất thánh khiết của Ngài, do đó, lời cầu nguyện của tôi có hiệu quả hơn khi tôi xưng ra những sự vi phạm của mình trước mặt Chúa và nhận được sự tha thứ của Ngài. Tôi cảm ơn Chúa về thập tự giá, vì nhờ sự hy sinh của Ngài mà tôi được tha thứ và có thể đứng trước mặt Chúa.
Chúng ta không thể nào quên điều quan trọng này. Chúng ta có thể dạn dĩ đứng trước mặt Chúa bởi vì Chúa Giê-su đã hoàn thành công việc của Ngài tại thập tự giá. Chúng ta được bao bọc bằng sự công bình của Chúa Cứu Thế Giê-su. Khi Đức Chúa Trời nhìn chúng ta, Ngài thấy sự công nghĩa của Con Ngài. Nhờ đó, Ngài nhìn chúng ta như thể chúng ta chưa từng phạm tội.10 | SỰ CẦU NGUYỆN
Nguyên Tắc 2: Ca Ngợi
Khi tôi dành thời gian cho Chúa, thừa nhận với Ngài tôi cần Ngài và xưng nhận tội lỗi của mình, lòng tôi tràn ngập niềm vui. Vì tôi đã nhận được sự thương xót của Ngài nên tôi sẵn sàng bước vào sự ca ngợi Chúa.
Ca ngợi là bày tỏ tình yêu và lòng ngưỡng mộ với Chúa. Trọng tâm của sự ca ngợi không phải là những điều Chúa làm mà là bản chất của Ngài. Tôi cảm thấy thoải mái hơn khi ở gần những người chấp nhận con người thật của tôi, vì phần đông chỉ muốn liên hệ với tôi bởi vì chức vị của tôi.
Vì chúng ta được tạo dựng trong hình ảnh của Chúa, tôi tin rằng Ngài muốn chúng ta ca ngợi bản tính của Ngài chứ không phải chỉ ca ngợi công việc của Ngài. Vì thế mỗi ngày tôi muốn tập trung vào ba bản tính của Đức Chúa trời. Ví dụ hôm nay tôi ca ngợi sự thánh khiết, lòng khoan dung và tình yêu thương của Chúa. Ngày mai có thể cũng những đặc tính đó hoặc đặc tính khác. Tóm lại, sự ca ngợi là hướng về Chúa và ca tụng Ngài.
Nguyên Tắc 3: Cảm Tạ
Sự cảm tạ khác với sự ca ngợi. Các anh chị em nhớ đừng nhầm lẫn hai điều này với nhau.
Ca ngợi là ca tụng bản chất của Chúa còn cảm tạ là tạ ơn Chúa vì những điều Ngài làm cho bạn. Trong sự cảm tạ bạn dâng lên Chúa lời cảm ơn về những điều Ngài đã làm cho đời sống bạn, vì Ngài đáp ứng nhu cầu của bạn.
Tôi thích nghe chữ cảm ơn khi tôi làm điều gì cho một người nào đó. Tuy nhiên tôi không làm ơn cho người khác nhằm mục đích được người ta cảm ơn. Tôi làm bởi vì tôi yêu mến họ.
Chúa yêu bạn. Ngài thường xuyên hành động trong cuộc đời bạn. Đôi khi bạn nhận thức được và thỉnh thoảng bạn không nhận ra những việc Chúa đang làm trong đời sống, nhưng dù bạn nhận thức được hay không, Ngài vẫn đang hành động.
Hãy dành thời gian hàng ngày để cảm tạ Chúa. Cảm tạ Chúa về những ân phước thuộc thể. Cảm tạ Chúa về những người Chúa dùng để đem lại phước hạnh cho đời sống chúng ta. Cảm tạ Chúa về ơn phước thuộc linh khi chúng ta bước với Ngài và giao phó cho Ngài mọi điều trong đời sống chúng ta. Hãy tạo cho mình một thói quen cảm tạ Chúa.
Nguyên Tắc 4: Kêu Cầu
Khi tâm hồn tôi tràn ngập lòng biết ơn thì tôi có thể phó thác đời sống mình cho Chúa. Tôi không nghĩ rằng dâng lên Chúa những nhu cầu cá nhân là ích kỷ. Ngược lại, khi tôi cầu nguyện, điều đó cho thấy tôi nhờ cậy Chúa. Vì Chúa quan tâm đến tôi và cuộc đời của tôi, tôi tin rằng Ngài muốn tôi kêu cầu Chúa về bất cứ điều gì mà lòng tôi quan tâm.
Tôi bắt đầu thì giờ kêu cầu Chúa bằng cách phó thác đời mình cho Chúa. Tôi trao cho Ngài tâm trí, ý chí, tình cảm, tinh thần, thân thể, thái độ, cái lưỡi, những động cơ, những ước mơ, những mục tiêu, quá khứ, hiện tại, tương lai, gia đình và công việc của tôi. Tôi xin Chúa dùng Thánh Linh Ngài điều khiển tôi. Tôi muốn hoàn toàn được ở trong sự kiểm soát và hướng dẫn của Đức Thánh Linh.
Hàng ngày tôi cầu xin Chúa biến tôi thành một người được Chúa xức dầu. Tôi không muốn người ta biết tôi là Tiến sĩ Floyd, nhưng nhớ đến tôi như là một người của Chúa, một người được Chúa đụng chạm cách đặc biệt. Tôi xin Chúa xức dầu cho tôi và bao phủ tôi bằng quyền năng của Chúa Giê-su để tôi có thể thấy được điều Ngài thấy, nghe được điều Ngài nghe, cảm nhận điều Ngài cảm nhận, nói điều Ngài nói trong tất cả mọi hoàn cảnh của cuộc sống.
Hàng ngày tôi cầu xin Chúa biến tôi thành một người được Chúa xức dầu. Tôi không muốn người ta biết tôi là Tiến sĩ Floyd, nhưng nhớ đến tôi như là một người của Chúa, một người được Chúa đụng chạm cách đặc biệt.
Trong lúc kêu cầu Chúa, tôi trình dâng lên Chúa những nhu cầu cá nhân, về cuộc sống, về chức vụ mà Chúa đã giao cho tôi. Những điều tôi trình dâng lên Chúa có thể là những vấn đề tôi muốn trao phó trong tay Ngài, có thể là những khúc mắc, ưu tư tôi muốn bày tỏ với Chúa. Đức Chúa Trời biết mọi điều về tôi. Ngài có thể đáp ứng những nhu cầu của tôi. Vì thế, tôi tạo cho mình một kỷ luật là sửa soạn tấm lòng hoàn toàn thành thật và không giấu giếm bất kỳ điều gì trong khi cầu nguyện. Tôi tin rằng điều này quan trọng đối với Chúa.
Sau khi đã xưng tội, ca ngợi, cảm tạ và kêu cầu, giờ đây tôi có thể bước vào một phần quan trọng khác của sự cầu nguyện.
Nguyên Tắc 5: Cầu Thay
Khi tôi nghĩ về sự cầu thay, tôi tưởng tượng mình đang đứng giữa Cha thiên thượng và người mà tôi đang cầu nguyện cho lúc đó. Lời cầu nguyện của tôi giống như một sợi dây kết nối hai bên. Tôi tin rằng Chúa đặt để một người nào đó và những nhu cầu của người này trong tâm trí tôi, và Chúa muốn hành động trong đời sống người ấy.
Trong giờ cầu thay, Tôi thường bắt đầu bằng việc cầu nguyện cho gia đình của tôi. Tôi đề cập đến từng thành viên trong gia đình và những nhu cầu cá nhân mà tôi biết được.
Chẳng hạn như Josh, con trai đầu của tôi, là huấn luyện viên trưởng môn bóng bầu dục tại trường cấp 2 Hewitt-Trussville ở thành phố Trussville, Alabama, trong khu đô thị Birmingham. Tôi cầu nguyện cho tương lai của cháu và xin Chúa dùng cháu gây ảnh hưởng đến nhiều bạn trẻ khác.
Nick, con trai út của tôi, đang là mục sư giảng dạy và trưởng ban điều hành tại Hội Thánh Thập Tự. Hàng ngày tôi cầu nguyện cho Nick trong sự giảng dạy và lãnh đạo ban điều hành của hội thánh.
Cả hai con trai chúng tôi đã cưới vợ và có gia đình riêng. Tôi cầu nguyện cho vợ của Josh là Kate và vợ của Nick là Meredith. Khi cầu nguyện, tôi nêu tên các cháu của tôi: Peyton, Reese, Parker, Beckham, Jack, Norah và Maya.
Dĩ nhiên là hàng ngày tôi cầu nguyện cho Jeana, vợ của tôi. Mỗi đêm, chúng tôi cầu nguyện với nhau trước khi đi ngủ. Trong giờ này chúng tôi một lần nữa cầu nguyện cho con trai và các cháu của chúng tôi cũng như những người mà chúng tôi biết đang cần sự cầu thay.
Một trong những điều quan trọng nhất mà tôi cầu nguyện cho gia đình hàng ngày đó là chúng tôi được bao phủ bằng khí giới của Chúa. Tôi dùng lời Chúa trong Ê-phê-sô 6:10-18 trong khi cầu nguyện vì điều này là quan trọng. Chúng ta cần khí giới của Chúa trong đời sống. (Tôi sẽ đào sâu hơn về khía cạnh này trong chương 10).
Sau khi cầu thay cho gia đình, tôi tiếp tục cầu thay cho nhu cầu của hội thánh. Là mục sư quản nhiệm, tôi thấy Chúa đặt để trong mục vụ của mình ba điều ưu tiên đó là: hướng dẫn, giảng dạy và cầu thay cho dân sự của Chúa. Tôi trình dâng nhu cầu của các tín hữu lên cho Chúa.
Trong giờ này tôi cầu thay cho những người chưa biết Chúa một cách cá nhân. Tôi nhắc đến tên của họ. Tôi cầu nguyện để Chúa làm việc trong đời sống họ để họ thấy mình cần Chúa tôi xin Chúa cho tôi cơ hội làm bạn và chia sẻ Phúc Âm cho họ. Tôi cũng dành thời gian để cầu nguyện cho những người tôi chưa biết nhưng họ cần Chúa Giê-su. Chúa yêu thương những người lạc mất. Tôi tin rằng chúng ta cần phải cầu nguyện cho những người xung quanh được cứu rỗi linh hồn.
Để kết thúc giờ cầu thay, tôi cầu nguyện cho những người xin tôi cầu nguyện cho họ và những người mà Chúa đặt để trong lòng tôi một cách đặc biệt.
Đôi khi chỉ cầu nguyện thì chưa đủ. Chúng ta cần bày tỏ hành động quan tâm giúp đỡ một cách cụ thể. Tuy nhiên, Oswald Chambers nhắc chúng ta sự cầu nguyện không giúp chúng ta làm việc tốt hơn. Chính sự cầu nguyện là một việc tốt hơn mà chúng ta cần làm. Cho dù bạn cầu nguyện ở đâu thì sự cầu nguyện cũng là một trận chiến.2
Khi bạn trò chuyện với Chúa, đó là khi bạn cầu nguyện một cách hiệu quả. Năm nguyên tắc trong sự cầu nguyện là xưng tội, ca ngợi, cảm tạ, cầu xin và cầu thay.
Hãy thực tập những nguyên tắc này. Hãy trưởng thành trong sự cầu nguyện. Đồng thời, hãy quan sát những người khác áp dụng nguyên tắc đó. Tuy nhiên, đừng quên là lời cầu nguyện hiệu quả phải có phần lắng nghe tiếng Chúa.
Bản Dịch Việt Ngữ: Mục Vụ Cầu Nguyện Phấn Hưng
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org