Sống Với Thánh Kinh: 4/3/2014
Sống Với Thánh Kinh: 4/3/2014
Dân Số Ký 12:1-16
Môi-se, Đầy Tớ Trung Thành của Đức Chúa Trời
“Nhưng với đầy tớ Ta là Môi-se… người thật trung tín trong cả nhà Ta. Ta nói chuyện với người miệng đối miệng một cách rõ ràng, không lời bí ẩn, và người thấy hình dạng Đức Giê-hô-va” (câu 7, 8 BTTHĐ).
Câu hỏi suy ngẫm: Vì sao ông A-rôn và bà Mi-ri-am nói
hành ông Môi-se? Kinh Thánh chứng nhận ông Môi-se là người thế nào? Việc bà Mi-ri-am bị bệnh phong hủi nói lên điều gì? Bạn học được gì qua việc nói hành một đầy tớ được xức dầu của Chúa?
Sau 40 năm sống trong cung vua Ai Cập, tiếp đó là
40 năm trong hoang mạc Ma-đi-an, ông Môi-se không
tiếp xúc với người Do Thái, nên việc cưới một người
nữ Ê-thi-ô-pi là việc bình thường. Bà Mi-ri-am và ông
A-rôn (anh và chị ruột) dùng việc nầy làm cái cớ chống
đối ông Môi-se, nhưng thực chất họ ganh tị với ông
Môi-se về quyền lãnh đạo người Ít-ra-ên. Họ muốn tạo
ảnh hưởng cá nhân với người Ít-ra-ên như ông Môi-se,
hoặc truất phế ông Môi-se. Họ có chức vụ tiên tri và tế
lễ, nhưng họ không bằng lòng với chức vụ Chúa ban, họ
muốn làm lãnh đạo, muốn ngôi vị cao nhất chứ không
muốn phục vụ theo ân tứ. Câu 3 nói: “Môi-se là người
rất khiêm hòa hơn mọi người trên thế gian.” Ông không
chống lại anh và chị mình, và cũng không tự tôn trong
chức vụ lãnh đạo. Chúa biết phẩm giá của ông Môi-se
khi Ngài giao chức vụ cho ông.
Đức Chúa Trời gọi ông Môi-se, bà Mi-ri-am, và ông
A-rôn đến, Ngài không nhắc lại sự kiện ông Môi-se cưới
người nữ ngoại bang, có nghĩa là đây không phải là việc
sai, và cũng không phải việc chính của cuộc tranh chấp.
Ngài tuyên bố Ngài chọn và ưu đãi ông Môi-se đặc biệt
hơn cả một tiên tri vì Ngài hiện ra trực tiếp phán với ông
“miệng đối miệng” (câu 8), Chúa chứng minh việc ưu
đãi và chức vụ của ông Môi-se là đến từ Chúa, không do
ông Môi-se tự tôn hay tự chọn.
Đức Chúa Trời nổi thịnh nộ cùng bà Mi-ri-am, vì
bà là người chủ xướng, bà bị phạt bằng bệnh phong
hủi. Đây là bằng chứng cụ thể xác nhận chức vụ của
ông Môi-se, và hình phạt người chống lại đầy tớ Ngài.
Không hề có lời phàn nàn, ông Môi-se tha thiết cầu xin
Chúa chữa lành cho chị mình. Chúa hứa chữa lành cho
bà sau một tuần lễ bà bị truất ra khỏi trại quân Ít-ra-ên,
Đức Chúa Trời yêu thương, tha thứ, nhưng Ngài cũng
hình phạt để người có tội biết ăn năn. Đức Chúa Trời
bày tỏ uy quyền để bảo vệ ông Môi-se, Ngài làm phép
lạ, Ngài hình phạt bà Mi-ri-am để làm gương cho “cả
gia đình – nhà Ít-ra-ên.” Dù ông A-rôn không bị hình
phạt trực tiếp, nhưng ông cũng đã biết tội mình và ăn
năn, “xin đừng trừng phạt chúng tôi về tội lỗi mà chúng
tôi đã phạm cách dại dột” (câu 11). Chúng ta phải cẩn
thận trong việc xét đoán người mà Đức Chúa Trời đặt để
trong vai trò phục vụ Chúa để lãnh đạo chúng ta.
Bạn có phải là người khiêm nhường trong sự phục
vụ Chúa không? Có khi nào bạn nói hành người phục vụ
Chúa không? Hãy cẩn thận, e rằng bạn đang kiêu ngạo,
muốn tranh giành ảnh hưởng theo ý riêng chăng? Chúa
có một chỗ cho bạn trong nhà Đức Chúa Trời để phục
vụ như một đầy tớ trung thành. Hãy đến, xin Chúa chỉ
cho bạn?
Lạy Chúa, xin triệt hạ sự kiêu ngạo của con vì kiêu ngạo sẽ
giết chết con, xin ban cho con ân tứ, dù nhỏ nhất, để con phục vụ Ngài như đầy tớ trung thành của Ngài.
*Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Xa-cha-ri 3.
Văn Phẩm Nguồn Sống
http://www.vpns.org
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org